Hồi Ức Chiến Trường K - Chương 126
Chương 10 Con kỳ đà khổng lồ
* * *
Cả D7 chúng tôi đã càn quét xong khu vực hướng bắc núi Kimry và bắt đầu chuyển về hướng đông của núi, từ khu vực này về khu có dân cũng không xa lắm, nếu cứ căn theo núi mà đi về hướng đông thì khoảng gần 20km là bắt đầu có dân ở rồi. Những nhóm dân ở những phum sóc này chẳng biết là dân ta hay dân địch nữa, cũng chẳng biết chính quyền bác Hênh đã về đây chưa tổ chức chính quyền của họ ra sao?
Thời đó phong trào du kích địa phương trong chính quyền bác Hênh phát triển mạnh, họ cũng tổ chức những nhóm du kích K giữ gìn bảo vệ phum sóc, giữ chính quyền Cách mạng K non trẻ. Chỉ có điều họ ăn mặc lôm nhôm quá, vẫn mấy khẩu AK, vài ba băng đạn và quân trang cũng chẳng có, vẫn những bộ quần áo đen như thời Pốt mũ mềm chân đi dép cao su. Họ chẳng khác gì những thằng lính Pốt từng bị hạ gục ở biên giới tây nam hay những thằng mới bị D7 chúng tôi hạ ngày hôm qua bên hướng Bắc núi Kimry này. Để khẳng định một thằng lính Pốt hay du kích K lúc đó thì chẳng có cái căn cứ nào là chắc chắn. Ta, địch lẫn lộn, khó nhìn bằng hình thức và cả khó đoán bằng cảm tính cũng như linh cảm của người lính.
Hướng đông Kimry lác đác có đồng ruộng, những bông lúa ma mọc lên giữa những trảng ruộng cũ, đất đai có vẻ màu mỡ hơn và cây rừng cũng thưa hơn song sự hoang sơ của suối cạn cùng những bụi tre gai nhằng nhịt bám quanh những trảng ruộng thì vẫn là nhiều hơn vùng khác. Vùng này nhiều cây me chua cho quả lúc lỉu với những cây xoài to đại thụ nhưng quả thì èo uột quắt queo chua loét. Lính chúng tôi ăn chua giỏi lắm cứ gặp cây là hái quả mà ăn đôm đốp, nhai rau ráu, chấm với muối ớt giã nhuyễn, ăn xong mặt mũi đỏ gay, uống nước ừng ực, vậy mà lần sau lại ăn chẳng thấy ghê răng gì cả.
Một sáng hôm đó, khi đang càn ở hướng đông Kimry ngay gần một con đường mòn chúng tôi phát hiện từ xa một chiếc xe bò đang túc tắc đi trên đường vào hướng núi. Chiếc xe khá đẹp và cầu kỳ theo phong cách xe bò Khmer với cái đầu càng cong vút bên trên buộc những túm len màu xanh đỏ, từng khấc của cái càng cong có những chiếc khuyên bịt kim loại trắng. Cặp bò trắng rất đẹp, khỏe mạnh, lông trơn bóng, 2 con bò đực cường tráng với 2 cặp sừng đều tăm tắp. Người Khmer họ chăm chút cho cái xe bò và cặp bò kéo rất kỹ, đó là phương tiện đi lại, là công cụ sản xuất, sức cày sức kéo, là cỗ xe chuyên chở, là xe hoa đưa đón cô dâu trong ngày cưới và cả niềm tự hào của những gia đình dân tộc Khmer. Với họ, đó là tài sản lớn trong gia đình, là thứ giúp họ đi qua cuộc sống khi không có một thứ văn minh phát triển nào khác, đó là cuộc sống đời thường của những người dân thuần nông Khmer từ nhiều đời nay và họ vẫn sống bằng cái truyền thống đó.
