Hồi Ức Chiến Trường K - Chương 149
PHẦN 12
LOVEA-KIMRY-PHNOMPENH-LOVEA
Chương 1 Trở về Lovea
* * *
Chúng tôi về đến căn cứ của đơn vị tại núi Lovea chiều tối 27 tháng Chạp tức là trước Tết Nguyên đán 3 ngày, căn cứ doanh trại đơn vị tan hoang sau gần 3 tháng bỏ trống không người chăm nom. Dân K ở phum quanh đó vào tháo dỡ đi một số tấm tôn dựng vách trong những nhà các B, hội trường C bộ và nhà anh nuôi mái lợp tranh thốt nốt bị tốc hàng mảng, mọt tre gỗ rụng lả tả, sân thềm cỏ mọc um tùm, cột cờ nghiêng ngả.
Doanh trại đơn vị cần sửa sang lại nhưng ngay lúc này thì không thể nên đêm hôm đó chúng tôi tập trung hết trên hội trường móc võng nằm với nhau, lúc này lính cũng quá mệt mỏi rồi. Cũng tưởng đi vắng thì ở nhà có người trông nom cơ sở vật chất của đơn vị để lính đi tác chiến về có cái dùng ngay hay có chỗ nghỉ ngơi sau nhiều ngày vất vả, ai ngờ anh em trông cứ co cụm hết về D bộ nên tất cả những doanh trại khác trong D7 bỏ hoang đó mặc sức cho dân vào phá hay thời tiết mưa gió hoành hành.
Hiện tại sức khỏe của lính D7 suy sụp trầm trọng và cũng chính ngay đêm hôm đó, cái đêm đầu tiên chúng tôi mới từ Poursat trở về căn cứ thì gần như cả đêm lính vận tải D và anh em khác còn khỏe trong D7 liên tục phải chuyển đi lên viện phẫu C23 những ca cấp cứu do anh em lên cơn sốt rét ác tính. Vài anh em đã tử vong trên đường khi đang khiêng cáng chuyển lên viện, súng đạn không hạ gục nổi họ nhưng vi trùng sốt rét của cánh rừng Poursat đã hạ gục họ. Số khác không chết thì phát điên phát dại, gào thét ăn nói lảm nhảm không còn tự chủ được bản thân mình, anh em phải đè xuống lấy đũa ngáng ngang miệng không sợ cắn phải lưỡi. Số khác đỡ hơn, rét run từng cơn trên võng, cố chịu đựng mà tiếng rên vẫn tự bật ra khỏi miệng.
Người bình thường sốt 39-40 độ C là thấy người nóng như hòn than rồi nhưng đối với chúng tôi lúc đó có người sốt cao đến 41 độ, cá biệt có người nhiệt độ cao hơn nữa, không ai có thể chịu nổi sốt ở nhiệt độ 42 độ C nhưng có vài trường hợp sốt ở nhiệt độ 41,5 độ C mà không chết. Sức chịu đựng của những người lính chúng tôi phải gọi là phi thường, có thể do sốt nhiều rồi nên quen bởi vậy khi cơn sốt ác tính đến thì với nhiệt độ đó chưa đủ để quật ngã những người lính.
Thằng lính sau một đêm sốt rét ác tính, nếu không chết thì tỉnh dần vì nó mới từ địa ngục trở về, Diêm vương chê không nhận nó thì nó tự khắc khỏe dần lên. Thằng lính sốt rét ác tính khi lên cơn co giật đùng đùng và cái da mặt nó sau một đêm cháy đen như đít nồi. Rồi vài ngày sau bóc ra từng mảng da mặt đen xì cháy khô và đầu óc nó ngu ngu ngơ ngơ, ăn nói lảm nhảm như người mất trí, vài ngày sau ăn uống đầy đủ nó sẽ tỉnh dần, khôn ra dần.
Còn những thằng lính chỉ sốt rét bình thường khác thì sau những cơn lạnh đông cứng tim gan phổi phèo của nó, cái lạnh từ trong tận con tim lạnh ra từng cơn, từng cơn khiến 2 hàm răng gõ vào nhau còng cọc, miệng nó mím chặt mà vẫn phải bật ra tiếng rên, tiếng rên nó làm cho thằng lính sốt rét thấy nhẹ người hơn. Bao nhiều quần áo chăn màn nó quấn hết vào người rồi mê man trong cơn sốt cao cho đến khi sốt nóng, cả cơ thể nó nóng rừng rực, nó cởi bằng hết nó đạp ra bằng hết, cho đến khi toát mồ hôi, mồ hôi chảy như suối ướt đẫm cơ thể nó và nó tỉnh dần.
Nó khát nước, nó uống ừng ực hàng lít nước vẫn chưa đã cơn khát, người nó rã rời rũ rượi như một bóng ma, đầu nó đau như búa bổ, cảm giác bộ óc của thằng lính sốt rét khô đến vón hòn vón cục, nó long ra khỏi hộp sọ, hơi thở của nó nóng như bếp lò mắt nó đỏ rực. Sau đó nó thấy đói và muốn được ăn, ăn để bù lại những gì nó đã mất trong cơn sốt rét, nhiều triệu hồng cầu trong máu của nó mới bị vi trùng sốt rét phá hủy trong cơ thể mà thằng lính không biết và nhiều người lượng hồng cầu trong máu còn lại dưới mức báo động nguy hiểm đến sự sống.
