Để yên cho bác sĩ "Hiền" - 48.Thuyền nhân

Để yên cho bác sĩ "Hiền"
thuyền nhân
gacsach.com

I.

Có những ngày vô công rồi nghề, mình thường lục tìm lại những câu truyện kể đến từ quá khứ. Rồi một khoảng thời gian nào đó không biết từ bao giờ và đọc chỗ nào, trong đầu chợt nhớ đến nó. có lẽ xuất phát từ câu chuyện về một cô giáo trẻ dạy học trong trường mẹ mình ngày xưa từ những năm 80, đã bỏ nhà vượt biên rồi vĩnh viễn không quay trở về. Và những lần đọc láng máng về số phận những con người ấy đã in sâu và nằm lại trong đầu mình. Tính mình hay tò mò và muốn tìm hiểu, nên khi có điều gì lăn tăn là phải giải đáp cho bằng được. Thế là mất mấy hôm mất ngủ để lục tìm trong trí nhớ và hàng đống tài liệu cóp nhặt cất trong tủ sách, mình thấy có những đoạn rời rạc về số phận như một dấu ấn đau đớn ghi nhớ mờ nhạt trong quá khứ. Chỉ có duy nhất những quyển sách của Pháp và Mỹ nhắc đến họ như những con người đã sống, tồn tại và vùng vẫy thay đổi cuộc sống. Đến độ, những con người đó được lưu lại trong từ điển của xứ sở ấy bằng từ mới, nhưng tuyệt nhiên từ này không có và chắc chắn sẽ không bao giờ có trong từ điển tiếng Việt - "thuyền nhân". Đợt đó, mình bị ám ảnh về những phận người lênh đênhững, họ ra đi mong tìm thấy thiên đường. Nhưng rồi họ tìm thấy thiên đường trong lòng biển khơi, trong bụng cá và trong những miền đất xa xôi. Những người còn lại tìm thấy thiên đường nhưng bỏ lại gia đình ngoài biển khơi, để rồi cả đời còn lại sống khắc khoải trong những vùng đất đầy ảo tưởng và trở thành kẻ tật nguyền. Với tật nguyền trong tâm hồn, họ đi gieo mầm và nuôi nấng hạt giống mang tên thù hận.

Nửa đêm tỉnh giấc, mình không ngủ tiếp được nữa. Thỉnh thoảng mình vẫn bị tình trạng như thế này không biết tại sao. Bốn bên tối đen, đưa tay sát mắt không thấy gì. Yên lặng, chỉ nghe thấy tiếng tim mình đập. Tự nhiên tưởng tượng, nếu không nghe thấy tim mình đập nữa thì liệu rằng thế giới có biết mình đã từng tồn tại hay không. Lại nhớ đến câu chuyện thuyền nhân tai điếc, mắt mù, xung quanh là tăm tối thì khủng khiếp đến thế nào. Sợ quá ngồi dậy đi đun nước pha cà phê, ôm cái kindle đọc cho đến sáng. Rồi từ đó mình hạnh phúc nhận ra được sống một cách lành lặn và có một gia đình là điều đáng quý.

Ngày làm việc cuối cùng của năm cũ. Không khí Tết đã đến trong không gian, mình ngửi thấy mùi rất đậm rồi. Cái thứ không khí mát mát, lạnh lạnh vương chút buồn đã len lỏi đâu đó. Sự ám ảnh về những phận người lùi lại nhường chỗ cho cuộc sống thường ngày đầy những hối hả và thân quen. Cây mai trước khuôn viên bệnh viện bắt đầu lác đác nở hoa trắng tinh, chẳng mấy chốc đậu quả và mình ra vặt về ăn chua lòm như mọi năm. Buổi trưa, mình thò mặt ra ngoài, thấy đường xá quang đãng hẳn. Không còn hình ảnh người người chen lấn nhau đi trên đường, chỉ còn những dòng người đi sắm Tết. Ra khỏi bệnh viện, bỏ chiếc áo Blouse đằng sau, cảm giác người nhẹ bẫng có thể bay được, chỉ có cái áo thôi mà sao nặng thế. Mình vội vàng chuẩn bị ít đồ đạc rồi phóng xe về quê để kịp giờ đưa bố đi tảo mộ. Năm nào cũng vậy, mình luôn lãnh nhiệm vụ đưa bố đi ra mộ ông bà, mộ mẹ vào những ngày này, mời mọi người về ăn tết cùng với gia đình và đi họ hàng gửi Tết.

II.

