Hồi Ức Chiến Trường K - Chương 127
Chương 11 Ngã ba cây me ngọt
* * *
Chúng tôi càn quét chà đi xát lại khắp khu vực hướng nam núi Kimry xong, lùng sục khắp các bờ suối hang cùng ngõ hẻm của khu vực này cho đến một ngày về đến ngã 3 cây me ngọt trong núi Kimry.Cái ngã 3 vuông vắn hình chữ T, có 3 con đường đất đi về 3 hướng, cỏ cây mọc trùm cả ra đường. Đây là một cái phum cũ chắc có từ lâu đời rồi vì nhà cũ 5-7 cái với sàn vách gỗ cầu thang lên nhà sàn khá chắc chắn, chung quanh nhà mới cây và lá thốt nốt lợp che vách mái cũng nhiều.
Hàng dãy dài nhà mới chạy khắp cái khu vực ngã 3 nhưng luôn là im lặng không một bóng người như thường thấy ở đây. Vườn tược cây cối xơ xác tiêu điều, cây rừng mọc lấn cả vào phum, những cây rau ăn được mọc bò lan khắp bờ rào, mái nhà, hàng cọc cây và ngay gần cái ngã 3 đó có một cây me không to lắm, đường kính cỡ trên 30cm là cùng, mọc sâu bên trong vườn cách ngã 3 cỡ 30m.
Nếu đứng ở giữa trung tâm ngã ba cây me này chúng tôi có 3 hướng khá chính xác ở sườn tây của núi Kimry, một đường hướng lên phiá bắc, một đường đi về phía nam và sẽ ra đường 136 và một đường sẽ đi về hướng đông chạy song song với sườn núi Kimry. Từ ngã 3 cây me này đi về hướng đông khoảng gần 2km nữa sẽ có một sườn dốc với chiếc cầu gỗ khá chắc chắn bắc ngang, đường to rộng hơn và nhà lá bám dọc 2 bên đường. Qua khỏi chiếc cầu gỗ lại là một cái phum khác, cũng nhiều nhà gỗ mái ngói cũ cùng nhà lá bám quanh, với những bãi đất quang đãng trước mặt và xa xa dốc đổ xuống là khe, những dòng suối nhỏ quanh co hướng mặt về phía nam.
Cũng vẫn đi thẳng tiếp theo con đường đó 700m xuống cuối con dốc và xoay về hướng chính nam sẽ qua thêm chiếc cầu gỗ nữa khá chắc chắn có thể cho xe cơ giới đi lại với thành lan can cầu bằng gỗ. Phía dưới lòng suối rộng trên 50m là những cây hoa súng nở bông tím đỏ cả một khúc suối, nước sâu trong vắt và bên kia bờ có một bãi phẳng ngay mép suối rất tiện cho lính tắm giặt. Nước ăn cũng được lính chúng tôi đến đây lấy về ăn chỉ cần đứng trên cầu thả cái gầu như múc nước giếng sẽ có được những gầu nước sạch. Sau này sang cuối tháng 3.1980 căn cứ của E209 tiền phương của chúng tôi có chuyển về đây một thời gian khoảng gần 2 tháng nên địa hình khu vực này chúng tôi nắm càng rõ.
Qua khỏi cầu gỗ thứ 2 đi theo con lộ đất đỏ đấy thì cũng về đến đường 136 với mấy dãy nhà ngói ven đường là nơi E bộ đóng quân, nhưng từ đó ra đến nơi cũng trên 20km nữa đường rừng. Có đoạn đường đang đắp dở,có đoạn thoáng rộng, có đoạn đường cũ khó đi, cây cối mọc tràn ra đường nhưng xe ô tô vẫn chạy được và thỉnh thoảng vẫn thấy vết bánh xe bò mới trên những đoạn đường in trên đất cát.
