Hồi Ức Chiến Trường K - Chương 92

Chương 12 Hành quân, Hành quân và Hành quân

* * *

Chúng tôi ở đó thêm 2 ngày nữa vừa củng cố bổ sung đạn dược cùng lương thực thực phẩm vừa bảo vệ đường, hàng ngày từng chuyến xe GMC từ hướng Âm leeng chạy ra, phảng phất mùi tử khí giữa trời nắng cùng bụi đỏ trên đường. Chúng tôi hiểu đó là những người anh em F9 và E141 đã tử trận từ hướng đó và nay được chuyển về tuyến sau chứ xác bọn Pốt ai mang ra đây làm gì. Xe Dodge với dấu thập đỏ chạy ngang ngày cả chục chuyến, quân số thương vong của ta từ hướng Âm leeng sau trận đánh chắc không nhỏ. Kẻ địch cũng không phải là vừa khi chúng chọn địa danh này cùng sự chuẩn bị từ lâu vũ khí đạn dược và lương thực làm căn cứ chiến đấu lâu dài vì vậy không đơn giản chúng chịu thất thủ.

Các đơn vị xe tăng thiết giáp M113 cũng chuyển hướng chạy ra, họ đi lại rầm rập trên suốt tuyến đường, bụi mù đỏ quạch, từng đoàn dân với xe bò kéo gánh gồng đi trên đường. Họ thật đáng thương, người dân thường bị cuốn theo chiến tranh, bị dồn từ góc này sang góc kia của cuộc chiến, nhìn họ xơ xác nghèo khó sau nhiều ngày trong rừng sâu nằm giữa 2 giới tuyến, chắc họ đã khóc nhiều cho số phận của mình. Nhiều người già cả ngồi sau xe bò chỉ có thở, mắt nhìn chúng tôi dưới đường lấm lét sợ sệt dù chẳng ai gây cho họ khó khăn gì trên đường trở về quê hương.

Trong thời gian đó chúng tôi được bổ sung thêm lương thực và đạn dược, lại đỗ xanh và đường kính trắng, sau này đỗ xanh và đường kính sẽ là thứ mà người lính D7 chúng tôi ai cũng thuộc lòng đó là chuẩn bị hành quân tác chiến. Cứ mỗi người 1kg đỗ xanh 1kg đường kính là bằng 15 ngày tác chiến hành quân, nhắc đến đỗ xanh với đường kính là lắc đầu ngán ngẩm, ăn mãi nó cũng ngán và mấy ông hậu cần moi ở đâu ra mà nhiều thế không biết.

Lính tráng chúng tôi được 2 ngày nghỉ tranh thủ tắm rửa cắt tóc cạo râu, quần áo sạch sẽ nhìn mặt mũi ai cũng sáng sủa hẳn ra, nhưng quân trang bắt đầu rách nát dần. Nhiều thằng tân binh mới về đơn vị hơn 2 tháng mà đã thấy rách hết rồi, nhập ngũ chúng nó được phát ngay 2 bộ, giải phóng Phnom Penh xong được phát thêm bộ nữa là 3 vậy mà đã thấy mặc đồ rách vá víu linh tinh cả, thử hỏi quần áo nào chịu cho nổi kiểu lính chiến đấu luồn rừng như trạch cho được.

Sang chiều ngày thứ 3 thì chúng tôi có lệnh chuẩn bị hành quân tác chiến, giờ xuất kích sẽ được ấn định vào sáng hôm sau. Anh Hồng lên D nhận nhiệm vụ về phổ biến cho cán bộ chiến sỹ trong C2, rất ngắn gọn là lệnh càn quét truy kích tàn quân Pôn Pốt, đội hình cấp D trong đội hình của E. Hướng tác chiến thì không cụ thể, từng vị trí, từng chặng sẽ có thông báo sau, chắc là theo tình hình diễn biến của chiến trường, chuyện đó đối với những người lính chúng tôi không quan trọng, đi đâu cũng được và làm gì cũng được, lính là như vậy và như vậy không thể khác được.

Sáng hôm sau chúng tôi nhận cơm nắm từ anh nuôi rồi lên đường, vẫn C2 đi đầu đội hình theo đường cũ về hướng tây mà hành quân đi, trời chưa nắng mấy đường còn xa cũng chẳng có gì phải vội vã. Lúc này anh Hồng đã có tấm bản đồ cùng địa bàn nên bên sườn lại đeo thêm cái túi mìn claymo đựng mấy thứ lủng củng đó. Lính tráng chúng tôi cũng đã bắt đầu quen dần với hành quân đường dài đeo vác nặng trên vai, sức chịu đựng nắng nóng của mùa khô cũng đã chai lỳ cộng thêm cái kinh nghiệm mới thu thập được tại chiến trường K cũng đủ thấy yên tâm bắt đầu những cuộc chiến mới. Mấy ngày qua được nghỉ ngơi cũng khỏe lên rất nhiều, không còn điều gì khiến chúng tôi phải vướng mắc nữa, phía trước và hành quân là điều mà chúng tôi phải đi tới.

