Én Liệng Truông Mây - Hồi 28 - Phần 2

Tiểu Phi nghe mấy tên côn đồ nạt nộ, chàng vẫn ngồi yên nâng ly rượu lên nhấm nháp. Một tên trong bọn thấy thái độ ngạo mạn của Tiểu Phi thì nổi giận vung tay lên tát mạnh vào mặt chàng. Tiểu Phi tay đang bưng ly rượu vừa uống cạn còn để trên môi liền chĩa ngón trỏ ra điểm trúng ngay huyệt lao cung giữa lòng bàn tay tên côn đồ khiến cả cánh tay hắn như bị điện giật, tê dại ngay tức thì. Hắn gầm lên một tiếng, tay trái như cương đao chặt mạnh vào mặt địch thủ. Tiểu Phi vẫn để ly rượu nơi miệng, ngón trỏ lại khéo léo đưa ra điểm trúng huyệt nội quan nơi cổ tay hắn. Hai tay hắn xụi lơ, hắn kinh hãi lùi lại la lớn:

- Thằng nhãi con này giỏi thật, anh em cùng nhau tiến lên xử hắn đi!

Lương Phúc chạy lại, cùng với tên kia, cả hai liền rút thanh đoản kiếm trong người ra, chia hai bên tả hữu đâm mạnh vào mặt và hông Tiêu Phi. Tửu khách đang có mặt trong các thấy vậy thì giật mình, sợ chàng thanh niên nọ bị mấy tên côn đồ giết chết. Nhưng nhoáng một cái, mọi người chưa kịp nhận ra Tiểu Phi xuất chiêu thế nào mà hai thanh đoản kiếm đã nằm gọn trong hai bàn tay của chàng, còn hai tên côn đồ thì ôm tay la bai bải. Trương Phúc Tịnh bước tới, chỉ mặt Tiểu Phi gằn giọng:

- Tên thối tha ngươi từ đâu tới kinh thành lại dám động thủ đánh người của ta? Ngươi không biết ta là ai sao?

Tiểu Phi thảy hai thanh đoản kiếm lên bàn rồi ngẩng mặt nhìn Phúc Tịnh nói:

- Biết chớ. Ngươi là một tên bại hoại nhất Đàng Trong này, chuyên cậy thế cha ông hoành hành khắp chốn kinh thành. Một tay ngươi đã hại không biết bao nhiêu cô gái nhà lành, sao ta lại không biết được.

- Đã biết ta mà ngươi còn dám đánh người của ta sao? Ngươi tưởng ngươi có mấy cái mạng?

- Ta chỉ có một cái mạng này thôi. Chẳng những ta đánh mấy tên côn đồ tay chân của ngươi mà từ lâu ta đã có ý muốn tìm ngươi để đập cho vỡ cái mặt dâm tặc của ngươi ra nữa. Hôm nay gặp đây cũng là hay lắm.

Phúc Tịnh giận đến đỏ mặt, tía tai. Hắn rút thanh trủy thủ trong người ra đâm chéo vào ngực Tiểu Phi. Tên Đồng An cũng đã chạy đến cùng với thanh trủy thủ nhắm vào lưng Tiểu Phi đâm mạnh tới. Tiểu Phi ngã người né lưỡi kiếm của Phúc Tịnh cũng như để cho thanh kiếm của Đồng An đâm từ sau lưng lướt qua ngang nách mình. Rồi nhanh như cắt, chàng dùng tay phải chặt mạnh vào khủy tay Đồng An, tay kia đoạt luôn thanh kiếm của hắn, sau đó trở cùi tay thúc mạnh vào ngực hắn một cú như trời giáng khiến hắn ngã ngửa ra sau, nhào lên thành cửa sổ. Chàng bèn bồi thêm vào mặt hắn một cú đấm nữa, hắn la lớn một tiếng rồi rơi tỏm xuống sông.

