Hồi Ức Chiến Trường K - Chương 159
Chương 11 Chia tay anh Phượng
* * *
Anh Phượng đi phép tiếp ngay sau đó một thời gian ngắn, nhìn đi nhìn lại chẳng còn gì nữa, có mỗi bộ quân trang niên hạn đầu năm 1980 mới phát đây cũng mang ra tặng anh mang về, nếu đi đường có khó khăn thì bán đi để qua bữa. Phụ cấp của lính lúc đó để trên hậu cần E, chỉ việc ghi tờ giấy tên tuổi, đơn vị nào và cho ai, tên g,ì số lượng bao nhiêu rồi mang lên hậu cần D xin chữ ký xác nhận là người được cho có thể nhận được khi về E trước khi đi phép hay công tác. Tôi ghi có bao nhiêu phụ cấp cho hết anh Phượng và cũng chẳng biết mình có bao nhiêu tiền phụ cấp nữa, giữ làm gì, giữ cũng có tiêu được đâu mà giữ, chi bằng cho béng đi cho xong, nhất là anh Phượng đi phép lúc này. Cả đơn vị tôi lúc đó ai cũng viết giấy cho tiền phụ cấp anh Phượng bởi ai cũng thương anh ấy.
Lúc tiễn đưa anh đi phép tôi không thể ngờ rằng phải 27 năm sau anh em tôi mới lại gặp nhau, những bước ngoặt của cuộc đời luôn là những điều bí hiểm mà không ai có thể lường trước được.
Trước ngày anh Phượng đi phép bàn giao lại quyền C trưởng C2 cho anh Hát lúc đó đã làm C phó được một thời gian ngắn rồi, còn C phó C2 vẫn là anh Chỉnh, 2 anh này đều lính Thái bình 1975 hoặc 1976 gì đó, còn tại sao 2 người này lên nắm quyền chỉ huy quân sự của C2 chúng tôi thì không ai rõ, chỉ biết rằng cùng một lúc cả 2 có quyết định phong C phó C2.
Theo tôi được biết lúc đó (vì cầm quyển sổ trích ngang của đơn vị và có thời gian khá dài nằm trên C bộ nên mọi chuyện dù to dù nhỏ đều biết khá rõ), cả 2 anh này từng bỏ ngũ thời còn nằm ở biên giới tây nam trong một trận đánh mà C2 chúng tôi bị thương hy sinh quá nửa quân số, họ về xóm Lò lấy vợ sinh con và sống ở đó lẫn cùng với dân một thời gian. Sau ngày Phnom Penh giải phóng, đến tháng 5.1979 thấy tình hình K có vẻ êm êm, họ mò về đơn vị và xin chịu kỷ luật, lúc đó anh Tập và anh Phượng không nhận mà trả về D, anh Hồng trên D cũng không nhận trả về E nhưng có một áp lực nào đó từ trên xuống khiến các cán bộ của D7 lúc đó phải chấp nhận. Thế rồi con đường quan lộ của họ cứ từ trên trời rơi xuống còn thực lực khả năng của họ thì thua xa những cán bộ B khác, từ năng lực công tác đến hiểu biết quân sự và cả phong cách sống giữa một tập thể.
2 cán bộ chính trị C2 lúc đó, anh Tập sau khi trả phép khoảng một tháng thì lên nhận chức vụ chính trị viên phó D7 và trao quyền chính trị viên C2 cho anh Thao. Con người này tính tình hẹp hòi nhỏ nhen thù vặt, học hành không bao nhiêu nên hiểu biết rất giới hạn nhưng lại mắc bệnh bảo thủ cố chấp nên rất mất lòng anh em, có một lần bình bầu gì đó mà cả C không có nổi một lá phiếu ủng hộ.
Bắt đầu từ đây C2 của chúng tôi ngày một đi xuống rã đám dần, mỗi người mỗi ngả, mọi người tự tìm cho mình một con đường và mỗi người mỗi cách, chỉ có những thằng lính không biết chui vào đâu mới nằm lại C2 chờ thời, còn ai đó có cửa thì đều lặng lẽ xách ba lô biến mất một cách hợp pháp nhất.
