Chuyến hành hương của thời gian - Chương 15

Chương 15:

Tôi ngồi trên ghế, bỗng ngủ thiếp đi từ lúc nào không hay. Lúc mơ màng mở mắt, đồng hồ trên tường đã chỉ hơn chín giờ. Bộ phim dài ba tiếng tôi đang xem dở cũng đã chạy đến những trường đoạn cuối cùng.

Bôn vẫn chưa về.

Thì ra, có những người mà ngay đến cả bản thân tôi cũng không hề biết họ quan trọng ở điểm nào, đến khi xa vắng mới biết cho có dù là ai cũng không thể nào thay thế họ.

Tôi mang tâm tư phức tạp trở về phòng, đặt lưng nằm chưa được bao lâu thì đã nghe tiếng xe máy của Bôn.

Tôi rời khỏi giường, bắt gặp Bôn ngay trước cửa phòng anh. Tuy nét cười của anh vẫn thường trực trong đáy mắt, nhưng vẻ mệt mỏi trên khuôn mặt không cách nào dấu được.

Anh thấy tôi, đột nhiên ỉu xìu, lấy tay tôi áp lên trán anh, nói:

- Anh bị sốt.

Quả thực, trán Bôn nóng hổi. Khuôn mặt anh bị cơn sốt làm cho ửng hồng.

- Anh ăn gì chưa?

- Rồi.

- Uống thuốc chưa?

- Chưa.

- Vậy đợi em.

Nói rồi, tôi rút tay mình khỏi trán Bôn, sau chạy vào bếp lục tủ ý tế lấy thuốc dự phòng, lại dùng nước ấm, thấm ướt một cái khăn.

Lúc tôi quay lại, đã thấy Bôn nằm xìu trên thảm, quần áo trên người vẫn y nguyên như lúc trở về. Thậm chí, đèn trong phòng anh cũng không buồn bật lên.

Tôi bật đèn, đoạn ngồi xuống cạnh anh, vừa lay vừa nói:

- Dậy đi.

- Không, anh chóng mặt.

- Anh cởi áo khoác ra đi, như thế sao nằm. Dậy uống thuốc hạ sốt nữa này.

Bôn vẫn nằm lỳ, vờ như không nghe lời tôi nói. Không biết từ khi nào anh thường như thế, bày ra bộ dạng như con nít, đòi hỏi sự quan tâm.

Tôi thầm thở dài, đứng dậy đi đến cái bàn trong góc đặt cốc nước và viên thuốc. Sau đó lại ngồi xuống cạnh Bôn, khó nhọc trở người anh, cởi đi hai lớp khoác dày, rồi lấy mền đắp hờ cho anh.

Sau khi được tôi chườm khăn ấm, Bôn dần trở nên dễ chịu hơn, cả người thả lỏng, mắt vẫn nhắm ghiền.

Tôi tưởng, vậy là ổn. Chẳng ngờ chỉ ít phút sau, máu cam chảy ồ ạt ra từ mũi của Bôn. Tôi hốt hoảng, phản ứng tự nhiên nhất là lập tức đưa tay bóp chặt mũi của anh.

Bôn bị bất ngờ, không thở được liền ho sặc sụa, mở mắt trùng trừng. Tôi thấy anh như thế, mới giật mình buông tay.

- Sao em bóp mũi anh?

- Anh… anh bị chảy máu cam.

Bôn nghe tôi nói thế, bèn rút tay ra khỏi mền, đưa lên quẹt mũi.

- Anh còn tưởng em muốn hạ sát anh.

Tôi kệ Bôn cười giỡn một mình, lo lắng lấy cái khăn trên trán anh mang đi lau máu. Trong khi đó, từ mũi của anh, máu cam vẫn không ngừng chảy ra.

- Anh ngồi dậy, bịt mũi vào. Máu vẫn chảy ra kìa.

Anh theo lời tôi, ngồi dậy, một lúc sau máu mới thôi ào ạt chảy.

Có lẽ, Bôn bị sốt siêu vi. Sốt lặp đi lặp lại nhiều lần, lần sau đều nặng hơn lần trước.

- Ngày mai anh đi bệnh viện khám đi, phải chữa cho đứt nọc, nếu không cứ ủ bệnh sẽ phát bệnh tiếp.

Lúc này, Bôn đã uống thuốc xong, nằm xuống đắp mền, vẻ như không nghe thấy những lời tôi nói.

Qua đi một lúc, áng chừng Bôn đã ngủ sâu, tôi bèn đứng dậy, muốn cầm cái khăn nhuốm màu máu mang đi giặt. Vừa đứng lên, không ngờ lại nghe tiếng nói của Bôn:

- Kỳ Như!