Phúc Tịnh đâm một kiếm không trúng, hắn liền rút nhanh tay về rồi tiếp tục đâm một nhát nữa vào vai đối phương. Tiểu Phi quay người lại, thấy thanh kiếm của Phúc Tịnh vừa đâm tới, chàng chờ cho kiếm sắp chạm vào vai mình mới xoay người sang bên, tay phải nhanh như chớp chộp mạnh vào cổ tay Phúc Tịnh khiến hắn đau đớn la lên, buông thanh kiếm rơi xuống đất. Tiện tay, Tiểu Phi đứng dậy lôi Phúc Tịnh đặt lên trên cửa sổ, hai tay tống mạnh vào mặt và bụng hắn hai cú đấm thôi sơn khiến cho cả thân hình của hắn bay vèo ra bên ngoài, áo hoa phấp phới trong gió rồi rơi ùm xuống sông. Ba tên côn đồ thấy công tử của mình bị đánh bay xuống sông thì vội vàng kẻ ôm tay, người ôm đầu chạy ra bờ sông để tìm cách cứu chủ. Mọi người chứng kiến cảnh Tiểu Phi đánh bọn côn đồ Hoa Hoa Thái Tuế một trận nên thân, ai ai cũng hả hê trong dạ, vì ở khắp kinh thành này không ai là không oán ghét bọn chúng đến thấu tâm can.

Tôn Thất Dục vội bước đến chào Tiểu Phi nói:

- Cảm ơn hiệp sĩ đã ra tay tương trợ. Chẳng hay đại danh của hiệp sĩ là chi, xin lưu lại để chúng tôi còn ghi nhớ.

Tiểu Phi ôm quyền nhã nhặn nói:

- Tôn ông không cần khách khí, chỉ là chuyện bất bình giữa đường mà thôi. Tiểu sinh tên Tiểu Phi, tôn ông cùng tiểu thư nên trở về nhà ngay, bọn lưu manh ấy thế nào cũng kéo thêm người trở lại, sẽ phiền hơn nữa đấy.

- Thì ra là Tiểu Phi hiệp sĩ. Vâng, chúng tôi xin cáo từ. Hiệp sĩ cũng nên lánh mặt, bọn chúng người đông thế mạnh, tránh được thì nên tránh.

Nói xong ông chắp tay chào lần nữa. Vị thiếu nữ tuyệt sắc cũng đưa ánh mắt biết ơn nhìn Tiểu Phi, lặng lẽ cúi đầu chào. Tiểu Phi bắt gặp ánh mắt đó liền cảm thấy tim mình như nhói lên, chàng vội cúi đầu đáp lễ. Hai ông cháu Tôn Thất Dục vội vã ra khỏi Triêu Dương Các trở về nhà, bỏ dự định sang chùa Thiên Mụ bên kia sông dự lễ Phật Đản. Tiểu Phi đứng nơi cửa nhìn theo mà ngẩn ngơ tấc dạ, nghĩ thầm: "cuộc kỳ ngộ này không biết là duyên hay nợ đây?".

Về đến nhà, Tôn Thất Dục thở dài nói với Quỳnh Nhi:

- Hôm nay chẳng may đụng phải đám côn đồ nhà họ Trương, nếu không có Tiểu Phi cứu giúp e rằng cháu đã bị rắc rối to rồi. Hà! Lão tặc Trương Phúc Loan dung dưỡng toàn một lũ côn đồ, bại hoại, triều đình nhà Nguyễn chúng ta e phải mất trong tay bọn chúng thôi.

Quỳnh Nhi buồn bã nói:

- Phận con thật bạc. Bước vào đời toàn gặp chuyện không may, đi đâu cũng gây nên họa. Hôm nay vừa ra đường đã gặp phải bọn người của Trương gia, con sợ rằng chúng lại mượn cớ mà làm khó dễ đến ngoại nữa chớ chẳng chịu thôi đâu.

- Con đừng buồn, đời người lúc thịnh lúc suy, lúc vinh lúc nhục. Là họa do trời buộc thì có tránh cũng không được. Ngoại đã quen rồi, con đừng lo.

- Nhưng sao có những người suốt đời gặp toàn những cảnh ngộ bi thương, lại có người từ lúc sơ sinh đã hưởng cảnh vàng son nhung gấm vậy ngoại?

Thất Dục thở dài đáp:

- Mỗi người một phần số con ạ. Con vừa nhan sắc, vừa tài hoa, mà tài mệnh thường tương đố, tránh sao khỏi truân chuyên.

