Hồi Ức Chiến Trường K - Chương 131

PHẦN 11

RỪNG POURSAT

Chương 1 Trở về sân bay Pochentong

* * *

Những ngày đầu của năm mới 1980 chúng tôi có lệnh rút ra khỏi núi Kimry tập trung về đường 136 nhận nhiệm vụ mới, kể từ ngày đầu chiến dịch lần 2 đến nay trên một tháng rồi. Chúng tôi mong từng giờ từng phút rời xa chốn này, lần này thanh thản thoải mái hơn vì chúng tôi biết chắc rằng địch ở khu vực này còn rất ít nếu có. Các đơn vị theo đường của mình lặng lẽ rời vị trí quay ra đường 136 từ chiều nhưng chẳng biết hợp đồng xe cộ ra sao mà khoảng đến 8h tối mới thấy xe vào đón chúng tôi. Mỗi đại đội một xe, cả lính quân tình nguyệnViệt Nam với du kích K và tù hàng binh lên xe, nháo nhào ốc với vỏ trộn lẫn trên thùng xe.

Xe lắc lư nghiêng bên này ngả bên kia, lăn bánh trên con đường xấu đến thảm hại, khi đi qua Udong không thấy xe rẽ phải để vào đường 51 về căn cứ ở Lovea mà chạy thẳng về hướng bến phà trên đường 5 lính chúng tôi nhìn nhau chưa biết thế nào. Xe đỗ rồi, những bao gạo cùng thực phẩm chất lên xe, lúc đó thì chúng tôi thấy ngán ngẩm lắm rồi, hơn một tháng trong rừng ra cứ tưởng được nghỉ xả hơi ít ngày cho lại sức, ai ngờ về qua đây lại chất thêm lương thực thực phẩm lên xe đi đánh nhau tiếp, đánh nhau nữa.

Ôi đời thằng mục, ăn cơm cục uống nước đục. Sao chúng tôi lại khổ đến thế này, ai ơi hãy thương lấy những thằng lính như chúng tôi chứ, sức chúng tôi cũng có hạn, giao hết nhiệm vụ này đến nhiệm vụ kia liên tục thế này thì chịu sao nổi? Nhiều người đã bắt đầu than vãn nhỏ to với nhau, nhưng nhiệm vụ vẫn là nhiệm vụ, chúng tôi chẳng mong chờ gì ở một sự thay đổi bởi những lời than vãn của lính tráng chúng tôi nhưng được nói ra lòng cũng thấy nhẹ hơn.

Xe chuyển bánh cứ men theo con sông, dọc đường 5 chạy thẳng về hướng Phnom Penh, xa xa đèn điện trong thành phố lờ mờ sáng, 1,5 năm tôi không nhìn thấy ánh điện dù bóng đèn nó đỏ như con đom đóm nhưng sao tôi thấy nó sáng thế. Thủ đô Phnom Penh vắng tanh, không mấy người đi ngoài đường, khi xe chạy ngang một khúc cua nhỏ đèn pha chiếu sáng bên vệ đường vậy mà mắt tôi kịp nhận thấy bóng lính quân tình nguyệnViệt Nam đang tay trong tay với một cô bé mặc xa rông đi bên vệ cỏ có mấy cây dừa. Cô bé đó đang cười cúi mặt e lệ giấu cái tình cảm của mình bỗng chốc bị ánh đèn pha ô tô phô diễn trước bàn dân thiên hạ.

Ồ lạ nhỉ? Một năm rồi mới được quay trở lại chốn này, ngày vào giải phóng thành phố nơi đây là một thành phố chết, không có lấy nổi một bóng người, nhà nhà toàn là kho hàng cùng vũ khí, chỉ có chết chóc với đau thương, sao hôm nay diễn ra trước mắt chúng tôi hình ảnh đẹp thế này? Chúng tôi đúng là người rừng, ở trong rừng mới ra chẳng hiểu được rằng cái gì đã diễn ra gần một năm qua ở cái thủ đô Phnom Penh này. Đúng là người rừng, chúng tôi là những thằng lính rừng và hôm nay, những thằng lính rừng đã trở về thành phố. Lính rừng có một thoáng nhớ về nơi quê nhà, ngày trở về còn mịt mù xa quá.

Xe chạy qua đường cạnh cầu Sập rồi lòng vòng trong thành phố Phnom Penh thẳng hướng về sân bay Puchentong và khi chạy ngang qua trường Đại học bách khoa Phnom Penh là tôi nhận ra đường rồi. Lính tráng trên xe thì thụt to nhỏ, đoán già đoán non kháo nhau, đơn vị mình có lẽ được chuyển cứ về đóng quân tại chỗ cũ từ ngày mới Giải phóng Phnom penh, những hy vọng cùng niềm vui chộn rộn trong lòng tất cả những thằng lính D7 chúng tôi.

