Hồi Ức Chiến Trường K - Chương 117
PHẦN 10
LOVEA- AMLEANG-KIMRY
Chương 1 Kẻ về người đi
* * *
Chúng tôi về đến căn cứ núi Lovea lúc trời đã bắt đầu về tối, cả doanh trại chỉ có 2 thằng lính ốm đau ở lại trông nom, vắng vẻ quạnh hiu quá. 2 thằng ở cứ tối đến không dám ngủ lại trong đơn vị, tối là tìm đường ra ngoài mắc võng nằm ngủ, ban ngày mới dám về chăm lo tưới tắm cho rau. Những luống rau muống chúng tôi trồng giờ đây đã chuyển từ màu xanh sang màu phớt trắng cả lá và thân ngắn chưa đầy gang tay.
Bữa cơm chiều đó vội vàng, lính cũng chẳng thiết tha gì ăn uống, khẩn trương thu dọn lại nơi ăn chốn ở sau nhiều ngày bỏ hoang phế rồi đi ngủ. 2 ngày tiếp theo lính chúng tôi thay nhau ngủ, mọi sinh hoạt của đơn vị gần như trầm lắng, sáng lên bếp anh nuôi nhận cơm ăn rồi ngủ, trưa chiều cũng vậy. Nhưng sang ngày thứ 3 thì bắt đầu có lịch công tác mới, tập trung lên hội trường C bộ họp, học chính trị, rút kinh nghiệm cho toàn chiến dịch vừa qua, bình bầu khen thưởng.
Chỉ tiêu là 5 bằng khen, 5 giấy khen cho cá nhân trong C2, rồi đề nghị phong quân hàm cho anh em binh sỹ tham gia chiến dịch, cũng vẫn chỉ tiêu trên rót xuống với số lượng có hạn. Cái này thì do ban chỉ huy đại đội bàn kín với nhau, mặc dù chỉ có 2 người là anh Phượng và anh Tập nhưng cũng diễn ra khá sôi nổi, nên phong cho ai và chưa nên phong quân hàm cho ai.
Gì chứ chuyện khen thưởng, bệnh thành tích thì tôi đã rõ, rất dễ gây mất đoàn kết, mồm thằng nào cũng: tao không cần, tao không quan tâm, nhưng nếu để ý kỹ sẽ thấy nó không hẳn vô tư như vậy, thấy ai đó có điều gì hơn mình tý chút là mặt mũi sưng vù, sau lưng nói năng bậy bạ rồi. Tính ích kỷ cá nhân lộ rõ và cái bản chất xấu xa của loài người lâu nay bị lửa đạn thiêu rụi, nay có đất ươm mầm, đâm chồi nảy lộc, nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn bằng những bới móc xỉ vả nhau cả trước mặt lẫn sau lưng. Một cuộc chiến nội bộ không có tiếng súng song cũng chẳng kém phần cam go ác liệt.
Tôi thì chẳng ham hố gì chuyện này, khá kín tiếng phát biểu trong những buổi họp đơn vị về vấn đề này nhưng nhiều người rất hăng hái đến mức thể hiện rõ đòi hỏi đấu tranh cho quyền lợi cá nhân mình. Thế rồi mọi chuyện cũng qua đi, người được cũng đã được, người không được cũng chẳng mất gì, nhưng lúc đó tôi đã nhận thấy ở đây có một chút vấn đề. Thực ra cả 2 bên đều mất mà chẳng được cái gì cả, họ đã tự đánh mất đi cái tình đồng đội từng chia ngọt sẻ bùi với nhau, từng chia lửa với nhau ở những trận đánh khiến cho kẻ địch phải thất điên bát đảo và giờ đây họ lại trở về với câu chuyện ngụ ngôn : Người đi săn và con chó, rất người và cũng rất thực tế.