- Nhưng con vừa bốn tuổi đầu đã mất mẹ, bảy tuổi lại mất cha, có được một người anh trai thì lại bặt vô âm tín chưa biết sống chết lẽ nào. Tám tuổi phải sống nhờ vào người hàng xóm để chịu đựng bao nhiêu là sự hà khắc. Mười bốn tuổi bị người ta vì hám lợi đem bán cho thiên hạ, đến phải trầm mình trên Hương Giang cho rảnh nợ đời. May mà còn có ngoại vớt được thây mang về nuôi nấng tới hôm nay. Lúc con còn nhỏ, ông trời đâu đã biết con tài sắc gì mà đố kị hở ngoại?

- Số phận một con người đã được trời cao sắp xếp từ lúc còn là một thai nhi mới tượng hình trong bụng mẹ. Khi hài nhi chào đời thì đã có sẵn một dòng định mệnh để trôi theo cho đến lúc chết.

- Lúc nhỏ, con thường nghe cha dạy anh Phi làm người đôi khi phải tự tay mình xoay chuyển lấy định mệnh, vì nhân định đôi khi có thể thắng thiên.

- Đoàn Phong, cha của con là tay hào kiệt trong đời. Tuyết Hoa, mẹ của con là một kỳ nữ vốn dòng thư hương danh đệ. Gặp thời, tài trí như họ sẽ là người tế thế an bang, nhưng vô thời thì anh hùng cũng phải cô thôn nuốt hận. Nhân định thắng thiên cũng có, nhưng lại hiếm hoi như đi tìm giọt nước trong sa mạc giữa mùa nắng hạn. Ngoại nghĩ lời cha con dạy cho Phi Nhi có tính khích lệ hào khí nam nhi hơn là cương lĩnh làm người.

Thiếu nữ Quỳnh Nhi này chính là Quỳnh Như. Tôn Thất Dục gọi thân mật là Quỳnh Nhi, con gái của Đoàn Phong và Tuyết Hoa. Năm xưa, lúc Đoàn Phi gây thương tích cho em mình, tưởng đã chết nhưng không ngờ Quỳnh Như may mắn được người hàng xóm kế bên là Khương thị tìm cách cứu tỉnh lại được. Đoàn Phong phần nhớ con, thương vợ, lại uất cho thời thế nên sanh bệnh mà chết tức tưởi. Trước lúc lâm chung, ông giao nhà cửa và ít của cải còn lại cho Khương thị, nhờ bảo dưỡng giùm. Khương thị vốn là người tham lam bạc ác, sau khi bán ngôi nhà của Đoàn Phong cho người khác, mụ mang Quỳnh Như về nuôi như một cô gái nô lệ. Mụ bắt nàng làm việc nhà không ngơi nghỉ, lại ra tay đánh đập, hành hạ đủ điều, đói ăn, thiếu mặc. Quỳnh Như biết phận mình là thân tầm gửi nên cắn răng chịu đựng sáu bảy năm trời, không có nửa lời oán thán, chỉ đợi lúc đêm về, nằm co ro trong chiếu lạnh nàng mới một mình nhỏ lệ khóc than cho số phận.

Quỳnh Như càng lớn càng xinh đẹp. Khương thị nhìn thấy nhan sắc của nàng thì sanh tâm, tìm người môi giới gạ bán đi. Mụ môi giới đến nhìn mặt món hàng rất vừa lòng, đồng ý ngay. Khương thị liền sắm sửa quần áo, chải chuốt phấn son cho Quỳnh Như, biến nàng thành một vị tiểu thư xinh đẹp tuyệt trần và ngã giá bán nàng bằng hai trăm lượng vàng ròng. Cất đống vàng vào tủ xong, mụ nhỏ vài giọt nước mắt cá sấu tiễn Quỳnh Như ra khỏi nhà để theo mụ môi giới xuống thuyền ngược dòng Hương Giang lên kinh thành Phú Xuân. Quỳnh Như uất ức cho phận hồng nhan nên khi thuyền ra giữa sông, nàng đã tìm cách trầm mình tự vận. Đang mùa nước lớn, cơ thể nàng chìm sâu và bị cuốn đi mất tăm.

