Én Liệng Truông Mây - Hồi 23 - Phần 2

Đại Hồng bây giờ đúng là một tuyệt đại mỹ nhân. Nét đẹp của nàng như đóa hoa đào mơn mởn chớm hé nở. Nàng vừa lộng lẫy, vừa có chút yêu mị, mê hoặc lòng người. Nhan sắc này sánh ngang với bậc mỹ nhân đã làm nghiêng thành đổ nước như Đắc Kỷ hay Tây Thi. Đại Hồng nghe Trần Lâm khen, lòng cảm thấy vui lắm, đôi má màu hồng đào của nàng thoáng ửng lên. Nhưng rồi nàng lại buông lời lạnh lùng:

- Sáu bảy năm nay biệt tích là để đi học mấy câu nói văn vẻ đó à?

- Là tôi nói thật chứ không phải lời văn vẻ đâu.

Lý Vân Long xen vào, giọng nói tự nhiên mà như rít qua kẽ răng:

- Mừng anh trở về sau nhiều năm và đã học được cách nịnh phụ nữ. Nàng không đẹp hơn tranh vẽ thì làm sao có được danh hiệu đệ nhất mỹ nhân?

Tiểu Hồng vội chen vô:

- Trời ơi! Sáu bảy năm vắng nhau, tưởng anh Lâm đã chết rồi, nay may ảnh còn sống sót trở về, mọi người gặp nhau không thấy vui mừng hay sao mà lại bắt đầu cãi nhau như hồi trước vậy?

Lê Trung cũng bước đến nói:

- Thôi cho cậu can đi. Nào, chúng ta cùng nhau vui vẻ mừng ngày Lâm Nhi trở về. Bốn đứa lại đây.

Đại Hồng nổi tính ngang bướng:

- Cháu về! Chúc mừng người trở về.

Rồi nàng quay người lên bờ, phóng ngựa chạy đi. Lý Vân Long cũng vội chào Lê Trung, không quên liếc đôi mắt trắng dã nhìn về phía Trần Lâm. Hắn chạy lên bờ, giục ngựa đuổi theo Đại Hồng. Trần Lâm nhìn họ lắc đầu:

- Non sông dễ đổi, bản tính khó dời. Hai người ấy vẫn như ngày nào.

Tiểu Hồng nói:

- Mặc họ! Mình lại chung vui với mấy chú đi.

Hai người trở lại bàn tiệc. Trần Lâm sực nhớ ra Phan Sinh nên vội nói:

- Để anh giới thiệu với Tiểu Hồng người bạn của anh. Một tay xứng danh “diệu thủ” với nét họa tuyệt vời, bụng lại đầy một bồ văn chương, thi phú. Hai người nói chuyện sẽ tương đắc lắm đấy.

Chàng kéo Phan Sinh ra giới thiệu với Tiểu Hồng. Phan Sinh ôm quyền nói:

- Chào Tiểu Hồng, không lần nào gặp tôi mà Trần Lâm không nhắc đến cô.

- Anh Phan Sinh nói thật hay là đang nói bênh cho anh Lâm đó? Hai anh ở gần nhau à?

Phan Sinh đưa tay chỉ về dãy núi Bà xa xa hướng Tây Bắc nói:

- Nhà tôi ở dưới chân núi kia, Trần Lâm thì ở lưng chừng núi, trong ngôi Linh Phong tự.

Tiểu Hồng tròn xoe đôi mắt, nàng vờ làm mặt giận:

- Hai người ở đó à? Vậy mà hơn sáu năm nay không hề ghé về đây lấy một lần. Anh Lâm nói đi, tại sao vậy?

Trần Lâm bối rối đáp:

- Xin lỗi Tiểu Hồng, thầy anh chỉ có một mình anh coi sóc, người lại rất ít khi cho anh xuống núi vì sợ anh xao lãng việc học. Giờ đã trở về rồi, đừng trách anh nữa.

Tiểu Hồng nhìn thấy Trần Lâm lúng túng thì phì cười:

- Tiểu Hồng chỉ hỏi vậy thôi, không trách anh đâu. Anh về lần này ở lại với cậu Trung và theo đoàn thuyền luôn hả? Đừng bỏ đi nữa nhé.

- Anh cũng chưa nói chuyện được với chú Trung. Việc đó tính sau. Hai người cứ nói chuyện với nhau đi, anh phải uống thêm cùng mấy chú vài chung rượu mừng nữa đã. Họ đang chờ.

