Én Liệng Truông Mây - Hồi 26 - Phần 3

Những cái chết hết sức bí mật của một số người Minh Hương ở làng Minh Hương vùng Gia Định cũng như Trấn Biên, lan xuống tận Mỹ Tho, Hà Tiên đã làm xôn xao dư luận. Một không khí chết chóc phủ trùm lên cuộc sống của người Minh Hương mỗi khi màn đêm buông xuống vì không biết tử thần sẽ ghé đến lúc nào. Những người bị giết, có kẻ là thương buôn, có kẻ chỉ sống cuộc đời dân dã nơi đồng ruộng, cũng có người đang làm việc cho phủ Chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Điều đặc biệt là hung thủ chỉ giết đúng đối tượng của họ chứ không bừa bãi giết người thân thuộc của nạn nhân. Hầu hết nạn nhân bị giết đều do những mũi kiếm chí mạng đâm vào tim và bên cạnh vết thương bao giờ cũng có một miếng thép vuông nhỏ, vừa đủ chứa hình bảy ngôi sao khắc theo vị trí chòm sao Bắc Đẩu.

Những câu hỏi được đặt ra bởi những người trong hội đồng hương người Minh Hương ở miền Nam Đại Việt là: Hung thủ là ai? Họ có bao nhiêu người? Sào huyệt ở đâu?... Riêng mục đích các vụ ám sát thì người Minh Hương đã nghĩ đến việc triều đình Mãn Thanh muốn truy đuổi những kẻ chống đối bỏ trốn. Điều họ lo ngại nhất là thân thủ của hung thủ quá cao siêu, lại ở trong bóng tối nên việc lẩn tránh hay ngăn ngừa quả thật khó khăn vô cùng. Trong số những người bị giết, có người từng là đại cao thủ, ngày xưa giữ các chức vụ cao như hương chủ, đường chủ trong Thiên Địa Hội; và có cả những người ôm danh vọng lớn trong giang hồ Trung thổ từng chống đối Mãn Thanh trước kia.

Buổi chiều hai hôm sau ngày tỉ võ với những kiếm khách Nhật, đoàn thuyền của Lê Trung dong buồm trở về Quy Nhơn, Quán Nhật cũng về lại Mỹ Tho. Trần Lâm ở lại Thần Quyền Môn giúp Đại Kỳ truy tìm bọn sát thủ. Trần Hồng Liên sau trận thắng tên kiếm khách Sương Điền Bửu Châu nhờ vào ba chiêu kiếm của Trần Lâm nên trong lòng vừa vui vừa ái mộ người tiểu sư phụ này vô cùng. Biết Trần Lâm sẽ ở lại Thần Quyền Môn một thời gian, nàng càng mừng rỡ hơn, suốt ngày quấn quít bên chàng không rời. Chiều đó, khi hai người đang ngồi ngoài vườn nói chuyện huyên thuyên thì Đại Kỳ cho gọi Trần Lâm vào. Cả hai cùng đến phòng khách, Đại Kỳ nói với con gái:

- Con về phòng đi, cha có chuyện muốn bàn với Lâm Nhi.

Hồng Liên phụng phịu:

- Bàn chuyện gì mà không dám cho con nghe vậy? Con cũng có thể giúp cha được mà.

Đại Kỳ nghiêm mặt nói:

- Chuyện này con không được dính vào. Nghe lời cha đi đi.

Hồng Liên nhìn vẻ cương quyết của cha, biết là không thể vòi vĩnh thêm được nên đành quay đi, miệng làu bàu:

- Người ta lớn rồi chứ bộ, cha cứ coi con là con nít hoài.

Đại Kỳ nhìn theo nàng, nói với Trần Lâm:

- Cháu thấy không, nó cứ như một đứa trẻ con mới lớn vậy. Bác lo hết sức.

Trần Lâm mỉm cười:

- Hồng Liên tâm hồn thơ ngây, tính tình hồn nhiên nhưng lại thông minh tuyệt đỉnh. Bác phải vui và hãnh diện vì cô ấy mới phải, sao lại lo.

