Hồi Ức Chiến Trường K - Chương 135

Chương 5 Chuẩn bị rời sân bay Pochentong

* * *

Nhiệm vụ trước mắt chưa xong nhiệm vụ mới cũng sắp bắt đầu, chúng tôi chuẩn bị quân tư trang súng đạn trong thời gian ngắn nhất để kịp thời lên đường. Anh em vơ vét tất cả những gì có thể mang ra chợ đầu đường quốc lộ4 đổi chác cho dân kiếm tý thuốc rê mang theo có thuốc lá hút. Nghe nói trong rừng F339 Poursat thuốc rê là thứ trên cả mức xa xỉ, lính buồn có điếu thuốc lá quây quần bên nhau mỗi thằng mỗi hơi cũng giảm đi nhiều nỗi buồn nơi chiến trận.

Sáng khoảng ngày 5.1.1980 tôi cùng mấy đứa rủ nhau đi chợ đầu quốc lộ4, vẫn quân trang cũ vì đồ mới chưa cho lính mặc để đồ mới mặc trong ngày lễ cho ra dáng thằng lính quân tình nguyệnViệt Nam. Loại vải của đồ cũ dày dặn chắc chắn nhưng lại nhanh bạc màu, quân trang bổ sung đó hình như là của lính Pốt, vừa to vừa rộng phải sửa lại mới mặc được. Ai đời thằng lính mặc cái quần mà kéo bụng quần cao lên tận ngực, dưới chân vẫn còn cả gang tay vải nữa, giặt 2-3 nước là nó sang màu nước dưa bạc phếch. Loại quân trang này tôi chẳng thấy đơn vị khác mặc mà chỉ thấy lính E209 mặc thôi nên chúng tôi nghĩ E209 trong thời gian giải phóng Phnom Penh có giữ kho quân trang nào đó của lính Pốt nên sau này lấy ra phát cho lính trong đơn vị. Nó may đúng như quân trang Trung quốc cũ chỉ có điều cẩu thả hơn nhiều, đó là nét rất riêng của lính E209 lúc bấy giờ nhìn trên quân phục.

Trạm kiểm soát quân sự đầu ngã 3 quốc lộ4 đã được dựng lại cái lồng cu và Barie, vẫn 2 cái sào nhấc lên hạ xuống khi kiểm tra các phương tiện qua lại, thấy chúng tôi đi qua đó họ chẳng nói gì chỉ nhìn theo thôi, chắc họ biết và ngán ngẩm mấy thằng lính rừng D7 chúng tôi quá rồi, chúng tôi cũng chẳng quan tâm tới họ lắm, việc của chúng tôi chúng tôi làm, việc của họ kệ họ.

Ngoài chợ rác rưởi bẩn không tả hết, ruồi muỗi bay tán loạn khi những bước chân người lại gần những đống rác thải quanh đó, người người đi lại đầy chợ, mùi tanh của cá, mùi xác chết động vật để thối thoang thoảng đâu đây. Tôi lượn một vòng, chịu hết nổi lên bỏ ra ngoài đứng chờ anh em mua bán đổi chác rồi cùng về, lúc này tôi mới có thời gian để ý mọi người chung quanh chợ. Thôi thì đủ cả, người Khmer, người Trung quốc hay lai Trung quốc ở K, nhìn thoáng nước da và đôi mắt cặp má là có thể phân biệt được họ giữa người Khmer bản gốc ở đây. Nhóm người Trung quốc hay lai Trung quốc họ buôn bán giỏi lắm, những sạp hàng ngay đầu chợ luôn là của người Trung quốc, họ luôn chọn cho mình vị trí đẹp nhất chợ dễ giao dịch nhất.

Trên những sạp hàng, đồ Thái lan và Trung quốc khá nhiều, chẳng biết họ moi đâu ra để có cái kinh doanh như vậy, lâu nay chúng tôi toàn ở rừng núi, có ra ngoài đâu mà biết một năm qua những gì đã diễn ra ở Phnom Penh này. Những cây bút máy Thái lan, bật lửa Zippo mạ sáng bóng, nhỏ gọn xinh xinh làm tôi thấy muốn có một chiếc, nhưng tiền bạc đâu ra mà mua, thôi đành đứng đó ngắm vậy. Trong chợ cũng có nhiều lính quân tình nguyệnViệt Nam lắm, họ đi lại mua bán đổi chác với dân, chợ có sử dụng duy nhất một loại tiền đó là Việt Nam đồng, tiền Việt Nam đồng được lính mang ra tiêu với dân K và Trung quốc ở đây.

