Hái Sao 2 - Chương 01 - Phần 3

Nhà bếp là lãnh địa của dì Lữ, khoảng mươi phút sau đó dì cũng vào theo, “Phu nhân, tôi không biết hôm nay cô về nhà, cháo không còn bao nhiêu cả, để tôi nấu cho cô chút mì sợi!”

Gia Hàng ngăn lại không để bà phải xắn tay làm việc, “Dì cứ để đấy cháu.” Lạ thật, sao hôm nay trông sắc mặt dì Lữ không vui chút nào, cứ như đang chịu đựng một nỗi uất ức rất lớn.

Dì Lữ đến đây giúp việc từ sau khi Trác Thiệu Hoa và Giai Tịch kết hôn. Những ai được làm người giúp việc trong quân khu đại viện đều phải trải qua quá trình thẩm tra nghiêm ngặt, phải có nguồn gốc thân thế minh bạch và khả năng giác ngộ tư tưởng chính trị rất cao. Có thể nhìn bề ngoài họ không giống như những người giúp việc bình thường khác nhưng bên trong vẫn có đầy đủ những tình cảm rất đời thường.

“Bà nội Phàm Phàm nói gì sao dì?” Người thông minh như Gia Hàng dùng đầu gối thôi cũng đoán ra được.

Dì Lữ thở dồn dập trả lời: “Bà ấy là mẹ thiếu trướng Trác, tất nhiên tôi phải tôn trọng. Nhưng tôi là tôi chỉ làm việc cho thiếu trướng Trác và cô thôi, chỗ nào không tốt đã có cô cậu phê bình thẳng thắn, không cần bà ấy tùy tiện xoi mói.”

Xem ra uất ức này không phải lớn bình thường, dì Lữ giận tới mức nói ra cả cụm thành ngữ*. Gia Hàng nhíu mày bày tỏ sự đồng tình.

(*) Thành ngữ: Bình đầu luận túc (评头论足) – Tùy tiện xoi mói.

“Bà ấy nói cái viện này nát bét, hoa cỏ nhìn chả ra thể thống gì.”

Gia Hàng cúi xuống nhìn bộ mặt nai tơ ngơ ngác của ông trời con, oắt con này chính là kẻ đầu sỏ chứ ai.

“Bà ấy còn nói Phàm Phàm không được chăm sóc tốt, không được cho ăn tốt, không được dạy dỗ tốt, nay mai phải mang Phàm Phàm về bên kia để tự tay bà ấy trông coi.” Dì Lữ len lén liếc Gia Hàng.

Gia Hàng vẫn giữ nguyên vẻ thản nhiên.

“Phu nhân, lẽ nào cô tán thành cách nói của bà ấy?” Mặt dì Lữ đen sì.

Gia Hàng bế Phàm Phàm lên, cái trán lớn cụng vào cái trán bé, “Vâng, cháu đồng ý trăm phần trăm. Nghe đâu chỗ bà ấy năm nay mới trồng mấy bụi hoa hồng và tulip, chỉ thiếu mỗi người làm vườn, vừa khéo có Phàm Phàm nhà ta đủ tiêu chuẩn.” Cô cười khanh khách tưởng tượng ra viễn cảnh bà Âu Xán giận tới mức lỗ mũi bốc khói. Phàm Phàm ngây thơ cũng cười nắc nẻ theo mẹ.

Dì Lữ thật sự dở khóc dở cười, nếu đổi lại là người khác thì vừa nghe người ta nói năng kiểu đó đã hùng hổ xông lên bảo vệ chủ quyền từ lâu. Gia Hàng không chịu để tâm gì cả, mà dường như cô ấy cũng chẳng bao giờ để bụng bất cứ chuyện gì.

Thực ra trong lòng Gia Hàng đã biết chắc thủ trưởng sẽ là người đầu tiên không chấp nhận cách làm của bà Âu Xán, Phàm Phàm lại càng không.

“Hôm nay bà nội Phàm Phàm ghé qua chỉ để kiểm tra đột xuất thôi ạ?” Gia Hàng hỏi.

