Hồi Ức Chiến Trường K - Chương 140

Chương 10 Gặp E14 Công an vũ trang

* * *

Chúng tôi nhanh chóng chuẩn bị cơm nước, ăn uống xong còn phải đi tiếp, chặng đường tiếp theo còn dài với nhiều gian nan. Nắng trưa không quá gay gắt đổ xuống lòng con suối với những tảng đá to giữa dòng, mạch nước trong veo len lỏi giữa những khe đá bắt nắng hất lên những tia sáng lung linh loa lóa. Rừng xanh bạt ngàn với những đỉnh núi cao ở 2 đầu con suối, mỏm này nối tiếp những mỏm khác mịt mù bất tận, vài tiếng choèn choẹt khoèn khoẹt của loài chim rừng nào đó vô duyên giữa đám lính đang chuẩn bị cơm nước dưới suối với những bếp lửa khói tỏa mờ mờ dăng dăng.

Bên kia của con suối, tít trên đỉnh cao phía trên đầu chúng tôi, tiếng anh em lính quân tình nguyệnViệt Nam mình gọi nhau ý ới, đơn vị nào thế nhỉ? Chịu, mình là những người mới vào đây lần đầu biết ai vào với ai đâu mà hỏi, anh em còn ở tít trên cao kia nhìn thấy mặt họ đâu mà biết, lính mà quân ta với nhau là được rồi. Ở đây ngoài quân ta và quân địch chẳng còn loại người nào khác để phân biệt đối xử, quân ta có nghĩa là đồng chí đồng đội, bắt tay chào hỏi thậm chí hỏi thăm đồng hương đồng khói, quân địch hả? Tao sẵn sàng tiễn đưa mày sang thế giới bên kia không cần à ừ hay hừ hừ làm gì hết.

Đúng lúc chúng tôi dọn cơm ăn, chậu cơm đầy trắng ngần, chậu canh chua lá rừng với cái đĩa 4 ngăn vừa là nắp đậy, chút cá khô rán kho mà chúng tôi từng ăn tới chai miệng, vài miếng thịt lợn mỡ kho cùng anh nuôi để dành cho đơn vị những lúc gian khổ nhất mới mang ra để anh em đưa đẩy miếng cơm trên đường hành quân, thêm chút muối vừng đen như nhọ nồi cùng lạc giã nhỏ đổ riêng một góc đĩa. Lính D7 chúng tôi chưa từng đói ăn bao giờ, có thể chất lượng chưa tốt cho bữa ăn của lính nhưng không bao giờ thiếu, nếu có thiếu gạo hay thực phẩm cũng là do đường tiếp tế khó khăn chưa kịp thời chứ thiếu ăn tới mức lính phải chịu đói thì chưa từng. Hơn nữa anh nuôi quản lý của chúng tôi là những người có trách nhiệm biết lo xa và chăm chỉ cải thiện bữa ăn của lính nên cuộc sống lính cũng đỡ đi rất nhiều.

Bữa ăn dã chiến trên đường hành quân, người đứng người ngồi, người xới cơm gắp thức ăn xong bước ra một chỗ mà ngồi ăn cho qua bữa, các B thì ngồi vắt vẻo nơi hòn đá giữa suối gọi nhau ăn cơm trưa để rồi còn tiếp tục hành quân. C bộ C2 ngồi ăn cơm trưa ngay chỗ cái cây được ngả xuống làm cầu qua suối, lúc đó đoàn anh em lính mình từ trên núi bên kia suối đã xuống đến bờ, họ đi một đoàn dài và đầu này ở dưới suối rồi mà phía trên cao kia vẫn nghe tiếng họ nói chuyện hay gọi nhau. Nếu theo quân số của đơn vị chúng tôi lúc đó để ước đoán có lẽ số anh em này phải là hàng tiểu đoàn chứ không phải 1- 2 đại độ.

Họ bắt đầu qua cầu trên cái thân cây ngả nằm ở lòng suối, trên vai họ ba lô súng đạn bao xe đạn đeo ngực và phần lớn họ sử dụng súng xung lực AK, hỏa lực mạnh như B41 B40 hay RPD thấy rất hãn hữu. Có người vác trên vai khẩu RPK cổ lỗ và phần lớn súng ống của họ toàn đồ cũ với nước thép cùng báng gỗ bạc màu, không thấy có loại vũ khí hạng nặng cấp D như cối 82ly, cối 60ly, DKZ75ly, DKZ82ly hay 12.8ly, đại liên mà bộ binh chúng tôi thường có ở cấp C, D. Trên tay họ mỗi người đều có chiếc ba toong bằng cây song rừng với cái đầu uốn cong tay cầm làm gậy chống, họ bước đi chậm chạp qua cầu từng bước mệt mỏi của những người đang ốm bệnh, nước da tái xanh như tàu lá chuối non, gày nhẳng giơ xương, hốc hác tiều tụy.

Tất cả chúng tôi có mặt ở đó sững người nhìn họ, thật sự là chúng tôi chưa chuẩn bị tâm lý chứng kiến cảnh này, bất chợt ai đó hỏi :

- Đơn vị nào đấy các đồng chí ơi.