Đường phố thủ đô Phnom Penh về đêm vắng vẻ lắm, thình thoáng vẫn thấy những tốp nhỏ lính quân tình nguyệnViệt Nam tuần tra trên đường, không thấy có lính bác Hênh hay môt lực lượng nào khác giữ gìn trật tự xã hội. Vài chiếc xe tải mới cứng, màu trắng tinh, chạy vo vo cùng chiều hay ngược lại, đèn pha sáng quắc, đó là xe của Liên Hợp Quốc làm công tác cứu trợ lương thực cho chính quyền và nhân dân Campuchia, trên xe của họ là những bao gạo đầy. Chúng tôi lúc đó chẳng thể hiểu được tại sao lại có lực lượng cứu trợ của Liên hợp quốc có mặt tại đây, họ đã làm gì và tại sao phải làm như vậy? Chưa có ai giảng giải những điều này cho những thằng lính chúng tôi hiểu cả, đơn giản chỉ cần hiểu họ có mặt ở đây, họ làm gì kệ họ chẳng liên quan gì đến chúng tôi và đương nhiên là không bao giờ bắn vào họ. Còn họ là ai? Tây hay ta, châu Á, châu Âu hay châu Phi hay người Khmer đang lái xe đó trên đường, điều đó không quan trọng, trên thân xe đều có áp phích dán đề can mang cờ Liên hợp quốc rồi không thể có chuyện nhầm lẫn được.

Xe đưa chúng tôi về ngang qua D bộ D7 cũ nơi cách đây một năm chúng tôi đã ra đi theo chiến dịch, một cảm giác bồi hồi nhớ về thời hoàng kim năm trước, kho đông lạnh kia kìa, tôm hùm ăn nhả bã, kho vải to trước mặt chẳng ai lấy làm gì, nghịch ngợm bê về một vài cuộn trải nền nhà sàn cho vui mấy ngày thấy bẩn thì thu lại ném qua cửa sổ, kho dù sân bay nằm sâu bên trong đường im lìm chẳng gợi thêm điều gì. Xe chở chúng tôi vẫn lao phăm phăm trên đường hướng ra quốc lộ4 về cuối sân bay, nếu về chỗ C2 cũ thì nó phải rẽ vào từ lâu rồi chứ sao lại đi ra khỏi thành phố thế này? Nếu về cứ ở Lovea thì chẳng dại gì mà đi vòng qua thành phố cho xa mấy chục km thế này làm gì, phải có cái gì đó khác thường ở đây.

Cũng vừa hay ra gần cuối sân bay là nó rẽ phải đi về hướng Chùa kho bom cũ, lính chúng tôi ồ à với nhau vì lúc này đã hiểu, chẳng phải chúng tôi đi khơi khơi làm gì, nó có mục đích mà cái mục đích đó là gì chúng tôi chưa hiểu thôi. Xe chạy qua con đường với những cây xoài trùm ra đường, quả treo lủng lẳng trên đầu chúng tôi, hái thôi, tự nhiên mà hái, xe đi từ từ, lính cũng từ từ hái xoài trên cây, quả chín quả xanh hái hết, cứ giật quả xuống thùng xe rồi tính sau. C mình ăn không hết thì chia cho C khác, không lo thừa và cũng chỉ một đoạn đường ngắn chúng tôi hái cả bao tải xoài xanh xoài chín trên cây. Xe dừng đổ quân giữa đêm tối cho lính xuống rồi lái xe cũng nhanh chóng quay đầu xe đi luôn, lính chúng tôi chơ vơ giữa đường đất trong đêm tối, gạo nước xoong nồi súng đạn và cả bao xoài xanh kia nữa lỉnh kỉnh.

Anh Hồng đi một vòng rồi chỉ luôn C2 vào kia, may thế anh ấy chỉ chỗ cho C2 ở luôn chỗ này, mấy cái nhà sàn cũ với mấy căn nhà chắc mới dựng gần đây quanh một khu gần đường nhất, vườn dừa cùng cây ăn quả um tùm ở đây. Cứ bước đại vào, chỗ nào quân ta ở mà chẳng được, ai đó do tối trời ngã cả xuống hồ nước cạnh đường, hóa ra cả khu này nước vẫn còn xâm xấp, chỉ có con đường nho nhỏ nổi cao hơn mép nước là đi được, trời tối thế này ngã xuống ruộng là phải. Chúng tôi cứ oang oang nói cười gọi nhau chẳng cần quan tâm chủ nhân nơi đây là ai nữa.

Trên cái nhà sàn gần đường nhất thấy có ánh đèn, mặc kệ họ, lính chúng tôi tràn quanh một khu đất phẳng khá rộng, mấy nếp nhà đều quay chụm vào cái sân vừa phẳng vừa sạch này. Đồ đạc chất hết giữa sân, vũ khí ai người đó giữ, anh Phượng cho lệnh tùy nghi di tản ai muốn nằm ở đâu cũng được, chỗ nào móc võng nằm được là nằm, chỗ nào ngủ được là ngủ, cũng còn vài giờ nữa là trời sáng rồi, mai tính sau chứ đêm tối thế này đèn đóm không có thì làm được cái gì. Hơn nữa chúng tôi cũng đã mệt rồi cần có giấc ngủ bù lại sự thiếu hụt tối nay chưa ăn gì, nếu bây giờ nấu cơm tối ăn có lẽ đến sáng mất mà củi đuốc cũng chẳng có nên tất cả để mai tính sau.