Nhưng đúng là nợ trần chưa dứt nên gặp lúc Tôn Thất Dục và một người bạn thơ đang thả thuyền câu trên phá Tam Giang vớt được. Ông cứu sống Quỳnh Như đem về nuôi dưỡng. Về sau biết ra nàng là con của Đoàn Phong và Tuyết Hoa, ông đã nhận nàng làm cháu ngoại và ra sức dạy cho nàng đủ cả cầm kỳ thi họa lẫn y lý. Quỳnh Như rất mực tài hoa, chỉ trong vài ba năm ngắn ngủi nàng đã trở thành đệ nhất tài tử chốn kinh thành mà tất cả những người bạn văn chương, tao khách của Tôn Thất Dục thường đến chơi đều phải công nhận và hết mực khen tặng. Đặc biệt với chiếc đàn Độc Huyền mà Tôn Thất Dục vừa sáng chế, chiếc đàn hoàn toàn mang tính đặc thù của tâm hồn Việt tộc, khi được nàng đánh lên, âm thanh phát ra vừa mượt mà, vừa nức nở khiến cho người nghe như quên hẳn thực tại, nhập hồn hòa vào những âm điệu huyền diệu kia. Từ đó, tài sắc của Độc Huyền Tiên Tử, biệt danh mà những tao khách của Tôn Thất Dục tặng cho nàng, lan rộng khắp kinh thành khiến các bậc vương công tài tử ai ai cũng muốn được một lần hội diện. Nhưng Quỳnh Như không bao giờ bước chân ra khỏi cửa nửa bước, chỉ hôm nay vì là ngày lễ lớn, Thất Dục khuyên nàng nên đi lễ một lần, sẵn dạo cảnh kinh thành cho biết. Ai ngờ lại sinh ra chuyện đụng đầu với đám côn đồ Hoa Hoa Thái Tuế.

***

Nhắc lại bọn côn đồ khi chạy ra bờ sông thì thấy Phúc Tịnh và tên đồng bọn đang lóp ngóp bò từ dưới sông lên. Cũng may khúc sông này không sâu, nước chảy không xiết nên chúng mới không bị chết trôi nhưng bụng cũng đã uống đầy nước. Bọn côn đồ liền đưa Phúc Tịnh về nhà, tức phủ đệ của ngài phò mã Trương Phúc Thăng. Phúc Thăng thấy con mình bị đánh đến thân tàn ma dại thì nóng nảy hỏi:

- Ai dám động tới con? Nói đi, cha lập tức cho lính túc vệ đến lôi cổ bọn chúng ra đánh một trận rồi tống vào ngục cho chúng biết thế nào là gia tộc họ Trương của chúng ta.

Phúc Tịnh vừa khóc vừa nói:

- Dạ, là một thằng nhãi của nhà Tôn Thất Dục. Hắn đánh con, còn mắng nhà ta là một lũ cường quyền bạo ngược gì đó nữa.

Phúc Thăng nổi giận rít lên:

- Cũng lại là thằng khốn đó à? Thù xưa chưa trả, nay nó còn dám động đến con thì đúng là nó không coi chúng ta ra gì. Con vào trong cho mẹ lo thuốc thang đi, để cha sang đó hỏi tội nó.

Phúc Tịnh là tên ma ranh, hắn vừa trông thấy Quỳnh Như thì đã thần hồn điên đảo, mê mẩn tâm thần. Tuy lúc đầu hắn căm giận Tôn Thất Dục lắm nhưng vì nghĩ đến vẻ đẹp như thiên tiên của cô cháu gái nên hắn lại đổi ý. Nghe cha đòi đến làm khó dễ Tôn Thất Dục, hắn sợ chuyện cầu thân với người ngọc kia sau này sẽ gặp trắc trở nên bèn giả bộ khuyên cha:

- Thôi, cha đừng đụng tới ông ta làm gì. Dù gì ông ta cũng là hoàng thúc của đức Vương thượng mà. Còn tên nhãi con kia thì cha cứ để con lo liệu.

Phúc Thăng nghe thằng con cưng của mình hôm nay bỗng biết nói ra những điều phải quấy thì ngạc nhiên hỏi:

- Chà, bữa nay mày bị đánh trúng chỗ nào mà tự dưng đổi tính vậy con? Phải chi lúc nào mày cũng biết nói như vậy thì tao đâu có gặp bao nhiêu chuyện rắc rối, phiền hà. Chắc là có chuyện bí mật gì đây phải không, mau nói cho cha biết đi.

Phúc Tịnh cười nói:

- Dạ đâu có gì đâu cha. Con chỉ là không muốn cha khó xử khi gây gổ với một vị hoàng thúc vậy thôi mà.

