Hồi Ức Chiến Trường K - Chương 61
Chương 2 Luồn sâu tác chiến trong núi Lovea
* * *
Sau cái đêm chúng tôi mở cửa cho anh em trinh sát quân báo của quân đoàn đi về hướng núi Lovea độ 2 ngày thì chúng tôi có lệnh chuẩn bị luồn sâu tác chiến vào sâu trong núi Lovea. Nhiệm vụ lần này được quán triệt rất rõ ràng và hết sức nặng nề, tình hình ta và địch trên toàn tuyến Tây nam của K, mức độ căng thẳng của thế trận. Chúng tôi cũng rất hiểu lúc này đây mới là giai đoạn khó khăn của chiến trường, địch đang từng ngày hồi phục sức lực sau nhiều ngày tan rã, mà đối với chúng tôi những người lính C2 D7 thì quá hiểu khả năng của địch tại khu vực núi Lovea này.
Yêu cầu của trận luồn sâu này phải hết sức gọn nhẹ và khẩn trương, khả năng chúng tôi sẽ đụng độ với lực lượng mạnh của địch là rất lớn, toàn thể anh em cán bộ chiến sỹ trong D phải nắm được hết tinh thần và nhiệm vụ cụ thể trên phương án tác chiến của toàn E.
Hướng của D7 khi luồn sâu là đi từ vị trí C1 D7 đi vòng hết đến cuối núi Lovea rồi vòng qua sau núi hất ngược về vế trái của núi. Hoàn toàn đi trong đêm cho tới sáng hôm sau tới vị trí đã định sẽ kết hợp với pháo binh của F,quân đoàn bắn lên núi và khi địch chạy xuống từ trên núi sẽ tiêu diệt. Một kế hoạch diệt địch quá hoàn hảo. D8 và D9 cũng tham gia trong đợt luồn sâu này nhưng họ đi từ hướng nào thì tôi không rõ.
Vũ khí súng đạn được trang bị đầy đủ với 2 cơ số đạn và 2 cơ số gạo trên lưng, riêng C2 đi đầu đội hình của toàn D với trinh sát D dẫn đầu và khẩu 12,8ly của C5 cùng khẩu DKZ75ly của E, hỏa lực của C như tôi đã nói ở trên. Mọi sự chuẩn bị cho cuộc hành quân được thực hiện rất nhanh, đầy đủ, quân trang cho lính được bổ sung thêm ngoài niên hạn, cũng rất cần cho lính bộ binh C2 vì sau mấy trận vừa qua lính C2 gần như hết quân trang do rách nát hết cả. Ông anh đồng hương nhà có đống rơm của tôi tranh thủ giấu cho riêng tôi nguyên bộ quần áo mới vì quân trang của tôi cũng rách hết cả rồi và thêm cho thằng em cái bi đông nước mới cứng ( có anh em vẫn hơn ).
Tối hôm đó khoảng trên 7h chúng tôi lặng lẽ từng bộ phận rời bỏ trận địa chốt bên ngã tư đường tàu đi về hướng D bộ và C5, B1 sẽ rút sau cùng. Tôi là người phải chạy nhiều nhất khi phải liên tục móc các B rút dần khỏi trận địa, anh em cũng đã chuẩn bị xong từ lâu nên cũng rất nhanh và lặng lẽ rời vị trí.
Khi quay lại móc B1 lần cuối, tôi dừng lại ngắm nhìn thêm một lần nữa cái phum bên ngã tư đường tàu này. Cũng chính nơi đây, trên 20 người lính C2 và các bộ phận phối thuộc cho C2 đã ngã xuống, họ là những người trai Việt Nam còn rất trẻ ở nhiều vùng quê trên mọi miền của Tổ quốc, toàn người cũng cùng tuổi với tôi và cũng từng đó anh em bị thương nữa. Bao nhiêu máu xương của chúng tôi đã đổ xuống, vậy mà hôm nay đây chúng tôi lặng lẽ bỏ đi. Một chút nuối tiếc và thoáng buồn trong tôi.
