Hồi Ức Chiến Trường K - Chương 106

Chương 4 Càn quét trên núi

* * *

Sau vụ lính D7 bị đơn vị bạn đánh nhầm đó thì đội hình D7 chúng tôi tiếp tục hành quân, kinh nghiệm có rồi, cảnh giác ngay với chính cả quân ta ở khu vực này, địch cũng có một số ăn mặc giống như lính chúng ta, quần áo màu xanh lá cây chỉ khác mỗi trên cổ hay đầu chúng luôn có những chiếc khăn cà ma. Bởi vậy chúng tôi có lệnh chỉ được nổ súng khi phát hiện chính xác đối phương có khăn cà ma trên đầu, nếu không thấy có khăn cà ma thì chỉ được phép bắn chỉ thiên bắt liên lạc. Lúc đó tín hiệu bắt liên lạc nhận ra nhau thay đổi từng ngày và theo tôi nhớ có ngày tín hiệu đó cộng lại tới bằng 7, bắn phí đạn quá.

Có lần chúng tôi hành quân gặp nhau, đi cách nhau một khoảng nhỏ, phía cuối đội hình D, nhóm đi sau 2 đơn vị gặp nhau nói chuyện ồn ào vậy mà nhóm đi đầu thấy lính mình rồi đấy, thấy rõ cái mũ cối với cái ba lô xanh trên lưng thằng lính đơn vị kia, biết nó là quân ta rồi đấy vậy mà vẫn phải bắn vài phát cho nó biết mà bắt liên lạc với mình. Chẳng phải sợ mình bắn nhầm chết nó mà sợ nó ngáo ơ rồi bắn chết mình. Nhiều khi chỉ vì chuyện bắt liên lạc này mà nổ súng ầm ỹ cả, khi thấy thằng lính đơn vị kia, thấy anh em bên đó rồi thế là 2 thằng cùng bắn bắt liên lạc hỏi bên kia. Gặp ngày hợp đồng cộng lại bằng 4 vậy mà 2 thằng bên đơn vị tôi cùng bắn cộng lại đã bằng 5 rồi thì thử hỏi bên kia còn gì nữa để mà bắn trả lời. Anh em bên đó họ không choảng cho vài quả cối 82, 60 hay mấy phát DKZ là may lắm rồi, họ cũng thừa biết là quân ta với nhau thôi, sau vụ bắn nhầm nhau họ cũng rút kinh nghiệm như mình rồi.

Lúc đó anh Phượng ra lệnh :

- Khi gặp đơn vị bạn hay khi cần bắn bắt liên lạc với đơn vị bạn, nghiêm cấm lính bắn bắt liên lạc lung tung, nhiệm vụ này giao cho thằng liên lạc C2 làm công tác này để tránh bắn chồng chéo lên nhau, khi cần báo cho nó bắn bắt liên lạc.

Từ đó tôi có thêm nhiệm vụ mới, chuyên bắn súng chỉ thiên bắt liên lạc với đơn vị bạn trên đường hành quân. Giá như ngày đó chúng ta có đủ máy móc thông tin liên lạc để có thể hỏi nhau khi cần thiết thì chẳng phải bắn súng ầm ỹ kiểu này làm gì, vừa lộ đội hình vừa đỡ tốn đạn bắn vu vơ kiểu này.

Càng vào trong sâu rừng Âmleeng đường bắt đầu khó đi, rừng rậm hơn, cây gỗ dầu là chủ yếu, càng vào sâu cây gỗ càng to, nhiều cây to đến 4 người ôm không hết, gốc ngọn cao tít phủ kín một khoảng. Những con suối mùa này nước chảy mạnh và chúng tôi thường men theo suối mà đi, vào gần trong núi đá thì thấy tiếng động ào ào mỗi lúc mỗi to, càng vào sâu càng thấy nhiều hơi nước bốc cao. Cảnh lính hành quân nặng đường dài mùa mưa, áo mưa áo tơi sột soạt, súng ống loằng ngoằng, ướt như chuột từ đầu đến chân, lúc nào nước cũng có thể trút lên đầu mình giờ lại thêm cái bụi nước này nữa thì ngán ngẩm không gì tả hết.

