Én Liệng Truông Mây - Hồi 23 - Phần 1

HỒI THỨ HAI MƯƠI BA

Đảo Phương Mai, tưng bừng anh hùng hội

Phủ Quy Nhơn, nơi ngọa hổ tàng long.

Nghe đến Truông Mây, những tay cự phú ở cả hai phủ Quảng Ngãi và Quy Nhơn đều ngày đêm nơm nớp lo sợ đến mất ăn, mất ngủ. Nhiều người bỏ rất nhiều tiền bạc ra để thuê mướn võ sư, vệ sĩ về bảo vệ mình. Một trong số đó, người tổ chức tìm kiếm nhân tài có tính cách qui mô nhất là Cao Đường ở đầm Hải Hạc.

Cao Đường làm ăn lớn, lo lót nhiều nên quen thân với quan khám lý Hoàng Công Đức. Ông đã nhờ họ Hoàng xin phép Nguyễn Khắc Tuyên mở một cuộc anh hùng đại hội tỉ võ nhằm phát triển nền võ thuật phủ nhà. Trên danh nghĩa là thế nhưng mục đích chính của ông là muốn tìm kiếm nhân tài, những người có đủ khả năng chống lại những đường côn vô địch của chú Lía và đồng bọn ở Truông Mây. Trước là mướn họ làm vệ sĩ cho gia trang của mình, sau là để đi theo bảo hộ đoàn thuyền buôn vì nạn cướp biển đang ngày một hoành hành bá đạo. Giải thưởng dành cho người đoạt chức vô địch là một ngàn lạng vàng ròng, còn á quân sẽ được tặng một thanh nhuyễn kiếm quí báu vô song. Điều kiện tham gia mở rộng cho tất cả mọi người, mọi giới, ở mọi lứa tuổi. Thể thức tranh tài dựa trên tinh thần thượng võ, tránh đổ máu, sát thương.

Tin về cuộc đại hội anh hùng với những trận tranh tài hứa hẹn nảy lửa nhanh chóng bay đi khắp Đàng Trong. Từ bá tánh bình dân cho đến những lò võ, những hảo thủ giang hồ đều không ngớt bàn tán. Ai nấy đều háo hức chờ đợi ngày khai mạc đại hội anh hùng vào dịp tết Trung Thu sắp đến. Tin tức này trở thành đề tài nóng hổi ở những trà đình, tửu điếm, nơi đầu chợ cuối thôn. Từ trăm năm nay, phủ Quy Nhơn được coi là địa đầu giới tuyến của Đàng Trong, tụ tập rất nhiều dân xiêu tán, lang bạt kỳ hồ. Quả là vùng đất rồng nằm cọp ẩn. Đại hội anh hùng đã khơi dậy dòng máu võ sĩ chảy trong huyết quản của rất nhiều đại cao thủ bấy lâu nay ẩn tên giấu mặt.

Vào thời điểm đó, Trần Lâm thành tài được thầy cho xuống núi hành hiệp. Phan Sinh muốn tiễn chàng nên hai người cùng đến Chiêu Anh Quán để uống một bữa chia tay. Vừa thấy họ bước vào, cô chủ quán Lan Anh đã vội niềm nở đón chào:

- Lâu quá mới thấy hai anh ghé ra đây. Sao, định xuống tham dự anh hùng đại hội phải không?

Phan Sinh ngạc nhiên hỏi:

- Anh hùng đại hội gì? Chúng tôi có hay biết gì đâu. Lan Anh nói nghe thử xem nào?

- Trời ơi, đúng là một người thì suốt ngày núp trong xó nhà, một người thì trọn tháng quét lá đa trên núi mà. Anh hùng đại hội là đại hội tỉ võ do phủ nhà và Cao gia trang ở đầm Hải Hạc đứng ra tổ chức. Đại hội sẽ diễn ra ở bãi cát Hải Minh dưới chân gành Hổ bên đảo Phương Mai. Giải thưởng có đến ngàn lượng vàng lận đấy. Hào kiệt bốn phương đang đổ về Quy Nhơn nườm nượp, hai anh nên xuống đó mà coi. Lâm huynh này, đây là dịp để anh trổ tài đó.

