Hồi Ức Chiến Trường K - Chương 148
Chương 18 Về thị xã Poursat
* * *
D7 chúng tôi được nghỉ lại F339 thêm một ngày nữa cho đến sáng hôm sau có xe vào đón đưa ra tuyến ngoài. Không gặp, không thấy lính D8 và D9 chắc họ ở ngoài gần F bộ, khi xong việc trước rút ra sớm hơn D7 nên cũng được chuyển ra tuyến ngoài sớm hơn.
Sáng hôm đó tôi theo thằng Lộc đi vào F bộ F339, chúng nó rủ vào con suối bên trong tắm rửa, nghe nói suối đó sạch lắm nước trong veo, còn ngoài này suối đã cạn phải đào sâu xuống thành giếng như ở trong Amleeng mới có nước, nước bẩn toàn lá cây mục. Tôi chẳng muốn đi nhưng thằng Lộc cứ lôi đi, nó muốn tôi đi lại cho khỏe người chứ nằm mãi người nó bết ra sốt càng cao càng lâu khỏi. Kinh nghiệm tự chữa sốt rét cho mình là không được nằm một chỗ mà phải hoạt động,hoạt động để tăng sức đề kháng của cơ thể, cho cơ bắp không bị teo tóp sau cơn sốt, cho máu lưu thông và cho tư tưởng đừng chán nản.Khi ngây ngấy sốt càng phải ngồi dậy đi lại loanh quanh cho đến khi không còn chịu nổi nữa thì mới phải nằm, khi dứt cơn rồi là phải ngồi dậy tiếp tục đi lại và lúc đó thì ăn khỏe như voi, 3-4 bát cơm cũng ăn hết bay, cố mà ăn cho có chất bù lại số hồng cầu trong máu mới bị ký sinh trùng sốt rét phá hủy,
Nhóm chúng tôi 5-6 thằng đi ngược vào suối trong F bộ F339, lúc đi ngang cái sân bay trực thăng thì thấy một lính phi công người Liên xô to con lực lưỡng dầu mỡ đầu tay với cái tuốc nơ vít cắm ở túi quần sau đang lúi húi chọc chọc ngoáy ngoáy gì đó, gần đó có mấy cái nhà lá và lính quân tình nguyệnViệt Nam mình ở đó khá đông. Chúng tôi nhìn nhau.
-Ơ! Có cả lính Liên xô ở đây chúng mày ơi.
Tất cả quay ra nhìn tôi, chắc chúng nó nghĩ tôi biết tiếng Nga, chúng nó có biết đâu tôi thì lại chúa ghét cái môn ngoại ngữ từ ngày còn đi học phổ thông, cứ giờ ngoại ngữ là trốn hay ngủ gật, học được chữ nào thì học không học được bí quá về nhà hỏi bố. Bố tôi tiếng Nga không giỏi lắm nhưng chắc khá hơn cả thày dạy tiếng Nga cho tôi lúc đó, bởi vậy sinh lười ỷ lại không chịu học, hơn nữa ngoại ngữ học rồi để đấy thì coi như bằng không, quên hết ngay. Nhưng tôi cũng kịp nhớ ra vài từ chào hỏi anh lính Liên xô kia, thằng Lộc thấy tôi nói tiếng Nga dở quá nên nói chen vào :
- Úi giời ơi! Tưởng mày biết tiếng Nga thế nào? Nói sai bét cả để tao nói cho.
Thế rồi nó xì xà xì xồ nói chuyện với anh lính phi công Liên xô kia ( chẳng biết có phải phi công lái máy bay không nữa chỉ thấy anh ấy đang sửa cái gì đó còn chưa thấy anh ấy lái máy bay ). Thằng Lộc có vẻ có năng khiếu ngoại ngữ, nó nói tiếng Nga khá lưu loát mặc dù chẳng qua trường lớp gì ghê gớm, chỉ là học được từ thời còn đi học phổ thông mà tiếp thu được như vậy là khá lắm rồi. Anh lính Liên xô kia có vẻ vui bởi có nhóm lính quân tình nguyệnViệt Nam biết tiếng của dân tộc anh ấy, có người nói chuyện bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của anh ấy cũng làm anh ấy thấy bớt đi nỗi nhớ nhà nhớ quê hương. Lúc đó chúng tôi mới được biết trên trận tuyến này không chỉ có quân tình nguyệnViệt Nam chúng ta mà có cả những người lính quân tình nguyện Xô Viết cũng cùng kề vai sát cánh chiến đấu cùng ta trong thời điểm khó khăn ác liệt đó.