C2 của chúng tôi lúc đó mất sức chiến đấu gần hết, cả C chỉ có vài người chưa bị bệnh sốt rét quật ngã, số còn lại người bị nặng người bị nhẹ hơn, cũng may có người bị nhẹ nên còn có người chăm sóc lẫn nhau, khi người này ốm người kia lo hoặc ngược lại, còn anh em khác nặng quá thì chuyển lên viện E chữa trị. Sau này chúng tôi mới được biết không phải chỉ có lính D7 bị sốt rét nặng như vậy mà cả E209 của chúng tôi đều chung cảnh ngộ của bệnh sốt rét rừng từ rừng F339, viện E, F đầy cứng lính sốt rét cho đến viện Quân đoàn 4, hỏi đâu cũng thấy lính E209.
Chúng tôi chuẩn bị đón Tết ta năm 1979 sang năm 1980, ngày Tết cổ truyền cấp trên cũng lo cho lính khá đầy đủ, cũng măng khô miến dong, cũng nem cũng thịt, rồi thuốc lá chè khô, rượu vài chai cho lính có cái chúc tụng nhau, lính chẳng dám đòi hỏi có từng đó là thấy tốt lắm rồi. Anh nuôi cũng chế biến món này món kia cho anh em có cái cải thiện vui ngày Tết nhưng phần lớn anh em ốm đau sốt rét nặng quá không ăn nổi. Cái Tết ta thứ 2 chúng tôi ăn Tết trên chiến trường K và mỗi cái Tết là một năm qua đi, mỗi năm đơn vị chúng tôi lại mỗi khác.
Trên D đưa xuống Y tá cho C2 lo chuyện ốm đau của lính, ngoài mấy viên thuốc sốt rét với vài viên thuốc bổ B1 là chấm hết. Cùng lắm thì tiêm Quinin cho những người sốt nặng quá và tiêm thì bắt buộc Y tá phải tự tay tiêm cho cho anh em song hình như thuốc Quinin tiêm không có nhiều, cơ bản vẫn là thuốc viên dùng uống.
Đêm giao thừa năm đó đơn vị cũng tổ chức liên hoan cho anh em đón năm mới trên D bộ nhưng C2 ở xa và anh em ốm đau gần hết nên xin tự tổ chức tại hội trường C2. Khoảng 7h tối chúng tôi tập trung về hội trường, anh em cố gắng động viên nhau lên chơi chung vui với nhau dù chỉ là ít phút rồi về nghỉ cũng được, gọi là tý chút không khí ngày Tết. Có người ốm quá chẳng muốn tham gia nhưng anh em khác thì muốn họ có mặt cho đỡ buồn nên đã mang theo cả võng móc lên giữa những dãy cột ở hội trường cho anh em ốm có chỗ nằm nghỉ mà vẫn tham gia sinh hoạt ngày Tết cùng anh em khác. C2 của chúng tôi là đơn vị rất kém về tiết mục văn hóa văn nghệ, chuyện hát hò thì nói thật là không thể ngửi nổi, chẳng có lấy nổi một giọng ca xuất sắc cấp C, tay đàn lởm khởm nhất thế giới, Ban B phó cũng đi vắng khỏi đơn vị.
Và lúc này không ai còn hơi sức đâu mà hát nữa nên sau màn nghiêm nghỉ chào cờ là anh Thao chính trị viên phó chuyển qua tình hình nhiệm vụ rồi chuyển sang thành buổi rút kinh nghiệm chiến dịch tải gạo cho F339 lúc nào không hay. Lính tráng chúng tôi ngồi dưới nghe ngán ngẩm lắc đầu với nhau cả, những chuyện chiến đấu với nhiệm vụ chúng tôi nghe mãi rồi, chán lắm rồi, giờ đây một chút thời gian sinh hoạt chuyện trò cho bớt chút nặng nề cuộc sống lính thì lại bị ông chính trị viên phó chuyển thể sang hướng nhiệm vụ công tác và cứ cái đà này có lẽ những thằng lính như chúng tôi sẽ thành người máy chiến đấu mất. Cũng may, anh Tập chính trị viên đại đội mặc dù đang ốm thấy được sự lạc đề trong sinh hoạt đơn vị buổi tất niên lên đã chen vào hướng buổi sinh hoạt đơn vị về đúng vị trí của nó.
