Én Liệng Truông Mây - Hồi 26 - Phần 1

HỒI THỨ HAI MƯƠI SÁU

Hồng y nữ đả bại Phù Tang kiếm khách

Tiểu Bạch Long cả phá kiếm trận Thất tinh

Cù lao Phố mười mấy năm sau cuộc nổi loạn của Lý Văn Quang đã lấy lại được bộ mặt khang trang và phồn thịnh cũ. Dấu tích duy nhất còn sót lại của cuộc nổi loạn là chiếc cầu ván bắt qua nhánh bắc Sa Hà để sang Trấn Biên bị sập vẫn không được sửa chữa. Thay vào đó là một bến đò đông đúc thuyền bè đưa người qua lại. Trần Lâm lúc nhỏ đã theo đoàn thuyền của Lê Trung vào đây vài bận nên cũng chẳng lạ gì với sự phồn vinh của bến cảng cùng đủ mọi loại thuyền lớn nhỏ đến từ nhiều nước. Thuyền cập bến, chàng theo Lê Trung vào Thần Quyền Môn gặp môn chủ Trần Đại Kỳ để giao hàng.

Đại Kỳ nay tóc đã điểm hoa tiêu, gặp lại Trần Lâm ông mừng rỡ nói:

- Mừng cháu thoát được nạn lớn lại trở thành một chàng hiệp sĩ lừng lẫy trời Nam. Hay lắm, hay lắm! Khi cháu và Lưu Phương ngộ nạn, ai cũng thương tiếc vô cùng. Con bé Hồng Liên mà nghe tin cháu vào chắc nó mừng lắm.

Trần Lâm mỉm cười:

- Cảm ơn tấm lòng của bác và mọi người. Bác nghe ở đâu mà bảo cháu lẫy lừng cả trời Nam?

- Tin cháu đoạt chức vô địch anh hùng đại hội và tiêu diệt được bọn cướp biển Ngưu Ma vương bay đi khắp cả nước, ai mà chẳng biết.

- Thiên hạ bao giờ cũng giỏi thêu dệt. Hồng Liên vẫn khỏe chứ bác? Cô ấy có nhà không?

- Nó đưa Quán Nhật sang chùa Đại Giác thăm sư phụ, chắc cũng sắp về rồi. Cháu còn nhớ Dương Quán Nhật ở Mỹ Tho không?

- Dạ nhớ. Anh ấy cũng có mặt ở đây à? Thế thì hay quá!

- Nó lên để chuẩn bị dự trận võ đài do bọn Nhật thách đấu.

- Thách đấu à? Có chuyện xích mích với nhau hay chỉ là trau dồi võ thuật? Khi nào đấu vậy bác?

- Năm hôm nữa. Cũng chỉ là chuyện bất bình ngoài phố, Quán Nhật thấy bọn Nhật hống hách nên can thiệp, vì vậy mà nên chuyện. Chúng lập võ đài thách đấu với Quán Nhật và quần hùng. Cháu vào thật đúng lúc. Cũng nên cho bọn Nhật biết rõ võ học của Đại Việt ta lợi hại thế nào.

- Dạ thôi, cháu đi xem để mở rộng tầm mắt được rồi. Ở đây đã có Thần Quyền Môn của bác, rồi Kim Cương Môn và Dương gia thương của anh Quán Nhật nữa. Bấy nhiêu anh tài đó cũng đủ để bọn Samurai Nhật khiếp đảm rồi. Hai võ đường Cù lao Phố có tham dự không, thưa bác?

- Bên Kim Cương Môn họ chỉ đưa ra một đệ tử, bên này có Quán Nhật và Hồng Liên.

Trần Lâm thích thú nói:

- Hồng Liên cũng tham dự à? Thật là một tin vui. Còn bọn Nhật?

- Chúng đưa ra ba kiếm sĩ thủ đài để thách đấu cùng quần hùng, nghe nói tên đại sư huynh của chúng là Cung Bản Vũ Tùng vừa đoạt giải quán quân Samurai toàn nước Nhật. Ba tên này đều thuộc môn phái Hyoho Niten Ichi Ryu (phái Nhị Thiên Nhất Lưu hay còn gọi là Nhị Đao Nhất), một trong những kiếm phái hàng đầu của giới kiếm đạo Nhật Bản hiện nay. Bọn chúng tự cao tự đại lắm.

- Cháu nghe nói kiếm thuật Nhật Bản rất độc đáo và cương mãnh. Bác để Hồng Liên tham dự có ổn không?