Mùa mưa chẳng lúc nào thấy người mình khô ráo sạch sẽ được lấy một lúc, chân tay thì luôn nhợt nhạt như thằng chết trôi, nhìn chán lắm. Vào gần thì thấy tiếng động đổ ầm ầm đó là một thác nước, cái thác nước từ độ cao luôn trút hàng ngàn m3 nước xuống những tảng đá to phía dưới, nước tung lên những hạt bụi nước nhỏ mờ hết cả một vùng. Lính chúng tôi liên tục dùng tay quệt lên mặt vì hơi nước bám vào mặt tạo thành giọt nước chảy trên mặt trong mỗi bước hành quân. Cái xứ sở này khắc nghiệt thật, nắng thì vỡ đầu vỡ óc, bói không ra giọt nước, hoa mày chóng mặt vì khát, mưa thì thối đất thối cát mấy tháng trời lúc nào cũng lép nhép bẩn thỉu ẩm ướt.

Lính đơn vị chúng tôi toàn bắc miền Trung và miền Bắc lần đầu tiên tiếp xúc với mùa mưa thế này nên khó chịu thật. Ngay gần khu vực thác nước đó có ngôi chùa cũ đổ nát đến sát móng, tường đổ gạch vụn còn nằm đó, dấu tích của một ngôi chùa bị phá đổ chứ không phải do thời gian tàn phá. Tượng phật miệng rộng mắt dài, tai to chảy xuống tận vai nằm lăn lóc trên mặt đất. Từ trên nhìn xuống lòng suối ngay gần thác nước đó,một bãi đất bám theo lòng suối lưng lửng triền đồi, thấp thoáng vài mái tôn cũ với mấy gian nhà chẳng có tường vách gì cả, trống hơ trống hoác 3 bề 4 bên. Vài cái bể bằng xi măng được xây tại đây đầy ắp nước chẳng biết là cái gì và để làm gì, không một bóng người, muốn xuống đó phải đi xuống gần như dốc đứng nên chẳng ai buồn mò xuống đó làm gì. Chung quanh cây cối xanh um, dây dợ cây leo lằng nhằng bám, bò trên con đường mòn nhỏ đi xuống.

Lính chúng tôi nghỉ giải lao vài phút ở đây, vài thằng lính D7 vẫn thừa hơi để nhặt những mảnh gạch đá xây dựng chùa cũ ném xuống dưới những mái nhà tôn kia, còn tôi thì ngán ngẩm ngồi đó mà thở lấy sức chuẩn bị cho cuộc hành quân sắp tới. Chúng tôi tranh thủ kiểm trả bắt vắt và ve rừng cho nhau, đoạn đường mới đi qua sát bờ suối nhiều vắt quá, chúng ở những bụi cây, nhất là tre gai gần suối cứ thấy hơi người đi qua là búng thân mình bám theo rồi chui rúc vào cơ thể lính hút máu cho đến khi nào no nê mới chịu nhả ra.

Ve rừng thì to hơn con rệp với cái đít tròn như hạt đỗ đen, cái đầu bé tý, nó xé thịt mình chui cái đầu vào sâu trong lớp thịt mà sống ký sinh ở đó. Nếu ai biết thì dùng cái kim khâu hơ qua lửa cho nóng đỏ lên rồi dí vào đít con ve rừng cho nó nhả đầu chui ra, nếu không biết mà dứt bỏ thì thôi rồi vết thương đó mãi không lành da. Đàn anh thì nói phải thay đủ 100 lần vẩy thì mới khỏi vì cái đầu con ve với 2 cái răng nó vẫn ngoạm vào da thịt mình, nó vẫn còn đó gây cho vết thương khó lành.

