Hồi Ức Chiến Trường K - Chương 137
Chương 7 Tình hình chính trị quân sự
* * *
Cũng nên nói thêm tý chút tình hình chính trị quân sự của chiến trường K khi đó để biết thêm nhiều mũi nhiều hướng quân tình nguyện Việt Nam chúng ta. Và cả mặt trận phòng tuyến biên giới phía bắc các chiến sỹ ta đang phải ngày đêm gồng mình chống đỡ 2 cuộc chiến tranh ở 2 đầu đất nước.
Sau sự kiện 17.2.1979, 2 Quân đoàn chủ lực của chúng ta ở Campuchia được lệnh gấp rút quay về biên giới phía bắc chi viện cho miền Bắc giữ gìn Biên giới Việt-Trung. Khoảng tháng 8.1979 là Quân đoàn 2 và Quân đoàn 3 đã rút hết quân khỏi chiến trường K, ở đó chỉ còn lại Quân đoàn 4 và Quân khu 5, Quân khu 7, Quân khu 9 và một số những đơn vị binh chủng khác trực thuộc bộ.
Bên hướng biên giới phía bắc, địch điên cuồng mở rộng chiến tranh thu hút lực lượng quân sự đáng kể của ta nằm tại đó chống đỡ bảo vệ, chiến trường K Pốt đẩy mạnh cuộc chiến tranh bằng sự tiếp sức của nhiều thế lực thù địch lúc bấy giờ. Nhiều nhóm tàn quân địch của nhiều phe phái cũ trong chính phủ Campuchia cũ mau chóng hình thành, tổ chức những lực lượng quân sự chống lại nhà nước Campuchia dân chủ còn non trẻ cũng như quân đội Campuchia còn đang rất yếu do mới thành lập.
Trong chiến dịch giải phóng Campuchia chúng ta mới chỉ đánh tan rã hàng ngũ địch chứ không phải là tiêu diệt hết lực lượng quân sự của Pôn Pốt nên giờ đây chúng có điều kiện để quay lại tiếp tục chống phá. Từ đất Thái lan chúng tiếp nhận vũ khí, lương thực, thành lập lại những đơn vị chính quy, đẩy mạnh chiến tranh, gây cho ta nhiều khó khăn trong tình hình thiếu hụt quân số rải rộng trên toàn lãnh thổ Campuchia. Quân đoàn 2, Quân đoàn 3 rút về biên giới phía bắc đã để lại một khoảng trống khá lớn về địa hình, các đơn vị còn lại ở K bắt buộc phải rải rộng thêm nữa bảo vệ chốt giữ khiến những người lính quân tình nguyện Việt Nam ở đó thời điểm đó nhiệm vụ càng thêm nặng nề.
Một điều nữa là tổ chức cứu trợ nhân đạo Quốc tế của Liên hợp quốc ở Campuchia cũng gây cho ta muôn vàn khó khăn trong công tác bảo vệ giữ gìn an ninh. Trên nguyên tắc, một đất nước sau chiến tranh sẽ là nạn đói vì mất mát mùa màng cùng bệnh tật ốm đau, tổ chức nhân đạo quốc sẽ quyên góp cứu trợ nhân dân thoát khỏi nạn đói, tính nhân đạo ở đây là rất lớn và quân đội chúng ta ủng hộ, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho Liên hợp quốc thực hiện chính sách nhân đạo này.
Nhưng quân tình nguyện Việt Nam cũng rất kiên quyết với chủ trương yêu cầu Liên hợp quốc cung cấp gạo cứu trợ đến tận tay người dân K đang đói ăn kia chứ không đồng ý cung cấp gạo ăn cho cả lính Pôn Pốt đang ngày đêm cầm súng chống lại chúng ta vì chủ trương của chúng ta là đánh vào cái dạ dày lính Pốt buộc chúng phải hạ vũ khí. Liên hợp quốc lấy lý do nếu đưa số gạo đó cho quân tình nguyện Việt Nam kiểm soát và phát xuống cho dân K thì chúng ta sẽ lấy gạo đó cho lính Việt Nam ăn rồi tiếp tục duy trì chiến tranh và người dân K không được cái gì từ quỹ cứu đói Liên hợp quốc.
Cũng chỉ vì chuyện nhùng nhằng này mà chúng ta phải cắt bớt quân số thường trực chiến đấu ra làm công tác dân vận, hàng ngày phát gạo cho dân, chúng ta không phát nhiều một lúc, ngày nào dân cũng phải đến nhận gạo từ quân tình nguyện Việt Nam theo sổ sách số lượng hộ dân, số kg gạo trên đầu người. Việc làm này gây ra nhiều chuyện rất nhiêu khê nhiễu sự bởi sự giám sát chéo lẫn nhau gồm chính quyền mới của bác Hênh, quân tình nguyện Việt Nam và người của cứu trợ Liên hợp quốc.