Trưa hôm đó về lại sốt xình xịch, lại những cơn nóng lạnh đến tê người, lính C2 quá nửa lờ vờ như những người không hồn đi lại trong đội hình dừng chân tìm chỗ chuẩn bị nằm rên ư ử. Bệnh sốt rét rừng thật quái ác, bình thường không sao, có người còn khỏe đằng khác nhưng chỉ vài phút sau, đúng giờ đó là bắt đầu lên cơn sốt rồi. Cứ như người giả vờ ốm tư tưởng vậy, mới cười đùa nói chuyện như pháo rang đó vài phút sau kêu ốm ngay được, đã vậy dứt cơn sốt là ăn, ăn bằng 2 bình thường. Nhiều người không tâm lý, thiếu hiểu biết, chưa trải qua cái sốt rét thì ác mồm ác khẩu nói anh em ốm cơm ốm ăn nên đã có những xích mích từ chuyện sốt rét này. Nói ẩu như vậy với anh em khi họ ốm đau như thế đâu phải là hay, không động viên giúp đỡ thì thôi, nói thế khác nào đổ dầu vào lửa, người đồng đội đang ốm nó tủi thân và những lời nói kiểu đó nó luôn để trong bụng chỉ chờ có dịp là nó chẳng nể nang phang thẳng vào mặt thằng nói ẩu nói càn. Muốn biết nó ốm thật hay không thì ít nhất cũng sờ thử lên trán nó mà ước lượng xem nhiệt độ của nó lúc đó khoảng bao nhiêu rồi hãy nói, cả người nó lúc đó khác gì cục than hồng, ngồi còn chẳng vững thì giả vờ ốm làm quái gì.
Sáng sớm hôm sau chúng tôi có xe vào đưa ra tuyến ngoài, dọc đường đi vẫn như vậy của hành trình ngược lại trên tuyến đường, lúc sáng sớm lính vẫn khỏe vì thường những cơn sốt của lính phải bắt đầu từ 10h sáng. Xe gì tôi không còn nhớ nhưng trên ca bin xe có thể ngồi được 4 người, lái xe một và một người của đơn vị nào đó đi cùng tôi không biết. Anh Phượng và anh Tập cùng vào ngồi trong ca bin xe, lúc đó ca bin xe chật chội lắm nhưng cũng còn hơn đứng ngồi trong thùng xe như lính. Anh Tập thấy vướng víu quá nên cởi cái thắt lưng đeo khẩu K54 đưa ra ngoài nhờ tôi giữ hộ, để cùng đống súng trên sàn xe thấy bất tiện nên tôi đeo vào người. Anh Thao có vẻ khó chịu khi không có chỗ cho mình cùng ngồi trong ca bin xe.
Xe chạy qua nhiều đoạn đường khó đi, ngả nghiêng hết bên này đến bên kia, xóc lắc nhảy tưng tưng trên đường cho tới cầu treo, lại xuống đi bộ qua bên kia đỉnh đồi, lại khu Thị xã 5 nhà, cho đến khi qua khỏi tới Đèo đá thì cũng đã trên 3h chiều rồi. Lúc này thì lính sốt rét gần hết cả trên thùng xe, lính ngồi ngả dựa vào nhau dồn đống không ai còn sức để đứng bám thùng xe nữa, chỉ còn vài người khỏe đứng ngay sau ca bin xe. Trời nắng như đổ lửa, ai đó úp lên đầu tôi cái mũ cối cho khỏi nắng, tôi thì chẳng mấy khi đội mũ nhưng trong hoàn cảnh này có mũ cối cũng đỡ nắng rất nhiều.
Tôi ngồi giữa đám lính sốt rét dựa vào anh em lúc ngả góc này lúc nghiêng góc kia, xe chạy dồn lính xô ngã đè lên nhau dưới thùng xe, người bị dồn ép ngồi trong cùng kêu oai oái và chẳng còn ai có đủ sức để tự biết mình đang ngả về đâu. Lâu lâu lại một thằng bỗng hét lên vì bị chèn cứng về góc thành xe, rồi súng dựng đó đổ nghiêng ngả đè lên nhau xe xóc xô súng thúc vào người. Sau mỗi lần như vậy, những thằng lính ốm lại ngồi thẳng lên dựa vào nhau ngay ngắn hơn nhưng chẳng được bao lâu lại xô lại đè vào nhau theo chiều lắc của thân xe hết bên này sang bên kia, chúng tôi như những con chim cánh cụt Nam cực dựa vào nhau trong những cơn bão tuyết.
Thế rồi thằng nào đó ngồi trong góc thành xe không thể chịu hơn được nữa vì nó liên tục bị anh em đè người vào theo nhịp xô của xe, nó hét ầm lên trong cơn mê man mệt mỏi :
- Sao chúng mày cứ đè vào tao mãi thế này.