“Bà ấy còn mang cho Phàm Phàm vài quyển sách, toàn sách tiếng nước ngoài. Một đứa con nít mới hai mươi tháng tuổi đọc sao mà hiểu được chứ?” Dì Lữ phẫn nộ hừ mũi.

“Đọc không hiểu thì giả bộ hiểu!” Gia Hàng cười khúc khích, “Dì Lữ, dì ra ngoài canh chừng giúp cháu với, đề phòng nhỡ đâu bà ấy lại kiếm chuyện.”

Vừa xua được dì Lữ ra ngoài, Gia Hàng lập tức khép cửa lại, giơ ngón trỏ lên miệng ra hiệu Tiểu Phàm Phàm đừng lên tiếng. Cậu nhóc Tiểu Phàm Phàm bị cái vẻ bí bí ẩn ẩn của mẹ dụ dỗ, cặp mắt hưng phấn sáng lấp lánh. Gia Hàng bắc ghế nhón chân lên, lục tìm hộp mì Khang sư phụ giấu trong ngăn cao nhất tủ đựng chén bát. Đây là hộp mì hôm đi dạo siêu thị cô lén lút mang về nhà. Cơm dì Lữ nấu vừa giàu dinh dưỡng, vừa ngon miệng, nhưng có những lúc cô thật sự hoài niệm hương vị mì Khang sư phụ. Khi cái mùi mì gói thơm lừng nóng hổi ấy lan tỏa trong bầu không khí, thời gian tưởng chừng xoay ngược dòng về lại năm tháng cũ xưa – cái thời mà cô, Tiểu Ngải và Ninh Mông chen chúc nhau ăn một bát mì Khang sư phụ trong phòng ký túc mỗi độ đông về, cậu một hớp tớ một hớp, vui quên trời quên đất...

Ký ức hạnh phúc đó, cô mong muốn được chia sẻ vô tư với Tiểu Phàm Phàm.

Mở nắp dán, rót nước sôi, đậy lại. Chỉ trong giây lát, hương thơm ngào ngạt đã tràn ra từ kẽ hở. Thứ đồ ăn này quyến rũ người ta hơn cháo đậu xanh nhiều. Chẳng thế mà Tiểu Phàm Phàm liên tục nuốt nước miếng, cu cậu lùn tũn không với được tới bếp lò, nịnh nọt ôm chân Gia Hàng giống như một chú chuột túi, miệng gọi mẹ, mẹ... tiếng nào tiếng nấy ngọt như mía lùi.

“Mẹ ngoan hay không ngoan?” Gia Hàng mở nắp cầm chiếc đũa xới cho sợi mì mau nguội.

“Ngoan!” Phàm Phàm trả lời vừa nhanh vừa vang.

Gia Hàng mãn nguyện gắp mấy sợi mì đưa lên miệng thổi thổi, đến khi chắc chắn không còn nóng mới ngồi xổm xuống đút cho Phàm Phàm.

Phàm Phàm há miệng to thật to từ sớm rồi.

Rồi thì, hai mẹ con cứ mẹ một đũa, con một đũa như thế. Đang ăn vui vẻ, cửa bếp đột nhiên bị đẩy ra từ bên ngoài. Gia Hàng ném phăng đôi đũa vào bồn nước phía sau, chắn người trước hộp mì theo bản năng. Phàm Phàm cũng phối hợp rất ăn ý, cu cậu bặm miệng, giơ cánh tay nhỏ bé ra trước che chắn cho mẹ.

Trác Thiệu Hoa đứng cạnh cửa nhíu mày, “Gia Hàng, anh đưa mẹ về nhà, chút nữa anh về.”

“Vâng vâng, cho em gửi lời thăm đại thủ trưởng luôn!” Gia Hàng cười ha ha, phẩy phẩy tay.

Nói đoạn, Trác Thiệu Hoa hạ tầm mắt nhìn vẻ mặt nghiêm túc và khẩn trương của tên nhóc tỳ, cuối cùng im lặng đóng cửa rời đi, không nói năng gì.

