Én Liệng Truông Mây - Hồi 26 - Phần 2

Hắn rút một thanh kiếm ra, hai tay nắm chặt chuôi kiếm thủ thế chờ đợi. Quán Nhật hét lớn một tiếng, cây thương trong tay như con mãng xà lao tới ngực đối phương. Toàn Bình xoay người né mũi thương, tay kiếm vừa định chém xuống thì cây thương đã như con rắn tinh khôn bám theo nhắm ngay hồng tâm mà lao vào. Toàn Bình khiếp hãi hét lớn một tiếng, tay kiếm hất mạnh lên mũi thương. Quán Nhật bước tới, xoay tít người như con vụ, hai tay thay đổi liên tục xoay cây thương quanh người, mũi thương và cán thương vun vút quây thành những vòng tròn bám theo quét ngang bụng địch thủ. Toàn Bình xoay người thối lui không ngớt để né tránh, thanh kiếm trên tay phải chỉ đỡ gạt liên tiếp, không kịp xuất ra một chiêu nào để tấn công địch. Khán giả thấy đường thương của Quán Nhật dũng mãnh và nhanh nhẹn như mãnh xà, tiếng gió rít nghe “phựt phựt” luôn áp đảo tên Nhật thì vỗ tay reo hò vang dậy.

Toàn Bình tức giận vô cùng, hắn hét lớn một tiếng, nhảy lùi ra xa, tay trái vừa rút thêm thanh kiếm thứ hai ra khỏi vỏ thì cũng vừa lúc mũi thương của Quán Nhật lao vút tới. Hắn gầm lên phẫn nộ, thanh kiếm trong tay phải từ dưới vung lên thật mạnh, hất mũi thương lên cao, chân bước tới một bước, đồng thời lưỡi kiếm trên tay trái chém xuống một chiêu sấm sét. Quán Nhật rút vội cây thương về, chân xuống tấn song long, hai tay đưa cây thương lên đỡ lưỡi kiếm, tiện đà lướt người tới đứng thẳng lên, xoay tròn thật nhanh, tay phải cầm cây thương, cán thương quất mạnh vào nách địch thủ một cú. Toàn Bình trúng đòn chới với lui về sau, người chưa kịp giữ lại thăng bằng thì mũi thương lại tiếp tục lao vào nách của hắn. Quán Nhật xuất mấy chiêu vừa rồi vô cùng thần tốc, riêng chiêu cuối cùng chàng chỉ đâm vào nách của địch thủ, nếu muốn lấy mạng Toàn Bình, chàng chỉ cần đưa mũi thương sang phải một chút thì đã đâm thủng ngực hắn rồi. Quán Nhật đâm xong rút vội cây thương về, nhảy lui ra sau chống thương đứng giữa võ đài.

Khán giả sau một lúc nín thở và căng mắt theo dõi đã bùng lên vô cùng hào hứng:

- Dương gia thương pháp quả nhiên danh bất hư truyền! Thật tuyệt diệu!

Toàn Bình thảm bại lấy làm hổ thẹn, hắn vung mạnh thanh kiếm đâm vào bụng mình định tự sát. Nhưng mũi kiếm của hắn vừa chạm đến áo thì “keng” một tiếng, một vật nhỏ từ dưới khán giả bay lên trúng ngay lưỡi kiếm, hất trượt ra ngoài. Quán Nhật vội ôn tồn nói:

- Đây chỉ là trao đổi võ học trên tinh thần thượng võ, thắng bại là lẽ thường, anh bạn không nên coi rẻ tính mạng của một võ sĩ như vậy.

Toàn Bình đưa mắt về hướng phát ra viên đá để tìm xem ai đã bắn lên thì nhận ra đó chính là nơi đám người Thần Quyền Môn đang ngồi. Hắn giật mình nghĩ thầm cao thủ Thần Quyền Môn quả thật ghê gớm. Khi nghe Quán Nhật nói như vậy, hắn cũng thôi ý định mổ bụng, tra kiếm vào vỏ rồi nhảy xuống đất im lặng bỏ về. Dương Quán Nhật đứng nhìn theo Toàn Bình một lát rồi quay người định xuống chỗ ngồi thì bỗng có tiếng nói lớn vang lên:

- Ta muốn giao đấu với ngươi!

