Chuyến hành hương của thời gian - Chương 02

Chương 2.

Tờ mờ sáng, tiếng hát của Hoa Thần Vũ phát ra từ cái điện thoại đặt cuối đuôi giường làm tôi thức giấc. Tôi hé mắt, nhìn ra cửa sổ. Sương vẫn còn giăng kín lối, từ trên xuống dưới, trắng xóa cả một vùng.

Gà còn chưa gáy. Chưa nghe tiếng đài phát thanh từ cái loa treo cao cao ở đầu thôn. Trong bếp còn vắng tiếng ấm nước sôi hú còi mỗi sáng dượng pha trà. Nhà bên vẫn chưa đánh máy cày lên rẫy. Không gian tĩnh lặng, đến mức, tiếng kim đồng hồ phát ra từ phòng Bôn phía bên kia của hành lang, tôi còn nghe rõ.

Tôi trở mình, đắn đo, nên hay không gọi anh ta dậy.

Sớm nay, tôi trở lại công việc sau kỳ nghỉ phép dài ngày.

Trạm y tế xã - nơi tôi làm, chỉ có hai bác sĩ, hai y sĩ, một dược sĩ, bốn con người ngày ngày quẩn quanh trong khu cơ quan nhỏ, làm thứ công việc nhiều không nhiều, ít không ít, nặng chẳng phải, mà nhàn hạ cũng không.

Bệnh nhân đôi lúc dăm ba người mang bảo hiểm tìm đến, nhờ chúng tôi xác nhận chuyển lên tuyến trên điều trị, có người vào truyền nước, rửa vết thương, lại có người vào nhận thuốc trợ cấp. Mỗi ngày ngồi đếm, chắc vô ra không quá hai chục người. Đông nhất, có lẽ là vào những ngày khám sức khỏe và tiêm phòng cho trẻ.

Vào hè, thời tiết ở vùng núi ngày càng thất thường hơn. Khí trời lúc ẩm nồng, khi mưa lạnh. Người lớn như tôi mới đó đã bị cảm hai, ba lần.

Hôm nay là đợt tiêm phòng đầu tiên trong quý, tôi phải đến trạm từ sớm, chuẩn bị vài thứ trước giờ thăm khám bé bắt đầu.

Đã mười lăm phút kể từ lúc tỉnh giấc, tôi vẫn nghĩ chưa thông. Nếu không nhờ Bôn lấy xe ô tô chở ra quốc lộ, tôi không còn cách nào khác ngoài đi bộ.

Đường từ thôn ra xã mấy hôm nay vẫn còn nát bét, đi xe máy mà không vững tay lái, thế nào cũng bị trơn trượt. Tôi lái xe được, có điều chiếc xe Cup của tôi đã thực sự quá cũ rồi, trưa hôm qua tôi lái nó đi, vừa được nửa đường thì bị bùn dính kẹt cứng vào bánh, lôi cả cỏ rơm quấn chặt vào tăm xe. Ráng đi thêm đoạn nữa liền bị trượt, té bịch một cái, cả người cả xe đen như trâu lội sình.

Đi bộ cũng thực sự khó khăn, phải xắn quần thật cao, muốn chân không bẩn phải mang ủng. Sau đó khó nhọc lội qua đừng đụn sình và vũng nước lớn, đi khoảng ba cây, ra đến đường cái, tìm một chiếc xe ôm mới có thể đến nơi làm..

Tôi nằm mường tượng, tự dưng phát nản. Cuối cùng, tôi ra quyết định, nhờ Bôn.

Chỉ vài phút sau khi tin nhắn nhờ vả của tôi được gửi đi, ngoài hành lang truyền đến tiếng dép đi loẹt xoẹt, đến trước cửa phòng tôi thì dừng lại. Sau tiếng gõ cửa, Bôn liền nói:

- Kỳ Như, đợi anh khoảng mười phút nha, anh cũng đi làm luôn.

- Được.

- Nhớ mặc áo ấm một chút, sương dày lắm.

- Vâng.