Nhiều anh em quân tình nguyện Việt Nam chúng ta được cử đi làm công tác nàyđã bị địch giết hại cực kỳ dã man khi làm nhiệm vụ, đơn độc giữa dân và địch, chính quyền địa phương thì 2 mặt ( ngày theo ta đêm theo Pốt ) và Liên hợp quốc thì không can thiệp. Điều quan trọng hơn cả ở vấn đề này lại là chỗ khác, không phải mấy vụ lẻ tẻ phát gạo chống đói cho nhân dân Capuchia lúc đó mà là chuyện chính trị, chuyện quân đội, chuyện của chiến lược chiến thuật quân sự gây khó khăn cho binh sỹ quân tình nguyện Việt Nam ở K lúc đó.
Campuchia có nhiều cảng biển, có thể cơ sở vật chất cảng biển chưa tốt sau chiến tranh nhưng cũng là thuận lợi ít nhất là hơn anh Lào. Nhưng Liên hợp quốc không đồng ý để tàu biển cặp bến cảng Campuchia mà họ chỉ đồng ý nhập gạo lên cảng của Thái lan rồi từ đó vận chuyển bằng đường bộ hoặc đường sắt về các tỉnh dọc xuống phía nam K. Một chuyến vận chuyển gạo đi đường vòng quanh trong điều kiện dân đang đói nhằm gây ra những cuộc tranh cướp náo loạn bất ổn định trong nội địa. Số gạo đó họ cung cấp thừa mứa cho lính Pốt cùng lực lượng quân sự khác hiện đang ở trên đất Thái lan rồi lại được chất lên xe tải hoặc tàu hỏa chạy dọc theo đường quốc lộ5 đường sắt về Phnom Penh, tạo điều kiện cho lính Pốt đang ở trong rừng thiếu đói có cái để cướp phá lấy cái ăn chống lại quân tình nguyện Việt Nam.
Trên dọc đường quốc lộ 5 từ Udong đi lên biên giới Thái lan, nhiều đoàn xe của Liên hợp quốc với cờ cùng áp phích dán quanh xe chạy suốt ngày đêm chuyên chở gạo được bàn giao trên biên giới. Đường sắt K cổ lỗ sĩ với đường xá xấu chưa từng thấy cũng ngày đêm từng đoàn tàu chở gạo chạy về qua những cánh rừng âm u mù mịt và không biết lúc nào sẽ có những lực lượng tàn quân Pốt cướp phá.
Vậy là lại một số lượng lớn binh sỹ quân tình nguyện Việt Nam chúng ta được cắt gọt từ những đơn vị thường trực chiến đấu ở K lúc đó được đưa đi làm nhiệm vụ bảo vệ đường, bảo vệ tàu chở gạo. Những cuộc hành quân càn quét dọc tuyến đường sắt, đường quốc lộ, chốt giữ, kiểm tra giám sát. Những trận tập kích đoàn xe, chặn đánh những đoàn tàu hỏa của địch gây không ít những thiệt hại cho quân tình nguyện Việt Nam làm công tác này, không nhớ nổi bao nhiêu đoàn tàu hỏa bị phá hủy trên suốt dọc đường sắt chưa tới 300km.
Với Liên hợp quốc thì họ chả cần biết người dân hay binh lính Pốt miễn là người Khmer có gạo ăn không chết đói là được bởi mục đích của họ là dựng dậy cái thây ma Pôn Pốt lúc đó đang ngắc ngoải sắp chết. Với quân tình nguyện Việt Nam chúng ta thì cần kiểm soát chặt chẽ vấn đề này, ai là người nên phát gạo cho họ ăn chống đói và ai là người cần để cho đói buộc phải hạ vũ khí chấm dứt chiến tranh. Đó là những khó khăn mà một tổ chức lấy danh nghĩa nhân đạo can thiệp vào chiến trường Campuchia lúc đó song việc làm thì lại chẳng có chút nhân đạo nào cả. Sau lưng họ là những kẻ không bao giờ muốn Campuchia im tiếng súng.
Trở lại nhiệm vụ cụ thể của E209 chúng tôi lúc đó, công tác chuẩn bị cùng phương án của chiến dịch đi tải gạo cho đơn vị bạn F339 đã sẵn sàng.