Trần Lâm mỉm cười:

- Tôi học võ vẽ có mấy đường quyền mà trổ tài nỗi gì. E làm trò cười cho thiên hạ thì có.

Phan Sinh hào hứng nói:

- Dù sao chúng ta cũng nên đến đó xem để mở rộng tầm mắt. Xưa nay phủ nhà chưa từng có hội lớn thế này đâu, nếu bỏ lỡ thật là phí.

Lan Anh tiếc rẻ nói:

- Đúng vậy. Tiếc là Lan Anh bận coi quán, không thì sẽ theo hai anh đi một chuyến cho vui.

Trần Lâm hỏi:

- Không có ai thay thế được cho vài hôm à?

Lan Anh lắc đầu đáp:

- Không. Gia đình Lan Anh đơn chiếc lắm. Chị Ngọc Chiêu lấy chồng rồi nên chẳng còn ai. Chán thật!

Phan Sinh mỉm cười:

- Thôi ở nhà đi, để tôi đi về rồi kể lại cho nghe cũng được mà.

Lan Anh nguýt yêu:

- Chứng kiến tận mắt mới hay chứ, kể lại thì còn thú vị gì nữa. Hai anh uống rượu nhé? Để Lan Anh đi lấy.

Nàng trở vào trong. Quán lúc này rất đông khách, các bàn đều chật ních người. Khắp nơi tiếng cười nói râm ran. Nhưng phần lớn họ đang bàn tán về chuyện anh hùng đại hội sắp diễn ra ở đảo Phương Mai. Bàn bên cạnh nơi hai chàng ngồi, có bốn người: một cụ già quắc thước, râu tóc bạc phơ trông rất phong trần; hai thanh niên cỡ mười bảy, mười tám tuổi, nét mặt tuấn tú và một cô gái tuổi chừng mười ba. Cuộc nói chuyện của họ tuy nhỏ nhưng Trần Lâm vốn thính tai nên vẫn nghe được. Một thanh niên hỏi:

- Chúng ta cũng xuống Quy Nhơn tham dự đại hội chứ sư thúc?

Ông già đáp:

- Cũng hay. Đây là dịp tốt để các con mở rộng thêm kiến thức võ thuật của các lộ, các phái khắp nơi.

Chàng thanh niên thứ hai cao hứng nói:

- Sư phụ cho Tiểu Phi sư huynh thượng đài đi. Con tin chắc sư huynh thế nào cũng đoạt được chức vô địch cho mà coi.

Tiểu Phi nói:

- Sư đệ đừng coi trọng huynh quá. Thiên hạ anh hùng như lá trên rừng, không biết bao nhiêu mà kể. Huynh có tài cán bao nhiêu mà đòi giành chức vô địch.

Cô gái xen vào:

- Tiểu Phi sư huynh đừng coi trọng người mà tự hạ mình. Muội đồng ý với Tuyết sư huynh là huynh nên thượng đài tranh chức vô địch. Ông nội, người bảo sư huynh một tiếng đi.

Tiểu Phi mỉm cười:

- Cả cô cũng muốn cho tôi ăn bánh vẽ nữa hay sao đây?

Ông già nhéo nhẹ má cô gái nói:

-  Đã bảo con gọi Tiểu Phi và Tuyết Nhi là sư thúc mà, sao vẫn giữ mãi tiếng sư huynh vậy?

Cô bé nũng nịu:

-  Hai anh ấy còn nhỏ xíu hà, nội cho con gọi là sư huynh đi, gọi sư thúc giống hai ông cụ quá à.

Tiểu Phi mỉm cười nói:

-  Sư thúc cứ để Lan Nhi gọi tụi con là sư huynh cũng được. Coi như cô bé là đồ đệ của sư thúc đi, bọn con còn nhỏ, gọi sư thúc cũng không thú vị gì.

Ông lão nói:

-  Thôi cũng được.