- Anh chưa ngủ hả?

- Đang.

- Vậy anh ngủ đi.

- Em đi đâu?

Tôi ngẩn người, nhìn cái khăn trên tay, lại nhìn người đàn ông trước mặt.

Người đàn ông đó, mặc cho cái áo sơ-mi trắng đã bị nhăn nheo và dính máu, trông anh vẫn khôi ngô, tuấn tú vô cùng.

Khuôn mặt anh không phải là kiểu vừa nhìn đã thích. Nhiều khi còn mang đến cho người ta cảm giác lạnh lùng, cách xa. Trên khuôn mặt ấy, tôi thích nhất là đôi mắt, mắt anh tuy không to, nhưng có màu nâu nhạt, sáng long lanh, tựa như lúc nào cũng như hồ nước thu, sâu thăm thẳm. Bên phải, dưới mi mắt dài còn có một nốt ruồi. Tôi nghe Yến nói, người ta thường gọi nốt ruồi đó là nốt lệ.

Đôi mắt ấy, nãy giờ vẫn nhắm chặt, kể cả lúc đang nói chuyện với tôi.

- Anh ngủ đi, em đi giặt khăn rồi quay lại.

- Ừm.

Bôn nghe tôi nói, nhè nhẹ thở, bên môi tủm tỉm cười.

Tôi giặt khăn xong, tới lui chốt cửa nhà, tắt đèn, khi trở lại thì Bôn đã thực sự ngủ say. Cái mền lớn bị anh đạp cho lộn xộn, nửa đắp nửa không.

Tôi đắp lại cho Bôn. Vì sợ anh sẽ lần nữa đạp chăn, tôi đành ngồi nán lại, mà không biết bản thân vì buồn ngủ, đã dần nằm xuống, ngủ vùi. Tôi ngủ rất ngon, dù cảm giác mỏi cổ và đau lưng cứ vương vấn quanh người.

Lúc tôi thức dậy, trời đã sáng, cũng không thấy Bôn bên cạnh nữa.

Bên ngoài, vọng vào tiếng sinh hoạt ngày thường, tiếng tivi, tiếng siêu nước, còn cả tiếng nói chuyện của hai người.

Hình như, dượng đã về.

Bỗng chốc, cả người tôi cứng đờ, trong lòng dấy lên nỗi lo lắng, mơ hồ không rõ.

***

Khi tôi đang chuẩn bị đi làm, cửa phòng đột nhiên bị mở ra.

Tôi ngồi trước gương, bị sự xuất hiện của Bôn làm cho ngỡ ngàng, cây son đang cầm trên tay đặt ở lưng chừng không khí.

- Em ra ngoài này một lát.

Bôn nhìn tôi, nét mệt mỏi tối qua dường như không còn nữa, chỉ có thái độ nghiêm túc lạ thường.

Tôi theo lời anh, nhanh chóng đi ra. Chẳng ngờ phải trải qua mà bản thân luôn không ngừng cầu khẩn, rằng nó đừng xảy ra.

Dượng ngồi ở ghế salong, nhấp vội ngụm trà đắng, vẻ mặt không vui.

Tôi nhìn bầu không khí căng thẳng giữ hai người đàn ông, tự mình biết được điều gì sắp xảy ra, toàn thân trở nên run rẩy, hai bàn tay vốn lạnh càng buốt giá vô cùng.

Bôn kéo tôi ngồi xuống bên cạnh, ở trước mặt dượng chỉ có thể cúi gầm, như thể hiện tại chúng tôi là một cặp gian tình bị người ta bắt gặp.

Dượng nhìn chúng tôi, cất giọng, ngữ điệu vẫn điềm tĩnh nhẹ nhàng:

- Từ bao giờ? Anh chị như thế này, bố phải giấu mặt vào đâu. Công bố nuôi anh chị khôn lớn, bây giờ anh chị có khác nào giết bố…

Mắt tôi dần dần ầng ậng nước, khổ đau không nói nên lời. Vừa bi thương, vừa hổ thẹn, chỉ giận bản thân những ngày qua quá nuông chiều cảm xúc mà không biết nghĩ suy thấu đáo.

Qua lớp màng nước nỏng hổi trên mí mắt đang chực trào ra, tôi thấy Bôn đang nắm chặt hai tay. Dưới làn da trắng mỏng, gân tay anh nổi lên, chằng chịt như màng nhện.