Đến bây giờ, Bôn đối với tôi, chắc là người gần gũi trong cuộc sống. Tôi không ngại Bôn, cư xử với anh ta cũng rất đỗi bình thường. Năm tháng trôi qua, ở chung dưới một mái nhà, cùng ăn một bữa cơm, cũng có thể coi là một gia đình rồi.

***

Năm giờ năm mươi phút sáng, chúng tôi ra khỏi nhà.

Màn sương dày đặc như một bức tường vững chắc, chặn lại chút ánh sáng vàng yếu ớt chiếu ra từ mui xe. Trên con xe bán tải nhỏ, đã bạc trắng màu, Bôn tập trung cầm chắc bánh lái, ánh mắt đăm đăm nhìn về phía trước. Tôi buồn ngủ, tựa đầu vào cửa kính xe. Cái đài cũ đã bắt đầu phát ra bản nhạc dạo cho bản tin buổi sớm của đài tiếng nói quốc gia.

Mãi một lúc lâu, chúng tôi mới ra tới được đường quốc lộ. Sau đó mất gần mười phút nữa để đến trạm y tế. Lúc này Bôn thả lỏng, quay sang nhìn tôi xuống xe:

- Sương dày thế này hôm nay chắc lại mưa?

- Cũng không biết nữa.

- Chiều đợi anh đón về.

- Vâng.

Bôn gật đầu, không nói nữa. Trông anh ta có vẻ vội vàng.

Đi làm sớm như thế, hẳn là bị gọi đi đột xuất. Công việc của Bôn, nửa đêm canh ba cũng có thể bị triệu tập, có hôm anh ta đang tắm, bỗng dưng đùng đùng từ nhà tắm chạy ra, trên đầu còn chưa sạch bọt xà phòng, vội vã chạy đi.

Tôi dập cửa xe. Trong màn sương mờ còn chưa tan hết, nhìn chiếc xe nhỏ dần đi xa mất dạng.

Phòng họp cơ quan đã có hai người đến. Cô Oanh bác sĩ là trạm trưởng, đang viết kế hoạch lên cái bảng trắng bên phải cửa vào, cô Hương y sĩ đang xắp xếp y cụ. Tôi vừa tới, chào hỏi qua loa rồi vào phòng lưu trữ vắc-xin làm việc của mình. Lát sau, hình như My y sĩ cũng tới, ba người họ ăn sáng cùng nhau, nói chuyện rôm rả.

Tôi thở phào, may vì mình đã trốn vào đây từ trước.

Tôi không phải muốn tách biệt với mọi người, cũng không muốn ít nói. Chỉ là tôi sợ.

Ngày tôi mới vào làm việc còn cố gắng cười nhiều, cố kết thân với bọn họ. Có điều họ thực sự kỳ lạ, luôn bày ra bộ dạng khinh khỉnh, khi dễ gần, khi hời hợt, tôi sống theo tâm trạng của họ, thực sự mệt mỏi.

Là nơi chỉ có phụ nữ ngày ngày va chạm, chẳng biết là bạn hay là thù. Có lần tôi vô tình đưa chân đá đá, chỉnh cái thùng bông băng ở dưới cùng bị đặt hơi méo. Cô Hương trông thấy liền cao giọng dạy dỗ:

- Trời ơi, cái thùng đồ của người ta còn chưa xài mà dạng háng ra đá, ai nhìn thấy họ kiến nghị bây giờ. Cúi xuống chỉnh một cái có gì đâu mà khó. Lười thì thôi đừng làm. Con gái con đứa!

Lúc đó tôi chỉ có thể đứng cười trừ, tưởng vậy là xong chuyện. Nào ngờ, cô Hương gặp ai cũng mang ra kể, bọn họ thao thao bất tuyệt, bình phẩm sau lưng tôi. Chỉ từ một cái đá chân, mang ra nói cả về con người tính cách. Như thể nếu họ nghiêm túc thảo luận xong, tôi sẽ trở thành người như họ muốn.