Ông già tóc bạc chính là Trần Kim Hùng; chàng thanh niên tên Nguyễn Văn Tuyết là đồ đệ; còn cô gái là Trần Thị Lan, cháu nội của ông. Tiểu Phi gọi Kim Hùng là sư thúc vì chàng là nghĩa tử của Trần Đại Bằng, bang chủ Hành Khất bang. Kim Hùng đằng hắng một tiếng rồi nói:

- Tuyết Nhi và Lan Nhi nói phải đó. Con nên đăng ký thi đấu. Trước là để có dịp trau dồi tài năng và kinh nghiệm, sau nếu thắng được, một ngàn lượng vàng đó sẽ giúp ích rất nhiều cho bang Hành Khất của nghĩa phụ con. Hàng ngàn người ăn mày sẽ được cơm no áo ấm, con không nên thủ phận quá.

Tiểu Phi nói:

- Cảm ơn sư thúc đã không còn giận nghĩa phụ mà nghĩ đến bang Hành Khất. Không phải con thủ phận, con chỉ sợ tài nghệ của mình chưa được bao nhiêu sẽ làm hại đến danh tiếng của sư môn mà thôi.

- Ta chỉ bất đồng ý kiến với nghĩa phụ con về tư tưởng trung thành một cách mù quáng với một phủ Chúa thối nát mà thôi, chứ có giận hờn gì đâu. Còn chuyện thắng bại là lẽ thường tình, con không phải lo ngại.

Tiểu Phi ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:

- Sư thúc và hai em đã nói thế thì con sẽ tham gia.

Nguyễn Văn Tuyết vỗ tay đánh bốp một cái, nói:

- Phải như vậy mới được! Sư huynh phải cho thiên hạ biết cao đồ của Phong Điền Tam Hữu tài sức bậc nào chứ.

Kim Hùng nhìn Văn Tuyết nói:

- Con không nên tự kiêu như vậy. Việc đời không đơn giản, nhất là khi đi lại giang hồ mà xốc nổi quá sẽ chuốc họa vào thân.

Văn Tuyết nghe thầy la vội cúi đầu biết lỗi:

- Dạ, con biết rồi, thưa thầy.

Phan Sinh nghe được lõm bõm câu chuyện của họ nên thì thầm với Trần Lâm:

- Anh cũng nên thượng đài để học hỏi thêm kinh nghiệm. Sáu năm học nghệ, đây là dịp tốt để thử thách và rèn luyện, anh không nên bỏ lỡ.

Trần Lâm nói:

- Để xem. Đằng nào tôi cũng phải ghé về thăm chú Lê Trung và anh em thủy thủ. Chúng ta cùng đi.

- Tôi phải viết mấy chữ nhờ Lan Anh tìm người mang về cho cha mẹ đã.

Trần Lâm và Phan Sinh xuống bến tàu ở đầm Hải Hạc, gặp lúc đoàn tàu buôn còn ở bến. Sáu năm biệt tích, cả Lê Trung lẫn anh em thủy thủ đoàn đều tin rằng Trần Lâm đã chết, nay bỗng nhiên chàng trở về khiến cho tất cả mọi người đều ngạc nhiên. Lê Trung ôm chầm lấy chàng mừng rỡ:

- Cháu còn sống trở về, mà lại khỏe mạnh thế này nữa chứ, thật là ơn Trời Phật cao lớn vô cùng. Nào lên thuyền, chúng ta cùng nhau uống rượu. Cháu phải kể lại đầu đuôi sự việc cho tất cả cùng nghe. Tiểu Hồng mà biết cháu còn sống chắc nó sẽ lại khóc vì vui mừng cho coi. Tội nghiệp, ngày cháu bị bắt, nó khóc ròng cả mấy tháng liền đó.

Trần Lâm nghẹn ngào nói:

- Cảm ơn sự thương yêu của các chú và các anh. Cháu sẽ vào thăm Tiểu Hồng sau.