Chúng tôi đã đi như vậy đến chiều tối thì dừng lại nghỉ qua đêm giữa những cánh rừng khá rậm, ai có võng thì mắc võng, ai không có thì tự tìm chỗ nghỉ ngơi theo đội hình B C của mình. Chỉ cần trải tấm nylon đi mưa ra là có chỗ ngủ, mùa khô không cần quá bận tâm chỗ nằm,song muỗi rừng thì nhiều không thể không mắc màn. Những cái màn trắng phốp được mắc lên khá lộ liễu, rất nhiều lần tôi đã thắc mắc tự hỏi mình, sao họ không nhuộm cái màn màu xanh hay màu khác đi khi phát cho lính chiến mà lại phát cái màn trắng thế này, chẳng lẽ ai đó không hiểu rằng như thế là quá bất lợi cho người lính hay sao?

Thế rồi lính truyền nhau cái kinh nghiệm, khi có thể kiếm lấy quả mồng tơi tím đã chín, thật nhiều vào, với mực xanh cửu long đun sôi với nước rồi nhúng màn vào mà luộc sẽ được cái màu xanh tím chẳng giống ai song khá bền màu. Thôi thì đành thế vậy lính mà, méo mó có hơn không còn hiện tại phải chấp nhận dùng màn trắng cái đã. Anh Hồng sau khi đi kiểm tra một vòng cũng cằn nhằn chuyện này song không thể bắt anh em tháo màn nằm không được, thế rồi anh nghĩ ra được một cách ra lệnh cho anh em mắc màn lên rồi chùm cái tấm đắp vải dù hoa khi lấy được trong Phnom Penh phủ lên trên màn, nếu không có dù thì dùng tấm nylon đi mưa mà phủ lên.

Khổ, mùa khô tối về cũng rất nóng, mồ hôi lính nhơm nhớp ngoài da lại phải nằm trong cái túi nylon nữa thì khổ không gì tả nổi, nhưng vì sự bí mật an toàn của đơn vị khi dừng chân nên không ai dám trái lệnh. Nhiều người đêm nóng quá không ngủ nổi đành bỏ màn ra chỗ khác ngồi đập muỗi hy vọng độ nóng giảm dần trong đêm rồi ngủ sau. Nhiều anh em vác chậu ra cái giếng mà chiều nay anh nuôi đã đào lấy nước dùng múc nước tắm, tôi cũng không chịu nổi mò dậy đi tắm khi gần đến nơi thấy mấy chục anh em D7 đang tắm dưới lòng suối cạn rồi.

Họ lặng lẽ không nói người múc nước cho người đứng trên tắm, dội bát nước lên người thấy sảng khoái, sao nó mát thế, cái nóng trong người cũng dịu bớt rất nhiều. Sáng hôm sau chúng tôi lại đi, chỉ đi đến khoảng gần trưa thì có lệnh nghỉ sớm để chiều tối nhận lệnh luồn sâu, mọi công tác chuẩn bị được tổ chức trong chiều hôm đó, mỗi người 2 nắm cơm cùng nhúm đồ ăn, nước đun sôi anh em tự túc rót vào bi đông của mình.

Khoảng 7h tối chúng tôi lên đường, trời đã tối hẳn rồi, cắt rừng mà đi, điểm phải đến vào sáng sớm mai là cái phum nằm tít sâu trong với sự hiển thị trên bản đồ vài ba nóc nhà. Chiều nay anh Hồng trải tấm bản đồ ra với cái bút chì xanh đỏ chấm chấm kẻ kẻ, tôi lân la đến gần ngó xem, anh nói với tôi song cũng khá vu vơ bâng quơ, chẳng đầu đũa chủ vị ngữ gì hết :

- Đây, vị trí mình đang dừng chân ở đây, cái đường nhỏ ly ty này là cái suối tao vẽ bút chì đỏ, còn đây là mục tiêu sáng mai mình sẽ đến, nghi là có địch thì vẽ bằng bút chì xanh.

Tôi nhìn và ước chừng trên bản đồ khoảng cách cũng cỡ gần 2 gang tay với những ô vuông chi chít nên hỏi anh Hồng :

- Khoảng cách là bao nhiêu km hả anh?

- Đây, mỗi đường vạch này là một km được hiển thị trên bản đồ bằng mỗi chiều 2cm, một ô vuông này bằng một km vuông thực địa, từ đây cứ thế mà đếm, bao nhiêu vạch này là bấy nhiêu km phải đi trong đêm nay.

Thế rồi như sực nhớ ra điều gì anh Hồng nhìn tôi hỏi :

- Thế khi huấn luyện tân binh chúng nó không dạy chúng mày xem bản đồ à? Mày biết gì về bản đồ chưa?