- Bác lo là vì nó được cưng chiều quá nên không biết trời cao đất dày, cứ tưởng mọi việc trên đời này đều nằm trong lòng bàn tay của mình. Cháu thấy không, thân thủ như ba tên kiếm khách Nhật hôm nọ mà nó cứ nhất định đòi cho họ một bài học. Cũng may có cháu giúp, nếu không chẳng biết sẽ thế nào nữa. Mà thôi, chúng ta nói chuyện chính đi. Bác muốn cho cháu biết sơ về tình hình của hội đồng hương Minh Hương ở miền Nam này để xem cháu có ý kiến gì hay không.

Trần Lâm nói:

- Dạ, cháu cũng muốn biết về những người bị ám sát và dự tính đối phó của hội thế nào.

- Từ hơn một năm trước, bỗng dưng một số người của Thiên Địa Hội cũ lần lượt bị ám sát hết sức bí mật. Đến người thứ năm thì hội đã họp lại và tìm biện pháp ngăn ngừa lẫn đối phó. Việc đầu tiên, bác đề nghị những anh em trong các hội phản Thanh cũ phải cấp tốc phân tán và thay đổi chỗ ở để tránh bị truy sát, nhưng chỉ được một thời gian thì nơi ở mới của họ cũng bị phát giác và kẻ thù đã tìm đến tận nơi để sát hại.

- Khi bác đề nghị họ phân tán và thay đổi chỗ ở, bác có đề nghị họ lưu lại địa chỉ mới cho hội để tiện việc liên lạc không?

- Có, bác đã giao cho hai người hội trưởng và hội phó cất giữ danh sách hội viên cùng nơi ở của họ.

- Chỉ có hai người biết danh sách này thôi à?

- Đúng vậy. Chỉ có hội trưởng Ngô Sỹ Kỳ và hội phó Mộ Dung Thao thôi.

- Hai người này danh phận thế nào?

- Ngô Sỹ Kỳ với biệt danh Thiết Diện Tú Tài, là tay thâm trầm mưu lược, nổi tiếng thiết diện vô tư, chính nhân quân tử và rất có danh vọng trong võ lâm Trung thổ. Còn Thiết Kiếm Du Long Mộ Dung Thao tuy là người nóng nảy, lỗ mãng nhưng tính tình cương trực, trọng nghĩa khinh tài.

- Bác có nghĩ đến việc trong nội bộ hội có người của địch nằm vùng, hoặc người của bản hội bị họ mua chuộc không?

- Có, nhưng bác không nghĩ ra kẻ đó là ai.

- Sỹ Kỳ hiện làm gì, ông ta có dời chỗ ở không?

- Sỹ Kỳ lúc trước ở Trung thổ vốn thuộc gia đình giàu có, nhưng đã từ bỏ cuộc sống sung túc của gia đình để hoạt động cho Thiên Địa Hội. Về sau Thiên Địa Hội tan tác, ông ta cưới con gái một nhà buôn lớn ở Phúc Kiến. Mười lăm năm trước, ông dẫn vợ chạy trốn sang đây bắt đầu kinh doanh. Nhờ sự giúp đỡ bên nhà vợ nên việc kinh doanh rất phát đạt. Hiện nay ở làng Minh Hương vùng Bến Nghé, ông ta thuộc hàng giàu có lớn. Từ lúc xảy ra những vụ ám sát, ông ta phải thay đổi chỗ ở liên tục, công việc kinh doanh đã giao lại cho người vợ coi ngó.

- Còn Mộ Dung Thao?

- Người này xuất thân thảo mãng, từng làm ăn cướp ở Cối Kê, sau theo về với Thiên Địa Hội chống Mãn Thanh. Trong giới giang hồ Trung thổ, thanh danh ông ta rất lớn. Ông ta chạy sang đây từ mười mấy năm về trước và đang sống như một nông dân ở Mỹ Tho. Là chỗ quen biết với Dương gia của Quán Nhật.

- Chỉ có hai người này nắm danh sách liên lạc mà kẻ địch vẫn biết để tìm đến giết, bác có cho rằng một trong hai người họ đã tiết lộ bí mật này ra không?

Đại Kỳ trầm ngâm:

- Có, nhưng không dám tin chắc vì cả hai người này quả thật rất đáng tin cậy.

Trần Lâm suy nghĩ một lát hỏi:

- Sắp tới hội sẽ đối phó thế nào? Những hội viên có phải thay đổi địa chỉ liên lạc lần nữa không?