- Bác đâu có muốn, định là để cho Gia Huy và Quán Nhật tham dự nhưng hôm nọ nó bị bọn Nhật nói lời khinh bạc nên nhất định đòi thay đại sư huynh để dạy cho bọn Nhật một bài học. Bác không cản được nên cũng lo lắm. Mẹ và cô nó mất sớm, bác cưng chiều nó quá mức đến hư rồi.

- Chắc là Hồng Liên có đủ tự tin thủ thắng. Bác an tâm.

Lê Trung chợt hỏi:

- Bọn Kim Cương Môn lúc này sao có vẻ an phận quá vậy?

Đại Kỳ mỉm cười:

- Từ ngày Diệp Hồng Sanh được phép trở lại tiếp nhận cơ sở cũ của Kim Cương Môn, hắn trở nên an phận thủ kỹ, không hống hách như ngày xưa nữa.

Lê Trung hỏi:

- Là do tính cách của hắn hay là do phủ Chúa răn đe?

- Lúc đầu tôi cũng nghĩ vậy, nhưng gần đây tôi phát hiện ra có điều bí mật bên trong nên mới biết chúng an phận là có lý do riêng.

- Có phải liên quan đến chuyện người Minh Hương?

Đại Kỳ gật đầu. Trần Lâm tò mò:

- Đằng sau bộ mặt an phận là một tổ chức sát thủ phải không bác?

Đại Kỳ đáp:

- Hình như vậy. Cháu cũng biết việc này à?

- Dạ, cháu nghe chú Trung nói nên đoán vậy.

- Việc này cần phải điều tra kỹ mới xác định được. Bác và nhóm thân hữu Minh Hương vẫn chưa tìm ra được gì.

Trần Lâm mỉm cười nói:

- Cháu sẽ giúp bác một tay, nếu bác cần đến cháu.

Đại Kỳ mừng rỡ nói:

- Được vậy thì hay quá! Đợi sau kỳ tỉ võ, ta sẽ bàn đến việc này.

Lê Trung chợt hỏi:

- Lâu quá tôi không gặp lại Đinh Hồng Liệt, anh ấy giờ thế nào?

Đại Kỳ thở dài đáp:

- Từ ngày Bạch Mai hiền muội tạ thế vì bạo bệnh, Đinh sư đệ đau buồn âm thầm lang thang vô định. Hơn mười năm nay tôi cũng không có tin tức gì.

Lê Trung cảm khái nói:

- Con người coi cả vũ trụ không bằng hai ngón tay ấy không ngờ lại là một kẻ si tình đến vậy. Thảo nào trên giang hồ hình bóng của Vô Ảnh Thần Thâu bỗng dưng biệt tích.

Họ đang nói chuyện thì một đôi thanh niên nam nữ bước vào. Cô gái mặc y phục ngắn toàn một màu hồng, trông xinh đẹp và tươi tắn như búp sen, chàng thanh niên trong bộ y phục màu xanh, tuấn nhã phi phàm. Cô gái vội cúi chào:

- Con chào cha, chào chú Lê Trung. Thuyền chú mới vừa vào đến nơi à? Xin chào huynh...

Cô gái tròn xoe mắt nhìn Trần Lâm ngập ngừng:

- Huynh đây là... Tiểu Lâm Nhi phải không?

Trần Lâm mỉm cười đáp:

- Xin chào cô Hồng Liên, cô khỏe chứ? Chào anh Quán Nhật. Anh còn nhớ tôi không?

Quán Nhật nói:

- Cháu chào chú Trung. Nhớ chứ sao không. Bạn Tiểu Lâm Nhi phải không?

Hồng Liên mừng rỡ reo lên:

- Trời ơi, đúng là anh Tiểu Lâm Nhi còn sống trở về thật rồi! Đi đi, chúng ta ra ngoài kia nói chuyện đi. Con xin phép cha và chú Trung nhé.

Nói xong nàng ra dấu cho Trần Lâm và Quán Nhật đi theo mình. Đại Kỳ nhìn theo con gái lắc đầu nói:

- Lê huynh thấy không, nó y như một đứa con trai vậy, không có một chút gì thùy mị nữ tính cả.

Lê Trung mỉm cười:

- Chỉ là sự hoạt bát, năng động của tuổi trẻ mà thôi. Mai này trưởng thành tí nữa, tiểu thư sẽ trở thành cô gái nhu mì, Trần huynh lo gì.