Trời nắng hanh hao, con đường về nhà như gần lại. Mình lái xe chầm chậm dọc con phố sau nhà, nhìn đường phố đỏ rực những hoa đào và quất ồn ã trong nắng muộn mà vui. Vài năm nay, chỗ này trở thành khu chợ hoa mỗi dịp Tết đến, người dân khắp nơi đổ về đây bày bán hoa, quất cảnh, huyên náo cả con đường. Những người bán đào cả năm trông có một vụ ngồi bó gối nhìn chăm chăm ra dòng người lượn như đèn cù, thỉnh thoảng nhỏm dậy nhấc vài cành đào vẫy người trên đường niềm nở ra giá, rồi tiu nghỉu ngồi bó gối trầm tư. Từng người, từng người, ngồi trên những chiếc xe đẹp xấu phóng tới, dừng lại nhìn ngắm một lúc rồi lẳng lặng phóng xe đi, họ mua hi vọng. Hi vọng sang năm mới gặp nhiều may mắn, cuộc sống vơi bớt khó khăn nhọc nhằn. Còn người bán niềm vui để thu về sự thanh thản. Tất cả họ giống như những quân cờ trên một bàn cờ mang tên số phận. Còn mình,cảm thấy mỗi người giống như một thuyền nhân đang lênh đênh trong cuộc đời này. Một số ít họ cập bến được với sự bình yên, còn lại vẫn đang vùng vẫy với cuộc sống, với những mưu sinh đè nặng trên đôi vai. Và câu chuyện thuyền nhân không chỉ là quá khứ của những con người ly tán, mà nó còn tồn tại ngay cả khi chúng ta đang sống và lan tới tương lai sau này với những câu chuyện khác và ý nghĩa khác.

Nhiều năm trước vào ngày này, mẹ thường tất bật chuẩn bị gói bánh chưng. Mẹ dậy từ sáng sớm tinh mơ khi trời chưa kịp sáng, ngồi đãi gạo nếp trong cái rét ngọt mùa đông bên bờ giếng mọc rêu xam xám. Có năm sương xuống mờ mịt, ngồi co ro xem bà đãi gạo, mình tưởng tượng như tất cả đang trôi trên mây. Cái khung cảnh đó không bao giờ mình được nhìn thấy lần nữa, nó đã in dấu vào trong ký ức của mình và trở thành hoài niệm. Khi lớn lên một chút, những hôm chuẩn bị thế này, mình được giao ngồi rửa lá gói bánh. Những bó lá dong cuộn tròn do dân buôn chở từ trên rừng xuống bán, được mua về nhúng nước nóng cho chín bớt và mềm hơn. Mình ngồi lấy giẻ mềm hì hụi lau rửa cho sạch, nếu để lá bẩn bánh sẽ chóng thiu. Rồi mẹ ướp thịt lợn, nấu chín đỗ cho mình giã nhuyễn ra, bố hay bảo: "Ôi dào, vẽ chuyện. Gói bánh làm gì, ra chợ đặt mấy cái về rồi dành thời gian đi chơi cho thoải mái. Cả năm vất vả, được mấy ngày nghỉ cứ chúi mũi vào nấu với nướng còn đâu là nghỉ ngơi nữa." Mẹ cười xòa: "thế thì còn gì không khí ngày Tết nữa? Gói cái bánh cho bọn trẻ con nó thích chứ ăn uống mấy đâu."bố chịu.

III.

Loáng cái đã mười mấy năm kể từ ngày mẹ bỏ bố con mình đi, ngày giáp Tết không còn cảm giác háo hức ngồi xem mẹ gói bánh và trông nồi bánh đến đêm nữa. Từ khi mẹ mất đến giờ, việc gói bánh được chuyển hẳn sang nhà dì ruột, mình được giao nhiệm vụ mỗi sáng 30 Tết xuống chở bánh chưng về nhà. Con đường đê ven sông đất gồ sống trâu đi lọc cọc, hai bên đường đầy những bông gạo dại,ngày giáp Tết nở hoa rụng trắng đường đi. Con đường mấy mươi năm trước mẹ vẫn hàng ngày đạp xe qua đó đi dạy học, con đường về quê ngoại đầy những ký ức tuổi thơ mình sống ở đó. Nơi những con người sống chân thật và mộc mạc. Họ đến rồi đi trên cuộc đời này, thật tự nhiên và bình lặng.

Năm nay, vừa thò mặt xuống nhà liền bị bà dì kéo tuột vào trách: "sao mày đi mất dạng mấy tháng, đến bây giờ mới về". Mình gãi đầu cười xòa: "cháu bận". Dì lườm: "bận cái gì mà bận? Bao giờ mày cho dì ăn cỗ?" Mình cười he he nhún vai: "dì cứ tiếp tục yên tâm chờ nhé!" Dì thở dài: "bố mày già rồi, sống thế nào phải nghĩ đến người khác nữa chứ". Mình vầng. Mọi người toàn lôi các cụ ra để dọa. Mà đúng thật, năm nay,mình chú ý thấy bố tóc bạc gần kín đầu. Dạo trước, lần nào mình về nhà cũng bị nhắc nhở điệp khúc "lấy vợ đi con", thế là mình đánh bài chuồn mấy tháng liền không về. Bố sợ quá ra ngoài Hà Nội nói chuyện bảo: "thôi Lúc nào mày thấy sẵn sàng thì nói chuyện với bố". Mình thoát. Bây giờ điệp khúc ấy được nhắc lại bởi nhiều người, phát chán lên được. Khệ nệ bê đống bánh chưng ra xe để vào cốp, dì gí thêm hai cái nữa nhắn: "năm nay, nhà mày thêm người nên dì cho thêm 2 cái". Mình trợn mắt: 'có thêm ai đâu? Nhiều thế này làm sao nhà cháu ăn hết?" Dì nhướng mắt rất bí hiểm: "tao không biết, liệu hồn mà nghĩ, ăn không hết đem ra Hà Nội ăn tiếp". Rồi tong tẩy đi vào nhà.

IV.