Còn cái phum, cách đây ít ngày nó đẹp như vậy mà giờ đây tan hoang không còn nhìn ra được nữa. Đổ nát, hoang tàn và chết chóc, sự tàn phá của chiến tranh ngoài sức tưởng tượng của con người.
Chúng tôi về hết ngang tiểu đoàn thì dừng lại và sắp xếp đội hình hành quân qua hướng C1, đêm tối trời, không trăng không sao, một màn đêm đen kịt trước mặt. Đội hình luồn sâu hành quân hàng một, trinh sát D đi đầu cách xa khoảng 50 đến 100m rồi B3 và các bộ phận liên tiếp bám nhau. Xen kẽ đội hình C là các bộ phận hỏa lực đi phối thuộc, anh nuôi là bộ phận đi sau cùng của đội hình C hành quân.
Yêu cầu hết sức bí mật nên không được nói to hay gây bất cứ tiếng động nào bất lợi cho đội hình, kể cả nồi xoong cũng phải được buộc hết sức chặt chẽ tránh sự va chạm của kim loại. Tiếp theo C2 là C3 rồi đến D bộ cùng C5, cuối cùng là đội hình của C1 khóa đuôi.
Lặng lẽ và bí mật, đội hình hàng một dài hàng cây số nối tiếp nhau bước đi, trên bước đường hành quân khổ nhất là anh em hỏa lực, họ luôn phải vác nặng với vũ khí và đạn dược với số lượng lớn hơn quy định của một cơ số. Súng thì quá cồng kềnh nhất là khẩu DKZ75ly vừa nặng vừa dài vừa khó vác, anh em phải dùng đòn gỗ đẩy vào buồng nòng của sơn pháo 75ly này mà gánh.
Khẩu 12.8ly cũng phải tháo rời chân, tầm hướng của súng ra mà vác, mà thay nhau khiêng, súng đại liên của C thì dễ hơn nên chỉ chia 2 người vác. Cái tầm đại liên là 18kg do thằng Do lính Hà nam Ninh chuyên vác, thằng này khỏe lắm nhưng cái đầu thì có vấn đề. Nó chỉ có duy nhất một yêu cầu với anh em A đại liên, phải cho nó ăn no, cái gì cũng được, miễn không để nó phải đói thì vác nặng bao nhiêu nó cũng làm, gian khổ bao nhiêu nó cũng xin chịu không kêu ca tỵ nạnh ai cả. Một yêu cầu quá đơn giản với lính trên chiến trường K lúc bấy giờ.
Khẩu cối 60 của C thì quá bình thường rồi chỉ có anh em mang vác đạn là vất vả, mỗi người 20 quả đạn cối 60, khoảng 1,8kg/ một quả đạn, vậy là 36kg đạn rồi, chưa kể gạo và quân tư trang cá nhân.
Một cuộc hành quân mang vác nặng và đường dài trong đêm. Chúng tôi đi, đi mãi, luồn qua những bụi tre gai, vạch những tàn lá táo dại của rừng núi Lovea mà đi. Vượt qua những trảng trống nhỏ, bước thấp bước cao trong đêm tối, vấp ngã, kệ đứng dậy đi tiếp, gai rừng xé rách áo quần, kệ lính chiến không quan tâm. Hướng địch trước mặt, đồng đội của mình mới là điều khiến lính bận lòng.
Chúng tôi đã mải miết đi như vậy, khát nước đã có nước trong bi đông cá nhân của mình rồi, kinh nghiệm của lính là càng khát nước thì càng không nên uống nước nhiều, chỉ cần nhấp cho ướt miệng, uống vào một ít rồi nhổ đi chứ không nên uống cho đã cơn khát. Nếu không biết cầm lòng mà kìm chế bản thân mình thì đó chính là tai họa do mình tự gây ra.
