Chuyến hành hương của thời gian - Chương 03

Chương 3.

Khó khăn lắm tôi mới nhét được cái gối kê dưới đầu và kéo Bôn nằm thẳng bởi cái cơ thế cứng ngắc và dài loằng ngoằng của anh ta. Cả người Bôn tỏa ra thứ nhiệt độ nóng hổi và ướt đẫm mồ hôi. Miệng khép kín nhưng từ cổ họng phát ra chút âm thanh nghe như rên rỉ. Hoặc do quá mệt, hoặc có chỗ bị đau.

Sau khi được tôi lau qua bằng nước ấm và đắp một cái khăn lên trán, Bôn dường như đã dễ chịu hơn. Cơ mặt dãn ra, hơi thở dần đều đặn.

Tôi ngồi cạnh Bôn, hai tay bó gối. Đợi một lúc vậy, khi nào khăn nguội, thay cho anh ta một cái khác, lúc đó hẵng về phòng.

Người trước mặt tôi vẫn đang thở rất sâu, mắt nhắm nghiền, vì sốt mà da mặt hồng hào, cả cổ, cả tay cũng ửng đỏ cả lên. Mệt mỏi đến vậy, chẳng lúc nào biểu lộ ra. Là do từ nhỏ không có ai chăm sóc, trở thành thói quen. Hay là do đàn ông, con trai ai cũng đều như thế.

Tôi biết, ai cũng cô đơn. Anh ta hẳn cô đơn lắm, chẳng qua là không muốn nói ra.

Quá nửa đêm, Bôn dần khá hơn. Tôi đắp cho anh ta thêm một lớp mền, sau đó trở về phòng. Lưng vừa đặt xuống giường liền nghe bụng kêu vài tiếng. Bữa tối còn chưa ăn miếng nào, giờ mới thấy đói.

Tôi đấu tranh tư tưởng, ăn hay không ăn. Giờ này ăn sẽ dễ béo, tôi từng béo rồi, tôi sợ. Lúc bắt đầu dậy thì, cơ thể dần tăng ký. Dù chỉ nặng bốn mấy ký, nhưng chiều cao khiêm tốn – một mét năm lăm, cho nên nhìn tròn quay. Mà bạn đồng lứa, hoặc rất cao, hoặc cao bằng đó nhưng rất gầy, nhìn sao cũng đẹp, khiến tôi hết sức tự ti. Sau này, khi vào trung cấp, tự dưng tôi sút ký, nhìn người nhỏ nhắn hơn, từ đấy ăn uống cẩn thận hơn để duy trì cân nặng đó.

Nhưng mà bây giờ, đói đến cào ruột. Người ta bảo không nên ăn khuya, ăn khuya sẽ ăn một thấm mười. Tôi nhìn đồng hồ, gần một giờ sáng. Đã qua ngày mới rồi, không phải khuya, cho nên khẳng khái đưa ra quyết định, ăn!

Gà kho sả, đậu miếng sốt cà, canh măng tóp mỡ, đều là những món tôi thích vô cùng. Ăn khuya, ăn lúc đói, một mình tôi xử hết cả nửa nồi cơm. Càng ăn càng ngon miệng, một chút no cũng không cảm thấy. Tôi ăn xong, nặng bụng, ngồi thừ ở ghế. Nhìn dĩa gà còn vài miếng, tham lam muốn ăn thêm mà không ăn nổi nữa.

Ngày xưa, khi còn ở cùng bố mẹ, bố thích gà rim nghệ, cho nên bao giờ mẹ cũng làm món đó. Nếu tôi đòi ăn gà kho sả, con gà sẽ chia ra làm hai, mẹ phải nhọc công làm hai món. Lúc đó, cũng có những lúc bố không say, gia đình hòa thuận, hai bố con giành nhau con gà, không khí vô cùng hạnh phúc.

Đó đã là chuyện rất lâu về trước. Hiện tại, tôi muốn ăn gì cũng được, tự mình làm. Món ngon đầy bàn, không cần dè dặt ăn để dành phần cho bố làm mồi uống rượu. Thế nhưng, muốn một nhà bốn người cùng tranh con gà nhỏ cũng không được nữa rồi.

Trong không gian tĩnh mịch, chỉ nghe tiếng bướm đêm bạt mạng lao vào cửa sổ. Chiếc đồng hồ treo trên tường đều đặn nhích kim từng chút một. Cuộc sống này, đều không ngừng trôi đi, mà tôi, thì cứ hoài dậm chân tại chỗ mà ăn mày quá khứ.

***

Sáng sớm, tôi thực sự mang ủng đi làm. Đi được nửa đường, bỗng nghe từ sau vang lên những tiếng động lớn.

