Hồi Ức Chiến Trường K - Chương 06

Chương 6 Trên tàu hỏa

* * *

Chúng tôi lên tàu quân sự, chỉ huy cuộc hành quân là một anh đeo quân hàm trung tá với cái băng đỏ nơi cánh tay với dòng chữ Chỉ huy hành quân, anh này người ở đâu chúng tôi không hề biết đây là lần đầu chúng tôi gặp, anh chạy ngược chạy xuôi khắp đoàn tàu kiểm tra đôn đốc sắp xếp chỗ cho anh em. C18 chúng tôi có một bộ phận ngồi chung toa với C19, tôi cũng trong số anh em đó, trên toa lẫn lộn lính của cả 2 C và vẫn sinh hoạt theo C của mình, gần như A 13 của C18 đều có mặt trên cái toa chung này, toàn thằng mặt rắn của C18 cả, một số anh em Hà nam ninh cũng ngồi lẫn ở đây, mỗi người mỗi ghế 3 ghế một dãy, ba lô trên giá cửa kính và cửa lưới bảo vệ mở toang cho mát và cũng tiện khi muốn vứt cái gì xuống đường.

Tiêu chuẩn ăn của lính chúng tôi khi huấn luyện đã được bao cấp là 1 đồng /ngày nhưng khi đi hành quân bằng tàu hỏa thì được nâng lên 3 đồng / ngày, khẩu phần ăn gấp 3 bình thường và nhà ăn ở đầu đoàn tàu, hàng ngày 2 lần tới bữa ăn thì phải đi lên phía trên rất xa vì chúng tôi nằm ở toa cuối, bữa sáng bánh mỳ có thịt được phát tới tận chỗ ngồi, anh Sướng cùng anh em cán bộ khung khác của D5 nằm rải rác khắp đoàn tàu. Một cuộc hành quân vào Nam mà những người lính chúng ta thời kháng chiến chống Mỹ có nằm mơ cũng không có, lớp chúng tôi thời hòa bình cũng có khác và chúng tôi may mắn hơn những lớp đàn anh rất nhiều.

Tàu từ từ chuyển bánh bỏ lại phía sau cái nhà ga và bố Vĩnh của chúng tôi vẫn đứng trên cái sân ga đó đưa tay vẫy theo chúng tôi cho đến khi chúng tôi không còn nhìn thấy bố Vĩnh nữa, tàu chạy xiên qua đêm tối bên dãy núi đá vôi và những thửa ruộng của tỉnh Hà nam ninh chạy mãi, chạy mãi không dừng.

Sáng sớm hôm sau chúng tôi tới ga Vinh và nằm lại đó chờ tránh tàu cho đến 8h sáng mới chạy tiếp, những cánh rừng khô cằn của tỉnh Nghệ tĩnh trơ trọi những quả đồi, một vùng đất Anh hùng năm xưa trong chiến tranh chống Mỹ chưa có bàn tay con người xây dựng lại, hố bom cũ 2 bên đường tàu chi chít. Rồi Quảng bình cũng tụt lại phía sau, Quảng trị cát trắng đồi sim tím bạt ngàn.

Xứ Huế mộng mơ nghèo xác xơ ga Huế vắng hoe chỉ rộn tiếng mời chào mua kẹo mè xửng, vài ba gánh bún bò lác đác nơi sân ga. Quê hương tôi đây rồi, ở đây tôi có bao người thân họ hàng dòng tộc, mồ mả Tổ tiên của tôi cũng nằm cả ở đây, hòa bình đã hơn 3 năm rồi sao quê hương tôi vẫn quằn quại trong đói nghèo. Cũng có thể xứ này khắc nghiệt quá, người dân chăm chỉ làm ăn vậy mà vẫn nghèo con người ai cũng khắc khổ sạm đen bởi gió Lào và sóng biển, bù lại giọng nói Huế nghe ngọt ngào dễ thương tà áo dài tím bay bay trên cầu Tràng tiền làm ngây nhất lòng du khách.

Tàu chạy qua quê tôi cách thành phố Huế 27km, nhà bà Nội tôi cách đường tàu 200m với cái ga Truồi gần con sông, tôi viết vội mấy dòng thư vứt xuống đường cho người hướng dẫn tàu vào ga nhờ đem vào nhà giúp, chẳng hiểu có tới tay người nhà không nhưng làm vậy tôi cũng thấy yên lòng trước lúc đi xa, còn vài trăm mét nữa thôi mà tôi không thể về nhà được. Đứng ở đây ban ngày nhìn kỹ sẽ thấy nóc nhà tôi vậy mà 15 năm sau tôi mới về được tới nhà, một khoảng cách rất nhỏ cho cuộc đời nhưng đôi khi cũng cần thời gian rất dài mới làm được, đó là nghịch lý của cuộc đời.