- Trung đoàn 14 Công an vũ trang trực thuộc bộ quốc phòng các anh ạ.

Ra vậy họ là một đơn vị bộ đội biên phòng và đã từng có mặt ở đây từ những ngày đầu quân tình nguyệnViệt Nam đánh tới giáp vùng biên giới Thái lan. E14 Công an vũ trang đã kiên cường cùng F339 trụ vững tại đây ở thời điểm khó khăn nhất và hôm nay họ được lệnh rút ra sau nhiều ngày chiến đấu gian khổ ác liệt.

Khi đi ngang qua mâm cơm của C bộ C2 chúng tôi, một người lính Công an vũ trang nói :

- Các bác ăn cỗ đấy à?

- Không, cơm bình thường đấy chứ.

- Các bác ăn uống sướng quá, chẳng bù cho bọn em 6 tháng nay chỉ biết có cháo với muối, đường vận chuyển vào đây khó khăn quá.

- Vậy à? vậy thì ngồi xuống đây ăn luôn cùng chúng tôi.

Không khách khí, rất tự nhiên anh em hạ ba lô xuống rồi móc cái bát sắt cùng đôi đũa trong cóc ba lô ra rồi xới cơm cùng ngồi ăn chung với chúng tôi, anh em các C các B ngồi ăn quanh đó cũng mời số anh em Công an vũ trang đang đi ra cùng xuống lòng suối ngồi ăn chung thân tình như những anh em cùng đơn vị. Tất cả chúng tôi không ai bảo ai lặng lẽ đứng dậy khỏi mâm cơm nhường cơm cho anh em Công an vũ trang ăn, họ chia nhau cơm vét chậu quèn quẹt, gắp khúc cá kho ăn khen ngon, khen lạ. Họ là những người lính từng chịu nhiều khổ cực nhất mà mắt tôi từng thấy ở thời điểm đó.

Ăn xong họ ngồi nghỉ uống nước cùng chúng tôi lúc đó mới có thời gian hỏi thăm nhau thì anh em họ kể lại rằng :

- Cũng đâu khoảng tháng 3-4.1979 đơn vị Công an vũ trang E14 vào đây, đường xa quá đi ra là 3 ngày đường nên vận chuyển khó khăn, quân số chiến đấu luôn thiếu hụt bởi trên 50% phải trên đường đi nhận lương thực và đạn dược, nhu yếu phẩm gần như không có. Lính E14 không mong gì hơn là có cơm ăn no và muối vậy mà không có đủ cả một thời gian dài chỉ ăn cháo với muối, anh em kiệt quệ về thể lực do bệnh sốt rét rừng cùng thiếu ăn thiếu chất dài ngày.

Thương lắm, họ đáng thương lắm và sức chịu đựng của anh em E14 Công an vũ trang cũng phi thường lắm. Họ cũng vội vã chia tay chúng tôi hành quân ra tuyến ngoài, lại ba lô súng đạn trên vai, ba toong làm gậy chống, chầm chậm từng bước, từng bước họ hành quân ra, trước lúc đi họ dặn lại chúng tôi :

- Trong đó nhiều mìn lắm, các anh cẩn thận nhé, địch hay dùng cách...này ở trường hợp này, cách... kia ở trường hợp kia. Hết sức chú ý địch không đáng ngại mà mìn KP2 mới là đáng sợ, nếu dính mìn có thủy ngân trong kíp mìn thì dù mảnh bé tý cũng không qua khỏi.

Cám ơn các anh lính Công an vũ trang E14 tạm biệt, tạm biệt nhau giữa rừng Poursat chẳng bao giờ chúng tôi gặp lại nhau nữa.

Chúng tôi lại tiếp tục hành quân vào ngay sau đó, trèo qua ngọn núi trước mặt ngay chân bờ suối, dốc cao từng bước, từng bước đi lên, bám vào những thân cây để vít để kéo khối nặng của cơ thể mình cùng đồ đạc trên lưng vượt qua và đi tới. Lại rừng, lại con đường bé tẹo quanh co giật lên đỉnh đồi mỏm đá cao hay bước xuống những con suối cạn, lách rừng mà đi, cứ theo con đường mòn nhỏ đó mà bước, người trước người sau không chậm chễ nhưng cũng không thể vội. Lúc mới nghỉ mà đi luôn chân bước nặng chùn chân nhưng đi mãi nó cũng quen, cơ đùi không còn căng tức nữa bắp chân không còn chùn nữa nhưng gót chân thì thấy đau theo mỗi nhịp bước xuống.

Cảm giác không còn bàn chân chỉ còn là khúc xương chân đâm xuống đất theo nhịp bước, lính miền Đông Nam bộ còn có cảm giác này, gặp lính đồng bằng chắc sẽ thấy gian khổ hơn mỗi lần leo núi kiểu này. Vài chiếc cáng cùng anh em F339 khiêng tử sỹ đi qua, chúng tôi đứng nép về bên đường nhường đường cho tử sỹ đi qua, không có ai là người mới hy sinh cả. Cơ thể tử sỹ đã bốc mùi tử khí mặc dù đã được bảo quản tốt nhất trong điều kiện có thể, sau này tâm sự với anh em lính F339 thì chúng tôi mới hiểu hết nguyên nhân tại sao khi tử sỹ ra đến đây đã bốc mùi tử khí?