Ngày giáp Tết, mọi người hối hả chuẩn bị cho mâm cơm tất niên và đồ cúng cho ba ngày đầu năm mới. Cả nhà toả đi sắm đồ, mỗi người một việc, chỉ riêng mình được ưu tiên muốn làm gì thì làm, nghĩa là vô công rồi nghề không phải làm gì. Buổi sáng, mình ở nhà tỉ mẩn lôi cà phê bột ra tự pha, làm rơi tung tóe, báo hại mất thêm hàng đống thì giờ dọn dẹp. Mình nhìn từng giọt cà phê nhỏ chậm rãi xuống, xoáy sâu vào lòng cốc rồi vỡ tan ra, hòa vào đám nước tối đen đang bốc hơi nghi ngút, gác chân lên ghế thấy cuộc sống đang hối hả bỗng dưng như chậm lại. Gạt bỏ hết bon chen của cuộc sống, từ giờ phút này, mình sẽ sống kiểu người âm lịch cho đến hết tết, kiểu sống chẳng phải cho mình như những năm trước.

Đường phố bắt đầu đông dần lên, mình thò cổ ra ngoài đường thấy họ như đàn kiến hối hả đi tìm những mục tiêu cho riêng mình. Trời hửng nắng đẹp, sau một hồi đấu tranh tư tưởng với cái lười, mình vứt xe ở nhà, vác máy ảnh, xỏ đôi dép nhựa, lượn ra khu chợ hoa tụ họp sau nhà mỗi năm một lần để chứng minh mình vẫn còn lành lặn chưa đến mức phải há miệng chờ sung. Không khí thật phù hợp cho các cuộc đi chơi, nắng chiếu vào cả con phố đầy đào rừng làm chúng hồng rực thêm, nở rộ. Mình suýt xoa: "đào đẹp" trong khi người buôn hoa thì méo mặt vì năm nay thời tiết bất thường. Từ hôm mình về đến giờ, không ngày nào không nắng, mình lượn ra đường chỉ cần mặc chiếc áo khoác mỏng. Những tiếng mặc cả, chê bai hoa nở sớm mau tàn, xen lẫn tiếng thở dài cho ngày tết chưa trọn vẹn. Vài chú buôn đào nằm ở trong lều bạt căng tạm qua mấy cây cột điện chẳng buồn đứng chào mời khách, ai đến xem mặc, có hỏi giá thì nói vọng ra. Mỗi khi người mua mặc cả thì chẹp cái rõ to, bảo giá ấy mua thì mua không mua thì thôi, đằng nào cũng lỗ chổng vó.

Cái cảnh này làm mình nhớ đến hồi mậu dịch, ngồi bán mặt hàng ai cũng như đâm lê, kiểu lạnh lùng khó chịu và cao giá. Vào cửa hàng bách hóa tổng hợp thời ấy quả thật hết sức thiên đường vì nhiều đồ, như trẻ con được đi siêu thị bây giờ, mắt lồi ra như cái đèn ô tô. Mọi người đi lại rón rén, mỗi lần hỏi hàng gì chỉ dám thì thào rồi nhận được cái hất hàm nhìn giá đi hay cái liếc mắt làm nhụt chí công dân. Tự nhiên ngài mậu dịch viên trở nên cao giá. Gần nhà mình, có một cửa hàng bán thực phẩm, hàng ngày, mẹ đi làm qua tiện thể rẽ vào đó suốt tem phiếu mua đồ mang về nhà, rồi tiết kiệm đổi chác với mọi người,tem nhu yếu phẩm cất đi để dành, y như dân sưu tầm tem bây giờ. Thông thường, chúng sẽ được dùng vào dịp tết. Trong số bệnh nhân của bố, có cô mậu dịch viên xấu điên khùng. Cô xấu không thể tả với cái mũi to, mắt lé lại còn có ve. Xấu thế mà cô lấy được anh chồng bộ đội đẹp trai ghê gớm. Ngày ấy,ai làm mậu dịch viên cũng thành "hot girl" hết, xấu cũng được hốt tuốt. Mỗi lần, họ đứng bán hàng là thét ra lửa. Họ là người có quyền quyết định cho người ta miếng thịt nào, mớ rau nào mà người nhận chỉ được phép nhận,không có quyền lựa chọn. Cứ đến giờ, các cô uyển chuyển đi vào quầy bán hàng trong ánh mắt mong chờ, sợ sệt, pha chút ngưỡng mộ của đoàn người đang xếp hàng. Cái thứ ánh mắt ngày nay lớp trẻ gọi là GATO (ghen ăn tức ở). Người nhà không cần phải nói tới, sướng đến chết. Ngay cả ai quen với mậu dịch viên cũng đã sang lắm rồi, kiểu như nhà mình. Mẹ mình tích tem phiếu mua hàng từ trong năm, rồi đem đi đổi chác, nhờ vả người này người nọ. Đến cuối năm, kiểu gì cũng xoay được đủ nguyên liệu gói ít bánh chưng cho không khí Tết cho các con. Mẹ gói bánh, bố ngồi chẻ lạt từ ống cây giang cho mẹ buộc rồi chất bếp ra giữa sân,cho mình ngồi trông lửa đến khuya. Đây là những năm khó khăn. Thói quen đó được duy trì từ năm này sang năm khác, cho đến tận khi mẹ ốm.