Rồi ga Đà nẵng điểm dừng chân rất lâu của đoàn tàu, tàu vào ga nhưng không ai được xuống các cán bộ khung đứng hết tại các đầu toa giữ chặt của, rút kinh nghiệm tại những ga trước lính bỏ đi lung tung làm cán bộ lo hết hơi, nhưng với lính thì chuyện nhảy qua cửa sổ của toa tàu là chuyện vặt, là chuyện bỏ dép cao su kê xuống dưới đít ngồi, chỉ 2 phút sau sân ga đã xanh dờn áo lính. Sáng hôm sau 6 -7 h tàu mới chạy, lần này tàu chạy ngược lại, lính ngơ ngác hỏi nhau, sao lại quay ra Bắc thế này, chưa ai hiểu, chưa ai từng đi nên cũng không ai biết. Đường sắt nó phải như vậy, địa lý của thành phố bắt con tàu chạy vào và ra cùng một đường và rẽ hướng khác chạy vào Nam, một đề tài tranh cãi gay gắt của lính khi đó, cũng có việc gì để làm để tranh cãi nữa đâu.

Rồi ga gà Quảng ngãi, một ấn tượng của lính miền Bắc khi đó là gà luộc bày trên những cái mâm bán nhiều vô kể, cũng rẻ thôi vài ba đồng một con gì đó, anh em nhìn tôi vì biết tôi là thằng có nhiều tiền nhất khi đó, nhiều đến mức một gia đình khá giả của Hà Nội khi đó có nằm mơ cũng khó có, cứ cho rằng tôi trúng sổ xố đi và hiểu rằng tôi có rất nhiều tiền khi đó. Tôi mua liền 5 con gà cho anh em ăn, không được ngon lắm do họ luộc để lâu rồi nhưng đối với lính thì đó là chuyện không tưởng. Một con gà được bọc trong gói giấy báo tôi cầm ra biếu anh Sướng, cầm con gà luộc anh cảm động cám ơn tôi, có gì đâu anh em với nhau câu nệ làm gì, có của ngon anh em cùng chia xẻ, anh cũng nghèo phụ cấp thượng sỹ đáng bao nhiêu còn trách nhiệm với gia đình nữa đâu dám xả láng như chúng tôi.

4 con gà gần 2 chục thằng lính xâu xé và cũng nhanh chóng biến mất trên bàn, anh em đông chẳng cần ý tứ chỉ loáng một cái đã không còn mẩu da gà, phải thừa nhận cái cổ họng của lính nó to thật, tôi bảo thằng Hải mua thêm đi tiền để làm gì? nó ngơ ngác nhìn tôi không tin ở tai mình nữa, sống với tôi 4 tháng rồi mà nó còn chưa hiểu hết tôi sao? Vậy là 3 con gà nữa lại xé lại ăn, chẳng hiểu thằng nào xách ra chai rượu nước đục đục cái vỏ chai cáu bẩn ghê người, tôi không uống, từ nhỏ đến giờ có uống rượu bao giờ đâu, không đua đòi mà nốc cái của này được.

Rồi Diêu trì, Tháp chàm cứ lùi lại sau lưng với những cánh đồng lúa với ruộng mía mênh mông, đồng bằng miền Trung phẳng lỳ với dập dờn sóng lúa, cảnh chiều tà anh nông dân với cái cuốc trên vai trên đường từ ruộng về nhà đã hằn sâu trong tâm trí tôi về những ngày hành quân vào Nam đó, thanh bình đến xúc động, đã có lúc khi còn trong chiến trường tôi đã từng mơ về mình được sống như anh nông dân đó, âu cũng là khát vọng sống của con người.