Chúng tôi luôn phải nhắc nhở anh em tân binh lính mới chưa có kinh nghiệm như vậy, với số anh em này đây là lần đầu hay lần thứ hai đi luồn sâu đêm nên đối với họ cũng là cả một vấn đề rồi. Anh em lính cũ chúng tôi thì đỡ hơn, dù sao cũng trải qua nhiều rồi nên phổ biến kinh nghiệm này cho anh em để đỡ vất vả hơn trên đường hành quân.
Cứ thế chúng tôi đã đi đến khoảng 12h đêm thì dừng lại nghỉ giải lao ít phút, lưng áo ai cũng ướt đẫm mồ hôi, mắt nhíp lại vì buồn ngủ, ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới này mà không có ngủ thì đó là một cực hình của lính. Nhiều anh em chỉ kịp đặt cái ba lô xuống là đã phiêu du ngay rồi, sẽ chẳng có giấc ngủ nào ngon hơn những giấc ngủ này của lính trên đường hành quân tác chiến, tranh thủ được ít phút cũng là lấy lại được sức khỏe và tinh thần sau chặng đường dài vất vả.
Suốt mấy tiếng đồng hồ hành quân tôi luôn phải bám sát anh Hồng và đội hình, lúc thì bước nhanh về phía trước, khi thì đứng lại phía sau chỉnh đốn đội hình, tôi cứ phải như con thoi chạy tới chạy lui với những mệnh lệnh của C truyền đạt xuống cấp dưới. Đôi khi tôi muốn ném trả cái chân liên lạc C, về làm thằng lính chiến dưới B cho nhẹ nợ vì sự vất vả của tôi nó chẳng giống ai trong cái C này, nhưng nghĩ thương anh em, rồi nhiệm vụ và công tác của đơn vị mà cố gắng thôi chứ nó chẳng sung sướng gì.
Đội hình lại hành quân, trong đêm tối chúng tôi chẳng ai biết được đã đi tới đâu, lâu lâu thì tôi lại phải bám chạy theo anh Hồng, vượt lên trước gặp anh em trinh sát và giở bản đồ ra coi lại hướng cắt của đội hình. Bật cái đèn pin dí sát bản đồ mà soi mà tìm, mà định hướng, mà xác định vị trí của mình đang đứng chân, rồi lại cắt hướng trả lại bao nhiêu độ trên địa bàn. Cứ như vậy suốt đêm, đội hình D chúng tôi hành quân không gặp bất kể sự kháng cự nào của địch ngăn cản bước chân những người lính chúng tôi.
Anh Hồng thì quá thông thạo và dày dạn kinh nghiệm sử dụng bản đồ địa bàn rồi, anh nguyên là lính trinh sát được học hành bài bản từ miền Bắc đưa vào chi viện cho chiến trường miền Nam những năm đầu của thập kỷ 70. Anh là một con sói của rừng núi miền đông Nam bộ năm xưa và anh cũng chính là người thày dạy tôi cách sử dụng bản đồ địa bàn đầu tiên trên chiến trường K này. Được làm lính của mấy anh này cũng là niềm tự hào không nhỏ của những người lính trẻ chưa trải qua trận mạc như chúng tôi.
Chúng tôi đã đi như vậy đến khoảng gần 3h sáng thì đến cuối núi Lovea, anh em cũng đã quá mệt sau 6-7 giờ đồng hồ hành quân. Vẫn chưa đến điểm dừng chân theo như hợp đồng của E, điểm cuối cùng mà chúng tôi phải đến trước lúc mặt trời mọc là vế trái của cuối núi. Một khoảng gần của bản đồ nhưng cũng là quá gian nan đối với anh em trong đơn vị ở thời điểm này.