Bà Âu Xán mặt không biểu cảm ngồi vào xe, thấy khóe miệng Trác Thiệu Hoa co rút mấy lần, bà khó chịu cau mày. Xe vừa ra khỏi đại viện, Trác Thiệu Hoa không nhịn được, bật cười thành tiếng.

“Cười ngớ ngẩn cái gì đấy?” Bà Âu Xán hỏi lạnh tanh.

“Dạ không có gì!” Chỉ đơn giản là muốn cười vậy thôi. Hai kẻ trong nhà bếp kia cứ tưởng kế mạn thiên quá hải* của mình là diệu kế. Lừa gạt được ai chứ? Cái mùi đặc trưng của mì gói chỉ cần mở cửa đã bay ra ào ạt. Còn oắt con kia nữa, nhìn xem, miệng bị cay đến mức đỏ hồng lên, trên cằm rõ ràng còn dính nguyên cọng mì.

(*) Mạn thiên quá hải là một trong 36 kế quân sự của Trung Quốc. Giải nghĩa: Giấu trời qua biển, lợi dụng sương mù để lẩn trốn. Điển cố: Gia Cát Lượng dùng thuyền cỏ để lừa lấy cung tên của Tào Tháo trong trận Xích Bích.

Với nhà họ Trác, mì ăn liền là một trong những thực phẩm gây hại cho sức khỏe bị cấm không cho vào cửa. Dì Lữ chấp hành nội quy rất nghiêm túc, anh đoán hộp mì kia là hàng lậu của Gia Hàng. Không hiểu vì sao, nhìn bộ dạng hai người ấy, anh không muốn trách móc mà chỉ muốn hết lòng dung túng: Chẳng mấy khi, thôi, không tính.

Lúc này đã qua giờ cao điểm nhưng dòng xe cộ trên đường vẫn tấp nập, ánh đèn hai màu vàng đỏ từ những chiếc xe lao bạt gió tựa như hai nhánh sông giao thoa xen kẽ lẫn nhau trong tiếng còi ồn ã báo thủy triều.

Bà Âu Xán nhìn đăm đăm rặng mây tía ngoài cửa kính, than vắn thở dài xa xôi: “Bố con nói thứ bảy tuần này hai bố con phải tiếp đãi đoàn đại biểu quân đội đến từ Anh Quốc, không thể tham dự hôn lễ con trai đại sứ Lý.”

Trác Thiệu Hoa gật đầu, “Dạ phải, bố độ này khỏe rồi, con đoán là bố muốn con đồng hành với bố. Hôn lễ tổ chức ở đâu ạ?”

“Khách sạn năm sao Hoa Viên.”

“Kết hôn vào mùa này đúng là vất vả thật.”

“Con vẫn còn nhớ con trai đại sứ Lý à?” Bà Âu Xán quay đầu lại hỏi.

“Có chút ấn tượng, cậu nam sinh ấy trông cũng khá nho nhã.”

“Bây giờ con người ta đảm nhiệm chức vụ quan trọng trong bộ ngoại giao, rất có triển vọng. Vợ cậu ấy học đàn violon, giành được cả giải Paganini*! Ba mẹ vợ cũng là nghệ sĩ nổi tiếng trong nước.” Bà Âu Xán thất vọng ra mặt, trong giọng nói không hề che giấu sự hâm mộ.

(*) Tên một cuộc thi violon quốc tế.

Trác Thiệu Hoa khẽ ‘ồ’ lên một tiếng, cười cười, “Paganini là giải thưởng violon danh giá nhất, không tệ!”

Lồng ngực bà Âu Xán có một bức tường chặn ngang, bà liếc xéo, hỏi sâu xa: “Con nghĩ sao về việc này?”

Phía trước tắc đường, Trác Thiệu Hoa đạp nhẹ chân thắng, “Gia Hàng nhà con lại càng không tệ.” Ý cười trên mặt càng thêm đong đầy.

