Chuyến hành hương của thời gian - Chương 01

Chương 1.

Khả Bôn vừa đi khỏi, tôi liền nghe tiếng động cơ đang chạy của vài chiếc xe ben vọng tới từ xa, dần dần càng lúc càng rõ hơn. Dường như ngay khi đến trước cổng nhà này thì im bặt. Lát sau, có một tiếng động lớn phát ra, nghe như có thứ gì vừa nện mạnh xuống đất.

Tôi ngồi yên trên giường, cố lắng nghe.

- Con tôi mặc áo dài đi học mà ông đi nát đường thế này, đất cát dính lên hư cả mấy bộ rồi, các ông có đền không?

- Ông dỡ cây lên. Tôi chạy xe thuê thôi, ông đi tìm chủ thầu mà nói chuyện.

- Không dỡ! Chừng nào làm lại đường cho dân thì mới cho đi.



Tôi nghe lời qua tiếng lại vài câu thì hiểu rõ đầu đuôi.

Con đường đi ngang qua nhà này là đường duy nhất dẫn đến nơi khai thác cát dưới bến sông. Quanh năm suốt tháng, xe chở cát chạy hoài không nghỉ, đường đất bị nát cả ra. Vừa bắt đầu mùa mưa, đường bị xe lội cho sinh sình, ổ gà chi chít.

Cũng vì lý do như thế, năm tôi học lớp mười, có lần đi trên đường trơn bị trượt, người bổ nhào xuống vũng nước, áo dài trắng trên dưới dính đầy bùn. Dượng tôi trông thấy thì hốt hoảng, sau khi dìu tôi vào nhà liền chạy ra chặn xe, buộc tài xế xuống xe rồi chửi đổng, còn dọa đi kiện lên công an xã.

Dượng vẫn như xưa, hôm nay lại một lần nữa chặn xe, có lẽ vì sợ em gái tôi trượt té.

Tôi ra khỏi phòng, đứng trên lan can của nhà sàn nhìn xuống. Mấy chiếc xe đã lần lượt quay đầu, dần đi mất hút. Khoảng sân rộng bên dưới chỉ còn Bôn đang đứng, dáng anh ta bất động, lưng hướng về phía tôi.

Tôi theo tầm nhìn của Bôn, hướng mắt về phía xa.

Trước rặng núi trải dài trùng điệp, mây hững hờ trôi, một nông trại rộng lớn bao bọc hết quả đồi xanh bát ngát. Cỏ non trên đồi qua mấy ngày mưa đã mọc lên um tùm, sương sớm dường như vẫn còn đọng lại, lấp lánh ánh mai.

Nắng vừa hửng, khí lạnh mới chớm tàn, công nhân trong nông trại liền bắt đầu làm việc, người xay cỏ cho bò sữa, người ngụp lặn trong những luống trà xanh chạy dài tít tắp, ngắt búp chè non.

Dưới tán cây đa già xum xuê lá, dượng đứng chấm công.

Nơi đó, sáu năm rồi, đã không còn mẹ tôi đứng nữa.

***

Sau đêm mùa hạ khủng khiếp kia, bố mẹ tôi ly dị. Không lâu sau mẹ tái hôn với dượng, chúng tôi chuyển về đây.

Dượng đối xử với mẹ con tôi rất tốt.

Năm ấy, tôi vừa tròn mười lăm tuổi, lần đầu tiên có phòng riêng. Lần đầu tiên, tôi đi học được mặc quần áo mới. Lần đầu tiên, tôi thấy mẹ sống vô ưu vô nghĩ, thấy em mình được ngủ giấc an lành.

Em tôi hạnh phúc đến quên lãng những ngày cơ cực. Suốt ngày tôi thấy nó cười nói, ca hát líu lo. Từ đó, nó đã không còn hốt hoảng chạy trốn khi nghe tiếng cửa mở cọt kẹt lúc nửa đêm. Từ đó, tôi đã không còn nghe nó thì thầm hỏi “Hôm nay bố có say rượu không vậy chị?”

Và còn, dượng có một người con trai, hơn tôi năm tuổi. Anh tên là Khả Bôn.

