Hồi Ức Chiến Trường K - Chương 96
Chương 3 Danh hiệu anh hùng
* * *
Cũng phải hành quân thêm vài ngày nữa chúng tôi ra đến suối nước nóng rồi dừng lại nhận thêm lương thực cho đủ cơ số, đạn thì gần như chưa sử dụng tý nào, số lượng vẫn nguyên trên vai người lính từ khi vào đến lúc quay ra.
Lại chất thêm gần chục kg gạo nữa cùng thực phẩm lên vai, chiếc ba lô của chúng tôi lại nặng như cũ, thế rồi chiều hôm đó chúng tôi hành quân ra. Đi cho đến khoảng 10h đêm thì anh em mệt quá, đã có người ngất xỉu trên đường do những cuộc hành quân dài ngày mang vác nặng. Những thứ chiến lợi phẩm thu được của địch mang từ Phnom Penh ra hay trên đường truy quét đều được anh em vứt bỏ vương vãi trên dọc đường đi, những gì cảm thấy không phục vụ cho đời sống lính lúc bấy giờ đều được bớt dần cho nhẹ đôi vai. Nhóm anh nuôi cũng vứt dần những chiếc nồi gang thu được của địch vẫn mang theo dùng trước đó, chỉ giữ lại nồi nhôm cho nhẹ, nói chung là vứt bớt tất cả những gì có thể không thương và cũng chẳng tiếc.
Lúc đó tôi cũng cùng chung hoàn cảnh với tất cả anh em trong đơn vị, có thể trọng lượng trên vai nhẹ hơn những anh em mang vác hỏa lực mạnh song cũng nặng bằng anh em mang vác súng AK, chỉ có điều là khẩu AKM nòng vát của tôi nhẹ hơn những khẩu AK của Trung quốc hay Việt Nam mà thôi. Đêm hôm đó lúc khoảng 8h tối tôi cũng quá mệt mỏi, mồ hôi vã ra từng dòng, bước chân ngày một thêm nặng, máu dồn xuống chân khiến quai dép cao su hằn sâu vào da, chân sưng mọng. Tôi chợt nghĩ mình cần vứt bớt một cái gì đó trên vai cho nhẹ bớt, vừa đi vừa nghĩ như vậy, chỉ cần một cái gì đó cũng được miễn là có vứt, dù chỉ là vài gram.
Sực nhớ ra đôi dây buộc bụng ba lô lủng lẳng phía sau đã được tôi buộc gọn lại, nó hoàn toàn vô tác dụng, lâu nay tôi không bao giờ dùng đến, anh em khác cũng có dùng buộc ngang bụng bao giờ đâu. À! đây rồi, tôi rút con dao găm vẫn đeo bên sườn từ khi được phát tại sân bay Puchentong cắt vứt bỏ những sợi dây lòng thòng đó, cảm giác nhẹ bớt trên vai được chút ít, cảm giác đó trông thấy bằng cảm nhận của trọng lượng vật đã vứt đi.
Thế rồi tôi lại tiếp tục nghĩ xem còn gì đáng vứt nữa không? À! còn, còn cái thừa nên vứt vì chẳng mấy khi dùng tới nó, nếu khi cần dùng có thể mượn của anh em khác, đó là hộp phụ tùng bảo dưỡng súng. Nó nằm dưới đít báng khẩu AK của tôi, phía sau cái lỗ tròn đó, chỉ cần đẩy ngón tay vào trong cho cái cửa của lỗ tròn đó mở ra là hộp phụ tùng thòi ra ngoài. Tôi liệng nó vào bụi cây bên đường chẳng cần suy nghĩ, cảm giác thấy nhẹ hơn hẳn, từ nay khẩu súng trên vài tôi sẽ nhẹ hơn mấy trăm gram nữa. Tôi yên tâm tiếp tục đi như vậy không nghĩ thêm gì nữa.
