Hồi Ức Chiến Trường K - Chương 146
Chương 16 Chống phục kích
* * *
Chúng tôi nằm ở con suối Chết Trôi và tải gạo trên suốt tuyến đường, hàng ngày chứng kiến những chuyến tải tử sỹ của F339 đi ngang, gần như ngày nào cũng có tử sỹ được khiêng ra đi qua đây, có ngày 3-4 cáng tử sỹ. Họ là số anh em chiến đấu giáp biên giới Thái lan hy sinh được chuyển về E bộ rồi từ đó chuyển ra F bộ tiền phương. Chúng tôi chỉ mới đến E bộ E9 chứ chưa từng bao giờ đi xa hơn vị trí đó, chưa từng tận mắt chứng kiến nỗi gian lao vất vả cùng hy sinh mất mát của anh em E9 hướng đó, nhưng những cáng tử sỹ đi ngang đội hình D7 chúng tôi hàng ngày nói lên tất cả. Khổ nhất là lúc cáng anh em về đến suối Chết Trôi, đường đi dựng đứng.
Từng tốp 6 người cáng một tử sỹ là thành 7, con số 7 người cho một chuyến đi ra lúc đó vì theo anh em vận tải tử sỹ là con số may mắn, tử sỹ chúng ta khi hy sinh chưa chôn cất vẫn tính là người còn sống. Một chút duy tâm cũng là chút tình đồng đội không muốn chấp nhận một thực tế rõ ràng rằng đồng đội mình đã hy sinh, vẫn còn đi trên đường dù bằng gì đi chăng nữa họ vẫn đang sống bên những đồng đội khác.
Một chuyện cảm động giữa những người làm công tác thương binh tử sỹ và người đã hy sinh trên đường đi ra.
Hôm đó khoảng 6h tối trời nhá nhem rồi thì từ trên đỉnh dốc cao nhóm anh em vận tải E9 chuyển tử sỹ về đến suối, họ dò dẫm xuống suối, đường khó đi anh em phải thay nhau xoay cáng lựa đường từng bước tụt xuống rất khó khăn, ai cũng cố nhẹ tay cố giữ thăng bằng không làm tử sỹ trong cáng xô lệch, thế rồi cũng xuống đến suối Chết Trôi. Họ khiêng tử sỹ đi về cuối đội hình D7 chúng tôi ngay gần C2 thì dừng lại, chắc nơi đây anh em này từng ngủ lại nhiều lần rồi nên họ mang tử sỹ ra gần mấy gốc cây sát đường buộc võng treo lên để đó, đêm nay số anh em này nghỉ lại đây sáng mai đi ra sớm. Họ đi đường chuẩn bị khá đầy đủ, nhanh chóng nhóm bếp nấu cơm, trên vai họ đủ cả đồ dùng.
Chúng tôi giúp họ cơm nước, hỏi thăm anh em có cần gì thêm, nếu chúng tôi có sẵn sàng mang ra cho anh em dùng, họ cũng rất thân tình khi thấy chúng tôi quan tâm hỏi thăm nên khoảng cách không quen biết nhau chỉ một lúc đã mất đi, như người cùng đơn vị. Cơm nấu một lúc là xong, họ nhanh chóng dọn cơm ăn. Trước khi ăn cơm một anh xới bát cơm đầy rồi mang ra cho tử sỹ, không hương khói, không gì cả, chỉ có bát cơm cùng thức ăn đạm bạc đặt vào võng cho tử sỹ, họ đối với tử sỹ như người đang còn sống và bữa cơm ăn không thể thiếu phần của tử sỹ. Tất cả chúng tôi có mặt ở đó hôm đó đứng lặng trước tình đồng đội của những người lính F339, giữa chỗ sống chết họ vẫn sống chan hòa tình người tình đồng chí, thật đáng trân trọng.
Sau lần lính D7 chúng tôi bị địch phục kích trên dọc tuyến đường tải gạo vào E9, ban chỉ huy D7 có những phương án kế hoạch riêng để chủ động tấn công địch bảo vệ an toàn nhất cho anh em làm công tác tải gạo. Tôi cho rằng đây là phương án rất hay, không thể cứ lấy nhiệm vụ tải gạo làm chủ yếu rồi chờ địch chủ động tấn công ta rồi ta lo giải quyết hậu quả hay bị động trên từng đoạn đường như vừa mới xảy ra trong đội hình D7. Phải có những phương án ngăn chặn, chủ động tấn công hay chủ động phòng ngự trên từng đoạn đường, có như thế mới bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công tác tải gạo.