Cũng từ ngã 3 cây me ngọt đó đi về hướng bắc là con đường cặp với sườn tây của núi Kimry, sẽ qua một dãy nhà trong phum xen lẫn nhà cũ vách sàn gỗ với nhà lá, gần phum cây hoa cứt lợn mọc tràn cả xuống mặt đường, chỉ còn là con đường mòn nhỏ tẹo. Bên phải sát với rừng cùng cây lúp xúp, vài ụ mối nhỏ gần mấy cây to, cách đường 15m, bên trái thoáng hơn không có cây to nhưng lại nhiều cây hoa cứt lợn mọc um tùm, những thân cây bằng cỡ bắp đùi người có thể trèo lên mà đi được. Chúng mọc cao đổ xuống rồi những mầm khác lại mọc lên từ thân đổ đó, vươn cao lại đổ xuống, cứ thế tạo thành một dãy bùng nhùng
Cây cứt lợn giăng giăng trên khoảng rộng đó tạo thành khoảng trống phía dưới như những cái hang ngay sát con đường mòn nho nhỏ, dưới những rãnh thoát nước cỏ gà mọc dài trùm kín đan xen cây cứt lợn, che kín chẳng nhìn thấy gì phía dưới mặc dù đang ở giữa ban ngày. Ra khỏi đó một đoạn thì rừng bằng phẳng với cây táo dại rất nhiều mọc ngang lối đi, rừng gỗ dầu thưa hướng lên phía bắc và xa xa có vài thửa ruộng với mấy ngọn lúa ma phất phơ sau những cánh rừng trảng trống. Chẳng đâu nhiều cây hà thủ ô bằng ở đây vừa to thân mập vừa dài ngọn, cho nước xanh biếc như nước chè tươi.
Một cái ngã 3 điêu tàn của chiến tranh đang ở đó và cả từ trước thời những người lính quân tình nguyệnViệt Nam chúng tôi có mặt ở đây. Cái ngã 3 này chắc cũng đã chứng kiến nhiều tàn tích của chiến tranh bởi nó không phải điêu tàn do cuộc chiến tranh ngày hôm nay mà nó đã điêu tàn từ những cuộc chiến tranh trước đó trên đất nước Chùa tháp này. Hình ảnh những cái phum kiểu này chúng tôi đã biết quá nhiều suốt những chặng đường hành quân một năm nay rồi, chẳng có gì khác lạ chẳng có gì là mới mẻ hết, đâu đâu cũng vậy hình ảnh này luôn là con số nhiều mà mắt những người lính thường thấy. Với tôi lúc đầu nó cũng vậy thôi nhưng sau này thì cái ngã 3 bình thường này gắn liền với 2 kỷ niệm không thể nào quên, một khoảnh khắc nhỏ mà người lính mang theo đến hết cuộc đời cùng sự suy ngẫm, khiến nhiều đêm giật mình tỉnh giấc.
Thời gian đó khoảng giữa tháng 12.1979 lúc đó D7 chúng tôi càn về đến ngã 3 cây me ngọt hướng núi Kimry, cũng khoảng tầm trưa rồi chúng tôi mới về đến đấy, lính chẳng có đồng hồ để biết rõ thời gian mà chỉ là ước đoán cũng khoảng 11h gì đó. Lần đó do cắt đường thế nào đó mà chúng tôi đi lệch hướng vào ngã 3 cây me nên phải đi ngược từ dưới hướng nam lên khá xa khiến lính tráng mệt mỏi cáu chửi lầm bầm trong miệng với nhau. Trời thì nắng nóng, vai vác nặng cũng bởi mới được bổ sung thêm lương thực, nhìn thằng nào cũng mồ hôi mồ kê dòng dòng mặt mũi đỏ gay.
Mấy tay du kích K cũng phờ phạc đường đất với đi bộ gồng gánh, lúc này hội du kích K cũng được khoác súng rồi, lúc đầu chúng tôi còn tháo kim hỏa cất đi vì sợ họ 2 mặt nhưng sau một thời gian ở với nhau, hiểu nhau hơn có tình cảm với nhau nên tin tưởng dần. Vũ khí thu được của Pốt đều giao cho họ giữ cả, đêm cũng đã bắt đầu phân công họ cùng gác. Vài thằng tù binh Pốt sau một thời gian ở với quân tình nguyệnViệt Nam cũng dần quen, chúng nó luôn mồm khen ở với quân tình nguyệnViệt Nam sướng quá có thể xin đi theo mãi cũng được.