Trên D bộ D7 có sự thuyên chuyển công tác, anh Thành heo tác chiến xuống làm C phó C3, anh Điều tây B trưởng 12.8ly C5 lên thay, anh Tập chính trị viên C2 lên F học bổ túc chính trị 3 tháng nên chuyển anh Thao B trưởng vận tải D7 xuống làm chính trị viên phó C2 tạm thời quyền chính trị viên trưởng. Trong C2 có 4 suất đi học trường quân chính Quân đoàn 4 tại Việt Nam, nâng trình độ cán bộ B chỉ huy cấp dưới: anh Lâm, Trinh, Thành tréc, Đoàn B phó đi học đợt này. 3 người đi học hạ sĩ quan Đồng dù: Thanh ụ mối, Khoa đại liên và Đáng trố cũng nhanh chóng khăn gói quả mướp về trường.
Chưa hết anh Ban B phó nằm trong danh sách đội văn nghệ F cũng bị gọi tập trung chuẩn bị cho hội diễn, đội bóng đá E, F cũng đi mất Phúc lỳ. Vượng kều lên đội bóng chuyền F, thế rồi hội thao bắn tập sắp tới cũng gọi đi mất 2 người. Vài anh em khác đi viện E, F, những vết thương cũ tái phát nhức mỏi, vài người sức ép pháo từ cái thời thuổng cuốc nào đó nay tức ngực khó thở cũng lần lượt khoác ba lô hành quân lên viện.
Sáng hôm đó tôi với anh Phượng sang bụi tre bên kia đường cách doanh trại 200m chặt mấy cây tre về đan tấm phên che cho kín góc nhà C bộ, lần đầu đi chặt tre tôi không biết cách nên chặt phải những cây tre mà chặt xong không thể rút được xuống. Muốn chặt tre thì phải nhìn cây rồi lần về gốc mà chặt sao cho sau khi xong rút xuống cho dễ, tre ở đây lắm gai nhiều cành khó rút lắm, nó dính vào nhau hàng búi tướng. Chặt cây này đến lúc sang cây sau lại phải chặt cao lên một chút mới có chỗ vung dao bởi vậy càng chặt thì mình càng phải trèo cao, đến khi cuối cùng cái cây tre chặt được chỉ còn một đoạn ngọn.
Anh Phượng đứng dưới cứ cười bảo tôi là thằng dốt không biết gì chuyện chặt tre, lúc nghỉ giải lao anh ấy mới nói với tôi :
- Lần này có một chỉ tiêu đi học sĩ quan lục quân1 Sơn tây, mày đi học sĩ quan đi.
- Em nghe nói sĩ quan lục quân1 phải học hết lớp 10, nhưng em chưa học hết lớp 10.
- Thì cứ đi đi rồi về trường học sau, ai bắt mày đâu mà phải lo. Tao muốn mày tránh xa chốn này ra, càng xa càng tốt.
- Đi học sĩ quan lục quân1 có nghĩa là suốt đời mặc áo lính mà em thì chẳng thích sự gò bó của môi trường quân đội, em chẳng có tham vọng gì ở đây chỉ muốn khi nào hết chiến tranh thì cho em về nhà, thế thôi anh ạ.
- Chiến trường ác liệt quá chẳng biết lúc nào còn lúc nào mất để mong có được ngày về. Mày biết thằng Quân đã từng nói gì với tao không? Khi nó bị thương cáng lên D lúc đó tao ở C3, nghe tin tao lên ngay, nó có gửi mày cho tao, trông nom mày làm được điều gì tốt nhất cho mày thì làm và tao đã hứa với nó. Giờ đây tao muốn mày đi khỏi đây cái đã, đi càng xa bao nhiêu càng tốt cho mày, đi đi em.