- Có. Tờ danh sách cũ coi như không thể sử dụng nữa. Bác có gửi thư mời Sỹ Kỳ và Mộ Dung Thao tối ngày mốt đến dự buổi họp kín ở đây. Để xem họ quyết định thế nào.

- Trần gia nhà bác và Dương gia ở Mỹ Tho có bị bọn chúng chiếu cố không?

- Dường như bọn chúng chỉ tìm giết những người mới chống đối sau này, đặc biệt là người thuộc nhóm Thiên Địa Hội, vì nghe nói hội này đang cố gắng hoạt động trở lại để khôi phục nhà Minh. Càn Long muốn tiêu diệt sạch những mầm mống tặc loạn ở trong cũng như ngoài nước. Hai nhà Trần và Dương sang đây lâu năm và đã trở thành con dân Đại Việt, họ không lưu tâm đến nữa.

- Cháu nghĩ dù vậy nhưng bác cũng nên hết sức bí mật và cẩn thận đề phòng. Nếu đúng Diệp Sanh Ký là hang ổ của chúng mà bác ra mặt chống đối thì nguy cơ sẽ lớn lắm.

- Điều này bác biết chứ, nhưng nếu anh em trong hội còn chưa bị thanh toán hết thì chúng sẽ không dám làm lớn chuyện để đụng chạm đến bác đâu, dù rằng từ lâu bác vẫn là một đầu não của hội. Chúng biết khi đụng đến bác thì triều đình và những hào kiệt trong nước mình sẽ chú ý và có phản ứng ngay.

- Như vậy cháu an tâm. Lần cuối anh em hội viên thay đổi chỗ ở, bác có lưu giữ nơi ở mới của họ không?

- Có. Bác đã bí mật nhắn anh em liên lạc với một người để lưu lại nơi ở mới. Thật ra hầu hết anh em trong hội đang ở chung tại một nơi vừa bí mật, vừa an toàn nhằm tránh sự truy sát lẻ tẻ của bọn địch. Có điều việc này không phải là kế sách lâu dài.

- Người nhận trách nhiệm giữ danh sách mới này e rất dễ gặp nguy hiểm. Bác phải tìm cách phân tán danh sách và nhóm người đó cho nhanh để tránh điều không hay xảy ra.

- Người này là một trong những sư đệ của bác. Trong nhóm sư đệ, sư muội mà sư phụ và Đinh sư đệ đào tạo ở Cửa Hàn năm xưa, Công Tôn Hùng Nhi là người có bản lãnh hơn cả. Ngay bác cũng chưa phải là đối thủ đấy.

- Hay quá! Vị sư đệ này của bác hẳn phải có căn cơ tuyệt hảo thì mới có thành tựu lớn như vậy.

- Hắn vừa có căn cơ tốt lại vừa được Trương Văn Hiến đào tạo một thời gian khi còn ở Cửa Hàn. May mắn có duyên với cửa Phật nên được sư Phật Chiếu thu nhận làm đệ tử, ban pháp danh là Từ Năng. Nhờ vậy mà Từ Năng sư đệ mới có thành tựu lớn. Dù sao trong lần họp sắp tới bác cũng sẽ cho phân tán danh sách kia và giải tán anh em đi nơi khác để khỏi phiền lụy đến cửa Phật.

- Buổi họp tối ngày mốt, bác cho phép cháu nghe lén có được không? Cháu muốn biết mặt và nghe ý tứ của hai nhân vật đầu não này.

- Được chứ. Hay là để bác giới thiệu cháu với bọn họ?

- Dạ đừng. Cháu chỉ muốn biết mặt hai vị trưởng phó hội để tiện bí mật do thám vụ rò rỉ tin tức mà thôi.

Rồi Trần Lâm góp ý thêm:

- Lần họp này bác nên chia hội viên ra làm ba nhóm, mỗi nhóm có bảng danh sách riêng giao cho bác và hai người kia mỗi người giữ một bảng. Khi cần thông báo gì đến các hội viên thì ba người giữ danh sách sẽ lo việc liên lạc với các thành viên trong nhóm của mình.

- Làm như vậy có vẻ chia rẽ quá.

