Hồi Ức Chiến Trường K - Chương 115

Chương 13 Tiếp tục càn quét

* * *

Sáng hôm sau chúng tôi dậy sớm chuẩn bị cơm nước, thu dọn tư trang rồi lên đường luôn, anh nuôi đã chuẩn bị cho bữa cơm trưa rồi, mỗi người mỗi nắm cơm, thế là đủ cho khẩu phần ăn của lính. Gạo cũng đã gần hết mà chưa thấy được bổ sung thêm, chắc do đường vận chuyển khó khăn nên phải chờ khi nào ra gần đường chính xe cộ đi lại được thì tiếp tế mới có. Nhưng cũng chẳng cần phải lo, chúng tôi chưa từng bao giờ thiếu gạo, chuyện hậu cần của đơn vị khá tốt, có thể thiếu hụt trong bữa ăn chứ chưa từng bị đói.

C2 chúng tôi tách rời khỏi đội hình tiểu đoàn đi theo hướng đã định được vẽ sẵn và thống nhất ngày hôm trước trên bàn đồ, mỗi C của D7 cách nhau khoảng vài trăm mét, càn sâu xuống phía nam của sườn tây núi Kimry rồi từ đó rẽ về hướng đông, như vậy là sẽ càn bọc quanh nửa ngọn núi này. Rừng ở đây cây nhỏ cùng bụi lúp xúp, tre gai nhiều, những trảng trống nhỏ to giữa rừng đan xen một vùng rộng lớn và loại cây táo dại khá nhiều. Cây thì giống cây táo ta mà chúng ta vẫn thấy, cành xoè ngang với những quả bám dọc cành nhiều vô kể, gai táo khá sắc và đương nhiên vẫn lại là loại quả không ăn được. Những bụi cây cứt lợn nhiều hơn vùng khác, cây đổ rạp bò ngang mặt đất, cây ngóc cổ mọc lên, lính chúng tôi dẫm đạp lên mà bước, người đi sau ngửi mùi hôi của loại cây này bốc lên do bị đạp dẫm nát. Loại cây này thì đâu cũng có và mọc tràn lan, chặt phá đốt như vậy mà nó vẫn cứ mọc sau mỗi cơn mưa, phải công nhận rằng sức sống của nó thật mãnh liệt.

Thế rồi những người đi đầu của đội hình C2 phát hiện ra những hầm chông, những vạt trảng rộng được cắm chông tre xiên về một hướng, những cái chông tre được vót khá sắc và nhọn, đầu đâm ngược lên trên, những hố bẫy được che đậy bằng những lớp đất mỏng, những cơn mưa mấy ngày trước đã làm lộ hết mấy cái hố chông này. Chúng tôi đã hiểu đây là cuộc chiến tranh du kích, kiểu chiến tranh mà chúng ta đã dùng từ mấy chục năm về trước đối với Mỹ.

Những hố chông không to lắm nằm trên những đoạn đường mòn trong rừng, những khúc dễ đi thường là đoạn phẳng, lớp lá dầu to được chúng đậy phía trên rồi rải đất phủ che bề mặt, dưới cắm ngược vài cái chông tre. Thỉnh thoảng có thấy những bệ chông bằng sắt được hàn chặt với cái đế sắt và 5-7 cái chông sắt nhọn đầu, điều đó chứng tỏ Pôn Pốt cũng đã tính từ trước phương án này nên mới cho sản xuất từ trước, chứ sau này chúng ở trong rừng thì lấy đâu ra phương tiện để làm mấy cái thứ này, nếu có là thứ sản xuất sau này thì cũng gặp khá nhiều khó khăn.

Ôi cái hàng rào phòng thủ của thủ đô Phnom Penh2 là như thế này sao? Chế độ Pôn Pốt hoàn toàn nhầm lẫn và đánh giá sai mất đối thủ của chúng rồi, nhân dân Việt Nam, quân đội Việt Nam là cha đẻ ra kiểu chiến tranh này, là những người thày đã từng dạy chúng cách đánh này trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Cách đánh này chỉ dùng đánh nhau với bọn lính con nhà giàu, bọn dùng bom đạn dập tơi bời vào một vị trí nào đó rồi xe tăng thiết giáp ào ào tiến tới, bộ binh bám theo làm chủ trận địa, làm chủ chiến trường.