Bôn đợi dượng nói xong, lúc này chầm chậm nói:

- Bố để Kỳ Như ăn sáng đã, cho Như đi làm. Con với Bố nói chuyện sau.

Tôi nghe Bôn nói, càng trở nên hốt hoảng hơn. Tại sao anh cư xử như thế, chẳng phải nên ngồi nói rõ ràng, giải thích cho dượng hết luôn sao?

Dượng im lặng một lúc lâu, đột nhiên mất bình tĩnh, đập bàn lớn một cái, rồi bỏ đi. Không lâu sau, dượng đánh xe máy ra khỏi cổng, hướng nông trại mà đi.

Tôi ngồi bất động, mặt vẫn chưa thể ngẩng lên, hai hàng nước mắt cư nhiên rơi xuống, từng giọt, từng giọt, không cách nào ngừng lại.

Bôn kéo người tôi xoay về phía anh, vừa lau đôi mắt tôi đẫm nước, vừa chua xót nói:

- Thôi, em đừng đi làm nữa. Ăn gì đó rồi về phòng đi.

Nói rồi, Bôn đứng dậy đi vào phòng, lại lẳng lặng trở ra, lấy xe máy rời đi.

Dượng và Bôn đi mất, để lại tôi một mình trong căn phòng rộng lớn, tịnh mịch.

Tôi ngồi lặng, nghĩ mãi vẫn không thông. Cuối cùng không theo lời Bôn, dứt khoát đi làm.

Ở cơ quan, hôm nay vẫn như bao ngày khác. Mọi người len lén tụ tập sau lưng hai sếp lớn mà bàn tán, chuyện trò. Vài người bệnh đến xin giấy chuyển viện đến tuyến trên. Chuyến xe chở thuốc từ kho đến đúng chín giờ. Dường như, chỉ mình tôi khác thường và hỗn loạn.

Cho đến tận bây giờ, tôi chưa từng nghĩ mình sẽ hối hận vì thương Bôn. Chỉ là, không nghĩ vì thương anh mà bế tắc nhiều đến vậy. Dượng đã giận rồi. Tôi sợ ít, buồn nhiều. Sợ dượng không còn thương mình nữa, càng sợ dượng vì chuyện này mà khắc nghiệt với Bôn.

Hiện tại, tôi không cách nào đối mặt với những chuyện đã xảy ra, chỉ có thế trốn tránh bằng cách tắt sim điện thoại. Làm việc đến khi trời đứng nắng, cũng không còn cố gắng được nữa, đành xin nghỉ nốt buổi chiều.

***

Thế nào là không có nơi để đến, không có chốn để về? Hôm nay tôi chính là người như thế.

Tôi lên phố, gởi xe ở chợ, sau đó đi dọc hết con phố này đến con phố khác, thẫn thờ như một kẻ thang thang. Mãi đến khi, trời gần tối, tôi mới ghé vào một quán quen thường lui tới. Chọn cho mình một phần bánh nước nhỏ, rồi đi đến cái bàn đặt cạnh bên cửa sổ mà ngồi xuống.

Từ hướng này nhìn ra, thấy cả thành phố nhỏ chìm trong làn sương ẩm. Sương bồng bềnh, dày đặc. Sương phủ trên hiên nhà, len qua ngõ phố, chen vào từng khe hở giữa những lá thông xanh. Dưới lớp sương trắng xóa như mây như khói ấy, ánh đèn dù rực sáng đến mấy cũng trở nên mịt mờ.

Bên dưới cửa sổ, ngay phía đối diện ở bên đường, có một khu nhà cổ, cũ kỹ, hoang sơ, hiện tại chỉ còn chong đèn ở cổng, chiếu sáng rõ tấm bảng ghi ba chữ “Sở pháp y.”

Nơi đó, Bôn dùng cả sức trẻ của mà mình cống hiến. Nơi đó, hàng trăm lần tôi đứng đợi anh.

Tôi trầm mặc. Miếng bánh vốn ngọt ngào mà khi đưa vào miệng bỗng đắng ngắt vô cùng.

Đột nhiên, điện thoại trong túi tôi vang lên, “ting ting” vài tiếng. Tôi giật mình, vôi lấy ra xem. Trong đầu vẫn luôn tự nói, rõ là mình đã cúp sử dụng sim rồi.

Thì ra, chỉ là facebook báo tin nhắn đến.

Tôi có thói quen không tắt chế độ wifi, cho nên khi đi đến nơi đã từng sử dụng wifi, điện thoại sẽ tự nhiên mà kết nối.

“Hey girl. Khỏe không em?”

