Hồi Ức Chiến Trường K - Chương 105

Chương 3 Bị đánh nhầm- Bắt sống Tamok

* * *

Những ngày tiếp theo đơn vị tôi càn truy quét dọc theo dãy núi đó ngược lên hướng bắc, những trận đánh lẻ tẻ vẫn diễn ra hàng ngày. Địch ở đây không tập trung đông mà chỉ là những toán nhỏ lẻ tẻ 5-3 thằng, chúng đói lắm, thằng nào da dẻ cũng vàng ệch gày nhom vác cây súng AK chạy không nổi, phản ứng chậm chạp trước những cơn mưa đạn của lính Tình nguyện Việt Nam.

Lúc này theo tin chúng tôi được biết cả F7 dồn hết lực lượng về đây càn quét để tiêu diệt hoặc bắt sống bằng được Tà Mốc tư lệnh quân khu Tây nam của Pôn Pốt mới từ Thái lan trở về xây dựng lực lượng kháng chiến lâu dài trên đất Campuchia.

Từng vị trí từng vùng đất trong núi rừng tây nam nằm dưới sự kiểm soát của lính Việt Nam, vì là lính cấp dưới nên chúng tôi không nắm rõ là đơn vị đang ở khu vực nào trong khu vực rừng núi Amleeng rộng lớn này. Trong E209 các tiểu đoàn khác D8, D9 cũng thu được những kết quả đáng kể, trên đường hành quân các tiểu đoàn trong E chúng tôi gặp nhau luôn. Chúng tôi lúc đó chỉ nghe nói E141 cũng đã ở trong Amleeng này từ khi họ đi phối thuộc cùng F9 còn E165 thì không mấy khi gặp họ, nghe đâu họ đi phối thuộc cùng những đơn vị khác ở khu vực khác.

Môt chuyện đáng tiếc đã xảy ra giữa D7 và D9 chúng tôi trên đường hành quân vào trưa hôm đó.

Buổi sáng chúng tôi hành quân vào trên con đường đất len lỏi trong rừng, vì là đường cũ nên cây cối mọc sát đường cành lá phủ cả ra đường. Khi lên cách ngã 3 Amleeng trong khoảng 20km, lúc đó đã gần vào đến dãy núi Urang thì gặp D9 cùng hành quân trên một hướng. 2 tiểu đoàn đi cạnh nhau, lính tráng chúng tôi tranh thủ tìm đồng hương bạn bè cùng đoàn, khi ngồi nghỉ chân thì túm 5 tụm 3 lại với nhau chuyện trò tâm sự, khi đơn vị nào có lệnh hành quân thì vội vã chia tay ai về đội hình đơn vị đó.

Lúc đó địch lẻ tẻ ở đây nhiều, từng tốp từng tốp, cả bị bắt sống lẫn tiêu diệt, nhiều kho súng của địch bị lôi lên sau khi khai thác tù binh. Chẳng cần đánh đấm tù binh làm gì cho mệt xác, nhiều thằng nhìn nó có lẽ đấm một quả là nó chết luôn khỏi cần bắn tốn đạn, chỉ cần giơ cục cơm nắm ra trước mặt nó rồi nói :

- Vũ khí chúng mày chôn ở đâu? Khai ra tao cho ăn cơm.

Chỉ cần từng đó thôi thì bao nhiêu súng đạn ở đâu mà nó biết nó sẽ khai ra tuốt tuồn tuột. Với chiến thuật khai thác tù binh kiểu giơ ra cục cơm, D7 chúng tôi thu về không nhớ là bao nhiêu hầm vũ khí, ở đây toàn súng mới và có cả DKZ75 ly, DKZ82 ly và 12.8ly của Trung quốc sản xuất. Những kho đạn hầm đạn moi lên cả ngày không hết, những chuyến xe của F chở đống vũ khí đạn dược thu được của địchra mất vài ngày. D7 đi tới đâu diệt địch ở đó, xác chúng được để lộ thiên bốc mùi không thể tả hết được.

Những nhóm dân K bị lùa theo chúng hơn nửa năm nay vật vờ trong rừng như những bóng ma, đây là nguồn nhân lực lâu dài cung cấp lương thực thực phẩm cho lính Pốt, họ cũng đói kinh khủng, họ chết đói rất nhiều trong những dãy nhà tạm trong rừng. Khi chúng tôi đến nhanh chóng phân loại, dân đàn bà trẻ em thì cho họ gạo cùng chỉ đường cho họ đi ra vùng giải phóng, thanh niên hoặc vẫn còn tuổi có thể cầm được súng thì bắt giữ thậm chí trói lại gửi lên cấp trên đưa vào diện lính Pốt cần cải tạo.