Chúng tôi tới ga Nha trang lúc 8 9h tối, sân ga toàn lính, dân buôn bán vặt bị dồn ra khỏi ga họ đứng ngoài cửa sắt đưa những gói mực khô to tướng trắng tinh vào bán cho lính, cũng rẻ thôi 2- 3 đồng một gói nylon cỡ 6 -700gram, các chú lính mua nhiều lắm. Tôi chẳng muốn mua vì bình sinh tôi không khoái ăn mực rồi, thằng Thể cầm túi mực mân mê nghe chừng thèm muốn mua nhưng chắc không đủ tiền tần ngần mãi, tôi bảo nó mua đi nếu thích rồi móc túi cho nó 5 đồng rồi đi vào ga, khi gần đến toa tôi gặp thằng Hải đang vo vo bộ quần áo định chạy ra ngoài tôi liền hỏi :

- Đi đâu đấy?

Nó ấp úng không muốn nói ra lý do nhưng tôi đã thấy và hiểu hết những gì nó đang định làm, tôi liền nói :

- Việc gì phải bán quần áo, tao thiếu gì tiền mày cần tiêu thì bảo tao đưa cho mà tiêu, tại sao phải mang bán quần áo lấy tiền tiêu như vậy? Để mà mặc.

Nói xong tôi móc túi đưa cho nó 30 đồng, nó cảm động cầm tiền rồi cất bộ quần áo đi, thì ra mẹ nó lên thăm nó nhưng cũng không cho nó được bao nhiêu trước khi chúng tôi chuyển quân, suốt dọc đường đi nó cũng bỏ ra bao anh em hết rồi, tiện thể tôi đưa cho anh Vũ ít tiền tiêu vặt còn Vinh lùn nó đã có tiền rồi. Nhiều năm sau thằng Hải vẫn nhắc chuyện trên sân ga Nha trang tối hôm đó, lối sống đẹp của tôi khiến nó khâm phục đến suốt đời kể cả hôm nay nó luôn bận với những chuyến công tác và nó là ông gì đi chăng nữa nó vẫn luôn đặt tình bạn lên tất cả.

Đoàn tàu chở lính có chục toa thì một toa trở nhà bếp nấu ăn cho tàu, một toa của nhân viên đường sắt, một toa giường nằm dành cho khách đi tàu, vậy là 6 toa trở lính, D5 có 4 đại đội đủ quân số nên mỗi C chỉ có 1,5 toa chở lính mà thôi. Như đã nói có một toa chở chung lính C18 và C19, lính C18 phần lớn là con nhà phố lớn tại Hà Nội, ít nhiều chất lỳ cũng khá hơn những anh em khác cùng người Hà Nội. Anh Sướng đã nhìn thấy được sự phức tạp của toa tàu ô hợp này nên chọn toàn những thằng lính có máu mặt của C18 dồn hết vào toa chung với lính C19, chiến thuật lấy độc trị độc đôi khi cũng rất hiệu quả. Khoảng 7h tối hôm đó 9.9.1978 tôi đi vệ sinh, khi đi ngang đám lính C19 thấy họ đang đánh bài 3 cây, quân bài nhỏ xíu chứ không to như bây giờ, loại bài của dân miền Nam mà sau giải phóng mới có và nó rất ít khi thấy xuất hiện tại miền Bắc. Môn bài này thì ngày còn ở nhà tôi vẫn chơi, những món bịp bợp của kiểu bài này tôi không lạ, rất thỏ non đeo kính lão tôi mon men lại gần hỏi :

- Các anh chơi gì đấy? Chơi như thế nào?

Một người nói :

- Đánh 3 cây, cứ cộng số 3 cây bài lại ai to hơn là thắng, cộng đến 10, 20 gọi là 10, 9 19 gọi là 9, theo chất thì rô cơ tép bích cứ thế mà tính xuống, ngồi xem một lúc là biết cách chơi ngay, còn tiền thì mày đặt cửa bao nhiêu ăn bấy nhiêu, thua nhà cái vơ tiền đặt, được nhà cái sẽ trả cho mày.

Ngồi xem một lúc tôi mới à, ờ, thế à, ra điều mới vỡ được cách chơi 3 cây, thỉnh thoảng hỏi một câu thật ngớ ngẩn như kiểu không biết gì rồi sau được giải thích mới hiểu và vỡ lẽ ra cách chơi bài. Lúc đó tôi mới thổ lộ :

- Các anh cho em xin một chân, cái gì em chưa biết các anh bảo nhé.

- Được cứ chơi đi có gì chúng tao dạy.