- Tôi chỉ mong được như lời Lê huynh nói.

Ra đến ngôi nhà bát giác ngoài vườn, Hồng Liên liến thoắng như con chim non:

- Anh Lâm biết không, lúc thiên hạ từ Quy Nhơn vào đây kể về chàng Tiểu Bạch Long Trần Lâm vừa đoạt chức quán quân anh hùng đại hội, lại còn tiêu diệt cả bọn cướp Ngưu Ma vương, cha cứ khẳng định người đó chính là Tiểu Lâm Nhi ngày trước. Thú thật em không tin, cứ mong nếu là anh thì hãy mau mau theo thuyền vào trong này. Hôm nay gặp được anh, thật sự em vui không biết nói sao cho hết. Kể nghe đi. Kể hết từ lúc anh bị bắt rồi làm sao thoát nạn trở về? Trời ơi, chắc là nguy hiểm lắm phải không? Rồi những trận tranh tài vô địch nữa.

Trần Lâm mỉm cười nói:

- Cảm ơn Hồng Liên. Cũng không có gì ly kỳ lắm đâu.

Chàng bèn kể sơ chuyện của mình cho hai người nghe. Hồng Liên không ngớt xuýt xoa:

- Chuyện của anh giống như cổ tích vậy. Hồng Liên chúc mừng anh từ đại họa đã biến thành đại phúc.

Quán Nhật nói:

- Nghe thiên hạ đồn chiêu kiếm Nhất điểm hồng của anh là thiên hạ đệ nhất kiếm chiêu, tôi thật hâm mộ và chỉ mong sao có dịp được trông thấy qua.

Hồng Liên reo lên:

- Có dịp rồi đấy! Anh Lâm đăng ký tham dự võ đài kỳ này đi. Bọn Nhật kiêu ngạo vô cùng, anh nên cho chúng một bài học để chúng biết thế nào là võ lâm Đại Việt.

Trần Lâm nói:

- Thôi cho tôi xin. Tôi đi xem hai người đả bại bọn Nhật cũng đủ vui mắt và hãnh diện rồi. Hai người chuẩn bị kỹ rồi phải không?

Hồng Liên lắc đầu đáp:

- Sư phụ nói em chỉ được cái thân pháp nhanh nhẹn mà thôi, còn nội lực và kiếm chiêu e chưa đủ để thắng các tay kiếm của Nhật trước lối đánh vừa nhanh vừa cương mãnh của họ. Anh Lâm giúp Hồng Liên đi. Sư phụ nói bài kiếm ngày xưa anh dạy cho Hồng Liên là bài kiếm thượng đẳng của võ lâm Đại Việt, nhưng em đâu có nhớ hết.

- Sư phụ Hồng Liên là ai?

- Người là sư Phật Ý Linh Nhạc ở chùa Đại Giác. Nhưng người không chịu nhận em làm đệ tử, chỉ nói là giúp cho em thôi. Em được người truyền cho môn nội công chưa được một năm nay nên vẫn còn chưa luyện thành. Các môn khác em còn chưa kịp học được gì ở người cả.

- Thôi được, tôi có ba chiêu kiếm gọi là Bạch Long tam thức, rút tỉa ra từ tinh hoa của bài kiếm đó, tôi sẽ chỉ lại cho Hồng Liên. Hi vọng khi kết hợp với thân pháp uyển chuyển và mau lẹ Truy phong vô ảnh, ba chiêu kiếm này có thể giúp Hồng Liên vượt qua trở ngại về nội lực.

Hồng Liên mừng rỡ reo lên:

- Hay quá! Ba chiêu kiếm này là do anh sáng chế ra hả?

- Sư phụ tôi đã điều chỉnh những chỗ thiếu sót, không thể kể là của tôi sáng chế được.

- Vậy anh bắt đầu ngay bây giờ đi. Hồng Liên tư chất ngu muội sợ học không kịp.

Trần Lâm mỉm cười nói:

- Đừng giả bộ tự hạ mình. Tôi biết Hồng Liên từ bé mà. Lấy kiếm ra đi, chúng ta bắt đầu.

Chàng bèn đem Bạch Long tam thức ra biểu diễn cho Hồng Liên xem. Ba chiêu kiếm này mỗi chiêu có mười hai biến thế, vị chi là ba mươi sáu thế biến hóa liên hoàn, liên miên bất tận. Kiếm chiêu dũng mãnh như cuồng long nộ hải, nhanh như sấm sét lại kín đáo như thành đồng. Sự kết hợp giữa thân pháp Truy phong vô ảnh với ba chiêu kiếm này thật vô cùng xảo diệu. Hồng Liên bản tính rất thông tuệ nên chỉ trong một khoảng thời gian ngắn mà nàng đã nắm được khẩu quyết và yếu chỉ của bài kiếm.

