Chuyến hành hương của thời gian - Chương 11

Chương 11.

Suốt quãng đường đi, tôi đã mường tượng rất nhiều lần về thái độ của bố đối với sự xuất hiện của mình, lại chưa từng nghĩ ra bố sẽ hung hăng đến thế.

Trông thấy tôi, bố mất một lúc lâu mới nhận ra, sau đó mặt mũi nóng ran, chửi rủa:

- Mày đến đây làm gì, mày biến đi, ai cho mày đến đây!

Tôi đứng sau đuôi giường bệnh của bố, cả người bất động, một chữ cũng không thể nói ra.

Dì thấy thế, vội chạy đến đỡ balo và túi trái cây trên tay tôi, hòa hoãn nói:

- Con nó đi thăm ông, sao ông la nó? Bố con lâu ngày mới gặp, thôi thì có gì bỏ qua hết, bỏ qua hết đi.

Bố vẫn đập tay bốp bốp lên đùi, hàm hồ quát tháo:

- Mày biến đi, mày không phải con tao, mày biến đi!

Y, bác sĩ từ phòng trực nghe ồn ào thì chạy đến, đoạn thấy bố càng lúc càng quá khích, đành trói tay trói chân ông lại, tiêm một liều thuốc an thần.

Dì đẩy tôi lui ra ngoài hành lang. Qua song cửa sổ, tôi nhìn vào, thấy bố tứ chi bị cột chặt, mà mắt vẫn trừng trừng nhìn tôi, không ngừng chửi sảng. Thoáng chốc, tôi sợ hãi vô cùng.

Dì biết tôi hoảng loạn, bèn nhẹ nhàng an ủi:

- Bố con bị bệnh nên mới thế, con đừng buồn. Hôm gì mới đưa bố con xuống, ông cũng tức lắm. Ông bảo gì bắt ông đi nhà thương điên, nên cũng chửi dì cả một ngày. Từ từ ông sẽ xuôi thôi.

- Dạ, con cảm ơn dì.

Tôi xắp xếp đồ đạc xong, bèn đi tìm bác sĩ phụ trách bố tôi.

Vị bác sĩ nam nọ, ban đầu thấy tôi vào hỏi bệnh, tỏ ý không vừa lòng. Anh ta trao đổi không nhiệt tình, tựa như chỉ nói vài câu cho có. Cuối cùng, tôi đành phải tự giới thiệu mình cũng là bác sĩ, lúc đó thái độ của anh ta cũng trở nên khác, cặn kẽ hơn rất nhiều.

Tôi biết rõ bệnh tình của bố thì nhẹ nhỏm, thờ phào. Lúc này mới nhớ có chuyện quan trọng chưa làm. Bèn ra góc sân vắng, gọi điện cho dượng, nói rõ tình hình. Trước khi cúp máy, dượng vẫn lo lắng, liên tục dặn dò.

Sớm nay xuất phát, bây giờ đã chiều tàn. Bầu trời ở đồng bằng khác quá, rộng dài và cao vút, đến gió cũng quá đỗi nhè nhẹ và nồng ẩm hanh hao. Mấy tán cây ven hàng rào quanh viện, lá xanh biếc, khẽ lắc lư. Trong không gian rộng lớn, yên lặng vô cùng, thảng hoặc, bỗng nhiên nghe những tiếng gào thét chói tai, phát ra từ khu trại cách ly dành cho những bệnh nhân nội trú không có nhân thân ở cùng chăm nom.

Tôi nhìn màn hình điện thoại, có chút chần chừ. cuối cùng bấm vào một dãy số vốn đã thuộc lòng. Điện thoại vừa áp lên tai, ngay lập tức đã nghe được một thanh âm quen thuộc vô cùng.

- Em đến rồi?

- Vâng. Được một lúc.

- Tình hình như thế nào?

