Én Liệng Truông Mây - Hồi 41 - Phần 1

Hồi thứ bốn mươi mốt

Chiều chiều én liệng Truông Mây
Cảm thương chú Lía bị vây trong thành

Toán kỵ mã của Trần Lâm qua bến đò Lại Dương xong vội vã phóng thẳng xuống cửa An Dũ. Được nửa đường, chợt thấy dưới sông có một đoàn thuyền mười mấy chiếc mang cờ hiệu Truông Mây, đứng ở mũi thuyền là Lam Tiểu Muội đang ngược dòng nước cố sức chèo lên. Cách một quãng khá xa đằng sau, đoàn thuyền mang cờ hiệu của phủ Chúa Nguyễn đang lướt sóng đuổi theo. Trên bộ, bụi bay mù mịt, Trần Lâm vội cho đoàn kỵ mã của mình dừng lại, dàn hàng ngang trên một khu đất trống bên đường. Sau đó chàng phất tay ra hiệu cho Lam Tiểu Muội đưa đoàn thuyền về Truông Mây. Khi đám bụi mù mỗi lúc một đến gần, Trần Lâm nhận ra đó đoàn quân kỵ của Nguyễn Cửu Thống và Phan Ngọc Chánh. Cửu Thống thấy đoàn kỵ mã của Truông Mây đứng chặn đường thì vội vàng ra lệnh cho quân mình dừng lại, dàn quân đối trận. Khi trông thấy một viên tướng trẻ ngồi trên lưng con Ô Truy, ông đã biết ngay đó là quân sư Trần Lâm của Truông Mây. Ông cùng Ngọc Chánh thả ngựa tới trước đoàn quân, cất tiếng hỏi:

- Ngươi là Trần Lâm, quân sư của loạn đảng Truông Mây phải không?

Trần Lâm ôm quyền chào:

- Xin chào ngài Chưởng doanh cai cơ nguyên soái, chào ngài tổng binh. Vâng, tôi chính là Trần Lâm.

- Ngươi tuổi trẻ lại có tài, sao không ra giúp nước mà lại hùa theo đám thằng Lía làm điều phản loạn, chống lại triều đình? Ngươi không thấy tiếc cho tài trí của mình hay sao?

Trần Lâm nhếch môi cười hỏi lại:

- Đem tài ra giúp nước hay là giúp cho tên loạn thần Trương Phúc Loan và lũ tay sai như các ngài đây, để hắn mạnh thêm tay vơ vét tài sản quốc gia, bóc lột bá tánh thu về làm của riêng cho mình?

Cửu Thống đỏ mặt hỏi:

- Ngươi đừng nói bậy để bào chữa cho hành động phản nghịch, phạm thượng của mình. Ngài Quốc phó một tay giúp chúa đảm đương việc nước, ngươi vịn vào đâu mà mở miệng ngậm máu phun người như thế?

Trần Lâm cười ha hả nói:

- Ngậm máu phun người? Ha ha... Chính vì một tay dối chúa để đảm đương việc nước cho nên hắn mới có thể thâu tóm hết mọi quyền hành, mặc sức vơ vét của thiên hạ bỏ vào túi riêng của mình. Chẳng những thế, hắn còn dung túng bọn thuộc hạ như các ngài đây để tha hồ mà hà khắc, bóc lột bá tánh đến tận xương tủy, khiến cho trăm họ lầm than, kẻ ăn xin lên đến ức triệu, người chết đói lên đến muôn ngàn. Ngài hẳn đã nhìn thấy sao còn mặt dày mày dạn mở miệng hỏi ta? Liêm sỉ của ngài để đâu, tính người của ngài để đâu, hay là đã bị vàng bạc, quyền thế nó che lấp, biến các ngài trở thành những tên mặt người dạ thú cả rồi?

Cửu Thống bị Trần Lâm mắng cho một hơi như tát nước vào mặt, ông ta vừa thẹn vừa giận đến không thể mở miệng để bào chữa hay mắng trả. Phan Ngọc Chánh vội vung thiết côn trong tay nói lớn:

- Nguyên soái hơi đâu đôi co với chúng. Giết hết bọn phản loạn này đi.