Đoạn đường từ F bộ F339 vào đến E bộ E9 là 3 ngày đường trèo đèo lội suối, đường mòn nhỏ ngang rộng khoảng 60cm, chỉ cần đi chệch khỏi đường thì có thể ăn mìn KP2 của địch bất kể giờ phút nào và bất kể ở đâu trong cái khu rừng đó. Tình hình địch ở đó khá mạnh bởi chúng được cung cấp vũ khí đạn dược lương thực từ dưới vịnh Thái lan lên rất gần. Khả năng dính mìn rất khó sống bởi loại mìn ở đó rất nguy hiểm, khi vướng dây mìn nó sẽ nhảy lên cao khoảng 1m mới phát nổ, kíp nổ của mìn KP2 này luôn mang theo thủy ngân nên khi thương binh dính mìn rất dễ gây tử vong dù mảnh mìn nhỏ.
Ác nữa chúng không gài 1-2 quả mìn như vẫn thấy mà ở đây chúng gài kết nối hàng dây mấy chục quả mìn lại với nhau trên dọc đường rồi chờ khi ta đi qua sẽ bắn vài loạt đạn vào đội hình rồi bỏ chạy. Lính ta sẽ nhảy vào những vị trí có lợi của địa hình và ở đó sẽ có một dây mìn vài chục quả chờ sẵn, một quả nổ là cả dây sẽ nổ. Nhiều nhóm lính F339 bị địch hạ gọn cũng bởi cách đánh này nên chúng ta phải lên phương án tác chiến sao cho không mắc mưu của địch và vẫn thực hiện được đầy đủ mệnh lệnh trên giao. ( Phương án tác chiến của E209 sẽ nói rõ sau ).
Tin nữa mới được biết, F339 trước đây thuộc Quân khu 9, nhưng do nhiệm vụ cùng địa hình thực tế nên đã chính thức chuyển sang đội hình Quân đoàn 4, từ giờ phút này họ là người trong nhà Quân đoàn 4 chứ không phải là khách hay ở nhờ đội hình Quân đoàn 4. Anh em F339 có cái khó khăn nhất là chuyện vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí súng đạn còn chuyện đánh địch tại đó họ bảo đảm được, chỉ cần sự giúp đỡ chi viện về vận tải vận chuyển.
Chúng ta hãy làm một phép tính, rất đơn giản sẽ thấy được những khó khăn của anh em F339. Từ F bộ tiền phương của F339 vào đến E bộ tiền phương của E9 là 3 ngày đi đường trèo đèo lội suối mùa khô, nếu tính đi vào rồi đi ra ngay ít nhất chúng ta sẽ mất 7 ngày đi đường. Mỗi người mỗi ngày phải ăn hết 0,7kg gạo, vậy là chỉ đi về một người / một lượt = 5kg gạo. Một người mang vác được bao nhiêu kg cho một chuyến hành quân liên tục 7 ngày đấy? Bao gồm súng đạn đủ để chiến đấu dọc đường đi khi gặp địch, ít nhất một khẩu súng AK = 5kg rồi, cái bao xe đầy đạn 210 viên cả vỏ bao xe đạn = 5kg nữa. Vậy là gạo ăn đường + đạn + súng chiến đấu nhẹ nhất cũng đã là 15kg trên vai cho đi vào rồi đi ra.
Ví dụ một C bộ binh chiến đấu của F339 có 40 người thì luôn phải có 50% quân số trở lên phải đi lại trên đoạn đường đó để cõng gạo và đạn dược vào phía trong. Chưa kể ngày nắng ngày mưa, mùa khô thì dễ, mùa mưa nước suối dâng cao, đường trơn không qua được. Dốc đứng, ngửa cổ nhìn lên đỉnh núi đến khi nào rơi cái mũ cối trên đầu mình xuống đất mới thấy đỉnh núi bên trên. Rồi tải thương binh tử sỹ ra ngoài F bộ, phải có người khiêng cáng cùng gạo nước mang theo lấy, còn các bộ phận khác không thể đi tải gạo với đạn được nữa chứ, nên tất cả dồn hết lên đầu những thằng lính bộ binh dưới các C chiến đấu thay nhau đi cõng gạo. Người đeo nhiều nhất ở địa hình đấy cho mỗi lần như vậy không thể hơn nổi 30kg tất cả.
