Hồi Ức Chiến Trường K - Chương 25
Chương 16 Những ngày buồn
* * *
Những ngày cuối tháng 11.1978 đơn vị tôi sống trong khó khăn nhất của những năm tháng trên chiến trường K, những tin buồn trong E liên tiếp được thông báo xuống tận các B và đầu tiên là C13 của D9, con số 13 luôn là con số không may mắn. Anh em trinh sát trong D9 và công binh C20 luồn vào phía trong lòng địch gỡ về rất nhiều mìn chống xe tăng, sau khi tháo kíp mìn thì chất hàng đống quanh hầm C bộ C13 trên chốt. Anh em công binh cũng định mang đi cài lại địch.
Chuyện này tôi nghe thằng bạn tên Sơn là liên lạc của C13 và sau này nó lên làm liên lạc D9 cho đến những năm tháng cuối cùng bên K, nó là liên lạc của chính ủy E, anh này cũng tên Cường, lính từ thời đánh Mỹ, hiền lành thương lính lắm. Khi thằng Sơn là liên lạc của C13 thì sự việc xảy ra bên đơn vị nó, nó biết rõ nhất của sự việc này bởi nó là người duy nhất sống sót sau sự việc đó.
Hôm đó chẳng biết ma xui quỷ khiến thế nào, đang trên chốt của D9 thằng Sơn đòi về tuyến sau với một lý do rất ngớ ngẩn. Các anh cán bộ C13 cũng định không cho nó đi, thằng Sơn cũng lắm mưu mẹo nên nó nói thế nào các anh bên đó đồng ý cho nó về tuyến sau ngày mai lên chốt. Đêm đó khoảng 9h tối một tiếng nổ kinh hồn làm rung chuyển cả một khu vực lớn kèm theo ánh chớp sáng từ hướng C bộ C13. Cả D9 và E bộ 209 nhớn nhác bởi tiếng nổ kinh khủng như vậy, bên D7 cũng nghe và nhìn thấy ánh chớp đó bên chốt của D9.
Thì ra khối mìn chống tăng của địch và cả của ta nữa chất quanh C bộ C13 phát nổ, lý do thì không ai biết, hơn chục quả mìn tăng hốt gọn bộ phận cán bộ của C13 cùng anh em thông tin y tá của đơn vị. Thằng Sơn thoát nạn cũng bởi lý do hoàn toàn ngẫu nhiên, nếu nó mà không lên cơn dở hơi mà cứ ở lại C13 như mọi ngày bình thường khác thì giờ đây đến cái lọ tro của nó cũng chẳng còn đừng nói cháu ngoại của nó bây giờ có 2, 3 đứa. Sống chết cũng có số của nó là vì vậy.
Cán bộ C trong E 209 thiếu trầm trọng, ngay trong D7 chúng tôi cũng rất thiếu cán bộ có nhiều kinh nghiệm chiến đấu. Anh em mới vào nhiều, kinh nghiệm chưa có, lớp trước dần mất đi, những hiện tượng của từng giai đoạn khó khăn về cán bộ thấy rất rõ. Bên C3 có anh lính Thái bình lâu ngày tôi quên tên, lính 1977 mà tháng 8.1978 khi còn là binh nhất đã là đại đội trưởng C3, sau này trên E phải cho anh này đi học và rồi cũng không thấy về đơn vị nữa.
Phần lớn những anh em có nhiều kinh nghiệm trận mạc, tuổi quân cao thì không thích nhận quân hàm sĩ quan, có người khi bị gắn lên ve áo cái quân hàm chuẩn úy là ngồi ôm mặt khóc rưng rức như trẻ con, có lẽ do đường về với mẹ xa tít mù khơi. Chiến trận mịt mù khói súng với nhiều mất mát hy sinh không làm người lính nhỏ lệ nhưng cây rừng lấp lối quay về bên mẹ thì người lính chai sạn đó trở về nguyên bản của mình nhỏ bé yếu đuối của năm xưa còn trong vòng tay của mẹ.
Đó là những giọt nước mắt của những sĩ quan dự bị.
