Hồi Ức Chiến Trường K - Chương 136

Chương 6 Bảo vệ lễ duyệt binh

* * *

Từ chợ ngã 3 quốc lộ4, mấy anh em chúng tôi bám bên trái đi về hướng đơn vị, dòng người ngược xuôi hối hả trên đường trước ngày lễ lớn, xe quân tình nguyệnViệt Nam, xe Liên hợp quốc, xe quân đội và chính quyền lính bác Hênh rồi cả những chiếc xe con sang trọng chở quan khách chính phủ các nước có quan hệ ngoại giao với Campuchia lúc đó từ hướng sân bay đi ra. Có lẽ những chuyến chuyên cơ trong sân bay đưa đón những yếu nhân chính phủ nước nào đó sang tham dự buổi lễ mừng một năm giải phóng đất nước Chùa tháp này.

Từ phía sau lưng chúng tôi, một chiếc xe Jeep đi cùng chiều chạy vượt lên rồi dừng lại tạt đỗ vào sát bên kia đường, một người lính bác Hênh trên xe bước xuống, tác phong nhanh nhẹn gọn gàng trong bộ quân phục, khẩu K59 trắng bóng nhỏ xíu bên hông, dáng chắc khỏe, nước da nâu, mái tóc hơi xoăn và một vầng trán rộng, anh bước vội qua đường tránh dòng người đang đi lại rồi tiến gần đến phía chúng tôi miệng nói :

- H...hả?

Tôi hơi giật mình, không biết là ai trong lính Quân đội bác Hênh bỗng dưng gọi đúng tên tôi như vậy? Vì quá bất ngờ nên tôi chưa kịp nhớ thì người đó tiến lại gần ôm chầm lấy tôi, anh ấy ôm tôi rất chặt rồi lắc lắc vai tôi mà tôi chưa kịp nhận ra anh ấy là ai? Ngước mặt nhìn lên ( anh ấy cao hơn tôi cả 10cm ). Trời ơi! Anh đại đội phó lính bác Hênh từ những ngày đầu vào giải phóng Phnom Penh, trước anh ấy ở bên kho đông lạnh còn chúng tôi ở bên kho vải bên kia đường hàng ngày tôi vẫn chạy qua chơi nói chuyện với anh em lính bác Hênh bên đó rồi quen anh ấy. Sáng nào tôi cũng qua ngồi uống trà cùng với anh ấy cạnh cái góc nhà tròn tròn chỗ kho đông lạnh, chỗ đó khuất ánh mặt trời buổi sáng nên rất mát, anh em tôi hay vác ghế ra đó nhâm nhi ly trà buổi sáng rồi anh nói tiếng K tôi nói tiếng Việt với nhau.

Nghe nói trước 1977 anh ấy là lính của đơn vị tiểu đoàn trưởng Penxovan, từng phản chiến Pôn Pốt chạy qua tỵ nạn tại Việt Nam. Ngày 5.1.1979 ở bến phà Niek Leang, anh ấy theo quân tình nguyệnViệt Nam về giải phóng quê hương mình, giữ cương vị đại đội phó lính bác Hênh chốt giữ khu vực kho đông lạnh này, còn người đại đội trưởng nằm trong sân bay Puchentong. Cũng chính anh ấy, đơn vị của anh ấy đã từng đánh phối thuộc cùng D7 chúng tôi trong trận bên ngã tư đường tàu đường 51 cánh phải núi Lovea, lúc đó đơn vị lính bác Hênh dưới sự chỉ huy của anh ấy đi giữa đội hình C1 và C2 chúng tôi, tận mắt tôi thấy anh ấy chỉ huy lính bác Hênh tham chiến sát cánh cùng lính D7. Sau trận đó, đơn vị anh ấy tách khỏi E209 và không gặp nhau nữa cho đến hôm nay.

Mừng quá chúng tôi ôm khoác vai nhau giữa đường hỏi chuyện nhau luyên thuyên cả, lúc này anh ấy nói được nhiều tiếng Việt rồi còn tôi cũng 5-3 câu tiếng K khi nào hết vốn ngoại ngữ thì dùng tiếng Việt anh ấy cũng hiểu. Tôi hỏi :

- Sao anh vẫn nhớ tên và nhận ra em đi trên đường? gần một năm rồi không gặp nhau từ sau trận đánh bên ngã tư đường tàu núi Lovea.

- H... thì anh không bao giờ quên vì em là chú lính Việt Nam be bé da trắng hay cười, gặp là anh nhận ra ngay.