Năm tôi chuyển về, Bôn đã lên đại học. Lần đầu tôi gặp mặt người đó là hôm dượng làm bữa cơm mừng ra mắt mẹ tôi với họ hàng. Anh ta lúc ấy chỉ trưng ra bộ mặt lạnh như tiền, đăm đăm khó chịu, mặc cho mẹ tôi ân cần bao nhiêu cũng chỉ tỏ thái độ phớt lờ.

Tôi đối với anh ta mà nói, chỉ là có chút chán ghét. Mỗi lúc Bôn từ thành phố trở về, không khí trong nhà sẽ trầm đi một chút. Tôi không để tâm nhiều, cuộc sống mới của tôi, ngày ngày tháng tháng cứ thế yên bình trôi đi.

Ba năm sau đó, biến cố lớn đến với tôi - mẹ đột ngột qua đời. Tim tôi vỡ tan thành từng mảnh, lồng ngực như bị xé rách, đau đớn xác xơ. Ngày đưa mẹ đi chôn, tôi cầm di ảnh mẹ, chỉ muốn nhảy xuống cái huyệt sâu, theo mẹ chôn vùi. Thế nhưng nhìn đứa em nhỏ của mình đang khóc đến lả người, tôi đành khụy xuống, ôm chặt lấy em. Từ ngày đó, thế giới của tôi sụp đổ tan tành.

Không còn mẹ, dượng cũng không lấy thêm ai nữa, một lòng chăm nom chị em tôi.

Những ngày tháng ấy, mỗi tối trước khi đi ngủ, tôi đều cầu nguyện mình sẽ không còn thức giấc nữa, trong giấc ngủ sâu cứ thế chết đi. Nhưng tôi không thể ngủ, nếu không dùng thuốc, tôi không ngủ được. Thuốc ngủ đối với thần kinh con người như thuốc phiện, càng uống càng không thể dừng, lần này uống một ít, lần sau phải uống nhiều hơn, chỉ có như thế mới có thể dễ dàng đi vào giấc ngủ.

Một lần nọ, tôi từ nhà bếp bước ra, trong tay cầm nắm thuốc ngủ và ly nước, bị Khả Bôn bắt gặp. Anh ta nhìn chằm chằm vào cái vỏ thuốc tôi dục trong thùng rác, sau đó quay phắt người, nắm chặt lấy cổ tay tôi.

- Đưa đây!

Tôi ngạc nhiên, tròn mắt nhìn Bôn, hỏi lại:

- Đưa cái gì?

- Đưa thuốc đây cho anh.

Tôi nắm chặt thuốc trong tay, lại nhìn anh ta, chậm rãi nói:

- Anh bỏ tay ra.

- Đưa thuốc đây, em uống thuốc ngủ nhiều như thế, muốn chết à!

- Bỏ ra…

Nói rồi, tôi giật mạnh tay ra khỏi tay Bôn, cả người mất chớn, té ngược về sau. Tiếp theo, tôi chỉ nghe có tiếng người hốt hoảng bên tai, tiếng xe cấp cứu. Rồi cơ thể tôi bị nhấc bỗng lên, cả người bị xô lệch mấy lần.

Sau đó thì, tôi không nhớ sau đó nữa, chỉ cảm thấy mình đã ngủ một giấc rất ngon. Rồi bỗng dưng, một luồng sáng chói lóa chiếu thẳng vào mắt tôi, mắt phải, rồi mắt trái. Có người liên tục kéo mí mắt tôi ra, giống như buộc tôi thức giấc.

Tôi khó khăn mở mắt, đầu rất đau, như thể bị va đập đến nứt toác ra. Hình ảnh đầu tiên tôi nhìn thấy, là một người đang đeo khẩu trang y tế, thân mặc áo blue. Sau đó, vị đó rời đi, dượng, em gái tôi và Bôn xuất hiện.

Tôi thắc mắc, toan mở miệng thì có cảm giác răng lưỡi đắng ngắt, cổ họng khát khô, nói không ra lời. Bôn thấy thế, anh ta liền cúi xuống, đỡ tôi ngồi dậy, cuống quýt giúp tôi uống nước.

Trước khi nằm xuống, tôi mơ màng nhìn thấy ánh mắt hoảng loạn của Bôn. Bàn tay anh ta bên dưới vai tôi, run run nắm chặt.