Cửu Thống hoàn hồn, định phất tay lệnh cho binh sĩ tiến lên thì bỗng nhìn thấy phía sau Trần Lâm bụi bay mù mịt, tiếng vó ngựa rầm rập kèm theo tiếng quân reo dậy đất. Ông kinh hoàng đến bất động. Danh tiếng của Trần Lâm với những mưu kế quỉ khốc thần kinh đã gieo trong lòng các tướng sĩ triều đình một nỗi hãi hùng ghê gớm. Khi nhìn thấy đám bụi khổng lồ và tiếng quân reo, tất cả đều nghĩ rằng lại bị rơi vào kế phục binh của bọn Truông Mây lần nữa, cho nên Cửu Thống chưa kịp ra lệnh tấn công mà đã có một số kỵ binh ở hậu quân quày ngựa bỏ chạy. Một tên bỏ chạy kéo theo tên thứ hai rồi cứ thế, toàn bộ toán kỵ mã của Cửu Thống ùn ùn quày ngựa chạy thục mạng, bất kể lệnh của chủ tướng ra sao. Cửu Thống và Phan Ngọc Chánh thấy vậy đành quày ngựa chạy theo. Trần Lâm phất tay, toán kỵ mã Truông Mây vừa từ đèo Màn Lăng xuống tiếp viện liền hợp với toán tùy tùng của chàng hò hét, phóng ngựa đuổi theo chém giết. Phan Ngọc Chánh và hai viên phó tướng ráng sức bảo vệ Cửu Thống rẽ theo ngả đèo Ô Phi chạy trốn.

Dưới sông, đoàn thuyền của Nguyễn Phúc Hương đang rượt đuổi toán thủy quân của Truông Mây, nhìn thấy quân bộ của Nguyễn Cửu Thống quay đầu bỏ chạy thì cũng vội vàng cho quân quay mũi thuyền chạy trở xuống An Dũ.

Trong lúc bọn Trần Lâm đang mải miết đuổi giết quân triều đình thì có một thám mã từ đèo Thạch Tân phóng ngựa tới bến đò Lại Dương, người mang thương tích khắp nơi. Sau khi đến nhà trạm bên bến đò, hắn chỉ nói được một câu: “Đèo Thạch Tân thất thủ, quân địch đang kéo về đây, báo cho quân sư biết ngay...” rồi tắt thở. Một kỵ mã ở trạm Lại Dương vội vàng phóng ngựa xuống An Dũ tìm Trần Lâm để báo tin. Trần Lâm nghe tin kinh hãi, vội hạ lệnh cho đoàn kỵ mã rút quân trở về. Khi chàng đến bến Lại Dương, đã có thêm ba kỵ mã nữa từ Thạch Tân chạy tới. Ba người này thương thích khá trầm trọng. Chàng vội chữa thương cho họ, lo lắng hỏi:

- Nói nghe, tình hình ở đó thế nào?

Một nghĩa binh đáp:

- Sau khi quân sư đi, một toán quân triều đình có cả ngàn tên dưới sự chỉ huy của Đỗ Thành Nhơn không biết từ đâu xuất hiện ở phía sau đèo Cung Quảng và bất thần đánh úp mặt lưng của chúng ta. Lưu nhị ca và anh em tuy bất ngờ nhưng đã chiến đấu rất kịch liệt. Dù vậy, toán quân của Nguyễn Cửu Dật từ dưới đèo đã thừa dịp xông lên, hai mặt giáp công nên Lưu nhị ca và Trịnh phó trại đã bị chúng hại. Chúng tôi cố đột phá trùng vây chạy về đây báo cho quân sư biết để định liệu.

Trần Lâm nghe nói toán quân của Đỗ Thành Nhơn bất thần xuất hiện đánh bọc hậu thì vô cùng ngạc nhiên hỏi:

- Có biết bọn Đỗ Thành Nhơn đến được sau lưng chúng ta bằng cách nào không?

- Nghe Thành Nhơn nói với Lưu nhị ca là hắn đã dùng kế Ám độ Trần Thương gì đó để phá núi mở đường qua hồ Đá Giàng mà đến sau lưng chúng ta.

- Tên Đỗ Thành Nhơn này quả thật là người cơ trí. Lúc trước ta vì nghĩa không nỡ giết hắn nên mới để lại họa lớn hôm nay.

Trần Lâm than xong liền bảo một kỵ mã:

- Ngươi đến đèo Lại Khánh nói với thủ lĩnh là hãy kéo toàn bộ anh em về huyện thành. Ta sẽ cùng đến đó thu xếp mọi việc. Tất cả nên trở về Truông Mây cố thủ trước khi đại quân của Nguyễn Cửu Dật kéo đến đây.

