Cuộc sống ở Buôn Chua - Chương 05

Ngoại đạo 3

 

 

 

Tiếng cười khúc khích vang lên, đêm muộn, từ lùm cây rậm, hòa quyện, rả rích những con dế gọi bạn.

 

Hoang dại, nhiệt tình rồi lặng lẽ theo lá vàng héo úa khi hè về, nóng cháy đến tàn lụi.

 

Thu đến lạnh lùng cơn gió thổi bay chiếc lá vàng rơi, bay bay mãi theo. Khi mùa đông mang sinh mệnh mới, Hà lau giọt nước mắt lăn dài trên má, đi xa.

 

 

Những cánh én lượn trên nền trời báo hiệu một mùa xuân về. Thời tiết hiu hiu lạnh, Hà đặt chân lên mảnh đất này, màu đất đỏ Bazan bụi bặm hoang sơ. Nơi không ai biết cô là ai, đã trải qua những gì, quá khứ không còn nữa chỉ là hiện tại, lúc này, gặp gỡ.

 

 

Tây Nguyên, xứ sở những rừng cây bạt ngàn, những con suối réo rắt giữa những dãy đồi chập chùng xa mãi về phía chân trời, ôm lấy, rộng vòng tay cho người con người khốn nạn, những người đi tìm tương lai, sống sót trên đời.

 

 

Bơ vơ lạc lõng, cảm giác đó Hà đã quen, cô chỉ biết rằng ở đây không còn ai biết về cô, cô là ai, không ai cả. Hà muốn sống cuộc sống mới, rời xa quá khứ đau khổ khốn nạn đó. Ở đây, giữa núi rừng bao la, nơi Hà sẽ sống cuộc sống mới của mình, riêng mình Hà, không ai biết.

 

 

Hà hỏi vài người, đi đến nơi xa nhất, những nơi ít dấu chân người, cuộc sống mới, cô nghĩ về nó trên suốt quãng đường đến đây, xa thật xa, không ai cả, chỉ mình cô thôi. Hà chỉ muốn sống một mình, chỉ riêng mình cô.

 

 

Từng con đường, những ngôi nhà mảnh ruộng vườn cây, qua từng ngọn đồi, đi xe rồi đi bộ, leo những con dốc, băng qua con suối, rừng núi hoang, Hà đi nhiều ngày, vẫn đi, tìm nơi cô muốn đến. Con đường dẫn vào rừng đầy cỏ cây rậm rạp che giấu vết xe mờ phía dưới, hoang sơ vắng lặng người lấy gỗ, bên cây đa cạnh đường, túp lều nhỏ lấp ló ánh lửa.

 

 

Cuộc sống yên bình tĩnh lặng, Hà dậy sớm nhóm lửa nấu nước, nướng vài củ khoai cho bữa sáng, ra vườn sạt cỏ cuốc đất. Ban sơ lỡ ngỡ đến quen thuộc, cô thích nghi dần.

 

 

Khu vườn nhỏ bên bìa rừng, cô trồng đậu. Những chồi non mọc lên từ đất, từng hàng tăm tắp kết quả cho những ngày làm việc dưới ánh mặt trời nóng cháy, bàn tay chai sần, da ngăm đen. Hà cầm cuốc đi giữa hàng đậu, mái tóc ngắn cắt ngang vai, một mình.

 

 

Cây non còn yếu, Hà nhẹ nhàng, từng ly từng tí một cẩn thận loại bỏ cỏ, thứ giành ăn với những cây đậu non kia. Mặt trời lên cao phả oi bức lên bóng lưng nhỏ bé cúi người sạt cỏ, từng giọt mồ hôi thấm vào mặt đất rồi biến mất. Cơn gió nhẹ chỉ làm lá cây đung đưa trên cao, giơ tay lau mặt nhấm nhem, Hà nhìn trời đứng bóng vào trưa, cô cầm cuốc men theo hàng đậu ra vườn về nhà.