Tiểu Hồng quay sang Phan Sinh hỏi:

- Anh Lâm nói anh có đôi tay diệu thủ và thổi sáo chẳng kém gì Trương Chi, anh dạy cho Tiểu Hồng đi. Từ bé Tiểu Hồng đã rất thích thư họa và âm nhạc.

Phan Sinh mỉm cười:

- Tôi cũng chỉ biết sơ sơ thôi, không dám gọi là diệu thủ đâu. E là chỉ bõ làm trò cười cho Tiểu Hồng.

- Anh đừng khiêm tốn. Tính anh Lâm, Tiểu Hồng biết rõ, anh ấy chẳng nói thêm bớt điều gì bao giờ. Tiểu Hồng tuy học qua nhiều thầy nhưng vẫn chưa vừa ý. Cha có mua được bộ chữ Lan Đình Thiếp nguyên bản của Trung Hoa nhưng tập mãi cũng không thấy thỏa mãn. Anh Sinh giúp Tiểu Hồng đi.

- Đã vậy thì tôi sẽ thử.

- Anh Sinh tự mình nghiên cứu lấy hay học qua thầy?

- Tôi học những lý thuyết căn bản với cha từ bé. Sau đó cha giao cho bộ chữ Lan Đình Thiếp và một số sách vở dạy về nghệ thuật tự họa để tôi tự thực tập lấy.

- Vậy là anh có thiên khiếu bẩm sinh rồi. Tiểu Hồng tư chất ngu muội nên loay hoay mãi mà chẳng được gì.

- Chỉ nghe nói thôi tôi đã biết Tiểu Hồng là một tay danh họa rồi.

Tiểu Hồng tròn xoe đôi mắt bồ câu đen lay láy của nàng hỏi:

- Căn cứ vào đâu mà anh nói vậy?

- Chân lý của nghệ thuật cũng gần như “Đạo” vậy. Thư họa là một loại hình nghệ thuật bị ảnh hưởng rất lớn, gần như tuyệt đối bởi tâm hồn người thể hiện nó. Một tâm hồn trong sáng, khiêm cung cộng với sự đam mê sẽ được thể hiện rõ qua nét họa của người đó. Tiểu Hồng hội đủ những điều kiện tối ưu này.

- Anh đánh giá Tiểu Hồng quá cao rồi. Cảm ơn anh. Anh nói rõ hơn về đạo và nghệ thuật đi.

- Về thư họa, tinh thần của nét họa tồn tại ở tâm con người, còn hình thể tồn tại ở sách vở. Lý thuyết vỡ lòng nhưng căn bản nhất của nghệ thuật tự họa là “ý tại bút tiên”. Tâm hồn trong sáng, bình lặng thì nét họa sẽ có thần. Tâm hồn vẩn đục, nóng nảy nét họa sẽ chết cứng. Sách vở dạy ta lý thuyết để thực hành nhưng ta cần phải quên nó đi thì khi viết hay vẽ nét bút mới truyền đạt được cái thần của người. Giống như lý thuyết ngón tay chỉ trăng của Phật giáo vậy: “Ngón tay là phương tiện, là Phật pháp. Mặt trăng là chân lý, là giác ngộ”. Phật pháp là phương tiện để đạt đến chân lý hay sự giác ngộ, bản thân Phật pháp không phải là chân lý hay giác ngộ. Nghệ thuật viết chữ cũng vậy.

Tiểu Hồng nhìn Phan Sinh với ánh mắt đầy khâm phục:

- Cách giải thích và ví dụ của anh thật cao siêu, hơn hẳn mấy ông thầy của Tiểu Hồng trước nay. Hay quá!

- Nói, là sự thể hiện của kiến thức, mà kiến thức chỉ là bề mặt của sự việc được tích lũy qua thời gian và sự cần cù tìm học. Hiểu được lời người khác nói cũng chỉ là tri thức. Tâm lĩnh được lời nói mới là biểu hiện của sự giác ngộ sâu thẳm bên trong của vấn đề. Tiểu Hồng lĩnh hội lời nói của tôi một cách toàn triệt từ ngoài vào trong, điều đó thật đáng quí. Tri thức và tâm thức vốn khác nhau xa. Như trường hợp sư Thần Tú và Lục tổ Huệ Năng vậy.

- Anh lại quá khen Tiểu Hồng nữa rồi. Làm sao anh biết Tiểu Hồng đã tâm lĩnh lời và ý của anh nói?

- Tôi chỉ nói những gì tôi cảm nhận được mà thôi.

