Hồi Ức Chiến Trường K - Chương 134
Chương 4 Nhận nhiệm vụ mới
* * *
Chúng tôi mất đứt 2 ngày vì cái chuyện dớ dẩn ấy rồi cũngkết thúc xong trong tinh thần đoàn kết, cái gì đã xảy ra thì cho qua, cái gì chưa xảy ra thì chắc chắn sẽ là không có. Nhưng một điều hết sức bất ngờ đối với lính chúng tôi khi đó và điều bất ngờ đó cũng từ cái chuyện không đâu kia. Hôm đó bác thủ trưởng kia sau cuộc họp với C2 không về ngay mà nán lại làm việc với ban chỉ huy D7 thêm một lúc nữa, tận mắt bác ấy thấy lính tráng chúng tôi ăn mặc nhếch nhác rách nát quá nên đã động lòng trắc ẩn, cuộc họp đó đã nói gì chúng tôi không rõ lắm.
Sáng hôm sau khoảng 10h thì quản lý C2 Phình được lệnh lên hậu cần D7 nhận quân trang cho anh em trong đơn vị, anh em nhanh chóng lên nhận ngay quân trang bổ sung. Cũng cứ tưởng được bổ sung do rách nát trong chiến đấu mà mọi khi thỉnh thoảng vẫn có phát thêm, nhưng hoàn toàn không phải thế, số quân trang lần này có sự tác động của bác thủ trưởng kia nên cả D7 chúng tôi mỗi người tiêu chuẩn được phát bổ sung thêm một bộ quân phục và một bộ đồ lót nữa ngoài niên hạn. Lính chúng tôi mừng hết lớn vì chuyện này, ngoài ra có thêm mỗi người cái mũ mềm kiểu lính bác Hênh, mỗi C bộ binh hay trực thuộc D đều có phát thêm giày dép cao su, thay đi đồ rách nát, chấn chỉnh lại tác phong quân nhân, chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới.
Quân trang phát bổ sung lần này khá kém, áo vải mỏng pha nylon thì màu xanh khó tả hoặc áo vải sợi thô mỏng màu cỏ úa, nhưng quần Kaky Quân khu7 màu hơi mắm tôm, dày dặn chắc chắn khá là đẹp, thôi thì đồ phát thêm có là tốt lắm rồi không ai chê cả, lính chúng tôi nhận về nhưng chưa cho mặc ngay để giành quân trang mới cho ngày lễ sắp tới. Vì để mất 2 ngày nên bây giờ chúng tôi phải vắt chân lên cổ mà chạy mà làm cho xong mọi việc trước ngày 7.1.1980, học chính trị, tranh thủ chỉnh đốn tác phong, chuẩn bị nhận nhiệm vụ mới trong điều kiện hiện tại. Những buổi họp cấp D, C quán triệt nhiệm vụ trước mắt và thông báo luôn cả nhiệm vụ liền kề cùng nhiệm vụ lâu dài của đơn vị.
Ngày 7.1.1980 chính quyền bác Hênh mừng một năm giải phóng, có lễ duyệt binh ra mắt quan khách Quốc tế cùng biểu dương lực lượng quân đội Cách mạng Campuchia, trong lễ duyệt binh có đầy đủ các binh chủng hợp thành của buổi lễ ( lính bác Hênh chỉ có vài đơn vị duyệt binh còn lại toàn lính quân tình nguyệnViệt Nam mặc đồ lính bác Hênh biểu diễn, đồ thật 100% và sẵn sàng chiến đấu ngay cả khi duyệt binh ). Nhiệm vụ của chúng tôi là bảo vệ vòng ngoài của thành phố, giữ trật tự an ninh, hướng dẫn nhân dân bạn tham gia mừng ngày giải phóng trên đường phố. Tin mới nhận được từ cấp trên đưa xuống, Pốt cùng các lực lượng chống đối có âm mưu gây tiếng nổ ở khu tập trung đông người hoặc dùng súng bắn vào đội ngũ duyệt binh nên phải hết sức cảnh giác ngay từ vòng ngoài Thủ đô để bảo đảm buổi lễ duyệt binh an toàn nhất.
Cái khó của hướng làm nhiệm vụ này là chúng tôi không thể khám xét từng người trước khi họ vào thành phố, tất cả chỉ được quan sát bằng mắt thường, nếu thấy thực sự nghi vấn mới được tạm giữ và người trực tiếp kiểm tra là lính bác Hênh. Phải tránh nổ súng đến mức tối đa , khẳng định luôn rằng không nổ súng mới là hoàn thành nhiệm vụ còn phải nổ súng coi như chưa làm tốt công tác bảo vệ buổi lễ duyệt binh.
