Hồi Ức Chiến Trường K - Chương 10
PHẦN 2
BIÊN GIỚI TÂY NAM
Chương 1 Vượt qua biên giới
* * *
Đứng bên thành xe nhìn con đường với những rừng cao su hai bên cuộc sống bình yên quá, người dân vẫn bình thản như không có chuyện gì xảy ra nhìn theo đoàn xe chở bộ đội đi ra mặt trận với ánh mắt không hề có cảm xúc, lòng tôi và nhiều người lính khác có một phút chạnh lòng. Chẳng cờ hoa hay một lời tiễn biệt, cái đám lính trẻ đó đang đi vào chỗ chết để rồi nhiều năm sau quay về chỉ còn 1/3 quân số vậy mà phải đi trong lặng lẽ, tủi hổ không bằng cái buổi lễ tổ chức khởi công một cái gì đó thuộc cấp xã của ngày hôm nay.
Tại sao không phải là những người khác mà lại là những thằng như chúng tôi hôm nay phải đi chiến đấu?
Tại sao mọi người trên cái thế giới này không sống trong hòa bình bên nhau mà lại gây ra chiến tranh để làm cái gì?
Một chút ganh tỵ, ích kỷ, oán than cho số phận trỗi dậy trong lòng.
Tuổi 18 đôi mươi một chút suy nghĩ lệch lạc cũng là điều dễ hiểu.
Nếu như ai đó nói rằng tôi hay anh em khác khi đó Tư Tưởng thì cũng phải thôi.
Nếu ai đó có nói chúng tôi hèn nhát sợ sệt hoảng loạn thì cũng phải không hề sai.
Giá như có thể ném bỏ tất cả, cởi bỏ bộ quân phục trên người khi đó có lẽ chúng tôi cởi bỏ ngay 100% không cần suy nghĩ để rồi xuống xe hòa mình cùng dòng người kia mà trở về sống bên những người thân yêu của mình.
Điều khiến chúng tôi còn đứng trên cái thùng xe đó, giữ được chân chúng tôi khi đó là bổn phận, trách nhiệm của người công dân đối với Tổ quốc và người lính phải vững tin ở một điều gì đó thì mới đủ bản lĩnh tiếp tục đứng trên cái xe tải đang lăn bánh ra biên giới Tây nam.
Xe chạy nhanh luồn lách trên những con đường từ Lai khê đi Tây ninh hai bên rừng cây cùng nhà dân thưa thớt, những vườn mía hàng cây công nghiệp chạy dài hai bên, màu xanh của cây lá tốt tươi, đời sống nhân dân yên lành quá, nơi đây biết bao gia đình đang sống trong hạnh phúc và bình yên, một vài đồng đội Hà nam ninh đứng bên đưa tay quệt nước mắt, họ đang theo dòng suy nghĩ nhớ về quê nhà bên cha mẹ của họ là những người nông dân giống như những người nông dân kia sống trên khắp cái dải đất Việt Nam này. Không ai nỡ làm điều gì ngăn cản dòng tình cảm yếu đuối đó của họ vì ai cũng cùng chung dòng suy nghĩ đó. Nhớ nhà, thèm khát sự BÌNH YÊN.
Lòng ai cũng nặng trĩu và tôi cũng vậy.
Xe đi đến ngã ba Gò dầu rẽ phải là đường về thị xã Tây ninh, nếu đi thẳng còn khoảng 8 đến 10km nữa sẽ đến cửa khẩu Mộc bài nhưng xe lại rẽ phải đi thêm 3 4 km nữa thì dừng lại, ngay giữa rừng cây lúp xúp rẽ trái vào con đường cát trắng phău, tất cả xuống xe hành quân bộ, cũng chẳng biết mấy ông nhận quân đưa quân đi là ông nào, người đi trước bảo người đi sau cứ tiếp tục đi giữa cái trưa cuối tháng 9 đổ lửa đó.
Giờ đây chỉ còn lại những bước chân hành quân bộ, anh em Hà Nội của C18 chúng tôi về E 209 rất đông, tới đây rồi thì mới biết chắc chắn thằng nào sẽ về cùng E với mình, anh em thân nhau từ thời huấn luyện ở với nhau trong đơn vị chiến đấu lòng cũng bớt cô quoạnh hơn.
Chỉ còn vài bước chân nữa thôi sẽ là bước chân lịch sử của người lính bộ binh sư đoàn 7 sẽ mãi mãi được gọi với cái tên lực lượng : LỤC QUÂN SANG TÂY.