Tên kỵ mã vội vàng ra đi. Trần Lâm cùng toán quân kỵ cũng cấp tốc phóng ngựa lên thành Lại Khánh. Khi toán quân của Lía đến nơi thì trời đã đổ tối, tất cả hối hả lên đường trở lại Truông Mây. Bá tánh quanh thành thấy nghĩa quân rút đi, kéo nhau ra đường than khóc vang trời. Lía phải lên tiếng trấn an họ:

- Bà con hãy an lòng, đây chỉ là kế hoạch rút lui tạm thời. Anh em Truông Mây nhất định sẽ trở lại cùng bà con.

Một cụ già nói trong nước mắt:

- Các nghĩa sĩ đi rồi, nếu bọn triều đình kéo tới đây chúng tôi nguyện sẽ liều chết với chúng. Chúng tôi không muốn sống dưới sự cai trị của tên chó Quốc phó.

Bà con nghe cụ già nói vậy thì cùng lớn tiếng phụ họa theo. Họ thề sẽ liều chết với bọn quan binh để đuổi chúng ra khỏi huyện nhà. Lía rưng rưng nước mắt nói:

- Bà con không nên liều lĩnh làm càn như thế mà chết oan uổng. Hãy kiên nhẫn chờ đợi, anh em Truông Mây nhất định sẽ đánh đuổi được bọn binh tướng triều đình ra khỏi huyện này trong nay mai thôi.

Một cụ già khác nói:

- Chúng tôi sẽ chờ ngày các hiệp sĩ trở lại. Trong khi chờ đợi, chúng tôi sẽ làm giống như bà con bên huyện Phù Ly, đóng cửa ở trong nhà, tuyệt giao với bọn binh lính triều đình. Thử xem bọn chúng về đây sinh hoạt với ai.

Sau đó bà con kẻ nhiều người ít lục tục về nhà mang lương thực ra trao cho các nghĩa sĩ Truông Mây. Tình cảm của họ đã khiến cho cả đoàn quân kiêu dũng của Truông Mây không cầm được nước mắt. Những chàng trai không sợ giáo gươm, máu đổ, thây phơi nơi chiến trường đã nhỏ lệ khóc ròng, bịn rịn chia tay với những đồng bào nghèo khó nhưng giàu tình nghĩa này.

Gần một năm ra quân chinh chiến, đoàn nghĩa binh nay lại phải quay trở về cố thủ trong thành Truông Mây. Đại binh của Nguyễn Cửu Dật đã từ đèo Thạch Tân kéo xuống đóng bên kia bến Lại Dương, đội thủy quân của Nguyễn Phúc Hương cũng đã kéo lên đóng tại đấy. Còn đại binh của Nguyễn Cửu Thống, Tống Phước Hiệp thì kéo vào thành Lại Khánh. Sáng hôm sau, các tướng lãnh triều đình gặp nhau ở thành Lại Khánh để bàn định việc thanh trừng thành Truông Mây. Nguyễn Cửu Thống hỏi:

- Bọn cướp đã rút hết về cố thủ trong thành Truông Mây, các ông ai có kế hoạch gì để tiêu diệt bọn chúng một lần cho tận gốc rễ không?

Nguyễn Cửu Dật nói:

- Bọn Truông Mây quân số bây giờ còn độ ngàn người hơn, trong khi chúng ta hội lại tất cả cũng được gần sáu ngàn. Tôi sẽ lãnh quân bản bộ vượt nhánh sông An Lão tấn công mặt bắc, Tống tướng quân kéo một toán quân đánh đèo Màn Lăng, phần nguyên soái và tiết chế Phúc Hương thì tấn công mặt sông Kim Sơn. Tôi không tin là bọn chúng có thể chống đỡ được ba mũi tấn công cùng một lúc như thế.

- Tôi đồng ý với kế hoạch này. Ông Hiệp có ý kiến gì không? Anh em nhà họ Châu đâu sao không thấy?

Phước Hiệp đáp:

- Họ đã trở về Phú Yên rồi.

- Vậy à? Vì sức khỏe của Châu Doãn Chấn hay sao?

- Một phần là vì sức khỏe của Doãn Chấn và Doãn Húc, nhưng phần lớn là do cô em út Chu Muội Nương vừa từ Phú Yên ra, nhất quyết không cho Châu Văn Tiếp theo chúng ta đánh Truông Mây nữa. Cô gái này đòi tự vận ngay trước mặt mấy ông anh nếu họ không nghe theo lời cô ta.

Cửu Dật lấy làm lạ hỏi:

- Vì sao lại có chuyện li kỳ như thế?