Cái khó khăn của F339 là chỗ đó, đánh địch họ không sợ không ngại, họ chỉ sợ không có cái ăn để đánh địch và họ đang phải chịu cái cảnh thiếu thốn cùng cực cả năm nay rồi. Đó là mới nói chuyện ăn và đạn dược, còn nhiều nhiều thứ khác như nhu yếu phẩm, đường sữa thuốc lá quân trang quân dụng khác nữa chứ, ai mang vào cho họ có cái dùng để đánh địch, chuyên tâm mà đánh địch, quét sạch địch ở khu vực này? Chuyện được nghe kể lại : Khi F339 về chính thức trong đội hình Quân đoàn 4, một cuộc họp cán bộ cấp F, F trưởng F339 tuyên bố : Nếu cấp đủ lương thực thực phẩm vũ khí súng đạn cho F339 để F339 chuyên tâm đánh địch thì trong vòng 12 tháng F339 sẽ đánh tan bọn Pốt tại đây.
F7 của chúng tôi đã sát cánh cùng F339 trong cái giai đoạn khó khăn nhất đó, chia sẻ với nhau những nhọc nhằn gian lao trên chiến trường K. Đến khi những người lính chúng tôi tận mắt thấy được những gì đã diễn ra ở rừng Poursat thì mới hiểu được rằng: Chúng tôi chưa phải là những thằng lính chịu đựng gian khổ vất vả hy sinh nhất, nhiều đơn vị khác đang phải chịu đựng sự gian khổ ác liệt hơn chúng tôi nhiều lần.
F339 luôn gặp khó khăn cũng bởi chuyện mìn của lính Pốt cùng những thiếu thốn về vật chất trên mức chịu đựng bình thường của một người lính. Họ xứng đáng được nhận cái tên mà lính chúng tôi thân tặng cho họ : Những Người Hùng của cánh rừng Poursat.
Đội hình toàn bộ E209 vét hết quân số từ bệnh viện sư đoàn hay phẫu E cùng những cá nhân đang làm công tác khác trên F trở về đơn vị gấp nhận nhiệm vụ mới thì cũng chỉ ngàn người. Con số 800 người trong E là con số có thể đếm được từ những lần giao ban, tính từ đơn vị mình ra sẽ thấy. D7 chưa đến nổi 200 người trong đội hình tác chiến và lần này C2 chúng tôi vào rừng Poursat khoảng 35 người tất cả, trong C sẽ có một B công binh của E đi cùng mũi đầu còn nhiệm vụ riêng của họ chúng tôi không rõ, họ không có nhiệm vụ tải gạo cùng lính bộ binh.
Theo sự phân công công tác từ trên E xuống, được chấm sẵn bằng bản đồ khu vực đó, đội hình E209 sẽ chia làm 3 khúc cho đoạn đường từ F bộ F339 vào đến E bộ E9. D9 đảm nhiệm ngoài cùng từ F bộ đến 1/3 đoạn đường, nơi bàn giao gạo là cái con suối rộng với những tảng đá lớn khá phẳng nằm dưới lòng suối, 2 bên vách núi đất đá cao. Ở đó có một cây gỗ rất to, đường kính đến 3m, được công binh hạ nằm ngang suối vắt từ bên này qua bên kia con suối rộng, nó cũng chính là chiếc cầu cho lính F339 đi lại vào mùa mưa qua đây. Anh em 339 nói có thời kỳ mùa mưa ngập cả cái cây gỗ này không đi được phải chờ nước rút mới qua được cầu, mùa mưa con suối này chắc rất hung dữ.
D8 sẽ đảm nhiệm đoạn từ con suối này đi đến 1/3 đoạn đường tiếp theo, đoạn này là đoạn dễ đi nhất của khúc đường nhưng rừng già thì luôn là mù mịt. Điểm giao lại gạo sẽ là một trảng trống khá rộng, hơi nghiêng nghiêng theo dộ dốc của sườn núi nửa đất nửa đá đây. D8 thuận lợi hơn D9, nếu họ phải hành quân thêm khoảng 1h đồng hồ nữa sẽ tới suối Chết Trôi ( sau này là vị trí D7 đóng quân ) nhưng nếu để D8 đi và về sẽ mất thêm 2h đồng hồ thì sẽ không có lợi cho D8 bởi trở về lại con suối kia trời tối mịt mất rồi, vì điều đó nên E quyết định D8 sẽ giao gạo cho D7 tại khúc trảng thoáng đẹp trên đỉnh dãy núi kia.
Phần còn lại đương nhiên thuộc về D7 chúng tôi, sẽ đóng quân tại con suối mang tên suối Chết Trôi, từ đó tải gạo vào đến E bộ E9 bàn giao xong quay ra rồi đi ngược lại tuyến sau 1h lấy gạo về suối Chết Trôi chuẩn bị cho chuyến đi ngày mai từ chiều hôm trước. Như vậy sẽ đỡ vất vả cho đơn vị bạn hơn nhưng cũng sẽ khốn khổ khốn nạn hơn cho D7 chúng tôi bởi đoạn sau cùng này mới là nhiều chuyện. Tiểu đoàn tiên phong trong E209, anh cả trong E209 luôn gánh vác phần trọng trách ác liệt nhất trên mọi hoàn cảnh và điều đó lính D7 chúng tôi ai cũng biết.
