Hồi Ức Chiến Trường K - Chương 143
Chương 13 Tải gạo lên đỉnh núi
* * *
Sáng sớm ngày 13.1.1980 chúng tôi bắt đầu tải gạo vào tuyến trước, lính đã chuẩn bị rất kỹ về ba lô ruột tượng gạo, chỉ việc khoác lên vai là có thể hành quân được ngay. Theo sự phân công, từng C trong D7 thay phiên nhau dẫn đầu đội hình tải gạo, cùng nhau chia sẻ rủi ro. Lần lượt thay phiên nhau dẫn đầu đội hình trên đường giữa những đại đội trong D7, buổi đầu tiên C1 đi trước tiếp theo sau là C2 rồi D bộ cùng các C khác nối tiếp nhau cùng bước. Chúng tôi đi dần lên cao theo sườn núi đứng, từng bước đi lên, phía trên đã có trính sát D7 và lính C20 công binh án ngữ, chẳng ngại địch ở tầm trên cao bất thần xuất hiện mà điều quan trọng là phải chờ công binh F339 thông đưởng rồi mình mới đi qua.
Nhìn là vậy nhưng khi leo mới thấy hết những gian nan, chân mỏi nhừ, đường mới đi lần đầu còn lạ bước chân nên lính đi rất chậm, người sau chờ người trước bước lên mới có chỗ cho mình đi lên, có khúc phải dẫm 2 chân chung một vị trí rồi từ đó chuyển chân bước lên rất vất vả. Một bên là vách núi đất đá cùng cây dại và một bên là sâu thẳm xuống lòng suối, không bảo hiểm hay lan can trên đường, chỉ có con đường nhỏ 60cm men theo vách núi. Cứ leo lên cao vài chục mét là đã đứt hơi chùn chân rồi không leo nổi nữa, lại nghỉ, một người nghỉ thì gần như tất cả phải nghỉ, chẳng có chỗ để bước qua vượt đi lên.
Tôi nhớ ngày đầu vượt qua đoạn này chúng tôi đã phải nghỉ ở lưng chừng núi đó 5 lần và mất rất nhiều thời gian, thế rồi nó cũng qua, khi lên hết con dốc ngược trên đỉnh lại là đoạn đường khá phẳng trước mặt. Giờ đây bắt buộc phải dừng lại chờ công binh thông đường, lính túm 5 tụm 3 ngồi chờ, cũng chẳng lâu ít phút sau một nhóm anh em công binh F339 đi ngược lại, họ khoảng 5 người với chiếc một máy dò mìn có chiếc cần một đầu có cái vòng hình vuông khua khua trên mặt đường. Thông đường rồi các đồng chí ạ, họ dừng lại nghỉ và thông báo với D7 như vậy, họ chờ chúng tôi đi qua rồi đi dò mìn nốt đoạn tiếp theo phía sau suối Chết Trôi còn chúng tôi thì bắt đầu chuyến tải gạo đầu tiên và cũng mới vượt qua được khúc đường khó khăn nhất.
Dọc đường đi vẫn vậy, cây khá lớn của rừng nguyên sinh, dây leo chằng chịt ăn mãi lên đỉnh ngọn đồi, sườn dốc thoai thoải của vế trái, đường đi cây cối rậm rạp hơn vùng bên ngoài nhiều, mặt đường mòn tải gạo cũng chỉ nhỏ cỡ đó 60cm không hơn, nhẵn sạch không cỏ cây, vết chân lính F339 đã đi lại tới mòn nhẵn cung đường này. Thỉnh thoảng trên mặt đường có những hố nhỏ, mìn chôn sau khi bị lính công binh F339 tháo dỡ để lại cái hố nho nhỏ trên mặt đường, vết mìn đã bị tháo chi chít nơi đây và địch thường xuyên vào gài đặt lại mìn trên đường.