Tôi và anh Phượng móc võng cạnh nhau, một đầu vào cái cột nhà vách lá thốt nốt ngay gần sân còn 2 đầu võng của 2 anh em hướng ra 2 cây gần đó, 2 cây này không móc được võng vì quá gần nhau. Anh Phượng ngại không dám buộc dây vòng vào cột nhà vì không có điểm luồn dây quanh cột, tôi hiểu ý rút ngay con mác chọc thủng luôn một lỗ xiên qua vách rồi thò tay vào luồn 2 dây võng, anh em tôi vài phút sau đã có chỗ nằm rồi. Đang mơ màng thì thấy bóng ai đó cùng bước chân lúi húi đi bên ngoài đường vừa đi vừa rải cái gì đó, thì ra anh An thông tin hữu tuyến của D7 đang đi rải dây hữu tuyến từ D xuống C2. Hóa ra bộ phận này đã được đưa từ cứ Lovea lên đây từ chập tối, anh em hậu cứ biết đơn vị hôm nay về đây còn về giờ nào thì phụ thuộc xe cộ.

Nối xong máy anh An cũng lo đi tìm chỗ móc võng ngủ, tìm mãi chẳng có chỗ nào nằm được anh An đến đánh thức tôi dậy với đề nghị móc võng 2 tầng. Tôi hạ thấp bớt võng xuống cho anh ấy móc cao hơn, thằng nằm trên thằng nằm dưới, thế là lại lục đục chọc thủng vách thốt nốt buộc dây võng cho cả tôi và anh An, anh này làm tôi rách việc quá nhưng anh em mà, rách việc tý cũng được. Chúng tôi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ ngay, nằm bên anh Phượng ngáy pho pho chắc anh ấy quá mệt.

Trời tang tảng sáng đã thấy anh nuôi nấu xong cơm gọi anh em lên lấy cơm về ăn rồi, tôi ngái ngủ chẳng thiết tha chuyện ăn uống lại bị dựng dậy giờ này nên ỳ ra không dậy mặc cho thằng Việt gọi, anh Thao có vẻ khó chịu với tôi nên gắt gỏng nói :

- Bây giờ là mấy giờ rồi mà vẫn còn nằm ườn xác ra đấy?

Bình thường tôi cũng đã không khoái ông này rồi nhân chuyện này tôi bốp chát lại :

- Tôi đi đánh nhau sáng ngày tối đêm chui rừng luồn núi anh có tính giờ với tôi không?

Nghe tôi nói vậy mặt anh Thao tím lại nhưng đành chịu chứ làm gì tôi, tôi quá biết ông này, hơn tháng nay sống gần nhau tôi lạ gì nữa. Lúc nào cũng thích oai, luôn lấy cái tôi của mình làm trọng tâm của vấn đề, coi thằng liên lạc giống như đầy tớ cơm bưng nước rót, hơi tý sai thằng liên lạc nó làm. Đã có lần lên giọng hách dịch sai khiến tôi bị tôi bốp lại vẫn chưa chừa, anh ấy làm như chân liên lạc C trưởng chiến đấu nó bổ béo lắm. Tôi ngán đến tận đỉnh đầu rồi, muốn xuống dưới B từ lâu rồi, vì nể anh em mà ở lại C bộ thôi chứ xin lỗi, làm liên lạc chính trị viên như thằng Việt thì còn lâu tôi mới làm. Mà anh này cũng xuất thân từ liên lạc D7 sao chẳng thông cảm gì với nỗi nhọc nhằn của thằng liên lạc nhỉ?

Anh Phượng biết anh Thao chẳng ưa tôi và cũng biết tôi cũng chẳng thích gì anh Thao nhưng anh ấy mặc kệ không tham gia, dù gì cánh quân sự nó còn thể hiện chút máu lính chứ cánh chính trị thì chẳng khác gì cái loa truyền thanh, lúc súng nổ cái loa sẽ mất điện, lúc yên yên chút ít là cái loa được thể xa xả hát đi hát lại bài ca muôn thủa. Anh Tập cũng chính trị viên C2 đấy nhưng có như thế đâu, anh ấy cũng thương lính lắm chứ, tôi nằm đó nghĩ rồi kết luận, chỉ có ông này thích oai mới cư xử như vậy.

Khoảng 8h sáng tôi mới dậy, đánh răng rửa mặt rồi ngồi uống nước, anh Phượng cũng đã lượn một vòng quanh khu đất đó rồi có kế hoạch phân bổ đội hình. Thường thì việc này của C trưởng nhưng lần này thì tôi thấy anh Phượng cứ kéo anh Thao vào cuộc, nhắc nhở anh Thao lo đôn đốc sắp xếp anh em ăn ở, gặp gỡ dân K ở đây làm công tác dân vận. Người dân ở đây thấy chúng tôi đêm qua rồi nhưng không dậy, sáng ra gặp nhau họ cũng bình thường, không vui nhưng cũng chẳng buồn, không tỏ thái độ gì cả, mặt ai cũng lạnh lùng không thể hiện cảm xúc.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3