- Chỉ là tạm thời trong giai đoạn này mà thôi. Chờ khi tìm được những kẻ ám sát thì chúng ta sẽ cùng nhau hợp lại tiêu diệt. Xong xuôi mọi việc thì tất cả lại trở về tình trạng cũ, đâu có gì là chia rẽ. Chỉ có làm như vậy mới an toàn. Nếu một trong hai người bọn họ có ý tiết lộ tung tích anh em trong nhóm của mình thì sẽ bị chúng ta phát hiện ra ngay.

Suy nghĩ một lát Trần Lâm nói tiếp:

- Nếu một trong hai người này có một người thông đồng với địch, cháu tin chắc thông tin buổi họp này đã bị lộ và sau buổi họp, bọn sát thủ thể nào cũng sẽ theo dõi đến nơi ở mới của người thứ hai. Bác biết nơi ở của họ, nên chuẩn bị phương tiện để cháu có thể bám theo tìm cách tiêu diệt bọn theo dõi. Riêng với người thông đồng, bác cũng nên cho người bí mật theo dõi vì cháu nghĩ người ấy và bọn sát thủ sẽ gặp nhau để trao đổi về nội dung buổi họp. Chừng đó ta cứ theo dấu họ là có thể biết được sào huyệt của chúng ở đâu.

Đại Kỳ vỗ tay khen:

- Diệu kế! Cháu quả là người có tâm cơ linh mẫn. Bác sẽ làm theo ý cháu.

***

Đêm cuối tháng trời tối đen như mực. Vào khoảng cuối giờ Tuất có hai chiếc thuyền nhỏ lần lượt cập vào bến Thần Quyền Môn. Hai người đàn ông lặng lẽ bước lên bờ, đại đệ tử Thần Quyền Môn là Trần Gia Huy lễ phép đón họ vào nhà. Trong bóng đêm có rất nhiều bóng người đang canh gác cẩn mật. Trần Lâm cũng có mặt trên mái nhà vừa canh gác vừa nhìn qua một lỗ nhỏ để quan sát câu chuyện bên trong gian phòng. Trần Đại Kỳ bước ra khỏi cửa đón:

- Chào hai vị, mời vào! Đi đường an toàn chứ?

Người đàn ông có khuôn mặt vuông, sắc da đỏ như vừa uống rượu lên tiếng:

- Thiết Kiếm Du Long xin chào Trần môn chủ. Môn chủ an tâm, rất an toàn. Ngô huynh thế nào?

Thiết Diện Tú Tài Ngô Sỹ Kỳ có vẻ mặt chân chính, tính khí thâm trầm, phong thái đáng để mọi người phải nể trọng. Sỹ Kỳ đáp:

- Không có gì rắc rối. Công việc của hai vị thế nào?

Đại Kỳ nói:

- Mời ngồi. Tôi thì tốt cả. Chúng ta uống vài chung rượu rồi bàn công việc.

Gia Huy đã mang rượu vào. Chàng rót rượu ra ba chiếc chung nhỏ, lễ phép:

- Mời hai vị sư bá.

Rồi bước ra ngoài khép cửa lại, đứng canh gác. Bên trong Đại Kỳ lên tiếng:

- Tình hình anh em gần đây vẫn tiếp tục bị ám sát chứng tỏ nội bộ của chúng ta có kẻ thông đồng với bọn sát thủ. Hai vị có kế sách gì an toàn hơn cho anh em không?

Mộ Dung Thao nóng nảy đáp:

- Tôi thật không hiểu nổi vì sao tin tức nơi ở mới của anh em lại bị tiết lộ. Tôi đã tự kiểm tra lại bản thân và những người chung quanh mình, tuyệt không có chút gì sơ hở cả. Cho đến giờ này tôi vẫn chưa nghĩ ra được một kế sách nào vẹn toàn. Mọi việc đều trông vào hai vị đấy.

Sỹ Kỳ nói:

- Chỉ có ba người chúng ta nắm danh sách, Mộ Dung huynh đã khẳng định mình không có sơ sót như vậy thì chỉ còn lại hai chúng tôi thôi. Bây giờ nếu tôi cũng lên tiếng khẳng định mình nữa thì chẳng hóa ra chúng ta qui phần lỗi cho Trần môn chủ hay sao?

Mộ Dung Thao mặt đỏ bừng phân bua:

- Tôi chỉ nói thật lòng mình thôi chứ tuyệt không có ý gì khác. Ngô huynh đừng nghĩ quấy.

