Hồi Ức Chiến Trường K - Chương 119

Chương 3 Du kích Campuchia đi phối thuộc

* * *

Đêm đó chúng tôi ngủ lại bên bờ con suối dưới chân khu chùa đổ ngã 3 trong của Amleeng, bình thường như những cái bình thường của trăm ngàn đêm ngủ trên những cánh rừng Campuchia khác. Dòng suối ngay bên với tiếng nước chảy róc rách và trên trời thỉnh thoảng lộp bộp vài hạt mưa, cuối mùa mưa rồi, sương nhiều lắm, sáng ra sương đọng đầy trên lá cây ngọn cỏ và lúc gần sáng thì sương hơi mù mù giăng giăng như làn khói nhẹ trước mặt, cảnh vật âm u tĩnh lặng vô cùng.

Sáng đó một số anh em trong C2 chúng tôi dậy sớm lội ngược lên trên dòng nước suối, đi xa cách vị trí dừng chân nơi bờ suối khoảng 200m đi bẻ măng tre măng vòi kiếm chút đồ ăn thêm. Khi tới khúc có cành hay bụi tre gai tróc gốc đổ xuống lòng suối chắn ngang dòng nước thì phát hiện ra 3-4 xác chết của lính Pốt dưới dòng nước mắc lại chỗ mấy cành tre, đã trương phềnh to như con trâu. Anh em chạy ngược về báo cáo chuyện những xác chết này, nghe xong ai cũng thấy lợm giọng, từ chiều qua đến giờ đều ăn uống tắm rửa, vệ sinh cá nhân ở đây cả, mà cũng mới đây tôi cũng vừa đánh răng rửa mặt xong.Thôi thì khạc nhổ, mặt nhăn mày nhó với nhau, nhưng thôi trót nuốt mất rồi,trót ăn mất rồi, cái thứ mà mình thấy ghê ghê tởm lợm đó nó đã thấm vào từng tế bào trên cơ thể mình rồi. Có khạc nhổ hay ghê tởm thì nó cũng chẳng giải quyết được việc gì, thôi đành mặc thây nó như vậy thôi và cố gắng nhắm mắt lại để quên đi cái cảm giác đó.

Chuyện này được báo cáo ngay lên D bộ thì được biết khoảng 10 ngày trước đây E141 của F7 cũng mới càn qua khu vực này và từng hạ địch tai đây, họ hạ địch xong, nó nằm đâu thì mặc xác chúng nằm đó, nước suối chảy đã kéo những xác chết đó trôi về đây và mắc lại bởi những cành cây tre đổ xuống lòng suối. Như vậy là địa hình này luôn có những đơn vị của chúng ta liên tục càn quét địch tại khu vực này, đơn vị này đi qua đơn vị khác sẽ chà sát lại, thay nhau không nghỉ săn đuổi tiêu diệt địch tại đây. Cũng chỗ này cách đây gần 4 tháng E bộ tiền phương của 209 và thông tin F7 đóng quân cho đầu chiến dịch truy quét Tà Mốc mà, ngay chúng tôi cũng đã từng ở đây ít ngày nhưng ở trên chỗ chùa đổ ngã 3 rẽ trái chứ không đi thẳng về hướng Bắc như lần này.

Lênh của ban chỉ huy tiểu đoàn cấm lính ăn uống tắm rửa trên con suối đó nữa mà lấy nước ăn nơi cái hồ nhỏ gần con suối, giữ vệ sinh tốt hồ nước cho mình và cho những đơn vị bạn sẽ đến sau có nước sạch mà dùng, mùa khô sắp đến rồi. Hồ nông nhìn rõ cát vàng đáy hồ, nước trong veo, cỏ cây quanh hồ nhỏ xanh ngắt.

