Để yên cho bác sĩ "Hiền" - Chương IV

Để yên cho bác sĩ "Hiền"
CHƯƠNG IV: TÔI - MÌNH
gacsach.com

Từ trước đến giờ, mình không thích chơi mấy trò của bọn con trai bởi vì chúng ở bẩn và hay nói bậy. Đặc biệt mỗi lần tụ tập dưới góc sân trước nhà chơi bóng đá, chúng nó lại cãi nhau ỏm tỏi. Mình không chơi cùng mà lặng lẽ ngồi một góc sân đọc truyện. Mình rất thích đọc truyện. Năm 10 tuổi đã đọc xong Tam Quốc Chí, Tây Du Ký, Thủy Hử, Gulliver Du Ký. Trong khi ấy, lũ bạn cùng lứa hàng xóm vẫn mãi hò hét theo quả bóng mà không biết Lâm Xung là đứa nào.

Mình thường xuyên nhịn ăn sáng để dành tiền mua truyện tranh, mỗi sáng lại giấu đi một ít để cuối tuần ra hiệu sách bà Tư cạnh trường nhòm ngó. Bố mẹ biết nhưng không cản, còn cho thêm tiền vì sợ mình nhịn đói. Cho đến một ngày phát hiện ra mình bị cận thị, bố bắt mình nghỉ học, lôi ra tận viện mắt trung ương thửa cho cái kính mắt to oành bằng thủy tinh, đeo muốn gẫy cả mũi khiến mình trông giống hệt một con châu chấu. Con mẹ thì cúng cả nên cấm tiệt không cho mình đọc nữa. Buồn cười là lúc mình ngồi học mẹ không nói gì, có cầm đến quyển truyện là mẹ hằm hè. Có khoảng thời gian, không biết ai mách gì mà mẹ bắt mình nuốt sống đỗ đen mỗi ngày 1 nắm, bảo chữa mẹo để cho mắt sáng. mình thuộc loại ngoan ngoãn dễ bảo nên thực hiện răm rắp không một lời phản đối, hàng ngày tỉ mẩn đếm bao nhiêu hạt vào bao nhiêu hạt ra đủ cả. Đến một lần mình vội đi chơi, tọng vào miệng nuốt, thế quái nào bị nghẹn tím cả mặt, ngạt thở giãy đành đạch như gà bị cắt tiết, suýt chết. Từ đấy trở đi, mẹ bảo thôi không nuốt nữa vì sợ mình chết và mắt mình chẳng sáng ra được tí nào, vẫn cận lòi.

Năm mình vào lớp 1, bố đi Hà Nội về mua cho hai tập sách gấp giấy Origami làm mình thích mê. Khái niệm trong đầu lúc ấy chỉ có chiếc thuyền buồm và con hạc mẹ dạy, giờ được tiếp xúc với cả thế giới làm bằng giấy thật sự làm mình choáng ngợp. Origami là một dấu mốc làm con người mình bắt đầu thay đổi và theo đuổi nó bền vững cho đến tận bây giờ, vị chi gần ba mươi năm. Mình ngừng đọc truyện, hàng ngày, chỉ khư khư ôm hai tập sách ấy. Một tháng sau đó, tất cả báo chí trong nhà bị cắt tứ tung để mình lấy hình màu gấp cho đẹp. Mẹ rên lên với bố: "ông mang cái của nợ gì cho nó mà ngày nào nhà cũng tan hoang thế này? Báo tôi còn chưa kịp đọc mà nó đã phá mất". Bố cười không nói gì bởi vì bố cũng thích mình gấp giấy, ông kéo mình ra nói thầm: "lần sau có cắt báo thì giấu cho kín nhé!"