Trần Lâm cùng Quán Nhật đứng nhìn nàng luyện tập không khỏi khen thầm. Khi nàng múa dứt bài kiếm, cả hai vỗ tay tán thưởng. Quán Nhật khen:

- Tuyệt diệu! Trông Hồng Liên cứ như con hỏa long đang vùng vẫy trên mây, uy thế của bài kiếm thật kinh người.

Hồng Liên nở nụ cười thật tươi nói:

- Thật không đó? Hay là các anh chỉ khen lấy lệ để an ủi Hồng Liên cho đỡ tủi?

Trần Lâm nói:

- Thật chứ không phải lấy lệ đâu. Với sự tiếp thu nhanh chóng như vậy, tôi tin năm hôm nữa Hồng Liên sẽ có thể phát huy hết tinh hoa của bài kiếm. Sự mau lẹ và dũng mãnh của ba chiêu kiếm này cộng với thân pháp biến ảo của Hồng Liên sẽ tạo ra một uy lực rất lớn. Trừ phi đối phương là cao thủ tuyệt đỉnh của Nhật Bản, nếu không, không thể không bại dưới tay vị Hồng y nữ hiệp này.

Quán Nhật cười lớn:

- Hay lắm! Cái ngoại hiệu Hồng y nữ hiệp anh vừa tặng thật rất xứng đáng với vị kỳ nữ này.

Nét mặt Hồng Liên rạng rỡ sáng bừng niềm vui. Nàng chẩu môi nũng nịu:

- Thôi đi! Hai anh chỉ giỏi làm vui lòng người ta. Cái gì mà Hồng y nữ hiệp rồi kỳ nữ chứ, em không dám nhận đâu.

Trần Lâm đùa:

- Không nhận cũng không được đâu, vì sự thật là như thế mà. Nhưng thôi, cố gắng luyện tập đi, nếu không nữ hiệp sẽ thành tử hiệp đó.

Trong suốt mấy ngày còn lại Hồng Liên mê say luyện tập bài kiếm dưới sự hướng dẫn của Trần Lâm. Vào buổi chiều hôm luyện tập cuối cùng, sau khi hai người giao đấu thử với nhau, Trần Lâm vui vẻ nói:

- Như vậy là thành công mỹ mãn rồi. Khi giao đấu, Hồng Liên chỉ cần giữ cho tâm bình, trí tĩnh, càng ít trực diện đỡ đòn của địch càng có lợi. Phải tận dụng sự uyển chuyển, mau lẹ và hiểm hóc, ra chiêu liên miên bất tận không cho địch thủ có cơ hội phản công thì tôi tin chắc sẽ thủ thắng được đối phương.

Hồng Liên nở nụ cười tươi như hoa, đùa:

- Cảm ơn tiểu sư phụ. Đệ tử Hồng Liên nhất nhất nghe theo lời tiểu sư phụ và nhất định sẽ đánh bại địch thủ để làm rạng rỡ sư môn.

- Tốt lắm! Đệ tử có thể nghỉ ngơi dưỡng sức để ngày mai đả bại quần hùng được rồi.

***

Võ đài được bọn Nhật dựng lên tại khu đất trống gần ngã ba Sa Hà và sông Đồng Nai, cạnh mấy dãy thương hiệu của họ. Những thương hiệu này ngày xưa thuộc quyền sở hữu của Diệp Sanh Ký, khi Diệp Hồng Sanh trở lại tiếp nhận, hắn đã bán bớt lại cho người Nhật. Đây chỉ là chuyện thách đấu giữa các hảo thủ giang hồ nên không được tổ chức rình rang, tuy nhiên đám khám giả hiếu kỳ và mê võ thuật vẫn đến xem đông nghẹt.