Năm nào, nhà mình cũng có chai rượu chanh và hộp mứt xanh đỏ buộc túm trong túi nilon trong suốt có chữ mứt tết to đùng đặt trên bàn thờ. Ngày 28- 29 Tết, mọi người kiên nhẫn xếp hàng dài, chịu đủ mọi lườm nguýt với gắt gỏng của các cô mậu dịch để mua bằng được hộp mứt tết với chai rượu. Bố mẹ mình làm cán bộ nhà nước, cuối mỗi năm, đều cố xoay thêm cho được chai rượu chanh hoặc rượu cam mang về cho ông. Các vụ cẩn thận cất đi để dành không dám uống. Ngày Tết, ai vào chơi nhìn thấy, khen bàn thờ sang là các cụ lấy làm mãn nguyện lắm. Những món chai rượu, hộp mứt ấy được bày đến tận rằm, đến khi nó gần chảy nước mới được hạ xuống cho trẻ con ăn. Ngày ấy thiếu thốn, không thừa mưa như bây giờ nên cái gì cũng thèm, ăn miếng mứt chảy nước sao ngon thế. Hai chị em mình còn tranh nhau cái vỏ hộp để cất đồ lặt vặt, mẹ mình cũng giữ hẳn một cái để kim chỉ.

Cuộc sống đang thay đổi, những câu chuyện kể ra cho bọn trẻ bây giờ đúng như một câu chuyện xảy ra ở thế giới nào đó không có thật. Bây giờ, cái gì cũng sẵn, rượu tây uống ầm ầm, văn hóa một hai ba dzôô... Không biết bắt đầu từ bao giờ, có lẽ nó bắt nguồn từ sự thừa mứa và suy mòn về lối sống, văn hóa không theo kịp tốc độ phát triển của xã hội thế nên mới xảy ra những chuyện tréo ngoe cười ra nước mắt đầy rẫy báo chí. Mình không quan tâm đến điều đó, thỉnh thoảng khó chịu quá thì gào lên một chặp sau rồi lại thu mình về như mình vốn có.

V.

Ngoài phố chăng đèn kết hoa lấp lánh, cờ quạt đỏ ối cả hai bên đường quện lẫn ánh nắng hanh hao của mùa đông tạo cho mình cảm giác bình yên thật lạ. Đâu đó, có nhà nào thắp hương từ nhựa cây trám toả mùi thơm nhẹ len vào không khí, vương vào các cành cây khô lưa thưa vài chiếc lá còn sót từ mùa hè, quấn lấy chân người đi, mình có cảm giác thời gian dường như muốn cô đặc lại. Thở dài nhìn những con đường dài tít tắp không có điểm đỗ, cuộc đời mình như chuyến xe trôi đi không cách nào ngừng lại. Mải nghĩ bậy, giật mình thấy mình đã đi đến cuối chợ hoa từ bao giờ. Vẫn tấp nập người mua bán, mình đứng thừ ra một chốc, nhìn quanh chỗ góc phố cũ cạnh gốc cây xà cừ, nơi chẳng mấy ai để ý tới, một thế giới đã và đang bị xã hội lãng quên, bác già vẫn ngồi đó như bao năm trước với bộ quần áo tuềnh toàng, râu ria lờm xờm, đang ghếch chân lên bờ vỉa hè nhìn ra ngoài đường. Nhà bác già ở đâu, bác già ngồi đây từ bao giờ không ai biết và cũng chẳng bận tâm. Mình biết bác già ngồi đây từ lâu lắm rồi, từ thời mình còn đạp xe đi học phổ thông. Ngày nắng cũng như mưa, bác chăm chỉ vá xăm cho lũ học sinh nghịch ngợm.

Rồi xe đạp ít dần, người ta đi xe máy nhiều hơn, bác già vẫn làm công việc bơm xe ấy, chỉ là những nếp nhăn dày hơn trên trán. Mỗi cuối tuần về quê, lái xe đi ngang qua gốc cây xà cừ, mình vẫn nhìn vào đó theo thói quen không sao bỏ được, như muốn tìm những ký ức thân quen đang dần thất lạc đâu đó trong đầu. Người và xe như mắc cửi không ai dừng lại, bác già vẫn yên lặng ngồi đấy, cái bơm tay dựng chỏng chơ bên cạnh, song song với đôi tông ngả màu xám ngoét, mòn vẹt. Bác già gãi đầu nhìn chăm chăm ra đường, ngáp một cái rõ to, thỉnh thoảng rít một hơi thuốc, lim dim ngửa cổ và khói lên trời. Còn gì thú bằng tự mình xây dựng số phận cho riêng mình. Như bác già ngồi bên gốc cây, lặng lẽ nhìn dòng người trôi, lặng lẽ nhìn cuộc đời trôi. Nhìn quanh, mình thấy kiếm nhiều tiền đâu có nghĩa là hạnh phúc.

VI.

Chiều 29, lên bàn thờ thắp hương trước khi bố đi tảo mộ, mời các cụ về ăn tết cùng gia đình, trong đó có mẹ. Đã mười mấy năm, cả nhà ăn tết thiếu vắng bàn tay chăm sóc của mẹ. Thời gian đủ dài cho những nỗi thương tâm lắng xuống và những người còn lại tiếp tục sống một cách có ý nghĩa. Cũng ngần ấy thời gian từ khi bà chị đi lấy chồng, mình hùng hục nấu nướng bữa cơm cúng trong ba ngày Tết, mãi rồi cũng quen và không còn cảm thấy ác mộng đầu năm mới nữa.

