Để yên cho bác sĩ "Hiền" - 41.Vô tâm

Để yên cho bác sĩ "Hiền"
Vô tâm
gacsach.com

Ông con làm bác sĩ nhưng chẳng nhờ được nổi một ngày, toàn đi phục vụ thiên hạ. Từ hồi đi học đến giờ cũng phải đến gần 20 năm, mỗi lần các cụ có vấn đề gì, mình luôn là người biết tin sau cùng. Lúc mẹ mất, mình vẫn còn lang thang ở viện. Từ hồi mẹ mất, trộm vía, bố mình vẫn khỏe nên mình cũng yên tâm đi tít mù, chẳng mấy khi thò mặt về nhà. Có mấy đợt viêm phổi cũng toàn đi chụp phim phổi một mình rồi tự mua thuốc uống điều trị vì bố mình bố là bác sĩ tây y, sau đó, nhảy sang đông y làm nhiều năm lắm rồi.

Một ngày đẹp trời, bố trốn nhà đến chỗ khỉ ho cò gáy anh chị bệnh nhân cũ có mối quan hệ tốt với gia đình mình nhiều năm nay, tự lái xe đi, được một ngày thì đau bụng và sốt. Cụ cũng chẳng nói với ai, nằm trằn trọc cả đêm không ngủ được. Sáng hôm sau, cụ lại nhịn đau cũng tự lái xe hàng trăm cây số về nhà. Mãi chiều mới về đến nơi. Ông con rể vội vàng đưa đến viện khám thì phát hiện viêm ruột thừa, để muộn quá nên bị xịt một ít mủ vào ổ bụng, có chỉ định mổ cấp cứu. Mọi người nháo nhác gọi điện cho ông con giai.

Lúc đó, ông con trai vẫn đang mải mê đi giảng ở trường, bỏ quên điện thoại ở khoa, còn tắt chuông. Về đến khoa, lại tiếp tục hò bọn sinh viên vào phòng giao ban học tiếp. Giảng được nửa chừng tự nhiên thấy nóng ruột,liền sờ vào túi không thấy điện thoại đâu, chạy vào phòng mở tủ, moi điện thoại ra, hoa cả mắt vì có vài chục cuộc gọi nhỡ từ đồng nghiệp lẫn từ quê. Vội vàng gọi lại, được thông báo bố viêm ruột thừa để muộn. Mình bảo: "thế à?", Vậy là bị tổng sỉ vả một trận vì tội vô tâm. Mình cười he he bảo: "bây giờ có lo thì giải quyết được gì?" Mọi người đòi chuyển ra viện ông con làm, mình bảo để cụ nằm yên ở viện tỉnh cho thoáng, không phải ra đây.

Thực ra, lúc ấy lòng như lửa đốt, nhưng vẫn phải cố lấy giọng bình thường trong mọi người bớt lo lắng. Làm chuyên môn bao nhiêu năm đủ cho mình biết rằng với cái tuổi đó, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Những công việc đang dang dở không bỏ đấy được. Mình nhấc máy, gọi cho các đồng nghiệp dưới quê, bọn sinh viên lại ngồi học tiếp và mình nán lại giảng tiếp. Tí sau lái xe về, các đồng nghiệp ở viện tỉnh, nơi mình có khoảng thời gian làm việc ngắn trong khoảng gần nửa năm, đã làm giúp mọi thứ. Họ đón mình như người bạn cũ và mình chỉ mỗi việc ngồi một chỗ và ngáp như thằng nghiện chân chính. Rồi lại được hỏi: "Thế có đưa bố ra ngoài Hà Nội không?" Mình bảo: "em tin mọi người, vậy thôi".

Thế là mổ ở bệnh viện tỉnh. Lúc đưa lên phòng mổ, mình bảo ông anh rể và bà chị: "Thôi đưa bố lên, em ra ngoài kia để các đồng nghiệp khỏi nhìn thấy mình thêm áp lực". Bố nhìn mình, từ lúc về, hai bố con chả nói được với nhau câu nào. Có lẽ nếu mình hỏi, người trào nước mắt đầu tiên sẽ là mình.

Nửa đêm thì xong. Cũng may là ổn.

Về nhà, ra xe bố, thấy ghế sau có hai quả đu đủ. Thì ra, trên đường về, cụ đau quá, dừng lại nhé, tiện thể thấy hàng bán quả ngon liền vác về cho con ngày cuối tuần. Rồi nằm viện luôn chưa kịp nhắc. Mổ xong chưa được một ngày, bố tỉnh táo lại, ông con chỉ kịp chào một câu rồi lại biến ra trung ương, cắm mặt vào phục vụ các thượng đế khác. mọi việc ở nhà lại nhờ ông anh rể cùng các đồng nghiệp giúp đỡ. Rồi bà chị gọi điện ra bảo: "Bố tỉnh rồi. Cụ nhắc quên không bảo nó cầm một quả đu đủ bố mua ra mà ăn". Mình ờ. Rồi điện thoại lại có thêm hàng đống cuộc gọi nhỡ, gọi lại liền bị hàng đống lời trách móc của bệnh nhân theo dõi đổ lên đầu, sao bác sĩ vô tâm thế.