- Bố em bị sinh ảo giác, cứ bảo nhìn thấy ma, lúc lại bảo có người ám sát mình. Chưa nặng, còn chữa được. Trước mắt vừa vô thuốc liên tục, vừa theo dõi, khi nào ổn mới dừng.

- Khoảng một tháng.

- Hả?

- Anh bảo trường hợp của bố em, có lẽ cần một tháng.

- À… Ừm.

- Em đang ở đâu, ăn chưa?

- Ngồi ngoài khuôn viên. Còn chưa ăn nữa.

- Bố em thế nào?

- Cúng hơi yếu, người sưng phù vì bị truyền nhiều quá.

- Ý anh là bố thế nào với em?

- …

Tôi nghẹn ngào, không biết trả lời thế nào cho đúng, chẳng lẽ nói với anh tôi bị bố điên cuồng chửi rủa, ánh mắt căm ghét như trông thấy kẻ thù. Muốn kể lể, mà không nói được, bỗng nhiên, có chút tủi thân.

Tôi im lặng, Bôn cũng chờ đợi, không cất lời. Đoạn, tôi đành đánh trống lảng:

- Anh ăn chưa?

- Ăn rồi, ăn bánh xèo, ngon lắm. Anh tự làm.

Bôn kể, giọng vui vẻ như trẻ em khoe quà. Tôi còn tưởng anh lo cho tôi lắm, ai ngờ vẫn ở nhà thoải mái vô cùng.

- Vậy, em cúp máy đây.

- Khoan đã. Em đỡ mệt chưa?

Tôi nghe anh hỏi, vô thức đưa tay sờ trán, cách một lớp mồ hôi nhớp nháp, trán tôi vẫn nóng bừng.

- Đỡ rồi.

- Ăn uống đầy đủ, Rồi tìm tạp hóa mua một tấm nệm mỏng để nằm, đừng nằm chiếu không.

- Vâng.

- À… ừm… à…, vậy…

- Anh nói gì?

- Không. Vậy… tạm biệt, mai anh gọi lại.

***

Ở bệnh viện, chi phí ngày giường bao gồm luôn cả hai bữa một ngày. Nói là cơm bệnh nhân, thực ra chẳng khác nào cơm trong doanh trại. Ba hôm thì nhão, ba bữa thì khô, đồ ăn kèm lại mặn, nhạt thất thường.

Tôi cùng những nhân thân khác, không ai nỡ để người nhà mình ăn cơm đó, hôm nào cũng luân phiên mua cơm bên ngoài về. Tôi luôn mua hai phần cho bố và dì, bản thân sẽ ăn cơm được phát, vì bỏ đi thì uổng, mà tôi cũng chỉ ăn cho qua bữa là xong.

Mấy hôm nay, bố dẫu thờ ơ nhưng vẫn cố ý đợi tôi nhận cơm xong để ăn cùng. Thỉnh thoảng, bố lại giả vờ quăng sang bên tô cơm của tôi miếng thịt, vì chê mỡ, miếng cá, vì chê xương. Trái cây cắt ra, ông dầu thích vẫn chừa lại vài miếng, làm bộ không muốn ăn thêm. Những lúc như thế, dì ở bên cạnh, phúc hậu, tủm tỉm cười.

Mỗi ngày ở bệnh viện, ngoài ăn đầy đủ ba bữa một ngày, nhận thuốc cho bố, hoặc ra ngoài mua vài thứ linh tinh, phần lớn thời gian tôi chỉ loanh quanh trong sân, khi đọc sách, lúc chơi game, nhàn rỗi vô cùng.

Ấy vậy mà, thấm thoắt đã được vài tuần.

Thứ hai, mặt trời chưa lên, bố đã lay tôi dậy, bảo rằng muốn ăn phở bò. Tôi vệ sinh răng miệng xong, liền vội ra ngoài. Sự chủ động của bố, khiến tôi vui vẻ không thôi.

Thời tiết buổi sớm ở đồng bằng, gió mát, trời quang, thực sự dễ chịu vô cùng.