Anh Phắng B trưởng của tôi cũng nằm trong số người đó, chiều hôm nào liên lạc chạy xuống B mời anh lên C bộ gấp, khoảng hơn tiếng sau anh đi về B mặt buồn thiu bước chân chậm chạp, chút phớt đời chút lãng tử thanh niên thành phố cảng của anh Phắng bỏ đi đâu chỉ còn lại cái con người bần thần lơ đãng với những bước chân trên đường về B3.
Số mệnh đã được định đoạt anh bắt buộc phải nhận quân hàm chuẩn úy và cái chức vụ đại đội phó C13 quyền đại trưởng. Có thể đối với ai đó đây là đại hỷ, đại may mắn nhưng với anh Phắng thì đây là đại buồn, binh nghiệp đã định đoạt số phận con người với nhiều kinh nghiệm chiến trường.
Anh Phắng thông báo với chúng tôi cái tin buồn này, vậy là chúng tôi lại sắp phải rời xa người anh lớn trong B, khi nghe ai cũng buồn nhưng chẳng biết nói gì để an ủi vì hoàn cảnh ai cũng như nhau. Anh Phắng sẽ ở lại B, C thêm vài ngày nữa mới về đơn vị mới nhận nhiệm vụ, các B trưởng khác trong D cũng bị thuyên chuyển qua bên D9, trong đợt thuyên chuyển này có người của D7 sau này là D trưởng D9.
Anh em chẳng còn mấy thời gian bên nhau chúng tôi tâm sự với nhau tất cả nỗi lòng chuyện buồn chuyện vui, trong lúc hứng chí tôi đưa cho anh Phắng đọc lá thư của Bố tôi gửi cho tôi ngày cuối cùng khi còn ở Hà Sơn Bình trước khi vào Nam. Anh Phắng vài ngày nữa sẽ về đơn vị mới, chúng tôi thì muốn thời gian đừng trôi để giữ anh ở bên chúng tôi thêm lâu hơn nữa và lúc này anh ấy vẫn là B trưởng của chúng tôi.
Tôi và thằng Bình xin phép anh Phắng lên E về cứ ba lô lấy thêm quần áo, thằng Bình còn bộ quần áo nữa chưa mặc trong khi chúng tôi rách nát hết rồi. Lúc này lính Hà Nội đoàn tôi trong E chỉ còn đếm đủ trong đầu ngón tay, số hy sinh, số bị thương và số đông tranh thủ lúc chiến trường nhộn nhạo bỏ trốn về tuyến sau. Họ đã đi đâu có Trời mới biết, còn những thằng như chúng tôi thì nằm lại C, đến bài hát trên cái Radio của D trong chương trình ca nhạc cũng là điều ước mơ thì làm sao mà biết tin tức của toàn thể anh em lính Hà Nội đoàn tôi vào E 209 đã đi đâu?
Tiếng đồn lính Hà Nội bỏ ngũ nhiều như một câu chuyện thời sự nóng bỏng mỗi khi thằng lính Hà Nội xin đi đâu với nhau. Trên C bộ đã không đồng ý phê duyệt chuyện tôi và thằng Bình cùng nhau về cứ ba lô trên E nhưng anh Phắng đứng ra bảo đảm chuyện cho 2 thằng tôi đi. Chuyện này sau gần một năm tôi mới biết, buổi họp tối hôm đó trên C bộ xoay quanh chuyện 2 chúng tôi sáng mai về cứ ba lô của E, anh Phắng đã phải lấy cả cái mác Đảng viên của mình bảo đảm cho việc đó.
Vậy là ăn sáng hôm sau xong 2 thằng tôi lên đường về E, khi đi phải đi qua con đường trước cửa C bộ cách nhau một khoảng rộng, anh em trong C bộ nhìn theo chúng tôi và khi đó 2 thằng chúng tôi đâu có hiểu chuyện phức tạp đến như vậy. Đơn giản là 2 thằng chúng em về cứ lấy bộ quần áo trên E rồi về đơn vị thế thôi, vậy thì những ánh mắt đổ dồn nhìn theo 2 chúng tôi để làm gì nhỉ?
