Hồi Ức Chiến Trường K - Chương 142

Chương 12 Suối Chết trôi

* * *

Chia tay thằng Diễm cùng anh em vận chuyển khiêng cáng tử sỹ về tuyến sau, 4 anh em chúng tôi quay trở lại suối nơi thằng Diễm hy sinh, dọc đường đi anh Tập buồn thiu không nói, từ chiếu hôm qua chỉ thấy anh ấy luôn thở dài. Đêm qua, nằm gần anh ấy, tôi biết anh ấy đã thao thức không ngủ, trở mình liên tục trên võng, mỗi khi tôi trở dậy mặc thêm quần áo hay sửa lại cái võng là một lần lưng anh ấy trùng xuống chạm đất cũng chẳng thấy anh ấy nói năng gì. Tôi biết anh ấy mới mất đi một người đồng hương Hải hưng ở đơn vị và đồng hương mình hy sinh thì ai mà không buồn. Thằng Diễm đang chờ kết nạp Đảng, nó đã làm xong thủ tục kê khai trích ngang lý lịch và đang chờ xác minh, anh Tập là người giới thiệu nó vào Đảng, nay bỗng chốc thằng Diễm hy sinh thì những chuyện kia chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

Chúng tôi về đến suối Diễm hy sinh thì đơn vị đã hành quân đi rồi, anh em chúng tôi khoác vội ba lô tiếp tục đuổi theo đội hình D7, đường rừng vắng vẻ 4 anh em hành quân gấp đuổi theo. Từ lòng suối đi lên dốc thẳng đứng, từng bước một mà leo, bám cành cây để vít mà đu người lên, thấy thấm mệt ở đoạn đường đi kiểu này, lúc đầu mới vào hành quân đeo nặng thấy gian nan vậy thôi chứ sau này đi nhiều dốc cao khó đi hơn thấy nó cũng quen dần. Chúng tôi mải miết đuổi theo đến tận trưa mới bắt kịp đơn vị, đoạn đường này sau đó là vị trí của D8 tải gạo vào tuyến trong cho D7, nó chỉ khó khăn khúc ban đầu ở suối Diễm hy sinh và qua đó khoảng 4-5km là khó đi còn về sau này thì đường tốt hơn ít phải trèo đèo lội suối. Rừng già rậm rịt 2 bên đường, những cây to cổ thụ với những rễ cây bò ngang mặt đường, từng khoảng đất lổn nhổn quanh rễ cây thấy đã ngại đặt chân vào, cứ chắc ăn tôi nhón chân lên rễ cây mà đi, ai mà biết trước được thằng Pốt nào nó gài ở dưới chỗ đất đó quả mìn và nó chỉ chờ mình đặt chân vào đấy là coi như xong.

Thật lòng để nói, trong chiến đấu tôi sợ nhất gặp mìn, tôi không sợ nằm dưới tọa độ pháo, chẳng sợ đạn địch bắn như mưa cũng chẳng sợ mấy thằng Pốt đêm gác mò vào chốt hay một B của địch ngoài chốt mồm hò hét chô chô huýt còi xung trận. Vậy mà thấy sợ kẻ gieo rắc cái chết lạnh lùng này, nó luôn chờ đợi những sơ xểnh nhỏ nhất do chính mình gây ra và BÙM, mọi chuyện coi như kết thúc. Thật lạnh lùng và cũng vô cùng tàn nhẫn. Có thể phát đạp mìn của thằng Thế trong trận 7.12.1978 diễn ra trước mắt tôi, khi nó ngã xuống sau tiếng nổ của quả mìn hơi K58 giơ lên cái chân bay mất bàn chân và cái ống xương trắng hếu thịt tước như dóc mía lên tận đầu gối đã khiến tôi thấy run sợ. Rồi hình ảnh thằng Vinh Tôm bạn tôi dính 2 quả mìn hơi K58 một lúc, thân xác nó chẳng mấy vẹn toàn. Trận Cửa mở lúc vượt qua quyết chiến điểm anh em C2 đạp mìn bị hất ngược trở lại xuống bờ tường ủi khi đó. Và hôm qua anh lính C20 với thằng Diễm là một minh chứng nữa khiến tôi thấy ghê sợ loại vũ khí này. Tôi tự nhắc nhở mình nên cận trọng trên từng bước chân đi.

