Hồi Ức Chiến Trường K - Chương 139
Chương 9 Con đường đi tải gạo
* * *
Chúng tôi đến F bộ tiền phương của F339 tại rừng Poursat chiều hôm đó khi trời còn sớm, điểm dừng xe trên đường, ngay con suối cạn bên trái đường, con suối cạn khá rộng với bãi cát vàng cùng sỏi cuộn. Hai bên bờ suối cây cối um tùm, bên phải đường lùi lại một chút là ngọn đồi nhỏ thoai thoải dốc lên cao, ở đó có những vạt rừng cây được lính mình chặt phá cây chỉ còn lại đất. Từ đây vào đến trung tâm của F339 khoảng 500m nữa, lính chúng tôi không vào đó mà chỉ dừng lại ở đây nhưng cán bộ cấp D, E của E209 nói F bộ F339 nằm sâu bên trong kia.
Chúng tôi xuống xe bốc dỡ hết đồ đạc cùng vũ khí xuống lòng suối cạn, lúc này nhiều xe cùng dồn về một lúc, lính tráng E209 tràn ngập khu vực này, lúc đó chúng tôi mới biết hôm nay hành quân vào đây có lính D7 và vài đại đội trực thuộc E209 vào trước, còn D8 D9 cùng các C trực thuộc khác sẽ vào sau. Có thể do không có xe ô tô vận chuyển lính vào một lượt, hơn nữa nhiệm vụ của D7 chúng tôi nằm sâu hơn những đơn vị khác nên chúng tôi phải khởi hành sớm hơn về thời gian.
Lần đầu tiên Bố Xuyến bọ cùng ban chỉ huy D7 lo sắp xếp đội hình D7 nghỉ ngơi qua đêm sau 2 ngày đường vất vả vào tới đây, các đại đội nằm dọc bờ suối lo chuyện cơm nước chuẩn bị kế hoạch ngày mai. Bố Xuyến hơi thấp, người đậm da trắng tầm tuổi trên 40 rồi, gấp đôi tuổi chúng tôi lúc đó, cỡ tuổi bố Xuyến có thể sinh ra những thằng lính như chúng tôi nên gần như cả D7 lính trẻ toàn gọi ông bằng Bố. Chẳng phải lính gọi ông như vậy là nịnh thủ trưởng làm gì, lính chiến chẳng thằng nào thèm nịnh thủ trưởng để mong hưởng được cái gì, sống hay chết cũng chỉ là gang tấc nên thẳng thắn mà sống cho nhẹ cái tâm. Chẳng qua vì thấy bố Xuyến đáng tuổi bố mình thì gọi là bố cho thân mật, hơn nữa lính xa nhà, xa người thân nên thiếu tình cảm, đồng chí đồng đội mà tuổi tác cao gọi tiếng Bố nghe cho tình cảm, đỡ thấy thiếu đi cuộc sống gia đình. Chắc cái đó người ta sẽ gọi là sự ngộ nhận của lính chứ quân đội ai cho gọi thủ trưởng bằng Bố.
Kế hoạch phương án ngày mai cũng được nhanh chóng phổ biến xuống từng chiến sỹ trong D7. Đêm nay chúng tôi nghỉ lại tại đây chuẩn bị tư trang cơm nước, sáng mai sẽ đi sớm, không có thời gian chần chừ thêm nữa, phải bắt tay ngay vào nhiệm vụ vì D7 là đơn vị nằm sâu nhất đội hình E209. Từ đây hành quân bộ trèo đèo lội suối vào tới E bộ của E9- F339 sẽ là 3 ngày đường, cung đường sẽ chia 3 cho 3 tiểu đoàn tải gạo và D7 sẽ nằm ở cuối đoạn thứ 2, từ đó hàng ngày nhận gạo của đơn vị bạn rồi chuyển vào giao cho E9. Các đại đội trực thuộc E209 chia đều cho các D bộ binh cùng tham gia tải gạo, bên D7 có nửa C công binh của E209 đi cùng và C2 chúng tôi có một B công binh luôn trong đội hình. Nhiệm vụ của công binh E không phải tải gạo mà chuyên lo chuyện dò mìn mở đường hàng ngày cho lính bộ binh tải gạo.
Chúng tôi lo cơm nước xong thì đi ngủ sớm để chuẩn bị cho hành quân ngày mai, thằng Diễm móc cho tôi cái võng ngay gần với nó cạnh bờ suối, nó chăm lo cho tôi vì biết tôi không được khỏe, tính nó cũng rất cẩn thận gọn gàng ngăn nắp sạch sẽ. Tối hôm đó nằm cạnh nhau, nó luôn mồm nói chuyện với tôi, nó kể luyên thuyên mọi chuyện của nó từ xưa đến nay, chuyện nhà chuyện cửa, chuyện gia đình anh em, chuyện yêu đương chuyện bạn gái. Tôi nghe nó kể cả trăm lần về cô bạn gái quê Cẩm Giàng Hải hưng của nó đang ngày đêm ngóng trông nó trở về xây dựng hạnh phúc, thỉnh thoảng tôi cũng bình luận, nhận xét về cuộc tình của thằng Diễm với cô bạn kia.