- Sư Thần Tú và Lục tổ Huệ Năng khác nhau thế nào?

Phan Sinh mỉm cười đáp:

- Tiểu Hồng làm như tôi là sư phụ Ông Núi không bằng. Thần Tú là người tinh thông Phật pháp, kinh tạng đọc đến thiên kinh vạn quyển. Lục tổ Huệ Năng chỉ nhờ nghe có một câu kinh Kim Cang: “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” mà giác ngộ, được truyền y bát. Cùng nói về một cây bồ đề nhưng hai vị ấy có hai cách nhìn khác nhau. Thần Tú nhìn bằng tri thức nên thấy cây bồ đề có hình tướng rồi theo đó mà tu trì để đến với đạo. Huệ Năng nhìn bằng huệ nhãn, bằng tâm thức nên nhận ra rằng bồ đề vốn vô tướng, vô sinh, vô diệt, vô sở trụ. Vì vậy hai bài kệ của họ làm ra rất khác nhau.

- Anh đọc hai bài kệ đó cho Tiểu Hồng nghe đi.

- Bài kệ của Thần Tú viết:

Thân thị bồ đề thụ            -           Thân như cây bồ đề

Tâm như minh kính đài - Tâm như đài gương sáng

Thời thời thường phất thức-Luôn luôn siêng lau chùi                

Vật sử nhạ trần ai.            -          Chớ cho dính bụi trần.

Lục tổ lại viết:

Bồ đề bản vô thụ     -              Bồ đề vốn chẳng cây

Minh cảnh diệc phi đài - Gương sáng chẳng phải đài

Bổn lai vô nhất vật                -         Xưa nay không một vật

Hà xứ nhạ trần ai?               -           Nơi nào dính bụi trần?

Tiểu Hồng thấy sự khác biệt giữa hai người rồi chứ? Cũng giống như kiến thức của tôi nói ra và sự tâm lĩnh của Tiểu Hồng vậy.

Tiểu Hồng bật cười, tiếng cười của nàng trong như pha lê và hồn nhiên như đứa trẻ:

- Anh Phan Sinh thật khéo ăn nói làm mát lòng người. Ở bên cạnh anh lâu ngày chắc Tiểu Hồng sẽ mập phì lên vì mát dạ quá. Thôi, chúng ta lại kéo anh Lâm về nhà đi, Tiểu Hồng rất nóng lòng được nhìn nét bút và nghe tiếng sáo của anh Phan Sinh.

Hai người gọi Trần Lâm. Họ đi bộ, Trần Lâm dắt con ngựa của Tiểu Hồng cưỡi ra lúc nãy. Trần Lâm hỏi:

- Tôi nói có đúng không? Hai người rất tâm đắc khi nói chuyện với nhau phải không?

Tiểu Hồng nói:

- Anh Phan Sinh phải làm thầy dạy học cho một đứa học trò ngu dốt nên anh ấy đang khổ sở vô cùng đấy.

Phan Sinh cười nói:

- Cô học trò này mà liệt vào hàng dốt thì thế gian này toàn là một lũ đại dốt không thôi.

Tiểu Hồng lại bật cười. Trần Lâm liếc nhìn cô bạn gái thuở nhỏ, nay đã trở thành một tiểu thư xinh đẹp. Nghe chú Lê Trung nói, nàng thừa hưởng nét đẹp cao quí của mẹ nàng ngày xưa. So với Đại Hồng thì đúng là mỗi người mỗi vẻ. Đại Hồng sắc sảo, quyến rũ, khêu gợi bao nhiêu thì Tiểu Hồng đoan trang, khả kính bấy nhiêu. Một người sinh ra để mê hoặc lòng người, còn một người để cho người khác phải tôn thờ và kính trọng. Bỗng nghe Tiểu Hồng nói:

- Nãy giờ mải mê học tập mà chưa nghe anh Lâm nói về quãng thời gian sáu năm qua của mình. Anh kể nghe đi.

Trần Lâm bèn kể vắn tắt mọi việc cho nàng nghe. Tiểu Hồng buồn bã nói:

- Thật tội nghệp anh Lưu Phương. Anh ấy chết thảm quá.

- Mối thù đó anh quyết bắt bọn chúng trả đủ để an ủi vong linh anh ấy và mấy chú thủy thủ.

Tiểu Hồng lo lắng nói:

- Bọn cướp đó vừa đông vừa hung dữ. Anh làm sao trả thù được?

