Hồi Ức Chiến Trường K - Chương 05
Chương 5 Lên đường
* * *
Sáng hôm sau chúng tôi lên D bộ bắt đầu chuyển quân, tôi bỏ lại một số đồ ăn vì nhiều và nặng quá. Bà mẹ Mường cùng anh chị em trong nhà chia tay chúng tôi rất bịn rịn, tôi còn nhớ cái dáng mẹ đứng nơi đầu cầu thang gỗ đưa tay vẫy theo tôi khi tôi đi đã gần khuất. Mẹ thằng Hải cũng sấp ngửa ra xe để về Hà Nội cho kịp chuyến xe sáng nay, mẹ con gặp nhau có một đêm mà mẹ nó đi và về đúng 300km thời kỳ đó mới gặp được con. Các bà mẹ luôn là như vậy, không ai thương con bằng tình mẹ hết.
Tập trung trên C bộ đọc danh sách lúc này mới lòi ra những thằng xưa nay ôm chân cán bộ chuyên hớt lẻo chuyện của anh em, chúng nó được giữ lại hết, gần chục thằng cả Hà Nội và Hà nam ninh trong đó có thằng Minh ở A 6 của chúng tôi, nhiều anh em cũng nghĩ tôi sẽ được giữ lại bởi gia đình tôi có quen biết với bố Vĩnh. Tôi thì bụng không hề mong điều đó, nếu có bị giữ lại chắc tôi sẽ buồn nhiều lắm, cũng may tên tôi đã được đọc sang nhóm chuyển quân. Những gì cấp phát còn thiếu nhanh chóng được gọi tên lên nhận, tôi còn thiếu đôi giày, đôi tất và quân hàm chưa trả, anh Thụy trả quân hàm binh nhì cho tôi còn nói :
- Chuyển đơn vị nên chúng tôi phải trả quân hàm cho đồng chí, còn đồng chí vẫn chưa xứng đáng nhận.
- Vậy thì anh giữ lấy, tôi là lính mà không có quân hàm thì tôi là dân rồi, anh cầm lấy cho mình còn tôi trở về với gia đình tôi, tôi sẽ không còn là người của quân đội nữa.
Anh Thụy lờ đi trước câu nói bốp chát của tôi. Sang nhận giày và tất chân, tôi đi số 39 nó phát số 36 nên tôi thắc mắc đòi đổi đôi khác, thằng quân nhu nó bảo :
- Hết số 39 rồi, đồng chí khắc phục khó khăn đi tạm số 36.
Bố khỉ! chân to đi số 39 mà nó bảo khắc phục khó khăn đi giày số nhỏ 36, nó nói vậy mà nghe được, thà rằng nó không nói khắc phục khó khăn còn đỡ tức đằng này nó bảo mình thu nhỏ chân mà nhét vào giày, sẵn 2 chiếc giày cầm tay tôi đập cho 2 cái vào cái đầu ngu của nó, anh em không can ra tôi nhảy tận vào trong mà cho nó một trận cho bõ tức. Ra tới sân tôi gặp ngay thằng em út con của bà mẹ Mường ra đó tiễn chúng tôi, tôi đưa cho nó bảo cầm về mà dùng anh cho em đấy. Nó mừng rơn cám ơn tôi rối rít.
Chúng tôi hành quân lên tiểu đoàn và cả D làm lễ xuất quân, tôi chú ý nghe khi D trưởng đọc hướng hành quân hướng Nam, vậy là chúng tôi biết chúng tôi sẽ chuyển vào Nam còn cụ thể ở đâu thì chưa rõ. Khoảng 10h chúng tôi lên xe, những chiếc xe tải thùng của Quân khu3 đã chờ sẵn đưa chúng tôi ra ga Ninh bình, mỗi C có 3- 4 cán bộ của C sẽ theo chúng tôi tới tận đơn vị nhận quân, anh Sướng cùng đi với chúng tôi, vậy là anh em tôi lại có thêm thời gian ở bên nhau suốt chẳng đường tiếp theo.