Rồi nó đạp nó đẩy cố gắng thoát khỏi tình cảnh bẹp ruột do mấy thằng chúng tôi nghiêng ngả ép về phía nó. Đúng lúc đó tôi thấy trên đầu tôi có cái gì đập mạnh vào cái mũ cối, giật mình ngước lên mở mắt nhìn thì tiếp theo là một phát nữa đập giữa đỉnh mũ cối, theo cánh tay nhìn lên tôi nhận ra ngay là anh Thao đã dùng tay đấm vào đầu mũ của tôi, miệng quát tháo :
- Chúng mày không tự ngồi được hay sao mà toàn đè vào chúng nó.
Lúc này thì tôi không còn chịu đựng hơn được nữa cái cách cư xử của ông chính trị viên phó C2 này, nhiều chuyện đã xảy ra, tất cả anh em trong C2 đều nhịn, họ nhịn không phải do họ sợ chính trị viên phó mà họ nhịn bởi họ nể mấy năm hơn tuổi quân, nể vì là lớp đàn anh trong đơn vị. Tôi cũng nghĩ thế, nhưng khi đã động chạm đến cá nhân tôi thì chắc chắn tôi sẽ không nể và bây giờ là lúc tôi không cần nể nang nữa. Thu hết sức, trước mặt toàn thể anh em C2 lúc đó, tôi đứng bật dậy trên thùng xe, điềm tĩnh móc khẩu K54 của anh Tập gửi trong bao da ra, tôi trở báng súng đập 2 phát vào mũ cối của anh Thao rồi nói :
- Tôi cảnh cáo anh, nếu lần sau mà động đến tôi thêm một lần nữa thì chắc chắn tôi sẽ không tha anh đâu.
Anh Thao không thể ngờ sự phản ứng gay gắt của tôi đến như vậy nhưng khi thấy tôi kiên quyết thì có vẻ chờn. Sau lần đó thái độ hách dịch hống hách coi thường cấp dưới của anh Thao cũng bớt dần, chúng tôi là quân nhân phục vụ quân đội không phải là đầy tớ người ăn kẻ ở nhà anh để anh thoải mái sai khiến hay cư xử bất công cũng phải nghiến răng chịu đâu.
Xe chạy qua thành phố 20 nhà rồi ra đến đường quốc lộ5, bỏ lại sau lưng những con đường đất bụi mù đến con đường nhựa ổ gà ổ trâu san sát trên đường. Tới đây xe rẽ phải sẽ đi về Udong và về căn cứ Lovea của chúng tôi nhưng nó lại rẽ trái, lính chúng tôi lúc này đã đỡ hơn nhiều rồi, tầm này là nhiều thằng đã dứt cơn sốt rét, lính chúng tôi đá mắt nhìn nhau như muốn hỏi :
- Gì nữa đây? Lại nhiệm vụ gì nữa đây?
Xe chạy về hướng thị xã Poursat, một con sông chắn ngang trên đường quốc lộ5 và chiếc cầu sắt qua sông, nước sông đỏ ngầu như dòng sông Hồng quê tôi và bên kia sông là thị xã Poursat với những dãy nhà gạch mái ngói xây dựng đã nhiều năm. Qua khỏi cầu thì xe rẽ phải chạy dọc theo sông khoảng 500m thì dừng lại, cả D7 chúng tôi xuống xe, đêm nay chúng tôi nghỉ lại đây. Dọc bờ sông, những luống cây trồng của lính quân tình nguyệnViệt Nam rất nhiều, số anh em này đang gánh nước tưới cây, họ trồng cây gì chứ không phải rau xanh, họ là đơn vị nào chúng tôi không rõ chúng tôi chỉ tá túc ở đây đêm nay mai đi tiếp chẳng quan tâm làm gì.
Ban chỉ huy D7 chọn vị trí dừng chân ở dọc sát bờ sông cho cả đội hình D, cứ đi qua những luống cây lính mình mới tưới vào sát sông rồi tự tìm chỗ nằm nghỉ đêm nay, lính gần như 90% đêm đó nằm đất bởi không có cây mà móc võng, một đêm nằm bụi bờ ven thị xã Poursat. Một lần nữa lính rừng về thị xã, chỉ 10 phút sau cái chợ chiều ở trên con đường ngang thị xã Poursat thấp thoáng bóng lính D7, gạo được mang ra đổi lấy rau xanh chứ lính làm gì có gì để hòng mong có được những thứ xa xỉ khác. Lúc đó,ở Poursat hàng Thái lan tràn qua rất nhiều rồi.