Tôi băng qua một công viên nhỏ, trông thấy mấy cụ già tập dưỡng sinh, bỗng dưng nhớ đến dượng ở nhà.

Có một lần dượng sắm riêng cho mình cái máy tính xách tay, bảo tôi bày sử dụng, sau đó sáng sáng xách máy tính xuống sân mở mấy bài tập dưỡng sinh trên mạng rồi nhìn đó tập theo. Được vài hôm, bận đồng áng, dượng thôi không tập nữa. Bôn ghẹo dượng cả thèm chóng chán, dượng lại nói mình chưa già, không cần tập dưỡng sinh nữa, ai èo ọt mới cần.

Lúc này, đài phát thanh ở khắp các con phố được đồng loạt bật lên, phát ra mấy bản nhạc đỏ, hừng hực khí thế hành quân xưa kia của ông cha. Không lâu nữa là đến Quốc khánh rồi. Tầm này năm ngoái, dượng bắt Bôn ôm cờ theo sau, treo đỏ rực khắp thôn.

Tôi nhớ lại, bất giác bật cười.

Tôi mua được phở, đoạn quay trở về. Khi đi ngang qua khu cấp cứu thì gặp phải một người. Người nọ thấy tôi, vui vẻ đứng lại, tỏ ra gần gũi nói chuyện:

- Chào em, mua đồ ăn sáng à?

- Vâng.

- Bác đỡ nhiều rồi đấy.

- Vâng.

- Khi nào đi ăn với anh nha.

- Vâng.

Tôi trộm thở dài, đối với cuộc trò chuyện này không muốn tiếp tục thêm. Mà người nọ, vẫn vui vẻ, nhàn nhã đút tay vào túi áo blue, toan nói tiếp, nào ngờ lại bị đồng nghiệp từ xa gọi lại, hối vào họp giao ca.

Lần trước, tôi gọi điện cho Bôn. Ngay hôm sau, bác sĩ phụ trách bố đột nhiên gọi tôi vào phòng trực, giới thiệu tôi với một người, bảo là chuyển bệnh án của bố tôi sang cho người đó. Tôi vừa gặp đã thấy ngờ ngợ, nghe tên xong liền nhận ra đấy chính là bạn cùng phòng của Bôn thời đại học. Ngày đó, mỗi lần Bôn đưa đồ cho tôi giặt, còn khuyến mãi kèm thêm mấy cái áo blue thêu tên người đó. Có khi Bôn bận không đem đồ đến được, chính anh ta là người đưa đến dùm.

Chẳng ngờ, anh ta lại công tác ở đây. Nhưng cũng có thể hiểu được, tại sao bệnh án của bố tôi lại đột ngột chuyển sang cho anh ta phụ trách.

Tôi dù không thích tiếp xúc với người đó lắm, nhưng dù sao cũng nhờ quen biết, bố tôi được ưu ái, chăm sóc tốt hơn rất nhiều. Mấy ngày này tôi mới hiểu, thế nào là “nhất quan hệ” mà người ta thường nói.

***

Bố tôi sau khi ăn sáng xong, thấy tôi ngồi một mình ở ghế đá ngoài sân, bèn mon men lại gần, ngồi ở cái ghế bên cạnh, lặng thinh hút thuốc hồi lâu, hết điều này đến điếu khác, mãi đến khi thấy tôi ho sặc sụa, bố mới vứt điếu thuốc đi, dùng chân nghiền đến lụi tàn.

Tôi nhớ rất lâu về trước, những ngày mà cả huyện núi chỉ vài hộ có tivi, quốc lộ còn chưa có đèn đường, mẹ luôn đèo tôi trên chiếc xe đạp cọc cạch, đến trường. Tôi ngồi sau, bàn tay bé cố siết chặt eo mẹ, dán mắt vào mấy quán ăn vặt ven đường, miệng không ngừng ngân nga. Có dăm ba bữa, mẹ đi làm về trễ, bố đợi tôi ở cổng trường be bé, dưới trời mưa, cõng tôi về. Tôi ôm chặt cổ bố, vùi đầu ngủ say.