Anh em chiến đấu ở tuyến trên cùng chốt giữ biên giới hướng này hy sinh, từ cấp C chuyển về cấp D cũng đã cực kỳ khó khăn vất vả, tiếp từ D về E cũng là cả một vấn đề, mất thêm vài ngày nữa, từ E chuyển về F đi nhanh cũng 3 ngày là ít nhất. Vậy thì từ khi tử sỹ hy sinh đến khi mang ra đến F bộ F339 bên ngoài cả chục ngày đường, trong điều kiện khí hậu mùa khô như hiện tại thì chuyện tử sỹ ta đã bốc mùi tử khí là điều không tránh khỏi. Vì vậy khi tử sỹ hy sinh, ngay tức khắc lau chùi tắm rửa khâm liệm, thay quần áo mới cho tử sỹ rồi dùng cái võng dù làm vải liệm buộc chặt lại,ngoài cùng bọc lại bằng vải đi mưa và tấm tăng cá nhân của tử sỹ, cố gắng buộc càng chặt càng tốt, càng đỡ toát ra mùi tử khí. Mỗi người lính luôn mang trên lưng mình cỗ quan tài cho chính mình khi cần thiết, không hương khói, không kèn trống, không người thân, chỉ có nước mắt cùng thương tiếc của đồng đội.

Khoảng 5h chiều hôm đó chúng tôi tới một con suối nằm sâu dưới khe 2 quả đồi 2 bên, trời rừng chiều mau tối. Cũng giống như những con suối chúng tôi từng đi qua phía sau lưng, nhưng con suối này to hơn những con suối trước nhiều, những tảng đá to hơn nằm dưới lòng suối, có tảng đá khá phẳng hơi nghiêng sạch bóng nằm giữa suối. Dưới những tảng đá, khe nước suối róc rách chảy, những con cá bé ti ti bơi bơi theo dòng nước, đá như được xếp vào nhau, có những khe nhỏ người chui lọt. Bên bờ kia một bãi sỏi cuội trắng với những dây leo thả từ trên cao xuống cỡ cổ tay.

Vẫn rừng cây 2 bên bờ suối dựng đứng, vách đất và đá chen nhau, cây mây ở đây nhiều lắm, dây bò dài cỡ ngón tay trắng phau đan nhằng nhịt, lá mây xanh sẫm và nhiều gai, những khóm tre trúc vàng giữ đất lưng chừng đồi đan kín, thỉnh thoảng có cây to ngả dần về lòng suối. Khi chưa vào sát tận nơi thì không thể biết được có con suối ở đây, cây rừng rậm rịt mù mắt chỉ thấy lá cây cách vài mét đường. Lúc đó tôi đi tụt lại phía sau cứ ngắm cái con đường dưới chân mà đi, sao lắm đường mòn quá, tai thì nghe tiếng anh em C2 nói oang oang dưới lòng suối mà chẳng nhìn thấy gì cả. Thằng Hào vác B41 đi trước tôi còn tôi thì ngắm lưng nó mà theo, kệ nó dắt đi đâu thì dắt, rồi tiếng thằng Bình ở dưới suối quát vọng lên :

- Hai thằng kia đi đâu đấy? C2 mình ở đây kia mà.

Thì ra nó ở dưới suối nhìn lên đúng chỗ thoáng tầm nhìn thấy tôi với thằng Hào đi quá đội hình C2 dưới lòng suối thì gọi giật lại. Cắt thẳng đường tụt theo lòng suối, bám thân cây cho khỏi lăn xuống, chúng tôi mở đường mới bước xuống lòng suối. Hạ cái ba lô trên tảng đá phẳng kia nghỉ cái đã rồi chuẩn bị kiếm chỗ mắc võng nghỉ lại qua đêm, cũng chưa biết thế nào, cán bộ D chưa chỉ vị trí dừng chân của C2 đêm nay. Anh Phượng biến đi đâu rồi, anh Tập thì lo đi gom quân lính hành quân tản mát quá, anh này cũng tếu lắm miệng cười cười nói :

- Không khéo tìm chúng nó về có khi chúng nó hành quân sang tận Thái lan chưa biết chừng.

Lúc sau thấy anh Phượng đi về, liền xua quân C2 xuôi theo dòng suối xuống sâu thêm 50m nữa rồi chỉ lên bờ suối :

- Đấy các B đóng dọc theo bờ suối trên bờ kia, B công binh C20 đây, B1 B2 B3 kia, hỏa lực kia, C bộ và anh nuôi dưới lòng suối. Bên kia bờ suối là lính C3 đấy nhé, nếu có chuyện gì thì không bắn qua bên hướng đó. Nhớ chưa?

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3