Tôi quay lại nhìn, một chiếc xe ngựa kéo thô sơ như đang xé rách màn sương, dần chạy tới. Trên đó, một người đàn ông mặc đồ lao động, đứng thẳng lưng, giữ chắc tay cương. Còn có hai đứa bé, một nam một nữ, nhỏ trạc tuổi nhau, ngồi thụp xuống thùng xe.

Trông thấy tôi, cậu bé reo lên:

- Cô Kỳ Như! Cô Kỳ Như!

Tôi cười cười, giơ tay chữ V đưa lên mắt, xem như đáp lời. Nó cũng làm hành động tương tự, rồi cười tít mắt.

Người đàn ông kéo ngược dây cương, sau đó hô một tiếng “Dọ. Dọ” để dừng ngựa, rồi từ trên cao nhìn xuống, nói với tôi:

- Bác sĩ không ngại thì leo lên ngồi, anh đưa một đoạn ra đường.

- Không ngại, không ngại.

Tôi mừng hết lớn, như gặp được cái phao cứu mạng, liền một phát nhảy tót lên xe.

Hai đứa nhỏ thấy tôi leo lên thì ngồi dạt vô trong một khúc, cậu bé hồ hởi nói:

- Cô Kỳ Như, đi xe ngựa vui ha!

- Ừ.

- Mà sao hôm nay cô lại đi bộ? Ô tô nhà cô hư rồi ạ?

Tôi nghĩ ngợi, không biết nên trả lời thế nào cho dễ hiểu. Cậu bé này là ông hoàng của hàng vạn câu hỏi vì sao, mỗi lần nói chuyện với nó, tôi mệt bở hơi tai.

- Ô tô không hư, mà người lái ô tô hư?

- Người lái…

Không đợi nó nói hết câu, tôi cướp lời:

- Hôm qua đi sinh nhật vui không?

- Vui lắm cô. Nhưng em con không vui lắm.

Cậu bé vừa dứt lời, cô bé ngồi bên cạnh bỗng xù lông lên, gằn giọng:

- Ai là em của mày?

- Thì em là em của anh mà.

- Mày im đi! Tao là chị của mày.

Bố hai đứa nhỏ lúc này vừa cười vừa nói:

- Thôi thôi, không anh em, không chị em gì cả, gọi tên nhau cho bố nhờ.

Tôi cũng phì cười.

Hai đứa nhỏ này vốn sinh đôi, mà đứa trai thì thích làm anh, đứa gái thích làm chị, đụng tí là chí chóe. Có điều, chúng nó được dạy dỗ rất tốt. Bố mẹ tuy làm nông cực khổ, chưa bao giờ để chúng thiếu thốn gì. Đầu năm học nào, mẹ chúng cũng nhờ tôi chở lên phố, mua sắm đồng phục, học cụ, sách vở, dù không phải đồ tốt nhất, cũng là đầy đủ nhất. Mà hai đứa nhỏ, thực sự ngoan ngoãn, dễ thương, còn bé tí mà hiều chuyện, chả thấy đua đòi.

Có những ngày, tôi đứng ở cửa sổ phòng mình nhìn sang, thấy hai đứa nhỏ đang cùng bố mẹ tập xe đạp thì thầm nghĩ “Mai này, mình chỉ cần một gia đình như thế!”

***

Buổi chiều, tôi lại ì ạch mang đôi ủng trở về.

Ngày trời không mưa, trời xanh, mây trắng, nắng vàng nhàn nhạt. Đường đất cũng khô bớt vài phần. Chỉ cần cứ thế vài hôm nữa, là có thể đi xe máy rồi.

Tôi mang tâm trạng dễ chịu trở về, suốt dọc đường đi bộ, nhìn đám vàng hoa cải, đám cà xanh lá, lại đếm số bò ngoài đồng cỏ, đếm mấy cái xuồng hút cát phía sông xa. Cứ thế, chẳng mấy chốc đến nhà.

Căn nhà nhỏ đối diện hướng núi, nằm cao cao trên những cột to và khung vững chắc, cửa nẻo bốn bề đều mở toang. Từ mặt đất, đi lên mười hai bậc thang sẽ tới sàn nhà, quẹo phải sẽ trông thấy giàn hoa lan và sen đất của dượng treo la liệt, bước vài bước, quay trái liền đứng trước cửa chính căn nhà.

Hẳn là Khả Bôn đã dậy. Lúc nào ở nhà, anh ta cũng mở cửa banh tành ra hết, còn bảo “Hít thêm một ít gió, là dương thịnh âm suy.”