Và một bóng người từ bên dưới phi thân lên đứng giữa đài. Quán Nhật quay lại nhìn. Người vừa mới nhảy lên đài là một kiếm sĩ Nhật tuổi ngoài hai mươi, thân hình cao ráo, đôi mắt sắc bén với tia nhìn lạnh người như muốn ăn tươi nuốt sống đối phương. Hắn cao giọng:

- Sương Điền Bửu Châu này muốn lãnh giáo thương pháp của các hạ.

Bỗng có tiếng nói trong trẻo vang lên:

- Ngươi muốn lãnh giáo thì để ta bồi tiếp cho!

Tiếng nói vừa dứt, một bóng hồng từ dưới chỗ ngồi của Thần Quyền Môn tung lên cao, nhẹ nhàng đáp xuống sàn đấu, thân pháp nhẹ nhàng như một cánh bướm hồng trông thật đẹp mắt. Khán giả nhận ra đó là vị tiểu thư xinh đẹp tuyệt trần của Thần Quyền Môn, tất cả vô cùng thán phục và đồng loạt vỗ tay hoan hô như pháo nổ. Có nhiều tiếng la lớn:

- Hồng y nữ hiệp Trần Hồng Liên thật xứng đáng với danh hiệu Nam phương đệ nhất mỹ nhân. Thân pháp đã đẹp, người càng đẹp hơn.

Hồng Liên lên tiếng:

- Hôm nọ anh bạn đã lên tiếng khinh thị võ lâm Giản Phố và Thần Quyền Môn, hôm nay ta đại diện Thần Quyền Môn để chứng minh rằng điều anh bạn nói là một sai lầm lớn.

Đám khán giả nghe Hồng Liên nói thì vỗ tay tán thưởng:

- Đúng vậy! Hồng y nữ hiệp hãy cho chúng biết võ học Nam phương của Đại Việt ta cao siêu thế nào để chúng không dám vô lễ nữa.

Sương Điền Bửu Châu trừng mắt nhìn Hồng Liên rồi chuyển sang nhìn Quán Nhật nói:

- Ngươi không dám đấu với ta hay sao mà lại để cho một cô gái mảnh khảnh thế này lên đài thay?

Quán Nhật mỉm cười nói:

- Anh bạn đã xúc phạm đến cô ấy, hãy trả món nợ vô lễ đó trước đã rồi đấu với tôi cũng chưa muộn.

Nói xong chàng nhìn Hồng Liên mỉm cười rồi quay người bỏ xuống. Bửu Châu giận lắm nhưng không tiện phát tác với một nữ nhân xinh đẹp như cô gái đang đứng trước mặt mình, hắn hạ thấp giọng:

- Từ ngày ta biết cầm kiếm đến nay chưa một lần nào so kiếm với nữ nhân, cô nương nên tự lượng sức mình mà trở xuống đi, ta không muốn xuất thủ.

Hồng Liên nghiêm nét mặt nói:

- Ngươi không muốn xuất thủ cũng được, nhưng trước mặt anh hùng thiên hạ ngươi hãy nói lời xin lỗi vì đã lỡ nói lời xúc phạm đến võ đạo Đại Việt thì ta sẽ xuống ngay.

Bửu Châu đỏ mặt gằn giọng:

- Cô nương đừng ép ta. Cô sẽ hối hận.

Hồng Liên nhoẻn miệng cười:

- Nếu ta sợ phải hối hận đã không lên đây đối diện với ngươi.

- Đã vậy ta hứa trong vòng ba chiêu sẽ đánh rơi kiếm của cô nương. Sau ba chiêu nếu ta không làm được điều đó ta sẽ tự sát trước mặt cô để xin lỗi.

Hồng Liên nghiêm mặt nói:

- Các ngươi thua nhỏ cũng tự sát, thua lớn cũng tự sát thì còn mạng đâu để làm người mà phục vụ cho đất nước? Ta không cần ngươi tự sát, cũng không cần ngươi nói lời xin lỗi. Nếu không thắng nổi ta hãy về suy gẫm lại lời nói hôm nọ của mình là đủ rồi.

Mặt Bửu Châu càng đỏ hơn, không biết vì giận hay vì lời chỉ trích nhẹ nhàng của cô gái Việt này. Hắn rút kiếm cầm bằng cả hai tay thủ thế, giục:

- Ba chiêu, cô nương xuất thủ đi!

Hồng Liên mừng thầm trong bụng, nói lớn:

- Là tại ngươi quá tự phụ thôi. Ta ra chiêu đây!