Quãng đường một cây số, ngày bé thấy dài tít tắp, yên xe đạp rất cứng và bờ vai bố dường như toàn là xương. Bố mẹ sợ tôi ê ẩm, liền lắp nệm vào yên sau, và khi đón tôi, bố không cõng nữa, bố ôm tôi đằng trước, tôi thích thú chui vào lớp áo dày.

World Cup năm chín tám, mỗi tối tôi đều bận rộn theo mẹ đi nhà hàng xóm, giữa ánh đèn vàng le lói mịt mờ, người lớn tụm bảy tụm ba nói chuyện, lũ con nít chúng tôi chơi thảy đá, ô quan. Sau đó bố đạp xe ngang qua, cất giọng ồm ồm gọi tên tôi. Hai bố con cùng lên nhà một người quen gần trên núi, xem nhờ tivi. Đêm khuya vắng lặng, tiếng cọt kẹt của chiếc xe chợt vọng to lên, tôi ngồi sau xe, rọi đèn pin cho bố, liến thoáng chuyện trò.

Mãi sau này, bố tôi mất việc, kinh tế gia đình ngày càng đi xuống, bố trở nên suy sụp, chìm đắm trong rượu chè và trở nên bạo lực. Từ dạo ấy, bố con tôi không còn gần gũi nữa.

Đã rất lâu rồi, hai người mới cùng ở riêng, bầu không khí ngượng ngùng vây chặt tâm trí mỗi người. Tôi ngồi bất động, mắt nhìn chằm chằm vào tờ báo trên tay, thực ra một chữ cũng không tài nào đọc nổi. Cuối cùng, bố tôi là người lên tiếng, phá vỡ sự lặng im:

- Về đi!

Tôi nghe bố nói câu này, ngờ ngợ hỏi:

- Sao ạ?

- Về đi. Ở đây làm gì?

- Bệnh của bố đỡ rồi, chắc sắp xuất viện thôi, lúc đó con về luôn.

- Về mà lo công việc, ở đây làm gì?

- Con xin nghỉ phép rồi, bố đừng lo.

Bố nghe tôi nói xong, lại ngồi trầm mặc, mãi lâu sau mới đứng dậy, trước khi đi để lại một câu:

- Ở lại thì gọi cơm ngoài ăn, không được ăn cơm bệnh viện nữa.

Tôi nhìn bóng bố khuất dần sau dãy hành lang, dáng người nho nhỏ lọt thỏm trong bộ quần áo bệnh nhân rộng thùng thình, đầu bố hơi cúi xuống, đượm nét buồn phiền.

Thời niên thiếu, rất nhiều lần tôi ao ước, chỉ cần nhắm mắt thật chặt, rồi chạy nhanh về phía trước là sẽ thành người lớn, mà chẳng hề hay biết, bản thân lớn lên, màu năm tháng cũng hằn lên tóc bố, cả một mái đầu, sợi đen rất ít, sợi trắng thì nhiều.

***

Trước Quốc khánh hai ngày, bệnh nhân trong khoa cấp cứu được bác sĩ lần lượt cho về. Có người về hẳn, có người chỉ về độ vài hôm, bệnh viện đông đúc bỗng chốc trở nên neo người.

Phòng bệnh của bố tôi, ngoài chúng tôi chỉ còn lại một gia đình khác. Chồng bệnh, vợ chăm. Người chồng bị ảo giác, rất sợ ma, mới năm giờ chiều đã không dám xuống giường, vì thấy ma xó ở khắp nơi.

Chú đó với bố tôi, lúc vừa nhập viện, nhiều khi đi dạo cùng nhau, bố dẫn chú đi diệt ma, chú ở sau lưng bố, vừa núp vừa cổ động, trông đến buồn cười.