Cũng ở khúc này, nơi bãi khá thoáng cây, vết tích để lại cho thấy ở đây từng xảy ra những điều đáng sợ nhất, mảnh vải quân trang cùng bông băng bỏ lại vương vãi, cỏ cây bị dẫm đạp chưa mọc ngóc cổ lên.Nhiều chuyện về anh em lính F339 từng bị địch phục kích trên đoạn đường này và hy sinh mất mát luôn là điều không tránh khỏi. Tôi thấy rùng mình, ở đây đã từng có những vụ nổ liên tiếp của 20- 30 trái mìn KP2 khi một B của lính mình đi lọt vào ổ phục kích của địch. Những sợi dây thép sơn xanh lá cây, nhỏ như sợi chỉ, sau vụ nổ rối tung rối mù vào với nhau, vương vãi nơi bãi đất cách mép đường vài mét, một khoảng lá cùng cây rừng xác xơ. Thật là tàn nhẫn cho sự sống con người ở cái thời khắc đó đi trên con đường này.
Từ suối Chết Trôi đi vào khoảng 5-7 km có một trạm lính mình ở đó, chắc là nhóm lính công binh đi dò đường ban sáng ở đây rồi. Một nếp nhà lá nho nhỏ trên khoảng đất cao ngay sát đường đi, phên đan che lán bằng những cành trúc cành tre cỡ ngón tay, vài hố chiến đấu mới đào đất mới vàng ruộm, 1- 2 anh lính ra đứng sát mép đường hỏi thăm chúng tôi. Và điều gâynhiều ấn tượngnhất cho tôi về nhóm công binh F339 này là mảnh vườn trồng rau của họ, một ô đất nhỏ cỡ 2 chiếc chiếu to được trồng rau cải xanh, rau mới gieo, cây ngắn cỡ 5cm mới mọc lên với chiếc lá cải bé tẹo xinh xinh dày chi chít.
Một anh đang ngồi vạch từng khóm lá cải tìm bắt sâu trên thân lá, cây giống của anh em ươm chờ đủ lớn sẽ trồng theo luống lấy rau cải thiện, tôi thấy cảm phục tinh thần của họ trước cuộc sống lính, dù khó khăn ác liệt cỡ nào cũng cố gắng tìm cho mình có được niềm vui hay cải thiện cuộc sống. F339 ác liệt như vậy mà vẫn nghĩ chuyện trồng rau tăng gia sản xuất, tự cung tự cấp cho mình cải thiện cuộc sống, người lính là phi thường kể cả những lúc hoàn cảnh khó khăn nhất, hình ảnh người lính công binh F339 bắt sâu bên luống rau hôm đó đọng mãi trong ký ức của tôi.
Đoạn tiếp theo của cung đường tải gạo bằng phẳng hơn, lúc xuống khe, lúc trèo lên, không quá vất vả như đoạn suối Chết Trôi nhưng mang vác nặng trên đường khó đi khiến lính thấy thấm mệt. Dù gì lính D7 cũng đã rèn luyện nhiều rồi, quá quen với chuyện mang vác nặng hành quân đêm nhưng trèo đèo lội suối kiểu này thì có lẽ đây là lần đầu khó khăn nhất. Chúng tôi đi đến khoảng 9h sáng thì nghỉ giữa đường, lệnh cho nghỉ giải lao từ dưới đưa lên, ai ngồi đâu ngồi đó, cứ giữa đường mà ngồi, cấm ngồi lệch ra khỏi đường, ai có nhu cầu đi vệ sinh cứ đứng nguyên đó mà giải quyết.
Rất trật tự một tiểu đoàn ngồi theo hàng một trên đoạn đường đó, ba lô dưới đất ngồi lên trên, súng gác ngang đùi trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, tranh thủ uống nước hút thuốc rì rầm nói chuyện nhỏ to với nhau, nhưng được nhắc nhở không nói chuyện lúc này nên mọi người cũng giữ trật tự. Nghỉ 15 phút xong là đi tiếp, mọi người đỡ cho nhau đeo ba lô lên vai, quàng ruột tượng gạo lên cổ cho nhau, xốc lại ba lô súng đạn, tượng gạo phải quàng lên cả 2 vai để cho gối đầu lên nóc ba lô như vậy sức nặng sẽ dồn hết lên lưng và vai. Không phải giữ tượng gạo để 2 tay luôn thảnh thơi chỉ để ôm khẩu súng và đôi chân trùng xuống, lưng hơi cúi dồn bước đi lên.