Dứt tiếng, bóng hồng của nàng lướt tới, thanh kiếm trong tay nhoáng lên xuất ngay chiêu đầu tiên trong Bạch Long tam thức, nhắm vào tim của đối phương đâm tới, mũi kiếm như con hỏa long lao vút đến. Bửu Châu thấy đường kiếm mau lẹ tuyệt luân thì giật mình, thanh kiếm trong tay vung lên chặt xuống thanh kiếm của Hồng Liên. Nhưng chiêu kiếm đánh ra vừa rồi của nàng chỉ là hư chiêu, khi mũi kiếm đi đến giữa chừng, nàng bỗng chuyển thế, lưỡi kiếm di chuyển theo thân pháp của nàng biến thành thế quét ngang một đường thần tốc vào hông đối phương. Bửu Châu ra chiêu bị hớ liền xoay người sang bên, tay kiếm quét ngược trở lại, nhắm vào thanh kiếm đối phương quất mạnh lên, chủ đích của hắn là dùng nội lực cương mãnh của mình để đánh bay thanh kiếm trong tay cô gái như đã hứa. Nhưng thân pháp Hồng Liên nhanh lẹ, bóng hồng thấp thoáng khắp nơi và thanh kiếm của nàng như con mãnh long uốn lượn vừa tránh va chạm với thanh kiếm của Bửu Châu vừa công liên tục không dứt vào khắp các bộ vị trên người hắn. Trước lối công liên tu bất tận và biến ảo không ngừng của đối phương, Bửu Châu không thể tìm ra chỗ khởi đầu cũng như nơi chấm dứt của chiêu kiếm, hắn vừa kinh hãi vừa tức giận, tay trái rút thêm thanh kiếm thứ hai rồi cả hai tay múa vun vút chém vào vùng kiếm quang của đối phương. Hồng Liên kết hợp thân pháp mau lẹ với ba chiêu kiếm liên hoàn một cách rất tài tình nên nàng đã công hết đủ ba mươi sáu thế kiếm mà Bửu Châu vẫn chưa thể nào đụng được vào lưỡi kiếm của nàng. Tuy nàng không đả thương được hắn nhưng theo lời giao ước ban đầu thì Bửu Châu đã thua cuộc. Hồng Liên xuất chiêu cuối cùng rồi uốn người tung ngược ra phía sau lớn tiếng nói:

- Ta đã xuất hết ba chiêu, ba mươi sáu thế mà ngươi còn chưa đụng được thanh kiếm của ta thì còn đấu làm gì nữa!

Bửu Châu hai tay kiếm buông xuôi, sắc mặt biến từ đỏ sang xanh mét. Hắn chán nản nói:

- Ta thua!

Lời vừa dứt, thanh kiếm trong tay phải của hắn đưa lên cao đâm mạnh vào bụng mình. Nhưng cũng như lúc Toàn Bình tự sát, một viên đá nhỏ lao vút như viên đạn, bắn trúng thanh kiếm của hắn làm thanh kiếm bị bật ra. Có lẽ đã lường trước trường hợp này, thanh kiếm trong tay trái của hắn lại vung lên gần như đồng thời với tay phải. Hắn tính toán nếu có kẻ nào đó muốn ngăn chặn thanh kiếm ở tay phải thì cũng không thể nào ngăn kịp thanh kiếm trên tay trái của hắn. Nhưng một tiếng “coong” nữa đã vang lên, thanh kiếm thứ hai cũng bị bắn dạt ra, sự tình thật ngoài sức tưởng tượng. Hắn không chết, lòng vừa hổ thẹn vừa kinh sợ bởi tài sử dụng Đạn chỉ thần công của một cao thủ nào đó. Hắn đành ôm kiếm hướng về phía viên đạn bắn tới, cúi đầu nói:

- Đa tạ! Bái phục!