Đại Kỳ vội nói:

- Việc đã qua, hãy bỏ qua đi, chúng ta phải tìm ra phương sách mới vẹn toàn để bảo vệ anh em. Không những vậy còn phải tìm cách truy tầm hung thủ để hợp sức lại diệt trừ chúng đi. Chúng ta không thể trốn tránh mãi thế này được. Phải nhanh chóng chuyển từ thế bị động sang thế chủ động.

Mộ Dung Thao nói ngay:

- Đúng vậy. Cần phải tìm ra hung thủ để tiêu diệt chúng ngay. Trần môn chủ đã có kế sách gì chưa?

Đại Kỳ nhìn Sỹ Kỳ nói:

- Ngô huynh bụng đầy mưu lược, xin đưa ra một phương sách vẹn toàn, chúng tôi xin làm những kẻ tùy hành.

Sỹ Kỳ trầm ngâm một lát rồi nói:

- Tôi dự trù sẽ chia anh em trong hội ra làm ba nhóm, mỗi nhóm liên lạc với một trong ba chúng ta. Sau này khi cần qui tụ đông đủ, ba chúng ta có bổn phận thông báo cho người trong nhóm mình. Làm như vậy thì anh em ở nhóm nào bị ám sát, người trưởng nhóm phải chịu một phần trách nhiệm. Nếu nhóm nào có nhiều người bị ám sát thì người trưởng nhóm đó chính là kẻ tiết lộ tin tức cho giặc. Hai vị nghĩ sao?

Đại Kỳ không khỏi phục thầm Trần Lâm, ông nhìn Ngô Sỹ Kỳ khen:

- Ý kiến hay, tôi cũng đã nghĩ đến điều này. Mộ Dung huynh thấy sao?

Mộ Dung Thao nói:

- Tôi cũng đồng ý phương án này. Việc chia nhóm tiến hành thế nào?

Sỹ Kỳ đáp:

- Căn cứ theo vùng mà phân chia. Mộ Dung huynh nắm giữ vùng Mỹ Tho cho đến Hà Tiên. Tôi lo vùng Gia Định, Bình Dương. Trần môn chủ liên lạc vùng Trấn Biên, Bà Rịa.

Đại Kỳ gật đầu:

- Phân như vậy rất hợp lý. Tôi đồng ý.

Mộ Dung Thao nói:

- Như vậy cũng được. Có điều lần trước chúng ta đề nghị anh em trong hội thay đổi chỗ ở mới, bây giờ biết đâu mà tìm đến?

Đại Kỳ đáp:

- Việc này tôi đã trù liệu. Vài hôm nữa tôi sẽ người cho người liên lạc với anh em để họ đến gặp hai vị. Sau đó hai vị nên đề nghị anh em trong nhóm của mình thay đổi chỗ ở mới lần nữa để tránh tình trạng tôi đã biết nơi ở của anh em trong nhóm của hai vị.

Mộ Dung Thao hỏi:

- Môn chủ đã nắm danh sách tất cả các anh em sao không giữ nguyên như thế để tiện liên lạc? Việc gì phải chia ra làm ba nhóm cho thêm rắc rối?

- Không được. Tôi chỉ là người ở đây lâu năm, thấy anh em mới sang bị chết oan ức nên lăn mình vào giúp một tay. Trách nhiệm chính phải ở hai vị chứ không phải tôi.

Sỹ Kỳ nói:

- Môn chủ vì anh em mà đứng ra nhận lãnh phần nguy hiểm. Danh sách mới đang nằm trong tay môn chủ đó cũng giống như bản án tử hình vậy. Môn chủ nên phân tán cho chúng tôi thật nhanh để tránh họa sát thân.

Đại Kỳ nói:

- Đa tạ sự quan tâm của Ngô huynh. Thật ra tôi không phải là người nắm danh sách này mà còn một người khác. Lúc trước khi phân tán, anh em đã lần lượt gặp người này và cho nơi ở mới. Sau đêm nay thì danh sách này coi như vô hiệu lực rồi, không có gì đáng ngại nữa.

Mộ Dung Thao hỏi:

- Đó là việc lánh nạn, còn việc truy tìm hung thủ thì sao?