Khoảng 2h chiều thì chúng tôi hành quân đến một vùng trảng trống giữa trên đỉnh núi cao, mặt bằng khá rộng to như cái sân bóng đá, hơi nghiêng nghiêng vào hướng hành quân, chung quanh cây cối rậm xanh rì và con đường mòn tải gạo đi nép về bên trái cái trảng này. Từ sát ngoài F bộ F339 vào tới đây luôn là cây rừng cành lá phủ trên đầu vậy mà ở đây có cái trảng trống trên đỉnh núi cao khá phẳng phiu thoáng tầm mắt, thấy nó hơi khác thường tý chút vậy thôi chứ cũng chẳng để ý làm gì. Nhưng sau này ở đây lại chính là vị trí chúng tôi nhận gạo tải vào của D8, sau vài ngày đầu tải gạo đơn vị rút kinh nghiệm lại bố trí cho hợp lý đội hình vị trí giao nhận gạo giữa những D trong E209 khi làm nhiệm vụ. D8 tải gạo vào tới suối Chết Trôi giao cho D7 rồi quay ra suối Diễm hy sinh thì quá muộn, không kịp thời gian chuẩn bị cho ngày mai tải tiếp, bởi vậy sẽ giao gạo cho D7 ở chỗ cái trảng này, họ sẽ đỡ được 2h đồng hồ đi lại và D7 phải cố gắng hơn nữa thu nhanh thời gian tải gạo từ suối Chết Trôi vào đến E9.

Chúng tôi tiếp tục hành quân thêm khoảng 5km nữa, đường rất dễ đi bởi phần lớn là đường mòn bằng phẳng cho đến khi đường đổ dốc xuống lòng một con suối khá lớn nằm sâu giữa 2 khe đồi, cây ven bờ suối thưa thớt chỉ nhiều cây dại. Khúc suối nước đọng một khoảng rộng ngay dưới chân đường đi mà đường vào E9 bắt buộc phải đi qua khúc này, không có con đường nào khác. Bên kia suối, vách núi dựng đứng, để qua được suối phải đi ngược theo dòng chảy khoảng 200m mới có những mỏm đá trên lòng suối để bước qua trên những hòn đá đó và bên kia là đường có thể đi lên dễ dàng nhất.

Suối Chết Trôi, một con suối với đầy rẫy những kỷ niệm của lính, nơi chứng kiến biết bao nhiêu sự kiện của cung đường từ E9 đi ra F339 tiền phương và cái tên suối Chết Trôi được bắt đầu bằng câu chuyện của những người lính Công an vũ trang khi lần đầu tiên hành quân vào con suối này. Chuyện này chúng tôi được nghe kể lại.

Khoảng tầm tháng 3 4.1979 khi những đơn vị của ta tập trung đánh căn cứ Leck của Pôn Pốt xong rồi truy đuổi địch về hướng này, E14 Công an vũ trang lúc đó có một mũi đánh đến vị trí con suối, có thể E14 là đơn vị đầu tiên đánh tới đây. Khi đó họ có lệnh vượt suối qua bên kia để vào giáp biên giới Thái lan làm nhiệm vụ, không rõ sự tổ chức vượt suối như thế nào, hoàn cảnh khi đó ra sao, nước suối thời gian đó như thế nào nhưng có một người lính Công an vũ trang đã hy sinh do nước suối cuốn mất xác cùng súng đạn tư trang cá nhân. Từ đó con suối mang tên suối Chết Trôi.