Sau lần đó, tôi trở nên xa cách, không cố kết thân với ai nữa, cư xử luôn thận trọng. Một trạm y tế bé con con cũng khiến tôi trở nên phiền não.

Tôi chuẩn bị vắc-xin và y cụ thêm một lúc thì phụ huynh cùng trẻ lần lượt xuất hiện, càng lúc càng đông. Cái sân vắng hôm nay được lấp đầy xe, từ trong ra ngoài khuôn viên trạm chật kín người, dù đã bốc số họ vẫn chen nhau đứng, tuyệt nhiên bỏ qua thứ tự. Tiếng bé khóc, tiếng người lớn trò chuyện xôn xao. Không gian ngột ngạt vô cùng.

Tôi đang ngồi thăm khám tổng quát, nghe rõ hai cô kia nói:

- Bé nhà chị cao hơn bé nhà em.

- Nhưng bé nhà chị gầy quá, tròn tròn như bé nhà em mới khỏe.

- Em chỉ sợ nó không thông minh.

- Ừ cái đó mới quan trọng nhất. Lớn lên có học hành giỏi giang không đây?



Đang viết sổ theo dõi bệnh nhi, tôi khẽ thở dài. Hai đứa bé chỉ mới ba tháng tuổi đó, còn đỏ hỏn trên tay đã bị so sánh, áp đặt rồi. Không biết mười năm, mười lăm năm nữa, chúng sẽ thành thanh mai trúc mã, hay là thành con người ta trong mắt mẹ đối phương.

Tôi cứ thế nghe những đoạn hội thoại giống nhau cả một buổi trời.

Đầu giờ chiều, người dần vãn bớt. Chỉ còn vài phụ huynh nhà xa vừa mang con đến.

Tôi ngồi lâu sinh mỏi đành đứng dậy ra hành lang vận động thân mình. Lúc này mới nghe vài người bàn tán:

- Giết xong chôn sau nhà cả tháng. Sáng nay tự tử rồi.

- Sao tự tử?

- Không biết. Chắc cắn rứt, ám ảnh quá, nên chết theo. Ghê quá mà.

- Dám giết người!

- Sáng sớm nay mẹ nó sang tìm, thấy nó thắt cổ bằng dây điện mới tri hô lên. Tui đi chợ về nghe nói thế cũng chạy sang, mà lúc đó công an vây kín rồi nên không thấy gì cả. Nghe bảo uống thuốc sâu trước rồi mới thắt cổ sau. Để lại hai lá thư.



Tôi còn muốn nghe thêm nữa thì bị gọi trở về vị trí, bận rộn làm việc, dọn dẹp đến chạng vạng mới xong. Lúc không còn tập trung nữa mới nhận ra bên ngoài đã lất phất mưa rồi. Đồng hồ chưa điểm đến bốn giờ mà trời đã tối sầm. Mây đen giăng kín từ thung lũng đến dãy núi đằng đông. Gió lồng lộn, tung hoành thổi quần quật một vùng.

Mấy người trong trạm vừa rãnh rỗi cũng bắt đầu nói về vụ án tôi nghe được ban trưa.

Ở xã bên, sáng nay người ta phát hiện ra một vụ giết người. Người chồng nghi vợ lăng nhăng nên đã ra tay giết vợ, sau đó chôn sau nhà. Trong vòng một tháng sau khi giết vợ, anh ta sống khép kín, thường xuyên đi chùa. Ai hỏi đến vợ thì anh ta bảo “Theo trai rồi.” Hai ngày trước, anh ta mang con đi gởi nhà mẹ. Sáng nay người mẹ sang tìm thì thấy anh ta tự tử. Hai bức thư để lại, một là trăn trối, hai là kể lại quá trình sát hại và nơi chôn vợ mình.

Tôi biết hết câu chuyện, bỗng thấy rùng mình. Tôi còn không dám giết con vật gì bao giờ cả.