Khoảng 9h sáng chúng tôi về đến cứ ba lô trên E bộ, lấy xong bộ quần áo rồi đi về, về được nửa đường thì gặp cái xe chở gạo cho D7 chạy ngang chúng tôi đu lên xe đi về đơn vị. 10h sáng chúng tôi đã về đến C bộ C2, thời gian đi về nhanh hơn với xin phép 2h. Khi về ngang C bộ C2 anh Tập chính trị viên đứng ngoài cửa hầm nhìn ra thấy 2 thằng chúng tôi đi về thì cười rồi gật đầu chủ động chào chúng tôi. Lúc này tôi chưa hiểu cái gật đầu chào đó, chỉ biết rằng anh Tập là người chính trị viên dễ gần dễ mến sống hòa đồng với 2 thằng binh bét chúng tôi trong đơn vị.
Thực ra cái gật đầu chào đó là anh tỏ ra bằng lòng, tin tưởng ở lập trường của chúng tôi, việc chúng tôi về cứ anh Phắng đã đánh bạc với số mệnh và anh đặt hết cho canh bạc này bởi anh Phắng đã tin tưởng ở chúng tôi. Anh Phắng là người thắng trong canh bạc đó, anh đã đặt hết niềm tin ở 2 thằng chúng tôi và chúng tôi cũng không bao giờ phụ lại lòng tin của anh.
Cái ngày anh em tôi không hề mong nó đã đến, anh Phắng khoác cái ba lô lép kẹp về đơn vị mới, lính thì không tiễn chẳng đưa, không bắt tay chẳng chào chẳng hỏi, dù rất muốn nhưng chúng tôi không dám làm mọi cái kiêng khem anh em đã dặn nhau trước cả rồi. Anh Phắng đứng dậy lặng lẽ đi, anh nhìn chúng tôi rồi kiên quyết bước không quay lại nhìn, chắc anh sợ nếu quay lại nhìn chúng tôi anh không đủ bản lĩnh bước trước những ánh mắt nhìn anh đầy ngây thơ khờ dại cần có anh ở bên nâng đỡ dìu dắt. Rồi số mệnh cũng cho anh em tôi lại gặp nhau sau 2 tháng khi C2 D7 chúng tôi vào thay chốt cho C13 D9 để anh em C13 rút ra ăn Tết Nguyên đán bên ngã tư đường tàu. Trong lúc nhốn nháo thay chốt người ra, quân vào lộm nhộm trong đêm tối, câu đầu tiên anh hỏi to anh em đơn vị cũ :
- Thằng H... đâu? Anh Phắng không quên tôi và lúc này anh đã là C trưởng C13 D9
- Em đây.
Anh em tôi gặp nhau vui quá, mừng quá, anh vẫn luôn biết tin tức của đơn vị cũ và không bao giờ anh quên hỏi thăm thằng em nhỏ của anh, và sau này trên đường hành quân truy quét địch anh em tôi thường xuyên gặp nhau hơn. Cái dáng anh gầy gầy cao cao với cái bao da của khẩu K54 sệ bên hông trên đường hành quân và trên tay luôn cầm theo cái bản đồ là hình ảnh tôi lưu được ở anh nhiều nhất những ngày trên chiến trường K năm xưa.
Chúng tôi lại sống những ngày tháng tiếp theo với cán bộ B mới, cũng người trong C thôi nhưng là ai tôi không nhớ. Giờ đây tối đến chúng tôi thêm nhiệm vụ, 3 B bộ binh thay nhau đi phục bên ngã tư bờ mương gần khu vực chốt của C3, nó gần khu vực hầm gác của tôi cũ trên tuyến chốt bên bờ mương ngang. Vậy là cách 2 ngày B của tôi lại phải đi phục một đêm, quân số ít nên đi cả B về cũng cả B.
Vài thằng lèo tèo lên cái bờ mương khi bóng đêm chìm xuống, thay nhau gác cả đêm, số còn lại quấn áo mưa lại mà ngủ giữa trời đất bao la trên trời cao nhiều ngàn tinh tú. Mùa này cũng hết mưa rồi, trời đêm lạnh lắm, quấn áo mưa vào người nằm cũng ấm nhưng hơi người đọng lại trong áo mưa rơi xuống làm giật mình vì giọt nước lạnh, có đêm chưa đến phiên tôi gác đã hết thời gian anh em bấm nhau lặng lẽ rút về trước khi trời sáng.