Lâu quá rồi tôi mới nhìn thấy đồng tiền Việt Nam trong tay họ, rồi hàng hóa Việt Nam cũng khá nhiều được bày bán với nhãn hiệu Made in Cholon, đề can xanh đỏ in nhòe nhoẹt, từ những chiếc khung xe đạp đến cặp lốp cao su cùng trăm vạn mặt hàng khác của cái thời khốn khó đó. Lác đác vài bóng lính kiểm soát quân sự với băng đỏ trên tay áo đi lại trong chợ, khi họ ra tới cổng thì đứng lại nhìn tôi rồi họ thì thào nói gì với nhau nhưng tôi nghe được câu cuối : Mấy thằng lính rừng đấy, nhìn nước da nó thì biết. Tôi giật mình nghĩ nước da của mình làm sao mà họ nhận ra là lính ở rừng mới về? Anh em chúng tôi ai chẳng vậy có gì khác biệt đâu? Chúng tôi không thấy ở nhau những khác biệt bằng nước da bên ngoài bởi hàng ngày ăn ở với nhau nhìn quen mắt rồi. Những khác biệt đang âm thầm diễn ra trên cơ thể, chúng tôi khó nhận ra nhưng người khác rất dễ nhận thấy, đó là cái bủng beo xũng xĩnh nước, tái ngắt tái ngơ trên mặt hay quắt queo dúm dó, thâm xì thâm xịt trên môi.

Chúng tôi ra về, hể hả với nắm thuốc rê mới đổi được từ những thứ có giá trị nhất ai đó đã lấy được từ sau những trận nổ súng diệt địch trong núi Kimry, nắm thuốc rê không đủ 100gram, ẩm ướt nhoen nhoét trong miếng giấy báo, món ăn tinh thần của những người lính chúng tôi trước giờ ra trận, từng đó thôi thấy quý lắm rồi chẳng dám mơ ước điều gì cao xa hơn nữa.

Ngoài đường những chiếc xe tải của Việt Nam, loại đời cũ, trên cánh cửa xe in rất rõ HTX vận tải A, B nào đó của thành phố HCM xịch đến, xịch đi ném xuống đường những bao hàng, vài người phụ nữ Việt Nam nói tiếng Việt giọng Nam bộ ào ào, ào ào cả chanh chua lẫn ngoa ngoắt với trang phục bà ba đi đường xa, ống quần rộng bát ngát. Ôi! Tiếng nói của người phụ nữ Việt Nammột năm rưỡi nay bây giờ tôi mới được nghe, dù họ văng bậy văng bạ cụt ngủn kiểu chợ búa nhưng sao tôi nghe thấy nó thân thương quá vậy? Cái ngôn ngữ tiếng Việt nó thấm nhuần vào đầu óc tôi từ thủa lọt lòng mẹ cùng những câu hát ru hời ầu ơ lâu nay bị tiếng súng tiếng đạn nổ nó át đi cả, để giờ đây được nghe chửi bậy văng tục bằng tiếng Việt nam cũng thấy nó thân thương gần gũi đến lạ kỳ. Chợt nhớ ra : Ừ nhỉ! Chúng tôi lâu nay sống với nhau toàn một lũ đực rựa. Tôi thấy thèm được vuốt ve, thèm được một lời nói âu yếm giành cho tôi đến nhường nào.

Trước ngày 7.1.1980 chúng tôi có những bữa ăn tươi, cấp trên cũng lo cho lính được tạm đủ trong điều kiện có thể, mỗi người được một bao thuốc lá và ít trà uống ngày lễ. Lính thì chẳng bao giờ có từ để dành hay cất đi khi khác không có thì dùng, mà luôn là xả láng, có lúc nào dùng lúc đó hết thì thôi, có là mời nhau túi bụi, chẳng ai tư hữu cá nhân làm gì, sướng khổ có nhau có cùng ăn cùng dùng, hết cùng chịu.

Anh em người trong D7 đi công tác ở các ban ngành bộ phận trong F7 cũng đã trở về đơn vị theo lệnh chuẩn bị đi nhận nhiệm vụ mới. Trên D bộ D7 có bố Minh bọ D phó D7 lâu nay đi công tác suốt cũng trở về, bố Minh này buồn cười lắm, nghe nói bố là lính từng đánh Điện Biên Phủ, đi lính năm 13-14 tuổi, là lính tiếp quản Thủ đô Hà nội năm 1954, bố có nhà ở phố Lý Nam Đế, hiện vợ con bố vẫn ở Hà Nội. Bố Minh quê Nghệ Tĩnh, mà quê Nghệ Tĩnh vùng nào ấy tiếng nghe nặng lắm, dù nhiều năm đi xa nhưng tiếng Nghệ Tĩnh vẫn nặng trình trịch. Một người lính già đi qua 3 cuộc chiến tranh của Việt Nam.