Hồi còn sống, lúc chuẩn bị cùng bố đi tảo mộ, mẹ thường tự tay thắp hương trên bàn thờ khấn vái lầm rầm, bà bảo để báo trước cho các cụ biết đường mà về kẻo quên nhà. Rồi sắm sửa tiền vàng quần áo giấy từ mấy ngày trước, xếp riêng từng món cho từng người, dặn bố con ra mộ khấn thế này,thế này, mời các cụ cho đàng hoàng không phải tội. Đến năm mẹ ốm, nằm một chỗ không dậy được, đấy là cái Tết cuối cùng của mẹ với gia đình. Dù không thắp hương trên bàn thờ được, bà vẫn gọi mình nhắc phải cúng thế này, thế này... Rồi mẹ bỏ đi trong chiều mưa xuân, lúc con chim khách lên bờ tre sau nhà hót véo von. Lúc mình về đến nhà đã thấy bà nằm bình yên không còn suy tư và đau đớn nữa. Đó là lần duy nhất mình khóc trước mặt mọi người, không phải vì nuối tiếc, mà khóc cho con đường thật dài.

Con đường chiều trở gió hun hút, thổi tung đám lá khô bên đường. Từng chiếc lá khô xoăn tít, bị gió cuốn lăn tròn, lao đi về những hướng vô định. Ánh nắng không xuyên nổi qua những đám mây dày, trời chuyển mình thành màu xám tro. Gió bấc bắt đầu về làm nhiệt độ không khí tụt xuống nhanh chóng. Mình rùng mình, túm chặt miệng túi nilon chứa đầy vàng mã cho khỏi bay, cuộn chặt cái áo cánh mỏng vào người. Quanh đây, lác đác đã có gia đình đi mời các cụ về ăn tết như bố con mình. Mộ mẹ nằm một mình giữa đám ruộng đang kỳ vỡ đất trồng màu. Bỏ xe trên đường, hai bố con bước thấp bước cao xuyên qua những mô đất nâu xỉn đã được vỗ tơi chuẩn bị gieo hạt bắt đầu vụ mùa mới. Lần nào đến đây, mình cũng có cảm giác cô quạnh, cảm giác giống một người bơ vơ giữa đất khách quê người. Đây là quê bố, mộ ông bà ngoại nằm cách mẹ một con sông. Ngày mẹ được gả sang bên sông, ông bà cùng đứng bên này dõi theo con đường đi đưa dâu lắc léo dọc theo dòng chảy tha thiết. Đến khi mẹ mất, ông bà ngoại nằm gối bên kia sông nhìn sang nơi mẹ nằm bên này, có lời nhắn nhủ nào theo cơn gió bay lên và đưa sang đây không.

Gió lồng lộng thổi, nắm hương cháy rực đỏ, khói nồng làm mình chảy nước mắt. Mười mấy năm rồi, bố và mình đi mời mẹ về nhà ăn Tết. Con đường quen thuộc lắm, nhưng không biết mẹ còn nhớ được lối về. Ánh sáng chiều nhàn nhạt chiếu xuống đôi vai của bố, in bóng xuống bờ ruộng ngả nghiêng, cong queo như số phận vất vả một đời của ông vậy. Bố vừa tỉ mẩn quét hết bụi phủ trên mặt mộ vừa lẩm bẩm nói nhỏ: "mình à, tôi với con ra mời mình về nhà mình ăn Tết nhé!.." mình khẽ thở dài, phóng mắt nhìn sang bên sông, con đò gác mái buộc hờ đầu dây chòng chành theo dòng nước, vắng lặng. Chắc người chủ đã về nhà ở nơi nào đó, bỏ mặc con đò một mình với mây Và gió.

VII.

Sau khi đốt vàng mã cho mẹ xong, hai bố con tiếp tục đi vào mộ ông bà nội. Đường vào làng quanh co khuất sau những lùm cây, bò dần lên lưng chừng núi, rải rác bên đường vẫn chơ vơ vài ngôi mộ cũ từ thời nào bị cây cỏ mọc kín. Ngày xưa,nơi này đầy đồng ruộng,dân làng sống chủ yếu trên núi nhường chỗ đất màu mỡ cho việc trồng cấy. Cũng như những vùng quê nghèo khác, nguyện vọng những người dân cả đời không bước ra khỏi lũy tre làng là được nằm xuống dưới mảnh đất nhà mình cho mát mẻ, gần con gần cháu. Thế là những ngôi mộ mọc lên xen kẽ với những thửa ruộng lô nhô, những thân xác chết đi đã bồi đắp cho mảnh đất thêm màu mỡ. Rồi nhiều năm sau, xã hội phát triển, người người sinh sôi thêm lên mà đất thì không nở ra. Đất đai ruộng vườn trở thành đường xá nhà cửa, những ngôi mộ nằm trên mảnh ruộng quê nhà bị đẩy lên đường, trước cửa nhà. Bọn trẻ con trong làng hàng ngày chơi trốn tìm, chạy nhảy len qua các ngôi mộ cũ, cười rúc rích. Những bà cụ quấn khăn mỏ quạ, hàm răng đen nhánh, gánh rau đi chợ, mỏi chân, đứng tựa vào thành mộ nhai trầu bỏm bẻm, thỉnh thoảng nhổ bãi nước đỏ ối vào đám cỏ xanh rì dưới chân. Những ngôi mộ trở thành quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi năm vào dịp giáp tết, hương thơm lẫn trong không khí, phủ đầy nên những ngôi mộ đầy rêu xám vướng chân người đi. Nơi này người sống và người chết hòa vào làm một, họ được hòa tan vào chính mảnh đất quê nhà yêu thương ngàn đời thanh thản.