Phúc Thăng biết cậu con cưng đang nói dối nên ông liền quát bốn tên đi theo Phúc Tịnh, hỏi gặng:

- Còn bốn đứa bay, đi theo bảo vệ công tử mà sao để nó bị đánh tới nước này? Cả bọn tụi bay thật là lũ ăn hại! Nói mau, chuyện hôm nay xảy ra thế nào, đứa nào nói láo tao cắt lưỡi!

Lương Phúc là tên nhạy mồm và nhát gan nhất trong bọn, hắn sợ quá nên bèn kể lại mọi chuyện từ đầu đến cuối. Phúc Thăng nghe xong nhìn Phúc Tịnh cười:

- Thì ra mày mê mẩn con cháu của lão Tôn Thất Dục, mày sợ tao làm lớn chuyện với lão là mày hết đường cầu thân phải không? Thằng này đáo để thật!

Phúc Tịnh cười hề hề:

- Thì con cũng theo gương của cha mà.

Phúc Thăng nạt:

- Nói xàm! Còn không cút vào trong tắm rửa đi à? Coi cái bộ dạng thảm não của tụi bay kìa, thật là xấu hổ cho nhà họ Trương ta mà.

Phúc Tịnh toét miệng cười rồi cả bọn kéo nhau vào trong. Suốt những ngày sau đó, hình bóng diễm kiều của Độc Huyền Tiên Tử lúc nào cũng chập chờn trong đầu hắn. Hắn lân la, len lén đi ngang phủ đệ của Tôn Thất Dục không biết bao nhiêu lần, nhưng tường cao kín cổng, mọi vật im lìm, chỉ có tiếng chim hót trên cây như trêu chọc hắn. Hắn cũng tự lấy làm lạ cho chính mình vì từ trước đến nay, một khi hắn đã vừa mắt cô gái nào là hắn tìm đủ mọi cách để chiếm đoạt cho bằng được, kể cả phải dùng đến bạo lực, nhưng không hiểu sao đối với Độc Huyền Tiên Tử, hắn lại cảm thấy rụt rè lo ngại. Không phải hắn sợ cái uy của ông già hoàng thúc từng bị ông nội hắn bắt bỏ vào ngục kia mà hắn lại sợ chính cái cau mày khó chịu, cái ánh mắt hờn trách của mỹ nhân. Hắn mơ màng, tơ tưởng, nhớ nhung người ngọc từng giờ từng phút, suốt mấy ngày đêm liền, bỏ cả ăn ngủ. Chỉ năm sáu hôm mà người hắn đã trở nên xanh xao tiều tụy, cuối cùng hắn ngã bệnh.

Mẹ hắn, công chúa thứ hai của Võ vương chỉ có mình hắn là con trai nên thương hắn còn hơn cả tính mạng mình. Hắn lại là cháu đích tôn trong họ nên ngoại tả Trương Phúc Loan, ông nội hắn cũng thương yêu hắn rất mực, còn hơn cả cha mẹ của hắn. Mọi người trong nhà nhìn thấy hắn ngày một xanh xao, tiều tụy ai nấy đều lo lắng. Hỏi hắn vì sao, hắn cứ ngậm miệng không nói ra. Có lẽ chính bản thân hắn cũng không hiểu vì sao, mà cũng có thể là hắn không muốn ai cười vào mặt mình, vì mê gái đến lâm bệnh. Bệnh tình của hắn ngày càng nặng. Phúc Thăng không nghĩ thằng con mình bị ốm tương tư vì trước giờ nếu nó thích ai là tìm cách chiếm lấy bằng được. Tự nó không chiếm được thì nó năn nỉ ông nội ra tay giúp. Nhưng càng ngày ông thấy thằng con mình bệnh càng trở nặng, mấy ông thầy thuốc rước về nhà khám chữa đều nói là tâm bệnh thì ông tin chắc là nó đã mê mẩn, ốm tương tư đứa cháu gái của Tôn Thất Dục rồi. Ông nói chuyện với vợ, Nhị công chúa bèn năn nỉ gặng hỏi hắn nói thật. Hắn chán nản gật đầu. Thế là bà vội vàng chạy sang gặp Phúc Loan bày tỏ sự tình, nhờ ông tìm cách giúp cho thằng cháu cưới bằng được cô gái đó. Phúc Loan nghe chuyện cười ha hả nói:

- Trời ơi, thằng cháu đích tôn ngoan của ta bị ốm tương tư à? Ha ha... Hay đấy! Chắc cô gái kia phải là tiên trên trời rơi xuống mới làm cho nó mê mệt đến mức này. Được rồi, con về đi để cha tính cho.