Nhiều năm chiến đấu lang thang khắp các chiến trường, cứ hễ nói chuyện đánh nhau ở đâu năm nảo năm nào cũng nghe có mặt bố Minh bọ ở đấy cả, ấy vậy mà cũng chỉ thượng úy D phó, bố Minh ít chữ ít học nên chỉ thế thôi. Ngược lại, nhoắt một cái là thấy bố đi công tác vắng rồi, về ít ngày lại đi, chẳng ai biết bố Minh bọ đi đâu, công tác gì vì bố ít khi ở đơn vị lắm. Ngày mới giải phóng Phnom Penh thấy bố Minh về ít ngày rồi đi, ở Lovea xây dựng căn cứ bố về, rồi lại thấy đi và hôm nay lại thấy bố Minh về. Lúc tôi canh gác kho vải ở Puchentong, bố dắt một đoàn cán bộ cấp nào đó tôi không biết, qua kho nhờ tôi cho các bác ấy vào lấy vải trong kho mang đi, phải chở mấy chuyến xe tải vải cùng hàng hóa khác nhiều lắm.

Tôi chẳng biết họ lấy mang đi đâu, làm gì ? Chỉ biết bố Minh bọ bảo thế thì cho họ lấy thoải mái chứ có phải của ông của cha tôi đâu mà tôi giữ. Các bác ấy lấy mấy xe hàng rồi mang cho tôi mấy bao thuốc lá Vàm cỏ với Hoa mai, tôi không lấy vì lúc đó tôi có cả thùng thuốc lá Globe, ai hút cái loại khét lẹt kia làm gì. Trong cái số cán bộ đó có một bác nhận là người Hà Nội nhà ở phố Hàng Hành, bác ấy nhận tôi là đồng hương. Bố Minh bọ giọng Nghệ Tĩnh nặng như đeo đá cũng nhận tôi là đồng hương, mà đồng hương thật, nhà bố ở Hà Nội thì đồng hương là đúng quá rồi.

Người lính già đi qua 3 cuộc chiến tranh của Việt Nam bom cày đạn xới chẳng sao cả ấy vậy mà hy sinh vì mấy viên đạn lạc vu vơ trên đường đi trả phép. Sau này vì bố Minh thương tôi muốn giữ tôi ở liền bên ông ấy nên đã làm mất đi của tôi một cơ hội rời xa chiến trận từ những năm 1981, lúc bố hy sinh bỏ lại mình tôi ở lại bơ vơ với một dự án của bố còn dang dở.

Anh Tập chính trị viên C2 cũng về đợt này tham gia chiến dịch tải gạo, lính C2 về cũng khá đông, quân số nhiều lên trông thấy nhưng lại lòi ra chuyện anh em bắt đầu phát bệnh sốt rét. Thằng Bích to khỏe như vậy mà cơn sốt lên giật đùng đùng như gà bị cắt tiết, mắt trợn ngược, tóc tai dựng như cắm chông, loại anh em chớm sốt rét ngây ngấy 38,5 đến 39 độ thì là chuyện vặt. Con số ốm đau này cũng hao hụt quân số khá nhiều, đâu 5-6 anh em không thể đi được theo chiến dịch phải chờ chuyển về hậu cứ hoặc cho đi viện E, F nên quân số động viên hết cỡ của C2 chúng tôi lúc đó cũng chỉ khoảng 35, 36 người.

Nhiều người lấy lý do đang sốt rét thoái thác nhiệm vụ, tôi cũng đã bắt đầu thấy người mình có gì khang khác lúc mặt nóng lúc thấy ớn lạnh trong người, nhưng ai cũng có lý do riêng để thoái thác thì lấy đâu ra người nữa đi làm nhiệm vụ tải gạo, mặc dù theo tôi hiểu, lính C2 chúng tôi đáng được nghỉ ngơi chữa bệnh vì ai cũng thuộc loại ốm dở cả rồi. Ban chỉ huy C2 biết điều đó, biết hết mọi chuyện bệnh tình sức khỏe của anh em nhưng không thể làm gì khác được ngoài động viên binh sỹ. Lão Thao nói cứng một câu :

- Các đồng chí cứ đi làm nhiệm vụ, yên tâm, nếu lúc nào sốt quá không đi được nữa thì sẽ có người cáng các đồng chí đi ra. Sống quân đội nuôi chết quân đội chôn và chắc chắn gia đình các đồng chí sẽ nhận được bằng Tổ quốc ghi công.