Mình lúi húi thắp hương lên những ngôi mộ xung quanh cho bố khấn mời ông bà về. Đường chiều vắng dần, ánh sáng Cchạng vạng làm cảnh vật nhoà dần như bức ảnh bị sai nét, những que hương bị gió thổi đỏ rực lên như ai đang cố sức thổi vào nó vậy. Rồi mình nghe thấy tiếng lọc cọc vang lên, một ông già áo nâu râu dài đang liêu xiêu từng bước theo con đường mòn đi ngang qua. Bố đang đốt vàng mã thấy ông cụ già liền nói với theo: "chào cụ Tòng. Cụ đi đâu trời chiều muộn nhiều gió thế này? Khéo kẻo ngã nhé!". Ông già thôi khua gậy, dừng chân lại một chốc rồi hắng giọng nói bâng quơ, bên kia chỗ nào thắp điện nhể. Bố nhìn theo bảo, chùa làng bên mới xây xong. Ông già hỏi, chùa khuất cơ mà sao nhìn được. Không đợi câu trả lời từ bố, ông già hít một hơi sâu lại bâng quơ, gió bấc về nhể, bố vừa đốt vàng hương vừa vâng. Ông già tần ngần đứng không biết nghĩ gì, chép miệng cái chẹp nói, mạ chết hết nhể, rồi tiếp tục lọc cọc khua gậy lững lờ len qua mấy ngôi mộ nhấp nhô về nhà.

Tối nhọ mặt người, trước khi về, bố con tiện thể vào nhà bác gửi Tết. Xách chai rượu cùng gói mứt theo bố men theo những ngôi mộ đến cuối xóm, vừa đi bố vừa chỉ đây là mộ của cô Hòa hàng xóm ông ngoại ngày xưa bị mìn nổ chết lúc 10 tuổi, cụt mất cả chân. Chú kia bị bom Mỹ đánh nổ thành hố sâu người chết lẫn lộn không biết ai vào ai, người ta gom chung lại rồi chia vào các ngôi mộ tượng trưng lấy tên từng người. Mình rợn tóc gáy. Tiếng chân bước trên đường vắng va vào mấy ngôi mộ dội lại rào rạo nghe giống tiếng người bước đằng sau, ngoảnh lại chẳng có ai. Vội vàng co cẳng nhảy qua cánh cửa sáng đèn.

VIII.

Buổi sáng cuối cùng của năm cũ, ba mươi tết. Trời nổi gió từ hôm trước kèm mưa lâm thâm, đường sá ướt nhẹp. Theo thói quen, mình lại là một cốc cà phê nóng ngồi gác chân trên ghế bên cửa sổ, thò cổ ra ngoài lặng lẽ ngắm sự đỏng đảnh của thời tiết. Mưa phùn bay loạn xạ. Lạnh. Trên con đường bóng loáng nước vẫn rải rác những gánh rau ra chợ, chiếc nón sờn, lá ngả màu nâu xỉn nhấp nhô theo từng bước chân người đi. Đôi vai trĩu xuống vì gió, vì mưa và vì cả gánh nặng mưu sinh. Những gánh rau đi trên con đường trơn, lướt qua những chiếc ô tô đậu im lìm, lạnh lẽo trước cửa những căn nhà đóng cửa kín mít. Mỗi lần đi chợ, mình thường chọn rau của người già nhất bất kể nó có ngon hay không và trả tiền không bao giờ mặc cả, thế nên luôn bị phản đối một cách thậm tệ. Kết quả sau vài lần được giao nhiệm vụ mua bán, mình được cho nghỉ hưu sớm. Mình luôn bị mọi người trong nhà cho là đứa ngờ nghệch giữa cuộc sống này, cũng giống như một anh bạn mình nói: "Chúng ta là những kẻ tâm thần giữa một xã hội phát điên".

Ngồi chán, lò dò bước chân xuống nhà đúng lúc bố xách hai con gà mang đi thịt từ sáng về, hồ hởi khoe đâm quá mãi mới xong, chân cánh trói triếc cẩn thận. Năm nay xui bố đừng thịt ở nhà mất thời gian, mang ra chợ cho nhanh tại vì năm nào mình cũng phải chổng mông vặt lông gà. Mình xung phong đi nhóm lò. Cái đống than phải gió, ướt nhẹp, đốt mãi không cháy, khói um, làm mình mũi dãi lòng thòng. Bố cười cười bảo: "mày vào nhà đi, để bố làm". Không biết ông loay hoay thế nào chỉ tí sau, than cháy đỏ rực. Mình lè lưỡi, đặt nồi nước lá cây mùi già lên bếp đun lấy nước tắm trước giao thừa, rồi đi gọi anh chị và lũ trẻ con xuống nhà. Năm nào cũng vậy, nhà mình nấu một nồi nước mùi già to để cả nhà rửa mặt, rửa chân tay tẩy hết những buồn phiền động lại từ năm cũ.