Thế rồi lại nhớ ra là cái thông nòng súng, đúng rồi chính nó, cái thông nòng súng, đồ vô tác dụng này chẳng để làm gì, mấy khi ai thông nòng súng. Nếu trong nòng có rỉ thì chỉ cần mở an toàn nấc phát một nổ một phát súng là cái nòng lại sáng bóng bên trong, vứt. Tôi vui vẻ như mới phát minh ra một đề tài khoa học vậy, rút ngay cái thông nòng súng vứt luôn, cảm giác khoan khoái hơn bất kể sự khoan khoái nào khác bởi chính mình đã tìm thấy mà vứt bỏ những thứ chẳng mấy cần thiết lâu nay nó cứ nằm ở trên vai mình suốt dọc đường hành quân.
Sau này những lúc ngồi lại với nhau anh em nhắc lại cái thời khắc đó, thằng Bích xạ thủ trung liên RPD đã kể lại tối hôm đó nó cũng như tôi, vứt bỏ tất cả những gì có thể cho nhẹ đôi vai. Nó đã bẻ bớt cái chuôi của cái bàn chải đánh răng của mình cho nhẹ bớt, chẳng biết cái chuôi bàn chải đánh răng đó nó nặng mấy gram nhưng cảm giác nhẹ bớt nó cũng cảm nhận được. Cái gì vứt được là vứt bỏ chỉ có đạn và gạo thì không ai dám vứt cả, không ai kiểm tra hay ép buộc lính, đó là tự giác, sự tự giác bắt buộc vì điều đó là điều cấm kỵ của lính chiến.
Ôi! thật là lính, cùn hết biết, cùn đến thế là cùng.
Khoảng 10h thì chúng tôi được lệnh dừng lại nghỉ chân, có lẽ cấp trên cũng đã thấy được lính quá mệt mỏi, vài người ngã xỉu trên đường không thể bước thêm được nữa, bản thân họ đã cố gắng hết mức nhưng sức lực con người nó cũng có giới hạn, cố mãi, cố mãi cũng sẽ đến lúc nó phải gục ngã.
Trong toàn tiểu đoàn 7 thì C2 chúng tôi là đơn vị vất vả nhất, khi luồn sâu hay tấn công đánh vận động luôn là đơn vị đi đầu và khi rút lại là đơn vị đi cuối của đội hình. Khi hành quân cuối thì khá vất vả, người đi trước lúc nào cũng thủng thẳng đi còn người đi sau thì gần như phải chạy đuổi theo vậy, mọi mệnh lệnh thì luôn là người biết sau cùng, lúc dừng chân thì phải bố trí đội hình khóa đuôi kiểm tra đôn đốc những người đi cuối cùng của đội hình tiểu đoàn. Anh em các C khác phía trước đã được nghỉ vài phút rồi còn chúng tôi vẫn đang lục đục chưa ổn định đội hình, thật là làm lính C2 chẳng sướng chút nào.
Tối đó C2 chúng tôi bố trí đội hình nghỉ lại ở đoạn đường khá trống bên sườn một quả đồi thưa cây, tầm nhìn quan sát khá rộng, cả D7 cũng quanh đó, lính các C có thể lạc sang nhau trong đêm tối. Nhiều người hạ được ba lô xuống dựa lưng vào gốc cây nào đó là nhắm mắt ngủ ngay, ba lô một bên súng gác ngang đùi không quá 3 giây là chìm vào giấc ngủ khỏi cần biết chung quanh chuyện gì sẽ xảy ra. Lúc này các cán bộ B, C là khá vất vả, anh em phải chạy đôn chạy đáo tìm lính trong B, C của mình, chỉ có thằng cấp A trưởng là vô tư nhất. Thì làm gì còn ai nữa, nó quản lý chính bản thân nó thì nó còn sợ chính nó chạy đi đâu nữa, mỗi B còn -6 7 người chứ mấy, lấy đâu ra quân mà bảo cho đông.