Tôi không nỡ từ chối nhưng cứ nghĩ đến suốt đời phải mặc áo lính với chiến trận như hiện nay làm tôi thấy rùng mình. 10 trận chưa chết thì 30 trận rồi 50 rồi 100 trận lớn nhỏ, sẽ có lúc mình không thể giữ nổi mình, chỉ một sơ xuất nho nhỏ thôi cũng đã là xong rồi. Vẫn biết thằng lính thời nay cũng chẳng có ngày về nhưng ít nhất cũng còn có chút hy vọng, cuộc chiến tàn cũng là lúc giải trừ quân bị, nếu còn là lính thì mới mong được về, còn khi đã khoác lên mình bộ quân phục sĩ quan thì coi như suốt đời không cởi ra được. Làm lính thời loạn lạc xông pha chiến trận cũng là thường nhưng là sĩ quan mãi mãi thì quả thật là tôi không muốn, đó cũng chỉ là cái sở thích ham muốn hay không muốn của cá nhân tôi thôi.
Thằng Hồng văn thư được cử đi lấp vào cái chân đi học trường sĩ quan lục quân1 đó, nó nhanh chóng hoàn tất thủ tục giấy tờ bàn giao lại sổ sách văn thư đơn vị lại cho tôi rồi lên đường. Tôi lại phải kiêm thêm công việc văn thư của nó nữa, cũng chẳng sao văn thư đại đội thì cũng có việc gì ghê gớm lắm đâu. Nó đi rồi không ai gặp lại nó nữa và nó cũng không viết thư về đơn vị cũ, có lẽ nó đã quên những ngày tháng gian khổ đó, nó có quên thì cũng phải, nhớ thì cũng chẳng để làm gì.
Nhìn lại đơn vị, còn ai nữa nhỉ? Họ đi đâu hết cả rồi? Những anh lính gọi là có chút kinh nghiệm chiến đấu đã lần hồi ra đi bỏ lại một đống các em dại ngơ ngác chẳng hiểu mô tê gì nữa. Trống vắng cô đơn đến tội nghiệp, mất hết niềm tin, chẳng còn chỗ dựa nào nữa cho những trận đánh sắp tới nữa đây, lo lắng vì chúng tôi hiểu được rằng cuộc chiến tranh này chưa có hồi kết thúc.
Bù lại số anh em bị thương của những trận đánh trước đây về lại đơn vị, trại ăn dưỡng chờ giải quyết chế độ D33 Lai khê Sông Bé giải tán, ai đủ thương tật 31% thì được cấp đầy đủ giấy tờ ra quân luôn, ai từ 30% trở xuống thì quay lại đơn vị chiến đấu tiếp, lần này về đơn vị trên chục anh em. Chiều đó tôi đi về đến đơn vị thấy một ông lính nào đó lạ hoắc với cái quần lính đã sửa hơi loe loe, cái áo lính bó chẽn lấy thân mình, gày gày cao cao, ngông nghênh khật khưỡng có vẻ phớt đời lắm, bê cái chậu xuống hồ nước C2 tắm giặt, tôi thắc mắc hỏi :
- Thằng nào thế nhỉ?
- Đông Ske, Đông ske đấy, tay chơi của C2 cũ đấy, lính 1974 Vĩnh phú bị thương từ trận đầu 12.1977 ở Tây ninh, nằm trại an dưỡng mãi rồi không đủ loại, bây giờ trả về đơn vị cũ.