Khi nhóm người của Diệp Sanh Ký và Thần Quyền Môn đã đến đủ, một kiếm khách Nhật còn rất trẻ, độ chừng hai mươi tuổi với hai thanh kiếm dài giắt chéo hai bên hông bước lên đài ôm quyền chào khán giả rồi nói:

- Chúng tôi thuộc môn phái Nhị Thiên Nhất Lưu của Tổ sư Kiếm Thánh Cung Bản Vũ Tàng (Miyamoto Musashi) ở xứ sở Mặt Trời, nghe danh Kim Cương Môn và Thần Quyền Môn uy trấn trời Nam, chúng tôi rất muốn được thưởng thức tài nghệ. Tuy đây chỉ là việc ấn chứng võ học giữa các môn phái nhưng võ sĩ Phù Tang chúng tôi coi thanh kiếm là sinh mạng, trong giao đấu tất sẽ không tránh được điều đáng tiếc, nếu các bạn hữu không dám đối diện với cái chết như chúng tôi, xin đừng thượng đài.

Hắn giới thiệu về môn phái của mình với một vẻ mặt cực kỳ kiêu hãnh, thêm vào đó là sự khinh miệt quần hùng đang có mặt một cách trắng trợn khiến cho đông đảo khán giả rất phẫn nộ, họ lên tiếng la ó chỉ trích. Có tiếng nói lớn vang lên:

- Tên Nhật lùn này kiêu căng quá độ! Thần Quyền Môn hãy lên dạy cho nó một bài học để nó biết thế nào là võ thuật của Đại Việt ta.

Tổ sư Cung Bản Vũ Tàng của môn phái Nhị Thiên Nhất Lưu là một kiếm khách thuộc giới Samurai Nhật ở thời kỳ đầu Edo của Mạc phủ Tokugawa, đầu thế kỷ 17, người được toàn dân Nhật tôn xưng là Kiếm thánh. Ông là tay kiếm bất bại trước những trận so tài với rất nhiều đại kiếm khách toàn nước Nhật. Về sau, ông thành lập môn phái Nhị Thiên Nhất Lưu và viết ra cuốn binh pháp Heihō Sanjūgo Kajō (35 điều về binh pháp) nâng kiếm thuật Nhật Bản lên hàng kiếm đạo. Cuối đời ông viết thêm cuốn binh thư Go Rin No Sho – Ngũ Luân Thư, về đạo lý thì có thể sánh ngang với binh pháp Tôn Tử của Trung Hoa. Trăm năm qua, cuốn binh pháp và binh thư này được cả nước Nhật dùng làm cơ sở cho tất cả các lãnh vực từ binh bị, chính trị đến kinh doanh và ngay cả trong cuộc sống hàng ngày. Môn phái Nhị Thiên Nhất Lưu cũng ngày càng lớn mạnh và được coi là môn phái đào tạo ra nhiều kiếm khách tài ba nhất nước Nhật.

Sau lời giới thiệu, tên kiếm khách Nhật Bản đưa ánh mắt nhìn về nơi võ đường Kim Cương Môn đang ngồi, hắn nói:

- Nghe nói Kim Cương Môn là chi phái của Nam Thiếu Lâm, Trung Quốc, nơi được xem là nguồn gốc võ thuật của thiên hạ. Hữu Mã Toàn Bình tôi xin được thỉnh giáo.

Diệp Hồng Sanh nghe hắn mời đích danh môn phái mình thì đưa mắt ra hiệu cho tên đại đệ tử Quách Đại Nhiên. Đại Nhiên vội cúi chào sư phụ rồi cầm đao nhảy lên võ đài. Đại Nhiên thân hình cao lớn, hai cánh tay trần để lộ những bắp thịt cuồn cuộn, rắn chắc, chứng tỏ một bản lãnh ngoại công dũng mãnh. Đại Nhiên ôm quyền chào đối thủ nói:

- Đại đệ tử Kim Cương Môn Quách Đại Nhiên xin được lãnh giáo kiếm pháp của hậu nhân Kiếm thánh xứ Phù Tang.

Toàn Bình nói gọn:

- Mời!

Dứt lời, tay phải hắn rút thanh kiếm bên hông trái đánh rẻng một tiếng, âm thanh ngân trong trẻo cho thấy đó là một thanh kiếm tốt. Kiếm ra khỏi vỏ, mũi kiếm chênh chếch hướng lên, hắn đưa tay trái cầm vào phần cuối của chuôi kiếm, chân phải hơi bước tới trước, đứng tấn tiền hậu trông thật vững chắc. Kiếm khách Nhật bao giờ cũng dùng hai tay để cầm kiếm, do đó những đường kiếm bổ xẻ từ trên cao xuống hoặc tạt ngang vào bụng địch thủ phát ra rất nhanh và rất cương mãnh. Mọi người từ lâu đã nghe nói kiếm khách Nhật sở trường về song kiếm nhưng chưa từng thấy qua, nay được chứng kiến khí thế của Hữu Mã Toàn Bình, tất cả họ đều căng mắt ra hồi hộp chờ đợi hắn xuất thủ.