Những đêm nằm ở cứ tuyến sau chứng kiến cảnh lính E 141 đánh nhau với lính Pốt trong đêm, đạn lửa của khẩu đại liên 12,8ly bắn dìm đầu địch, chúng tôi bên này đứng xem sướng lắm. Đạn ta và địch phản nhau trong đêm tối, lính E 141 bắn găm xuống địch bắn lại đạn ngóc lên trời cao, ở đoạn này ai lỳ hơn người đó thắng. Thằng Pốt không dám thò mặt lên khỏi hầm hố chỉnh đường đạn của mình còn lính mình thì chơi thẳng cánh, kẻ ngoài cuộc mà cũng thấy rạo rực trong lòng. Những ngày đó chúng tôi gọi là xem pháo hoa, bên E 141 đoàn tôi anh em rất đông, trên trận đánh đó có anh em của chúng tôi bên đó. Đánh mạnh vào các bạn ơi, có chúng tôi bên này luôn ủng hộ hoan hô các bạn, đánh cho Pốt biết thế nào là quân đội nhân dân Việt Nam chúng ta.
Rồi lệnh C2 chuẩn bị thay chốt cho C1 bên tuyến chốt cánh phải của D7, đây là chốt điểm góc vuông của cạnh chốt, nó rất quan trọng cho vị trí của E 209 nếu ở đây không vững chắc thì toàn tuyến E 209 sẽ hở sườn. Trên tuyến chốt này vẫn im ắng, một điều tôi vẫn chưa hiểu là C1 đang chốt trên tuyến đó như vậy mà có một bộ phận của C1 lại nằm lại tuyến sau do anh Hồng chỉ huy lại đi phục đúng vị trí chúng tôi đã đi phục địch bên ngã tư bờ mương C3, cánh 2 bên của chốt D7 mà đều có người của C1. Trong nhóm đi phục đó có thằng Vinh tôm bạn của tôi, nó hăng hái đi phục kích địch với lời hứa :
- Diệt một tên địch thu một súng sẽ được về phép tranh thủ tại Sài gòn, trên không cho thì tao cho về. Anh Hồng hứa như vậy, khi đó anh Hồng đang là vận tải của D, lính 1972 vậy mà thằng Vinh tôm nó tin, sau này có lúc vui tôi hỏi lại anh Hồng chuyện đó anh Hồng nói :
- Tao hứa là vậy chứ tao là cái đ...gì mà cho ai đi phép được, ngay tao đây đi lính từ 1972 đến giờ đã biết phép tắc là gì đâu mà nghe tao hứa? Thằng binh nhất cho thằng binh nhất đi phép thì lúc nào chẳng được. Lại chuyện ăn kẹo, vậy mà thằng Vinh tôm cũng tin, nó tin ở lời hứa không có cơ sở, một cái kẹo được vẽ trên giấy vậy mà nó tin là cái kẹo đó rất ngọt. Ngây thơ đến thế là cũng.
Hôm đó tôi lên D lấy gạo cho đơn vị, vừa tới nơi tôi nghe anh em vận tải D nói, đêm qua lính C1 đi phục kích bên bờ mương ngang C3, thằng lính Hà Nội dẫm phải mìn K58 rồi ngã ngồi lên quả mìn thứ 2 hiện xác nó được chuyển về từ sáng để bên gốc thốt nốt kia. Tôi giật mình chột dạ, bỏ mẹ bên C1 có 2 thằng lính Hà Nội đoàn tôi là thằng Vinh tôm và thằng Nam đường Láng. Ai? là thằng nào trong 2 thằng đó? Linh tính mách bảo tôi, thằng Nam là liên lạc C1, chuyện đi phục kích đạp mìn rất khó chỉ có thể là thằng Vinh tôm, tôi chạy vội ra gốc thốt nốt lật tấm tôn đậy xác nó lên. Thằng Vinh tôm thật, nó ra đi rất thương tâm và đầy tức tưởi, nó mơ về những ngày nghỉ phép tại Sài gòn rồi điện cho mẹ nó vào thăm. Mơ ước đó của nó chẳng bao giờ thực hiện được. Chiếc kẹo nó cho là ngọt giờ đây đắng ngắt.