- Đơn vị em đóng quân ở kia. Anh bây giờ làm gì? ở đâu? ( tôi chỉ về hướng đơn vị đóng quân )

- Nhà anh cũng ở đấy, hiện anh là Binh đoàn phó binh đoàn mộtquân đội Campuchia đang chuẩn bị duyệt binh.

Ôi! Lính bác Hênh nhanh làm to quá, mới ngày nào mà bây giờ anh ấy đã là binh đoàn phó một binh đoàn của Campuchia rồi, nhưng điều đó không quan trọng, anh ấy làm gì cũng được trong quân đội bác Hênh. Điều quan trọng nhất giữa quan hệ của chúng tôi là anh ấy vẫn nhớ được tên tôi một cách chính xác và thật xúc động nếu ai đó lâu ngày gặp mình mà vẫn nhớ được tên mình, mình đã làm được điều gì đó để họ luôn nhớ về mình, nhớ đến cái dáng đi, khuôn mặt và cả tên tuổi mình nữa. Anh ấy vội vã chia tay chúng tôi đi làm việc, hẹn chiều về nhà anh ấy sẽ qua đơn vị tìm tôi sau.

Chiều tối hôm đó anh ấy về nhà thật, xe đưa về ngang cửa hóa ra nhà vợ 4 của anh ấy cũng ở ngay cái sân rộng nơi C2 chúng tôi đóng quân, gian nhà lá mới dựng cuối sân chung quanh che bằng lá thốt nốt. Cái cô vợ to cao đẫy đà, mặt mũi khá xinh khoảng gần 30 tuổi rồi, hàng ngày vẫn đi ra đi vào sân kia lại là vợ của anh ấy. Lính bác Hênh hay thật đấy, làm to tý chút là cưới vợ tràn lan, vợ chính vợ phụ, vợ sơ cua lấy thoải mái, con chung, con riêng, con tây vô tư, miễn lo đủ cho chúng có ăn có mặc. Lúc anh ấy về đến ngang sân thì tôi đang ngồi ở võng, giơ tay chào tôi anh ấy đi vào nhà thay quần áo rồi quấn khăn cà ma đi tắm ngoài cái ruộng ở xa ngoài kia nơi lính chúng tôi vẫn hay ra đó tắm. Tôi hơi thắc mắc, phó tư lệnh một binh đoàn lính bác Hênh mà chẳng khác anh nông dân tý nào, chẳng biết mấy bà vợ 1, 2,3 3 kia thế nào, cuộc sống ra sao, chứ bà vợ 4 này thì cũng chẳng hơn dân thường bao nhiêu.

Đêm đó anh ấy ngủ lại nhà cùng đơn vị chúng tôi sáng ra có xe đến đón đi từ rất sớm, tối đó anh ấy ngồi chơi nói chuyện với anh em tôi rất muộn , nhiều người không biết mối quan hệ giữa chúng tôi, không hiểu chúng tôi quen nhau từ bao giờ. Mọi người quên mất một chi tiết nhỏ là tôi bị ong đốt vào đầu khi đi nghịch phá trong Phnom Penh nên ở lại cứ ít ngày sau khi đơn vị đã theo chiến dịch đánh Udong lúc đó. Đơn vị đi gần hết chẳng còn ai bao nhiêu nên tôi có điều kiện gần và quen biết lính bác Hênh lúc đó nhiều hơn, thêm nữa trước trận bên ngã 4 đường tàu tôi là người móc nối dẫn đường cho đơn vị của anh ấy vào vị trí tác chiến khi 2 lực lượng cùng phối thuộc đánh vận động khi đó. Từ đó cho đến mãi tận sau này chưa bao giờ tôi gặp lại anh ấy nữa, thời gian cũng đã quá lâu, ngay tên của anh ấy tôi cũng không thể nhớ ra, nhưng kỷ niệm về người lính bác Hênh đó thì tôi mãi không bao giờ quên.

Cả ngày 6.1.1980 chúng tôi được nghỉ ngơi tắm rửa tự do sinh hoạt trong phạm vi đơn vị quản lý, cũng chẳng ai muốn đi đâu cả ngoài ra chợ đầu ngã 3 quốc lộ4, ra chợ thì cũng chẳng để làm gì, chẳng có tiền để mua hay đồ để đổi chác những thứ cần thiết nên mang tiếng là tự do thì cũng đồng nghĩa với lên võng mà ngủ chờ đến bữa cơm anh nuôi nấu nướng ăn uống, chờ đến giờ đi làm nhiệm vụ. Đúng 10h đêm là giờ xuất kích đi làm nhiệm vụ bảo vệ cho ngày lễ duyệt binh mừng một năm đất nước Campuchia hoàn toàn giải phóng. Chúng tôi thay quần áo mới như đã định, ngày lễ của bạn, mình lính con nhà nghèo nhưng cũng nên tươm tất tý chút cho ra dáng, chứ để ăn mặc như trước thì nhìn lính chúng tôi chán lắm.