Cuối năm cấp 2, đống truyện của mình đã kha khá, chúng chiếm gần hết cái tủ và mình đã đổi kính thêm ba lần nữa, mắt lồi ra như con ốc nhồi cho đến giờ chúng vẫn không tụt lại được. Sợ mình cận thêm vì cả nhà có mỗi ông con giai, Mẹ đem quá chặt cái tủ gần năm trăm cuốn truyện lại cho chắc, nhưng mẹ đâu biết rằng tấm ván đằng sau cái tủ ấy bị tuột đinh. Mỗi tối ăn cơm xong, mình tót nên gác bẩy tấm ván, móc một quyển ra, ngồi thu lu vào bàn, nhìn chăm chú vào những câu chuyện phiêu lưu được che đậy bởi đống sách vở xung quanh. Mẹ vẫn đinh ninh mình chăm học.

Khu phố mình ở là khu lao động, bọn trẻ trong xóm sống hồn nhiên như cỏ. chúng chơi bời rồi học hành thế nào các gia đình chẳng mấy quan tâm vì họ phải chạy ăn, chỉ cần no bụng thôi là đủ, hơi đâu quan tâm đến chuyện học hành như thế nào, biết đọc là tốt rồi. Duy nhất có nhà mình, bố mẹ xác định phải học hành cho tử tế. Từ nhỏ đến lớn, hai chị em chỉ phải đến trường mà không cần quan tâm đến thứ gì khác, học và học. Ngoài học, mình chỉ chúi mũi vào oragami và đống truyện tranh, không màng đến những thứ khác.

Cho đến một ngày, sự việc vỡ lở, một đêm cãi nhau với mẹ, bố quyết định tống mình ra sông gần nhà tập bơi cho khỏe. Mình biết bơi từ đó và đống truyện tranh mới mua, cũngnhư sắp mua, được di chuyển sang nhà thằng bạn cất cho lành. Yên ổn được vài năm, cho đến khi nhà văn hóa gần nhà mở lớp học đàn organ, mình hứng chí xin đi học. Bố mẹ đồng ý ngay kẻo mình đổi ý nằm nhà đọc truyện thì phiền. Thế là ba năm liền lóc cóc ôm cái đàn to hơn người đi bấm bấm gõ gõ. Mỗi ngày bỏ ra 2 tiếng ngồi bấm luyện tay và bật loa to hết cỡ làm cả xóm điếc tai. Bọn bạn bảo: "Nghe mày đàn như gõ ống bơ gỉ". Mình điếc, cứ kì cạch học. Rồi nhà trường phát hiện ra, cô giáo chủ nhiệm liền tống ngay vào đội văn nghệ. Mỗi dịp chúc thọ các cụ hay hội trường lôi ra cho cây đàn gầm thét một chặp.

Rồi chán, mình bỏ. Cái đàn đem vứt xó. Mẹ bảo: "mày cả thèm chóng chán". Mình lại nịnh nọt "Hay là cho con học piano đi, chơi Organ chán chết". Mẹ quắc mắt bảo: "lo người chán nết, cái dễ còn không xong lại đòi vớ vẩn, học hành không cẩn thận thì ra đường đứng con ạ." Mình rụt cổ lại không dám ho he gì nữa. Học nhạc lý được vài năm, mình kịp tập toẹ viết được mấy bài hát xong dấu biệt không cho ai xem. Giờ vẫn còn, thỉnh thoảng tình cờ mở tủ ra thấy lại phải đeo khẩu trang mới dám động đến thứ kỉ niệm đầy mùi ấy.

Ngày báo điểm thi đại học của bà chị, Mình bám theo Bố ra Hà Nội xem điểm, hồi đó chưa có internet như bây giờ, các trường đại học công bố điểm bằng tấm bảng dán chi chít những tờ danh sách kết quả của thí sinh. Bố mình xem xong sướng quá gào tướng lên: "con gái tôi đỗ rồi". Mọi người xung quanh gõ mình bảo: "Mày xem lại đi không ông ấy nhầm thì bỏ mẹ". Mình xem lại hai lần vẫn đúng. Lúc ra về, nhân tiện tinh thần hứng chí, mình gạ gẫm bố mua cho con quyển sách. Đang tâm trạng lâng lâng, Bố quên mất lời mẹ dặn không được cho mình đọc sách "ngoài luồng" gật đầu cái rụp. Xong, mình hăm hở ra Tràng Tiền chọn ngay quyển " almanach những nền văn minh thế giới" giá một chỉ vàng lúc bấy giờ, bố xoè tiền mua luôn.