Sau nhiều ngày ở và luyện tập rèn luyện cùng nhau anh em chúng tôi đã hiểu nhau, có tình cảm với nhau thì cũng là lúc chia tay mỗi người mỗi phương trời. Đám nịnh bợ kia và bộ khung này của C18 sau này cũng chuyển ra biên giới phía bắc chỉ sau chúng tôi vài tháng, bọn nịnh bợ kia thì sau đó bỏ ngũ gần hết hiện nay một số thằng vẫn sống tại Hà Nội nhưng mỗi lần họp cựu chiến binh không bao giờ chúng tôi gọi chúng nó. Thỉnh thoảng đi đường tôi vẫn gặp nhưng cuộc đời chúng nó cũng chẳng ra cái gì, nhìn ngoài thì biết chỉ cần có con mắt tinh đời.
Số cán bộ khung cho đến tận bây giờ chúng tôi không ai gặp lại họ, không biết họ sống chết ra sao trên biên giới phía bắc ác liệt của đầu năm 1979. Họ cũng là người tốt đã dạy cho chúng tôi biết cách cầm súng chiến đấu cơ bản nhất và sau này trên chiến trường chúng tôi đã áp dụng được rất nhiều để sống, để tồn tại và cũng để trở về như nhiều đồng đội khác sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trên đất nước Chùa Tháp.
Chúng tôi tới ga Ninh bình, đoàn xe chạy vào con đường với hàng phi lao gần cái núi đá vôi cạnh ga rồi dừng lại, tất cả xuống xe, từ đây có thể nhìn thấy rất rõ nhà ga Ninh bình, một sân ga vắng ngắt với bụi bặm cũ kỹ, chính nơi đây đã là nơi tiễn đưa với nhiều đoàn Bộ đội năm xưa vào Nam đánh Mỹ và cũng hôm nay nó là nhân chứng cho cuộc chuyển quân của đoàn tôi cũng vào Nam nhưng trong thời hòa bình, ít nhất là như vậy lúc này.
Cũng khoảng gần 5h chiều một đoàn tàu hỏa chạy từ hướng Hà Nội vào ga, nó cũng như những đoàn tàu chở khách khác nhưng chưa có người, với cái biển treo bên sườn toa tàu : đoàn tàu quân sự.
Chúng tôi bắt đầu hành quân bộ vào ga, từng C từng B với ba lô trên vai đi vào ga, khi tôi đi ngang cái barier chắn tàu thì gặp bố Vĩnh đứng đó, bố nhìn chúng tôi mặt buồn như muốn khóc, bố biết chúng tôi sắp phải ra mặt trận thì phải, nhiều năm sau tôi vẫn còn nhớ nét mặt của bố khi đó, bố thương những thằng lính trẻ chúng tôi sắp phải đối đầu với những trận chiến đấu ác liệt với nhiều khó khăn vất vả hy sinh. Còn chúng tôi thì không biết gì lúc này, mặt thằng nào cũng nhơn nhơn ra cười nói như đang đi ăn cưới không bằng, ngây thơ một lũ với nhau quá. Thực ra lúc này tình hình thời sự bên trong rất căng thẳng một cuộc chiến chưa công bố đã có từ lâu rồi mà chúng tôi không biết, nếu có biết cũng chỉ hiểu rằng đì đùng biên giới tý chút thôi chỉ cần vài trận đánh nhỏ với hội nghị trên bàn giấy của cấp chính phủ là trật tự sẽ được lập lại, thiếu gì người, thiếu gì bộ đội mà phải mang mấy thằng lính mới kính coong chúng tôi ra chiến đấu. Vậy là vô tư lên đường lòng không hề một gợn suy nghĩ.
Tôi đi ngang chào bố Vĩnh bố ôm lấy vai tôi và nói lời chia tay trong nghẹn ngào
- Đi cẩn thận con nhé.
Nhiều năm sau tôi vẫn còn suy nghĩ bởi câu nói này của bố Vĩnh, nếu chúng tôi về những đơn vị kinh tế bình thường khác thời đó thì đâu cần bố phải dặn dò đi cẩn thận và không cần phải chia tay trong nghẹn ngào của bố như vậy, những hành động và lời nói đó chỉ dành cho những cuộc chia tay với người đi vào nơi ít có khả năng trở lại. Chứng tỏ khi đó bố Vĩnh đã biết nơi chúng tôi sẽ đến và ở đó có gì đang chờ đợi những thằng lính trẻ chúng tôi, nơi đó là mặt trận biên giới Tây nam của Tổ quốc.