Thời điểm đó tôi vẫn là liên lạc C trưởng vì vậy trong chiến đấu tôi vẫn phải bám theo C trưởng và rất may thời gian đó đơn vị tôi đi vào huấn luyện tập lại một số chiến lược chiến thuật của lính bộ binh. Chúng tôi tập bắn súng theo chương trình huấn luyện của Liên Xô lúc đó, ngoài ra còn tập leo lên leo xuống ô tô vì là đơn vị cơ giới cơ động nhanh của mặt trận, có học thêm chiến thuật đổ bộ bằng đường không vận để đáp ứng tình hình mới của chiến trường.
Ôi! Thời gian này nó nản làm sao, lính chiến trong C2 lúc đó thằng cầm súng đánh nhau ít nhất cũng là 50 trận lớn nhỏ, 1,5 năm chiến trường thực tế giữa cái sống và cái chết, giờ đây hàng ngày ngồi phơi nắng ngoài thao trường lăn lê bò toài nó nản kinh khủng. Mang tiếng là tập theo chương trình của Liên Xô lúc đó thì cũng vậy thôi, bắn bia bài một thì 10 viên đạn chứ không phải 3 viên như cũ, bài 2 vẫn vậy 12 viên chia 6 loạt đạn và cấm bắn tắc cú, 3 loạt trên bệ bắn 3 loạt bắn vận động. Rồi bài 3 bắn 8 viên ban đêm, bắn bia nhấp nháy ở cự ly 75m, bài 4 bia thằng còm di động, rồi B41 B40 bắn xe tăng. Đắp cái ụ đất cao 1,5m cho lính tập đeo nặng trên vai súng cầm trên tay leo lên nhảy xuống giống như đuôi xe ô tô tải vẫn chở lính và cuối cùng là đắp cái ụ đất cao 2,5m rồi cho lính tập bông nhông từ trên đó xuống đất giống như đổ bộ từ máy bay trực thăng xuống đất vậy.
Lính tráng C2 chúng tôi chán quá, nhiều thằng cùi đời chửi đổng chuyện hành tỏi này, lạ quái gì nữa mấy cái bài tập này, khi vào trận nếu cứ theo mấy bài tập này có mà ăn cám, lính đánh nhau nhiều kinh nghiệm cùng mình, nhanh như sóc mạnh như hổ còn chết như ngả rạ chứ đừng nói mấy bài tập sơ đẳng này. Những bài tập này chỉ áp dụng cho lính tân binh thì tốt vì họ chưa từng va chạm thực tế, còn mang ra dạy mấy thằng lính từng vào sinh ra tử nhiều lần rồi thì chẳng khác gì dạy mèo bắt chuột. Cán bộ C có vặn vẹo thì nó trả lời thẳng tưng rằng : Lúc đánh nhau nếu có chết vì không tập thì tôi chết chứ ông có chết quái đâu mà ông lo. Sau này cán bộ C cũng thấy vô lý ở những bài tập bắn nên cũng lờ đi cho anh em có thời gian nghỉ ngơi, chỉ đến khi nào gần ngày đi bắn đạn thật thì động viên các kiểu để anh em họ đi tập cho đông quân số.
Lúc đó đơn vị đưa ra một mức thưởng nghỉ phép cho ai có thành tích cao trong công tác huấn luyện, bài một bắn đạt 95 điểm trở lên, bài 2 bắn đạt 9 viên vào bia, bài 3 bắn ban đêm đạt 7 viên, bài 4....( không nhớ ), chỉ cần ai đó bắn đạt yêu cầu của bất kể bài nào thì đều được thưởng nghỉ phép một tháng. Nếu cứ theo như đã treo thưởng thì có lẽsau này đơn vị tôi hết người công tác vì tất cả đều được đi phép, có người không phải một bài đạt tiêu chuẩn mà là tất cả các bài đều đạt thành tích đủ để đi phép. Nhưng sau đó thì chẳng thằng nào được đi phép cả, lời hứa vẫn luôn là lời hứa, miệng quan trôn trẻ quả không sai, các cụ xưa nay nói trăm ngàn câu không bỏ đi đâu được câu nào.