Nhiệm vụ cụ thể của D7 là bảo vệ gồm 2 lớp, trên dọc đường tàu hỏa phía sau lưng đội hình chúng tôi bây giờ sẽ cắt 3 tổ mỗi tổ ít nhất từ 5 người trở lên của 3 C bộ binh trong D7 chặn gác tuyến đó, nghiêm cấm người đi dọc tuyến đường sắt vào thành phố. Số còn lại của D7 dồn hết theo đội hình C mình, bắt đầu gác từ ngã 3 quốc lộ4 vào tới qua trường đại học Bách khoa khoảng 1km nữa. Kiểm tra tất cả những gói đồ cồng kềnh hoặc tình nghi có vũ khí mang theo của người tham gia buổi lễ, nghiêm cấm tuyệt đối các loại phương tiện đi vào thành phố,(còn đi ra thì được) trừ xe quân sự có giấy tờ in 2 thứ tiếng Việt Nam và Campuchia, dấu đỏ đàng hoàng và trên giấy này ghi rất rõ có giá trị duy nhất trong ngày 7.1.1980.
Trong lúc học chính trị hay phổ biến nhiệm vụ, phân chia đội hình chốt giữ bảo vệ từng vị trí, lên phương án tác chiến khi cần thiết nhất thì cũng tranh thủ từng thằng lính ra ngoài thay nhau cắt tóc cạo râu cho ra hồn thằng lính. Cả D7 có mỗi cái tông đơ cùn cắt nó nhay đau lắm nên phải dùng kéo cắt gọt cho nhau, kéo cũng làm gì có đi mượn của dân thì dân cũng đâu có nhiều cho mà mượn. Cái kéo của dân cắt tóccũng khó lắm nên sau vài đường tông đơ là quay ra cạo sạch chân tóc cao hất lên là xong cái đầu thằng lính. Nhìn buồn cười lắm, trên đỉnh có chùm tóc lòe xòe, dưới chân mai cạo trắng bóc, cao tớn lên, trên đỉnh sợi đứng sợi nằm. Anh Thư chính trị viên phó D7, trên đầu có cái sẹo to tướng gần thái dương, khi cắt cao lên nhìn cái sẹo nhẵn bóng như đánh véc ny vậy. Anh ấy có tên Thư sẹo từ thời kháng chiến chống Mỹ, trước kia là chính trị viên C2, mới đi học Đà lạt về thì làm chính trị viên phó D7, anh ấy đi học một thời gian tôi mới về đơn vị nên anh ấy không biết tôi.
Đối với đám du kích K: cho giải tán trở về quê cũ làm ăn, (chẳng ai biết họ quê quán họ ở đâu trên cái đất nước Campuchia đó), có chế độ đàng hoàng, cấp gạo cho họ cõng về nhà, cấp giấy tờ xác nhận họ có tham gia chiến đấu truy quét Pôn Pốt cùng quân tình nguyệnViệt Nam từ ngày tháng này đến ngày tháng này. Buổi liên hoan chia tay họ cũng có ăn tươi của đơn vị, chúng tôi đã bắt đầu thấy quý họ thì cũng là lúc phải chia tay, anh em có gì đáng giá mang ra tặng họ đem về làm quà cho gia đình. Khi họ đến đơn vị chúng tôi, chẳng ai có gì đáng giá nhưng khi chia tay họ ba lô đầy ngắc, gạo mỗi người mỗi bao đến 20kg chứ không ít, với họ gạo là thứ quan trọng nhất lúc bấy giờ, họ mang vác được bao nhiêu cho họ mang. Cũng rất bịn rịn chào hỏi bắt tay bắt chân nhau, cũng tiễn đưa họ lên D bộ chờ xe đến chở đi, cũng vẫy tay chào nhau trong tình đồng đội. Không bao giờ chúng tôi gặp lại họ nữa song chúng tôi vẫn luôn nhắc về họ một thời luồn rừng Amleeng Kimry truy bắt Tà Mốc cùng chúng tôi.
Đối với đám tù binh Pốt hoặc lính Pốt ra hàng quân tình nguyệnViệt Nam ở Kimry thì dễ giải quyết hơn, chờ xe đưa họ đi học tập ít ngày là có thể đăng tuyển lại vào lính bác Hênh nếu họ muốn, nếu không, cấp giấy tờ cùng gạo cho họ về quê sinh sống giống như anh em du kích K kia. Chúng tôi nghi ngờ nhóm du kích K kia cũng là lính Pốt cũ nay trở về chứ tuổi đó chắc Pốt nó không bỏ sót mà ấn vào tay họ khẩu súng. Khi tác chiến thấy họ bắn súng thành thạo như lính mình là biết họ cũng từng là lính ở bên kia chiến hào rồi.
Đám tù hàng binh kia ngồi ngơm ngớp chờ đợi số phận của mình, họ bắt đầu thấy sợ, thấy lo, nhưng lính chúng tôi giải thích cho họ hiểu, không ai làm hại họ cả, nếu muốn giết họ chúng tôi đã giải quyết họ ở trong rừng Kimry, cần gì mang họ về đây làm gì? Họ hiểu, yên tâm hơn nhưng hôm xe tới đón đi họ lo âu ra mặt, họ chỉ tin ở những người lính như chúng tôi còn người khác đến nhận mang họ đi thì họ lại lo sợ, sợ bị đối xử ngược đãi. Chúng tôi lại giải thích, lại động viên họ bằng cái vốn ngoại ngữ tiếng K nhiều không quá một cái chén uống nước. Thằng tù binh mà tôi có thiện cảm với nó, cái thằng hồi đó cười tít cả mắt, quay lại nhìn tôi nhe răng cười mà tôi thì chăm chăm theo dõi kiểm soát hành động của nó để nhanh tay hạ gục nó nếu nó có hành động bất thường trong chiến đấu xâm hại đến đồng đội của tôi, nó cũng lo lắng như những người khác.