Buổi chiều, sau khi mọi người cơm nước xong xuôi, bố và chú lại dắt nhau đi dạo. Dì cùng vợ chú cũng đưa nhau đi ăn chè nóng ở đầu đường. Tôi thui thủi một mình trong phòng bệnh, chẳng biết làm gì, đành xem phim bằng điện thoại.

Vườn sao băng công chiếu đã được mười năm, vậy mà mỗi lần xem lại, tôi vẫn thấy hay. Xem liền tù tì ba tập, quên để ý, cuối cùng điện thoại hết pin, sập nguồn tự lúc nào chẳng hay. Tôi tiếc nuối, đoạn đi tìm cục sạc để cắm pin. Sau đó, nằm xuống, ngủ thiếp đi.

Sáng hôm sau, tôi vừa dậy, bố dã bảo thèm bánh canh, tôi liền phải chạy đi mua về. Vừa ăn sáng xong, cô y tá trưởng liền từ phòng trực bế con gái đem gởi cho tôi.

Trường mẫu giáo bắt đầu nghỉ lễ, vợ chồng cô lại làm trùng ca, cô không còn cách nào khác, đành mang em bé đi cùng. Thấy tôi nhởn nhơ, cô như tìm được cái phao cứu mạng, dứt khoát để con gái mình lại, tin tưởng tôi mà quay đi.

Đứa bé gái tầm hai ba tuổi, da dẻ trắng mềm, cả người thơm thơm mùi sữa. Tôi đặt em trong lòng, hít lấy hít để, bỗng dưng thấy thích thú vô cùng. Mà em bé, vì lạ người, khóc lè nhè một lúc mới thôi.

Suốt mấy tiếng sau đó, tôi bế em bé đi vòng vòng quanh viện, khi mỏi tay quá thì đặt em xuống để tự đi. Tôi không hiểu tại sao con nít lại nhiều sức đến vậy, dẫu tôi đã mệt bơ phờ rồi, em vẫn hớn hở dùng đôi chân bé chạy nhảy khắp nơi.

Gần giữa trưa, cô y tá trưởng mới đến bế em đi. Tôi lại tất tả ra ngoài mua cơm trưa cho mọi người.

Quán cơm và bệnh viện, nằm đối diện cách nhau một con đường lớn. Mà chỗ này, không đèn xanh, đèn đỏ, chỉ có vài cái vạch sang đường màu trắng, vốn dĩ cũng đã phai bớt màu.

Giữa trời nắng chói chang, tôi xách cái bịch lớn chứa cơm canh, nhích từng chút một, sang đường. Khó khăn lắm, mới đến được giữa lòng đường, bỗng có một cơn gió lớn, đột ngột thổi bay cái mũ tôi đang đội về phía sau.

Tôi giật mình, ngoái lại, thấy chiếc mũ vừa rớt xuống đã bị xe từ sau chạy tới cán qua. Theo bản năng, tôi định quay lại nhặt lên, chẳng ngờ chân vừa lùi nửa bước, đột nhiên nghe một người lớn tiếng gọi tên mình:

- Kỳ Như!

Theo tiếng gọi, tôi nhìn về phía bệnh viện, thoáng chốc bắt gặp một thân ảnh quen thuộc vô cùng.

- Qua đây! Không được lùi lại, từ từ qua đây!

Tôi vừa thấy người đó, ngạc nhiên vô cùng, theo chỉ thị chầm chậm sang đường.

Bôn thấy tôi vừa qua tới thì từ cống chạy đến, đứng trước mặt tôi, lúc này mới hạ giọng:

- Đợi anh.

Nói xong, Bôn liền qua bên kia đường, cẩn thận nhặt lấy cái mũ, mang quay trở lại, đứng trước mặt tôi, vừa phủi bụi trên mũi vừa hắng giọng:

- Anh đã dặn bao nhiêu lần, lúc sang đường không được bước thụt lùi, em không nhớ hả?