Biên giới chỉ còn vài km nữa nhưng cuộc sống nơi đây thanh bình quá, người dân vẫn lao động sản xuất bình thường, nhà dân bên cạnh đường biên cũng vậy, những hàng quán nho nhỏ cũng là nơi cho lính chúng tôi tiêu nốt những đồng bạc cuối cùng rồi qua bên kia biên giới thì đồng tiền có trong túi cũng chỉ để ngắm chơi lúc buồn buồn trên chốt. Hàng hóa cũng chẳng có gì cho chúng tôi mua vài ba gói thuốc lá được để trong túi nylon trắng, gói thuốc rê ẩm sì hôi dình nhìn đã mất cảm tình, tôi hỏi mua thuốc lá bao do nhà nước sản xuất khi đó, chỉ nhận được cái lắc đầu thương hại, sự đòi hỏi thứ đó nơi đây quả là quá đáng, xưa nay tôi quen với nếp sống đầy đủ đó rồi để làm quen với thứ dân dã đó cần có thời gian.
Mua thêm vài thứ lặt vặt chúng tôi lại tiếp tục lên đường, tiền còn mấy trăm trong túi, lúc này chưa tiêu lúc khác tiêu cũng vội gì, tiền là thứ mà không ai không cần cả kể cả người chết rồi. Uống vội ngụm nước mưa trong cái lu sành trên để cái gáo dừa của nhà dân rồi lên đường, trước cửa nhà nào ở đây cũng để cái lu nước đó cho khách thập phương đi đâu ghé qua uống nước không cần phải hỏi chủ nhà, một nét văn hóa, lối sống cộng đồng hết sức tình người này kể cũng hay, con người bớt đi tính ích kỷ và quan tâm đến nhau hơn yêu thương nhau hơn mà không phải đâu cũng có.
Đi sâu vào nữa chúng tôi lội qua những cánh đồng nước, đi trên con đường được rải ngang bằng những thân cây chống lầy, có lẽ con đường này được làm do công binh của F7 dùng cho xe tải chuyên chở vũ khí lương thực sang K cho lính chốt chặn bên đó. Trong sâu bên phải đường là những cánh rừng dày đặc cây leo với những lá cây dùng làm nón, vài ba người nông dân đang làm việc dừng tay đứng nhìn đoàn bộ đội chúng tôi hành quân lội nước lõm bõm đi, ánh mắt họ nhìn chúng tôi từ biệt đầy thân thương và nếu chúng ta cho rằng đó là những ánh mắt nhìn vĩnh biệt cũng được. Chỉ có người dân sống nơi đây mới thấy hết giá trị của bước đi ngày hôm nay của chúng tôi, vài ba gánh lá nón trắng tinh được gánh đi ngược lại chúng tôi và trên trời cao vẫn nắng như đổ lửa xuống cái vùng nước nhiều hơn đất này.
Một con đê dài thẳng tắp chắn ngang sau khi lội qua một dãnh nước sâu ngang bụng đó chính là biên giới Việt nam - Căm pu chia, chẳng biết từ bao giờ và do ai đắp lên con đê biên giới này, đời nay hay xưa kia nhưng vết đất còn mới cỏ cây không mọc và nghe đâu chính quyền Pốt cho đắp ngăn chặn sự xâm lấn từ hướng tây, tôi cũng được nghe nói nhiều trận chiến đổ nhiều máu vào tháng 12.1977 giữa lực lượng quân đội chính quy của cả 2 bên tại đây, nhưng lúc này với tôi nó chẳng có giá trị gì cả đơn giản nó chỉ là một con đê và tôi sắp phải xa Tổ quốc với nhiều ngày tháng.
Đứng lại giữa con đê đó, tôi quay lưng nhìn lại một lần đoạn đường vừa đi qua, ngắm nhìn Tổ quốc Việt Nam của tôi một lần nữa xa xa kia núi Bà Đen sừng sững xanh đen và kia xanh rì màu xanh cây lá với cuộc sống Bình yên ngay chân biên giới, còn 3 bước chân nữa thôi phải mất gần 3 năm sau tôi mới có cơ hội quay trở lại và cũng trong cái đoàn quân này rất nhiều người không có cơ hội lê được bước chân của chính mình quay lại nơi chôn nhau cắt rốn. Khoác lên mình tấm áo lính là do số phận và sống hay chết cũng một phần do số phận, số phận đã định đoạt cho cái đám lính trẻ chúng tôi là hôm nay phải bước qua biên giới. Cảm giác trong lòng tôi dâng trào giờ đây tôi mới hiểu được khi phải xa Tổ quốc nó như thế nào? Chỉ vài phút ngắn ngủi thôi nhưng biết bao hình ảnh thân thương nhất, con người nhất và cũng Việt Nam nhất chạy lướt qua đầu tôi, giây phút mềm lòng đó nước mắt tôi dưng dưng.