Luyện tập là vậy nhưng ăn uống của lính chúng tôi lúc đó rất thiếu thốn, lính thì không đói nhưng đã bắt đầu thiếu ăn, nhìn bữa ăn đến thảm hại, ngoài ít cơm và cá khô ra chẳng có gì khác, ai đời tiêu chuẩn ăn của lính còn thừa tiền ăn trả vào phụ cấp bao giờ vì vậy chiều nào chúng tôi cũng phải tăng gia thêm rau xanh cải thiện bữa ăn. Lão Phúc lỳ luôn đùa cợt chuyện này bằng những câu chuyện tiếu lâm thời đại :
Thấy mẹ đi chợ Tý chạy theo bảo mẹ : Mẹ ơi đi chợ mua thịt mua cá mà ăn, lâu nay ăn toàn rau con chán lắm rồi. Chị gái Tý nghe vậy liền bảo : Em ơi rau tuy không ngon nhưng bổ hơn thịt nhiều, nghe lời chị từ đó hàng ngày Tý vác cuốc theo chị ra vườn trồng rau.
- Chúng mày đã nghe chị gái Tý nói gì chưa? Rau tuy không ngon nhưng bổ hơn thịt nhiều, dậy đi trồng rau.
Nói tếu như vậy xong thì lão ấy cười hô hố bởi tâm đắc với triết lý về cái bổ của rau chỉ có trong trí tưởng tượng. Lính lại vơ vét cái gì có thể là mang ra dân đổi bằng hết lấy chó gà về thịt cải thiện với nhau, những bữa liên hoan rượu vào xỉn bét nhè lính gõ nồi niêu ca hát cả đêm đến mệt nhoài, thằng cười thằng khóc như phường tuồng chèo với nhau cả lũ. Lính đã bắt đầu mất đi niềm tin, mất đi phương hướng ở ngày mai, nhiều câu hỏi đã được đặt ra nhưng lúc đó không có câu trả lời.
Trên D bộ bố Xuyến đi đâu vắng và anh Hồng D trưởng từ tác chiến E một lần nữa về làm D trưởng D7 chúng tôi, bố Minh vẫn D phó, chuẩn bị đi phép, thỉnh thoảng gặp tôi, bố Minh vẫn hỏi :
- Tao sắp đi phép, có gì gửi về nhà không đồng hương ơi?
Trời ơi! Lính trên răng dưới súng, làm gì có gì để gửi về nhà mà bố hỏi, tôi nói đùa lại :
- Nhờ bố mang hộ con cái mạng sống về nhà là được rồi.
Cũng trong thời gian này sau khi anh Phượng đi phép được 2 tháng thì tôi nhận được thư của anh ấy, đọc thư của anh ấy tôi không cầm nổi nước mắt, thật không ngờ anh ấy có hoàn cảnh éo le quá. Lúc đó và cho đến tận bây giờ tôi vẫn cho rằng anh ấy đã hành động đúng.
Quê anh Hương sơn, Mỹ đức Hà sơn bình ( chùa Hương ), cha mẹ anh sinh anh hiếm muộn khi tuổi cả ông và bà đã cao, trước anh thì toàn là chị gái và dưới anh Phượng các cụ sinh cố thêm được một người em trai nữa, lúc đó cũng đang chiến đấu trên biên giới phía bắc. Các cụ nay đã già, năm đó cụ ông 80 tuổi còn cụ bà thì cũng bảy mươi mấy, có đông con mà như người không nương tựa. Các chị gái lấy chồng từ lâu và đã có cháu bế, bản thân họ cũng nghèo nên chẳng giúp được gì nhiều cho cha mẹ, 2 người con trai thì đi xa, chưa ai có gia đình vợ con gì cả. Hai ông bà cụ già lụi cụi chăm nom nhau và khi tuổi cao sức yếu thì không thể đi làm đồng ruộng cho HTX được nên cũng không có công điểm,một năm chỉ có 9kg thóc.