Khổ, từ bé đến lớn đã nhìn thấy cái bản đồ quân sự bao giờ đâu chứ đừng nói đến được dạy xem bản đồ, huấn luyện mới bắn xong bài một còn bài 2 có cho bắn đâu thì làm sao mà biết xem bản đồ là như thế nào. Tôi thẳng thắn nói rằng em chẳng biết một tý gì về bản đồ, thế là anh Hồng phải diễn giải từ đầu :

- Đây nhớ, bản đồ là luôn phải quay về hướng bắc, bất kể ở đâu cũng vẫn phải quay về hướng bắc, đặt cái địa bàn lên trên bản đồ rồi dùng tay xoay cái bản đồ sao cho đường kinh tuyến chập vào với kim địa bàn, như thế này, mày thấy đúng chưa? Rồi hả? Quan trọng nhất là phải tìm cho được và thật chính xác vị trí mình đang đứng chân, phải tìm đúng thì mới đi đến mục tiêu đúng được, nếu sai ở đây chỉ một ly thôi tới mục tiêu sẽ lệch hàng km. Muốn tìm đúng chỗ đang dừng chân thì mày phải tìm bắt đầu từ những cái mốc dễ nhận nhất trên thực địa, đây, cái bình độ này mày thấy không? Những con số nhỏ ly ty trong những vòng tròn méo mó này được vẽ bằng màu vàng nhạt là chỉ số ghi độ cao của bình độ, màu xanh đậm này là rừng càng xanh nhiều rừng càng rậm nhớ chưa? Mày nhớ cái bình độ này khi sáng đi qua không? Nó đấy, tiếp xuống là con suối này, khúc mình đi xuống theo hướng này thì dứt khoát nó là chỗ này thấy chưa? Thế nhé, bây giờ mày đã có vị trí đứng chân rồi, có mục tiêu phải đến rồi, mày đọc cho tao nghe xem hướng đi bây giờ phải đi thế nào?

Tôi hơi lúng túng, song cũng nhớ ra rằng ngày còn đi học đã từng học về địa bàn, 360 độ, mỗi độ tương đương mỗi vạch trên địa bàn cứ theo đường chỉ đỏ anh Hồng đã kẻ thẳng tưng trên bản đồ mà đọc.

- Dạ! tây ghé bắc 16 độ.

- Đúng rồi đấy, đấy mới là cách xem bản đồ thôi, hôm nào rảnh tao dạy cho cách đi sao cho đúng, cái đó mới là cái khó. Có hướng rồi, khi đi tay luôn phải cầm địa bàn thỉnh thoảng phải xem rồi chỉnh sao cho đi đúng hướng, nếu ở đây chỉ cần lệch một chút là rất khó tìm ra mục tiêu cần đến. Nhớ chưa?

Anh Hồng vừa nói vừa gập bản đồ lại. Bài học đầu tiên về xem bản đồ tôi đã tốt nghiệp xong, anh Hồng vẫn thắc mắc tại sao họ không dạy những thằng lính mới như chúng tôi phải biết xem bản đồ dùng địa bàn khi còn huấn luyện tân binh chứ và như chợt nhớ ra anh Hồng nói :

- À! Ngày trước chúng tao được huấn luyện làm trinh sát còn chúng mày chỉ là lính bộ binh nên không được học, xưa chúng tao học trong trường 18 tháng ra làm trinh sát nên học rất kỹ. Thôi được từ từ tao sẽ dạy cho mày, lính chiến đấu trong rừng là phải biết xem bản đồ, dùng địa bàn, đi đúng hướng tới mục tiêu đã định, quan trọng lắm đấy cố mà học, nó sẽ giúp cho người lính rất nhiều trên chiến trường.

Tôi vâng dạ mừng thầm trong bụng, làm lính của mấy ông này cũng đáng lắm, sẽ học được khối thứ đây và đúng thế thật tôi đã học được khá nhiều từ anh Hồng, đương nhiên là kiến thức chắp vá nhưng lại là thực tế rất cần thiết cho sự sống còn của người lính trên chiến trường.

Đêm đó cả đội hình D7 luồn sâu đi trong đêm, vẫn đội hình luồn sâu tác chiến như vậy sự gian khổ vất vả cũng vẫn thế, đường dễ đi cứ bình độ cùng suối cạn rừng gỗ dầu tre gai mà luồn lách, lính chúng tôi cũng đã quen dần với chuyện thức đêm luồn sâu, đeo vác nặng cũng đã quen chẳng còn thấy ai kêu ca phàn nàn nữa. Lúc đầu mới đi nhiều thấy chân nó mỏi nhưng nhức, máu dồn xuống chân thấy cái quai dép cao su nó căng dưới mu bàn chân hằn lên trắng bệch, thế rồi đi mãi nó cũng quen dần, chiến trường cũng là nơi rèn luyện cho người lính có sức chịu đựng dẻo dai nhất vì nó là cái nơi tận cùng của của sự vất vả cùng gian khó.

Chúng tôi đã đi như vậy đến tận sáng thì đến được mục tiêu đã định, đội hình D7 ùn lại dưới lòng suối cạn, hai bên tre gai dày đặc, lúc này anh Phước D trưởng vượt lên cùng nhóm tác chiến D7. Anh Phước giơ tay ra hiệu cho anh Hồng bố trí đội hình tản rộng ra theo dọc suối chuẩn bị đánh vào cái khu vực trước mặt, cũng chỉ sau vài phút là đội hình chiến đấu của D7 đã ổn định và sẵn sàng nổ súng khi cần thiết. C2 chúng tôi đi bên cánh trái của đội hình D7, máy vô tuyến đã lên máy sẵn sàng chờ lệnh tấn công.