Càng vào sâu trong rừng dân càng ít và lúc này cách ngã 3 trong của Amleeng 20km rồi thì còn lại toàn là địch cả, cũng chỉ có địch mới chui sâu vào rừng đến như vậy. Lúc này tôi mới để ý, mỗi khi đến lòng suối nào đó đều thấy có rất nhiều củ gì đó dẹt dẹt to cỡ bằng lốp xe ô tô con, nhỏ cỡ bằng lốp xe máy Vespa màu trắng đục ngả vàng được ngâm dưới lòng suối, lúc còn càn bên ngoài vòng ngoài Amleeng tôi đã thấy loại củ này ở những lòng suối rồi song vẫn thấy có ít nhưng vào đây thì thấy nhiều hơn.

Thì ra đây là củ cây vạn tuế, cây vạn tuế lá xanh sẫm hơn cây thiên tuế, vùng này rất nhiều, nhiều cây to bằng thùng gánh nước với lá dày, nhiều lá kim nhọn vẫn thường chọc ngang tầm mặt chúng tôi trên đường hành quân. Lính Pốt đào cái củ như bánh xe đó lên rồi đẽo vỏ ngâm dưới suối, nghe nói cả tháng trời rồi vớt lên thái mỏng từng lát phơi khô hoặc cho vào nồi nấu thành thứ bột xền xệt để ăn thay cơm. Dân cũng phải ăn như vậy và nghe nói ăn thứ củ này chát lắm ( sau này tôi thấy cây vạn tuế dùng làm cây cảnh tại Hà NộiSài gòn bán rất đắt, cây thiên tuế rẻ hơn ). Củ vạn tuế mãi đến năm 1981 chúng tôi vẫn thấy lính Pốt khai thác dùng làm lương thực, chắc là chất dùng nuôi cơ thể con người ở củ van tuế không có là bao nhiêu nên lính Pốt và dân K bị lùa vào đây mới đói như vậy.

Củ vạn tuế tròn mà dẹt như cái lốp xe, củ to nhất chắc khoảng bằng lốp xe ô tô con, củ vừa mà tôi thấy chúng ngâm dưới lòng suối cũng cỡ lốp xe Vespa, củ đã được đẽo hết lớp vỏ ngoài còn trơ lại lớp thịt bên trong. Sau đó chúng ngâm dưới lòng suối cả tháng, lớp vỏ bên ngoài củ đó ngả sang màu vàng nhạt gần giống xà phòng 72% của chúng ta ngày đó nhưng nhạt hơn, chỗ nước suối đọng quanh đó ra một thứ nước nhờn nhờn, anh em nói thế chứ tôi chưa sờ tay vào nên không dám khẳng định.

Sau đó thì thấy nhiều lát mỏng được thái rồi phơi khô nhìn không khác gì xà phòng 72%, chắc chúng dùng ăn dần chống đói thỉnh thoảng vẫn gặp những bao như vậy khi hạ những thằng Pốt còn nằm đó. Có lần đánh đến khi chúng đang nấu nướng trong cái nồi với thứ bột xền xệt như chúng ta quấy hồ bột sắn dán giấy vậy, người nếm thử thì nói nó khó nuốt chan chát ở đầu lưỡi, tôi không thử loại đồ ăn của lính Pốt nên không biết cảm giác của nó.

Có vài lần đơn vị của tôi đánh đến khu vực núi Kimry thì thấy vài gốc vạn tuế bị lính Pốt đang đào lên với những vết xẻng quanh gốc vạn tuế, khu vực này cây vạn tuế khá to và nhiều, cây to cao hơn đầu người với nhiều bẹ lá đầu những kẽ lá khá nhọn và cứng màu xanh xẫm. Cây to cỡ thùng gánh nước, đường kính khoảng 30cm cây nhỏ cũng cỡ bắp đùi trở lên và cao khoảng trên 1m, rừng này bạt ngàn cây vạn tuế, thỉnh thoảng gặp cả cây thiên tuế lá xanh nhạt hơn và hình thức giống như vậy.

Những năm sau này khi đi làm việc đến nhiều cơ quan thấy đâu đâu cũng trồng cây này trong chậu cảnh trước sân, nhất là mấy ủy ban quận hay thành phố ngoài miền Bắc là trồng nhiều nhất, các khu nghỉ mát cũng đua nhau trồng một thời nhưng gần đây ít thấy loại cây này nữa và nghe nói khi đó cây vạn tuế đắt lắm, có cây trị giá 4-5 lạng vàng lúc bấy giờ, tôi cứ cười rồi nói :

- Ngày đó ở K cây vạn tuế này thiếu gì trong rừng Amleeng và Kimry, lính Pốt toàn đào củ cây này ăn thay cơm.

