Hồi Ức Chiến Trường K - Chương 147

Chương 17 Rời suối Chết Trôi

* * *

Trước ngày D7 chúng tôi rút ra khỏi suối Chết Trôi có thêm một chuyện cảm động nữa xảy ra bên con suối đầy kỷ niệm này.

Chiều hôm đó cũng như mọi ngày lính D7 sau một ngày tải gạo về tắm giặt bên bờ suối, lúc đó rất đông người có mặt tại khúc suối thì bỗng giữa dòng suối, phần cuối đội hình C2 nghe ục một tiếng gần lùm cây là là mặt suối nơi mấy con vọc khỉ hay leo trèo, tăm sủi lên cùng một vật màu nâu nâu lờ đờ nổi trên mặt suối. Mọi người thì nghĩ là con gì đó ở dưới suối nổi lên, có người tưởng tượng ra có thể là con cá sấu ở rừng, chắc đầu óc tiêm nhiễm những câu chuyện như thỏ và cá sấu của thời học cấp I cũng nên. Anh em bảo nhau vác súng ra bắn, cũng có người can đừng bắn vội để xem là cái gì đã, thế rồi vài người trèo qua bên kia bờ suối đi dọc lại chỗ suối đó đứng ngó nghiêng, mặc dù ở khoảng cách gần nhưng cũng chưa ai khẳng định là cái gì, con gì đang nổi lờ đờ cái cục nâu nâu trên mặt nước.

Mấy thằng lính Hà nam ninh dân miền biển, bơi thuộc loại siêu của D7, mỗi thằng một khẩu AK bơi lại gần xem là cái gì. Cho đến khi vào sát thật gần còn khoảng 5-7 m cũng vẫn chưa dám khẳng định nó là cái gì. Cuối cùng, anh em lôi được cái vật đó vào bờ, thì ra là cái ba lô của lính, trên nắp ba lô vẫn còn buộc chặt khẩu AK, mở ra trong ba lô có khoảng 300 viên đạn AK rời cùng nhiều thứ khác nữa, khẩu AK rỉ toe rỉ toét với phần gỗ ở báng và ốp che tay mủn hết rồi chỉ cần bấu nhẹ là ra hết.

Thật vô lý hết sức, với sức nặng của khẩu súng và 300 viên đạn AK cùng quân tư trang trong một cái ba lô của lính như vậy, sau nhiều ngày tháng nằm dưới lòng suối bỗng chốc nổi lên lờ đờ trên mặt nước. Vậy mà tự nhiên nó nổi lên trước mặt anh em D7 chúng tôi, đi ngược lại hẳn mọi định luật của vật lý. Chúng tôi tự tìm hiểu và đi đến nhận định, số tài sản này là của anh lính Công an vũ trang đã bị chết trôi tại đây hồi tháng 3- 4.1979 lúc vượt suối, sau một thời gian nằm dưới lòng suối, hôm đó nó nổi lên. Còn tại sao nó nổi được lên để lính D7 chúng tôi tìm thấy thì ngaylúc đó chúng tôi có mặt tại đó không thể lý giải nổi.

Một chút duy tâm, người lính Công an vũ trang kia sống khôn chết thiêng, anh ấy mừng vui khi chúng tôi đóng quân ở suối Chết Trôi, ngày mai chúng tôi trở ra khỏi khu vực đó, anh ấy muốn theo về bên những người đồng đội nên đã tự nổi lên để chúng tôi biết mà mang anh ấy cùng về. Phải chăng cái tình của người sống đối với người đã hy sinh, cũng có cả cái tình của người đã hy sinh đối với người còn sống, cái tình đó lẩn khuất đâu đây mà mắt thường không nhìn thấy, đó là tình đồng đội. Chúng tôi luôn ở bên họ và họ cũng luôn ở bên chúng tôi trên từng chặng đường từng bước chân và cả ở từng hơi thở. Lính chiến có nhiều chuyện lạ đến khó tin đến ngay người trong cuộc cũng thấy khó tin nổi đó là sự thật.