Lúc nhỏ, có lần đang ngồi dưới bếp nấu cám heo, đúng lúc đến giờ tivi chiếu phim Hoàng Cung, tôi vừa nghe thấy nhạc phim liền nôn nóng chết đi được, chạy phắt từ nhà dưới lên trên. Đang chạy thì cảm giác chân vừa đạp lên thứ gì đó, trượt một cái, ngay lập tức nghe một tiếng “Quác!” rồi im bặt. Tôi nhìn xuống. Trời đất thiên địa! Vội quá, mắt mũi đặt trên đỉnh đầu, lỡ chân đạp phải một con gà con lớn bằng nắm tay. Nó bị tôi đạp cho xẹp lép, chết ngay tại chỗ. Tôi sợ quá, ngay cả ở trong nhà cũng không dám, trưa nắng chạy ra ngồi dưới gốc phượng ngoài sân, từ đó nhìn vào tivi đặt trong nhà, vừa xem phim, vừa khóc.

Sau này, những năm tháng học ở trường trung cấp Y đã rèn giũa tôi trở nên dũng cảm hơn, có thể thường xuyên tiếp xúc với máu me, xác chết. Cò điều, cũng như mọi người, những câu chuyện giết người vẫn khiến tôi sợ hãi.

Tôi nhìn những giọt mưa bám trên ô cửa kính, giọt này chạy xuống, nhập cùng giọt khác, mỗi lúc một nặng rồi bắt đầu chảy thành dòng. Không biết Bôn đã hoàn thành nhiệm vụ chưa, nếu chưa xong, mưa càng ngày càng lớn, anh ta và đồng nghiệp sẽ rất cực.

Tôi đang mải suy nghĩ thì My bước vào, thái độ nói chuyện với tôi tươi tắn hơn bình thường:

- Kỳ Như! Anh trai bạn tìm bạn kìa.

- Hở? Anh trai?

- Ờ, anh bạn đang đợi đó.

Tôi khó hiểu đi ra ngoài, từ cửa phòng khám bệnh rẽ phải vào hành lang, nhìn thẳng liền thấy Bôn đứng trước hiên cửa chính, tay cầm cái ô chưa mở đang nhỏ nước, tay đút vào túi quần tây đã tương đối bạc màu. Anh ta không mặc áo khoác, vì lạnh mà hai vai nhô lên, cơ thể hơi co lại, nhìn rất thảm thương.

Thấy tôi xuất hiện, Bôn cười mỉm, đi đến đứng chặn ngay trước cửa. Tôi với anh ta, một trong một ngoài, một khô ráo một ướt át, chỉ cách nhau một cái bước chân là hai không gian đối lập hoàn toàn.

- Đi. Về!

- Sao nãy không vào trong trú?

- Không, mắc cỡ lắm.

Bệnh thần kinh!

Tôi mặc kệ anh ta, quay vào để lấy đồ. Lúc trở ra thì loáng thoáng nghe tiếng My nói:

- Anh trai thôi cô.

Mấy người đó, rút cuộc chắc cũng nhẹ nhõm rồi. Hẳn là lần nào thấy Bôn đưa đón tôi họ cũng tò mò đến phát điên. Đoán già đoán non hôm nay lại được chính “Anh trai” giải đáp.

Tôi và Bôn nhanh chóng lướt qua màn mưa để vào xe.

Trong khoảng không gian nhỏ bé và đặc sệt, có chút mùi formon thoang thoảng. Mùi này, người bình thường ngửi phải thường thấy khó chịu, ví dụ như dượng hoặc Trúc Linh. Còn tôi tương đối quen rồi. Bôn thì không cần nói nhiều nữa.

Năm đó tôi lỡ kỳ thi đại học, năm tiếp theo trường cảnh sát lại không tuyển nữ sinh ở khu vực mà tôi ở. Cuối cùng, tôi bỏ lỡ ước mơ từ thuở bé, đành theo học hệ trung cấp tại một trường Y ở thành phố.