Chàng bèn giới thiệu Phan Sinh với mọi người. Chào hỏi nhau xong, Lê Trung và anh em thủy thủ bày một cuộc rượu trên thuyền. Trần Lâm từ từ kể lại chuyện sáu năm qua, nghe xong ai nấy cũng đều mừng rỡ. Lê Trung nói:

- Vậy là trong cái rủi lại có cái may. Thật xót thương cho mấy anh em thủy thủ và Lưu Phương. Cháu có muốn nhân cơ hội này thử xem tài nghệ của mình đến đâu không?

Mấy người thủy thủ đều tỏ ra ủng hộ. Một người lên tiếng:

- Đúng đó Lâm nhi. Cháu là người thông minh, đam mê võ nghệ, lại thụ giáo được danh sư, chú tin cháu sẽ đoạt được chức vô địch kỳ này thôi. Cháu phải làm cho đoàn tàu của mình được hãnh diện lây với chứ. Để xem, nhìn cháu kiêu hùng trong bộ y phục màu trắng này, từ nay chắc phải gọi Lâm nhi là Tiểu Bạch Long, con rồng trắng của biển Đông chúng ta. Mọi người thấy có phải không?

Mọi người đều hào hứng ủng hộ. Họ nói:

- Ý kiến của Trần Thiện Phú hay đấy. Từ nay Lâm nhi của chúng ta sẽ là Đông Bạch Long, đối chọi với Tây Hắc Hổ chú Lía ở Truông Mây.

Trần Lâm cười nói:

- Xin đừng coi trọng cháu quá, nhưng mấy chú đã nói vậy thì cháu cũng cố gắng thử xem sao. Cháu mà có bị loại ngay vòng đầu thì không ai được cười đó nhé. Chừng đó Đông Bạch Long lại trở thành Đông Tử Ngư. Ha ha...

Lúc Trần Lâm còn nhỏ, mọi người đều coi chàng như người thân của mình, nay thấy chàng đã trở thành một thanh niên vô cùng tuấn tú, tướng mạo đường đường thì trong lòng ai nấy cũng đều cảm thấy vui mừng và hãnh diện. Thuyền phó Trần Thiện Phú cười ha hả nói:

- Không thể nào. Tuy chưa thấy tài nghệ của cháu bây giờ ra sao, nhưng chỉ nhìn vào phong thái của cháu thôi, chú tin chắc giải quán quân sẽ không làm khó được cháu.

Mọi người đang vui vẻ thì Đại Hồng, Tiểu Hồng và Lý Vân Long bất ngờ xuất hiện. Khi thấy Trần Lâm trở về, một thủy thủ đã chạy vào Cao gia trang báo tin cho Tiểu Hồng biết, gặp lúc Đại Hồng và Vân Long cũng có mặt ở đó nên cả ba liền phóng ngựa chạy ra bến tàu. Vừa thấy ba người lên thuyền, Trần Lâm vội đứng dậy, nét hân hoan hiện rõ trên khuôn mặt. Tiểu Hồng từ lúc hay tin Trần Lâm còn sống trong lòng vui mừng đến cực độ. Giờ nhìn thấy người bạn thân thuở nhỏ, nàng không nói được tiếng nào, nhìn sững Trần Lâm một lúc rồi bưng mặt khóc òa.

Phần Đại Hồng, ngày xưa lúc nào gặp mặt Trần Lâm cũng kiếm chuyện gây gổ, cứ như nước với lửa vậy. Hôm nay, sau sáu năm xa cách giờ gặp lại nàng không khỏi sửng sốt bàng hoàng. Vẻ anh tuấn khôi ngô của tên Tiểu Lâm Nhi đáng ghét ngày xưa đã tạo nên sự bất ngờ lớn khiến Đại Hồng im lặng không thốt nên lời. Nàng đứng sững sờ, nét mặt thay đổi liên tục theo những cảm xúc đang xáo trộn trong lòng.