Rừng tre gai cũng thưa dần, bước chân của người lính cũng cần khẩn trương hơn cho kịp giờ, những mũi khác trên toàn E cũng đang khép dần vào vị trí đã định. Một vòng cua rất rộng cách xa chân núi nên đoạn đường càng thêm dài thêm xa. Chúng tôi đã bắt đầu thấy ruộng, những thửa ruộng rộng với những bờ thửa thấp và cũng dễ đi hơn nên tốc độ hành quân càng nhanh hơn.
Bình minh đang lên, những tia ánh sáng đầu ngày đầu tiên bắt đầu ló rạng, phía chân trời xa xa hắt lên những tia sáng yếu ớt. Lúc này thời gian sáng sẽ rất nhanh và nếu thật tĩnh tâm mà nhìn nhận thì chúng ta có thể thấy được, cảm nhận được tia ánh sáng thay đổi theo từng giây của thời gian. Chẳng mấy chốc đã nhìn rõ mặt người, vẫn những người lính ấy, vẫn mang vác hành quân như vậy, chúng tôi vẫn mải miết đi, nhưng đội hình đã được bố trí lại theo từng C không còn đội hình hàng dọc nữa.
C2 vẫn là con át chủ bài của D7 trên hướng hành quân này. Cảnh vật nơi đây dần rõ nét trong con mắt những người lính sau một đêm không ngủ luồn sâu, địa hình bên sườn trái có khác với bên sườn phải núi Lovea, ruộng nhiều hơn, rừng tre gai ít hơn và cây thốt nốt nhiều hơn nhiều lần. Thỉnh thoảng có thêm cái phum kiểu mới của chế độ công xã Pốt, trơ trọi giữa những con đường mòn, không cây cối, những dãy nhà tranh thốt nốt hai bên những con đường, thấp lè tè khô queo dưới sức nắng của mùa khô đất K.
Một điều mà ai cũng thấy rõ ở những cái phum loại mới này, đi đâu, ở đâu trên cái đất K này đều thấy là nó luôn được dựng lên thẳng tắp theo hàng theo lối, không có chuyện dựng lên một cách lộn xộn được, dù rằng nó chỉ được dựng tạm bằng tre và tranh lá thốt nốt. Không có dân, không một bóng người, không gì hết, một sự sống cũng là hiếm hoi trên dọc đường hành quân của đội hình D7, chúng tôi vẫn đi và đi mãi không nghỉ.
Trước mặt là hồ nước cạn của mùa khô, một cái hồ rất rộng với nhiều nghìn ha đất, nhìn về rất xa trong cái khoảng lõm nhất của hồ cạn này mới thấy nhếnh nhoáng ánh sáng của nước được những tia nắng sớm hắt lên cho ta sự cảm nhận rằng ở nơi đó có nước. Cái lòng hồ cạn này xưa kia là rừng cây dầu nhưng khi chế độ Pốt có hướng cải tạo đồng ruộng để đưa nước vào ruộng cho đất mùa khô nên đã cho xây dựng con đập chắn nước và giữ nước mùa khô.
Bởi vậy cả rừng gỗ dầu này chìm trong nước, hàng nghìn, hàng nghìn cây gỗ dầu đã chết chỉ còn nguyên thân cây và cành khô màu trắng bệch còn đứng trong lòng hồ. Đất của lòng hồ bị nước rút đi để lại những vết nứt nẻ ngang dọc, ngắm nhìn nơi đây chúng ta có cảm giác như chính là quê hương của tử thần vậy. Không có sự sống mà chỉ thấy chết chóc từ cảnh vật cho đến những gì thuộc về tương lai.
Nếu ai đã từng một lần ngắm nhìn bức ảnh chụp thời kháng chiến chống Mỹ khi quân đội Mỹ thả chất độc màu da cam trên cây lá rừng Trường sơn trong những năm tháng đó thì sẽ hình dung ra cảnh tượng bên sườn trái núi Lovea ngày hôm nay trên đường hành quân của chúng tôi nó như thế nào.