Khi tôi vào học kỳ một của năm nhất, Bôn đã tốt nghiệp xong. Anh ta xuất sắc thi đậu nội trú. Tôi vẫn còn nhớ rõ, hôm các tân bác sĩ nội trú chọn ngành học, Bôn là người thứ bảy lên chọn - là người đầu tiên và duy nhất chọn khoa Tâm thần, cả hội trường vỗ tay giòn giã, thầy trưởng khoa Y còn đích thân lên tuyên dương vì sự lựa chọn của anh ta.

Sau đó, Bôn mới học ngành Tâm thần học được một năm, lại đột ngột chuyển qua học pháp y khoảng hai năm, rồi về tỉnh công tác. Chẳng ai hiểu vì sao Bôn lại xoay mòng mòng như thế.

Dượng trước sau không tỏ thái độ phản đối gì, chẳng qua lâu lâu lại bảo “Làm cái nghề gì cực quá!”. Chỉ có mấy người họ hàng suốt ngày tặc lưỡi than tiếc “Nó mà cứ như người ta giờ giàu phải biết!”

Tôi bất giác quay sang nhìn người bên cạnh.

Bộ đồ anh ta đang mặc không phải là bộ đồ lúc sáng. Chắc hẳn trước khi quay về, anh ta đã tắm rửa ở cơ quan. Những bộ đồ để ở đó, lúc nào cũng bị vương mùi formon ít nhiều.

- Em nhìn lâu thế? Anh mắc cỡ.

Tôi thở dài, nhanh chóng chuyển ánh nhìn về phía trước.

Dạo gần đây chẳng hiểu anh ta ăn trúng phải thứ gì, đụng một chút lại nói “Anh mắc cỡ! Mắc cỡ lắm! Mắc cỡ chết đi được!” Đàn ông hai chín tuổi đặt trên đầu, nhằm lúc nói chuyện như thiếu nữ. Nhìn thì đĩnh đạc, chỉnh chu, lâu lâu tính khí như bị hóa rồ hóa dại. Nhiều khi tôi nghĩ anh ta bị ma nhập cũng nên.

- Tối đúc bánh xèo ăn ha! Mưa này ăn bánh xèo thì bá cháy bọ chét.

- Vậy chặp nữa anh ghé tiệm tạp hóa đầu thôn, em chạy xuống mua bột bánh xèo.



- Anh đặt lịch khám chỗ bác sĩ Việt cho em rồi.

- Vâng… mà, hở?

Tôi bận tính toán về món bánh xèo, rau thì bỏ su su vào thôi hay thêm giá nữa, thịt thôi hay dùng cả tôm, mua mấy gói bột thì vừa ăn cho ba người. Tôi đang nghĩ rất sâu, nghe Bôn nhắc đến bác sĩ Việt cũng mộng mị gật đầu. Nhưng ngay sau đó liền nhận thức được điều anh ta muốn nói.

- Anh đặt lịch làm gì? Em không cần khám.

- Tại sao không cần?

- Không cần là không cần. Anh không cần quan tâm.

Bôn lập tức ủ rủ, vẻ mặt bất lực hiện lên mỗi lúc một rõ. Suốt quãng đường từ lúc đó về nhà, Bôn không nói một câu, tôi không nhìn anh ta một cái. Khi đi ngang tiệm tạp hóa, tôi cũng chẳng buồn nhắc anh ta ghé vào.

Chiều tàn, mưa tạnh hẳn. Bầu trời vốn đen kịt từ từ để lộ ra vài quầng sáng. Những tia vàng thưa thớt xuyên mây chiếu xuống, cô đơn lạ thường.

Xe về đến trước cổng tôi liền thấy thằng bé hàng xóm đang ngồi bệt trên bậc thang lối lên nhà sàn. Đứa trẻ tám tuổi da ngăm màu mật, đồ mặc gọn gàng, tay cầm một bịch nilon nhỏ ôm trước ngực, ánh mắt rõ mong chờ.

Tôi vừa xuất hiện nó đã chạy ù ra, miệng cười toe toét.

- Cô Kỳ Như! Nhanh lên, nhanh lên cô. Con đợi cô lâu lắm rồi, sao cô về trễ thế?