Thằng Bình không biết bơi nhưng lại biết lặn, nín hơi nhảy ùm xuống suối chỗ tảng đá giữa dòng lặn sâu xuống dưới, rồi nó xách lên vài khẩu súng nữa cũng rỉ toe toét cả, lính mình trước đây vượt suối mùa mưa đoạn này chắc vất vả lắm lên mới để mất súng như vậy, hoặc cũng có thể lính Pốt từng bị hạ ở đây lính mình chưa kịp thu súng thì nó rơi xuống suối.

Sáng hôm đó chúng tôi bắt đầu hành quân ra, súng đạn quân tư trang gọn nhẹ nhiều rồi, bữa sáng ăn xong rồi đi, bữa trưa cơm nắm, bữa chiều sẽ có cơm nóng anh nuôi nấu nướng dọc đường, lúc này chỉ còn 2 ngày gạo trên lưng, đạn một cơ số nên chẳng có gì đáng ngại. Chúng tôi đi khoảng đến 10h sáng thì bắt đầu có những anh em sốt rét tụt lại phía sau đội hình, những bước chân chậm dần, chậm dần cùng nhiệt độ cơ thể tăng dần tỷ lệ nghịch với tốc độ hành quân. Lúc này quân số sốt rét của D7 đến một nửa đội hình, tôi cũng nằm trong số đó, sốt 39,5 độ 40 độ mà vẫn phải đi hành quân là chuyện bình thường. Khi cơn lạnh hoành hành cơ thể, phải mặc hết 2 bộ quần áo của mình cùng cái áo trấn thủ, ngoài cùng quấn cái vải dù tấm đắp mà lê từng bước chân trong cái lạnh run người từ bên trong cơ thể người lính. Mắt đỏ ngầu, miệng ngậm chặt mà vẫn phải bật ra tiếng rên cho nhẹ bớt cảm giác nóng lạnh đang thiêu cháy từng tế bào thằng lính.

Ai cũng cố bước, cố tự đi, tự lo cho bản thân mình vì biết rằng ai cũng như mình cả. Anh Phượng đại đội trưởng C2 sau 2h mặt đỏ như gấc vì sốt chuyển qua tái ngắt toát mồ hôi chảy ròng ròng vậy mà vẫn phải lộn sau tiến trước kiểm tra đội hình sợ lính tụt lại. Anh Tập chính trị viên cũng lờ đờ từng bước chân nặng trịch, hơi thở nặng nhọc và mỗi lần qua được con dốc nào đó thì chỉ còn nước đứng mà thở. Nhiều người không còn bước nổi nữa, báo cáo đại đội thì nhận được câu trả lời hết sức vô trách nhiệm của anh Thao :

- Bây giờ ai cũng ốm hết cả rồi, không còn ai có thể khiêng được ai nữa, thằng nào muốn sống thì tự đi ra, thằng nào muốn chết thì cứ nằm lại.

Thêm một lần nữa anh em C2 chúng tôi rất bất bình bởi cách nói của chính trị viên phó về chuyện này. Bao nhiêu việc khó khăn anh em chúng tôi đồng lòng đều hoàn thành ở chiến dịch tải gạo, anh em báo cáo cán bộ C không phải là để trông chờ ai đó khiêng vác mình đi ra mà muốn báo để cấp trên biết mà bố trí anh em bảo vệ nhau trên đường ra, người khỏe bảo vệ cho người ốm, những lúc sốt cao không thể đi được nữa bắt buộc phải nằm lại thì cần người khỏe ở bên cạnh. Lúc những người lính cần nhất sự động viên khuyến khích cùng sự quan tâm của cấp trên thì lại nhận được những lời nói có tính thách đố nhau như vậy làm gì lính tráng không điên lên mà có những phản ứng lại.