Chúng tôi được nghỉ lại khoảng 3 ngày ở đây, chẳng biết lý do tại sao nhưng chiều hôm đó một chuyến xe ô tô chở đến một đám dân thường K, toàn đàn ông và thanh niên cả. Quần áo K lôm nhôm, đen, xanh và có cả màu sắc khác cùng khăn cà ma quấn trên đầu, chân đi dép cao su, những túi mìn khâu bằng vải thường khoác vai hay ba lô xộc xệch, lép kẹp nhàu nhĩ, không súng và cũng chẳng có đạn. Chúng tôi nhìn nhau khi thấy đám người hỗn quân hỗn quan kia lạc lõng giữa những đám lính quân tình nguyệnViệt Nam sắc phục khá ngon lành, vài thằng hỏi nhau : Dân K hay tù binh địch đây? Lính bác Hênh thì không phải rồi, lính bác Hênh ăn mặc còn ngon lành hơn chúng tôi nhiều lần, làm gì có cái chuyện ăn mặc lộn xộn như thế này, chắc lại tù binh hay dân K thôi.

Sau đó chúng tôi được giải thích đây là số quân du kích địa phương của K, họ được bổ sung xuống những đơn vị chính quy chiến đấu của ta, đi theo để làm giúp những công tác vận tải vận chuyển và học tập những kỹ năng tác chiến bộ binh trên chiến trường. À! Ra vậy họ muốn được học tập, muốn được cùng chịu đựng chia sẻ những khó khăn ác liệt với chúng tôi. Nhưng họ không được giao vũ khí mà chỉ làm những công tác vận tải, tối ngủ không phân công họ gác đêm theo đội hình của đơn vị, kế hoạch của chính quyền K Cách mạng muốn gửi họ đi theo ít nhất là 3 tháng rồi trả họ về với địa phương.

Thằng liên lạc kiêm văn thư tôi lại phải chạy lên D bộ nhận 6 người du kích K về đơn vị, từ C2 đóng quân sát suối đến cái chùa đổ cũng xa phết đấy chứ, leo dốc thoai thoải cũng gần 300m chứ chẳng ít đâu. Trong số này tôi nhớ nhất có một anh du kích K, người cao to lực lưỡng, cơ bắp cuồn cuộn đen nâu với cái quần to rộng, chó táp 7 ngày chưa đến gấu, khăn cà ma xọc đỏ quấn trên đầu với cái cây tre làm đòn gánh túi mìn đeo vai, hình như tên Dân ( lâu ngày rồi không nhớ lắm ). Tôi lúc đó cao xấp xỉ 1,7m rồi mà cũng chỉ đứng tới cằm anh ấy, số còn lại thường cao to hơn lính Việt Nam chúng ta và ai cũng khỏe.

Tôi dắt đám du kích này về đơn vị, nhóm du kích này vui lắm, mới về đến đơn vị là tìm chỗ ngồi rồi, loanh quanh loanh quanh là tìm chỗ ngồi đã, rồi thì thụt nói chuyện với nhau. Nói thật là chúng tôi chẳng hiểu gì đâu, họ có nét văn hóa chuyện mà cả sau này tôi để ý vẫn thấy mỗi khi họ túm 5 tụm 3 lại với nhau. Họ kể nhiệt tình, người nghe cũng nhiệt tình rồi cùng nhau ồ lên cười với những hàm răng trắng tinh đều tăm tắp. Ai đó cao hứng thì đứng dậy diễn tả bằng hành động cụ thể của cái mà anh ấy biết, chúng tôi cho rằng họ đang diễn kịch cho nhau xem thì phải, rồi cũng vỗ tay tán thưởng lẫn nhau, đôi khi gây mất trật tự ồn ào nhưng vui.

Để ý mãi rồi sau này cũng hiểu, họ hay tả lại với nhau khá chi tiết những gì đã diễn ra gần đây nhất mà mắt họ trông thấy, rồi tả lại cả bằng hành động. Ví dụ thằng lính Pốt nó chạy như thế nào rồi bị ai đó hạ gục ra sao? khi nó trúng đạn bật ngã theo tư thế gì? và cả lúc lục đồ của thằng Pốt kia nó có mang theo cái gì và cái gì đã vứt đi, cái gì đang còn cầm theo đây. Hay thật, một nét văn hóa nói, văn hóa kể chuyện giữa cuộc sống đời thường của người dân Khmer và theo tôi thì ai trong số họ cũng có thể là diễn viên của đoàn kịch nói nào đó.