Theo kế hoạch C2 chúng tôi sẽ bắt đầu làm nhiệm vụ tuần tra canh gác đoạn đường từ đầu ngã 3 quốc lộ4 đến cuối sân bay, những vị trí khác còn lại sẽ do các đơn vị khác trong D7 đảm nhiệm. Từng tốp chia lẻ 3 người một nhóm thay nhau tuần tra 2 bên đường, dọc đoạn đường khoảng 3km đó, thực ra nhiệm vụ cũng chẳng có gì ghê gớm, cứ tuần tra đi lại thế thôi, lúc đó đêm tối rồi có ai đi lại ngoài đường nữa đâu. Ngày đó thủ đô Phnom Penh có lệnh giới nghiêm không cho dân ra ngoài đường phố sau 12h đêm bởi vậy khá vắng vẻ nhất là khu vực sân bay đơn vị chúng tôi làm nhiệm vụ thì lại càng vắng vẻ. Trong ngày lễ và kết thúc buổi duyệt binh tại trung tâm thành phố khoảng 10h sáng 7.1.1980 thì 12h trưa chúng tôi cũng kết thúc nhiệm vụ này, hy vọng sẽ không có chuyện gì xảy ra và nhiệm vụ này sớm kết thúc.

Chúng tôi ra đường và nhận vị trí, ai cũng có vị trí hay nhóm của mình còn tôi thì chẳng thuộc nhóm nào cả, luôn là loong toong muốn ở chỗ nào cũng được. Anh em vào vị trí trong cái cảnh đi lại lang thang trên đường, đứng không ra đứng, đi cũng chẳng ra đi đến là sốt ruột, trong kia sân bay đèn điện lờ mờ làm lính buồn ngủ, nhìn nhau gật gù lên kế hoạch tìm chỗ ngả lưng. Đến khoảng 12h đêm thì anh Phượng thấy chán lắm rồi, đường vắng hoe thỉnh thoảng vài chiếc xe quân sự chạy đi chạy lại rồi cũng thưa dần trơ trọi chỉ còn lại mấy thằng lính chúng tôi cầu bơ cầu bất dưới đường đi lại canh gác. Anh Phượng bảo tôi :

- Em gọi mấy thằng về đơn vị bảo chúng nó mang hết áo mưa ra mà rải xuống vệ cỏ nằm nghỉ để chúng nó thay nhau gác chứ tất cả cùng gác thế này mai chịu không nổi đến 12h trưa đâu.

Chúng tôi nhanh chóng mang áo mưa ra đường cho anh em rải ra kiếm chỗ ngả lưng chờ trời sáng, những bãi cỏ bên phía sân bay khá sạch sẽ, cỏ dày tôi cùng anh Phương cua một vòng toàn đơn vị nhắc nhở anh em canh gác xong là mò về đó ngả lưng ngủ. Tổ 3 người thì 2 ngủ một gác, ngay người gác cũng chẳng cần đi đâu xa cứ ngồi cùng 2 thằng đang ngủ cũng được. Cái đêm đó sao nó dài thế không biết, chúng tôi mong trời nhanh sáng, mong cải buổi lễ duyệt binh này nó nhanh qua đi cho nhẹ nợ.

Khoảng 4h sáng là bắt đầu thấy có người đi lại trên đường rồi, ngày đó ở K dân còn nghèo, các phương tiện đi lại không có gì đâu, ở nông thôn thì có xe bò kéo chứ ở thành phố thì lấy đâu ra thứ đó còn xe cộ khác thì làm gì có, chỉ có xe quân sự hoặc dân đi bộ trên đường vậy thôi. Những người dân K, phụ nữ đàn ông, già trẻ lớn bé từng tốp đi trên đường, hôm nay họ ăn mặc tươm tất hơn bình thường, màu đen huyền thoại từ đầu đến chân biến mất đi đâu ở họ, có thấy những bộ xà rông truyền thống kiểu hoa văn Thái lan sơ mi trắng đầu quấn khăn cà ma và tay ai cũng cầm theo cái cờ 5 tháp bằng giấy nho nhỏ trên cái que tre. Họ bắt đầu vào thành phố dự lễ mừng một năm giải phóng, họ hình như đi theo tổ chức của một địa phương nào đó ở quanh thủ đô, họ đi ngang đội hình chúng tôi khi trời còn chưa sáng và chắc họ cũng ngạc nhiên lắm khi thấy những thằng lính chúng tôi ăn mặc cũng khá tươm tất nằm lăn quay ra bãi cỏ mà ngủ súng gối ngang đầu.