Thôi thì không hát hò gì được thì kể chuyện vậy, anh Tập kể những câu chuyện vui trong đơn vị từ trước kia, hay chuyện nhà chuyện gia đình, hướng buổi sinh hoạt như buổi anh em tâm sự chuyện riêng của mình và mọi người tham gia cùng kể chuyện, rồi bình luận nhận xét, có người mang chuyện tiếu lâm ra kể cho vui rồi cùng cười, chúng tôi đã tìm lại được nụ cười sau nhiều ngày vất vả gian khổ cùng ốm đau bệnh tật đó. Sau buổi sinh hoạt đại đội chúng tôi cũng tổ chức sang chúc Tết từng B, anh em chúc nhau những điều tốt đẹp nhất và câu cuối cùng của lời chúc đầu năm bao giờ cũng là : Chúc mày giữ được cái gáo mà trở về, có lẽ điều đó đối với chúng tôi khi đó quan trọng hơn cả.
Thời gian cứ thế qua đi chúng tôi lại trở về với cuộc sống lính, củng cố đơn vị học chính trị, sửa sang doanh trại đào thêm hầm hố chiến đấu, giao thông hào thông giữa các B, anh em ốm đau cũng khỏi dần và cùng tham gia công tác, chúng tôi có lệnh vừa củng cố đơn vị vừa huấn luyện đáp ứng tình hình nhiệm vụ mới vừa sẵn sàng chiến đấu. Khoảng giữa tháng 3.1980 anh Phượng gọi tôi ra ngoài rồi không cần úp mở anh đi thẳng vào vấn đề cần nói :
- Đơn vị sắp nhận lệnh đi tác chiến, chỉ vài ngày nữa là có lệnh xuống thôi. Ngay bây giờ có 2 suất đi học băng bó cứu thương trên E, em có muốn đi học không? Nếu em đi thì lần này anh đi tác chiến sẽ có nhiều khó khăn hơn nhưng anh muốn cho em lựa chọn.
Suy nghĩ giây lát tôi trả lời anh Phượng :
- Đi học gì với em cũng được nhưng em đi học mà anh đi tác chiến như vậy em cũng không yên tâm, thôi anh chọn người khác đi.
- Vậy thì trong C mình theo em thì nên chọn ai? Trên C bộ chọn thằng Việt rồi còn thằng nữa nên chọn thằng nào?
- Theo em nên chọn Vinh lùn anh ạ, nó vừa nhanh nhẹn vừa là thương binh chưa đủ loại để ra quân công việc băng bó cứu thương trong chiến đấu hợp với khả năng của nó.
Thật sự là tôi hơi thiên vị Vinh lùn hơn mọi người khác, điều tôi muốn lúc đó không hề xa xôi quá chỉ vì muốn Vinh lùn tránh được chiến dịch truy quét sắp tới, bởi tôi không muốn Vinh lùn phải gian khổ như chuyến tải gạo vừa rồi, điều gì tôi giúp được Vinh lùn là tôi làm không cần ai biết, kể cả Vinh lùn nếu tôi không nói ra. Anh Phượng đã đồng ý với ý kiến của tôi chọn thằng Việt và Vinh lùn đi học cứu thương đợt đó. Chính vì sự lựa chọn này mà tôi cũng không thể ngờ được rằng từ đây 2 chúng tôi không còn được ở gần nhau nữa. Sau 3 tháng học cứu thương tại F bộ, toàn bộ nhóm lính đi học đợt đó của E209 cùng một số cán bộ nòng cốt khác chuyển hết sang tiểu đoàn dân vận 429 chuyên lo chuyện đi phát gạo cho dân K, họ ăn cùng ở cùng dân K cho mãi đến năm 1982 chuyển về tỉnh đội tỉnh Bến tre Quân khu9 rồi ra quân từ đó. Số anh em này làm công tác dân vận ở những huyện quanh thủ đô Phnom Penh có điều kiện tốt nên cuộc sống khá đầy đủ, Vinh lùn và thằng Việt sau này có vài lần về đơn vị cũ thăm lại chúng tôi.
3 ngày sau chúng tôi nhận lệnh vào càn quét trong thung lũng Tha Ma băng hướng Am leeng, bắt đầu chiến dịch càn quét cuối mùa khô năm 1980. Trước ngày đơn vị đi tác chiến, anh Tập chính trị viên C2 được đi nghỉ phép, đây là đợt nghỉ phép đầu tiên cho sĩ quanở sư đoàn 7 bộ binh sau khi có lệnh tổng động viên vào đầu năm 1979. Anh Tập phấn khởi ra mặt chuẩn bị đi phép, ngoài nghỉ phép có thêm nhiệm vụ điều tra lý lịch của ai đó bên C3 nữa. Anh ấy từ ngày nhập ngũ chưa từng nghỉ phép hay bước chân về nhà bao giờ, 6 năm lăn lóc 2 cuộc chiến tranh, từ người lính trưởng thành lên làm đến chính trị viên đại đội hôm nay mới có cơ hội được về thăm lại gia đình, lòng anh ấy chắc vui lắm. Chúng tôi cũng vui lây cùng anh Tập mặc dù vẫn biết chẳng bao giờ những thằng lính như chúng tôi được về phép thăm gia đình cả, chúng tôi không có quyền để ước mơ điều đó bởi chúng tôi chỉ là những thằng lính, chiến tranh ở 2 đầu Đất nước và lệnh tổng động viên đã lấy đi cả cái quyền nhớ đến gia đình người thân của những thằng lính chúng tôi.