Trần Lâm ậm ừ:

- Thì từ từ tìm cách. Hai người cùng nhau nghiên cứu thư họa nhé, tôi mượn con ngựa đi một vòng ngắm biển hoàng hôn rồi trở lại.

- Anh nhớ về sớm nha. Tối nay Tiểu Hồng sẽ làm một buổi tiệc mừng anh trở về cũng như để đãi vị khách quí và cũng là thầy của Tiểu Hồng đây.

Trần Lâm nhảy lên ngựa nói:

- Anh sẽ về đúng giờ. Hai người vui vẻ.

Chàng thúc ngựa chạy ra bờ biển, phóng một mạch đến gành Nhạn Châu (còn gọi là gành Ráng). Chàng cho ngựa leo lên một con dốc dẫn đến đỉnh đồi, nhảy xuống và ngồi trên một tảng đá, đưa mắt nhìn ra cửa biển Quy Nhơn. Đây là nơi ngày xưa cả bọn thỉnh thoảng vẫn rủ nhau ra chơi đùa rồi cãi vã, nay hồi tưởng lại chàng bất giác mỉm cười một mình. Sáu năm sống trên núi, giờ được nghe lại tiếng sóng biển vỗ dưới chân, hít thở mùi biển mặn, nhìn mặt nước gợn sóng mênh mông, người chàng cảm thấy thư thái vô cùng. Chợt trông thấy hòn Cù lao Xanh lờ mờ sau làn khói sóng, chàng liền nhớ tới bọn cướp Ngưu Ma Vương. Hình ảnh cái chết thê thảm của Lưu Phương và mấy chú thủy thủ lại hiện lên trong tâm trí, chàng lẩm bẩm:

- Xong vụ anh hùng đại hội này ta quyết san bằng sào huyệt của các ngươi để trả thù cho Lưu Phương và giữ yên bình cho thiên hạ.

Chàng đưa mắt nhìn một vòng đảo Phương Mai, khu phố cảng Quy Nhơn chạy dọc theo bãi cát hình bán nguyệt. Từ xa dưới bãi cát có một bóng hồng đang phi ngựa đến dưới chân đồi. Chàng đứng dậy nhìn xuống, đã thấy con ngựa vọt lên đến nơi. Ra là Đại Hồng. Trần Lâm ngạc nhiên lắm nhưng vẫn bước tới giữ dây cương và đưa tay đỡ Đại Hồng xuống ngựa. Chàng hỏi:

- Chị Đại Hồng chắc thường ra đây ngắm biển hả?

Đại Hồng đáp:

- Cũng không thường lắm. Anh làm gì mà ngồi đây một mình, bỏ Tiểu Hồng ở nhà với chàng thư sinh đó vậy?

- Tôi thấy Tiểu Hồng và Phan Sinh say mê nói về những đề tài thi họa, âm nhạc, tôi vốn rất dốt những thứ đó nên để cho họ đàm luận với nhau. Bao nhiêu năm ở trên núi cao, nhớ biển vô cùng nên ra đây ngồi ngắm cho thỏa thích vậy mà. Chị ngồi đi.

Đại Hồng không ngồi, nàng đứng nhìn biển cả mênh mông. Biển chiều với những làn sóng nhỏ phản chiếu ánh nắng vàng lấp lánh như hàng ngàn hạt minh châu thả trên mặt nước. Gió biển thổi vào nhè nhẹ khiến mái tóc nàng bay bay trong gió, dưới bóng chiều trông nàng diễm lệ vô song. Bỗng nàng lên tiếng:

- Biển hôm nay đẹp quá!

- Với tôi, biển Quy Nhơn lúc nào cũng đẹp.

- Sáu năm nay anh ở đâu mà không thấy biển?

- Tôi ở trên núi, hàng ngày chỉ có thể nhìn thấy biển ở tít xa chứ không nghe được tiếng sóng vỗ và hít thở mùi biển mặn như ở đây.

- Anh làm gì trên núi mà đến sáu năm không xuống đồng bằng?

- Học.

- Học chữ để đoạt trạng nguyên làm phò mã à?

- Không, học võ, học thuốc.

- Anh trở về với đoàn thuyền của cậu Trung luôn chứ?

- Tôi chưa biết.

- Chứ anh định thế nào?

- Làm trai phải góp mặt với thiên hạ, nếu suốt đời theo thuyền làm thủy thủ tôi thấy có chút phí phạm.

- Như vậy anh sẽ ra đi nữa à?

- Tôi chưa có dịp nói chuyện với chú Trung. Dù sao chú ấy và đoàn thuyền cũng đã nuôi lớn tôi từ lúc còn bé.