Là Nguyên. Lần trước kết bạn, bẵng đi rất lâu không có tương tác gì, vậy mà hôm nay lại nhắn tin, khiến tôi không khỏi suy nghĩ nhiều.

Lúc này, tôi không muốn nói, cũng không biết nói gì, đành mặc kệ tin nhắn của Nguyên.

“Trời ơi. Tui không thể tin được, anh Hà của tôi bị kêu đi nghĩa vụ. Tôi đợi ảnh mấy năm rồi, vừa xuất hiện mà chính quyền đòi cướp đi. Nếu ảnh đi thiệt, tui lên chính quyền ăn vạ cho xem.”

“Mà sao không gọi được cho bà? Muốn gọi mà không được tụt cảm xúc quá nè.”

Yến nhắn cho tôi, giọng điệu dầu oán trách nhưng vui vẻ, hào hứng ít nhiều.

Tôi đọc xong tin của Yến, chỉ nhắn lại qua loa cho bạn khỏi lo. Sau đó đọc tin nhắn tiếp theo.

“Hai ơi, Linh bị té cầu thang trật chân rồi.”

Tôi nhìn dòng tin nhắn của Trúc Linh, lại nhìn tấm hình cái chân bị băng đầy bột trắng, không thể nghĩ ngợi nhiều, ngay lập tức bật sim di động, gọi cho em.

Điện thoại gọi đi, hai ba cuộc vẫn không gọi được, dường như đầu bên kia của đường dây đang bận. Tôi dầu lo lắng, chỉ có thể đành ngồi đợi, hai ba phút lại bật điện thoại kiểm tra một lần.

Tôi đợi rất lâu, mãi đến khi thử lại lần thứ chín mới có được kết nối. Rất nhanh, đầu bên kia có người nhấc máy.

- Alo. Hai ơi.

Tôi kìm nỗi hối hả trong lòng, cố bình tĩnh nói:

- Linh thế nào, chân bị sao?

- Khách gọi, em chạy vội quá, trượt té xuống, may mà không bị sao, chỉ bị trật chân thôi Hai.

- Bây giờ đang ở đâu?

- Em về phòng rồi.

- Còn đau không?

- Đỡ rồi.

Tôi nghe đến đây, cả người dần thả lỏng, nhưng nỗi bực dọc lại càng tăng thêm.

- Hai đã nói rồi, nghỉ việc đi! Thiếu tiền thì nói với Hai, không được đi làm nữa.

- Nhưng mà…

- Không nhưng gì hết. Nay bị bắt nạt, mai bị trật chân, hôm sau lại bị gì nữa? Hai ở xa, lo lắm. Nếu muốn làm thêm kiếm kinh nghiệm, thì tìm chỗ khác.

- Hai đừng giận…

- Hai không giận. Linh nghỉ việc là được rồi. Mấy ngày này đi đứng cẩn thận, rồi phải uống sữa nữa, hôm trước dượng có mang lên bao nhiêu đó, uống hết Hai gởi nữa. Hôm qua Hai mới chuyển tiền vào thẻ Linh rồi, rút ra, rồi đi khám kỹ lại xem có nứt chân không.

- Em biết rồi Hai.

- Vậy…

- Khoan đã, Hai…

- Sao?

- Ở nhà có việc gì hả Hai? Lúc nãy em nói chuyện với anh Bôn, giọng anh buồn lắm, bây giờ nói với Hai, em cũng thấy Hai buồn.

- Không đâu. Dạo này ai cũng bận, nên mệt thôi.

- Vậy nếu có gì hai cũng phải nói, không được giấu nha.

- Ừm. Linh nghỉ đi, Hai tắt máy đây.

Tôi cúp máy, nhìn trân trân vào màn hình đang sáng rõ. Trên đó, được cài tấm ảnh tôi và Linh chụp cùng nhau, dưới mặt trời vàng nắng, giữa cánh đồng hướng dương rực rỡ, híp mắt cười.

Hết thời gian đợi, màn hình đang sáng bừng kia đột nhiên tắt ngúm, đen thui một màu.

Tôi ngồi rất lâu, cho đến khi nhân viên trong quán dần dọn dẹp thì mới xách đồ rời khỏi.

Phố không người, trong đêm thanh vắng càng trở nên tịch mịch. Suốt một đoạn đường dài, lá thu rơi, vương dày trên nền đất, mỗi bước, mỗi bước đi lại nghe tiếng lá cây giòn vụn vỡ. Rồi, chỉ một chiếc xe nhỏ vụt qua, lá bay đầy, lơ lửng, từng chút, từng chút một, chẳng mấy chốc bị dồn đầy vào hai phía lề đường

Đêm lặng như tờ, đột nhiên bị xé rách bằng tiếng chuông điện thoại đang từng giây một dần dần to lên.