Bà Âu Xán thở hắt ra: “Con đúng là tình nhân trong mắt hóa Tây Thi. Nó có chỗ nào tốt chứ? Cứ nghĩ tới chuyện phải đi đám cưới cùng nó là da đầu mẹ ngứa ngáy.”

“Học đàn violon, ngoài năm phần thiên chất bẩm sinh, còn phải thêm năm phần khổ luyện mới có thể vươn đến đỉnh cao trong giới nghệ thuật, Gia Hàng nhà con cũng là thiên tài hiếm có trong giới IT mẹ ạ, chính bố nói như thế!”

“Thôi được rồi, không bàn chuyện này nữa.” Trong lòng bà Âu Xán rất phiền não. Sự tình đã đến nước này bà cũng không thể thay đổi được gì, nhưng thỉnh thoảng ngẫm lại vẫn thấy hụt hẫng.

Con trai bà ưu tú nhường này... Haiz!

Xe quẹo vào con hẻm nhỏ, cậu lính cần vụ ở phía trong nghe thấy tiếng còi nhanh nhẹn ra mở cửa. Chờ xe đỗ lại xong xuôi, cậu lính cần vụ kính cẩn cúi chào, báo lại với Trác Thiệu Hoa thủ trưởng đang ở nhà. Trác Thiệu Hoa gật đầu rồi đi vào trong. Bà Âu Xán nói vào nhà bếp xem tình hình, dặn dì giúp việc làm thêm hai phần đồ ăn, bữa tối bà sẽ ăn ở đó.

Người làm vườn trong nhà vừa cắt sửa cây cỏ, không khí nồng nàn hương thực vật nguyên sơ. Xung quanh cột đèn ẩn mình giữa bóng cây, đàn bươm bướm xòe cánh nô nức bay về phía trước, một con ve sầu không biết đang nghỉ ngơi trong khóm cây nào cất tiếng râm ran cả ngày dài. Đây đó trong sân vài nụ hồng trắng e ấp nở sớm, mùi hương xao lòng lặng yên thoảng ra từ giữa những cánh hoa, dưới màu đèn đêm hoa càng trở nên thánh khiết.

Trác Thiệu Hoa thu lại ánh mắt, nghĩ thấy buồn cười. Thảo nào mẹ anh hậm hực, sân nhà anh quả thật thê thảm gấp mấy lần sân nhà bà. Thế nhưng vì sao anh lại có thể bình thản đến mức ấy?

“Anh ơi, không được, em thật sự không làm được.”

Trác Thiệu Hoa nhíu mày, bước chân ngừng lại. Trên tấm màn tơ lụa của thư phòng phản chiếu hai bóng người.

“Em dốc lòng học tập Phật giáo, hy vọng có thể mượn chân lý nhà Phật để rửa sạch oán hận trong lòng em. Thậm chí em còn tự giam mình trong chùa chiền, không tiếp xúc với người ngoài, ăn chay, niệm kinh. Nhưng... thời gian trôi qua đã lâu mà nỗi hận trong lòng em chẳng những không vơi bớt, ngược lại còn giống như ngọn núi đè ép em tới mức ngạt thở. Trước đây em được hưởng cuộc sống bao người hâm mộ, bây giờ em có còn gì đâu?” Tiếng nói ngừng bặt trong nghẹn ngào, bóng hai vai trên tấm màn tơ lụa run rẩy dữ dội.

“Ngoại trừ cuộc hôn nhân do chính cô vứt bỏ, cô chưa mất bất cứ thứ gì.” Ông Trác Minh nghiêm khắc trả lời.

“Anh, anh không thể tàn nhẫn với em như vậy. Anh có biết em yêu anh ấy nhiều thế nào không, nếu không em đã không gả cho anh ấy.”

“Yêu không chỉ là nhận cho riêng mình, mà còn cần cả sự khoan dung. Cô cố chấp đay nghiến một sai lầm cậu ta phạm phải từ thời tuổi trẻ, đấy gọi là yêu à? Nếu cô còn yêu cậu ta, vậy hãy đi tìm cậu ta, tạm thời không thể đối mặt với hiện thực thì ra nước ngoài định cư như lúc trước.”