Yêu cầu nhiệm vụ cho mỗi người lính E209 lúc đó đi tải gạo, ngoài súng đạn không kể khoảng 10kg rồi, còn riêng gạo là 30kg cho mỗi chuyến đi. Cái tượng gạo bằng vải gabadin Trung quốc kia nhồi nhét vừa đủ cho có độ cong cong, vòng qua cổ người đeo gác trên nắp ba lô sau lưng mình thì cũng chỉ được 9kg gạo. Cái ba lô nhồi nhét tọng cho chặt hết cỡ, lấy nylon đậy mặt cho phẳng khỏi rơi vãi gạo dọc đường ( để rơi vãi thấy sót ruột lắm ), buộc chặt miệng lại cũng chỉ 18kg gạo. Vẫn thiếu 3kg gạo nữa, lính chúng tôi chuẩn bị những túi nylon nhỏ cho gạo vào cái túi đó rồi nhét cóc ba lô. Vậy là đủ 30kg cho mỗi người, súng đạn 10kg nữa cùng cái bình tông nước của mình. Luôn là 41-42 kg trên lưng cho mỗi ngày hành quân vừa ra vừa vào khoảng 40km/ngày.
Khối lượng gạo tải vào trong tới suối Chết Trôi đâu phải chỉ có 100 tấn gạo cho F339 mà còn phải tải thêm phần gạo ăn của chúng tôi nữa, chúng tôi ở đó 1,5 tháng, mỗi người ăn hết 30kg gạo nữa x 200 người thì cũng nhòm nhèm 6 tấn gạo phải tải vào tới suối Chết Trôi rồi. Ôi, hạt gạo làng ta vào đến cái suối Chết Trôi đó sao thấy quý thế, nó là ngọc, các cụ gọi là ngọc thực quả không sai.
Phân chia theo D7 thì dễ rồi, 4 đại đội thay nhau đi đầu đội hình mỗi ngày ( chia nhau chết, chia nhau bị thương, đen C nào C đó chịu ). Sáng ra chờ công binh của F339 đi rà mìn trên đường xong, họ xuống suối Chết Trôi rồi đội hình mình mới đi qua. Địch hay lợi dụng lúc công binh đi qua rồi mới gài mìn, chúng rất ít khi tấn công vào công binh. Cách đánh của chúng cũng có những thay đổi song luôn là gài mìn quanh một khu vực nhiều cây cối hay địa vật có lợi cho lính bộ binh ẩn nấp, chúng gài cả dây 4-50 quả liền nhau rồi ngồi đâu đó phía dưới sườn núi, khi đội hình ta vào lọt đúng vị trí chúng gài mìn là chúng chỉ cần bắn vài loạt đạn vào đội hình rồi ù té chạy xuống núi. Lính chúng ta chỉ cần một người nhảy vào địa vật che chắn nào đó bên cạnh đường thôi thì cả một khu vực đó sẽ được dọn sạch sẽ bởi 4-50 quả mìn sẽ nhảy lên ngang bụng lính chúng ta mà phát nổ, mảnh mìn sẽ văng về cả 4 phương trời mang theo chất thủy ngân cực độc mà không một ai dính vào nó sẽ thoát chết.
Nhiều vụ nhiều việc lính F339 đã từng phải khiêng vác nhau mệt nghỉ rồi, chúng ta cũng rút ra được nhưng kinh nghiệm từ những chuyện này quá nhiều rồi, bởi vậy chúng tôi trước khi vào trận được quán triệt rất kỹ. Khi địch giở chiến thuật này thì nằm nguyên trên đường mòn không chạy bất kể đi đâu và sử dụng súng cá nhân của mình mà tác chiến, ổn rồi đi tiếp coi như chưa có chuyện gì xảy ra, sau đó công binh sẽ tháo mìn sau, cứ trên đường mà đi, cứ giữa đường mà nằm không có gì phải sợ hay hoảng loạn ở đây. Địch sau này cũng giở chiến thuật khác nhưng chúng tôi cũng có những cách đánh hay mai phục lại diệt gọn nhiều nhóm lính Pốt chuyên đi gài mìn kiểu này. Vỏ quýt dày sẽ có móng tay nhọn.