Vậy là nhiệm vụ đó được ban chỉ huy D7 phân công cho bộ phận trực thuộc D và C5 chia nhau cắt cử người lo chuyện chốt giữ phục kích địch trên đoạn đường này. Địch thì ban ngày gần như không có, chúng hoạt động cơ bản vào ban đêm và cách đánh của chúng là gài mìn là chủ yếu, chúng ngồi chờ những nhóm của lính quân tình nguyệnViệt Nam đi lại trên đường rồi giật mìn kích nổ hoặc bắn cho lính mình nhảy vào bãi mìn đã gài sẵn.
Vậy thì địch phục kích ta, ta chia nhiều tổ nhỏ lẻ phục kích lại chúng, quân số không cần nhiều, trang bị vũ khí đầy đủ gọn nhẹ, trước khi trời tối lủi vào rừng nằm dọc theo con đường tải gạo, tìm những vị trí nghi ngờ địch có thể phục kích chui sâu khỏi đường vài chục mét rồi nằm im chốt giữ tại đó. Địch lâu nay quen thói phục kích trên đường và lính quân tình nguyệnViệt Nam không mấy khi rời khỏi con đường nên chủ quan, xưa nay lính F339 chưa từng tổ chức giữ đường chủ động kiểu này nên địch rất nhờn, chúng cứ nghĩ bên ngoài con đường thì chúng có thể làm mưa làm gió.
Chuyện do anh em D7 đi phục kích địch kể lại :
Hôm đó nhóm anh em đi phục kích từ chiều cách suối Chết Trôi khoảng chục km, đoạn này cây cối rậm và đường đi thì cắt ngang lưng chừng núi, đường đoạn này nhỏ, bên dốc cao lên đỉnh, bên thoải xuống rất sâu, cây cối nhiều khuất tầm mắt. Trước khi đến khúc này là khoảng đất khá thoáng rộng, đường gần giống như thắt cổ chai, nếu địch phục kích đoạn trống thoáng kia thì không xong với lính D7 đang tải gạo bởi dễ phát hiện nên chúng chọn vị trí chỗ thắt cổ chai. Lính đến đấy sẽ ùn tắc lại vì đường nhỏ khó đi, đoạn này sẽ đi sát nhau hơn, chúng đã điều nghiên kỹ nắm bắt quy luật đi lại của lính D7 mà lên kế hoạch phục kích bẫy mìn trên đường.
Chẳng hiểu vô tình hay đã có chỉ dẫn từ trước nhưng đêm hôm đó lính đi phục kích đường của D7 lại chọn vị trí đó mà chốt lại, anh em mình hôm đó ở đấy có 4 người chọn vị trí hướng trên cao sườn đồi nhìn xuống gác con đường. Sau khi kiểm tra mìn toàn khu vực thấy an toàn rồi, lính đi phục chui vào bụi ngủ, cắt đặt một người thay nhau gác qua đêm. Khi trời gần sáng thì phát hiện ra địch từ hướng dưới chân đồi đi lên, thấy chúng đi lại trên đường bình thường thì mấy thằng đi phục kích sợ đánh nhầm vào quân ta nên lặng lẽ đánh thức nhau dậy nằm im theo dõi. Đêm tối có nhìn được rõ đâu, chỉ thấy bóng người vậy thôi, dù hợp đồng với F339 rồi không đi lại lung tung trong đêm trên cung đường và lính D7 chỉ đi khi công binh đã thông đường nhưng anh em đi phục kích vẫn nghi ngại chưa dám nổ súng ngay sợ nhầm lẫn.
Khichúng bắt đầu gài mìn và những thằng tải mìn trong ba lô lúc đó mới từ dưới đồi đi lên thì anh em mình khẳng định chỉ có địch không phải lính ta. 3 thằng lính Pốt cõng cái ba lô căng phồng đặt giữa đường ngồi nghỉ chờ 2 thằng lên trước lo đi gài, lúc đó anh em ở trên mới bắt đầu bò xuống sát đường. Thằng Pốt ngồi trên ba lô cách còn 5m trước mũi súng của anh em đi phục kích mà nó vẫn không phát hiện ra, chúng quá chủ quan vì xưa nay trên đoạn đường này chỉ có chúng nó đi phục kích lính mình chứ làm gì có chuyện lính mình phục kích nó trong đêm. Súng nổ, không thằng nào chạy đi đâu nổi một bước chân, cả 5 thằng gục ngay trên đường, ta thu được 3 cái ba lô mìn KP2, mỗi thằng lính Pốt khi đó cõng 20 quả mìn, 2 thằng mò lên đường trước chỉ có 2 khẩu AK với vài chục viên đạn, bọn này là bọn chuyên đi gài mìn chúng không thèm chơi bằng đạn nhọn mà sở trường của chúng là gài mìn KP2.