Y tá của C2 thì hy sinh mất rồi đành lấy tạm y tá của D xuống lo chuyện sốt rét của lính nhưng thuốc Quinin cũng chẳng có nhiều để tiêm, nếu có thì lính cũng sợ tiêm thuốc bởi tiêm xong thì làm sao mà đi nổi, tiêm thuốc Quinin sốt rét xong đau lắm bại hết cả một bên mông. Và thằng y tá lo cho cả lính D bộ cùng lính C2 một mình nó không xuể, ngay chính nó cũng đang sốt rét thì nói gì đến chuyện chữa chạy lo lắng cho ai thêm được.

Cho đến trưa hôm đó thì lính sốt rét của D7 đi tụt lại đội hình rất nhiều trong đó có tôi, sau những cơn lạnh run cầm cập khoảng 3h đồng hồ liền thì đến nóng, nóng rực người cởi bằng hết quần áo mặc trên người ra rồi toát mồ hôi hạt chảy ròng ròng. Lúc đó thì chỉ có nằm mà thở, mắt trợn ngược nhìn lên ngọn cây chứ đừng nói cử động chân tay hay lê được chân bước đi nữa, sau khoảng 2h như vậy là tỉnh dần và lại khoác ba lô ôm súng hành quân tiếp. Lính chúng tôi tụt lại từng nhóm như vậy trên đường đi ra, thằng này bảo vệ cho thằng kia khi cơn sốt đùng đùng ập đến.

Chiều hôm đó đúng lúc tôi sốt nặng nhất nằm lại bên vệ đường cùng nhóm lính D7 khoảng gần chục người, lúc này thì lộn xộn lắm rồi giữa lính C này C kia trong D7 chẳng còn đội hình gì nữa thì một cáng tử sỹ của lính F339 đi ra cùng chiều với chúng tôi. Anh em cáng đến đó cũng dừng lại nghỉ, thường họ rất ít khi nghỉ dọc đường trừ khi trời tối, họ luôn có 3 cặp cáng tử sỹ cùng đi thay nhau cáng tử sỹ trên đường. Tử sỹ nằm đó chúng tôi nằm đây, mùi tử khí thoang thoảng đưa lại tôi vẫn nhận được ra, mở mắt nhìn tử sỹ tôi thấy thèm được chết như tử sỹ, lúc đó muốn mình được chết đi cho yên thân mình bởi thấy mình khổ quá. Cứ nghĩ đến đoạn đường còn lại đến F bộ F339 đã thấy rùng mình, rồi nỗi khổ này sẽ còn kéo dài mãi đến bất tận chưa biết bao giờ sẽ có điểm dừng, cuộc chiến tranh này sẽ còn kéo dài tới bao giờ nữa và những người lính như chúng tôi sẽ còn phải tiếp tục gian khổ nhiều hơn nữa. Lúc nào cũng chỉ nghe thấy nói đến những khó khăn phải khắc phục, chẳng bao giờ được nghe cái gì là thuận lợi cả, luôn là cố gắng cùng cố gắng và lúc này là lúc sức chúng tôi đang cạn kiệt đang tàn lụi ở cái tuổi chưa đến 20 cũng bởi sự cố gắng quá sức.

Một chút yếu đuối, một chút mềm lòng nghĩ quẩn vì cái cảm giác bị bỏ rơi khi đang ốm đau nhưng thực tế đã kéo tôi trở lại với đường hành quân ra khỏi rừng Poursat, mình phải sống để đi ra khỏi đây, bên mình còn có anh em khác cũng giống mình, không phải chỉ có một mình mình khổ, anh em khác cũng thế cũng vậy và họ thế nào mình như thế. Và chúng tôi dìu nhau từng bước đi ra, 5-10 bước chân mà cố được vẫn phải cố, một khúc đường đi được vẫn phải đi, cho đến khoảng 5h chiều thì chúng tôi, nhóm tụt tạt lại khỏi đội hình D7 đã dứt cơn sốt rét và đi lại được khá hơn. Khoảng 9h tối chúng tôi về đến suối thằng Diễm hy sinh, anh em đơn vị cử người lộn lại tìm đón những thằng sốt rét như chúng tôi tụt lại phía sau đội hình.