Dượng đứng bên thở hắt ra một cái, cất lời:

- May quá, tỉnh lại rồi. Tỉnh lại là may rồi. May quá! Mẹ con trên trời mà biết, thể nào cũng trách dượng… Trúc Linh, con ở lại với chị, dượng với anh Bôn đi đăng ký cho chị con chụp CT.

Dượng đi rồi, em tôi mới rưng rưng nước mắt, nói:

- Hai, hai đau không?

- Hai không sao, Linh nín đi. Đồ cái thứ mau nước mắt.

Sau đó, tôi lại mệt mỏi ngủ thiếp đi. Nằm viện theo dõi cả một tuần mới được cho về, cuối cùng, tôi phải bỏ lỡ kỳ thi đại học.

Từ đó về sau, bỗng dưng Bôn quan tâm đến chị em tôi nhiều hơn trước. Không còn bộ mặt lạnh lùng và thái độ thờ ơ thường trực, anh ta bắt đầu trò chuyện với em tôi thường xuyên, đến độ, những lúc đi học ở thành phố, có khi anh ta gọi điện cho nó, nói cả tiếng trời.

Tôi không hiểu, đến giờ vẫn không hiểu, tại sao anh ta lại thay đổi nhiều như thế, là vì cảm thấy đồng cảm, cảm thấy có lỗi hay là vì thương hại?

***

Hôm nay giỗ mẹ, tờ mờ tối đã có người bắt đầu đến thắp nhang, khói hương nghi ngút cả một nhà.

Lúc tôi cùng mấy cô hàng xóm đang ở dưới bếp chuẩn bị soạn cơm thì em gái tôi chạy vào, nó thở hồng hộc, nói:

- Hai! Hai gọi cho anh Bôn bảo ảnh trên đường về ghé mua rượu nha.

- Linh gọi đi, Hai đang bận.

- Em cũng bận lắm, dượng bảo em đi mời khách.

- Thế thì nói dượng gọi… Ơ!

Tôi chưa nói hết câu Linh đã chạy vọt đi, thoắt cái liền ra khỏi gian nhà. Tôi thở dài, đi đến tủ lạnh lấy điện thoại bấm số gọi Bôn.

Chuông đổ rất lâu, rồi tắt. Tôi định lần nữa gọi đi thì đã thấy cuộc gọi đến.

- Alo, Như?

- Vâng. Anh đi làm về chưa? Dượng bảo anh mua vài lít rượu.

- Ừm.

Trong tiếng nói nhẹ nhàng của Bôn xen lẫn tiếng gió rất mạnh rít qua, dường như anh ta vừa chạy xe, vừa trực tiếp nghe điện thoại.

- Lần sau anh tấp xe vào lề rồi hẵng xài điện thoại.

Nói rồi, tôi cúp máy, lại bận rộn đi chuẩn bị đồ ăn.

Không lâu sau, Bôn về. Mặt mũi anh ta bị gió táp đỏ gay, cả người tỏa ra thứ hơi lạnh của trời đêm, xen lẫn đâu đó có chút mùi formon thoang thoảng.

Bôn đặt hai chai rượu lớn xuống bàn, tiến đến gần tôi, ân cần hỏi:

- Xong cả chưa?

- Lên bàn nữa là xong.

Tôi trả lời, ánh mắt không nặng, không nhẹ nhìn anh ta một cái.

Bôn cười cười, vừa quay đi vừa quay lại nói:

- Đói chết anh!

Bôn vẫn vậy, đối với thái độ nhàn nhạt của tôi cũng không tỏ ra bực dọc, tôi không hưởng ứng kệ tôi, anh ta cứ thích nói, cứ thích cười.

Mấy cô hàng xóm nhìn dáng Bôn rời đi, bắt đầu bàn tán:

- Không biết thằng Bôn có người yêu chưa? Chả bao giờ thấy dẫn về.

- Chắc có rồi chứ. Tốt tính thế kia mà, công việc lại đàng hoàng. Nghe đâu con nhà bà Hạnh đầu thôn mê nó lắm mà nó không chịu ấy chứ!

- Nó thì chắc đầy gái theo ấy mà.