Xong hắn cúi chào Hồng Liên rồi tra kiếm vào vỏ, thất thểu bước xuống võ đài lầm lũi đi theo hướng Toàn Bình lúc nãy. Hồng Liên tung người trở xuống chỗ ngồi. Mọi người đang xôn xao bàn tán thì từ chỗ ngồi của bọn người Nhật, một kiếm sĩ khác đã đứng dậy chậm rãi bước lên đài. Bước chân của hắn rất nhẹ nhàng nhưng thật trầm ổn, cả thân người của hắn cũng thật trầm ổn, các động tác di chuyển không thiếu, cũng không thừa. Hắn đứng im lặng giữa võ đài, nét mặt lạnh băng vô cảm. Người hắn toát ra một luồng khí lạnh đến rùng mình. Hắn trạc tuổi hai mươi, gương mặt tuấn tú, vừa mỹ mạo vừa oai phong. Hắn đưa ánh mắt sắc như dao nhìn về phía Thần Quyền Môn lạnh lùng nói:

- Cung Bản Vũ Tùng xin được lãnh giáo với anh bạn trẻ đã ba lần ra tay ngăn cản hai tên sư đệ của ta tự sát.

Khán giả không biết ai là người đã ra tay ngăn cản bọn kiếm khách Nhật tự sát, giờ nghe Vũ Tùng nói thì mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía Thần Quyền Môn chờ đợi. Trần Lâm từ từ đứng dậy rồi bước lên võ đài. Mọi người “Ồ!” lên kinh ngạc. Có kẻ nói:

- Là anh chàng thư sinh áo trắng mặt đẹp như ngọc này à?

Trần Lâm đứng đối diện với Vũ Tùng ôm quyền nói:

- Xin lỗi, Trần Lâm tôi biết rằng ngăn cản Samurai của người Nhật các bạn tự sát là một điều cấm kỵ, nhưng tôi nghĩ đây không phải là những trận đấu sanh tử mà chỉ là những cuộc ấn chứng võ học để trao đổi kinh nghiệm. Ông trời có đức hiếu sinh, các bạn không nên chết vì những chuyện không đáng như thế này. Mong các bạn hiểu cho.

Vũ Tùng lạnh lùng:

- Văn hóa các bạn khác với tinh thần võ sĩ đạo của đất Phù Tang chúng tôi. Bạn đã phạm điều cấm kỵ, trừ phi bạn thắng cả tôi, nếu không bạn phải bị trừng phạt nặng.

- Anh thuộc họ Cung Bản, vậy có phải là hậu duệ của Kiếm thánh Cung Bản Vũ Tàng không?

Vũ Tùng kiêu hãnh gật đầu. Trần Lâm nói tiếp:

- Kiếm thánh trước kia là một đại kiếm khách, sau người tìm đến đạo rồi nâng kiếm thuật lên thành kiếm đạo. Tôi tin rằng vào lúc cuối đời, khi ngồi viết ra hai cuốn binh pháp và binh thư, người đã ngộ ra rằng dụng kiếm không chỉ để giết người khi mình thắng, giết mình khi mình bại mà thanh kiếm còn mang một ý nghĩa cao cả hơn. Vì vậy, về sau người chỉ dùng kiếm gỗ chứ không dùng kiếm sắt nữa đúng không?

Vũ Tùng rất kinh ngạc trước sự hiểu biết của con người trẻ tuổi này. Hắn hỏi:

- Bạn biết khá nhiều về môn phái của tôi. Là ai đã nói?

- Tên tuổi của Kiếm thánh Musashi và kiếm phái Nhị Thiên Nhất Lưu bay xa khỏi biên giới của nước bạn. Tôi là người say mê kiếm đạo nên phải tìm hiểu để học hỏi và đã may mắn đọc được hai cuốn binh pháp và binh thư của ngài Kiếm thánh.

Giọng nói của Vũ Tùng đã bớt lạnh lùng hơn trước, hắn nói:

- Đa tạ cảm tình của bạn đối với môn phái chúng tôi. Bạn rút kiếm ra đi.

Trần Lâm miễn cưỡng nói:

- Đã vậy sao chúng ta không sử dụng kiếm gỗ như vị Kiếm thánh của bạn? Tôi từng nghe nói đến phép “Hợp kiếm” tối thượng của quí phái nên cũng rất mong được chiêm ngưỡng. Chúng ta lấy sự mau lẹ và chuẩn xác của một chiêu kiếm để phân định hơn kém. Bạn đồng ý chứ?

- Đề nghị của bạn dành nhiều ưu thế hơn cho tôi rồi đó.

- Không sao. Với tôi hơn kém nhau một chiêu kiếm không phải là vấn đề, vì như Kiếm thánh đã nói: “Không có kiếm pháp vô địch, chỉ có con người vô địch”. Điều này chắc bạn phải rõ hơn tôi.