Từ đây ra tuyến ngoài an toàn hơn, lính D7 những người khỏe đi ngày hôm sau đã ra đến F bộ F339 nhưng những thằng lính sốt rét như chúng tôi lúc đó đi mất 2 ngày đường. Ngày hôm sau chúng tôi cố gắng lắm mới mò ra đến suối cây cầu gỗ, đêm hôm đó ở lại, hơn chục người chia nhau dưới lòng suối, chẳng ăn chẳng uống gì được bởi chẳng có nồi mà nấu lấy bát cháo chia nhau, trong khi ba lô thì có gạo, lính đang ốm cũng chẳng thiết gì chuyện ăn. Sáng ra đi sớm, đến trưa thì gặp anh em lính F339 đang trên đường hành quân vào, hỏi mượn nồi nấu cơm ăn được anh em cho luôn cái nồi với lời dặn nấu xong để nồi ở đó khi nào đi ra nữa anh em sẽ ghé lấy lại sau. Ăn uống vớ vẩn xong chúng tôi đi ngay và chiều gần tối hôm đó chúng tôi về đến F bộ F339.

Thằng Bình chờ tôi bên ngoài F bộ gần ngày trời nó sốt ruột quá khoác súng một mình vòng lại đón tôi trên đỉnh con dốc cách F bộ F339 khoảng 4-5km, khoác hộ tôi cái ba lô nó dìu tôi về đến con suối ngay bên đường nơi mà hơn một tháng trước khi đi vào đây chúng tôi đã nghỉ lại một đêm. Cơm gạo dính trắng phau thằng Bình rán lên như miếng cháy cơm, nó để phần tôi một miếng, ăn xong ngồi uống nước một lúc thấy tỉnh lại dần, lúc này tôi lại không muốn được chết như tử sỹ nữa, ham sống sợ chết vẫn là bản năng của con người.

Sáng hôm sau anh Thi tổ chức anh em C2 lên đồi trước mặt ghé thăm mộ thằng Diễm, anh em muốn chia tay nó trước lúc quay ra. Anh Thi hôm đó phụ trách khiêng cáng nó cùng anh công binh hy sinh bên trong suối ra nên biết nghĩa trang của lính F339, thì ra quả đồi trước mặt chúng tôi với phần phát quang lên dần trên cao kia là nghĩa trang của lính F339. Tôi đang ốm nên anh em khuyên không nên đi để người khác đi được rồi, tôi ân hận mãi chuyện này, giá như mình đừng nghe anh em cứ đi thăm nó một lúc, cố gắng đi vẫn được, đành để lần sau vào F339 mới ghé thăm mộ nó cũng được. Anh em C2 đi khoảng 1h đồng hồ thì về, nghĩa trang F339 sau mùa mưa đất sạt lở xuống dưới còn trơ bọc nylon, phần chân tử sỹ nổi lên khỏi mặt đất, lính làm công tác tử sỹ mùa này hàng ngày phải đắp lại mộ cho anh em. Một quả đồi nhỏ phải phát dần cây đi để lấy chỗ làm nghĩa trang cho lính F339 và lần sau tôi vào thì quả đồi này đã trọc lốc chẳng còn tý cây cối nào nữa.

Lính F339 chịu đựng ác liệt hy sinh của những trận đánh hướng biên giới Thái lan và họ cũng chịu đựng bệnh sốt rét rừng và ăn uống thiếu chất suốt một thời gian dài, nhiều người đã ngã gục bởi sốt rét và đói ở chốn thâm sơn cùng cốc này. Lính F339 chịu đựng gian khổ ác liệt hơn mức mà chúng tôi từng biết, họ là những người hùng của cánh rừng Poursat.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3