Nó muốn có chỗ giãi bày tâm sự, muốn được chia sẻ những hạnh phúc trong tim hay nỗi nhớ mong trong lòng nó với ai đó và tôi là người mà nó chọn để dốc bầu tâm sự, nó đã tin ở tôi bởi nó biết tôi sẽ không mang những chuyện riêng tư của nó đi kể lể lung tung gây cho nó những ngượng nghịu khó xử trước mọi người. Tôi luôn tôn trọng chút riêng tư của thằng Diễm và luôn khích lệ nó trong mối tình đẹp này. Không thể ngờ được, đây cũng là lần cuối nó tâm sự với tôi.
Sáng sớm hôm sau chúng tôi thu dọn rồi lên đường ngay, từ đây bắt đầu một hành trình dài của những ngày tải gạo giữa rừng F339. Đại đội 2 chúng tôi đi đầu D7 và theo cùng có thêm một B công binh dưới sự chỉ huy của một B trưởng C20. Đoạn đường đầu tiên từ F bộ đi ra ngay chỗ con suối chúng tôi dừng chân đêm qua, đi lên một chút rồi rẽ phải đi vào rừng phía trong, không quá vất vả với đoạn này, ít dốc, nắng chưa lên và cây thì rậm lá xòe bóng mát. Ngay ở đây, một vạt rừng cây thân nhỏ cỡ bắp đùi nhưng thân lại thẳng và cao vút hơn chục mét với tán lá xòe ra bằng cái nia thôi. Tôi thấy lạ, vẫn biết cây thiếu ánh sáng nên cố vươn cao, vươn cao mãi để kiếm chút ánh nắng mặt trời và nó dài dài thêm ra trong khi thân cây bé tý, nhưng vẫn thấy lạ bởi cả một vùng rộng đó đều thế, những thân cây to cành lá tỏa rộng đã che mất ánh nắng mặt trời của những cây này.
Rồi cũng ngay đó bắt đầu một con dốc dài ngược lên một ngọn đồi trước mặt, rừng vẫn che kín 2 bên con đường mòn nho nhỏ mà chúng tôi đang đi, văng vẳng đâu đây có khi nghe gần lắm, tiếng mìn nổ ầm ầm rồi thân cây cũng đổ rầm rầm, rồi tiếng ai đó gọi nhau ơi ới ngay dưới chân chúng tôi, chúng tôi nhìn nhau chẳng biết âm thanh đó là cái gì? và họ đang làm gì? Mục đích gì? Sau đó chúng tôi được biết : Lính công binh F339 mới khởi công mở một tuyến đường cho xe tải chạy được đoạn đường từ F bộ F339 vào đến E bộ E9, sẽ không phải tải gạo bằng sức người nữa.
Tiếng nổ đó là do lính công binh đánh mìn dây, loại dây mìn này quấn vào quanh thân cây rồi giật nổ, mìn sẽ cắt đứt thân cây thay cho dùng cái cưa mà cò cử kéo, cây to thì quấn nhiều vòng, cây nhỏ thì quấn ít vòng dây mìn. Gì chứ chuyện bộc phá với mìn dây này thì lính F7 chúng tôi chịu chết, lính F7 chỉ biết đánh nhau bằng súng bộ binh chứ bom mìn bộc phá chẳng thấy dùng bao giờ, mìn bộ binh xưa kia ở biên giới thì có nhiều nhưng mìn dây này thì mới nghe lần đầu. Ra vậy các đơn vị của chúng ta đang có những kế hoạch chốt giữ lâu dài nơi đây nên mới cho mở đường như vậy chứ.
Một cung đường từ đây vào đến E9 là bao nhiêu km đường chim bay? Từng đó km đường chim bay thì bằng bao nhiêu km trên thực tế của con đường làm được? sẽ có bao nhiêu chiếc cầu dù là dã chiến bằng cây bằng gỗ để xe ta lăn bánh ra chiến trường? Điều đó thì chỉ những người lính công binh F339 mới có thể trả lời chính xác được bởi mỗi mét đường đó thấm đẫm mồ hôi cùng máu những người lính công binh F339 tham gia thi công cung đường này. Tiếng mìn nổ liên tiếp đanh gọn giữa rừng hoang cùng tiếng cây đổ rào rào, chúng tôi vẫn bước theo con đường mòn của hướng đường bộ cũ chạy quanh co khúc khuỷu vượt lên đồi hay men theo những sườn núi đá.