Trước mặt, một khu vườn khá rộng trên một diện tích bằng phẳng thấp thoáng xa xa hình như có cả lá cây mía, khi đó tôi leo lên bờ suối nấp sau bụi tre gai quan sát thấy như vậy. Lệnh cho cả D7 tràn đội hình lên, chỉ được nổ súng khi địch chống cự, cấm không được bắn bậy. Từng B bộ binh của các C vận động lên, địa hình bằng phẳng không hề có địa vật có lợi cho người lính, song cũng rất may không hề có một tên địch nào tại khu vực này. Càng vào sâu trong càng nhiều cây ăn quả, ở đó có vài nóc nhà trơ trọi hoang tàng, mọi thứ còn mới như chủ nhân của nó mới bỏ đi vài ngày.

Chanh và cam ở đây rất nhiều, một khoảng rộng trồng mía, nhưng cây mía cũng rất cằn cỗi, từng khúc mía liền nhau mắt nhiều hơn thân. Tôi quay sang đã thấy ai đó đi bên cạnh nhai mía rồi, thằng nào đó nói vọng lại cam chua lắm, phải thừa nhận rằng lính nhanh thật, cái gì cho được vào mồm thì chỉ vài giây sau nó đã được lính trưng dụng. Cái địa danh này được lính D7 chúng tôi gọi là vườn chanh vì ở đây quả chanh được trồng nhiều hơn cả, cam và mía ít hơn nhiều, chanh thì ai cũng biết là nó chua ăn không được nên chẳng ai buồn quan tâm.

Tôi chẳng rõ có lệnh nghỉ hay không song thấy anh em mỗi người ngồi mỗi góc của đội hình, C bộ núp dưới khóm chanh tránh nắng, lính các B ngồi nhai mía, hái hoa quả trong vườn. Một đêm vất vả luồn sâu để rồi đến một cái nơi chẳng có gì ngoài cam chanh và mía, lính trong D đã bắt đầu ăn cơm sáng và đi lại lộn xộn, lệnh của tiểu đoàn cho anh em D7 rút hết về lòng suối cho mát chứ ở đây mỗi lúc nắng mỗi to dần phơi nắng với nhau làm gì. Thế là đội quân chúng tôi rút, khi vận động lên hoánh tráng là vậy khi rút về như Tây thất trận chẳng hàng lối đội ngũ gì hết mạnh anh nào anh nấy đi kéo nhau hết về cái lòng suối cạn.

Tôi tranh thủ hái mấy quả chanh cho vào cóc ba lô dành khi nào có thể pha nước chanh uống, đường thiếu gì, trên vai tôi có đến 3kg đường chứ không ít. Tôi thường mang theo phần này của anh Hồng, chỉ có thuốc lá thì chẳng thấy anh Hồng giao cho tôi bao giờ. Bác này nghiện thuốc lá lắm mà giao nó cho tôi có lẽ có ngày vêu mồm vì thèm thuốc lá mất, với tôi thủ trưởng dùng một là em dùng một, thủ trưởng một điếu thì em cũng phì phèo.

Khoảng 9h sáng thì D9 hành quân tới vị trí chúng tôi, 2 tiểu đoàn gặp nhau trên đường hành quân, mừng quá anh em đồng hương Hà Nội chúng tôi gặp nhau, có nhiều người sau khi chia tay nhau từ ngày 25.9.1978 đến bây giờ mới gặp lại. Chuyện thằng này đứa kia rôm rả, trong nhóm lính mới chúng tôi có thằng đã là B trưởng của D9 và cũng biết bao nhiêu thằng chẳng còn đứng trong đội ngũ hôm nay. Thằng Minh mới từ Hà Nội vào đơn vị, nó bị thương từ Chóp rồi tranh thủ tạt té về nhà, bố nó lính từ thời đánh Pháp hiện công tác trong bộ tổng tham mưu nên bắt nó ngay tức khắc quay về đơn vị. Mẹ nó thương con nhưng chẳng biết nói làm sao, nó đi mấy ngàn km để được về nhà ngủ với mẹ và các em một đêm rồi hôm sau quay lại chiến trường.

Ở đây tôi gặp lại anh Phắng trước là B trưởng của tôi ngày anh còn ở D7, cái dáng gày gày cao cao hơi phớt đời của thanh niên thành phố hoa phượng đỏ, một chút lãng tử với bên hông lủng lẳng khẩu K54, nhìn anh phong trần hẳn lên. Anh luôn miệng thằng em, thằng em, trước đây anh em ở với nhau có một thời gian ngắn, chuyện đi lấy thóc ẩm về giã lấy gạo nấu cơm ăn với nhau được anh nhắc mãi. Anh hơn chúng tôi 4 năm tuổi quân nhưng đó là một khoảng cách xa vời của người lính, anh có mặt từ những ngày đầu của chiến tranh biên giới nổ ra, vài lần thương tích nhưng lính Pốt chưa đủ sức quật ngã người lính từng trải này.