Lính vạch quần vạch áo bắt vắt với ve cho nhau, kiểm tra kỹ từng sợi tóc đến kẽ ngón chân tay, vạch hậu môn ra mà ngó mà nhìn kiểm tra cho nhau, kéo quần trong vạch quần ngoài mà lần tìm từng mũi kim đường chỉ trên quần áo từ trong ra ngoài xem có sót con vắt con ve nào không, vậy mà đôi khi vẫn còn bị sót không bắt hết. Những vết vắt cắn luôn chảy máu nhiều và lâu lành phải có tý thủ thuật sẽ nhanh khỏi và cầm được máu nhanh đó là xé mẩu giấy báo nhâm nhâm trong miệng với nước bọt của mình rồi dán vào cái miệng vết thương vắt cắn với 3 cái răng xé thịt mình về 3 phía đó. Đặt mẩu giấy vào đó cho nó dính ở đấy rồi quên nó đi khi nào tờ giấy khô hết thì nhẹ cậy nó ra vứt bỏ, vài ngày vết thương sẽ lên vẩy khô coi như đã lành.

Chiều tối hôm đó chúng tôi đã lên đến sườn núi đá phía bên sâu trong của dãy núi Urang, bắt đầu những ngày leo trèo di chuyển trên sườn núi.

Thời gian đã quá lâu nên tôi không còn nhớ chính xác được là ngày nào của thời gian này nhưng hôm đó vào tầm khoảng 9h sáng, khi chúng tôi mới bắt đầu hành quân được vài giờ đồng hồ. Đường lúc đó khó đi lắm, có đoạn dốc gần như đứng, người trước ở trên mông nó cao bằng đầu thằng đứng dưới. Lính túm những cành cây để lấy điểm vít mà bước lên, có lúc phải nhích lấy nửa bàn chân mình để bước để đặt chân mà leo lên cao hơn. Đoạn dễ đi hơn thì sườn dốc thoai thoải, lính cúi gập người mà bước mà dướn người lao lên phía trước, súng đạn vật dụng lương thực nặng đè vai khiến đội hình C2 chúng tôi tản mát cả. Nhìn thằng Bình đứng xõng lưng chống khẩu B40 ngay trước mặt mình đó nhưng để leo lên tới nơi chỗ nó đứng cũng là cả một vấn đề.

Bất chợt, trước mặt chúng tôi có 3 người trong giây lát đứng xõng lưng trừng trừng mắt nhìn chúng tôi đang bò lên, nó ngạc nhiên lắm nên đứng nhìn không có bất kể phản xạ tự nhiên nào. Chúng tôi thì đang ở phía dưới ngước cổ nhìn lên, bất ngờ hoàn toàn và trong tư thế vô cùng bất lợi. Thằng Bích lính Thái bình, xạ thủ trung liên RPD đi cùng tốp đi đầu cũng cách 3 thằng lính Pốt kia khoảng 30m, nó nhanh tay quật được khẩu RPD trên vai xuống và nổ súng trước. Do vội vã nên nó bắn loạt đạn đầu chưa được chính xác, 3 thằng lính Pốt kia bỏ chạy tạt ngang theo sườn núi.

Chúng nó chạy không nhanh nhưng chúng tôi thì khó hạ chúng trong điều kiện này, anh em ở dưới nhìn lên thấy thoáng bóng địch thì bắn vội lên, số anh em phía trên vứt hết đồ lại xách súng đuổi lên. Thằng Bình vác B40 ngắm ngắm mà chẳng biết bắn vào đâu, nó cứ rê súng tìm mục tiêu trong tư thế bắn ngược dốc đứng phía dưới nhìn ghê không gì tả nổi. May nó không bắn khi thấy thoáng bóng thằng Bích cùng số anh em khác đang lao lên tìm địch.