- Đã nghĩ vậy sao còn định đi?

- Tôi còn chưa quyết. Có ở cũng chỉ một thời gian thôi.

Đại Hồng buông tiếng thở dài. Nàng bước đến ngồi lên tảng đá hướng ánh mắt xa xăm. Im lặng một lúc nàng nói:

- Đàn ông mấy anh sung sướng thật. Muốn đi thì đi, muốn ở thì ở. Trời cao, biển rộng, nơi nào cũng có thể đến được.

- Nhìn bề ngoài thì có vẻ thong dong, nhưng dù đi hay ở lòng lúc nào cũng đè nặng một gánh trách nhiệm. Cho nhà, cho nước. Phụ nữ các chị tâm trí nhẹ nhàng hơn.

Đại Hồng vênh mặt nhìn lên, nheo mắt hỏi:

- Bộ tôi già lắm hay sao mà một kêu chị, hai kêu chị vậy?

- Đâu có. Quen miệng kêu chị từ lúc nhỏ rồi nên không đổi được.

- Không đổi được thì tôi sẽ không nói chuyện nữa.

- Tôi sẽ cố đổi vậy. Anh Vân Long đâu mà chị... ơ... mà Đại Hồng đi ngắm biển một mình vậy?

Đại Hồng nhìn Trần Lâm cười khúc khích. Nụ cười vui vẻ tự nhiên của nàng càng khiến cho khuôn mặt thêm phần rạng rỡ và quyến rũ:

- Đổi cách xưng hô thấy khó khăn quá phải không? Anh Vân Long đi cùng cha sang đảo Phương Mai chuẩn bị cho đại hội rồi. Dứt được cái đuôi ấy, tôi thấy nhẹ nhõm vô cùng.

- Hai người thân thiết với nhau lắm mà?

- Đừng nói chuyện đó nữa. Anh ngồi xuống đây đi. Kể nghe thời gian qua anh đã gặp những gì.

Trần Lâm ngồi cạnh nàng rồi kể ngắn gọn những chuyện đã qua. Nàng hỏi:

- Anh tu luyện trên núi sáu năm nay, vậy có định tham gia cuộc tranh tài lần này không?

- Chú Trung và mấy chú trên thuyền bảo tham gia. Tôi cũng phải nghe lời nên tính lên múa vài đường cho xong chuyện rồi xuống.

Đại Hồng mỉm cười:

- Lên võ đài thì chỉ có bị đánh văng xuống chứ ai cho anh lên chơi rồi thong thả đi xuống.

- Thì chịu vài đấm văng xuống cũng được chứ gì. Thôi chúng ta về nhà đi, Tiểu Hồng đang đợi, cô ấy dặn về sớm.

- Nó dặn về sớm làm gì?

- Tiểu Hồng làm tiệc mừng tôi sống sót trở về và đãi người bạn mới. Chúng ta đi, cũng đã tối rồi.

Đại Hồng quay mặt nhìn ra biển, giọng như hờn giận:

- Anh đi đi!

Trần Lâm ngạc nhiên hỏi:

- Đại Hồng không về luôn sao?

- Không!

- Tối rồi, ngồi một mình ở đây không tiện đâu.

- Tôi tự biết lo. Anh đi đi.

Giọng nói và nét mặt của nàng đã khác hẳn lúc nãy. Trần Lâm nghĩ thầm nàng lại trở về với bản tính ương bướng cố hữu rồi. Chàng nài nỉ:

- Tối thế này tôi làm sao để Đại Hồng ở lại một mình được. Chúng ta cùng về đi. Tôi năn nỉ mà.

- Ai mượn anh lo cho tôi? Tôi đâu còn bé bỏng như lúc xưa mà anh sợ.

Trần Lâm đứng lên nói:

- Đã vậy tôi về trước nhé. Cẩn thận khi xuống núi. Nghe nói bọn cướp Ngưu Ma Vương thường hay lảng vảng vùng này lắm đó.

- Anh cứ đi đi!

Trần Lâm không nói thêm nữa, chàng lên ngựa rồi thong thả xuống núi. Trăng thượng tuần đã bị che khuất bởi một đám mây đen lớn giăng ngang bầu trời, bóng tối bắt đầu phủ trùm vùng biển vắng, chỉ còn tiếng sóng vỗ rì rào dưới chân đồi. Chàng vốn biết bản tính Đại Hồng rất bướng bỉnh, càng năn nỉ nàng càng không nghe theo. Vì vậy chàng giục ngựa chạy thẳng không hề quay đầu lại.