Đại Kỳ đáp:

- Việc này tất cả chúng ta phải cùng nhau tiến hành. Khi có tin tức gì phải báo cho nhau để cùng hành động. Chúng ta phải chủ động tấn công địch chứ không thể cứ bị động trốn tránh mãi thế này được.

Sỹ Kỳ nói:

- Tất nhiên rồi. Việc này tôi luôn canh cánh bên lòng.

- Công việc như vậy là tạm xong. Chúng ta không nên kéo dài thời gian gặp nhau. Hai vị trở về an toàn.

Hai người đứng lên chào từ biệt. Đại Kỳ bước đến mở cửa tiễn khách, Gia Huy đang chờ ngoài mái hiên bước lại đưa hai người trở ra bờ sông. Trần Lâm từ mái nhà nhảy xuống cùng Đại Kỳ đi vào trong phòng. Chàng hỏi:

- Theo ý của bác, ai là người đáng khả nghi?

Đại Kỳ băn khoăn đáp:

- Bác thật sự không dám chắc. Hay là bác và cháu cùng viết tên người đó rồi đưa ra xem ý chúng ta có giống nhau không?

Trần Lâm nói ngay:

- Hay lắm!

Đại Kỳ quay sang lấy hai cây viết than, đưa cho Trần Lâm một cây. Hai người viết tên kẻ tình nghi vào lòng bàn tay mình rồi cùng đưa ra xem. Cả hai nhìn nhau bật cười.

Đại Kỳ nói:

- Bác đã chuẩn bị đủ phương tiện, cháu và Gia Huy có thể đi ngay bây giờ.

Gia Huy tiễn khách xong cũng vừa vào đến. Đại Kỳ dặn:

- Con chỉ cần theo dõi cho biết sào huyệt của bọn chúng thôi, tuyệt đối không được vào bên trong. Đừng để lộ thân phận của Thần Quyền Môn chúng ta.

Gia Huy cúi đầu:

- Dạ sư phụ.

Hai chàng thanh niên trong bộ đồ dạ hành lập tức băng mình về hướng ngã ba Sa Hà ở góc Tây Nam, lên hai chiếc thuyền nhỏ đậu sẵn bên bờ lá và chia nhau đuổi theo hai chiếc thuyền của Ngô Sỹ Kỳ, Mộ Dung Thao. Dù đêm tối không trăng, trên sông Đồng Nai số thuyền bè xuôi ngược vẫn khá nhiều, thuyền buôn lớn có mà thuyền nhỏ của ngư dân cũng có. Hai chiếc thuyền của Sỹ Kỳ và Mộ Dung Thao xuống đến vùng cù lao Long Bình thì rẽ ra hai hướng vòng theo hai cù lao khác nhau mà đi. Trần Lâm bảo anh em trên thuyền của mình bám theo thuyền của Mộ Dung Thao nhưng đi chậm lại. Đúng như dự đoán của chàng, chỉ lát sau, có một chiếc thuyền nhỏ bơi rất nhanh, vượt qua mặt thuyền của chàng để đuổi theo thuyền Mộ Dung Thao.

Mộ Dung Thao cho thuyền theo dòng Đồng Nai đến Phúc Lộc Thượng, Xá Hương, qua sông Tra Giang đến Kỳ Hôn thì trời đã sắp sáng. Mộ Dung Thao cặp thuyền vào bờ, ông lên bộ chạy nhanh đến một cây cổ thụ bên đường, dắt con ngựa đã cột sẵn ở đó ra, tung người lên ngựa phóng đi như bay. Trong khi đó chiếc thuyền của ông vẫn tiếp tục đi về hướng sông Cửu Long. Chiếc thuyền nhỏ kia cũng tức tốc cập vào bờ cách đó không xa, một tên mặc y phục đen rời thuyền phóng lên bờ đuổi theo. Trần Lâm cũng ghé sát thuyền vào, bảo những người chèo thuyền chờ ở đấy rồi tung mình lên bờ bám sát tên mặc y phục đen.