Từ phòng khách, tôi đi vào bếp, không thấy một ai. Nồi cháo ban sáng nấu cho Bôn đã đặc quánh lại, dường như anh ta có ăn vì đã vơi đi một ít. Tôi tiếp tục di chuyển, đến trước cửa phòng Bôn thì dừng lại, ngần ngại gõ cửa. Sau hai ba lần không có tiếng trả lời mới trực tiếp mở cửa, bước vào.

Phòng Bôn rất sáng, bởi vì ở một góc bên trên có giếng trời, cánh cửa sổ lớn còn được mở toang ra. Gió thổi rèm đưa, nhè nhẹ mà phối hợp.

Lúc này, không ngờ Bôn đang ngủ vùi trên thảm, chăn mền che kín thân từ trên xuống dưới, chỉ để lộ đôi chân trần. Tôi nửa quỳ, nửa cúi, khẽ kéo một góc tấm mền xuống, đưa tay thử nhiệt độ trên trán anh ta. Không biết do còn sốt, hay do đắp mền quá kín, trán Bôn rất nóng.

Tôi ngẫm nghĩ, toan rút tay ra. Ngay lúc đó, người nằm trong chăn đột ngột thò tay, dùng bàn tay vừa to vừa nóng, mấy ngón tay dài bắt lấy tay tôi. Mắt vẫn nhắm nghiền mà nói:

- Lạnh!

Tôi đờ người. Trong tình huống cấp bách, nói đại một câu:

- Trời sáng rồi.

Khả Bôn thở nhè nhẹ, đôi mắt còn đang khép dần cong cong xuống, bở môi mỏng lại cong lên, hai khóe miệng càng lúc càng sâu. Sau đó anh ta rất tự nhiên mà buông tay tôi, tay kia đưa lên day trán, lại cuộn mền vào lòng, ngủ tiếp.

Tôi đợi một hồi, không thấy Bôn phản ứng, tự dưng khó hiểu. Chẳng lẽ anh ta ngủ mơ sao?

Chập choạng tối, dượng từ nông trại trở về. Vừa thấy tôi, mặt dượng nghệt ra, nửa cười nửa nghiêm túc, sau cùng nhịn không được mới nói:

- Con mới cắt tóc hả?

- Dạ.

- Dượng thấy tóc con bình thường là đẹp rồi. Mai mốt đừng cắt nữa.

- Dạ.

Tôi đưa tay rờ mái tóc mới, mặt dần đỏ gay.

Tối nay, tôi sẽ sang tỉnh bên ăn đám cưới bạn thân. Nghĩ lâu ngày bạn bè không gặp, liền sửa sang một ít.

Tôi vốn luôn để tóc ngang vai. Bình thường một năm sẽ ba lần đến tiệm cắt tóc cuối xóm, mỗi lần cắt ngắn năm centimet, cho nên cắt xong nhìn không khác là bao.

Hôm nay đang thơ thẩn đi bộ về, thấy cái tiệm tên Xinh ngoài xã, vốn đang định cắt kiểu đầu mới, thế là không do dự bước vào, mang cho thợ cắt tóc xem cái hình Ueno Juri, cuối cùng ông chủ tiệm Xinh rất tùy hứng mà cắt cho tôi cái đầu tóc lỉa chỉa như Châu Đông Vũ.

Thấy tôi xị mặt, ông chủ mới nhoẻn miệng cười nói:

- Cắt theo mẫu đó nó tầm thường lắm, nhìn thế này mới phong cách chứ.

Tôi không buồn, không vui, không nói một câu mất lòng, liền trả tiền rồi nhanh chóng rời đi.

Bây giờ đối diện với ánh mắt kỳ lạ của dượng tôi mới nhận ra, có lẽ hoạt động mạo hiểm nhất một đời người con gái không phải là lấy chồng đâu, mà là đi cắt tóc. Cái đầu mới này của tôi, hẳn không phải xấu bình thường đâu, mà là rất xấu. Không phải, rất rất xấu mới đúng.

- Con dọn cơm cho dượng ăn nhé. Con ăn trước rồi. Dượng ăn xong chở con ra xã đón xe được không ạ? Hôm trước con có xin phép dượng rồi.

- Ừ, vậy tranh thủ dọn đi, dượng ăn nhanh thôi.

Trước khi tôi đi, Bôn vẫn còn chưa dậy. Ngủ còn lâu hơn Bạch Tuyết. Tôi không dám đánh thức, đành viết lên giấy note, nhờ anh ta cho mấy con ba ba của tôi ăn trong hai ngày tới.