Chiếc xe bò bị chúng tôi bất ngờ chặn lại, khi xe vào gần mới phát hiện ra bộ đội Việt Nam rồi bỗng chốc từ sau những gốc cây chúng tôi đồng loạt đứng dậy thì chủ xe mới biết đã đi lọt vào ổ phục kích của chúng tôi chờ sẵn. Trên xe có 2 người, một già cũng cỡ 60 tuổi rồi, nét già nua cằn cỗi thể hiện trên mặt với thằng cu con cũng cỡ 12-13 tuổi ( tuổi biết bắn súng rồi ), họ chắc là 2 ông cháu chứ không phải cha con. Ông lão người K sau khi hốt hoảng thấy sự đột ngột xuất hiện của chúng tôi trước mặt thì nhảy vội xuống xe nói gì đó với quân tình nguyệnViệt Nam. Ông ấy móc trong túi ngực ra tờ giấy nhàu nhĩ với vài chữ tiếng Việt Nam, đọc mấy dòng chữ này thấy lộn hết cả con ngươi mắt bởi chữ ông bộ đội Việt Nam nào đó mà xấu thế không biết, hàng lối lộn xộn, vừa đọc vừa phải luận, chữ với câu cú lủng lẳng, chẳng dấu má củ khoai con triện gì cả.
Tôi cũng chẳng nhớ cụ thể lắm câu chữ trong tờ giấy đó nhưng đại ý : QDVNVN - Đây là dân phum này sóc kia tỉnh KamPong Chnang ( tỉnh cái niêu đất ) đi làm ruộng, đề nghị những đơn vị Việt Nam khác nếu gặp tạo điều kiện cho họ đi làm ruộng làm ăn. Chúng tôi kiểm tra xe nhưng không có bất kể cái gì nghi vấn ngoài vài dụng cụ sản xuất, khám người họ cũng chẳng có gì. Anh Phượng kiên quyết ra lệnh bắt quay trở lại không cho vào khu vực Kimry.
Gọi thằng Ánh là thằng biết tiếng K khá nhất C2 chúng tôi lúc đó vì thằng này hay trốn ra dân học tiếng nên biết nhiều, bảo nó dịch lại cho 2 ông cháu nhà kia nghe, lệnh ngay tức khắc rời khỏi vị trí này, nếu gặp thêm lần nữa sẽ " banh ngọp " không chậm trễ. Xe quay đi rồi chúng tôi vẫn thấy thắc mắc không hiểu vì sao họ đi vào đây làm gì, giữa cái chốn ta địch tùm lum thế này, đất ngoài kia thiếu gì mà phải lội vào đây mà trồng trọt, củ quả rừng ngoài kia có khi còn hơn trong này nhiều vì ở đây có gì đâu, vào đây nhỡ chúng tôi bắn chết nhầm thì sao? Vừa khổ cho họ mà chúng tôi thì cũng chẳng sung sướng gì.
Chiều hôm đó chúng tôi nhận được điện của D7 gọi lên D lấy thực phẩm, nhóm anh nuôi tổ chức mấy người đi lên D bộ, anh Phình lúc này là quản lý C2 muốn nhờ tôi đi cùng vì tôi thuộc đường hướng hơn những thằng khác trong C bộ, cực chẳng đã thì phải đi thôi chứ đi về cũng cả chục km đấy. Tôi xách súng dẫn anh em anh nuôi đi, khi đến nơi tôi thấy anh em hậu cần D đang xả những tảng thịt bò lớn chia nhau, nhìn kỹ thì nhận ra hình như đây là thịt con bò trắng mà sáng nay chúng tôi mới gặp 2 ông cháu kia trong rừng.
Thì ra 2 ông cháu nhà kia không quay ra ngay như lời cảnh báo của anh Phượng mà rẽ đường khác đi, gặp lính D7 họ chẳng nói chẳng rằng phệt luôn một con bò ngã gục rồi cắt xẻo lấy phần ngon nhất mang về chia cho các C bộ binh cùng ăn. Số còn lại bèo nhèo bùng nhùng đó họ bê ném hết lên cái xe bò của 2 ông cháu nhà kia và nghe đâu họ đang loay hoay mấy tiếng đồng hồ rồi mà vẫn chưa đi được bao xa bởi xe bò kéo có cặp mà họ chỉ còn một con bò. Sang ngày hôm sau lính C khác vẫn gặp họ trong cái cảnh bò một bên 2 ông cháu một bên đẩy xe bò loanh quanh trong rừng chưa đi được bao xa.
Tôi thấy tội nghiệp cho họ nhưng rồi cũng cố đẩy cái ý nghĩ đó khỏi đầu mình bởi biết đâu tình thương cảm này của mình không đúng chỗ.