Không dám đứng lại lâu hơn nữa vì chỉ cần thêm 1 phút nữa thôi tôi sẽ không đủ bản lĩnh dứt áo ra đi bỏ lại sau lưng những gì tốt đẹp nhất tôi có lúc bấy giờ. Quay lưng tôi quyết bước không nhìn lại, giây phút đó là giây phút quyết định của cuộc đời tôi và sau những bước chân này là chiến trận, chiến trận đã lấy đi của tôi nhiều năm tuổi xuân của cuộc đời nhưng bù lại cũng chiến trận cho tôi một quyết tâm sắt đá và một trái tim yêu thương Tổ quốc mình.
Bên này biên giới quang cảnh khác hẳn, đồng bằng phẳng lỳ ruộng nước ngập mênh mông, dưới chân nước chảy ào ào trong veo, sát mặt đất bột trắng tinh thỉnh thoảng có những con cá nhỏ quẫy đuôi làm vẩn bùn trắng trong nước đó, hình như đây đất phèn chua những bùn trắng kia là chất phèn kết tủa, vẫn con đường đó đoạn khô đoạn ướt đoạn lội bùn chúng tôi đi mãi, không người hướng dẫn chẳng ai kèm chỉ người trước bảo người sau đi rồi cứ đi, vô định. Lòng tôi cũng chẳng thiết nghĩ nữa, có nghĩ có so sánh hay gì đi chăng nữa cũng thế thôi số phận của tôi coi như đã an bài, muốn tới đâu thì tới và nếu có phải chết thì thôi.
Khoảng 4h chiều chúng tôi tới cái ngã 3, đứng ngay đầu ngã 3 có một anh lính cũ đứng đó chỉ đường chúng tôi rẽ phải rồi bảo cứ đi tiếp sẽ có người đón đám lính mới tò te này, buột mồm tôi hỏi :
- Đây là đâu hả anh ơi?
- Ngã 3 trâu chết, đất K rồi, biên giới là con đê vừa đi qua đấy.
Ơ hay! Mình đi bảo vệ biên giới Việt Nam sao mà đi sâu vào đất K thế? từ cái đoạn đê biên giới đó tới đây trên 2h đi bộ rồi, cũng phải 6 7 km chứ không ít dù lính mới hành quân chưa có kinh nghiệm nên vừa đi vừa la cà thì cũng ít nhất phải từng đó Km, lạ nhỉ? Chúng tôi nhìn nhau và không ai có thể đủ trình độ nhận thức mà giải đáp cho câu hỏi hay thắc mắc đó. Thực ra đó cũng là cái dễ hiểu thôi nhưng vì chưa ai nói cho chúng tôi biết trước khi qua đất K này, giá như trước khi đi có ai đó hay lớp giảng chính trị nào của đơn vị học trước thì hôm nay chúng tôi đâu phải thắc mắc thế này.
Nếu kẻ thù muốn chiến tranh thì chúng ta mang chiến tranh tới nhà chúng, muốn bom ta sẽ dội bom, muốn pháo ta sẽ nã pháo lên nóc nhà của chúng, giết đồng bào nhân dân chúng ta, chúng ta xóa xổ chúng. Cái chân lý đơn giản như vậy mà không có ai nói cho đám lính trẻ chúng tôi biết thật là thiếu sót lớn, người lính trước lúc ra trận cũng cần biết sẽ phải chiến đấu với kẻ thù nào và ở đâu chứ.
Lác đác có đám thanh niên xung phong tải đạn về đi ngược lại, phần nhiều họ là nữ, những cô gái miền Đông Nam bộ, da xạm đen cháy nắng, hàng ngày họ gùi đạn trong những chiếc ba lô tay xách thêm 1 2 quả đạn B41 B40 lầm lũi đi qua biên giới, họ mang đạn qua E bộ 209 rồi tải cáng thương binh tử sỹ chúng ta về bên kia biên giới, công việc của họ cũng nặng nhọc và đầy gian nguy, họ lỳ lợm, chì ra trên mỗi bước chân, mỗi chiến công trên chiến trường đều có công sức của những cô gái thanh niên xung phong miền Đông Nam bộ đóng góp, họ cũng là người chiến sỹ dũng cảm như bao người con khác của Tổ quốc Việt Nam chúng ta.