- Là do ngày xưa thằng Lía đã có lần cứu mạng Chu Muội Nương nên giữa họ có một món nợ ân tình. Muội Nương còn cho rằng ngày xưa Lía đã vì lòng nhân đạo mà không giết cả nhà họ để báo thù cho cha. Cô trách mấy ông anh mình đã quên ơn, lại còn đi làm chuyện bất nghĩa.

Cửu Dật mỉm cười gật gù:

- Cô Chu Muội Nương này quả là trang nữ lưu hào kiệt, suy nghĩ và xử sự như một đấng nam nhi, rất xứng đáng với hai chữ “nhất phụng”. Hay lắm! Rồi bọn Châu Văn Tiếp đã chịu thua cô em gái và quay về Phú Yên à?

- Đúng vậy. Tôi thấy tình cảnh đó, lại nhân việc Doãn Chấn bị chặt đứt cánh tay, Doãn Húc bị nội thương nên đã khuyên Châu Văn Tiếp trở về. Anh em họ vừa ra đi hôm qua.

Cửu Thống nói:

- Vậy Tống tướng quân hãy họp cùng binh Quy Nhơn của Phan Ngọc Chánh đánh đèo Màn Lăng. Chúng ta cứ thong thả nghỉ ngơi chuẩn bị, hẹn giờ thìn ngày mai đồng loạt ra quân.

Nguyễn Phúc Hương bỗng lên tiếng:

- Chúng ta lo tấn công Truông Mây nhưng cũng phải đề phòng bọn chúng cùng đường bất thần bỏ trại, kéo về chiếm lấy phủ thành Quy Nhơn. Như vậy cái nguy thật không nhỏ đâu đấy.

Cửu Dật tán đồng:

- Lời của tiết chế rất chí lý! Nguyên soái nên chia quân về giữ thành Quy Nhơn để tránh chuyện đáng tiếc xảy ra.

Cửu Thống mừng rỡ nói:

- Nếu không có tiết chế góp ý thì ta đã quên mất nguy cơ này rồi. Vậy thì ông Chánh hãy gấp rút mang một ngàn quân trở về họp với binh trong thành và cố thủ ở đó. Trường hợp bọn cướp bỏ Truông Mây xuống cướp thành phải lập tức tin cho chúng tôi ngay. Tôi sẽ sang giúp cánh quân của ông Hiệp. Ông tiết chế và Thành Nhơn lo mặt sông Kim Sơn nhé.

Đỗ Thành Nhơn ngồi cạnh Phúc Hương bỗng lên tiếng:

- Hạ chức không tin là bọn Truông Mây sẽ kéo xuống cướp thành Quy Nhơn.

Phúc Hương hỏi:

- Vì sao nhà ngươi khẳng định như thế?

- Thành Quy Nhơn đứng một mình trơ trọi, tuy thành lũy vững vàng nhưng nếu chúng cướp thành, cả đại binh chúng ta kéo về bao vây thì xem như chúng sẽ chết cả trong đó, sao bằng tử thủ Truông Mây, nơi có hai nhánh sông làm lũy chắn, núi rừng làm phên giậu che chở, lại là chốn bản địa đã có chuẩn bị mọi thứ về phòng thủ từ trước đến nay? Trần Lâm là người kỹ tính, hắn sẽ không làm điều nguy hiểm đó đâu. Có chăng là chúng chỉ giả bộ làm thế để chúng ta hoang mang, chia quân ra đỡ đòn mà thôi.

Cửu Thống hỏi:

- Theo ý ngươi thì sao?

- Nếu nguyên soái lo ngại thì có thể đưa một ít quân về giúp giữ phủ thành. Còn lại nên tập trung vào để bao vây chặt chẽ và tấn công Truông Mây. Như vậy sẽ có lợi hơn.

Cửu Dật vốn coi trọng viên hữu đội trưởng này nên tán thành:

- Thành Nhơn nói đúng. Tôi cũng tin như vậy.

Cửu Thống nói:

- Dù sao ông Chánh cũng nên đem năm trăm quân về giữ thành cho an toàn.

Phan Ngọc Chánh vâng lệnh đi ngay. Bàn định xong, các tướng lãnh ai về vị trí nấy để chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công.