Chỉ vì câu nói này mà sau này lão Thao lên bờ xuống ruộng với anh em chúng tôi, một chính trị viên phó đại đội chiến đấu mà phát ngôn vậy thì quả là nhiều yếu kém.

Trước lúc rời khỏi Puchentong lính C2 chúng tôi còn một việc phải làm, âm thầm từng tốp nhỏ, đêm đến lặng lẽ súng ống gọn gàng, rời đơn vị quay về cái cứ mà lần đầu tiên vào đóng quân trước cổng sân bay Puchentong. Chúng nó quay về tìm lại đồ đã chôn dấu một năm trước, thì ra trước kia đi khỏi đó rất đột xuất vậy mà chúng nó cũng kịp chôn cất một số đồ đạc ở đấy, nay thời cơ thuận lợi quay về tìm đào lại lên. Có thằng khôn đến mức đào hố chiến đấu cá nhân thật sâu rồi bọc đồ cất giấu vào túi nylon, cho vào valy hay thùng đạn, cho xuống hố chiến đấu rồi lấp đất lên.

Vậy mà lúc về tìm lại không còn nữa, chẳng biết ai đã moi lấy mất của chúng nó từ bao giờ, hiện những cái nhà chúng tôi ở cũ vẫn còn nguyên, hiện trường vẫn đó nhưng đồ thì mất. Tài thật, lính chúng tôi cũng nhiều thằng tài thật, ngày đó cũng đã biết chôn giấu chiến lợi phẩm rồi mà tôi ở liền cùng có biết gì đâu, chắc tại mình vô tâm vô lo vô nghĩ, chẳng để ý làm gì chuyện vật chất, anh em toàn con nhà nông dân họ chắt chiu từng thứ nhỏ nhất nên biết lo xa mà chôn giấu đồ chiến lợi phẩm. Nhưng hỡi ơi, kẻ khác đã nẫng tay trên của chúng nó hết cả rồi, nghe đâu ai đó có giấu được ít đồ và khai quật lên thì còn nhưng ít thôi nên anh em cũng quy đổi sắm đồ chia nhau hết.

Trong lúc dò dẫm trong đêm đi đào đồ về anh em kể lại một câu chuyện vừa cười vừa mếu với nhau : Đang dò dẫm định hướng tìm mục tiêu để đào thì một ông lão người K từ trên nhà sàn đi xuống, ông cụ này biết tỏng mấy thằng lính quân tình nguyệnViệt Nam về đào đồ chôn dấu trước đây rồi, vườn nhà ông ấy từng bị đào bới nhiều lần rồi lạ gì nữa, ông cụ nói tiếng Việt khá giỏi nghe đâu xưa kia cụ ấy từng học ở Sài gòn từ thời Pháp thuộc. Vừa đi xuống cụ ấy vừa nói :

- Các chú bộ đội Việt Nam ơi! Đừng đào làm gì cho mất công, làm gì còn mà đào mà tìm, ngày trước có vài chú đến đào đồ mang đi nên dân biết và họ tổ chức đi xăm tìm, cứ cái thuốn thọc xuống, nếu gặp đồ là họ lấy hết. Ở đây chẳng còn chỗ nào là chưa thuốn chưa xăm cả, họ lấy hết rồi.

Lính tưng hửng vì mất đồ, bao nhiêu hy vọng, bao nhiêu thậm thụt nhỏ to với nhau nghe xong câu này thì chán hẳn đành bỏ về tay không, đúng là của Thiên trả Địa. Thằng nào nhỉ mà tôi quên mất tên, nó ấm ức nói : Tao đã chôn dưới hố chiến đấu cá nhân phải đào rất sâu lúc đó, vậy mà chúng nó cũng vẫn tìm ra. Đúng ra thì nó chôn như vậy là quá kỹ, mấy ai nghĩ dưới cái hố đó lại chôn đồ bên dưới nữa, vậy mà dân họ vẫn bới lên lấy mất. Đúng là cái khó nó ló ra cái khôn và cái khôn nhiều quá nó dồn thành cái dại, dại nhiều quá hóa thằng điên và lính C2 chúng tôi bị mất đồ chôn dấu chúng nó đang điên lắm đấy.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3