***

Tôi cùng Hân, Yến chơi thân với nhau từ năm đầu ở trường trung cấp. Yến tình tình dễ chịu, dịu dàng, Hân lại sôi nổi, vui tươi, ba đứa ba tính, tới giờ đã quen được gần sáu bảy năm.

Ngày còn đi học, ba đứa cứ hứa hẹn ra trường ở chung, ngày đi làm, tối về nhà cùng ngồi xem phim, nuôi mấy con ba ba làm con chung… Rút cuộc học xong, mỗi người một mong muốn, tách nhau ra sống những cuộc đời khác.

Mà buồn cười nhất, cái Hân lúc nào cũng to miệng chửi mấy đương yêu đương, còn bảo không lấy chồng, cuối cùng bây giờ lại là đứa đầu tiên đeo gông vào cổ.

Từ chỗ tôi đến chỗ Hân, là từ núi này qua núi khác. Suốt quãng đường đều là đèo cao, đá tảng, xe vì thế liên tục lắc lư, nghiêng phải trái, tôi không chợp mắt được tí nào.

Vừa đến nơi, cả người mệt nhoài. Vậy mà nhìn đôi uyên ương mặt mũi tươi rói đang đứng đợi ở bến xe, tâm trạng liền phấn chấn.

Hân thấy tôi, bỗng gập người xuống, ôm bụng cười sằng sặc, rồi chỉ mặt tôi nói:

- Trời má, không tin được luôn. Lông đầu của bà… tóc bà… hahaha.

Người đàn ông cao, gầy đứng cạnh Hân cũng nhìn tôi chằm chằm, lại cúi xuống nhìn Hân. Cuối cùng anh ta đưa tay, kéo Hân đứng dậy. Con quỷ bạn tôi vẫn chưa ngưng cười, người tựa vào chồng sắp cưới, cười điên dại.

Tôi đến gần, liếc xéo nó một cái, sau quay qua gật đầu chào người kia. Anh ta rất lịch sự mà mỉm cười đáp lại, vừa bắt tay tôi vừa nói:

- Cảm ơn em đã đến dự đám cưới tụi anh.

Tôi về nhà Hân, ngủ được hai tiếng thì Yến cũng tới nhập bọn. Ba đứa dính nhau suốt từ khi gặp mặt, kể đủ thứ chuyện.

Chuyện ngày đó ở kí túc xá, lén nấu ăn. Một lần bảo vệ đi kiểm tra, không may thu được cái nồi cơm điện. Tôi không tình nguyện nhận tội, vì đó là tài sản chung của cả ba, bèn bẩn tính nói:

- Không phải nồi của con đâu bác, nồi của bạn kia.

Nói rồi, tôi chỉ tay sang Hân đang đứng cách đó không xa.

Tôi vừa dứt lời, mắt nó lòng sọc, muốn lồi cả ra. Sau đó nhanh chóng tính kế, nói:

- Dạ không, dạ không. Của Yến đó bác, nó đang trong nhà tắm.

Yên thực sự ở trong nhà tắm, lúc này vừa bước ra còn chưa hiểu chuyện gì. Khuôn mặt đầy vẻ ngơ ngác trước ánh nhìn chòng chọc của bác bảo vệ.

Cuối cùng, Yến ngây thơ bị hai đứa tôi hại, vừa bị phạt, vừa bị dán giấy cảnh cáo ở bảng thông báo kí túc.

Rồi chuyện ba đứa nửa đêm không ngủ, trùm chăn đi vòng vòng trong sân kí túc, rình mấy cặp yêu đương hẹn hò. Có lần làm người ta phát bực, đuổi chạy vòng vòng.

Cứ thế, ba đứa nói cười đến tắc thở. Ngay cả lúc trên bàn ăn, tôi đang tập trung thưởng thức món cà ri. Hân vẫn cao hứng nhắc chuyện cũ:

- Bà nhớ không, có hôm Yến ăn bánh tráng trộn. Cứ nổ, đòi nhiều ớt, nhiều tắc. Hôm sau đang trực cấp cứu mà bị tiêu chảy. Chạy toilet cả ngày, ỉa trôi cả tương lai.

Tôi nghe đến đây mà nghẹn họng, nhìn thứ nước cà ri màu vàng đặc mà nhợn muốn nôn ra. Ấy vậy mà Yến vẫn bình tĩnh múc lên một muỗng cho vào miệng, còn nói:

- Bà nghĩ tương lai dễ ỉa trôi vậy sao? Vậy thì cuộc đời bà đến đây là sắp đứt rồi đó.

Kinh quá. Tôi rút cuộc không chịu nổi, buông đũa, xem như kết thúc bữa ăn.