Nhị công chúa nghe cha chồng chịu đứng ra lo liệu thì an tâm cáo từ trở về. Trương Phúc Loan liền cho người đi mời quan Hộ bộ Thái Sinh đến. Thái Sinh nghe ngài ngoại tả cho đòi liền đến ngay. Vừa gặp Phúc Loan, ông ta đã khúm núm lên tiếng hỏi:

- Ngài ngoại tả cho đòi hạ chức có điều gì sai bảo ạ?

Phúc Loan cười nói:

- À, không có gì quan trọng. Chỉ là thằng cháu đích tôn bảo bối của ta muốn hỏi cưới đứa cháu gái của thằng Dục. Ông thay ta làm ông mai lo gấp vụ này cho nó. Nhớ là phải thật gấp, bệnh tình của Vương thượng ngày một trầm trọng chưa biết ngày nào, đừng để vì việc đó làm hư hỉ sự của nó. Ông hiểu ý ta chứ?

- Dạ, tưởng việc gì khó chứ làm ông mai thì hạ chức nghĩ mình có thể làm tốt nhiệm vụ, ngài ngoại tả cứ an tâm mà chờ hỉ tín.

- Làm tốt thì có thưởng, làm không xong thì ông đừng về gặp ta nữa.

Thái Sinh luôn mồm vâng dạ rồi từ giã quan ngoại tả đến thẳng nhà Tôn Thất Dục. Tôn Thất Dục nghe nói có quan Hộ bộ đến thăm thì lấy làm lạ lắm vì lâu nay ông đã còn không quan hệ gì với đám bộ hạ thân tín của Trương Phúc Loan nữa. Dù vậy ông cũng chuẩn bị tiếp đón. Mời Thái Sinh vào trong, an tọa xong, Tôn Thất Dục vừa rót trà vừa hỏi:

- Không hiểu quan hộ bộ ghé tôi hôm nay có điều chi muốn nói?

Thái Sinh đáp:

- Lâu ngày không gặp ngài hoàng thúc nên hạ chức có ý muốn ghé thăm, nhân tiện hỏi giúp quan ngoại tả một việc.

Thất Dục nghe nhắc đến Trương Phúc Loan trong bụng đã biết có chuyện chẳng lành, ông hỏi:

- Quan ngoại tả nhờ ông hỏi tôi việc gì, xin cứ nói ra?

- Số là Trương công tử Phúc Tịnh, cháu đích tôn của quan ngoại tả có để ý đến tiểu thư, cháu gái của ngài hoàng thúc đây. Quan ngoại tả sai tôi sang gặp ngài xin ngỏ lời cầu hôn để hai nhà lại trở thành thông gia như trước.

Tuy biết trước là có việc chẳng lành nhưng khi nghe nói đến việc tên côn đồ kia xin hỏi cưới Quỳnh Như thì Tôn Thất Dục vẫn không khỏi giật mình, toát mồ hôi lạnh. Ông suy nghĩ một lúc rồi đáp:

- Việc này phải để tôi hỏi lại ý của cháu tôi trước đã rồi mới có thể phúc đáp lời yêu cầu của ngài được.

- Ngài nói như thế cũng hợp lý. Nhưng trước khi tôi sang đây, quan ngoại tả có dặn kỹ là Vương thượng đang bệnh nặng, xin hoàng thúc gấp rút cho tiến hành hỉ sự để tránh mọi sự rắc rối xảy ra làm cản trở hỉ sự của hai nhà.

Tôn Thất Dục chửi thầm trong bụng, việc cưới hỏi cả đời mà chúng coi như chuyện lấy đồ trong túi, nói làm là phải làm ngay. Tuy nhiên ông vẫn bình thản nói:

- Dầu vậy cũng phải cho chúng tôi có thời gian suy nghĩ đã chứ.

- Hạ chức chỉ nhắc lại lời của quan ngoại tả mà thôi. Hoàng thúc định bao giờ thì phúc đáp cho?

- Khi nào quyết định xong tôi cho người đến báo cho ngài ngay.