Thế rồi tôi mới tham gia chơi bài cùng chúng nó, cũng thò thụt cho chúng nó biết tôi có tiền, nhiều thằng mắt sáng lên khi thấy cái đồng hồ Selko5 ở tay của tôi, chắc chúng tưởng tôi là con gà mới ở rừng về, sắp kiếm được món bẫm đây, chúng nháy nhau lùa con gà vào chuồng. Tôi cũng vẫn tỏ ra là gà tơ, khi chia đủ 3 cây bài là lật toẹt lên cho cả làng xem trắng phớ ra là như vậy đấy, còn bọn chúng thì om om nặn nặn bài rồi xít xoa, lúc đầu tiền hào rồi sau bốc lên tiền đồng. Chúng nó là một hội với nhau nên không thằng nào muốn làm chương, làm nhà cái, cuối cùng chúng thống nhất đẩy cho tôi là nhà cái chung thân cho dễ chơi, muốn đặt cửa bao nhiêu cũng được không sợ kiêng kỵ kiêng tiền của nhau, tôi cũng vui vẻ nhận làm nhà cái.

Lúc này độ sát phạt đã lên rất cao tầm cỡ lên tới hàng chục đồng khi đó, tôi làm cái càng đánh càng được, bọn chúng nó càng chơi càng thua đậm, trong khi chơi mắt tôi không bỏ sót một quân bài nào của ai, luôn theo dõi từng thằng cầm lá bài, thỉnh thoảng đếm lại bài xem có đủ 36 cây bài không, nói chung những thủ thuật vớ vẩn của bọn nó đều không qua mắt của tôi khi đó, chúng đành chấp nhận chơi hoàn toàn đỏ đen. Còn tôi thì sao?

Như đã nói từ đầu quân bài rất nhỏ nên trên tay của tôi lúc nào ván nào quyết định thì trên tay luôn là 4- 5 cây bài, thoải mái chọn cho mình có số điểm cao nhất. Bọn C19 thua liểng xiểng, vay mượn bao nhiêu tiền cũng hết còn tôi thì túi quần túi áo ngày càng căng ra, bọn chúng tìm mọi cách để có tiền và lại rủ tôi tiếp tục chơi, cứ thế chúng cúng cho tôi gần 3000 đồng. Bọn này thắc mắc :

- Thế quái nào mà nó đỏ thế không biết, vét hết tiền của mình chẳng thua trận nào.

Bọn cờ bạc này cay tôi lắm, hôm sau khi đến đoạn Quảng Ngãi tôi thấy 2 thằng C19 thập thò ở cuối toa, nhìn là nhận ra ngay thằng Vượng Trấn nhà ở phố hàng Cá Hà Nội với một thằng vẫn chơi bài cùng tôi, thì ra thằng kia dắt thằng Vượng đến xem mặt tôi là thằng nào ở C18?

Thằng Vượng Trấn sau khi biết là tôi thì giẫy nảy lên nói :

- Giời ơi! chúng mày ngu thì cho chết, nó là thằng H nhà ở phố Hàng Bạc cách nhà anh rể tao 4 số nhà tao lạ gì nó, chúng mày đánh bài 3 cây với nó thua là phải. Thôi chúng mày tự giải quyết đi tao không dính vào đâu.

Bọn C19 biết bị tôi chơi bài bịp, cờ bạc hơn phân thì tức điên lên, một hội đồng lính C19 quyết rửa hận và một trận chiến khá ác liệt nổ ra giữa lính C19 và C18 ngay trên đoàn tàu quân sự, phần thắng nghiêng về lính C18 vì lực lượng lính C18 quá hùng hậu, toàn những thằng loại có máu mặt trong C nên lính C19 chịu thất trận vừa bị đòn no vừa mất tiền phi lý còn lính C18 thì đập phá thoải mái đến tận Hố nai tiêu pha bạt mạng chưa hết 500 đồng.

Đêm ở binh trạm 15 Long Bình khi xe con của ông già tôi đưa tôi cùng thằng Lưu dở hơi về trạm thì bọn lính C19 đã biết tôi là ai, khi ở Lai khê Sông Bé thì bọn chúng bị khuất phục tuyệt đối.

Ngày nay sau nhiều năm ra quân trở về đời thường mỗi lúc gặp nhau chúng vẫn nhắc lại chuyện cũ rồi cười với nhau, một thời chúng tôi cũng đã từng sát phạt nhau, đánh nhau, một thời cũng từng là đồng đội chiến đấu bên nhau và giờ đây chúng tôi vẫn hiểu và thương mến nhau nhiều hơn, chuyện xưa chỉ là những kỷ niệm của một thời khó quên.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3