À! Ra vậy, con người huyền thoại của C2 chúng tôi đây rồi,biết tiếng nhiều rồi, lần đầu biết mặt nghe tên, một tay trùm bầy hầy của C2 từ thời đánh nhau với VNCH là con người này đây. Ngay buổi sinh hoạt đơn vị đêm hôm đó lão ấy đã tuyên bố một câu xanh rờn làm ai cũng trố mắt :
- Đáng ra là tôi đã ra quân không về làm phiền đơn vị nữa nhưng vì cái thằng bác sỹ Phổ của F7 nó khám bố láo cho tôi nên mới được có 28% thương tật vì vậy tôi mới phải về đây ăn bám đơn vị. Bản thân tôi sức khỏe yếu, vết thương lúc khỏi lúc không nên tôi cũng xin báo trước để các đồng chí thông cảm chứ cá nhân tôi không thể cùng công tác với các đồng chí được. Gì chứ gác đêm là tôi không gác, ai muốn gác hay không tôi không quan tâm. Nếu thằng lính Pốt nó có vào đây thì tôi cũng bảo nó rằng : tao không bắn mày, tao không đánh mày nên mày cũng đừng bắn tao, để yên cho tao ngủ. Những sinh hoạt khác tôi cũng không làm được, kể cả lên anh nuôi lấy cơm về ăn tôi cũng không làm được, ai muốn mang cơm về cho tôi thì mang, nếu không cứ để tôi chết đói đấy cũng được. Nói chung là tôi sẽ không làm gì hết ở đơn vị này, các đồng chí muốn phân công ai cũng được, nếu cảm thấy không chịu nổi tôi thì cứ trả tôi lên cấp trên, mà ai giỏi thì tước quân tịch của tôi cũng được.
Ô hay! lão này ngỗ ngược đến thế là cùng, đây là đơn vị, là chiến trường chứ có phải trại an dưỡng nhà lão ấy đâu mà ngỗ ngược quá vậy? Thế mà đơn vị chịu lão ấy đấy, đành phải lờ đi cho qua chuyện, không lẽ túm tóc đánh cho một trận, lão ấy đàn anh mình mà đánh lão sao được, thôi thì cứ để đến lúc lính Pốt nó phang vào đít xem lão ấy xử trí ra sao cái đã. Tuy nói cứng vậy thôi, lão ấy dằn mặt ban chỉ huy đại đội vậy thôi chứ lão ấy sống với anh em cũng không đến nỗi, thậm chí có người còn quý cái tính hay hề hề hà hà của lão ấy nữa, vui như Tết, rộng rãi có gì là bày hết ra anh em cùng hưởng, luôn mồm ca hát những bài ca bất hủ và bài Giã từ vũ khí là bài hát tủ của lão ấy đấy.
Anh Xuyên B phó người dân tộc Mường bị thương tháng 12.1978 cũng đã về, trong lúc nằm viện bị rắn cắn phải cắt thêm mấy ngón tay. Khổ, không được tính là thương tật, bàn tay mất mấy ngón với những vết đen loang lổ, sau này những trận đánh phải dùng AK bằng tay trái thì mới có ngón tay xiết cò súng. Vinh lùn cũng về trong số này, vết thương ở đầu chưa đủ để cho nó về làm anh thợ mộc. 18% thương tật thì về chiến đấu là điều chắc chắn, tôi xin cho nó về B1 của anh Thắng, dù sao ở đó cũng nhiều cơ hội sống hơn những chỗ khác lúc này, anh Thắng cứng hơn những cán bộ B khác hiện còn ở đơn vị. Khi còn ở trại an dưỡng Vinh lùn có tranh thủ tạt té ra Bắc thăm nhà, nó có ghé thăm bố mẹ và các em tôi mấy ngày Tết năm trước, tin tức gia đình nó mang vào đơn vị cho tôi xưa như trái đất.
Số đông anh em khác có vài người là tân binh tham gia trận ngã tư đường tàu bị thương nhẹ nay vết thương khỏi hẳn cũng quay về đơn vị. Trong đó có thằng Thể bị thương tại cánh trái núi Lovea mà tôi đã lao ra cứu nó với vết thương ở mông, cái mặt nó lúc đó xanh nhớt nhìn tôi đầy lo lắng, hỏi một câu hết sức buồn cười làm tôi nhớ mãi : Anh ơi em có phải chết không? Gặp nó tôi mới hỏi : Nào mang cái mông mày lại đây anh xem nào. Nó cười cười ngượng nghịu kể lại cho tôi nghe giai thoại vết thương ở mông của nó, có lẽ nó ngượng với tất cả mọi người chuyện này nên chỉ kể cho riêng tôi.