Nhiều người nghe xong chuyện này sợ xanh mắt khen lính Pốt ăn sang thế

Khi 2 tiểu đoàn chúng tôi đã vào sâu trong rừng Amleeng, gặp nhau sáng hôm đó rồi mỗi đơn vị mỗi hướng theo lệnh của E209. Bên D7 có anh Hồng D trưởng là người rất giỏi về bản đồ địa bàn, anh luôn dẫn dắt D7 chúng tôi đi đúng mục tiêu nhất, đỡ tốn sức lực của binh sỹ nhất và cũng sau trận càn quét truy đuổi Tà Mốc thì tiếng tăm D trưởng Hồng D7 khá nổi tiếng trong E. Lính chúng tôi luôn có một niềm tin ở người cán bộ chỉ huy nhiều kinh nghiệm và thường hay nói đùa :

- Đi tác chiến với ông Hồng thì lính nhắm mắt lại mà đi, không sợ anh ấy dắt mình đi lạc đường.

Nhưng bên D9 thì nổi tiếng D trưởng Hiến chuyên dắt lính đi tác chiến lạc đường trong rừng khiến nhiều phen lính D9 dở khóc dở cười vì bị dắt đi lung tung cả, ngay trên E bộ nhiều lần phải tốn không biết bao nhiêu thời gian thông tin chỉ đường cho ông Hiến này. Lính D9 đặt tên cho anh Hiến D trưởng của mình cái tên : Hiến đậu phụng đường và cái tên ghép đó nhiều năm nay vẫn theo anh ấy cho đến tận bây giờ, mỗi khi lính E209 gặp nhau mà nhắc lai chuyện cũ thế nào cũng liên quan đến ông Hiến đậu phụng đường.

Theo nhận định của lính chúng tôi hôm đó 2 tiểu đoàn D7 và D9 vô tình gặp nhau trên đường hành quân này cũng do ông Hiến đậu phụng đường cả thôi chứ anh Hồng dắt lính D7 đi lạc vào đường của D9 là chuyện khó có thể xảy ra.

Sau khi lính 2 tiểu đoàn trong E209 chia tay nhau đi khoảng đến tầm 11h trưa thì bỗng giữa đội hình D7 có tiếng súng nổ, không nhiều lắm vài loạt trung liên RPD và mấy loạt ngắn AK quật ngang đội hình hành quân của chúng tôi. Toàn D7 trong đội hình hành quân tản rộng ra chiếm lĩnh những vị trí địa lợi nhất có thể, chuẩn bị chờ lệnh triển khai đội hình tác chiến, sau đó thấy im lặng khá lâu vì lúc này tôi đi phía trên đầu đội hình C2, rồi thấy tiếng ồn ào mỗi lúc một to lên, tiếng anh em cãi nhau inh ỏi văng tục chửi bậy tùm lum cả. Lúc đó thằng Hùng lên máy thông tin PRC25liên lạc về D bộ thì được biết :

- Tiểu đoàn 9 đã đánh nhầm phải đội hình tiểu đoàn 7 và quân ta đã chiến thắng quân mình, không có ai bị thương cả mà chỉ hy sinh mất có 3 đồng chí của D7: 2 thằng người của C5 hỏa lực,một thằng người của D bộ.

Lính D7 ức hộc máu mồm ra với mấy thằng lính D9, ông Ngát C trưởng C5 của D7 lồng lộn lên đòi vác súng qua tử hình thằng nào bên D9 đã bắn chết lính của ông ấy. Thì ra mấy thằng lính mới của D9 trên đường hành quân thần hồn nát thần tính, nhìn gà hóa cuốc thế nào đó, thoáng thấy bóng người là nổ súng chẳng cần biết ta địch thế nào làm chết oan mấy thằng lính bên D7 chúng tôi. Hỏi nó thì nó nói rằng tưởng đó là lính Pốt, vặn lại: lính Pốt mà mặc đồ màu xanh lá cây à? Thì nó nói mấy ngày trước đánh nhau với một bọn Pốt cũng mặc đồ xanh lá cây như mình.