Con đường nhỏ ngang 0,6m, có chỗ rộng hơn, có đoạn giật cấp khi phải leo vắt qua mỏm đá nào đó đổ về bên kia cái đỉnh, tôi luôn tâm tâm niệm niệm phải đặt chân chính xác giữa lòng của 0,6m đường đó không được bước lệch ra. Trước khi vào đây đã được học rồi, mìn ở đây vô tội vạ, nhiều như trấu, nhiều như vắt rừng, chỉ cần một sơ sẩy nhỏ của mình sẽ kéo theo biết bao nhiêu hậu quả cho mình và cho đồng đội khác, vì sự an toàn của mình của đồng đội mình xin mời bước chân chính xác giữa đường cho.
Thực ra đó là sự khuyến cáo chung cho toàn khu vực này thôi chứ ngay gần F bộ của F339 thì không đến nỗi phải như vậy, nhiều thằng đang hành quân dừng lại đặt ba lô xuống chạy sâu vào trong vài bước đi vệ sinh rồi lộn lại như cũ có sao đâu. Cấp trên đôi khi cứ nói tướng như vậy để lính ý thức được mà cảnh giác cao độ, khi chủ quan bớt đi một tý là vừa vặn, kiểu trừ hao.
Đường mỗi lúc mỗi ngược dốc và cao hơn, lính đeo nặng bước chân líu ríu ỳ ạch hơn, 3 cơ số đạn 1000 viên khoảng 15kg, súng 5kg nữa, vị chi súng đạn 20kg rồi, gạo 2 cơ số 10kg, tư trang tăng võng nylon, quần áo bình tông, giày dép mũ nón, tất tần tật thêm 10kg nữa, vậy là nhẹ nhất thằng lính D7 chúng tôi khi đó cũng 40kg trên vai trèo đèo lội suối rồi. Mồ hôi lính bắt đầu đổ cho mỗi bước hành quân, có những lúc cảm giác không bước nổi qua khỏi bàn chân kia của mình nữa, dốc quá mỏi quá, lính lặng lẽ lê từng bước, người sau ngắm người trước mà đi và mắt thì không dám rời xa cái mặt đường rộng 0,6m ấy.
Khoảng tầm 10h trưa chúng tôi đến một cánh rừng khá mát và bằng phẳng lúc này tôi đã đi tụt lại sau đội hình một đoạn ngắn, anh em C2 của tôi có vài người cũng dừng lại và ở đó có một nhóm 6-7 người mặt mũi lạ hoắc đang ngồi đó nghỉ giữa đường. Thấy họ nghỉ thì tôi cũng nghỉ, hạ ba lô xuống ngồi thở cả bằng mũi mồm và cả tai nữa, thái dương nghe giật giật với tiếng kêu căng cắc trong tai. Lúc này tôi bỗng nhớ đến bài thơ của lính : Đời thằng mục, ăn cơm cục, uống nước đục... Sao thấy nó thấm thía xót xa thế, nhà thơ bút...lông của lính nào mà sát thực tinh tế đến lạ thường rất lính và cũng rất từng trải.
Số anh em ngồi nghỉ kia lặng lẽ nhìn tôi, tôi nhìn họ, có gì đâu mà nhìn? Lính mà, anh lính, tôi lính chúng ta là lính như nhau cả thôi có gì đáng để nhìn đâu nhỉ? Mấy ông này là ông nào? Sao lạ mặt thế bấy lâu nay không gặp bao giờ, cũng có thể là số anh em ở các C trực thuộc E209 mà tôi không biết. Nếu là DKZ75ly hay 12.8ly hoặc trinh sát C21 thì tôi thế nào cũng quen ai đó còn mấy anh này nhìn lạ quá, nhưng thôi kệ họ mình biết hết làm sao được. Một thằng chắc cũng bằng tuổi tôi, nó trẻ như tôi với bộ quân phục bạc màu cỏ úa, loại quân trang hạng bét bằng vải kaki Nam định mà thời tôi còn huấn luyện họ phát, thằng nào số đen thì bị dính một bộ, ngày đó tôi may mắn 2 bộ phát xanh rì màu kaki Nam định.
Tôi nhìn nó, chắc mẩm thằng này trước kia thuộc loại số đen nên vớ phải bộ quân phục này, nó luôn nhấp nhổm đứng lên ngồi xuống ngó trước nhìn sau tay chân không yên, trên cổ nó có sợi dây chuyền làm bằng sợi nylon màu xanh đỏ được quấn lại từng khúc nhỏ xâu vào nhau liên tiếp thành sợi dây chuyền và nó đeo ở cổ một viên đạn AK vàng chóe. Tôi nghĩ bụng, đạn AK tao có cả ngàn viên trên lưng đây này, nếu cần tao cho vài trăm viên, việc gì phải đeo một viên AK thế kia để tỏ ra mình là thằng lính máu sẵn sàng tự sát nếu cần. Lúc đó tôi mới để ý nhóm anh em này kỹ hơn, ba lô của họ mang theo có cả những chiếc nồi con con trên nắp ba lô đen xì muội bếp, tôi quá quen với cảnh này nên nhận ra rằng họ là một nhóm anh em đi làm nhiệm vụ riêng của họ và hình như không phải lính E209.