Rồi những trận đánh nhỏ lẻ diễn ra chớp nhoáng với ít phút nổ súng là đi vào trật tự ngay, ta thắng địch thua là chuyện đương nhiên rồi. Trong suốt thời gian đó chưa mộtlần địch chủ động tấn công vào đội hình càn quét của chúng tôi mặc dù chúng tôi đi khơi khơi giữa những con đường trong rừng hay trảng trống, chúng luôn bị truy đuổi và chạy tháo thân trước mũi súng lính D7. Diệt địch bên hướng Đông núi Kimry ít hơn và cũng ít ngày sau là chúng tôi càn quét xong hướng này, mũi D7 cũng đã chuyển dần về hướng nam Kimry, đoạn đường này chúng tôi đã đi qua một lần rồi và bộ nhớ của những thằng lính thì chưa thể quên nhanh như thế được về địa hình này.
Lúc đó gần như thằng lính bộ binh nào của D7 chúng tôi cũng có cái địa bàn của Trung quốc, chiến lợi phẩm thu được của địch, nhiều người cũng chẳng biết dùng làm gì nhưng cũng cứ lấy nhét vào ba lô thỉnh thoảng lấy ra chơi, anh em xin những tấm bàn đồ cũ rồi những lúc nhàn rỗi lôi ra dạy nhau cách xem bản đồ hoặc tìm phương hướng. Có lẽ lính dạy lính nhanh tiếp thu nên gần như lính C2 thằng nào cũng biết chút ít về bản đồ địa bàn chỉ có điều không mấy khi sử dụng đến. Kể từ đây, cả khu vực Kimry này chúng tôi thuộc từng hòn đá gốc cây, trảng cỏ vạt rừng, bờ suối cây cầu gỗ hay những mái nhà trong những phum cũ chưa kịp đốt phá của lần tác chiến trước.
C2 của chúng tôi có thằng Do lính đại liên chuyên vác cái tầm súng là loại ngơ ngơ nhất đơn vị, nó cứ như thằng thiểu năng trí tuệ vậy nhưng khỏe thì không ai bằng, ăn cũng khỏe, nó có thể làm bất kể cái gì miễn được ăn no, 2kg gạo cho một bữa nó đánh bay. Với nó ăn no và đánh nhau là cái đáng quan tâm còn lại mặc xác chúng mày muốn dắt tao đi đâu cũng được, ấy vậy mà đôi khi nó cũng nói nhiều câu hay ra phết, đi đến đâu sẽ gặp cái gì ở đâu và ở đâu, chỗ đó nó được ăn cái gì, ai kiếm được cái gì cải thiện giữa cái chốn củ gì trái gì lính Pốt nó cũng hái hết cả rồi trừ mấy quả chua không thể ăn nhiều được. Lính đã thuộc nằm lòng vùng đất này tới từng con suối ngọn cây.
Chiều hôm đó khi ánh chiều cũng đã tà tà rồi, quá trưa nắng gắt mệt mỏi vì đi trong rừng thưa đến giờ cũng đã thấy mát hơn rất nhiều, mặt trời đã xuống thấp hơn ngọn cây, lúc đó chúng tôi bắt đầu về đến hướng Nam Kimry. Cứ đi một đoạn lại đụng xác chết của địch, một khúc lại gặp thêm vài xác nữa nằm lộ thiên giữa trời đất bao la, mùi ô uế nhức mũi chịu không nổi. Chỉ cần cách khoảng 100m đã ngửi mùi và lại gần 50m thì phải nín thở, nhiều xác chỉ còn là bộ xương lùng bùng trong cái đống giẻ đen đó, vài xác trương phềnh căng nứt ngả màu nâu đen dưới trời nắng gắt và ruồi nhặng luôn vi vu trên những cái tổ ô uế này.
Với ai tôi không biết nhưng với tôi thì cái này là tôi sợ nhất trên đời, tránh xa, đi nhanh khỏi đó là cái tôi luôn nhanh nhất đơn vị mỗi khi đụng cái của nợ này... Lần đó đang càn thì thấy anh em đi đầu hô ầm lên đuổi đuổi, tôi đi phía sau cách người trước cũng cả 50m, trên tôi có vài du kích K gánh gồng đi trước và tôi cũng đã bắt đầu ngửi thấy cái mùi ô uế kia phảng phất. Thường thì những chỗ có mùi ô uế đó là không có địch, chắc lính Pốt nó cũng chẳng muốn ở gần đồng đội của nó lúc này nên tránh xa, mấy du kích K vứt cả bồng đồ mà xách đòn gánh đuổi, thôi thì nhốn nháo cả lên.