Đại Hồng thấy Trần Lâm bỏ đi một mạch không thèm ngoái nhìn lấy một lần thì lòng ức lắm. Nàng định ngồi thêm lát nữa cho cơn giận lắng xuống nhưng bóng tối mỗi lúc dày đặc, lại nghe Trần Lâm nhắc tới bọn cướp hung dữ Ngưu Ma Vương, nàng chợt rùng mình sợ hãi, vội vàng leo lên ngựa chạy xuống núi rồi phóng nhanh về nhà. Đã quá quen với sự chiều chuộng của Lý Vân Long và mọi người chung quanh, nay bị tên Tiểu Lâm Nhi đáng ghét bỏ rơi, nàng cảm thấy hụt hẫng lắm. Cơn giận trào dâng như muốn bóp nghẹt trái tim nàng. Ngựa của Đại Hồng vừa phóng qua khỏi khu rừng dương trên bãi cát một quãng khá xa, Trần Lâm từ bên trong rừng thúc ngựa chạy theo sau nàng, lắc đầu mỉm cười.

Qua khỏi một làng chài nhỏ trên bãi biển, Trần Lâm bỗng thấy con ngựa của Đại Hồng ngã quị và hất nàng văng ra xa. Nàng hét lên một tiếng đau đớn. Chàng thất kinh vội giục ngựa phóng nhanh đến, nhảy xuống chạy lại đỡ nàng dậy.

- Đại Hồng có sao không?

Đại Hồng ôm chân trái vừa rên vừa gắt:

- Tưởng anh về rồi mà. Mặc xác tôi, ai cần anh quan tâm tới!

Trần Lâm vội vén ống quần nàng lên và đưa tay sờ đầu gối xem xét thật nhanh rồi nói:

- Để tôi xem, đầu gối chân trái bị trật khớp rồi. Đại Hồng ráng chịu đau một chút để tôi nắn khớp lại cho, nếu không sẽ bị tật đấy.

Đại Hồng xô chàng ra gắt:

- Không cần anh nắn! Tôi có thể... Ui da...

Trần Lâm bỏ mặc Đại Hồng gắt gỏng, chàng nâng chân trái của nàng lên, điểm vào huyệt túc tam lý để giúp giảm bớt cảm giác đau đớn, sau đó dùng phương pháp trật đả nắn mạnh. Đại Hồng “á” lên một tiếng, đau đến chảy nước mắt. Nàng rên rỉ:

- Trời ơi, đau chết đi được. Sáu năm anh học thuốc là để làm đau bệnh nhân như thế này phải không?

Trần Lâm im lặng không đáp. Chàng lấy trong túi ra gói thuốc, dùng cao đắp quanh đầu gối, đưa tay mở chiếc khăn quàng cổ của nàng quấn quanh lớp cao vừa bôi. Xong việc chàng giải huyệt đạo cho nàng, nói:

- Xin lỗi nhé, đau một chút còn hơn là chịu tàn tật suốt đời. Giờ thì không sao rồi. Loại cao mát này sẽ ngăn không cho chỗ khớp bị trật sưng tấy lên. Đợi tôi bó lại cho chắc ăn đã.

Chàng rút thanh đoản kiếm bên hông lót dưới khủy chân thay chiếc nẹp, cởi đai lưng làm dây và bó chặt phần đầu gối cho nàng. Chàng mỉm cười:

- Chịu khó một chút, không được động chân trái, nếu không nghe lời là đi cà nhắc suốt đời đấy. Bây giờ để tôi bồng lên ngựa về nhà hay là Đại Hồng tự bay về?

Đại Hồng nghe chàng hỏi, dù đang đau thấu xương và cũng tức cười lắm nhưng nàng cố nín cười, nói:

- Tôi không biết bay, cũng không cho anh bồng. Anh chạy nhanh về nhà gọi người ra khiêng tôi về là được rồi.

Dứt tiếng, nàng lại tiếp tục rên rỉ đau đớn. Trần Lâm lặng thinh bế nàng rồi tung người lên ngựa một cách nhẹ nhàng êm ái. Đại Hồng kinh ngạc, phục thầm trong bụng và buột miệng nói:

- Khá lắm! Bao nhiêu năm nay học được tài làm đau người bệnh và chút công phu lên ngựa đó phải không?

- Ừm! Giờ chịu khó nằm yên giùm tôi. Động mạnh là thành tật đó.