Không ai biết tên người lính Công an vũ trang đó là gì để đặt cho con suối được mang tên anh ấy mãi mãi, đành lấy sự hy sinh của anh ấy đặt tên cho con suối đó, như một kỷ niệm nhắc mãi về sự hy sinh của người lính Công an vũ trang đó từ những ngày đầu.

Từ đây lính F339 hàng ngày đi qua khu vực này để ra vào E9, biết bao nhiêu bước chân lính từng hành quân qua đây, tuyến đường vận tải duy nhất cho một E bộ binh nằm cách đó khoảng 20km nữa và con suối Chết Trôi này cũng chứng kiến nhiều thương binh tử sỹ của E9 từ tuyến trước chuyển về qua đây. Suối Chết Trôi cũng là trạm dừng chân sau 1/2 ngày đường hành quân vất vả của tất cả những ai đi ra hay đi vào tuyến đường khi đó, nấu cơm nửa buổi hay ăn vội bữa trưa cũng dừng lại đây và ai từng qua đây ít nhiều cũng có kỷ niệm với nó.

Đối với lính D7 chúng tôi thì có quá nhiều kỷ niệm ở suối Chết Trôi, hơn một tháng ở đây hàng ngày tải gạo ra vào E9 rồi trở lại, mọi sinh hoạt tắm rửa cơm nước ăn ngủ nghỉ cũng loanh quanh bên con suối Chết Trôi này.

Suối Chết Trôi! Một địa danh, một con suối trên đường vào E9, là điểm bắt buộc phải đi qua của đường hướng này là nơi chứng kiến không biết bao nhiêu sự kiện đã từng xảy ra trên cung đường này. Đứng dưới lòng suối ngửa cổ nhìn lên đỉnh núi trước mặt mình mà ngày mai chúng tôi sẽ phải bắt đầu tải gạo đi qua, nhìn lên, nhìn lên mãi cho đến khi nào rơi cái mũ cối đội trên đầu mình ra phía sau lưng thì lúc đó mới nhìn thấy được đỉnh núi nơi sẽ phải đến phải đi qua. Không phải 1, 2, 3 lần mà là 40 lần trèo qua con dốc này cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ kết thúc chiến dịch tải gạo cho F339. Gian nan không gì tả xiết đang chờ đón chúng tôi.

D7 nhanh chóng đi vào ổn định đội hình nơi ăn chốn ở ngay sau đó, D bộ nằm ngay trên đường đi chỗ cắt ngang qua con suối có những tảng đá bước qua bờ bên kia, suối vẫn róc rách chảy dồn nước về cái khúc nước đọng phía dưới. C2 nằm ở cuối nguồn và cuối đội hình, nếu ai đi từ ngoài vào sẽ gặp lính C2 trước, C1 nằm liền theo đó rải dọc cho đến khi gặp D bộ. C3, C5 nằm sau lưng D bộrải dài theo hướng thượng nguồn, tất cả nằm hết bên này bờ suối Chết Trôi. Do D7 từng bị lính Pốt đứng trên cao ném lựu đạn cùng đạn cối 60ly xuống suối nên cảnh giác và D trưởng Xuyến kiên quyết bắt lính phải đào hầm tránh với nắp bằng thân cây, phủ đất dày bề mặt, các hố nằm ngủ đêm đào sâu xuống khỏi mặt đất ít nhất 30cm. Công việc được chính D trưởng cùng tác chiến D kiểm tra nghiêm ngặt, bất kể ai cãi lệnh hay chây ỳ không chịu đào hầm hố sẽ được bố Xuyến hỏi thăm ngay, bố Xuyến bọ tính tình vui vẻ nhưng mệnh lệnh trong chiến đấu thì đừng thằng nào dại mà đùa với ông ấy.