Con ngựa của Mộ Dung Thao quả là con ngựa tốt. Tên lạ mặt có khinh công rất cao nhưng vẫn không tài nào đuổi theo kịp, chỉ một lát sau nó đã bỏ hắn ta lại phía sau một đoạn khá xa. Trần Lâm thấy đã đến lúc tiêu diệt tên giặc này nên chàng vội tăng tốc rồi tung mình vượt qua khỏi đầu hắn, đáp xuống đứng chặn ngay trước mặt. Tên nọ giật mình dừng lại, cất tiếng giận dữ hỏi:

- Ngươi là ai, sao dám chặn đường ta?

Trần Lâm lạnh lùng đáp:

- Ta là quỉ sứ đi câu hồn những tên sát thủ như ngươi. Báo tên họ đi để ta ghi vào sổ trình với Diêm vương, nếu không sẽ trở thành con ma vất vưởng, không tên không họ thì đừng hòng đầu thai.

Qua ánh sáng lờ mờ, gã sát thủ thấy mặt tên thanh niên còn non choẹt mà lại dám ăn nói ngông cuồng nên bật cười ha hả:

- Ngươi chắc là tên điên hay là ngươi chán sống nên mới dám ăn nói ngông cuồng trước mặt ta như vậy. Nói đi, ngươi là ai? Sao lại đón đường ta?

- Ta đã nói rồi, ta là quỉ sứ đi câu hồn những tên sát thủ chuyên lén lút giết người. Ngươi báo tên họ đi rồi chết.

Tên sát thủ lại cất tiếng cười vang động cả rừng cây tĩnh mịch. Hắn ôm bụng cười ngặt nghẽo một lúc lâu. Dứt tiếng cười hắn nói lớn:

- Suốt cuộc đời ngang dọc khắp hai miền nam bắc Trường Giang, chưa một ai dám ăn nói ngông cuồng trước mặt Truy Phong Khách Điền Thông ta kiểu như tên oắt con nhà ngươi. Ngươi muốn chết thì ta sẽ mãn nguyện cho nhưng cũng nên để tên họ lại. Kiếm của ta chưa bao giờ giết kẻ vô danh.

- Có khí phách! Thôi được, nếu ngươi đỡ được một chiêu kiếm của ta thì ta sẽ báo tên họ cho ngươi biết.

Điền Thông nghe tên thanh niên nói vẻ ngạo mạn thì lửa giận trong người bỗng bốc lên, hắn quát lớn:

- Tên nhóc con này ngông cuồng thái quá! Được, rút kiếm ra đi, chỉ sợ sau một chiêu thì ngươi không còn dịp để báo tên họ nữa đâu.

Hắn rút thanh kiếm trên vai ra, thái độ tự mãn, không coi địch thủ ra gì. Trần Lâm cũng rút thanh nhuyễn kiếm, mỉm cười nói:

- Ngươi tự phụ quá, khi hối hận sẽ không kịp đấy. Ra tay đi.

Điền Thông thấy thái độ trầm tĩnh của tên thanh niên trong lòng cũng có chút ngạc nhiên, nhưng hắn vẫn rất tự tin vào đường kiếm tuyệt luân cùng thân pháp nhanh nhẹn đã đưa tên tuổi Truy Phong Khách của hắn bay khắp võ lâm Trung Nguyên. Hắn lạnh lùng nói:

- Ngươi chuẩn bị đi. Ta xuất chiêu đây.

Dứt lời, thân ảnh hắn nhích động, kiếm quang chớp ngời. Thanh nhuyễn kiếm trên tay Trần Lâm cũng chớp lên rồi mọi thứ trở lại im lặng. Chỉ còn một tiếng nói khò khè phát ra nơi cổ họng bị đâm thủng của Truy Phong Khách:

- Nhấ... ấ... t đi...i... ể... m...

Thân hình hắn ngã xuống. Trần Lâm lau máu nơi mũi kiếm.

- Ngươi cũng biết chiêu Nhất điểm hồng của ta à? Làm kiếm sĩ, không bao giờ được tự phụ đến khinh địch. Tiếc là ngươi có muốn học bài học này thì cũng đã muộn rồi.

Chàng cúi xuống lục tìm trong người hắn phát hiện có mấy tấm thẻ bằng đồng khắc hình Bắc Đẩu thất tinh và một ít ngân lượng. Chàng cất mấy thứ đó vào túi, ôm xác hắn bỏ sau lùm cây rồi trở lại bờ sông lên thuyền trở về. Vừng hồng vừa hé rạng ở phương Đông.

***