Hôm sau, Hân khoác lên mình bộ áo cưới trắng tinh, chút trẻ con, nhí nhảnh ngày thường bỗng nhiên mất sạch. Cô gái nhỏ hay cười tôi gặp nhiều năm trước, hôm nay đã trở thành vợ người ta. Khăn voăn trắng không che được khuôn mặt đẹp như hoa, bao nhiêu hạnh phúc và ý cười ẩn hiện bên khóe mắt.

Thì ra, bộ dạng của những cô gái trong ngày cưới là như thế. Lấy chồng, may mắn thì, ngày này không phải là ngày hạnh phúc nhất. Còn không may mắn, có lẽ ngày này chính là ngày hạnh phúc nhất rồi.

Tôi nhìn Hân, cảm xúc hỗn tạp đan xen. Tự dưng Yến ngồi cạnh khều khều:

- Ê, bà đi bao nhiêu tiền?

- Một triệu. Ít không?

- Huhu, thế là tôi lố rồi, biết thế tôi cũng đi một triệu, tôi đi hai triệu đó.

- Hở?

- Ôi mẹ ơi, hai… hai triệu. Tôi phải làm sao? Thế thành ra tôi keo kiệt rồi.

- Ơ… mà quên, hai đứa mình đã đút phong bì vào thùng đâu.

Đúng rồi. Tôi suýt thì quên mất, tiền còn chưa bỏ vô phong bì. Cắt tóc xong, giống như trí thông minh cũng theo đó mà rơi bớt.

Sau khi bàn bạc kỹ, tôi và Yến quyết định, mỗi người đi phong bì hai triệu. Nói cho sang thì là vì tình nghĩa bao năm, còn nói kiểu hèn hèn tí, thì chính là đóng hụi sinh lời.

Cuối cùng, hai ngày gặp gỡ, hàn huyên cũng kết thúc.

Nhân lúc đợi xe tới đón tôi, mọi người chụm lại, hát kara tưng bừng. Tôi ngoài mặt bình thường, mà trong lòng tiếc nuối. Rất nhiều người đi qua trong đời, chỉ có thể cùng vài người làm bạn. Đi học đã khó, đi làm càng khó gặp hơn. Mà quan trọng, tôi vốn ham vui, đi chơi mà phải về trước mọi người, lỡ sau khi mình về, có chuyện vui nào khác, thực sự rất tiếc. Rút cuộc, muốn hay không, tôi vẫn phải về. Ba đứa ôm ấp, bịn rịn một hồi, tôi mới lên xe.

Trời chiều vốn đã đến lúc xám màu, mà hôm nay bỗng nhiên sáng rực, mây đỏ chuyển hồng. Cầu vồng mọc lên những hai cái, đan xen.

Xe dần lăn bánh, bỏ lại phía sau hai dáng hình nho nhỏ, chính là cả thanh xuân rực rỡ của tôi.

***

Lúc tôi về đến bến xe liên tỉnh, đã là quá nửa đêm. Vừa xuống xe thì Bôn gọi, bảo đang bắt đầu trên đường đến đón. Tôi nhìn đồng hồ, có lẽ tầm một tiếng nữa Bôn mới đến, vậy là đành ra ghế chờ ngồi đợi.

Mấy hôm liền không ngủ, hôm đi xe, hôm thức đêm tán dóc, hôm nay lại đi xe. Hai mắt tôi không chống cự được, cứ thế mà chùng xuống, lim dim ngủ. Không biết trải qua bao lâu, lúc người tôi tưởng như mất trọng lực mà rơi xuống thì có cảm giác trán mình bị chặn lại.

Một bàn tay áp lên trán tôi, dùng lực đẩy giúp người tôi tựa lại vào ghế.

Người tôi luôn lạnh, hiện tại ngồi ngoài trời đêm nên cơ thể càng lạnh hơn. Mà bàn tay kia lại ấm nóng vô cùng. Vậy nên sự chênh lệch nhiệt độ làm tôi mơ màng tỉnh giấc.

Là Bôn.

Anh ta ở trước mặt tôi, ngồi chống gối, hai mắt nhìn thẳng vào đôi tay buông lỏng của tôi.

Mái tóc Bôn luôn được vuốt keo hất ngược lên, hôm nay xõa xuống. Dưới ánh đèn vàng cam mờ sương ảm đạm, nụ cười nhàn nhạt khiến khuôn mặt anh ta trở nên rất dịu dàng.

Bôn thấy tôi tỉnh ngủ thì đứng dậy, từ túi áo khoác dày móc ra một đôi bao tay vải, vừa nhét vào tay tôi vừa ân cần nói:

- Về nhà thôi.