Đánh với lính Việt Nam mà chơi kiểu này thì chỉ có mà gặp hạn nặng, lính Việt Nam luồn rừng như trạch, sống trong rừng lâu hơn cả khỉ, sức chịu đựng là vô biên, có thể trường kỳ theo đuổi cuộc chiến để có được thắng lợi tuyệt đối. Kinh nghiệm chiến tranh du kích luôn có dư, kết hợp với cách đánh rất tài tình của những đơn vị tinh nhuệ bất thần đánh những trận ròn rã, đến Mỹ và VNCH còn chịu không nổi, đừng nói mấy thằng Pốt ranh con này.

Chúng tôi đã đi như vậy thêm 2 ngày nữa, đêm nghỉ lại đâu đó bên cánh rừng của khu vực núi Kimry. Đã có những dấu vết mới của địch để lại trên mỗi bước đường chúng tôi đi qua, vài bếp lửa mới, mấy bãi dừng chân của địch để lại, dấu vết khó rõ rệt song hình như chúng tôi luôn là đuổi theo sau lưng chúng thì phải. Vế bên kia của núi Kimry còn gặp địch lẻ tẻ chứ ở đây chỉ thấy dấu vết nhưng lại không gặp những nhóm địch lẻ tẻ đó. Có những vết chân voi khá to, những bó cỏ mà voi ăn dở vứt lại ở những vị trí chúng đi qua, phân voi mới thải ra còn nóng, chứng tỏ chúng cũng chỉ lẩn quấn quanh đây và điều quan trọng nhất là chúng hiện đang ở đâu? Đó là bài toán cho toàn bộ lính E209 phải giải cho ra.

Khi đã về đến hướng nam núi Kimry rồi mà chúng tôi vẫn chưa gặp địch. Lương thực hết cần trang bị thêm, chỉ trong có một buổi chiều chúng tôi được trang bị gấp 2 cơ số gạo, tại sao có gạo lúc đó trong khi 3 bề 4 bên là rừng thì quả thật khi đó chúng tôi không được rõ. Phải mãi sau này chúng tôi mới biết được là vùng khu vực nam Kimry rất gần đường 132 hướng từ Udong đi Amleeng, điểm gần nhất là 20km cách đường, sau này có một thời gian ngắn đơn vị tôi chuyển cứ về đây vào mùa khô năm 1980.

Sau khi đã được cung cấp đủ lương thực dài ngày chúng tôi lại tiếp tục càn sâu thêm về hướng nam rồi chuyển sang hướng đông quả núi Kimry. Lúc này thì liên tục gặp những bãi phân voi rải khắp khu vực này, những bếp nấu ăn mới của địch bỏ lại nhiều hơn sát nhau hơn. Một buổi sáng chúng tôi càn ngang một cánh rừng gỗ dầu, trúc nhỏ dưới chân ngang tầm bụng xanh mướt, sương đêm qua vẫn còn đọng trên những lá cây khiến ống quần chúng tôi ướt hết đến tận thắt lưng. Đội hình vẫn đi và trên vai chúng tôi lúc đó cũng nặng hơn rất nhiều, 2 cơ số gạo- thêm chục kg nữa trên lưng. Nhiều người đã bắt đầu thấy kiệt sức vì mệt mỏi, sáng ra đi hành quân còn đỡ chứ tầm khoảng 10h trở đi lính tráng chúng tôi còn bê bết nữa.