Dọn dẹp nhà cửa một chặp mệt phờ, định bụng lượn ra sau nhà chỗ bán đào quất xem mọi người đi mua vét. Ngày trước, năm nào mình cũng ra đây vào lúc này, thích thú nhìn hàng xe đi vù vù góc nọ góc kia trả giá. Những người bán đào buồn hiu cố gắng mặc cả thêm chút đỉnh gỡ vốn, cả đoạn đường tấp nập ồn ã. thằng bạn mình năm nào cũng phải ngồi cơ quan giờ này trực đến khuya, vợ suốt ngày làu nhàu đi mất xác không thèm về. Và năm nào nó đến nhà mình, mặt cũng nhăn như khỉ, kêu ca đóng cha cái chợ hoa Tết đi, tối 30 toàn phải ngồi chầu, điều quân đi dọn dẹp đào quất ế vứt đầy đường cho nhân dân đi chơi tết vì người ta bỏ của chạy lấy người.

Tết năm ngoái, thằng bạn bác sĩ làm ở quê vào nhà chơi, nó cười bảo, ngày đêm 30 vừa giao thừa phát đã có đôi vợ chồng ôm nhau và cấp cứu. Chẳng là hai đồng chí buôn quất đúng dịp ế, chẳng bán được cây nào, chị đổ cho anh, anh đổ cho chị, rồi tát nhau mấy phát. Rồi chị vợ tự tử giả vờ, nghĩa là đem lọ dầu gió ra uống sạch, sau đó lấy thuốc sâu bôi quanh mồm. Lúc sau, dầu gió ngấm, bụng đau quặn lên, chị giãy đành đạch lên và anh chồng sợ cuống cuồng đưa đi viện nói tự tử thuốc sâu. Cả kíp trực đè bệnh nhân xuống đặt ngay cho cái sonde to bằng ngón chân cái vào dạ dày hì hục rửa. Tí sau, chị nôn ồng ộc toàn nước mùi dầu gió và xua tay gào lên: "bôi, bôi thuốc đấy không phải uống đâu". Quán triệt tư tưởng bệnh nhân tự tử thường nói dối nên tiếp tục rửa đến hàng yến nước cho sạch. Sau vụ này, chị vợ sẽ tởn cả đời chả dám tự tử nữa, ngay cả trong ý nghĩ. Chắc chắn năm ấy nhà này ăn tết mất vui.

IX.

Chiều 30. Áo sống chuẩn bị cẩn thận, mình gọi với vào trong nhà nhắc bố ;"xôi để tí nữa con nấu lò vi sóng cho nhanh, bố không phải làm gì cả". Bố nói vọng ra: "chết chưa, thiếu gấc". Mình tá hỏa phát hiện bà chị đi chợ quên không mua gấc nấu xôi cúng giao thừa, vậy là vội vàng phi xe về quê ngoại xin xỏ, may nhà cậu có một quả nhỏ nằm vắt ngang chuồng lợn, treo trên giàn cây lá héo rũ sống dở chết dở. Tặc lưỡi có còn hơn không, mình vác xào ra chọc chọc mấy cái rơi bộp xuống đất vỡ đôi. Thằng em đi đâu về nhìn thấy rú lên cười với cái giọng làm mình sôi gan: "đã bảo để tí em lấy cho, lại không khiến". May mà ruột không dính đất, mình tặc lưỡi phát nữa thu vào túi bảo: "vẫn còn ngon chán, tao vẫn nấu được". Nó bĩu môi. Đang buộc cái túi gấc vỡ, con chó nhà cậu ở đâu nhảy bổ đến quẫy đuôi rối rít như con điên. Mình gạt nó ra mắng yêu: "cái đồ đốm đuôi. Tao mà ăn được thịt chó thì mày đã vào nồi lâu rồi con ạ!"con chó ngoạm lấy cái túi mình định chạy đi, mình rất lấy đập cho cái vào đầu, nó giật mình chạy biến ra cổng, vừa chạy vừa ngoái lại nhìn không để ý đường đâm rầm vào chân bà cụ trong họ nhà mình vừa sang chơi. Con chó sợ quá lấm lét chuồn mất dạng. Bà cụ lập cập bám vào tường, kêu lên: "ối giời ơi, chân tao còn cái gì nữa mà mày cắn hả chó?" Năm nay, bà đã 86 tuổi nhưng mắt vẫn còn nhìn để xâu kim được, người nhỏ thó, lưng còng gập xuống. Bà lấy em ruột của ông ngoại, nhà ở cuối xóm. Phải đến hàng chục năm nay, mình không gặp bà vì ít khi xuống phía ấy. Chiều nay, bà sang chơi nhà dì, mỗi bước đi chậm chạp như bộ phim quay chậm. Bà hỏi: "thằng Hùng hả con? Lâu lắm rồi mới thấy về nhà chơi. Bao giờ lấy vợ chắc bà chẳng ra ăn cỗ được."Mình trố mắt: "bà vẫn còn nhớ được cháu à?"bà cười, hai hàm chỉ còn vài cái răng đen, bảo sao bà quên được, ngày xưa thằng Hùng xinh giai nhất làng, các cô mới lấy chồng tranh nhau bế, tranh nhau sờ chim để lây một tí." Mình đỏ mặt. Mấy con em ngồi bên cạnh bấm nhau cười rúc rích, mình lừ mắt nạt: "chúng mày cười cái gì!" Bà bảo: "tay nói thật cấm có sai câu nào". Mình cười toác miệng, "ngày ấy, cháu là hotboy bà nhở". Bà bảo "hotboy là con gì bà chả biết đâu".