 

 

Thả cuốc cạnh nhà, cô gái mở cửa đi vào. Căn nhà nhỏ bằng những miếng ván thừa xin của người dân, bằng tiền dành dụm được nhờ người dựng lên, nhà cô, nền đất nén chặt chỉ kê chiếc giường con cách hai bước chân bên cạnh cửa là bếp đất nhỏ vuông ngăn lại bằng vòng đất thấp cở gan tay bao quanh, kề bên giường chiếc bàn nhỏ dùng để đồ lặt vặt và ăn cơm, đầu giường, bức tường treo dây quần áo.

 

 

Hà múc nước trong chum cạnh bếp, ra cửa rửa tay rửa mặt xong lại cạnh bàn rót bát nước uống rồi chuẩn bị nấu cơm. Ngồi cạnh bếp, cô lấy que củi cháy dở gạt tro, lấy củi dăm cho vào đốt lửa, công việc thuần thục tự nhiên như vậy. Chiếc nồi nhỏ chỉ đủ cho hai bát gạo, Hà đổ một bát nửa dùng ăn cả buổi tối. Xong cô ra trước cửa ngắt cọng rau khoai, ít lá hành trồng trước nhà làm canh thêm nồi cá kho hôm trước là đủ.

 

 

Ăn trưa xong, Hà ngả lưng nằm nghỉ. Nằm trên giường, cô gái nhìn trần nhà thấp lẩm nhẩm những việc cần làm buổi chiều, cô muốn mình thật bận rộn, mệt mỏi tấm thân cô, để không phải nghĩ gì vẩn vơ nữa.

 

 

Con đường mòn dẫn vào rừng vắng bóng người, sát bìa rừng, cạnh con đường có một ngôi miếu hoang nằm dưới gốc đa, đêm về khe khẽ tiếng nỉ non ru con, tiếng trẻ khóc gọi mẹ…

 

 

 

 

Mảnh đất rậm rạp, đồi núi chập chùng, liên miên bất tận cây cỏ. Thú dữ hoành hành, rắn rết tràn lan.

 

 

Vùng khai hoang là vậy, phong phú vậy. Ở đây, con người đấu tranh với trời, với đất, với thú dữ và sâu độc. Họ sống ngang tàng, tranh nhau từng hơi thở.

 

 

Con đường đất đỏ chạy dọc lưng đồi, qua ngôi nhà mái ngói đỏ au dưới nắng hè. Bóng người bước vội, chân nhỏ thoăn thoắt bên mép đường. Đường đất ở đây như bị xẻ ra thành chiếc máng xối lớn dài ngoằng, lõm sâu ở giữa.

 

 

Thành lên thăm bà Tư.

 

 

Bà già lắm, thui thủi một mình từ ngày ông Khanh, con bà, đi tù. Nó không hiểu đi tù là gì, chỉ biết người hay chơi với nó mỗi lúc sang không xuất hiện nữa. Nghe người ta nói ông Khánh giết ai đó, chẻ đầu ra làm đôi.

 

 

Chạy một lèo lên đồi, trước nhà vắng tanh. Nhà không nuôi chó, cũng chẳng có điều kiện mà nuôi. Nhà khác có chó nó không đi lại tự nhiên như vậy. Nó sợ chó.

 

 

Cửa mở, trong nhà không có ai. Thành đi vào, rót ly nước, làm một hơi. Quay qua quay lại, vắng tanh. Chả buồn gọi, nó nghĩ bà già đi đâu đó.

 

 

Thành ngồi trên ghế, ngẩn nhìn nóc nhà. Từng cây cột chèo vắt ngang chia ngôi nhà thành ba gian, rộng rãi.

 

 

Thanh xà ngang kia, hình ảnh lúc nhỏ, bị vứt lên. Ông Khanh ôm nó tung lên, tiếng cười vang vọng.