Bố Xuyến đúng là một người lính nhiều kinh nghiệm trận mạc, ngay chiều hôm đó bố dắt theo nhóm tác chiến trinh sát và công binh C20 trèo ngược lên đỉnh núi trước mặt nắm tình hình thực địa cùng chiếm lĩnh cắt đặt lính công binh ở vị trí trên đỉnh dốc. Có thể như vậy sẽ khó khăn trong sinh hoạt của anh em C20 nhưng ngược lại thuận lợi cho công tác dò phá mìn cũng như chốt giữ điểm cao trên trục đường tải gạo. Điều nữa mà chúng tôi được biết, cách suối Chết Trôi khoảng 5km có một trạm công binh của F339 nằm tại đó chốt giữ, nhiệm vụ của họ hàng ngày dò soát mìn đoạn đường vào buổi sáng trước khi lính tải gạo hay anh em khác đi lại trên dọc tuyến đường này. Như vậy là công tác tổ chức của ta cũng như của riêng D7 khá chặt chẽ đủ điều kiện để thực hiện nhiệm vụ trong hoàn cảnh hiện tại.

Chúng tôi cũng được biết tin lính D8, D9 của E209 cũng đã ổn định đội hình và đã bắt đầu tải gạo vào tuyến trong, hiện nay mọi chuyện rất thuận lợi, riêng D7 sẽ được nghỉ ngày mai nằm chờ D8 chuyển gạo vào xong sẽ bắt đầu chuyến tải gạo đầu tiên vào sáng sớm ngày kia. Như vậy kể từ ngày rời thủ đô Phnom Penh, sang ngày thứ 6 chúng tôi mới bắt đầu được những chuyến gạo đầu tiên vào cho E9- F339. Với 4 ngày đi đường, một ngày nằm chờ gạo, ổn định đội hình, chưa làm được gì chúng tôi đã hy sinh mất 2 người ở những ngày đầu của chiến dịch.

Khoảng 4h chiều hôm sau lính D8 tải những ba lô gạo đầu tiên vào đội hình D7, chúng tôi nhận gạo từ anh em D8 đóng dồn vào ba lô của mình. Lúc đầu thiếu kinh nghiệm, anh em trải tấm tăng rộng ra rồi đổ gạo vào, lính D8 cứ đổ gạo vào đó lính D7 sau đó đóng lại vào ba lô, ruột tượng của mình, mất khá nhiều thời gian ở chuyện này. Sau này không làm như vậy nữa mà đổi ba lô cùng ruột tượng luôn, vừa đỡ mất công vừa tránh rơi vãi, hạt gạo vào đến đây thấm mồ hôi và cả máu của anh em mình, để rơi vãi lãng phí thấy tiếc lắm. Lính chúng tôi đóng gạo vào ba lô rất tự giác, dọng thật chặt cái ba lô Trung quốc cho cứng ngắc, dùng nylon phủ mặt ba lô rồi buộc chặt lại, lấy túi nylon đã chuẩn bị sẵn bỏ thêm 3kg gạo nữa vào túi nhỏ nhét cóc ba lô, ruột tượng cũng dọng chặt buộc lại sao cho đủ độ cong của ruột tượng vòng qua cổ mình khi hành quân mang vác.

30kg gạo cho một người, không thể thiếu được, ai cũng cố gắng hết sức mình làm tròn nhiệm vụ, không ỷ lại nhau, từ D trưởng đến chiến sỹ trong D7 mang vác gạo như nhau không có sự phân cấp trong nhiệm vụ tải gạo. Còn súng đạn mang theo, ai vũ khí của người đó, B41 B40 với 3 quả đạn, RPD một băng 100 viên, AK và bao xe đạn đầy khi cần thiết thì cung cấp đạn cho xạ thủ RPD. Anh nuôi, quản lý cũng tham gia tải gạo cùng anh em, chỉ 2 người ở lại lo chuyện cơm nước cho đơn vị, số còn lại đi hết, chuẩn bị sẵn cơm sáng ăn xong là lên đường, bữa trưa mỗi người nắm cơm nắm ăn dọc đường, chiều tối về ăn cơm tại đơn vị.

Mọi công tác chuẩn bị đã xong, sáng mai chúng tôi lên đường sớm. D7 bắt đầu chiến dịch tải gạo khoảng 5h sáng ngày 13.1.1980.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3