Chỉ vài giây sau súng phía trên nổ ran trời, cả 3 thằng lính Pốt bị lính C2 chúng tôi hạ gục thu về 2 khẩu AK báng gấp và một khẩu báng gỗ cũ, số súng này sau đó chúng tôi phải phá hủy vì không ai mang vác được. Đập bẹp thành súng, tháo những phụ kiện súng vứt đi mỗi nơi mỗi bộ phận, dùng báng sắt của khẩu AK báng gấp làm búa đập cho nòng súng cong đi, đưa đầu súng vào những khe giữa những hòn đá mà bẻ mà dùng chân đạp. Thật là khổ, diệt địch xong lại phải lo phá hủy vũ khí nữa.

Phải nói rằng hôm đó chúng tôi gặp may, nếu 3 thằng lính Pốt này mà phát hiện ra chúng tôi sớm và bình tĩnh chiến đấu có lẽ cả D7 chúng tôi no đòn với chúng. Chúng tôi ở thế quá bất lợi, đi còn chẳng nổi chứ đừng nói đến đánh nhau, đã vậy chúng ở trên cao hơn so với chúng tôi. Vậy mà chúng không biết tận dụng lợi thế địa hình lại bỏ chạy để rồi dẫn đến bị hạ gục bên sườn núi nửa đất nửa đá này. Sau đó thằng Bích kể lại mấy thằng lính Pốt này cũng chỉ 14, 15 tuổi thôi, mấy thằng trẻ con này biết gì đâu chứ gặp mấy thằng lính Pốt già đời một chút là nhục với chúng đấy.

Đời lính chiến đôi khi có cái may hơn cái khôn chẳng biết để nói trước được điều gì, có vô khối thằng lính phải chết vì tay một ông chỉ huy sai sót trong chiến đấu và cũng có cả ông tướng phải chết ở tay thằng lính vớ vẩn không tên và cũng chẳng có tuổi. Cái may mắn chỉ là trong gang tấc, chỉ là nhanh chậm hơn nhau một giây, ai bóp cò súng trước người đó sẽ có cơ hội sống nhiều hơn. Chiến tranh nó là vậy đấy, nó rèn luyện cho những người lính chúng tôi.

Chiến đấu trên đồng nước mênh mông ngập tới ngang bụng, mỗi bước chân lội dưới nước bị cản lại như đeo đá dưới chân. Đạn bắn găm xuống nước chụp chụp rồi sủi bọt ngay cạnh mình, viên đạn xượt trên mặt nước văng ngược lên quay ngang đầu đạn nghe âm thanh veo chiu rợn người. Rồi những phát đạn pháo, cối nổ tung tóe trên mặt nước cuộn lên cột nước cùng đất đá bùn mảnh văng tứ tung. Những trận càn quét truy đuổi địch trong mùa khô khốn khổ đó, hành quân, hành quân và hành quân, đeo nặng đeo nặng và sụn lưng vì nặng, khát nước tới khô cháy cổ họng giữa rừng núi và những cơn nắng nóng như đổ lửa lên đầu. Những trận đánh đến tóe lửa mờ mắt ù tai vì đạn pháo, đạn nhọn của địch bắn, đến mức khó kiếm được cái lá cây lành trong trận địa. Và hôm nay leo núi vác nặng hơn cả những vận động viên với súng đạn quân trang nồi niêu xoong chảo lỉnh kỉnh cả trong những cơn mưa dầm dề hàng tháng trời không dứt.

Chúng tôi lúc đó còn quá trẻ để chấp nhận sự gian khổ này nhưng không thấy ai kêu ca phàn nàn gì, chiến tranh đã rèn luyện nên những con người có sức chịu đựng ngoài tưởng tượng. Lúc đó chúng tôi hiểu được rằng sức mạnh của chúng tôi là tinh thần đoàn kết, tính kỷ luật cao của người lính chiến đấu bên nhau, mỗi người cùng nhau chung lưng gánh vác nhiệm vụ gian khó lúc bấy giờ và không có một điều gì là không làm được không có một khó khăn nào không vượt qua được.

Rừng núi Urang vẫn mịt mù trùng điệp trước mặt, mưa vẫn rơi bất kể lúc nào và nhiệm vụ của chúng tôi vẫn còn phải tiến lên phía trước.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3