 

 

Ngồi một lúc, Thành đi loanh quanh nhà, chẳng có gì. Bà Tư vẫn chưa về. Nó lủi thủi bước ra về.

 

 

Đang đi nghe như có ai gọi, Thành quay đầu sang nhìn, thằng Nam í ới vẫy tay trên cây ổi trong vườn nhà nó.

 

 

Thành nhảy qua bên bờ đường đối diện, chạy tuốt vào vườn tiêu, qua sân, đến cạnh bên nhà, ngước nhìn thằng Nam vắt vẻo trên cây.

 

 

Nam men ra cành con, nhún nhún, cúi người cầm chắc đầu cành, cành cây đong đưa dần hạ xuống.

 

 

"Đi đâu vậy?" Nam hỏi, đưa trái ổi cho thằng bạn.

 

 

Thành cầm, xóa phần thừa ở mắt trái ổi, cạp một miếng.

 

 

"Lên nhà bà Tư chơi. Bả không có nhà đang định về."

 

 

Nam nhìn Thành kỳ quái.

 

 

"Mày không sợ à?"

 

 

"Sợ gì?"

 

 

Hai đứa đi vào sân, ngồi bệt xuống, tay cầm quả ổi gặm.

 

 

"Nhà đó ông Khanh giết người mày không sợ à?"

 

 

Thành nhìn Nam, dò xét.

 

 

Nam xô thằng bạn, nói nhỏ

 

 

"Nghe nói ông Khanh cầm rựa, bổ đầu ông Ban ra làm đôi, óc chảy ra, ghê lắm."

 

 

"Biết sao ông Khanh làm vậy không?"

 

 

Thành hỏi, liếc bạn.

 

 

"Nghe đâu có liên quan tới bà Thúy."

 

 

"Sáng đó, ông Ban đang đứng dưới cây muồng. Chắc chờ ai, ông Khanh đi đến sau lưng, cây rựa giấu sau lưng. Ổng phan mạnh một phát."

 

 

"Nghe người lớn bảo lúc đó đầu ông Ban chẻ đôi, óc tung tóe. Khiếp lắm!"

 

 

Ngồi trò chuyện chốc lát thì đến trưa. Thành chạy về ăn cơm.

 

 

Con đường qua nghĩa địa luôn u ám dưới cái cây to ở ngã ba. Bên cạnh, vài mét ven đường có gò đất nhỏ đóng cọc gỗ. Thành liếc qua, mộ ông Ban trơ trọi dưới ánh mặt trời.

 

 

 

 

Lâu rồi nơi tôi ở không còn nghe nói về loài hổ. Loài động vật hung dữ ăn thịt, chúa của muôn loài.

 

Con người không có ăn, phải vào rừng lấy gỗ, rồi đốt rừng phát cỏ làm rẫy, trồng cây.

 

 

Rừng vẫn còn, ngay sát rẫy đấy thôi. Những cành cây lèo nhèo, bụi cây thấp héo úa chịu ánh nắng mặt trời chói chang.

 

 

Chim rừng vẫn bay vào mỗi buổi chiều muộn, thú rừng lâu mới gặp vài con bé tẹo, ốm đói.

 

 

Bầy voi nghe nói dạt qua vùng biên giới phía tây, bị bắt gần hết ở Buôn Chur. Hổ thì không biết đi đâu.

 

 

Chiều muộn, mọi người đi rẫy về, tụm năm tụm ba nói chuyện, có người nói gặp dấu chân hổ ở rừng tách.

 

 

Gọi là rừng thế thôi, thực ra ở đó chỉ vài trăm cây tách bao bọc xung quanh là rẫy cà phê, chắc là vùng giáp ranh nên không ai khai phá. Người dân đi rẫy chọn đi xuyên qua rừng tách lâu dần thành một con đường đất chia đôi mảng rừng.