Tôi ngây ngốc nhìn Bôn, não bộ không tài nào tiêu hóa nổi sự xuất hiện của Bôn lúc này, chỉ có thể đứng lặng nghe anh nói.

Bôn phủi mũ xong, đoạn đội lên đầu tôi, sau lại xách luôn cái bịch cơm lớn từ tay tôi.

- Đi.

Lúc này, tôi mới giật mình, tròn xoe mắt hỏi:

- Đi đâu?

- Thì em định mang cái này đi đâu?

Vừa nói Bôn vừa đung đưa cái bịch trên tay, nheo mắt cười, cả khuôn mặt trắng trẻo dưới ánh nắng rực rỡ bỗng sáng bừng.

- Mang vào phòng bệnh cho bố và mọi người.

- Ừ, thì đi.

- Nhưng mà…

Bôn như đọc được suy nghĩ của tôi, bèn hích vai tôi một cái, nói:

- Đừng lo, cứ nói anh là bạn em. Không ai biết đâu.

Tôi chần chừ mãi, cuối cùng cũng thuận lời anh.

Nhiều năm trước, trong đám tang của mẹ, bố chắc chắn đã từng thấy Bôn. Tôi cứ sợ ông sẽ nhận ra. Nhưng quả thật, như lời Bôn nói, ông không hề biết, còn vui vẻ tiếp đón, bắt tôi gọt trái cây, rót nước cho Bôn uống. Thậm chí, bố không cho tôi ăn cơm mình mới mua về, bảo tôi phải ra ngoài mời Bôn ăn uống đàng hoàng.

Nửa tiếng sau, tôi lại lần nữa ra ngoài, bên cạnh là Bôn. Chúng tôi sánh vai, chầm chậm bước trên con đường nội bộ dài có bóng cây phủ mát.

Tôi xa nhà gần một tháng rồi, cũng không được gặp Bôn đã lâu bằng đó, cảm giác nhớ nhung anh, bây giờ gặp mặt mới nhận ra.

- Điện thoại em đâu?

Nghe Bôn hỏi, tôi liền mò tay vào cái túi vải bên tai, không thấy, lại rờ khắp túi quần, không hề thấy. Tôi sững người, đứng tại chỗ, suy nghĩ mãi mới nhớ ra điện thoại mình sạc pin từ tối qua. Cả buổi sáng bận rộn việc này, việc khác, quên bẵng rút ra.

- Sạc pin rồi.

- Anh gọi từ tối qua không được.

- Hết pin từ tối qua. Mà sao anh lại ở đây?

- À, ờ… nghỉ lễ, xuống đây thăm bạn chứ sao.

- Sao anh không gọi cho bạn?

- Gọi mà hình như nó đang bận không nghe máy.

- Anh…

- Ăn gì đây? Anh đói quá, đi chỗ nào mát mát ăn đi, nực quá. A! Cơm gà kìa, ăn gà đi.

Nói rồi, Bôn kéo tay tôi, băng băng ra khỏi cổng.

Tôi yên lặng, mặc anh muốn nói gì thì nói, làm gì thì làm, cứ thế đi theo.

Hôm qua không liên lạc được, liền bắt xe lập tức xuống đây. Đến nơi, không gọi được cho tôi, kiên trì đứng chờ ở cổng. Không trách một câu, còn làm bộ, giả vờ như chẳng có chuyện gì.

Tôi thầm nén xúc động, thoát cái cổ tay bị nắm khỏi tay Bôn, bàn tay nhỏ len lén đan vào những ngón tay dài mảnh khảnh. Tim đập từng nhịp, run lên.

Bôn nhẹ cười, nốt ruồi ở đuôi mắt phải bị đẩy lên, bên dưới bàn tay cũng dịu dàng xiết chặt, rất lâu.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3