Quách Đại Nhiên xuống tấn kim kê, hoành đao thủ thế. Toàn Bình nạt lớn một tiếng, người bước tới trước, thanh kiếm từ trên cao chém xuống, ánh thép ngời lên như tia chớp. Đại Nhiên vung đao lên đón đỡ, tiếng đao kiếm chạm nhau nghe đinh tai. Toàn Bình biến thế rất nhanh, chân đảo bộ, hai tay lia thanh kiếm một đường vào bụng đối phương. Đại Nhiên đảo bộ lui lại, thanh đao trên tay chém xéo vào vai địch thủ. Toàn Bình xoay người, thanh kiếm từ dưới đánh bật lên, gạt thanh đao sang bên, tiện đà bước tới, hạ ngựa thấp xuống quét ngang một đường vào hạ bàn đối phương. Đại Nhiên hét lớn “Hay!” và tung người lên cao né đòn rồi uốn mình đáp xuống sau lưng địch, tay đao chém nhanh một nhát vào lưng đối phương. Toàn Bình di chuyển mau lẹ, hắn xoay người gạt chiêu đao, đồng thời tay trái rút thanh kiếm thứ hai đâm thẳng vào cổ Đại Nhiên. Sự tính toán của hắn chính xác đến độ khiến cho Đại Nhiên hoảng hốt vội vung đao ra gạt thanh kiếm. Tức thì, thanh kiếm trong tay phải của Toàn Bình lại quét một đường ngang bụng Đại Nhiên. Đại Nhiên hết đường chống đỡ, chỉ còn cách tung người ra sau thật nhanh để tránh chiêu kiếm ác liệt ấy. Cú nhảy của Đại Nhiên quá đà nên cả thân hình đáp luôn xuống đất. Toàn Bình đứng thẳng người lên, tra hai thanh kiếm vào vỏ rồi gập mình chào khán giả để khẳng định chiến thắng.

Đại Nhiên ôm đao bước đến trước mặt Diệp Hồng Sanh cúi đầu chịu tội. Hồng Sanh nhếch môi cười nhẹ rồi đứng lên kéo bọn đệ tử ra về. Lê Trung tinh ý nhìn thấy, nói nhỏ với Đại Kỳ:

- Bọn Kim Cương Môn dường như cố ý chịu thua. Trần huynh cho rằng lý do chính là gì?

Đại Kỳ đáp:

- Thật ra kiếm pháp của tên Nhật cũng cao siêu lắm, nhưng Đại Nhiên cố ý thua sớm là muốn cho thiên hạ nghĩ rằng Kim Cương Môn của họ nay đã hết cái thời hùng mạnh ngày xưa rồi. Làm như vậy thì những hoạt động ngầm của họ sẽ ít bị thiên hạ chú ý.

Đám khán giả vô cùng thất vọng khi chứng kiến trận thua mau chóng của Kim Cương Môn. Có người nói:

- Kim Cương Môn hết thời rồi. Nếu Thần Quyền Môn mà cũng yếu kém như thế thì võ lâm Nam Đại Việt đã đến hồi mạt kiếp.

Trên võ đài, Toàn Bình lại lớn tiếng:

- Anh bạn hôm trước ước hẹn với tôi, giờ xin mời.

Dương Quán Nhật nói nhỏ với Trần Đại Kỳ:

- Tên này hôm trước thách đấu với cháu. Cháu phải lên gặp hắn.

Đại Kỳ gật đầu:

- Cháu cẩn thận thanh kiếm trên tay trái của hắn.

Quán Nhật “dạ” một tiếng rồi từ bên dưới tung người lên đài, chống cây Luyện Tử thương xuống sàn, ôm quyền chào đối thủ:

- Dương Quán Nhật ở Mỹ Tho hôm nay lên đây để đáp ứng lời thách đấu hôm nọ của bạn.

Đám khán giả thấy Quán Nhật phóng lên đài liền vỗ tay reo hò vang dội:

- Dương công tử hãy cho chúng biết thương pháp họ Dương lợi hại thế nào để bọn chúng hết kiêu căng đi.

Toàn Bình ôm quyền chào Quán Nhật, giọng lạnh lùng:

- Tốt lắm! Mời!