Ánh nắng đã lên cao, những tia nắng khó chịu chiếu xiên vào mắt người lính, mồ hôi vẫn thấm ướt trên lưng. Chúng tôi đã đến ngang con đê nhỏ, con đê này là điểm bắt đầu của cái đập chắn nước, quang cảnh trù phú hơn, cây cối xanh tươi hơn và cũng nhiều nguy hiểm hơn phía trước đội hình chúng tôi. Lệnh dàn đội hình theo cấp D vận động lên nhanh chiếm lĩnh trận địa, tốp đầu tiên anh em đã lên đến con đập. Vẫn không có gì ngoài con đập thẳng tắp đến hết tầm mắt, nhưng một điều khiến lính chúng tôi phải giật mình dạt ra tìm địa hình địa vật có lợi nhất cho mình.
Một chiếc xe Giải phóng màu xanh lá cây thẫm hơi nghiêng trên con đập và nòng pháo sau xe to đùng hướng về phía chúng tôi, nó cũng rất nghiêng so với mặt đường. Lệnh báo động trên toàn D, anh em C2 nhanh chóng áp sát khẩu pháo của địch, trong phút chốc chúng tôi đã làm chủ khu vực. Khẩu pháo 105 ly của địch còn mới nguyên với màu xanh muôn thủa của các loại pháo, giờ đây chúng tôi mới có thời gian ngắm nhìn nó. Hóa ra trên đường rút chạy chiếc xe Giải phóng kéo khẩu pháo này của địch bị trượt khỏi đường và đổ nghiêng nên cũng vật khẩu pháo đổ theo, lính pháo và lái xe tải kéo pháo của Pốt đã bỏ chạy khi phát hiện chúng tôi từ xa.
Máy thông tin được nhanh chóng kết nối với E xin lệnh, E cho lệnh tạm thời dừng chân bảo vệ khẩu pháo mới thu được của địch này. Chính nó đây, cái kẻ đã phang vào đầu chúng tôi khi chúng tôi bị đánh bên ngã tư đường tàu đây, và cũng hắn đây cái thằng đã nã vào mông chúng tôi khi chúng tôi vận động lên lấy tử sỹ C21 của E đây. Đặt ba lô xuống tôi và anh Hồng đi một vòng kiểm tra thêm địa hình chung quanh, những vết lốp xe mới tinh còn để lại ngang dọc trên đường. Vậy là quá rõ, địch có một trận địa pháo bên hướng này và đã kịp thời kéo pháo chạy trước khi chúng tôi đến, khi về ngang qua đây cái thằng mất dậy 105ly kia bị lật xe nên đành nằm lại chịu bị bắt sống. Kẻ gây nhiều tội ác kia sẽ phải chịu trách nhiệm về những gì nó đã gây ra cho chúng tôi, đó là luật của chiến trường.
Lúc này cũng gần trưa rồi, anh em trên toàn D tranh thủ thời gian ăn cơm trưa, vẫn món ăn muôn thủa trên đường hành quân, cơm nắm với thịt kho, lính ta từng tốp chui vào những bụi cây tránh nắng và ăn cơm. Lúc này cái nắng đã gay gắt lắm rồi, không khí ngộp thở, nhìn ra ngoài nắng nó bốc nhiệt như ta nhìn vào lò lửa đang cháy vậy, cái nắng mùa khô, mùa của hành quân và chiến trận.
Những mũi khác trên vị trí quanh khu vực núi Lovea cũng vẫn thầm lặng, im lìm tiếng súng như thể ở đây không phải là một E 209 của F7 đang áp sát vào chân núi tìm kiếm một trận đánh với lính Pốt vậy. Chúng áp đảo là vậy, chúng oai hùng là vậy mà sao E 209 dám đối đầu, dám thách đấu. Chúng chạy nơi đâu, tiếng tăm sư đoàn Anh hùng của chúng để đâu mà khi gặp một E Anh hùng của quân đội nhân dân Việt Nam chúng chỉ bỏ chạy.