Thái Sinh lắc đầu nói:

- Hoàng thúc tính như vậy là làm khó hạ quan rồi. Xin hoàng thúc cho một thời hạn nhất định để hạ quan còn phúc đáp lại với quan ngoại tả.

- Vậy thì cho tôi xin bảy ngày để cháu tôi suy nghĩ.

- Suy nghĩ mà cũng phải mất đến bảy ngày kia à?

Thất Dục gằn giọng:

- Hôn nhân là đại sự của một đời người, vì vậy nên mới gọi là “tiểu đăng khoa”, ngài cũng biết rồi mà.

Thái Sinh không biết làm sao đành đứng lên nói:

- Thôi được, tôi sẽ về bẩm lại với quan ngoại tả để ngài lo liệu. Xin chào hoàng thúc.

Tôn Thất Dục đứng lên tiễn khách. Thái Sinh đến ngay dinh Phúc Loan đúng lúc ông ta vừa trở về sau chuyến ghé thăm thằng cháu đích tôn đang nằm ốm o vì tương tư trên giường bệnh. Thái Sinh bẩm lại đúng mọi chuyện, Phúc Loan nổi giận đập bàn quát lớn:

- Có gì mà phải suy nghĩ đến bảy ngày, thằng khốn đó lại muốn làm khó dễ với ta nữa à? Nó định hại chết thằng cháu đích tôn của ta như đứa con gái út của ta ngày xưa nữa hay sao? Ông không thấy việc triều chính đang trong cơn dầu sôi lửa bỏng hay sao mà còn suy với nghĩ? Hãy trở lại bảo với nó là ta muốn ba ngày nữa sẽ làm lễ hỏi, bốn ngày sau làm lễ rước dâu. Nhắn với nó hãy coi chừng cái đầu ta đã chừa lại trên cổ nó lúc trước, ráng mà giữ lấy.

Thái Sinh sợ hãi vội vàng ba chân bốn cẳng trở lại, Tôn Thất Dục mời vào hỏi:

- Sao ngài trở lại nhanh thế?

Thái Sinh buồn rầu đáp:

- Tôi trở về trình lại với quan ngoại tả những điều hoàng thúc đã nói, quan ngoại tả liền nổi trận lôi đình bảo tôi sang nói ngay với ngài. Quan ngoại tả muốn ba ngày nữa làm lễ hỏi, bốn ngày sau đó sẽ làm lễ rước dâu, báo cho hoàng thúc biết để chuẩn bị. Quan ngoại tả còn bảo tôi nhắn rằng hoàng thúc nên lưu ý đến cái đầu trên cổ mình.

Tôn Thất Dục nghe Thái Sinh nói thì lửa giận bốc lên phừng phừng, ông đập bàn đứng dậy nói:

- Ông đến đây hăm dọa tôi à? Ông cũng biết là tôi thà chết chứ không bao giờ chịu nhục. Ông về nói lại hắn cứ làm những gì hắn muốn, còn chuyện hôn nhân thì ông đừng nhắc đến nữa. Cháu tôi là đóa hoa lài tinh khiết không bao giờ chịu đem cắm vào bãi phân trâu nhà họ Trương của hắn. Mời ông về cho.

Thái Sinh thất kinh vội đứng lên nói:

- Xin hoàng thúc bớt giận. Ngài cũng biết ai làm trái ý quan ngoại tả cũng đều có kết cục không hay mà. Vả lại chuyện thông gia của hai nhà cũng là hỉ sự cho cả đôi bên, sao hoàng thúc lại không chấp thuận chứ?

- Tên côn đồ Phúc Tịnh nổi tiếng khắp kinh thành là Hoa Hoa Thái Tuế, hành vi của hắn không khác gì những tên đại đạo hái hoa, hung tàn phách lối. Nhận một tên bại hoại như thế làm cháu rể mà ông cho là hỉ sự à? Ông về đi, đừng làm phiền tôi nữa.

Thái Sinh sợ hãi đến xanh cả mặt mày.

- Ấy chết, xin hoàng thúc bớt giận, ngài đuổi tôi về tay không thế này thì cái đầu của tôi, có khi là cả của hoàng thúc nữa, sẽ rơi khỏi cổ. Quan ngoại tả đã nói nếu tôi liệu việc không xong thì đừng trở về gặp ngài. Hoàng thúc hiểu cho, cơn thịnh nộ của quan ngoại tả bây giờ còn ghê gớm hơn cả Vương thượng, dữ dội hơn cả đất trời nữa. Xin hoàng thúc cho tôi cái hẹn phúc đáp để tôi còn hồi báo với quan ngoại tả.