 

 

"Con hổ chắc to lắm!" Trắng nói giọng hào hứng.

 

 

"Từ dấu chân để lại thì con này nặng phải đến chục tạ."

 

 

Tiếng xuýt xoa, thán phục vang lên.

 

 

Hôm sau.

 

 

Người đi thám thính về nói: "Là hổ cái đang mang thai, đi ra kiếm ăn."

 

 

"Con này thành tinh rồi." một người khác lên tiếng.

 

 

Đám đông cười nói.

 

 

Hổ ăn người vì nó xem đó là con mồi, yếu ớt, có thể giết thịt được. Người cũng vậy, ác hơn, giết tất cả những gì giết được vì họ cho rằng hữu ích, dùng được, đôi khi chỉ vì nhàm chán.

 

 

Tôi ngồi nghe người ta bàn tán, nói chuyện. Những khuôn mặt không có gì là kinh hoảng, họ không sợ hổ.

 

 

Sống ở đây lâu, tôi thấy nhiều việc lạ.

 

 

Nhà Thắm Hường, hai năm liền xuất hiện hai người thích treo lủng lẳng trên sợi dây thừng.

 

 

Lúc qua suối tôi gặp một cái bóng đỏ, hình như tên Thúy đang nhìn đống lá mục.

 

 

Rồi vài vụ giết người, tôi lạ nhất, họ có cái ăn cái mặc. Tôi không hiểu tại sao lại giết hại lẫn nhau. Loài khác rất ít gặp, hiếm lắm khi đói kém con yếu nhất mới bị làm thịt. Con người giết nhưng không ăn giống họ giết mối vì làm phiền họ vậy. Chắc họ đông quá.

 

 

Mấy kẻ giết người bị giam giữ lại, tôi nghe người ta nói vậy. Lạ cái nữa, có người không làm gì cũng bị nhốt. Tôi lâu lâu ghé căn nhà bỏ hoang giữa vườn sầu riêng, nghe tiếng rên rỉ, tiếng cào cấu, tự nhủ phải cẩn thận cẩn thận.

 

Có một hôm tôi thấy có người đi vào trong, ẩu đả kẻ bị nhốt, thật kinh khủng.

 

 

Con người rảnh rỗi là kỳ quái, ban đêm có kẻ cắt đôi người, nằm trong thúng hai bên đòn để bộ quần áo gánh đi. Có vài kẻ tụ tập học đi đứng như những con rô bốt, nghe lũ trẻ bảo vậy.

 

 

Nhiều lắm, thành ra chuyện con hổ chẳng đáng gì. Họ vẫn ăn cơm, làm việc, đi ngủ bình thường.

 

 

Loáng thoáng tôi nghe vài người nói hổ giờ là loài phải được bảo vệ, không được giết, ai giết sẽ bị phạt nặng.

 

 

Tôi quen rồi.

 

 

Chúa tể sơn lâm còn phải chịu người ta bảo vệ, nhìn sắc mặt người ta mà kiếm ăn, bị họ quản lý, có nơi còn nhốt lại trưng bày cho họ xem xét, già vô dụng thì bị lột da, phanh thây, cắt xương, nấu thịt.

 

 

Con người quá hùng mạnh, thứ gì bị phát hiện là số phận chấm dứt, chỉ có thứ ẩn sâu thật sâu mới tránh thoát được, còn không thì biến đổi, biến đổi thật nhanh, nhanh đến mức con người không kịp phản ứng.

 

 

Vài hôm, tôi nghe nói con hổ bị giết. Kẻ giết hổ vẫn yên lành trông chừng không bị phạt nặng lắm. Hình như có người ra giá muốn vài thứ ở con hổ, thế là nó phải chết, cùng với đứa con trong bụng. Cái chết im ắng, lặng lẽ.

 

 

Tôi nhìn đám người, hòa nhập vào họ, đi theo họ, ẩn nấp họ, khắp mọi nơi.