Hôm nay anh ấy đã là đại đội trưởng C13 của D9, gặp tôi anh Phắng mừng lắm rồi anh kể lại, trận cửa mở bên Bắc Chóp, tao đứng ở vị trí phía sau C2 quan sát bằng ống nhòm lên bờ tường ủi thấy rõ mày cùng mấy thằng nữa lao lên khi vượt qua bờ đê. Tao mừng quá khi thấy cửa mở đã được đục thủng, hôm trước C tao đánh cả ngày không qua nổi vậy mà mấy thằng chúng mày qua được ngon quá. Lúc đó tôi mới biết khi chúng tôi vượt qua được điểm nóng đó phía sau lưng cũng còn có D9 sẵn sàng đánh dự bị và chúng tôi không hề đơn độc trong trận đó.

Những ngày tiếp theo chúng tôi lại tiếp tục hành quân, luồn sâu vào những vị trí phía sâu bên trong những cánh rừng phía tây bắc đất nước Campuchia không hề gặp dân, chẳng có lấy một tên địch cho đến khi chạm dãy núi đá thì dừng lại. Về thời gian cũng chẳng còn nhớ nổi đã trải qua bao nhiêu ngày trên những chặng đường hành quân. Luôn là những mệnh lệnh phải đi phải đánh nếu gặp địch song kẻ địch đã mất tăm, rừng núi bao la, phía trước luôn là điểm chúng tôi phải tiến bước.

Sau nhiều ngày đêm hành quân triền miên như vậy chúng tôi tới dãy núi đá trước mặt thì dừng lại, trên suốt dọc đường đi không gặp bất kể một chuyện gì, địch không có dân cũng không. Đồi núi trùng điệp, rừng cây mịt mù, thỉnh thoảng vẫn cắt ngang những con đường đất cũ cỏ mọc đầy trên đường, những vết bánh xe bò cũ hằn xuống mặt đất. Cây cỏ đã mọc đầy chứng tỏ con đường đó đã rất lâu rồi không hề có người hay xe bò kéo đi lại.

Từ sâu trong lòng núi đá chảy ra một khe nước suối trong veo mát lạnh, từ đó địa danh này được anh em lính D7 chúng tôi đặt cho cái tên mới Suối nước lạnh, thật dễ hiểu và dễ nhớ cho tất cả những khoảng thời gian cùng địa danh trên đường hành quân. Suối nước lạnh là điểm dừng chân cho cả tiểu đoàn được nghỉ ngơi một ngày, một điểm dừng chân trên đường hành quân quá lý tưởng, ở gần núi không khí cũng mát hơn, cây cối nhiều, suối nước mát lạnh ngay bên cạnh.

Cả tiểu đoàn 7 đóng quân chung quanh vị trí con suối nhỏ, thôi thì tắm giặt nghỉ ngơi ăn uống. Những nồi chè đỗ xanh với đường kính trắng được anh em nấu lên rồi đổ ra cái chậu nhôm to của lính được anh em bê ra con suối đưa tít sâu vào trong khe đá chỗ mạch nước chảy ra cho nó được mát lạnh rồi mang ra ăn với nhau, những chậu nước chanh nước cam cũng được lính bê vào cái khe nước đó để mát rồi uống. Ngày đó chúng tôi thèm được một ly nước mía, nước chanh có cục nước đá mát lạnh đến như thế, một đất nước mà nền công nghiệp bị tàn phá trở về từ con số không thì lấy đâu ra có được cục nước đá mà mơ ước.

Trong thời gian nghỉ ngơi đó tranh thủ xốc lại tinh thần cùng hành lý tư trang của lính, bộ phận vận tải cả D7 cũng khiêng theo gạo cùng thực phẩm khác nên tranh thủ bổ sung xuống chia đều cho anh em. Những ngày qua cơ số gạo trên lưng cũng đã vơi đi nhiều rồi, đạn thì chưa dùng đến, nếu ai đó có bắn một vài viên cũng là bắn để bắt liên lạc với đơn vị bạn đi bên cạnh đội hình thôi chứ có gặp địch đâu mà hao tốn đạn dược. Anh em được ngủ bù thời gian thức trắng đêm cùng những cuộc hành quân gấp gấp, tuổi ăn tuổi ngủ mà mất ngủ dài ngày thì đúng là một cực hình, song sức trẻ cũng rất nhanh lại sức chỉ cần được ngủ vài giờ là đã tỉnh táo khỏe lên rất nhiều, ăn uống đầy đủ thì chỉ sau vài bữa đã thấy khác ngay rồi.

Khi đó đúng là chúng tôi chẳng thiết tha gì chuyện ăn uống, cái cần nhất là được nghỉ ngơi, thói đời thì lính thường ăn tham uống tục, tranh nhau ăn vì thiếu thốn, với lính ăn cũng phải có chiến thuật ăn làm sao để được ăn nhiều hơn người khác. Đã có hẳn một chiến thuật ăn cùng phương án cụ thể giống như lính ta tác chiến vậy, khi còn ở đơn vị huấn luyện nhiều người đã áp dụng chiến thuật này tuy có được ăn nhiều hơn người khác chút ít thật song dễ lộ bị anh em khác tẩy chay ngay.