Buổi chiều, mình rón rén ôm quyển Almanach vào nhà với ánh mắt hình viên đạn của mẹ. Bố im re không dám thanh minh câu gì. May hôm ấy số điểm thi của bà chị là cái phao cứu sinh có tác dụng hạ nhiệt, mẹ nhanh chóng quên vụ tiêu tiền vô lối của bố vì hàng xóm sang chơi ầm ầm. Chị mình là người đầu tiên trong xóm đỗ đại học từ trước đến giờ. Dạo ấy, mình gặp may chứ nếu không sấm sét đánh lên đầu không có cách nào đỡ nổi thì toi. Bây giờ có người trả mình 3 triệu quyển ấy mình không bán, để đấy, thỉnh thoảng đem ra tự sướng vì hơn 3. 000 trang của nó đã đọc hết rồi.

Năm cấp 3, mình vẫn còn tồ kinh lên được. Bọn bạn yêu đương rồi thích nhau nhằng nhịt, có mỗi mình vẫn trẻ con vui chơi tứ tung cả lên. Thỉnh thoảng có buổi tối thứ bảy nghỉ không học hành gì, mình chỉ nằm nhà đọc truyện. Một lần, thằng bạn vào rủ đi tán gái, mình bảo nó: "biết tán cái quái gì?" Nó ưỡn ngực bảo: "Mày ngu lắm đi theo tao dạy". Mình lóc cóc theo nó vào nhà con bạn ngồi, bố nó ngồi cạnh. Hai thằng ngồi trơ như phỗng không biết nói chuyện gì, ngồi uống hết bốn ấm nước nhà nó. Buồn đái không dám đi, mặt đỏ gay và mồ hôi vã ra như tắm. Bố con bạn hỏi: "cháu bị làm sao thế?" Mình nhanh trí đáp "cháu mệt!" Rồi kéo thằng bạn xin phép về. Nó bật dậy như cái lò xo, xem chừng thằng nhãi cũng giống mình. Con bạn ra cửa tiễn hai đứa, che miệng cười rinh rích. Ngày hôm sau, cả lớp đồn ầm lên chuyện mình đi tán gái, chết vì xấu hổ. Chả bù cho bây giờ nói chuyện như khướu và sắp thành cáo rồi.

Rồi lên đại học, mỗi cuối tuần, mình thường có thói quen đạp xe ra Nguyễn Xí mua sách lậu. Sung sướng nhất lúc vồ được quyển sách quý nhét trong xó nhà không ai ngó đến với giá rẻ như cho. mình hồ hởi mua và chủ hàng hồ hởi bán vì có những thằng dở hơi vác đi đỡ chật nhà. Chúng thường nằm một cách hớ hênh hay im lìm nép trên kệ dính đầy bụi. Bọn trẻ thường để ý những tựa sách mĩ miều hoa lá cành, nội dung lụy tình hoặc hoành tráng, đọc theo phong trào, ít khi để ý đến những tác giả và các quyển sách nhân văn. Những Lê Đạt, Trần Dần, Bùi Ngọc Tấn hay Dương Tường bọn trẻ mấy ai biết. Họ đến rồi đi hoặc đã đi trên cuộc đời này một cách nhẹ nhàng, sống một cuộc sống sóng gió nhưng đầy ý nghĩa và nhân bản. Mình nhận thấy họ người lắm! Thằng bạn thân bảo: "Sao mày không đọc chiếc Lexus và cây oliu, Làm giàu không khó hay chí ít cũng phải đọc sách dạy cách sống chứ". Mình lắc đầu: "Tao không thích giáo điều sáo rỗng, tự cảm nhận cuộc đời mỗi người khác nhau". Kinh nghiệm là thử nghiệm thấy mà kinh, bên mình nhất định không đọc sách theo kiểu đúc rút kinh nghiệm cá nhân. Tiền học bổng chỉ dành mua sách đọc chơi, sách không dính dáng đến chuyên môn. Mặc kệ thiên hạ hối hả giàu, mình cứ như mình vẫn thế.