“Em cũng muốn, nhưng mà... anh là anh em, Thiệu Hoa là cháu em. Ngày nào con bé Gia Hàng còn đứng đó như cái gai cản đường thì ngày đó em sẽ không thể vờ như chưa có chuyện gì xảy ra.”

“Trác Dương,” Sự nhẫn nại của ông Trác Minh bị đẩy tới giới hạn cuối cùng, tiếng nói ông bất giác lớn hơn: “Cô thật sự cho rằng Thiệu Hoa và Gia Hàng ly hôn thì mọi việc sẽ êm thấm?”

Bà Trác Dương chỉ khóc òa lên nức nở.

Ông Trác Minh chắp hai tay sau lưng, vẻ mặt trầm xuống phẳng lặng như nước: “Cô nên tỉnh lại, tỉnh lại đi. Vì sao sau khi chân tướng bị phơi bày, cậu Án Nam Phi không giải thích lấy một câu đã đồng ý ly hôn? Vì sao cậu ta không nỗ lực cứu vãn cuộc hôn nhân của hai người? Bởi vì cậu ta rất hiểu cô. Cô là người có cái tôi quá lớn, quá ích kỷ, hoàn toàn không để tâm đến cảm nhận của người khác. Nếu cô rộng lượng hơn một chút thì bây giờ cô đã có một người chồng quý trọng cô, có tình cảm kính mến của Gia Hàng. Tất cả là do cô chủ động rũ bỏ.”

Bà Trác Dương cười lạnh giữa hai hàng nước mắt: “Anh không phải là em, không hiểu được nỗi đau cắt da cắt thịt này, bởi vậy mới nói chuyện dễ dàng đến thế. Anh đừng cho rằng Gia Hàng thật sự yêu Thiệu Hoa, nó đang trả thù...”

“Im ngay!” Ông Trác Minh thật sự tức giận, đường gân xanh trên trán vằn lên rõ rệt.

Bà Trác Dương lau nước mắt qua loa, căm phẫn giật cửa chạy ra ngoài, suýt chút bổ nhào vào Trác Thiệu Hoa đứng bên ngoài.

“Cô!” Trác Thiệu Hoa đưa tay đỡ bà.

Bà hất cánh tay anh ra, mỉa mai: “Thiệu Hoa, cháu hạnh phúc quá nhỉ?”

Trác Thiệu Hoa trả lời: “Mẹ cháu đang ở nhà bếp, cơm tối chắc làm xong rồi đấy ạ!”

“Cô sẽ đứng ở một nơi không xa quan sát hai đứa, đừng làm cô thất vọng.”

Trác Thiệu Hoa nhìn bà Trác Dương. Cõi lòng hoang tàn, niềm cô đơn và nỗi oán giận sâu vô tận bao trùm lên đôi mắt bà...

Anh không nói gì thêm.

Lẽ dĩ nhiên, anh cũng ước ao mối quan hệ trong gia đình mình đơn giản hơn chút, nhưng vận mệnh đã sắp đặt thế này, anh chỉ có thể thản nhiên đón nhận. Thật ra không cần suy nghĩ theo chiều hướng phức tạp hóa sự việc. Gia Hàng là vợ anh, là mẹ Phàm Phàm, nhưng trước hết, cô là con gái của một gia đình. Dù gia đình ấy là thương, là nông, là quan hay là dân, anh đều biết ơn họ tận đáy lòng. Bởi nếu không có họ, sẽ không có Gia Hàng của ngày hôm nay.

Anh không cách nào làm một con người hoàn hảo, tận thiện, tận mỹ. Trong lòng anh, cán cân đã đổ nghiêng.

Thái Qua Nhĩ* nói rằng: Món quà lớn lao tôi trao cho thế giới, món quà bé nhỏ xin dành tặng người tôi yêu.

(*) Nhà thơ Rabindranath Tagore.

Trái tim anh rất nhỏ, chỉ đủ chỗ cho riêng Gia Hàng mà thôi.