- Em bị viên đại liên nó bắn xiên qua giữa 2 quả mông cách hậu môn 2 cm, hoàn toàn phần mềm. Lúc vào viện chẳng có gì ăn, toàn ăn rau muống nên thịt nó lồi ra từ 2 đầu của vết thương thế rồi nó dính vào nhau như cái cầu bằng thịt bắc ngang qua hậu môn của em vậy, mỗi lần đi vệ sinh rất là khổ.
Tôi không thể nhịn nổi cười bởi cái chuyện vết thương của thằng Thể rồi thêm chuyện hậu vết thương sau này nữa thì quả đúng đó là một giai thoại của lính. Sau này thằng Thể về đơn vị chiến đấu như những anh em khác, vì nó to con, hơi lùn cao khoảng 1,58m đến 1,6m là cùng nên phân công nó vác RPD. Khi gặp địch quân ta truy đuổi, có những lúc đuổi địch chạy quanh khu vực núi Kimry đến 4-5km liền, săn đầu này chặn đầu kia cứ như trò chơi công an bắt gián điệp thời trẻ con với nhau vậy. Khi vận động nhiều, chỗ cầu nối hậu môn của thằng Thể nó rách ra và thế là máu chảy thấm hết ra ngoài quần từ chỗ đó. Anh em trêu chọc nó rồi ai đó gán ghép cho nó cái tên Thể "tới tháng", nó cáu lắm, nhưng sau anh em thấy như thế là hơi bất nhã nên đã bảo nhau đừng gọi nó như vậy nữa.
Dù đã được bổ sung quân số đi viện về nhưng C2 chúng tôi cũng đã yếu đi nhiều lắm rồi, số anh em mới về không mấy người còn đủ khả năng chiến đấu cao, số cũ cũng lên giường lên võng nằm dần vì bệnh sốt rét, dàn đồng ca ư ử ừ ư vang lên khắp các B trong C2 mỗi khi buổi trưa đến. Cứ khoảng 10h sáng trở đi lại xuất hiện những bóng lính vật vờ tìm chỗ chuẩn bị chiến đấu với bệnh sốt rét rừng, cho đến 5h chiều thì dứt cơn và lại những cái bóng đó lờ vờ ngồi dậy tìm cơm tìm nước uống. Sau cơn sốt rét đó bao giờ ăn uống cũng rất khỏe, có người ăn 3 bát cơm đầy mà vẫn thòm thèm, thiếu chất quá cơm bù lại vậy.
Ác nhất là lúc lính ăn được thì lại chẳng có gì để ăn, buổi trưa tôi hay xách súng đi kiếm cái gì cho anh em, chim cu gáy hay bìm bịp lông vàng đỏ nhiều lắm nó hay đậu trên những ngọn thốt nốt xa xa doanh trại. Súng của tôi bắn không chính xác, nếu để bắn chim thì cái lông chim chẳng được, chính lúc đó C2 chúng tôi mới lòi ra một cao thủ bắn chim cu gáy chỉ bắn vào đầu đó là thằng Vinh bọ người thành phố Vinh. Chỉ cần nó đi một buổi chiều là có thể có 5-3 con chim về nấu cháo cho mấy thằng sốt rét ăn rồi còn tôi nếu có đi, bắn chim thì ít, rình bắn chó của dân trên phum Peeng Lovea thì nhiều.
Quân trang niên hạn lần đầu được nhận, chậm hơn với niên hạn phát gần 6 tháng, quần vải xăng gai pha nylon, áo kaki Quân khu7 màu hơi ngả mắm tôm, được cái dày dặn chắc chắn, đồ lót có cả áo may ô Trung quốc khá đẹp. Lính chúng tôi ăn mặc tươm tất hơn, nhìn oai phong hơn ngày nào rất nhiều.