Một cô trả lời. cô khác lại nói:

- Như, con có thấy nó dẫn ai về chưa?

- Dạ chưa.

Tôi trả lời qua loa, không muốn tham gia nói chuyện.

Rất may, sau bữa cơm, Linh đã phụ tôi rửa chén cùng mấy cô hàng xóm đó. Tôi tránh được tổ hợp bát nháo đó, trốn vào phòng, thơ thẩn nhìn trời đêm.

Đêm rất trong lành, khí lạnh mơn man. Cái xích đu đặt trước phòng tôi bị gió thổi, nhẹ đung đưa, tiếng kêu cót két. Xa xa, mấy sào hoa lay ơn của dượng được chong đầy đèn điện, sáng rực cả một vùng.

Sao neo trên trời, sao lặn dưới hồ nước nhỏ, chấm tí tẹo, sáng long lanh. Riêng trăng khuyết bị mây che đi mất, mây che mỗi trăng, tầng tầng lớp lớp. Mẹ tôi ở trên trời kia, là trăng tối, hay là sao sáng?

Hôm nay dượng làm thịt rất nhiều gà, nấu cháo ăn ngọt lịm, không biết mẹ biết không?

Ngày bé, có lần mẹ con tôi bị bố đuổi đi, trong túi mẹ chỉ có đúng hai mươi ngàn tiền lẻ. Mẹ thương chúng tôi đói, dẫn hai chị em vô quán cháo gà, ba người chúng tôi chỉ dám ăn ba tô cháo loãng. Mẹ bảo:

- Đợi lúc nào có tiền mẹ cho hai đứa ăn cháo có cả thịt, có cái đùi to luôn.

Lần đó, tôi đã tự hứa với lòng mình “Mai này lớn lên phải thật giàu, mỗi ngày phải mua cho mẹ cháo gà nhiều thịt, phải cho mẹ cuộc sống hạnh phúc đủ đầy.” Rút cuộc, mẹ không đợi được tôi trưởng thành đã vội bỏ đi rồi.

Tôi ganh tị vô cùng, những ai bị mẹ đòi tiền ăn hàng tháng, những ai có mẹ càm ràm, hối thúc tìm người yêu.

Một lần nữa, tôi lại thấy thống khổ, kích động cầm ra con dao rọc giấy dưới ngăn bàn, cứa một đường xéo vào cổ tay. Trong tích tắc, máu túa ra, chảy ròng ròng. Cảm giác đau đớn khiến tôi dễ chịu hơn, hơi thở không bị nghẹn bứ trong lồng ngực nữa.

Vài phút sau, tôi băng tay lại, trùm chăn ngồi ở góc giường.

Quá nửa đêm, lúc tôi đang trong tư thế ngồi sắp đi vào giấc ngủ, nhà bên cạnh bỗng dưng trở nên huyên náo.

Tiếng ồn làm tôi giật mình, tỉnh ráo. Tôi khoác vội cái áo len mỏng, nhanh chân chạy ra ngoài.

- Làm sao? Giờ làm sao?

- Gọi xe cấp cứu!

- Số bao nhiêu?

...

Đám đông lao xao, người này người kia ai cũng vội vàng.

Khó khăn lắm tôi mới chen vào được nhà nọ, cạnh cái giường đặt bên cửa sổ phòng khách có hơn chục người đang đứng, người chụm đầu nhìn, người nắm tay nắm chân ai đó đang nằm. Tôi nhìn kỹ người nằm, thì ra là bác Phúc. Ban tối, tôi vừa gặp bác sang ăn giỗ. Thấy tôi, bác gái đang ngồi bên giường liền đứng lên, ánh mắt cầu cứu hiện rõ trên khuôn mặt.

Tôi chạy vào, vội vã nói:

- Để con xem. Mọi người tản ra hết đi, túm tụm thế này sao người ta có không khí mà thở.

Mấy người kia nghe thế thì dàn ra, vẫn chưa chịu rời đi.

- Cô chú ra ngoài kia ngồi đi. Con năn nỉ đó!

Tôi bất lực lên tiếng, cuối cùng họ cũng chịu đứng ra xa.