Những chiếc cầu gỗ trên đường được làm bắc ngang qua những khúc khó đi, giữa sườn đồi này sang sườn bên kia, thân cây tròn lan can vịn chắc chắn và thường ở dưới là khe, những con suối nhỏ nước róc rách chảy xuống từ những mỏm đồi trên cao. Rừng vẫn xanh ngắt trong nắng lung linh và lính chúng tôi vẫn bước với khối nặng ngày một nặng thêm, mồ hôi ướt lưng áo chảy xuống ướt cả cạp quần, khăn mặt buộc nơi dây súng thỉnh thoảng lấy ra lau những giọt mồ hôi đang đọng dần nơi mi mắt lấm tấm trên mặt.
Khoảng 12h trưa khi ánh mặt trời đã đứng bóng thì có lệnh nghỉ ăn cơm trưa trên đường, lúc này đội hình C1 đã đến cây cầu gỗ cuối cùng trước khi lên đến cái đỉnh cao nhất của đường đi vào E9. Từ đây vào tới E bộ E9 còn khoảng 5km nữa, chưa được nửa cung đường nhưng lại là đoạn khó khăn nhất. Đã gần vượt qua, chỉ còn 5km nữa chúng tôi sẽ bàn giao gạo cho đơn vị bạn rồi đi ra kết thúc chuyến tải gạo đầu tiên và cũng từ đó rút ra kinh nghiệm cho ngày mai nên như thế nào để hiệu quả nhất.
Lại cơm nắm ăn vội vàng thêm ngụm nước tráng miệng là xong, bữa cơm trưa của lính chẳng gì giản tiện hơn, nghỉ ít phút là lại có thể lên đường ngay được. Lúc này tiếng máy bay trực thăng phành phạch lượn trên đầu, nó bay ngang trên đỉnh đầu giơ cái bụng ngay sát đầu chúng tôi, nó lướt nhanh qua cùng tiếng gầm rú của động cơ nhỏ dần rồi mất hẳn, ngày nào cũng có 1-2 chuyến bay ra bay vào giữa F339 và E9.
Tiếp tục hành quân, vượt qua chiếc cầu gỗ dài có đến 20m, dài nhất của đoạn đường này thì leo ngay lên đỉnh của một ngọn núi đá, một vùng trơ đá tảng cùng cây dại nhỏ thấp. Từ đây có thể phóng tầm nhìn về bốn phương trời xa, những cánh rừng già xanh bạt ngàn ngút tầm mắt, đỉnh núi mờ xa chuyển màu xanh sẫm và bên trái chúng tôi lúc đó một khoảng xanh da trời sẫm ở tít nơi xa kia. Vịnh Thái lan, anh em lính F339 bảo thế, từ đây qua vịnh Thái lan chẳng còn bao xa nữa, chốt của E9 cách biên giới Thái còn 2-3km nữa và qua khỏi khoảng đó là tới vịnh Thái lan. Khu vực này đất Thái lan chiếm dọc theo biển với chiều ngang bé tẹo ôm sâu xuống phía nam của thềm lục địa, một vị trí quá lý tưởng cho lính Pốt nhận vũ khí lương thực từ hướng vịnh Thái lan xâm nhập vào nội địa Campuchia. Nhận hàng hóa trên cảng của Thái lan quá an toàn cho lính Pốt và đó là lý do tại sao địch có nhiều mìn và vũ khí ở đây đến như vậy.
Qua khỏi đỉnh núi cuối cùng, chúng tôi men theo sườn đồi vào sâu trong E9 từ đây lác đác gặp anh em lính mình rồi, một tổ vài ba người đi lại tuần tra canh gác, họ đứng nép bên đường nhường đường cho chúng tôi đi. Lính tranh thủ hỏi thăm nhau quê quán địa chỉ, nhận đồng hương tìm bạn rồi hỏi thăm nhau chuyện đường còn xa hay gần, vẫn là 5km nữa đường dễ đi, 5 thì 5 chứ 10km nữa cũng phải tới, biết cho vui vậy thôi chứ 5 hay 10km ăn nhằm gì. Khoảng 2h chiều chúng tôi vào đến E bộ E9 lúc đó, cái sân bay trực thăng nằm trên đỉnh đồi cao gần đường đi vào, nó được lính chúng ta xây dựng để làm điểm đỗ cho máy bay. Cây cối phát quang một vùng rộng đến sát đất, cây gỗ đường kính 20cm được xếp theo lớp mỗi chiều cũng cỡ 10x10m, gỗ xếp 2 lớp đóng buộc chặt lại với nhau như một cái bệ bằng gỗ vậy, chiếc trực thang mới cất cánh khỏi đó trước lúc chúng tôi vào.