Ừ đúng thế thật, mấy ngày trước chúng tôi cũng hạ mấy thằng Pốt mặc đồ xanh lá cây như quân ta thật. Sau khi giải quyết xong chuyện tử sỹ bất đắc dĩ do nhầm lẫn chúng tôi lại tiếp tục hành quân, lính D9 đi trước. Nhìn chúng nó đi ngang đội hình D7 nhiều thằng vẫn còn cười nói vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra khi đi ngang xác tử sỹ D7 nằm đó, anh Lạnh B trưởng thông tin lính D7 ức quá nhảy lên đánh cho mấy thằng kia một trận dúi dụi giữa đường, tội vô ý trước nỗi đau xương máu của đồng đội.

Cũng trong thời gian này chúng tôi biết được một tin khá nóng sốt.

Trong một trận càn quét phía sâu trong rừng Amleeng, bên E141 bắt sống được một nhóm lính Pốt, trong số tù binh có một thằng mặt mũi khá già dặn, sau khi khai thác song cũng cứ nghĩ nó là thằng lính già vớ vẩn trong nhóm lính Pốt bị bắt nên giao xuống cho anh nuôi, bắt nó gánh nước nấu cơm hoặc làm những việc vặt. Thấy nó hiền như con cún chăm chỉ dưới sự dạy bảo chỉ huy của nhóm anh nuôi nên ít người để ý. Khi khai thác hỏi chúng nó :

- Tà Mốc là thằng nào? Hiện nay nó đang ở đâu?

Chúng nó khai Tà Mốc đi phía trước, có một nhóm lính Pốt bảo vệ, thế là cả đơn vị dồn hết lên tuyến trước truy đuổi bắt Tà Mốc, khi bắt được nhóm lính Pốt phía trước thì hỏi :

- Tà Mốc là thằng nào?

Lính Pốt lại khai Tà Mốc là cái thằng đi ở đằng sau, thế là điện từ E141 về tuyên sau giữ chặt mấy thằng tù binh lần trước, trong số đó có thằng Tà Mốc đấy, thì ôi thôi cái thằng hiền như con cún con đó chính là thằng Tà Mốc. Mấy hôm nó gánh nước nấu cơm đó là ngụy trang che mắt lính mình rồi thừa cơ trốn mất cùng mấy thằng cận vệ của nó.

Thế là tất cả lính F7 chúng tôi hướng Amleeng bị dồn hết lên hướng này truy đuổi Tà Mốc, chỉ vì một chút sai sót nhỏ mà chúng tôi để xổng mất thằng tướng tư lệnh quân khu tây nam K khiến nhiều năm sau nhiều đơn vị phải vất vả với nhiều hy sinh để truy tìm tiêu diệt nó. Nhiều trận tưởng rằng đã bắt sống nó trong tầm tay vậy mà nó vẫn chạy thoát, chắc khi đó thằng này chưa hết số nên nó luôn lọt lưới. Kể cả sau này khi nó đã bị cụt chân do đạp phải mìn, vẫn luôn có thằng cõng nó trên lưng chạy và khoảng trên chục thằng bảo vệ nó khi gặp những đơn vị lính Tình nguyện truy đuổi. Nhiều bãi phân voi của nó bỏ lại trên đường hành quân còn mới nguyên mà chúng tôi truy đuổi không bắt được và sang tháng 3.1981 lính C2 chúng tôi thêm một lần nữa để Tà Mốc chạy thoát trong tầm tay của mình. Từ đó chúng tôi không bao giờ gặp Tà Mốc nữa.

Giá như ngày đó lính chúng tôi có đủ thông tin về Tà Mốc như ảnh của nó xuống tới từng đại đội, máy móc thông tin tốt hơn thì chắc chắn tên tướng tư lệnh Quân khu tây nam K sẽ bị bắt sống hoặc bị tiêu diệt từ lâu rồi và cuộc chiến tranh này sẽ được rút ngắn đi về thời gian rất nhiều.

Ngày mai những trận càn quét dọc trên sườn núi của dãy Urang vùng Tây nam Campuchia, bắt liên lạc cùng lính F9 trên đỉnh Urang rồi vòng qua vườn sắn quay lại Kimry, những ngày tháng gian khổ đó chạy suốt mùa mưa năm đó quanh quẩn với Amleeng. Lính D7 và đặc biệt là C2 chúng tôi đã bắt đầu có người nhiễm bệnh sốt rét rừng, sức khỏe binh sỹ đã bắt đầu tụt xuống bởi những trận càn quét liên miên vắt tới cạn kiệt sức lực cùng thiếu ăn thiếu ngủ. Với chúng tôi không còn máu của những trận đánh ác liệt nhưng nước mắt người lính đã bắt đầu tuôn rơi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3