Bước chân về đến nhà sau gần 7 năm xa vắng anh không còn tin ở mắt mình nữa, anh em nhà anh ấy chinh chiến đó đây, đi qua 2 cuộc chiến tranh, chiến đấu vì cuộc sống của người khác trong khi cha mẹ đẻ ra anh ấy thì đang sống thế này đây. Không thể cầm lòng mình được nữa, anh Phượng quyết định mang toàn bộ súng ngắn K54, giấy tờ cùng quân hàm trung úy, thẻ Đảng viên về tỉnh đội Hà Sơn Bình ( Hà đông ) nộp trả, kiên quyết dứt khoát không đi nữa vì phải bận ở nhà chăm sóc cha mẹ già. Ai muốn làm gì anh ấy cũng được, anh ấy phải báo hiếu cha mẹ khi tuổi già sức yếu. Bỏ ngoài tai những lời động viên cũng như dọa nạt, rồi xắn quần móng lợn lên, người lính đi làm thuê làm mướn kiếm tiền nuôi cha mẹ già.
Anh Phượng dặn dò tôi mấy chuyện ở đơn vị khi bên tôi không có anhấy nữa, anh xin lỗi vì không lường trước được tình huống nên đã chưa kịp lo lắng cho tôi đi đâu đó hay chăm lo cho tôi như đã hứa với anh Quân. Tôi không quan tâm đến điều đó vì chưa bao giờ tôi nghĩ đến sẽ rời xa C2 tìm cho mình một chỗ an nhàn tránh xa bom đạn, lúc đó tôi chỉ thấy mình thực sự cô đơn. Tại sao những người mà tôi yêu quý tin tưởng cứ lần lượt ra đi bằng đường này hay đường khác, chỉ còn lại mình tôi chơ vơ giữa những người gần mà xa lạ, cấp trên mà chẳng xứng đáng, đồng đội mà thiếu đi niềm tin.
Sau 27 năm gặp lại tôi và anh Phượng có 2 đêm ngồi nói chuyện với nhau, thôi thì thượng vàng hạ cám chuyện của ngày đó anh em tâm sự. Khi anh Phượng quyết định sẽ trả lại vũ khí cùng quân hàm để ở nhà làm tròn chữ hiếu đối với mẹ cha, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Vì là quân nhân vô kỷ luật nên không được sự giúp đỡ gì của địa phương, nhưng xét về tuổi quân cùng những gì anh ấy đã cống hiến cũng như hoàn cảnh gia đình lúc đó thì chính quyền và tỉnh đội lúc đó xếp anh ấy vào loại bị kỷ luật cho rời quân ngũ, cũng cấp cho giấy tờ đầy đủ để trở về sinh sống như mọi người khác nhưng mất hết quyền lợi chính trị.
Cuộc sống sau đó rất khó khăn rồi lấy vợ sinh con, cha mẹ già lần lượt qua đời một tay vợ chồng anh ấy gánh vác. Người em trai trở về sau cuộc chiến cũng bỏ đi xây dựng kinh tế mới tại Đắc lắc vì quê nhà khó làm ăn, bản thân anh Phượng thì không thể bỏ đi được vì vướng bận chuyện mồ mả tổ tiên, anh ấy là trưởng tộc của một dòng họ tại quê, nhà thờ tổ tiên không người chăm nom nên đành phải chấp nhận ở lại. Gần đây con trai đã lớn xây dựng gia đình rồi nên bàn giao lại ngoài này cho con và anh ấy đã vào Đắc lắc trồng cafe cho người em trai.
Khoảng gần chục năm lại đây chính quyền địa phương đã hiểu anh hơn và cái chính là nhờ anh em đồng ngũ cũ ở đơn vị nay về công tác tại địa phương nắm giữ một vài chức vụ có thể giúp đỡ được đồng đội nên đã xếp cho vợ con anh ấy có một suất ngồi bán hàng và chèo đò ở Chùa Hương, thôi thì cuộc sống cũng đỡ nhiều rồi.