Nhiều người hô tránh ra để bắn, người khác bảo đừng, sợ đạn lạc, chúng tôi cũng nhao lên xem cái gì, giữa những cây trúc nhỏ ngang tầm bụng mà cứ thấy cái gì đó lao phía dưới rẽ hết cả cây ra mà chạy thành những vệt đường và cuối cùng thì những thằng chạy lên sau như tôi cũng biết được là con kỳ đà. Vừa hay, cái tay Dân du kích K to cao lừng lững kia phang một đòn gánh vào giữa lưng con kỳ đà làm nó lăn quay ra, thế rồi mọi người xúm vào đập, dùng những hòn đá to đập thẳng vào đầu nó đến nát bét, sau đó buộc cổ vào cái đòn gánh của tay Dân kia mà gánh đi.
Trời đất! Chưa bao giờ tôi thấy con kỳ đà nào mà to đến như vậy, nó to như con rồng Komodo của Indonexia vậy, khi tay Dân gánh trên vai mà cái đuôi nó còn quệt đất một khúc dài, nhóm du kích K và quân tình nguyệnViệt Nam đều lắc đầu lè lưỡi với loài bò sát này. Sau đó anh em đi đầu kể lại : Khi tới chỗ đó lão Thi B phó B3 đi đầu phát hiện ra con kỳ đà này đang rúc đầu vào bụng xác một thằng Pốt chết nằm đó ăn nội tạng, khiếp quá, kẻ thu dọn chiến trường bằng cái quy luật rất tự nhiên khiến tôi thấy rùng mình.
Chiều hôm đó đám du kích K rất hăng hái tả bổ xỉa con kỳ đà chẳng quan tâm gì đến tăng võng hay cơm nước như mọi khi, họ thay nhau lôi về những khúc cành cây củi lớn trong rừng về đốt một đống to gần mấy hòn đá thấp, rồi mổ con kỳ đà đó, mổ khan vậy thôi, chẳng nước nôi rửa ráy gì cả. Lột da phơi khô trơ ra lớp thịt, móc nội tạng vứt bỏ rồi cắt khúc mà nướng, từng khúc thịt kỳ đà dưới đống than hồng hay lửa nhỏ chúng vàng dần bốc mùi thơm phức, hơn một chục người K cả du kích lẫn tù binh Pốt bị bắt theo đơn vị cũng hăng hái vào cuộc.
Hình như họ đã quên mất hình ảnh con kỳ đà này nó mới chui đầu từ bụng thằng lính Pốt chết kia ra vậy, hình ảnh đó ám ảnh tâm trí tôi nhiều năm vì sau này chuyện đó chúng tôi gặp thường xuyên ở Kimry. Khi thịt đã chín họ mang từng khúc thịt được bày trên những tấm lá cây gỗ dầu to đến chia cho anh em quân tình nguyệnViệt Nam cùng ăn, nhưng lính C2 đã nháy nhau đừng ai ăn cả, chúng tôi không dám ăn thật, ngay đến thằng Do đại liên tham ăn là thế mà cũng lắc đầu quầy quậy từ chối.
Nhóm du kích và tù binh K kia mỗi người mỗi khúc thịt kỳ đà to tổ bố nướng thơm phức, ngồi vắt vẻo trên những hòn đá, bóc gỡ thịt kỳ đà chấm với muối hạt, nhồm nhoàm ăn, nét mặt đầy thỏa mãn, bữa cơm chiều hôm đó họ đã thay thế bằng thịt kỳ đà rồi tối đó lăn ra ngủ vô tư giữa cánh rừng xanh ngắt. 6 du kích K và đâu 4-5 tù binh Pốt nằm lẫn lộn với nhau, không ai biết họ là người thuộc bên nào chỉ biết tất cả số họ đều là người Khmer, giữa họ không có sự thù địch chỉ còn lại sự đồng cảm giữa những con người mặc dù họ đã từng mang đau khổ đến cho nhau.