Dì vỗ đôi vai gầy quắt của bà cười nói, chắc tại đẻ lắm nên sống lâu, những tám đứa còn gì. Ngày xưa, bà bị ông đánh suốt ngày, có hôm, toé máu đầu chạy vào đây trốn, dì phải băng lại và ông ngoại gọi ông đến mắng nhưng tính nào tật đấy. Bị đánh nhiều máu độc ra hết nên giờ khỏe thế. Bà cười, hai hàm toàn lợi, đỏ tươi những trầu gật đầu: "Nhờ giời, tôi năm nay vẫn còn minh mẫn. Chả biết đến bao giờ chị nhể?"

X.

Tối 30, công việc chuẩn bị đã tạm xong, đường xá trở nên yên tĩnh hơn bao giờ hết, thi thoảng mới có một chiếc xe vội vàng lao qua dưới hàng mưa bụi, xuyên vào màn đêm mất hút. Mình lại ngồi co chân lên ghế làm ấm trà. Dạo này, mình thích ngồi uống trà một mình giống ông cụ. Mọi người đi nghỉ sớm để chuẩn bị thức lúc giao thừa. Không khí xung quanh lặng im đến mức dường như mình nghe được cả tiếng khói từ chén trà bốc lên va vào không khí một cách chậm rãi, tha thiết, giống như tiếng nứt gãy và rạn vỡ của thủy tinh vang lên sau bức tường dài đầy mơ hồ hoang hoải. Nhiều năm, đêm 30 vắng tiếng pháo, từ niềm vui rộn ràng điếc tai đến mức trong nhà nói chuyện với nhau không nghe thấy gì, bây giờ, không khí ấy được thay bằng cảm giác bình yên, đôi lúc trống vắng, đặc biệt đối với mình. Đứng dậy khoác chiếc áo gió vào người, thò vào phòng bảo bố ở nhà cúng giao thừa, mình vác bộ máy ảnh cùng tripod lỉnh kỉnh đi chụp ảnh pháo hoa. Bố bảo ăn mặc cho cẩn thận kẻo ngoài trời lạnh, mình vâng.

Mình chậm rãi đếm từng bước trên đường, nhìn những hạt mưa bụi cuộn từng lọn xoay tít dưới ánh sáng ngọn đèn đường vàng úa, lấp loá. Thỉnh thoảng, mình phải dừng lại lau kính. Đâu đó bên đường, cái rét len lỏi vào từng kẽ lá làm chúng hình như không dám động đậy vì sợ hơi lạnh làm chúng nặng thêm và rơi xuống đất. Thời gian lúc này đông cứng lại thành đá, mình rùng mình thọc tay vào sâu trong túi cắm cúi đi. Pháo giao thừa bắt đầu nổ, gió to làm chúng bị thổi bạt về một phía. Mình chớp vài kiểu ảnh, hít một hơi sâu cảm nhận thời khắc chuyển giao sang năm mới, thứ không khí tươi mới ấy mỗi năm chỉ có một lần và không bao giờ lặp lại. Những bông hoa lớn nở xòe ra sáng rõ một vùng, chiếu lên những khuôn mặt háo hức bên dưới của lũ trẻ. Đâu đó sức sống mới đang lan tràn trong mỗi người, mình cảm nhận nó bắt đầu từ con tim. Nó xua tan một phần giá lạnh của cuộc sống. Dòng người lũ lượt cười nói, ra về mang cả mùa xuân vào nhà.

Mình chờ đám đông tản đi hết mới lững thững dạo bước trên đường, rẽ vào những lối tắt ít người qua. Không gian bắt đầu yên tĩnh trở lại, thoáng đãng. Một chị quần áo lam lũ gò lưng đạp xe trên đường cất tiếng rao: "ai muối ơ" vang lên, rơi hun hút vào ngõ sâu, va vào những căn nhà đóng kín cửa âm âm. Vào giờ phút này, khi người người hạnh phúc đoàn tụ với gia đình và trao cho nhau những lời ân tình, thì đâu đây gánh nặng mưu sinh vẫn trĩu nặng trên vai những cuộc đời kém may mắn khác. Mình mua một túi muối nhỏ, chị luống cuống không đủ tiền trả lại, mình xua tay nói coi như món quà năm mới. Người đi mua sự may mắn, người bán thu về sự chia sẻ cho vơi bớt nỗi nhọc nhằn. Mình biết rằng, ở đâu đó có người đợi chị về với nụ cười ấm áp. và mình cũng phải về vì có gia đình đang đợi với lời chúc hạnh phúc đầu năm. Cuộc đời mỗi người giống như con thuyền giữa mênh mông những chuyến đi, mỗi người tự chọn hướng đi và những chuyến đi tạo nên số phận.

Và mình luôn hạnh phúc được tạo ra số phận cho riêng mình.

---HẾT---+-