Buổi giao ban trong C2 hôm đó diễn ra khá sôi nổi, các cán bộ B không ai muốn nhận nhóm lính du kích K này mặc dù đơn vị đang rất thiếu người, mỗi B chỉ có 4 người là hết nhưng vẫn không muốn nhận. Anh em đưa ra vô vàn lý do để thoái thác nhưng tôi hiểu họ sợ, sợ sự phản thùng của nhóm người không rõ nguồn gốc tung tích này, vì khi nói thì họ không hiểu nhưng anh em nói thì hay nhìn họ nên họ hiểu được chúng tôi đang bàn bạc điều gì đó về họ nên họ trật tự lắng nghe và cố gắng để hiểu bằng hành động hay cử chỉ mà chúng tôi đang nói.

Nhưng cuối cùng thì cũng phải đi đến kết luận là chia lẻ họ ra, mỗi B mỗi bộ phận đưa về một người và chất tất cả những gì nặng nề nhất lên vai họ, tối không yêu cầu họ gác đêm, không giao súng nhưng có thể giao đạn cho họ gánh. Nói tóm lại là dùng người, dùng sức khỏe của họ cùng mình đi qua gian khổ nhưng không được tin. Thế thôi, ngắn gọn là như vậy.

Cũng đúng thôi, nhỡ có chuyện phản thùng theo địch hay chính họ cũng là lính Pốt cũ trá hàng trà trộn vào du kích K thì hậu quả ai là người chịu đây? Thiệt thòi lớn nhất là những thằng lính chúng tôi do mất cảnh giác và thiếu thông tin về nhân thân con người nên 2 chữ cảnh giác vẫn luôn là cái không bao giờ thừa và nhất là ở trong hoàn cảnh này lại càng thấy cần thiết.

Cán bộ cấp B cũng có ý kiến chuyện ăn mặc của họ lôm nhôm quá, sợ lúc tác chiến bắn nhầm phải họ thì cũng khổ thân họ ra nên có đề nghị bắt họ bỏ khăn cà ma đi. Nhưng cũng khó bởi đó là cái vốn được gọi là truyền thống của họ, nó là một phần của trang phục đời thường của họ và cũng là vật dụng bất ly thân với nhiều công năng trong sinh hoạt cuộc sống của người Khmer, làm sao bắt họ bỏ đi cho được, lính chúng tôi cũng đâu có dư dả gì mà chia bớt cho họ cái áo cái quần. Thế rồi cũng đi đến quyết định, úp lên đầu mấy tay du kích K này cái mũ cối, bắt buộc phải đội trong mọi hoàn cảnh để tránh bắn nhầm phải nhau.

Vừa dễ nhận ra nhau vừa kinh tế và cũng lại là cái chúng tôi có sẵn, lính đi rừng cũng ngại đội mũ lắm, nắng trên đầu thì mặc thây nắng, mưa thì trùm cái vải mưa qua đầu là xong, mũ nón quái gì cho mệt xác. Nhân chuyện cấp mũ cối cho lính du kích K, một số anh em dưới B trêu chọc nhóm này bắt họ phải đội mũ cối cả khi đi ngủ nữa, nằm trên võng cũng phải đội mũ cối. Lúc đầu họ sợ nên nem nép chấp hành nhưng sau biết bị trêu thì tối ngủ họ buộc treo cũ cối ngay đầu võng, hình như họ bảo nhau làm như vậy vì thấy ai cũng làm thế cả.