- Từ từ, có gì mà tìm cô?

- Cô phải gói quà cho con gấp. Con phải đi sinh nhật. Nhanh lên cô.

Tôi cười phì, nhanh chóng đi lên nhà. Thằng bé cũng lẽo đẽo theo sau, miệng không ngừng liến thoắng:

- Cô gói đẹp đẹp cho con nha, nếu quà mấy bạn khác đẹp hơn, con mắc cỡ lắm!

Tôi lấy cái túi nilon từ bàn tay bé xinh của thằng bé. Bên trong có một bức tượng nhỏ, hai cây viết mực, một cuốn sổ nhỏ bé tí teo.

Thì ra mấy đứa nhỏ ở quê vẫn như chúng tôi ngày trước. Đi sinh nhật toàn tặng linh tinh thế này, khi bức tượng, lúc cục xà phòng hay dăm ba cuốn vở, gói trong tờ giấy mỏng mỏng màu hồng, màu đỏ.

Tôi giúp cậu bé xong thì trở về phòng.

Đi ngang phòng Bôn, lúc này không đóng cửa. Bên trong căn phòng nhỏ chỉ kê mỗi chiếc giường, một tủ để đồ và kệ sách đóng trên cao, điểm nhấn duy nhất là cái thảm lớn được trải khắp phòng, rải rác bên trên nó cơ man nào là máy tính, máy chơi game, cuốn atlat người và vài ba cái đồng hồ.

Hình như vừa vào phòng, Bôn đã tiện tay gạt tất cả sang bên, trực tiếp nằm lên tấm thảm. Anh ta nằm sấp, dùng tay kê đầu, đôi dép mang trong nhà còn chưa cởi. Cõ lẽ đã rất mệt.

Buổi tối, tôi nấu cơm xong, ngồi đợi đến lúc tivi chiếu xong thời sự vẫn chưa thấy Bôn xuất hiện.

Dượng đã ra ngủ ngoài nông trại để canh rau. Đang mùa thu hoạch, người ta thường hay vào ăn trộm, mỗi người trộm một ít, thành ra lại thất thoát nhiều. Dượng thuê công canh ban đêm không được, cả tuần nay hôm nào cũng phải tranh thủ ăn sớm để đi.

Em tôi – Trúc Linh dạo này ôn thi đại học, dượng gởi nó ở nhà họ hàng ngoài huyện, hôm nào không phải học đêm mới về nhà.

Tối hôm qua giỗ mẹ, đông là thế. Hôm nay, lại mình tôi thui thủi. bánh trái người ta mang tới thắp nhang cất đầy trong tủ, chẳng có ai ăn.

Tôi đói cào ruột, định ăn một mình, lại nghĩ đến Bôn, đành đi lên gọi anh ta ăn cơm cùng.

Phòng Bôn vẫn chưa bật đèn, cửa vẫn mở toang. Ánh đèn từ hành lang hắt vào trong, chia căn phòng thành hai nửa sáng tối. Bôn đã đổi tư thế nằm. Anh ta nằm nghiêng, người co lại, hai tay ôm lấy mình.

Tôi nhẹ nhàng di chuyển, đứng trước cửa vừa gõ cửa vừa nói:

- Dậy ăn cơm.

Lặng im.

- Dậy ăn cơm. Trễ lắm rồi.

Tĩnh mịch.

Bôn không hề có dấu hiệu phản ứng.

Đột nhiên, tôi thấy lo. Ngay lập tức chạy đến, ngồi xuống cạnh Bôn. Cơ thể anh ta đang run nhẹ. Khi bị bàn tay lạnh của tôi đặt lên trán, Bôn hơi rùng mình. Trán anh ta rất nóng, hơi thở cũng nóng nồng. Anh ta sốt rồi, sốt rất cao.

Hôm qua ngủ trễ, hôm nay dậy sớm. Dính sương, ướt mưa. Mùi đất bùn, hơi thi thể. Thân nam nhi, chống đỡ đến mức này đã là quá sức rồi.