Những lúc rỗi hỏi đùa chúng: bây giờ cho đi theo Pôn Pốt nữa thì có bỏ đi không? Thằng nào cũng lắc đầu quầy quậy than khổ than nhục, có thằng không ngần ngại kể về gia cảnh của mình với những uất ức chế độ Pôn Pốt đến tận xương tủy mà vẫn phải cầm súng chiến đấu chống lại quân tình nguyệnViệt Nam mặc dù lòng nó không muốn. Có thằng chỉ hiểu đơn giản đi lính Pốt là bởi Ăngka bắt phải như vậy, nếu không đi mẹ cha anh em nhà nó sẽ phải chết, thế thôi còn nó chẳng biết gì nữa. Đánh nhau là điều nó không muốn nhưng nó cũng chẳng có đường để mà lùi dù là lùi vào bất kể cái xó nào trên cái đất nước lắm đau thương này.
Trong cái đội hình C2 chúng tôi khi đó, trên 30 con người thì trên 10 thằng là du kích K và tù binh Pốt mới bị bắt sống gần đây và trong đội hình hành quân thì luôn có những thằng lính mặc đồ đen quấn khăn cà ma nhưng lại đội mũ cối, AK khoác vai gành gồng cùng bước. Đã có những trận đánh nhỏ lẻ diễn ra và mấy tay du kích K cũng như tù binh Pốt xách súng truy đuổi địch hăng hái lắm, họ cũng rất trật tự, giữ kỷ luật chiến đấu nghiêm, lăn xả vào trận đánh không hề có chút vụ lợi hay hèn nhát
Trong số tù binh tôi có cảm tình nhất với một thằng, nó chăm chỉ lắm, chất bao nhiêu đồ nặng lên vai nó thì nó cũng mang chẳng hề kêu ca câu nào, thu súng tháo kim hỏa ấn cho nó thì nó cũng khoác lên người. Tôi hay đùa gọi nó là cái xe cải tiến, xe thồ hàng. Một lần đụng địch, C2 hạ thằng Pốt ngay giữa trảng trống, súng rơi ngang xác chết, nó ném hết đồ nó đang mang, vận động lên thu súng rồi cứ thế theo đội hình vận động của C2 đánh lên phía trước.
Lúc đầu tôi cảnh giác với nó sợ nó làm phản nên vận động sát sau nó trong tư thế cảnh giác, nếu nó có phản ứng bất thường gây hại cho đồng đội của tôi thì ngay tức khắc tôi sẽ là người kết thúc nó trong nháy mắt. Nhưng không, nó nổ súng về hướng địch, xung phong truy đuổi, rúc bờ chui bụi lùng sục khắp nơi như một chiến sỹ quân tình nguyệnViệt Nam trong trận đánh và có lần nổ 2 phát súng nó quay lại nhìn tôi nhoẻm miệng cười. Nụ cười của người chiến thắng, của kẻ có niềm tin trên gương mặt rạng ngời của nó, nụ cười để tôi hiểu rằng nó đã là đồng đội của chúng tôi.
Chúng tôi đi về hướng bắc của ngã 3 cây me rồi dừng lại nghỉ trưa cơm nước, cũng là nghỉ tạm nhưng cũng có sự bố trí đội hình cẩn thận chứ không đến nỗi gặp chăng hay chớ. C bộ đóng ở cái nhà sàn gỗ cuối cùng phum bên phải đường, nhìn sang dãy nhà bên kia là bếp anh nuôi cùng nhóm du kích tù binh K ở đó, họ dừng chân là lo chuyện cơm nước cho lính, ai vào việc nấy cho nhanh có cơm ăn rồi tranh thủ nghỉ trưa ít phút để có sức chiều càn tiếp. Con đường to thì cỏ gà và cây cứt lợn mọc kín, chỉ còn con đường mòn nhỏ từ phum đi ra, bên phải đường có cái rãnh thoát nước như cái mương nhỏ dưới chân.