Giữa trưa thì có lệnh của E cho phép C2 D7 tiêu hủy vũ khí thu được, tiếc quá, một khối tài sản khổng lồ này mà phải tiêu hủy thì thật là lãng phí nhưng nhiệm vụ và mệnh lệnh là vậy biết làm sao. Chúng tôi kiểm tra khẩu pháo, thì ra trong lúc bỏ chạy chúng đã kịp tháo bỏ cái kim hỏa của khẩu pháo 105ly rồi. Để giải quyết thằng mất dậy này quá dễ, chỉ cần bỏ vào nòng nó vài ba quả lựu đạn cho nổ trong nòng pháo là coi như xong, các đường khương tuyến sẽ rạn nứt hay gây phá kim loại không thể nhét viên đạn vào buồng nòng là coi như xong, thằng mất dậy 105ly này sẽ mãi mãi câm lặng.
Anh em trinh sát D và lính C2 phải cõng nhau, đứng trên vai nhau đu lên nòng pháo mà ấn lựu đạn vào nòng pháo, vài ba tiếng nổ đanh, nhỏ gọn. Còn chiếc xe thì đơn giản hơn nữa, một mồi lửa, chỉ trong vài phút nó đã là đám cháy lớn kết thúc một con ngựa chiến còn rất trẻ khỏe.
Khoảng 2h chiều lệnh hành quân lại tiếp tục, sau bữa cơm trưa và thời gian nghỉ ngơi dài, lính mình đã khỏe ra rất nhiều, có anh em còn tranh thủ thời gian ngủ được thời gian rất dài nên tươi tỉnh ra rất nhiều. Cuộc hành quân càn quét dọc theo sườn núi bên trái bắt đầu, chúng tôi bám theo con đường đất chạy dọc theo sườn núi. Cũng lúc này từ rất xa hướng ngoài đường 51, pháo của ta cũng bắt đầu nổ súng vào đỉnh núi Lovea.
Liên tiếp từng quả đạn bay lên đỉnh núi, từ phía dưới chúng tôi nhìn rõ những điểm đạn nổ với những bụi đất đá, đường đạn cũng được di chuyển theo địa hình của núi. Bên dưới chúng tôi cũng đã hành quân với tinh thần chiến đấu cao, quyết xả thây quân địch nếu chúng từ trên núi chạy xuống, một cái bẫy lồng đã mở sẵn chờ con mồi lao vào là sập cửa lồng lại và đương nhiên con mồi sẽ không có đường chạy thoát.
Chúng tôi đã càn dọc theo con đường đất lẫn cùng với cát này đi dọc theo bên trái núi Lovea, những lùm cây hai bên đường và phum sóc tiêu điều quanh đây, ruộng thưa nhỏ, thốt nốt xen lẫn nhau. Càng đi càng thấy mịt mù, chẳng thấy địch đâu cả. Đội hình hành quân trong D lúc đầu cũng còn giữ đội hình theo từng C nhưng đến lúc này rồi thì mạnh ai nấy đi, cứ ngắm cái ông C trưởng và thằng liên lạc mà theo mà bước. Nắng chiều vẫn còn gay gắt lắm, tiếng trọng pháo từ xa vẫn rót đều đều vào đỉnh núi, mồ hôi lại ướt áo lính trận chúng tôi. Vẫn đi, vẫn đi và vẫn chỉ có đi.
Con đường phía trước bỗng trở lên ngoằn nghèo hơn, theo hình chữ chi dích dắc, cái phum mới nghèo xơ xác được đâm ngang bởi ngã ba của đường mòn. Ngay chính ngã ba có cây duối to đại tướng bên cái ụ mối cũng to đại tướng với những quả duối chín vàng, cành là ngang tầm tay với, duy nhất một cái thứ nhìn cho có sức sống và thuộc loại ăn được của khu này. Những dãy nhà hai bên đường theo hình chữ T nơi đầu ngã ba, một cảnh hoang tàn và đói rách của chế độ công xã loại bét của chế độ Pôn Pốt.