Bác Phúc nằm trên gường, người bất động. Da bác trắng nhợt, môi tím tái, toàn thân lạnh ngắt. Là hạ thân nhiệt! Tôi cúi xuống, ghé sát tai vào mũi bác để nghe. Nhịp thở không đều, rất chậm. Có lẽ nhiệt độ cơ thể đã bị hạ sâu.

Tôi quay sang định bảo bác gái kêu cấp cứu thì thấy bác đang xoa nắn tay chân cho bác trai. Tôi bực dọc, toan ngăn cản thì chợt nghe giọng một người khác gắt lên:

- Bác bỏ tay ra xem nào, nắn nắn bóp bóp cái gì!

Bác gái bị Bôn quát thì xanh mặt đứng dậy, chân tay cuống quýt. Chắc hẳn bác không biết, đối với ca cấp cứu hạ thân nhiệt tuyệt nhiên không được làm hành động nó, nếu không tình trạng bệnh nhân sẽ còn trầm trọng hơn.

- Bác gọi cấp cứu nhanh lên!

Tôi vừa nói vừa vươn người dậy đóng hai cánh cửa sổ vào, sau đó ngước mắt nhìn Bôn. Có lẽ anh ta đang ngủ say thì bị tiếng ồn làm cho thức dậy, khuôn mặt Bôn ngái ngủ, quần áo đầy nếp nhăn.

- Hạ thân nhiệt cấp?

Tôi gật đầu sau câu hỏi của Bôn.

- Thở rất yếu, phải CPR ngay.

- Để anh!

Nói rồi, Bôn lập tức leo lên giường, quỳ xuống cạnh bác Phúc, liên tục hồi sức tim phổi. Chỉ một lát, hơi thở của bác Phúc dù chưa ổn định nhưng cũng đã nhanh hơn.

Chúng tôi đắp thêm chăn, bón cho bác một ly nước ấm. Sau đó ngồi đợi thêm mười phút thì xe cấp cứu đến.

Tôi cùng Bôn hỗ trợ chuyển bệnh nhân lên xe cấp cứu xong liền trở về nhà. Bôn đang đi sau tôi, leo lên đến lưng chừng cầu thang thì chạy ngược xuống. Tôi dừng bước, quay lại nhìn anh ta.

Trong đám người vẫn tập trung trước nhà bác Phúc, Bôn ân cần giảng giải:

- Mọi người uống rượu xong người nóng nóng một tí là hết thôi, đừng có tắm, cũng không được nằm hứng gió thế kia đâu. Như bác Phúc bị nhiễm lạnh, suýt tí là chết đấy. Mọi người nên cẩn thận.

Dặn dò xong xuôi, Bôn chậm rãi đi ra. Thấy tôi đang đứng trên cầu thang, chân anh ta bước nhanh hơn vài nhịp.

Tôi quay người, nhanh chóng trở về phòng.

Chưa đầy một phút sau, cửa phòng vang lên tiếng gõ.

Tôi vừa vặn tay nắm, cánh cửa ngay tức khắc bị đẩy vào. Bôn đứng trước mặt tôi, nhịp thở gấp gáp chưa điều chỉnh được.

Tôi nhìn Bôn, lười nhác hỏi:

- Có chuyện gì không?

Bôn không trả lời, chau mày nhìn tôi.

Tôi toan mặc kệ liền bị Bôn nắm lấy tay.

- Tay em, chỗ này có máu.

Bôn hất mắt về phía cổ tay ban nãy tôi vừa rạch. Chỗ đó, máu đã thấm qua cả lớp áo ngủ lẫn áo len, vệt máu chạy dài, hơi loang lỗ.

- Không sao.

- Không sao gì? Cho anh xem.

- Không sao. Buông ra…

Tôi vẫn giữ giọng điệu điềm đạm, chỉ có cánh tay cựa quậy, muốn giật ra.

Bôn đứng lặng, không phản ứng tiếp, đôi mắt anh ta hơi trầm xuống, ánh nhìn mờ mịt như sương. Khoảnh khắc đó, Bôn nhẹ buông tay tôi ra.
Trước khi cánh cửa nhỏ đóng lại, tôi nghe anh ta nói, giọng thỏ thẻ yếu ớt như vừa bị cứa đứt tim gan:

- Em băng chặt lại đi. Sát trùng cẩn thận