Tôi động viên nó nhiều nhất, hôm chia tay, nó nhìn tôi mắt đượm buồn, tôi chỉ khuyên nó : Đừng đi lính Pốt nữa, hãy về với vợ con cha mẹ anh đi, cuộc sống sẽ không cần đến súng đạn. Nó luôn miệng "bạt bạt", nó hiểu điều tôi muốn nói với nó, còn tôi thì rặn ra được từng đó từ tiếng K cũng là khó lắm rồi. Nhìn đám tù hàng binh lên xe về trại cải tạo tôi thấy mừng cho họ, họ là những người may mắn hơn những xác chết để lộ thiên cho những con kỳ đà Kimry chui vào bụng, ít nhất là như vậy.
Chúng tôi củng cố đơn vị cũng rất nhanh, mọi chuyện lại đi vào trật tự, rồi lệnh tập với tổng kiểm tra lần cuối vì cũng sắp tới ngày duyệt binh rồi, trong đêm tối chúng tôi vận động đến những vị trí đã được phân công trên địa bàn chốt giữ. C2 của chúng tôi được phân công đoạn đường từ ngã 3 quốc lộ4 đến khu kho đông lạnh và kho vải cũ trước cổng sân bay Pochentong, cứ đứng bám 2 bên đường mà tuần tra canh gác. Chỉ huy các cấp đêm hôm ấy xuống kiểm tra đội hình xong yên tâm rồi mới cho giải tán về nghỉ.
Lúc đó cũng cỡ ngày 5.1.1980 rồi thì chúng tôi biết tin : Sau lễ duyệt binh cả E209 sẽ vào rừng tải 100 tấn gạo cho đơn vị bạn F339 hướng tỉnh Poursat. E209 chúng tôi được chọn là đơn vị đầu tiên vào tải gạo cho F339, F trưởng F7 cũng đã hứa sẽ hoàn thành 100 tấn gạo tải vào cho E9 của F339 xong trước Tết Nguyên đán ( khoảng 45 ngày ) cả đi lẫn về. Lính chúng tôi nhận tiếp thêm nhiệm vụ mới, bảo vệ thủ đô Phom Penh duyệt binh xong mừng một năm giải phóng là chúng tôi sẽ đi ngay, mọi công tác chuẩn bị từ trước để kịp thời lên đường. Mỗi người được phát thêm áo trấn thủ, nghe nói trong đó lạnh lắm và mỗi người chiếc tượng gạo loại bằng vải Gabadin xanh đựng được 9kg gạo, ba lô Trung quốc phát thêm khá đẹp cùng vải đi mưa. Về vũ khí mang theo trong chiến dịch tải gạo này, loại B40 B41 mỗi đại đội chỉ cần mang theo 2 khẩu, còn lại là RPD và AK, đạn vẫn 3 cơ số, gạo ăn đường 2 cơ số.
Chúng tôi chuẩn bị xong tất cả, chỉ chờ qua khỏi ngày 7.1.1980 là lên đường. Thêm một địa danh, thêm những khó khăn gian khổ và có cả những mất mát hy sinh trong đội hình C2 chúng tôi ở chiến dịch này, những kg gạo tải vào đến E9 tiền phương có nhiều mồ hôi cùng máu của lính tiểu đoàn 7 chúng tôi thời điểm đó.
Trước ngày lễ duyệt binh một tin mới khá sửng sốt trong đội hình D7 chúng tôi. D trưởng Hồng của chúng tôi được chuyển lên nhận công tác mới trên Ban tác chiến E209, thay về là bố Xuyến bọ người Nghệ an là giáo viên giảng dạy ở trường Quân chính Quân đoàn 4, một người lính lâu năm chiến đấu trên nhiều chiến trường nay về cầm quân D7.
Ông khá lớn tuổi, khoảng trên 40, cấp bậc đại úy, chúng tôi gọi ông bằng Bố, ông khoái được gọi như vậy và thường gọi chúng là : Ê! thằng con trai. Ông có chút máu ham mê văn nghệ múa hát và thể thao, bóng chuyền bóng đá, người chắc khỏe nhưng hơi thấp chỉ cao khoảng 1,6m. Sau này mỗi lần đá bóng trên D thấy ông ấy đá khỏe lắm, cày như trâu và đá bóng thì chẳng theo đội hình vị trí nào hết, cứ đâu thấy có bóng là có mặt bố Xuyến lao đến rồi, tranh bóng quyết liệt tỳ vai kéo áo ngáng chân và cả ăn vạ trên sân cỏ trong những trận đấu bóng giao hữu cấp D ở đơn vị.
Bố Xuyến nhanh chóng hòa nhập cùng anh em D7 và cũng là người sau này dẫn dắt D7 chúng tôi qua nhiều chiến dịch nhiệm vụ khác.