Lý Vân Long cũng đã trở thành một chàng thanh niên đẹp trai với nước da trắng bóc, mày râu nhẵn nhụi, quần áo sang trọng, tay cầm chiếc quạt thép khá dài rất ra dáng một công tử phong lưu. Tuy nhiên, với ánh mắt lạnh tanh chiếu ra từ đôi tròng mắt ít đen nhiều trắng cùng vành môi mỏng trên cái miệng khi nói không muốn mở hàm răng ra khiến khuôn mặt bảnh bao của hắn tạo nên một cảm giác ớn lạnh đến rợn người. Ngày trước, Vân Long lúc nào cũng cùng phe với Đại Hồng để đối chọi Trần Lâm và Tiểu Hồng. Tuy đó chỉ là những chuyện vớ vẩn của trẻ con nhưng hôm nay nhìn thấy dáng vẻ đường đường của Trần Lâm, trong lòng Vân Long liền dấy lên sự ghen tức vô cớ. Khi thấy cả hai cô em họ đều sững sờ nhìn Trần Lâm thì sự ganh tức của hắn càng dữ dội hơn. Sắc mặt hắn dần chuyển sang trắng bệch.

Trần Lâm bước đến vui vẻ chào:

- Xin chào anh Vân Long, anh vẫn khỏe chứ? Trông anh thật hào hoa, phong nhã. Trần Lâm xin chào chị Đại Hồng, rất mừng được gặp lại chị.

Rồi không chờ hai người trả lời, chàng đến trước mặt Tiểu Hồng nắm lấy tay nàng mỉm cười, nói đùa:

- Tiểu Hồng không mừng tôi trở về hay sao mà lại khóc vậy?

Tiểu Hồng hai mắt đẫm lệ nhìn người bạn cũ, bỗng nàng giật tay mình ra, dùng cả hai tay đấm liên tiếp vào ngực Trần Lâm, giọng nức nở:

- Sao anh không chết luôn đi? Đi đâu mà sáu bảy năm trời mới chịu trở về? Anh có biết Tiểu Hồng nhớ anh đến mức nào không? Đồ vô lương tâm. Chết đi, chết đi.

Rồi nàng úp mặt vào ngực Trần Lâm khóc rấm rứt. Sự vui mừng và tình bạn thân thiết thuở bé khiến nàng quên rằng bây giờ nàng đã lớn, đã trở thành một cô thiếu nữ xinh đẹp chứ không còn là Tiểu Hồng bé bỏng của ngày xưa nữa. Trần Lâm đứng yên lặng, buông thõng hai tay để yên cho Tiểu Hồng dụi đầu vào ngực mình khóc. Một cảm giác thật êm đềm, thân thương dâng trào trong lòng chàng. Tiểu Hồng sau một lúc xúc động đã lấy lại được bình tĩnh, nàng vội vàng xô nhẹ Trần Lâm ra, đỏ mặt cúi đầu bẽn lẽn nói:

- Xin lỗi, Tiểu Hồng mừng quá nên quên hết.

Rồi nàng ngẩng khuôn mặt đầy nước mắt lên nhìn Trần Lâm hỏi:

- Anh Lâm thế nào? Bao nhiêu năm nay anh ở đâu? Sao anh thoát được tay bọn cướp? Sao cả sáu bảy năm mới trở về? Còn anh Lưu Phương đâu?

Trần Lâm nhìn nàng mỉm cười đáp:

- Từ từ anh sẽ kể lại cho Tiểu Hồng nghe mọi chuyện. Bây giờ hãy cùng mọi người vui vẻ trước đã.

Chàng quay sang Đại Hồng, giọng thân mật:

- Chị Đại Hồng bây giờ khác xưa quá. Nếu gặp bên ngoài chắc tôi không nhận ra.

Đại Hồng nãy giờ chứng kiến cảnh thân thiết giữa Trần Lâm và Tiểu Hồng thì lòng bỗng nổi cơn bực tức. Nghe Trần Lâm nói, nàng lạnh lùng hỏi:

- Anh có bao giờ nghĩ đến tôi đâu mà đòi nhận ra. Tôi khác xưa thế nào?

Trần Lâm vẫn giữ sự thân thiện như ngày nào, chàng mỉm cười thành thật đáp:

- Bây giờ chị đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp còn hơn cả tranh vẽ.