Nhưng ở đây lính chúng tôi lại hoàn toàn khác, ai cũng ăn uống cảnh vẻ, thường lính có bát sắt thời trước thì cái bát sắt to đùng vẫn gọi là bát B52, sang thời bọn tôi thì được phát cái bát sắt tráng men nhỏ hơn với phẩy sơn men màu xanh trắng. Nhưng từ ngày Giải phóng Phnom Penh đến nay loại bát sắt đó biến đi đâu cả, thay vào đó toàn bát sứ Trung quốc với hoa lá chữ Tàu diêm dúa.

Đã vậy ai cũng chọn cái bát nhỏ gọn cho dễ để trong cóc ba lô, cái loại bát mà người ta hay dùng ăn chè hay rót nước mắm bây giờ là cái bát ăn cơm của lính chúng tôi khi đó. Nhỏ gọn dùng làm gì cũng được kể cả thay cốc uống nước trà, lính có ai đói đâu mà phải ăn tham, đồ ăn thức uống thiếu gì, có đồ ăn ngon mời nhau rã họng nó còn chẳng buồn ăn hộ cho thì lấy đâu ra thằng lính ăn tham lúc đó.

Chúng tôi được nghỉ ngơi hơn một ngày tại suối nước lạnh đó cho tới sáng ngày hôm sau nữa thì tiếp tục hành quân. Trên suốt dọc đường hành quân những ngày tiếp theo các đơn vị trong toàn E209 luôn gặp nhau, có những lúc chúng tôi đi lẫn lộn vào nhau thấy cái thằng đi bên mình mặt mũi lạ hoắc lạ hơ, hỏi thăm mày ở C nào? Lúc đó mới vỡ lẽ ra nó bên D8 D9 hay những C trực thuộc trong E. Cán bộ E từ quân sự đến chính ủy hay ban bệ tham mưu tác chiến đi lẫn cùng chúng tôi cả, lúc đó chúng tôi cũng hiểu rằng hướng này có cả E209 chúng tôi cùng hành quân.

Trên đường tôi còn gặp thằng Tú lính cùng đoàn với tôi là lính thông tin hữu tuyến D26 F7, nó vác cuộn dây điện to đùng trên vai, hóa ra lính đoàn tôi cũng có một số được giữ lại trong các D trực thuộc của F7, chẳng phải tất cả được điều xuống các E bộ binh trong F7. Thằng Tú ngồi nghỉ trên cuộn dây điện nhìn tôi cười cười, anh em 6 tháng nay bây giờ mới gặp nhau, nó hỏi thăm tôi chuyện gia đình chuyện đơn vị, thằng này cũng giống tôi, bố nó dân Quảng nam Bình Định gì đó tập kết ra Bắc rồi sinh nó tại Hà Nội. Tôi nói đùa với nó :

- Mày lính thông tin, súng không có khi hành quân nhớ đi giữa đội hình chứ không có ngày tao bắn nhầm đấy, da đen tóc quăn, mắt trắng dã, môi thâm xì, râu ria um tùm như Pốt, thiếu mỗi cái khăn cà ma nữa trên cổ là thành thằng Pốt rồi.

Đúng thế thật, thằng này mà đi lẫn trong đám lính Pốt chắc không ai bảo nó là lính Tình nguyện Việt Nam, dễ có ngày chết oan lắm, tính nó hiền lành ít nói bạn bè muốn trêu ghẹo sao cũng được. Hôm đó tôi chứng kiến một sự việc có một không hai trong suốt cuộc đời lính của tôi, khi tiểu đoàn 7 và tiểu đoàn 8 chập vào nhau trên đường hành quân, một thằng lính mới, nhìn quân trang thì biết, người thấp đậm đang è cổ ra gánh cái đòn đạn cối 60 ly. Chiếc ba lô trên vai nó cũng đầy nặng trĩu, nó mướt mải mồ hôi nặng nhọc bước trên đường, nét mặt cam chịu, sau lưng nó anh cán bộ C thúc nó đi nhanh hơn nữa, thế rồi anh ấy đi bên nửa như dọa dẫm nửa như vuốt ve khuyên bảo nó :

- Thôi, nhận đi cho nó đỡ vất vả.

Nó vẫn lầm lỳ không nói lầm lũi bước những bước chân xiêu vẹo, tôi ngạc nhiên không hiểu chuyện gì cứ tưởng thằng này đã tự thương trốn tránh nhiệm vụ nên hỏi :

- Nó làm sao hả anh? Nó ốm à? Nếu nó ốm thì nhờ người khác khiêng vác hộ cho nó chứ cứ thế kia làm sao đi nổi.

- Kệ nó, nó từng nói việc gì nó cũng làm, khó khăn mấy với nó cũng được, gian khổ mấy nó cũng chịu đựng nhưng làm anh nuôi thì nó không làm, bởi vậy phân công nó gánh đạn cối xem sức nó chịu đựng được bao nhiêu ngày.