Từ C bộ đi ra khoảng 70m, bên phải đường 15-20m là B1, dừng chân quanh cái ụ mối, hơi chếch lên trên tý chút qua bên kia đường cách B1 khoảng 50m là B2, dừng chân quanh một gốc cây to khá mát. Dưới C bộ là hỏa lực dừng chân, qua bên kia đường là B3 đang ở. Chúng tôi dưới sự bố trí đội hình của anh Phượng rồi nhanh chóng ổn định nằm chờ cơm, sau một buổi càn quét trong rừng lại còn đi lệch hướng mất chút ít làm lính thấy mệt mỏi nên cũng tranh thủ móc cái võng nghỉ ngơi. Súng đạn dựng dựa quanh chỗ nằm sao cho tiện nhất, nhiều ngày nay tấn công địch trong tư thế áp đảo làm lính cũng chủ quan khinh địch, ít để ý chuyện canh phòng cảnh giới.
Trên C bộ chúng tôi thì chễm chệ leo lên nhà sàn, móc võng nghỉ ngơi, đạp tung tấm vách cho có gió mát lùa qua, tầm nhìn rộng về hướng đông nam chứ nằm dưới sàn nhà vừa nóng vừa khuất tầm nhìn vì cây dại mọc sát cột nhà sàn. Khoảng gần 12h trưa anh nuôi đứng giữa khoảng sân rộng gần C bộ gọi to anh em lên lấy cơm về ăn. Anh nuôi thuộc loại khá chuyên nghiệp, chỉ chưa đầy 1h đã có cơm ăn cho trên 30 con người, bộ phận này khá chu đáo và toàn người rất có tâm cùng nhiệt tình với anh em, họ luôn hoàn thành nhiệm vụ của mình và cả tham gia chiến đấu.
Nếu cần thiết, anh nuôi của chúng tôi đánh nhau cũng chẳng kém gì lính bộ binh cả vì phần lớn họ là lính từ thời chốt chặn biên giới tây nam, cơ bản là lính 1977 và 2 thằng lính 1978 và họ lo chuyện bát cơm manh áo cho chúng tôi không chê vào đâu được. Ngay chuyện cải thiện ăn uống cũng một tay họ lo cả, anh em kiếm thêm cái gì về cũng mang hết lên giao anh nuôi tự làm rồi chia đều cho anh em trong đơn vị cùng hưởng, bữa trưa đó cũng có món rau cải thiện do anh em và anh nuôi hái được bên bờ rào về nấu canh cho đơn vị có chút chất rau giữa rừng.
Các bộ phận lên bếp nhận cơm về ăn, trên C bộ cũng vậy, mấy anh em quây quần bên chậu cơm canh trên cái nhà sàn đó, gắp thức ăn xong chan canh vào rồi lui ra một góc mà ăn cho đỡ nóng, xúm nhau lại làm gì. Tôi ra chỗ mới đạp vách đổ thành cửa sổ ngồi ăn, nhìn ra xa, nắng trưa vàng gay gắt bốc nhiệt hoa hoa theo hướng mắt mình. Mùa khô Campuchia đã bắt đầu một mùa mới và theo kinh nghiệm thì cũng chính là mùa ra trận, thằng Pốt cũng đã nằm ngủ sau một mùa mưa giờ đây là lúc nó bắt đầu tỉnh dậy và thằng Pốt chắc chắn không bỏ qua cơ hội này để vực dậy một thây ma từng làm chấn động dư luận Thế giới.
Giật mình tôi nhẩm tính, tháng 12 rồi. À! một năm qua rồi từ trận đánh đầu đời, bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu biến đổi, kẻ mất người còn ở cái mốc một năm này? Nhưng ít nhất cũng hiểu rằng giai đoạn khó khăn nhất của cuộc chiến đã đi qua và cái giá người những lính C2 chúng tôi đã phải trả thì không hề rẻ chút nào.