Trần Lâm muốn đem đạo lý mà vị tổ sư của Vũ Tùng đã nói để làm giảm bớt lãnh khí trong lòng hắn vì chàng không muốn gây nên hận thù với những người Nhật Bản xa lạ này. Quả nhiên, Vũ Tùng đã phần nào có cảm tình với đối thủ của mình nên đồng ý:

- Bạn thấu hiểu binh pháp của tổ sư chúng tôi còn thâm sâu hơn tôi. Bái phục! Bạn chính là đối thủ mà tôi đang tìm. Chúng ta bắt đầu đi.

Vũ Tùng quay xuống bảo mấy người Nhật mang lên ba thanh kiếm gỗ, hắn giữ hai, đưa cho Trần Lâm một. Hai người lùi lại thủ thế.

Vũ Tùng tay phải cầm kiếm, mũi chĩa thẳng lên trời, thanh kiếm trong tay trái hướng thẳng vào tim đối phương. Tuy chỉ bằng hai thanh kiếm gỗ nhưng sát khí từ người Vũ Tùng tỏa ra rất mạnh. Đám khán giả cảm thấy một hơi lạnh vô hình từ trên đầu len vào cột sống của mình. Tất cả im phăng phắc. Trần Lâm tay phải cầm kiếm chĩa xuống đất, mũi kiếm chênh chếch hướng ra ngoài, tư thế thật thong dong, bình thản. Cả hai nhìn nhau, giao đấu bằng ánh mắt. Cuộc giao đấu diễn ra trong im lặng, nhưng đối với cả hai đấu thủ nó là cuộc đấu sanh tử vì cao thủ thượng đẳng khi đấu với nhau, sự hơn kém được quyết định bằng tinh thần chứ không phải chiêu thức. Tinh thần chính là đôi mắt của họ.

Bỗng hai tiếng hét vang lên cùng một lúc, hai bóng người nhích động, ba thanh kiếm đồng thời phóng ra như ánh chớp rồi dừng lại. Hai mũi kiếm của Vũ Tùng theo phép “Hợp kiếm” của Musashi đã cùng dừng lại cách trái tim của Trần Lâm độ một phân, trong khi đó mũi kiếm của Trần Lâm đã chạm sát vào làn da nơi yết hầu của Vũ Tùng. Cả hai đứng lặng một giây rồi cùng thu kiếm về, sắc mặt Vũ Tùng tái xanh, hắn chán nản nói:

- Trước mặt bạn tôi không nói đến hai chữ tự sát. Hẹn hai năm sau tôi sẽ tìm đến bạn để xin tái đấu.

Trần Lâm nói:

- Tôi nhớ Kiếm thánh có viết một câu: “Thần đạo và kiếm đạo vốn dĩ chỉ là một. Vì cả hai đều đưa con người đến chỗ diệt ngã”. Tự sát chỉ là vì tự ái bị xúc phạm, tức là vì thương cái ngã của mình mà giết chết cái thân chứ không giết được cái ngã trong bạn. Theo lời Kiếm thánh, khi chưa diệt ngã thì kiếm của bạn vẫn chưa đạt đến đạo.

Vũ Tùng cúi đầu nói:

- Đa tạ đã chỉ điểm. Tôi sẽ nghiền ngẫm. Hai năm sau trở lại.

Hắn nói xong quay người bỏ xuống. Trần Lâm hỏi nhanh:

- Tôi bỗng thấy thèm rượu Sakê của xứ sở bạn và muốn được uống cùng có được chăng?

Vũ Tùng quay lại:

- Được chứ! Ngay bây giờ?

Trần Lâm gật đầu. Vũ Tùng nói:

- Mời bạn!

- Cùng với người bạn tôi nữa chứ?

- Tất nhiên!

Trần Lâm đưa mắt ra hiệu cho Quán Nhật rồi ba người họ sánh vai nhau đi về hướng Vọng Nguyệt Đình. Đối với ba tay cao thủ trẻ này, qua ánh mắt và chiêu kiếm, đường thương, họ đã nhìn thấy nhau, cảm thông nhau. Họ thấy được bản lãnh cũng như bản tánh của nhau bởi chỉ có những con người thật sự đam mê võ đạo mới có được sự đồng cảm ấy. Và đó cũng chính là ý nghĩa của câu nói: “Tri kỷ của ta cũng chính là đối thủ mạnh nhất của ta vậy”.

***