Tôi nghe bản nhạc quen thuộc, nhìn cái tên quen thuộc, ngón tay đặt hững hờ trên màn hình điện thoại. Thần kinh dù căng cứng mà trái tim lại không ngừng co rút. Rút cuộc, tôi nín thở, bấm nút nghe.

- Em mở máy rồi.

- Vâng.

- Kỳ Như?

- …

- Về nhà đi. Em hứa với anh là không trốn mà.

- …

- Về nhà đi.

- …

- Em đang ở đâu?

- Trên phố.

- Giờ này?

- Vâng.

- Tìm chỗ ngồi tạm, đợi anh.

- Không, khuya rồi, anh đừng chạy đi nữa.

Bôn nghe tôi kiên quyết, bỗng im bặt rất lâu, như buồn khổ, như bất lực. Nếu không phải có tiếng anh nhè nhè thở từ bên kia truyền đến, chắc hẳn tôi sẽ cho rằng anh đã cúp máy rồi. Mãi rất lâu, cho đến khi tôi muốn là người cúp máy, anh mới đột nhiên lên tiếng:

- Được. Vậy thì em tìm một khách sạn tốt tốt ngủ lại đi. Đừng đi đâu nữa. Sáng mai anh sẽ đón em.

Nói rồi, Bôn cúp máy, không để cho tôi có cơ hội được nói thêm một lời.

***

Ngày mới đến, khi nắng sớm còn chưa xuyên qua được màn sương mờ dày đặc, nhịp sống thường ngày ở phố núi đã chầm chậm bắt đầu.

Suốt một đêm dài suy nghĩ, tôi biết mình không thể trốn đi mãi được. Hiện tại, tôi chỉ có một con đường duy nhất, là trở về, dựa vào nhìn nhận của dượng để sống những ngày tháng tiếp theo.

Bôn theo địa chỉ tôi nhắn, đến đón tôi. Lúc tôi từ cổng khách sạn bước ra, đã thấy Bôn đứng đợi.

Anh vẫn giữ thói quen thế, đứng dựa vào xe, mũi chân không ngừng vẽ hờ trên mặt đất, hai cánh tay lặng lẽ ở trước ngực khoanh vào.

Bôn thấy tôi đi đến, chầm chậm ngước nhìn, vẻ mặt không có gì là uể oải. Hoàn toàn khác biệt với bộ dạng bơ phờ của tôi lúc này.

- Hôm qua em mặc thế này mà đi hả?

- Vâng.

Bôn không nói tiếp, chỉ đứng lặng chăm chú nhìn tôi, rồi anh thở dài:

- Về nhà thôi. Về nhà nói. Bố đang lo lắm. Để xe em lại, rồi lấy sau.

Nói rồi, Bôn mở cốp xe, lấy cái áo khoác lớn kiểu đi mưa của anh ra, khoác lên tôi, tỉ mỉ cài từng nút một.

Tôi nhìn Bôn ân cần, không nhịn được mà nước mắt lại rơi. Tôi ghét mình yếu đuối, ghét mình nhiều nước mắt. Nhưng không hiểu sao những giọt nước mắt càng trở nên nặng nề, không ngừng nối tiếp, như mang bao tâm tư mệt mỏi của tôi thoát cả ra ngoài.

Bôn cài áo xong, lúc ngẩng lên đã thấy mặt tôi giàn dụa nước. Vẻ mặt điềm tĩnh bỗng hốt hoảng ít nhiều.

Rồi anh tháo bao tay, vừa nói, vừa đưa tay lau hai mi mắt tôi đang dần nặng trĩu:

- Đừng khóc nữa, đừng khóc. Mọi việc ổn rồi. Em khóc thế này, anh đau chết mất. Kỳ Như, đừng khóc nữa.

Không lâu sau, tôi ngừng nức nở. Theo Bôn về.

Ở nhà, dượng vẫn như hôm qua, ngồi đợi.

Tôi vừa thấy dượng, cả người liền run bắn. Tức thì trở nên lo lắng lẫn khổ tâm, không thể cất lời.

Có những thứ bản thân mỗi người luôn giấu diếm, cho dù sai đi chăng nữa, không phải vì sợ bản thân trắc trở, mà chính là vì sợ những người mình thương yêu thất vọng, buồn bực nhiều hơn.