***

Tại thành Truông Mây, Lía cùng các thủ lĩnh cũng họp bàn cách cố thủ trong thành. Trần Lâm đã cho rút toán quân giữ đèo Màn Lăng của Trương Bàng Châu về trấn giữ mặt nam thành. Điểm lại quân số, trong cuộc chiến vừa qua Truông Mây đã thiệt mất các đầu lĩnh Đinh Hồng Liệt, Trương Văn Bảo, Đinh Cường, Võ Tiến, Đặng Thông và Bùi Tiến Hưng, còn nghĩa binh thì thiệt mất hơn hai ngàn người. Các thủ lĩnh còn lại dự cuộc họp ai nấy đều ngậm ngùi phẫn hận. Trần Lâm nói:

- Chuyện bất ngờ nhất trong chiến dịch vừa qua là việc Đỗ Thành Nhơn đã khám phá ra con đường núi đánh bọc hậu chúng ta trên đèo Thạch Tân. Việc này hoàn toàn nằm ngoài sự liệu tính của tôi. Mất đèo Thạch Tân, đại binh của Cửu Dật kéo về uy hiếp mặt bắc nhánh sông An Lão nên tôi phải quyết định rút hết về cố thủ Truông Mây, đợi chờ cơ hội phản công. Việc đáng tiếc thứ hai là Võ Tiến đã hi sinh, bỏ trống đèo Ô Phi khiến cho Nguyễn Cửu Thống thuận tiện kéo quân sang đánh úp trại An Dũ. Nhưng việc đã qua, chỉ nên lấy đó làm kinh nghiệm cho việc sắp tới. Thành Truông Mây với hai nhánh sông làm lũy chắn, các mặt khác có rừng núi làm phên giậu che chở, chúng ta cứ chuẩn bị cung nỏ đầy đủ thì việc đánh bật các đợt tấn công của binh triều chẳng khó gì.

Tiểu Muội buồn bã nói:

- Bọn muội đang cầm cự bất phân thắng bại với đám thủy quân của Nguyễn Phúc Hương thì bị quân kỵ binh của Nguyễn Cửu Thống kéo tới bất ngờ đánh úp khiến cho anh em rúng động. Cũng vì thế mà Đặng Thông và Bùi Tiến Hưng phải hi sinh.

Lía an ủi:

- Muội đừng buồn, chiến tranh thắng bại là lẽ thường mà. Mai này chúng ta sẽ có cơ hội phục thù cho anh em.

Lê Trung hỏi:

- Trường hợp chúng cứ bao vây để chúng ta cạn lương thực thì liệu làm sao?

Trần Lâm nói:

- Cháu sẽ cho Tín Nhi bí mật ra bản Đá Vách hỏi xin viện lương. Lương thực của chúng ta còn cầm cự được bao lâu nữa?

- Một tháng trở lại.

- Trong vòng một tháng đó thế nào cũng có cơ hội để chúng ta phản công.

Thiên Tường nói:

- Bọn chúng kéo toàn bộ binh mã bao vây Truông Mây, sao chúng ta không đem quân xuống cướp phủ thành Quy Nhơn của chúng?

Lía vỗ tay nói:

- Đúng vậy! Chúng ta chia quân xuống cướp thành Quy Nhơn, như vậy sẽ khiến cho bọn chúng hoảng sợ mà rút về. Chừng đó ta ra quân rượt theo tiêu diệt chúng.

Trần Lâm nói:

- Cướp thành Quy Nhơn không có lợi gì cả vì khi bị chúng bao vây thì ta sẽ chết hết trong thành. Nếu chỉ làm một cuộc quậy phá để lung lạc tinh thần bọn chúng thì được. Nhưng tôi còn đang chờ tin thám mã báo về mới có quyết định. Việc trước mắt bây giờ là phải cắt đặt phòng thủ ở đây cho chắc chắn trước đã.

Sáng sớm hôm sau, tin tức các đội quân công thành của binh triều được cấp báo về. Trần Lâm vội vàng phân phối các toán quân phòng thủ mọi mặt. Đúng như chàng dự liệu, Truông Mây với thiên nhiên che chở cùng sự phòng thủ kiên cường của nghĩa binh nên đã đẩy lùi được tất cả bảy đợt tấn công của quân triều đình trong suốt bảy ngày liền. Binh triều bị thiệt hại lớn nhưng thành Truông Mây vẫn đứng vững với núi rừng.