Tôi bàng hoàng trước một thực tế đầy phũ phàng, tôi biết thằng Vinh tôm này từ ngày còn ở nhà, tôi chơi chung với chị và anh rể nó sau này từ trước ngày nhập ngũ, tôi sẽ nói sao khi gia đình nó hỏi những gì xảy ra ngày hôm nay?
Tôi đã khóc cho số phận của nó và khóc luôn cho số phận của mình.
Chuyện thằng Vinh tôm đạp mìn trên bãi phục kích chỗ ngã tư bờ mương ngang bên C3 cũng là điều cần nghiên cứu tìm hiểu cho ra nguyên nhân để còn rút kinh nghiệm, nó hăng hái đi phục cũng có lý do, còn chuyện đạp mìn ngay cái chỗ mà đêm nào nó cũng lên đó có sao đâu, vậy mà hôm nay thì dính mìn.
Thì ra đêm trước mấy thằng chúng nó đi phục lúc gần sáng thì bỏ về, tụi Pốt nhiều lần bò vào biết được quy luật của nhóm đi phục kích trên D rồi. Chúng để yên cho anh em mình rút lúc tờ mờ sáng hôm đó, chúng bí mật bò vào gài mìn xong lặng lẽ rút ra. Chơi kiểu này là an toàn cho chúng nhất vì nếu chúng nổ súng vào nhóm anh em đi phục này thì chúng rút ra không thể thoát nổi, chưa đến 100m là bờ mương ngang hầm gác của tôi cũ, sang bên kia là D9, nếu tiến vào sâu chúng hết cửa sống quay về chốt địch, đoạn đường quá xa cũng không thể về thoát nổi bởi trên chốt của chúng tôi sẽ lấy chúng làm bia sống mà tiêu diệt.
Vậy thì gài mìn cho lính ta đạp phải là thượng sách. Thằng Vinh đã đen đủi lọt vào cái trận đồ bát quái này, hôm đó 4 thằng chúng nó lên bờ mương khi trời nhá nhem tối vẫn theo những gì ngày hôm qua mà làm, vậy mà sự việc nó đã đến không ai ngờ được điều đó cả.
Như vậy là địch cũng rất liều lĩnh khi vào qua cái ngã tư bờ mương đó, chúng đi qua cả chốt của C3 và chỉ còn khoảng 800m nữa là chúng đánh thẳng vào D bộ D7 nên lệnh của D hàng đêm chúng tôi vẫn phải đi phục kích tại khu vực mà Vinh tôm đã hy sinh. Chiều hôm đó tôi trong nhóm 5 anh em đi phục kích phải lên D sớm và ngồi chờ đúng giờ D cho phép mới được đi. Ngồi bên ngoài hầm D nghe anh Điệp chính trị viên D mở đài tiếng nói Việt Nam chương trình ca nhạc buổi chiều với bài hát của ca sỹ nào đó cất lên làm chúng tôi thấy nhớ quê hương Tổ quốc vô cùng, muốn ngay tức khắc ném trả vũ khí trút bỏ quân phục mà trở về cuộc sống đời thường, dân dã. Không đứa nào bảo đứa nào, tất cả mắt đều hướng về đỉnh núi xanh xanh xa mờ kia, Tổ quốc của chúng tôi đấy.
Đất ơi có nhớ những ngày đồng khô cỏ cháy... Nước ơi đồng trũng quê mình từ bao giờ ngập úng...Hỏi Trời Trời chẳng thấu hỏi đất đất không hay...Nay từ châu thổ sông Hồng... tới đồng bằng Cửu long...Trời của ta Đất của ta... Tấc đất tấc vàng chỉ khi nào đủ nước.....
Nỗi khát khao nhớ nhà nhớ Tổ quốc mình cháy bỏng trong tim những người lính trẻ.
Từ đó đến khi đi phục kích về gần như không đứa nào nói với nhau một tiếng, mỗi người ôm trong lòng một nỗi niềm riêng.