Khoảng 5h sáng thì anh Phượng dậy lượn một vòng kiểm tra đôn đốc anh em bắt đầu thực thi nhiệm vụ, theo kế hoạch là phải thường xuyên túc trực tuần tra canh gác 12h liên tục, vậy là chúng tôi đã ăn gian được 5h, cũng đỡ lắm đấy chứ. Lúc này trên đường bắt đầu người đi lại đông lắm rồi, từng đoàn dân K hàng trăm hàng ngàn người kéo vào thành phố, họ đi lũ lượt, đi rào rào chỉ duy nhất một chiều, dòng người cứ thế cuồn cuộn nhắm hướng trung tâm thành phố họ đi. Tôi mắt nhắm mắt mở nhìn dòng người đang đi kia, họ đông như thế kiểm tra làm sao cho hết dù chỉ nhìn bằng mắt, gần như người dân họ không cầm theo vật gì ở tay trừ cái cờ 5 tháp bằng giấy.

Vài chiếc xe chạy qua nhìn là biết ngay xe dùng trong buổi diễu hành duyệt binh rồi, lốp xe sơn trắng cạnh vỏ vế bên ngoài, biết vậy nhưng trên nguyên tắc vẫn phải kiểm tra giấy tờ nếu không nhỡ có chuyện gì họ đổ lỗi cho mình không kiểm tra. Chặn xe lại, lái xe chìa ngay cho chúng tôi cái giấy được phép đi lại trong thành phố ngày 7.1.1980, vậy là đủ xin mời các anh đi cho khuất mắt, khi kiểm tra mới biết toàn là xe của lính Việt Nam mình cả chứ có phải của Campuchia đâu.

Chúng tôi canh gác tuần tra đoạn đường đó giữa dòng người dân K cuồn cuộn vào thành phố, đến khoảng 7h sáng thì họ đi lại thưa dần, cho đến 8h thì gần như hết người đi vào, chẳng phát hiện ra cái gì cả, người nườm nượp như vậy thì kiểm tra cái gì ở họ, lính thì cứ đứng đó mà nhìn thôi, chán lắm. Đúng lúc đó anh Phượng nói nhỏ với tôi :

- Mày về đi ngủ đi em, ở đây làm gì, anh thì không trốn tránh được phải chịu chứ mày ai giữ.

Được lời như mở tấm lòng, tôi biến luôn về đơn vị từ 8h sáng, cũng cỡ 10h anh em lác đác về dần và 11h trưa lính về đủ, coi như kết thúc buổi chốt đường bảo vệ cho buổi lễ duyệt binh mừng một năm Campuchia hoàn toàn giải phóng. Buổi lễ duyệt binh thành công rực rỡ như đài báo, TV đã đưa tin trước sự chứng kiến của quan khách Quốc tế, những đơn vị chính quy của quân đội K diễu hành qua lễ đài, hàng loạt các binh chủng hùng hậu, xe tăng thiết giáp ầm ầm rú ga, trên trời cao máy bay Mig lướt qua trung tâm thành phố. Lực lượng gìn giữ an ninh trật tự không có bất kể chuyện gì xảy ra, an toàn tuyệt đối cùng sự thành công trọn vẹn.

Cả Thế giới chứng kiến một đất nước Campuchia đã hồi sinh sau nạn diệt chủng của chế độ Pôn Pốt.

Và 5h sáng ngày hôm sau 8.1.1980, tất cả những người lính E209 chúng tôi lại ngay tức khắc phải lao vào một nhiệm vụ mới. Xe ô tô xuống đón chúng tôi từ sáng sớm, mỗi C mỗi xe tải, chúng tôi chất đồ lên xe rồi đi luônngay sau đó, khi trời còn tờ mờ sáng. Xe chạy nhanh trên quốc lộ4 về ngang đường quốc lộ51 thì rẽ đi hướng Udong, chạy ngang qua căn cứ Lovea của chúng tôi cho vài anh em ốm đau được nghỉ về cứ xuống xe. Ngày mới, gió mát thổi trên những khuôn mặt lính trẻ đứng dọc 2 thành xe, bụi đường cuộn lên đỏ quạch và phía trước là những gian nan, vất vả cùng khó khăn đang chờ đợi chúng tôi. Và một quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, vận tải đủ 100 tấn gạo cho E9 F339 trên đoạn đường khoảng 50- 60km đường rừng núi trong thời hạn cả đi và về trước Tết Nguyên đán 1980.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3