À! Ra vậy anh này là chính trị viên của một C trong D8, còn thằng kia là lính không chịu nhận nhiệm vụ anh nuôi đây nên về gánh đạn cối. Tôi đếm thử xem bao nhiêu quả đạn trên đòn gánh của nó, 20 quả, tôi nhẩm tính 2kg /quả đạn cối 60ly như vậy là phần đạn của thằng kia đã là 40kg rồi, chưa kể số gạo, đường sữa quân tư trang mang theo khác. Tôi nói khẽ cho anh chính trị viên đó nghe không để thằng kia nghe thấy sợ nó tủi thân :

- Riêng đạn đã 40kg rồi đấy anh ạ chưa kể gạo nước cùng quân tư trang khác, nó gánh nặng quá anh ạ.

Thế là ông chính trị viên D8 đó mồm cứ ông ổng nói chẳng ngại ngùng gì :

- Chưa hết đâu còn 4 quả đạn nữa còn trong ba lô của nó nữa, 24 quả đạn cối chứ không phải 20 quả đâu, gạo mang đủ cơ số thêm quân tư trang nữa. Nó thích như thế thì kệ nó, nó hứa làm gì cũng được mà chứ không chịu làm anh nuôi.

- Nó đi như vậy mấy ngày nay rồi hả anh? Em thấy khổ cho nó quá, đều lính cả, thương nó đi, anh làm vậy em thấy nó thế nào ấy.

- Cả tuần nay rồi, kệ nó đi xem chịu thêm được bao nhiêu ngày nữa

Anh vừa nói vừa nháy mắt nhìn tôi cười cười, tôi thấy thương cho thằng lính tân binh kia, sức lực con người có hạn sao nỡ bắt nó phải chịu đựng quá như vậy làm gì. Nếu nó không làm được thì thôi phân công người khác hoặc thay nhau mà làm, chứ mình dùng mệnh lệnh cấp trên thế này thằng lính nó oán hận nó sẽ mất hết niềm tin ở cấp lãnh đạo và khi người lính đã mất hết niềm tin ở con đường mà họ đang đi thì hậu quả sẽ là khó lường. Tôi thấy mình may mắn, cấp trên của tôi không có ai như vậy.

Cũng ít ngày sau, trên đường hành quân tôi gặp lại họ, thằng tân binh kia đã chịu khuất phục xuống làm anh nuôi, nó gánh nồi xoong nhọ nhem nhọ thỉu đi trên đường, anh chính trị viên kia thì ca thán nó nấu cơm toàn sống với khê. Tôi hiểu đó là cách chống đối của nó, nó đã biết khôn lên đánh thẳng vào cái dạ dày của tất cả anh em trong cùng đơn vị để đạt được mục đích của mình. Lính chiến thì chẳng ai ăn cơm sống hay cơm khê cả, kiêng khem chuyện này sợ đen đủi tan đàn, nhiều chuyện sống chết xoay quanh chuyện cơm sống cơm khê. Phải chăng ép buộc con người ta nhiều quá sẽ dẫn đến tự nhiên thành dạy cho con người ta cách tốt hơn chống đối lại mình, lạt mềm buộc chặt chứ có ai mang đồ cứng ra để buộc bao giờ đâu.

Chúng tôi hành quân thêm khoảng 2 ngày nữa, suốt dọc đường đi không hề gặp địch hay dân K chạy loạn vào rừng, rừng núi sâu thẳm, ở đây cây cối thưa hơn nhiều, cây cối không quá to. Vẫn gặp những con đường cũ, cỏ cây mọc đầy trên đường đi, vết bánh xe bò đã cũ hằn sâu xuống đường, chắc trên những con đường đất này lâu rồi không có người đi lại. Đội hình D7 chúng tôi không bám theo con đường mà luồn vào rừng để đi theo bản đồ, từ mục tiêu này sang mục tiêu khác, không gặp địch, không có những trận đánh khiến anh em chán nản, hành quân vào chỗ không người khiến anh em chủ quan khinh địch đội hình rệu rã.

Tôi cũng chẳng buồn nhòm ngó cái bản đồ của anh Hồng nữa, thỉnh thoảng vẫn thấy anh Hồng lôi tấm bản đồ ra hý hoáy chấm chấm vẽ vẽ có vẻ say mê lắm. Lúc nào cũng đội hình C2 đi đầu bởi vậy người chỉ huy dẫn dắt lính D7 lúc này đi đúng mục tiêu đã định hay không là anh Hồng chứ không phải anh Phước D trưởng. Anh Phước thì quá tin tưởng ở khả năng sử dụng bản đồ địa bàn của anh Hồng, người lính trinh sát cũ từ thời đánh Mỹ còn sót lại mà còn sử dụng sai bản đồ địa bàn rồi dắt lính đi tầm bậy thì có mà loạn.