Tôi cũng nhiều lần vắt tay lên trán mà suy nghĩ về những gì mắt thấy trên mảnh đất này, kẻ quái thai của dân tộc Khme đang cầm đầu cái chế độ khốn nạn này hắn đã nghĩ gì khi đẩy đồng bào của mình vào hoàn cảnh này. Hắn cố tình đẩy hai dân tộc chúng ta vào cuộc chiến đẫm máu với bao chết chóc và đau thương, đẩy những thằng lính trẻ chúng tôi khi vừa rời ghế nhà trường vào vòng luẩn quẩn của bắn giết và chinh chiến. Hết sức tàn nhẫn và không thể hiểu nổi.
Với một mớ học thuyết của kẻ Đại Chí phèo này là hy sinh một triệu dân Khme để đổi lấy 30 triệu người dân Việt Nam bằng những trận chiến bên biên giới, ảo tưởng đến khờ dại của kẻ tự huyễn hoặc mình có thể đủ sức khỏe bê được cả trái núi. Nhân dân của hai dân tộc và lịch sử sẽ phán xét hắn.
Chúng tôi lại hành quân tiếp khoảng gần 1km nữa thì gặp cái cầu gỗ khá to bắc ngang con suối nhỏ với triền dốc thoai thoải của cả hai phía. Cầu không dài, ngang rộng khoảng 5m, suối thì cạn khô từ bao giờ, cây cối hai bên rậm rạp tre gai. Cũng chẳng khá hơn bao nhiêu so với bên kia, vẫn thế, không một bóng ngườ,i không một tên địch và ở thật xa kia là một phum lớn, cây cao xanh rì, thấp thoáng bóng ngôi chùa bên phải đường hành quân của chúng tôi.
Đội hình D vẫn đi nhưng khi gần vào phum thì cẩn thận hơn, có thể sẽ có địch phục kích ở đây. Nhưng rồi cũng chẳng khác phía trên kia là bao nhiêu, chúng tôi hành quân vào khu vực không có dân và địch, vườn không nhà trống hoàn toàn. Vẫn cái phum nghèo nhưng nhà cửa khá hơn và rậm rạp cây xoài to xanh ngắt. Pháo binh của ta đã ngừng bắn lên đỉnh núi sau nhiều giờ pháo kích, lúc này cũng gần 5h chiều rồi.
Chính nơi đây tôi được chứng kiến nền khoa học hiện đại nhất của chính quyền Pốt xây dựng lên cho nền công nghiệp và phát triển nông nghiệp đất nước. Một thành công, một nền khoa học vượt bậc của nhân loại, không ngờ lại được xây dựng tại đây, nó quy mô và hiện đại ngoài sức tưởng tượng của tất cả chúng ta. Đó là cái đạp nước giống như ở miền Trung chúng ta vẫn có, 2 người ngồi lên thanh tre ngang và đạp như đạp xe đạp nhưng đạp lùi chứ không phải đạp tiến, những lá gỗ sẽ guồng nước từ thấp lên vị trí cao.
Nó được bố trí thêm chiếc xe Vespa Super Spring màu xanh dương, thiết kế ốp sát vào khung xe đạp nước, khi nổ máy sẽ thay cho sức người đạp nước lên ruộng trên. Chiếc xe máy thì không còn nhìn ra hình dáng của nó nữa, không thể hình dung được rằng nó một thời đã được phóng như điên trên đường phố. Một kỹ sư nông nghiệp hết sức thông minh, thông minh đến mức ngu dốt đã mầy mò thiết kế ra nó. Bên kia đường một máy xay xát gạo với cái máy nổ đen xì, cho thóc đầu này gạo chảy vào trong lòng cái nhà rất sạch kia, những hạt gạo lẫn thóc vàng khè. Quá văn minh và hiện đại ở thế kỷ 20 này.