Tôn Thất Dục suy tính một lúc, sắc mặt trở nên hòa hoãn trở lại, ông nói:

- Thôi được, hai ngày sau ông trở lại đây tôi sẽ có phúc đáp tốt lành cho ông.

Thái Sinh mừng rỡ như người vừa chết đi sống lại, hắn vội chắp tay cúi chào Tôn Thất Dục:

- Đa tạ hoàng thúc. Hạ quan xin cáo từ, hai ngày sau sẽ trở lại. Xin ngài và tiểu thư suy nghĩ kỹ càng giùm cho.

Tôn Thất Dục tiễn Thúc Sinh ra về, chán nản quay vào ngồi xuống ghế ngơ ngẩn. Quỳnh Như từ phía sau bước ra, đến bên cạnh ông nhỏ nhẹ nói:

- Ngoại đừng lo lắng làm gì cho tổn hại đến sức khỏe. Trăm điều cũng tại nơi con, ngoại cứ coi như lần đó ngoại không cứu con sống lại là xong.

Tôn Thất Dục buồn rầu hỏi:

- Con tính lẽ nào mà nói vậy?

- Con đã chết một lần, thân xác này dẫu ai có chiếm đoạt được thì cũng chỉ là cái xác không hồn. Ngoại cứ chấp thuận lời yêu cầu của họ đi để tránh bị làm khó dễ lần nữa.

Tôn Thất Dục nhìn đứa cháu gái ngoan hiền mà mắt già chợt rưng rưng lệ:

- Không được. Con như một bông hoa tinh khiết, không thể nào để rơi vào vũng bùn nhơ nhuốc kia được. Ngày xưa ngoại đã sai lầm một lần, nay quyết không có lần thứ hai. Con chuẩn bị đi, chúng ta mau chóng bỏ trốn khỏi kinh thành. Bốn bể mênh mông, chúng có muốn tìm cũng không dễ đâu.

- Không được đâu ngoại. Tính như vậy không ổn.

- Sao lại không ổn?

Quỳnh Như rơi lệ đáp:

- Ngoại nay tuổi hạc đã cao, đào tẩu để thoát khỏi thiên la địa võng của quan ngoại tả là một việc muôn phần khó khăn và nguy hiểm. Làm sao ngoại có thể chống chọi nổi? Hơn nữa cơ ngơi này là công sức bao đời nhà ngoại tạo dựng nên, nay không thể chỉ vì con mà phút chốc tan tành. Con nhất định không chấp nhận chuyện này.

Tôn Thất Dục nghe Quỳnh Như phân trần lại càng yêu quí nàng hơn. Ông nói:

- Khờ quá! Ngoại đã già, lại không phải là người coi trọng sự giàu sang thì đền đài lầu các có khác gì với nhà tranh vách trúc đâu? Còn việc bôn ba con không cần phải lo, ngoại đã có chủ kiến rồi. Nơi chúng ta đến sẽ không ai tìm thấy mà cuối đời ngoại còn hưởng được cảnh thanh nhàn, tiêu dao tự tại, vui thú điền viên nữa.

- Ngoại định đi đến đâu?

- Ngày trước có lần ngoại đã đi ngang qua vùng Núi Bà gần cửa Cách Thử. Nơi đó sơn thủy hữu tình lại ít người lai vãng. Chúng ta cứ tạm thời lánh thân ở đó, chờ khi thời thế đổi thay sẽ tính tiếp.

Quỳnh Như quì xuống nắm tay ông mà lệ nhỏ ròng ròng. Nàng nức nở nói:

- Chỉ tại con nhan sắc, lại khổ mạng nên mới liên lụy đến ngoại.

Tôn Thất Dục vuốt tóc nàng, giọng uất nghẹn:

- Tài mệnh tương đố. Trong thời buổi đất nước nhiễu nhương, sự đố kỵ kia còn lớn gấp ngàn lần. Con phải hiểu như vậy để mà chấp nhận thì mới mong sống còn được qua những lúc gian nan, đợi ngày an lạc. Ý ngoại đã quyết, con chuẩn bị thu xếp, đêm mai chúng ta trốn đi.