Chiều hôm đó khi ánh nắng chiều đã tà dần, toàn D7 chúng tôi đang hành quân lên trên đỉnh một bình độ cao, rừng cây thưa hơn, tầm quan sát rộng thì phía trước báo xuống, trước mặt có mấy dãy nhà to được dựng lên khá thẳng hàng. Những ngôi nhà rất to cũng 5- 6 cái, chiều rộng gần chục mét dài 50m chung quanh bưng gỗ kín mít trên lợp lá thốt nốt, thành cao cũng tới 5m chứ chẳng ít. Những dãy nhà được xây dựng rất lạ, nó là nhà sàn cách mặt đất 0,5m, phía dưới được chôn những dãy cột nhà bằng gỗ dày chi chít.

Đội hình D7 chúng tôi tản rộng chuẩn bị vận động vào những dãy nhà này, song phía trước vắng vẻ lạ thường, chẳng có lấy một bóng người chỉ có gà sao mà nhiều thế, gà chạy loăng quăng cả ngàn con trong mấy cái dãy nhà đấy, chúng thoáng thấy bóng người là chạy chui hết vào gầm mấy dãy nhà đó. Lính chúng tôi vào tới nơi chạy lại kiểm tra toàn khu vực, vắng lặng chẳng có gì ngoài mấy dãy nhà, ai đó nhanh tay cậy những tấm vách gỗ ra xem bên trong những dãy kho này có gì. Thóc, toàn thóc là thóc cứ thế trút ra hàng đống xuống đất, cả mấy dãy nhà này toàn chứa thóc của Pốt dự trữ ở đây, chẳng biết bao nhiêu ngàn tấn thóc.

Pốt cho vận chuyển số thóc này vào tới đây cất giấu cũng là cả một sự kỳ công, nhiều km đường rừng với vận chuyển bằng sức động vật và sức người được chúng chất hết về đây. Pốt có sự chuẩn bị trước về lương thực cho binh lính có cái ăn mà chống đỡ lâu dài nếu cuộc chiến bên biên giới có diễn biến như ngày hôm nay. Chúng cũng không thể ngờ rằng quân Tình nguyện Việt Nam cũng là một đội quân luồn rừng như ma, bất kể vị trí nào cũng có thể đến và chỉ đến bằng sức lực của người lính.

Một số anh em trong D7 khi đó đang cố tìm cách bắt những con gà chui dưới gầm sàn nhà kia song đành bất lực, những dãy cột nhà chi chít bên trong không thể chui vào nổi mà bắt gà, giữa cột này tới cột kia chỉ là một khoảng nhỏ không đủ cho người lách vào, thế là lính chúng tôi đành chấp nhận cơm treo mèo nhịn đói. Nếu có bắn chết con gà phía sâu trong gầm sàn nhà thì cũng không thể lấy ra được, hơn nữa anh em đứng ngoài rất đông nếu bắn gà nhỡ đạn lạc vào người khác, cũng không nên nổ súng bậy bạ khi chưa có lệnh, sẽ làm lộ bí mật không đáng có.

Đêm hôm đó chúng tôi đóng quân lại trên cái đỉnh bình độ với những dãy nhà kho thóc đó, từ đây nhìn bao quát về hướng tây, rừng núi phía dưới xanh ngắt một màu, chân trời xa xa cũng xanh và mặt trời cũng đã lặn gần hết, khung cảnh thanh bình quá. Mỗi C trong D7 đi về một góc của bình độ đó đóng quân chờ lệnh cấp trên, anh nuôi đã tranh thủ nổi lửa nấu cơm, nước được mang theo trong những bi đông 5 lít, từ đây xuống thấp để tìm nước chắc cũng xa lắm nên phải sử dụng số nước dự trữ mang theo, khi có thể sẽ lấy nước sau. Đêm đó chúng tôi nằm trên bình độ cao nhìn lên trời đầy sao, trên trời cao những ngôi sao lung linh sáng.

Sáng sớm hôm sau chúng tôi có lệnh của cấp trên xuống cho phép đốt bỏ tất cả số thóc trong 5- 6 dãy nhà kho kia đi rồi tiếp tục hành quân vào vị trí mới, ngồi nghe anh Hồng phát lệnh xuống cho các B cử người đi đốt tôi thấy thoáng buồn. Từng kia thóc gạo, biết bao nhiêu mồ hôi công sức của con người tạo nên, vậy mà bây giờ phải đốt bỏ. Tất nhiên, chúng ta mang số thóc gạo nàyra là không được rồi nếu để lại đây lính Pốt nó có cái để ăn rồi chúng quay sang đánh chúng ta thì lại càng không được, vậy thì cách duy nhất là phá hủy đốt bỏ.

Nhưng dù sao tôi vẫn thấy tiếc, bản thân tôi đã từng thấy được sự nhọc nhằn của người nông dân khi tạo lên những hạt thóc nên khi nghe lệnh này không khỏi bùi ngùi xót xa. Thế rồi chỉ 10- 15 phút sau cả 5- 6 dãy nhà kho chứa thóc đó ngùn ngụt cháy, từng cuộn lửa ngùn ngụt bốc cao những tấm ván vách cháy hết tụt ra thóc vàng hàng đống lớn trút xuống, những hạt thóc mới vàng tươi.

Chúng tôi tiếp tục hành quân.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3