Thêm chuyện nữa của lính đi phục kích diệt địch gài mìn trên đường. Sau một vài lần bị chặn đánh khi địch từ dưới chân đồi đi lên, chúng đổi kế hoạch chuyển lên trên đỉnh đồi mò xuống gài mìn, ta sẽ mất cảnh giác từ hướng trên đồi xuống. Ở những địa hình khácthì chúng đi lên từ hướng bên kia quả đồi sang. Một lần lính D7 cũng bị dính mìn, chúng buộc lỏng mìn ngang thân cây, kết nối vài quả vào với nhau rồi nằm chờ trên đồi, khi lính ta đi qua thì giật dây kích hỏa, mìn phóng song song với mặt đất rồi nổ gần đường. Cách đánh này không mấy hiệu quả vì nếu gài xa đường liều phóng không đủ đẩy mìn vào giữa đường mới phát nổ, gài gần đường thì bị công binh phát hiện ngay nhưng đó cũng là một cánh đánh của địch gây cho ta nhiều khó khăn.
Nhóm trinh sát D7 cũng nằm phục kích cách suối Chết Trôi 2km diệt một nhóm 3 thằng lính Pốt với 30 quả mìn KP2 chúng mang theo. Sau vài lần địch bị lính D7 chúng tôi phục kích diệt gọn, chúng không còn phục kích gài mìn lính tải gạo nữa, cho đến ngày rút ra khỏi F339 lính D7 chúng tôi không có thêm thương vong nào nữa ở chuyện mìn của lính Pốt.
Mệnh lệnh trên giao cho E209 tiếp tục tải gạo cho E9 thêm hơn 30 tấn gạo nữa rồi mới được rút ra, điều thuận lợi là hiện E209 đang ở đây, từ địa hình đến công tác tải gạo hay chiến đấu trên dọc đường đã rất quen. Nếu đơn vị khác vào tải thay thì gần như bắt đầu lại từ đầu, lại những bước dò dẫm rút kinh nghiệm, rồi quân ra quân vào vận chuyển xe cộ khó khăn, trong khi đó E209 chỉ cần cố gắng thêm 10 ngày là xong toàn bộ, vì vậy các cấp động viên anh em cố gắng hết mình để hoàn thành nốt phần công việc.
Lúc này lính D7 chúng tôi nhiễm sốt rét rừng nhiều rồi, nhiều anh em không còn mang vác nổi khối lượng 30kg gạo nữa, đành tụt định mức xuống 20kg cho anh em đang sốt rét đỡ vất vả. Những người này thường sốt theo giờ, khoảng gần trưa thì lên cơn sốt và lúc đó thì không thể đi nổi nữa. Chúng tôi động viên nhau cố gắng tải vào đến nửa đường thì cho số anh em này quay lại để trưa về đến suối Chết Trôi là vừa lên cơn sốt, số gạo bỏ lại giữa đường có anh em khác lộn lại mang vào lần 2 trong ngày. Tuy số này không nhiều nhưng cũng là bước khó khăn của D7 chúng tôi những ngày cuối cùng trong rừng Poursat.
Chúng tôi tải gạo như vậy cho đến khoảng trước Tết Nguyên đán năm 1980 gần chục ngày thì coi như hoàn thành kế hoạch tải gạo với khối lượng tổng kết là 135 tấn gạo chuyển vào cho E9. Trước ngày rút ra khỏi vị trí suối Chết Trôi, chúng tôi thu gom hết đạn dược chỉ giữ lại một cơ số đạn, số dư thừa chuyển vào hết cho E9, gạo ăn của D7 cũng chuyển vào giao cả, chỉ giữ lại 2 ngày gạo ăn còn lại ra F bộ F339 nhận sau. 2 ngày đường trở ra của chúng tôi gian nan hơn lúc đi vào nhiều vì lính D7 sốt rét tới 50% quân số, mặc dù không còn mang vác nặng nữa nhưng lính tráng không còn sức để đi ra.