Số anh em D7 đi ngang, người ngồi lại người đi luôn còn tôi ngồi nghỉ thêm chút nữa, tôi chợt thấy cái võng được gác ở cành cây cách chỗ chúng tôi ngồi vài mét rồi từ đó tôi mới nhận ra cái mùi thum thủm toát ra từ đó, hình như lúc tôi đến ngồi nghỉ gió thổi đưa cái mùi đó đi hướng khác nên hoàn toàn không thấy mùi này. Bây giờ thì tôi biết rồi, những người lính kia, họ là ai, thuộc đơn vị nào và công việc của họ là cái gì? Cái võng gác ngang thân cây kia nói lên tất cả.
Nhóm anh em này cũng chuẩn bị lên đường, họ đứng dậy ai vào việc đó, người khoác ba lô, người khiêng cáng tử sỹ, tôi đứng lại chờ họ đi qua rồi mới bước đi như muốn tiễn đưa tử sỹ trở về bên đồng đội. Thương lắm tử sỹ chúng ta, hy sinh ở tuyến trước không biết đã bao lâu mà về đến đây đã bốc mùi tử khí nồng nặc, mặc dù sau khi hy sinh đã được anh em làm công tác này khâm liệm bó buộc cẩn thận đưa về tuyến sau. Số anh em kia là người làm công tác tử sỹ, họ chỉ là một nhóm nhỏ luôn tải trên đường và họ luôn để dành cho mình một viên đạn cuối cùng cũng là điều dễ hiểu, đặt địa vị tôi ở đơn vị này tôi cũng sẽ chọn cho mình cách đó, không bao giờ để mình lọt vào tay lính Pốt nếu không muốn mình sẽ phải chết thêm lần thứ 2.
Tôi tiếp tục hành quân theo đội hình của đơn vị mà lòng bộn rộn suy nghĩ cùng những âu lo. Xưa nay chiến trường mà tôi từng cọ sát va chạm, chiến lược chiến thuật mà tôi từng biết nó khác xa với cái đang chờ tôi ở đây, cần nhanh chóng tìm hiểu trang bị cho mình những kỹ năng tối thiểu để thích ứng được với hoàn cảnh chiến đấu hiện tại thì mới mong có cơ hội đi ra khỏi đây bằng chính đôi chân của mình.
Trưa hôm đó chúng tôi đến một con suối khá rộng, nước khô cạn trơ những phiến đá to gữa lòng suối, hai bên bờ triền núi đất thoai thoải xuống. Những dây leo chằng chịt ven bờ hình như là cây mây hay song rừng mọc từ bờ lòng suối leo cao mãi lên trên với những sợi dây thân cây dài trắng toát, những bụi le hay trúc thân vàng làm cần câu cá chắc vừa tầm tay mọc dọc bờ. Đường xuống lòng suối cạn nhiều ngả, toàn đá nhưng trung tâm khúc này vẫn là chỗ có một thân cây rất to được ngả xuống lòng suối, thân cây có chỗ đã mục bóc ra hàng mảng gỗ mục nát. Đây chính là chiếc cầu qua suối khi mùa mưa đến và chiếc cầu này do lính công binh F339 chặt đổ cây làm cầu, không phải cây đổ do tự nhiên hay do thiên tai.
Chúng tôi nghỉ lại nấu nướng ăn trưa tại đó, anh nuôi C2 chúng tôi rất tháo vát trong chuyện này, luôn là cơm dẻo canh ngọt, họ luôn làm tròn bổn phận của mình dù rằng họ cũng hành quân vất vả như chúng tôi, họ luôn tạo được những bữa ăn cải thiện tốt nhất trong điều kiện có thể. Trưa hôm đó tôi còn nhớ mãi món canh chua lá rừng non được ai đó kiếm về nấu với đầu đuôi cá khô, bát canh chua đưa đẩy bát cơm cho bước hành quân vất vả, chút thịt lợn rim cùng thân cá khô rán, chút muối vừng đen trộn lạc rang giã nhỏ để dành từ lâu với bát cơm nóng sốt chín tới. Lính C2 chúng tôi luôn tôn trọng anh nuôi đơn vị mình, họ là những người lính không trực tiếp cầm súng chiến đấu đối mặt với kẻ địch nhưng những chiến công của C2 chúng tôi từ xưa đến nay đều có công sức của họ đóng góp.