Những cơn sốt rét rừng bắt đầu hoành hành, những thằng lính nhiễm bệnh sớm, nhiều người sốt tới 39- 40 độ mà cũng vẫn phải bám theo đội hình, anh em thương quá vác đỡ cho cái gì đó chứ nhìn chúng nó vật vờ bám theo đơn vị, thương quá mà chẳng giúp gì được nhau hơn. Anh Phượng lúc vượt lên trên đội hình, lúc tụt xuống kiểm tra đôn đốc anh em bám nhau trên suốt dọc đường đi. Anh cũng đeo nặng như anh em khác chẳng thua kém gì, sỹ quan chỉ huy thật đấy nhưng cũng chẳng khác lính bao nhiêu, hơn nhau khẩu súng. Lính chúng tôi nhẹ nhất mang AK còn C trưởng thì đeo K54, thế thôi nhưng lại cõng hộ mấy thằng đại liên hòm đạn hay thêm mấy quả đạn cối 60ly, đâu lại vào đấy, quá tội có khi còn nặng hơn lính mà không biết.

Lúc đó vào khu vực khá quang đãng, một bãi rộng với những gốc dầu thưa, lính C2 chúng tôi phát hiện ra bãi phân voi mới nguyên cùng một đống dây xích sắt giữa rừng, điều đó chứng tỏ đêm qua hay ngày hôm trước địch mới ở đây. Điện báo về D ngay lúc bấy giờ, trên nguyên tắc, khi nào bên nào trong D nổ súng thì thông tin liên lạc sẽ lên máy ngay lúc đó, còn nếu không có thì cứ khoảng 1h đồng hồ lên máy gặp nhau báo cáo tình hình hướng mình rồi tắt máy. Cũng phải một lúc lâu sau chúng tôi mới liên lạc được với tiểu đoàn bộ, thông tin này rất quan trọng cho mũi hành quân của chúng tôi khi đó, gặp địch chỉ còn là một sớm một chiều cùng lắm là nay mai, điều đó còn tùy thuộc vào duyên phận giữa chúng tôi với nhóm lính Pốt này.

Trên suốt dọc đường đi từ hướng tây Kimry về hướng nam gặp khá nhiều những lán che tạm, cũng những dãy nhà lá giữa rừng, từng khu vực đi qua đều gặp. Thỉnh thoảng có những cái Phum cũ đổ nát với những bờ tường xây cũ hoặc nhà gỗ đã được dựng lên từ nhiều năm của thời gian, xiêu vẹo hoang vắng đến lạnh lùng. Cấp trên không cho đốt bỏ những dãy nhà này hay nổ súng lung tung để giữ bí mật đội hình. Chúng tôi tới một ngã 3 đường mòn đi vào phum, đây là cái phum cũ hơn chục nóc nhà sàn gỗ với con đường vào phum cỏ mọc tràn lan, những bờ rào cũ cây leo mọc nhằng nhịt.

Buổi trưa ở đó tôi tranh thủ hái được nắm lá nấu canh, nào rau mồng tơi già leo với cái lá, ngọn bé tý dai nhanh nhách, ít rau ngót già mọc dọc bờ rào hoang dại và cả lá ớt, mấy quả mướp già đanh bé như quả dưa chuột leo trên các mái nhà cũ, một mớ rau lộn xộn cũng đỡ thấy thiếu rau ăn trên đường hành quân. Ngay giữa cái ngã 3 này có cây me nằm đó, chung quanh cái phum đổ nát này đã bắt đầu thấy ruộng, ruộng trống với những cây lúa ma phất phơ lác đác, lâu nay khu vực này chẳng cấy hái gì, tất cả chỉ còn lại là tàn tích của một thời nào đó lâu rồi xa xưa lắm rồi sự sống đã từng có ở đây.

Cũng cái ngã 3 phum nhỏ này tôi có 2 kỷ niệm suốt đời không quên nhưng đó là sau này còn hiện tại nó bình thường như những gì tôi đã từng đi qua của những năm tháng đó. Cuộc đời này cũng lạ, có những cái tưởng bình thường nhưng lại không hề bình thường một chút nào, nó có thể sẽ là một dấu chấm hay dấu phảy của cuộc đời mình mà trước đó mình không thể hình dung ra. Đó là những cái bất ngờ từ những cái nhỏ nhất gắn liền nó với mình đi hết cuộc đời.

Bản đồ khu vực núi Kimry (Phn. Chiemre)

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3