Thành ra sau này, đi càn quét suốt đợt này trong đơn vị chúng tôi có thêm đám dân quân du kích K đi cùng và trong đội hình có thêm bóng áo đen cổ quấn khăn cà ma gánh gồng đồ đạc và trên đầu lúc nào cũng sùm sụp cái mũ cối. Lúc đầu chưa hiểu nhau còn thế thôi nhưng sau này đi với nhau nhiều, rồi quen biết cùng ăn cùng ở, cùng sống chết có nhau thì cái khoảng cách về ngôn ngữ bất đồng hay dân tộc, tôn giáo hay du kích với quân tình nguyệnViệt Nam nó cũng dần san phẳng. Thu được súng của địch thì tháo cái kim hỏa ra cất đi, đưa súng cho họ vác rồi tối đến cũng phân công họ gác sách cùng với lính mình. Rồi giao súng đủ cả bộ phận để họ cùng mình tác chiến và họ cũng khá là chấp hành kỷ luật, trong trận đánh cũng lăn xả hết mình, khi bắt được tù binh thì họ khai thác tình hình địch cũng rất nhiệt tình và mang về vô khối thông tin cần thiết cho chiến dịch.

Họ vui vẻ sinh hoạt, tham gia chiến đấu với chúng tôi như những người lính bình thường khác, họ vẫn sống theo cái văn hóa của riêng họ túm 5 tụm 3 ồn ào chuyện rồi cả đóng kịch diễn tả một vấn đề nào đó rồi cười vô tư. Ngày chúng tôi về bảo vệ PhnomPenh mừng một năm Giải phóng thì trả họ về địa phương, họ chẳng đòi hỏi gì nhiều chỉ xin cái giấy viết tay bằng chữ Việt Nam không dấu má gì cũng được, xác nhận thời gian đó họ tham gia chiến đấu cùng đơn vị quân tình nguyệnViệt Nam rồi vui vẻ trở về quê cũ làm ăn sinh sống. Anh em lính chúng tôi cho họ cái gì được thì cho, tặng nhau cái gì được thì tặng, chia tay hẹn ngày gặp lại và họ tay xách nách mang những ba lô bồng đồ căng tròn sau thời gian ở với chúng tôi. Chẳng có gì đâu trong những ba lô đó ngoài mấy thứ lấy được của lính Pốt, họ tiết kiệm thu nhặt về coi như đồ làm quà cho người thân nơi quê nhà.

Chúng tôi ở lại ngã 3 trong của Amleeng đúng 3 ngày, bổ sung thêm du kích K rồi chuẩn bị hành quân tác chiến về hướng thác nước nằm trong sát dãy núi đá. Lần trước chúng tôi đã đi về hướng tây rồi vòng lên hướng bắc, sau đó tạt về thác nước, nhưng lần này thì đi thẳng về hướng bắc ngay từ ngã 3 trong, lên hướng bắc vào phía thác nước đó.

Trận càn quét này hoàn toàn do đột xuất, có thể thông tin quân báo nắm được điều gì đó quan trọng đang xảy ra tại khu vực này nên các đơn vị của E209 chúng tôi cũng lần lượt tập trung về đây, còn có thêm những đơn vị nào khác không thì không được rõ. Quân số chúng tôi đi vào thác nước không cần thiết quá đông nên những anh em của cả D7 sức khỏe còn yếu do sốt rét được để ở lại bên ngoài, số khác vẫn theo đơn vị như bình thường, điều đó rất phù hơp với hoàn cảnh của số anh em đang ốm đau. C2 đâu vài người được ở lại, họ tập trung hết về cái chùa đổ.

Chiều hôm trước khi chuẩn bị cho sáng ngày mai đi tác chiến, một chuyện động trời đã xảy ra ở chính cái ngã 3 trong Amleeng này. Kinh khủng khiếp ngoài sức tượng tượng của chúng tôi nhưng nó cũng là cái đã rồi, cái không thể sửa được nữa, cái mà tất cả chúng tôi phải chấp nhận vì đó là điều thực tế của chiến trường.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3