Đi qua khỏi sân bay 200m có những căn hầm nửa chìm nửa nổi trên lợp lá cây đánh thành tranh tấm làm mái nghiêng về một bên, hầm được đào sâu xuống đất khoảng 50cm, vách gỗ cây tròn đóng dựng chung quanh, trong cùng rải vải mưa nylon tấm rộng, đó là vị trí chúng tôi trút gạo vào hầm dự trữ cho đơn vị bạn. Khi mới vào anh em hậu cần E9 yêu cầu cân thử để nhận số lượng cho đủ nhưng sau một hồi nói chuyện giữa bố Xuyến cùng anh em hậu cần thì thống nhất đếm người tải gạo cùng ba lô ruột tượng của từng người sẽ ra số lượng gạo tải vào. Nếu cần cân thì cân luôn ba lô, ruột tượng, túi nylon gạo của bố Xuyến sẽ biết có đủ 30kg / người không?
Không ai nỡ ăn bớt gạo của anh em lính F339, không ai nhẫn tâm vứt bớt gạo cho nhẹ vai mình trong khi anh em ở trong này đang thiếu ăn. Hạt gạo vào đến suối Chết Trôi đã thấm mồ hôi xương máu của anh em mình rồi, không ai làm cái việc thiếu nhân cách như vậy cả, lính D7 cũng không đói để rồi đói ăn vụng túng làm liều làm gì.Phương án đếm người tải gạo nhân với 30kg/ người là ra tổng số gạo tải vào trong ngày, làm vậy vừa nhanh và cũng khá chính xác. Chúng tôi đổ gạo vào hầm dự trữ, rất nhiều hầm gạo ai muốn đổ hầm nào cũng được, đổ gạo xong rũ sạch ba lô cố gắng không còn sót một hạt gạo nào mới thu dọn đồ đi ngược ra. Trút bỏ được 30kg gạo trên lưng bước chân chúng tôi nhẹ bẫng.
Đoạn đường về trời râm mát hơn, cảnh rừng về chiều thơ mộng hơn, chim lao xao về tổ, sóc chồn thập thò trên những cành cây, tiếng lạo xạo trên lá khô làm chúng tôi giật mình quay về với thực tại. Đây là chiến trường chứ không phải sở thú, đừng quá mộng mơ với quang cảnh thiên nhiên mà nhãng quên đi hàng dây mìn vài chục quả sẵn sàng dọn sạch cả C lính quân tình nguyệnViệt Nam đi trên đường nếu mất cảnh giác.
Người về muộn nhất trong đội hình D7 sau chuyến tải gạo khoảng 7h tối, anh em D8 mới giao gạo xong khoảng 3h trước. Khó khăn mới đã nảy sinh trong đội hình tải gạo của E209, D8 quay về quá xa nên cần điều chỉnh lại cung đường sao cho các đơn vị đều về vị trí của mình trước khi trời tối. D7 chưa rút ra được kinh nghiệm gì nhiều sau chuyến tải gạo đầu tiên nhưng trên tinh thần tương trợ đơn vị bạn cùng hoàn thành nhiệm vụ đòi hỏi sự cố gắng thêm nhiều hơn nữa. D8 không hoàn thành nhiệm vụ thì D7 cũng không thể hoàn thành được nhiệm vụ của mình.
Bằng sức lực và đôi chân của người lính, mỗi ngày E209 chúng tôi tải gạo vào tuyến trong cho E9 được khoảng 5 tấn gạo trên suốt cung đường khoảng 50-60km đường rừng núi vào giáp biên giới Thái lan thuộc tỉnh Poursat Campuchia. Lính F339 có đủ gạo ăn no yên tâm chiến đấu như lời hứa của sư đoàn trưởng F339 : Chỉ sau 12 tháng sẽ quét sạch bọn lính Pốt ở khu vực này.