Nguyễn Cửu Thống thấy đánh mãi không hạ được thành Truông Mây, ông bèn hạ lệnh cho quân sĩ bắn những tờ giấy chiêu hàng vào thành, hứa hẹn nghĩa binh Truông Mây nếu bỏ giáp quy hàng sẽ thưởng năm mươi lạng vàng, còn đầu lĩnh sẽ được thưởng vàng ròng năm trăm lạng và phong quan chức. Riêng Lía và Trần Lâm, nếu chịu buông khí giới quy hàng triều đình thì sẽ được ân xá mọi tội lỗi trước kia, còn được ban thưởng năm ngàn lạng vàng, phong chức đến hàng nhị phẩm. Nghĩa quân bắt được những tờ giấy chiêu hàng liền cùng nhau cười lớn, họ còn đồng thanh chửi bới tên chó Quốc phó và bọn tay chân như Nguyễn Cửu Thống khiến cho Cửu Thống phải dở khóc dở cười.

Ông ta và Tống Phước Hiệp đang lo buồn chưa biết tính sao thì sáng hôm đó có tin Phan Ngọc Chánh cùng Lưu Khâm và tên thủ hạ Lý Vân Long xin vào gặp. Cửu Thống cho gọi ba người vào rồi hỏi ngay:

- Ông Chánh sao lại bỏ thành ra đây?

Ngọc Chánh đáp:

- Nay đã có diệu kế phá địch, tôi muốn đích thân tham gia chiến dịch quét sạch Truông Mây để trả mối hận ngày trước, nếu không tôi không thể làm người được nữa. Xin nguyên soái cử người thay tôi giữ thành.

Tống Phước Hiệp nói:

- Vậy để tôi thay thế tướng quân về giữ thành. Tôi không tham gia chiến dịch này coi như để đền ơn bọn Truông Mây đã không giết lúc trước. Như vậy cả tôi và ông Chánh đều được nhẹ lòng.

Cửu Thống nói:

- Cũng được, ông Hiệp cứ về thủ thành, việc ở đây để chúng tôi lo.

Quay sang Lưu Khâm và Lý Vân Long, Cửu Thống hỏi:

- Hai ông muốn thực hiện kế hoạch như hôm trước đã nói phải không?

Lưu Khâm cười đắc ý:

- Bẩm nguyên soái, đúng vậy ạ.

- Kế hoạch tiến hành thế nào?

- Thưa nguyên soái, tôi đã gài người của tôi vào trong thành Truông Mây rồi. Người đó sẽ dùng thuốc độc bỏ vào thức ăn của bọn cướp, thứ thuốc “bán nhật vô hương nhuyễn cốt tán” này không mùi, không vị nên không thể dễ dàng bị phát giác được. Người trúng độc sau nửa ngày sẽ mất hết sức lực, tay chân mềm nhũn, còn yếu hơn cả phụ nữ bình thường, chừng đó quân ta tha hồ mà chém giết.

- Khi nào thì tiến hành?

- Bây giờ nguyên soái cứ bao vây Truông Mây thật kín, án binh bất động giống như vô kế khả thi để bọn Truông Mây an tĩnh trong vài ngày, tạo điều kiện thuận lợi cho người của ta thực hiện mưu kế. Khi nào thấy có một viên pháo hiệu bắn lên trời cao thì đó là dấu hiệu kế hoạch đã thành công, bọn đầu não Truông Mây đã trở thành những tên bất lực vô dụng, chừng đó chúng ta cứ kéo binh tấn công vào sẽ như chẻ tre không còn sự kháng cự nào đáng kể nữa.

Phước Hiệp hỏi:

- Người của các ông có đáng tin cậy không? Hắn có thể thực hiện được kế hoạch bỏ độc dược không?

Lý Vân Long nở nụ cười đanh ác, tỏ vẻ bí hiểm nói:

- Cho tiểu nhân dành cho các vị một sự ngạc nhiên vào phút cuối được không? Các vị cứ an tâm, tiểu nhân xin đem cái đầu của mình ra để bảo đảm việc này.

Cửu Thống nói:

- Được, không sao. Nếu mưu kế của các ngươi thành công thì ta sẽ tâu Quốc phó ban thưởng thật trọng hậu cho các ngươi.

Lưu Khâm cười tít mắt:

- Dạ, xin nguyên soái an lòng. Mọi việc về sau đều nhờ cả vào nguyên soái nói giúp cho một tiếng ạ.

Cửu Thống như đã trút được một viên đá nặng trong lòng, cười lớn nói:

- Các ngươi yên chí. Việc thành, bọn Truông Mây tan tác, chỉ riêng hai cái đầu của thằng Lía và thằng Lâm thì chúng ta đã có hai chục ngàn lạng vàng tiền thưởng rồi. Ha ha... Ta nhất định sẽ nói tốt giúp các ngươi.