Chắc lúc này trên tiểu đoàn báo cáo với cấp E về tình hình của lính D7 hiện tại thế nào đó nên chúng tôi được dừng lại đây hơn một ngày để nghỉ ngơi xốc lại tinh thần binh lính. Cũng tại đây một tin hoàn toàn mới với nhiều tranh cãi khá gay gắt trong đội hình C2. C2 sẽ được phong danh hiệu đơn vị Anh hùng lần thứ 2.
C2 của chúng tôi đã từng là đơn vị anh hùng lần thứ nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp khi E209 còn nằm trong đội hình của đại đoàn 312 sau chiến thắng Điện Biên Phủ. Theo như học về truyền thống của đơn vị thì cán bộ giảng dạy nói: C3 của D130 ( tức D7 sau này ) là đại đội của anh hùng Phan Đình Giót năm xưa, nhưng chính trị viên D7 cùng anh lính cũ thì nói là C2 mới chính là đại đội của anh hùng Phan Đình Giót cũ. Chẳng biết thế nào là chính xác chỉ biết chắc chắn rằng tiểu đoàn 130 cũ là D7 bây giờ và là tiểu đoàn có anh hùng Phan Đình Giót trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Tin thật vui cho toàn thể anh em C2 chúng tôi, một cuộc họp C2 ngay trên đường hành quân giữa rừng núi chung quanh chuyện đơn vị sẽ được phong tặng danh hiệu anh hùng lần thứ 2. Điều gây tranh cãi không phải là chuyện C2 anh hùng mà là đơn vị anh hùng thì phải có cá nhân anh hùng, phải tìm cho ra và xây dựng lên một cá nhân anh hùng của C2 trong chiến đấu.
Buổi họp đó có sự có mặt của chính trị viên trưởng và phó D7, chủ trì cuộc họp là chính trị viên C2 Nguyễn Tiến Tập. Dàn ý buổi họp đã được 2 anh cán bộ C2 họp kín đi đến thống nhất, chủ yếu do chính trị viên Tập chứ anh Hồng thì rất ít ý kiến về chuyện này. Dù sao anh Hồng cũng là cán bộ mới về C2 mấy tháng nay, chuyện gương chiến đấu anh dũng của lính C2 cũ gần như không biết bao nhiêu, có chăng cũng chỉ là được nghe kể lại.
Trên tinh thần tôn trọng nhau, anh Hồng nhường quyền quyết định vấn đề này hoàn toàn cho anh Tập, điều đó cũng phải bởi anh Tập làm công tác chính trị, hơn nữa 4 năm nay chưa từng bước chân ra khỏi C2. Từng bước đi của C2 với những trận đánh từ những ngày đầu bên biên giới anh Tập đều có mặt, bản thân anh Tập đi lên cũng từ thằng lính liên lạc của C2, cũng từ cuộc chiến tranh này, mọi diễn biến của C2 trong suốt giai đoạn cuộc chiến anh nắm rất rõ.
Trong cuộc họp đó nó lòi ra mấy ý :
-Anh Tập chính trị viên của C2 tuy là người rất tốt nhưng lại khá cục bộ, bản vị địa phương, anh lính 1974 quê Hải Hưng nên lại muốn xây dựng cá nhân anh hùng của C2 là lính Hải Hưng. Người anh Tập muốn đẩy lên vị trí đó là anh Lương Văn Mười A trưởng A cối cũ, đã hy sinh tại trận ngã tư đường tàu bên sườn phải núi Lovea. Anh em khác phản bác lại vì anh Mười từng bị kỷ luật vì chính sách dân vận khai trừ khỏi Đảng ngay trên đường hành quân từ đầu chiến dịch với lý do bẻ cây mía chưa kịp ăn.
-Lính Hà tây cũ ( lúc đó là Hà Sơn Bình ) thì muốn xây dựng lên danh hiệu anh hùng cho đại đội trưởng C2 Phạm Bá Lịch, người đại đội trưởng cực kỳ dũng cảm của C2 từng chỉ huy anh em C2 chiến đấu nhiều trận và nhiều thành tích. Bản thân tôi cũng thấy anh Lịch quá xứng đáng với danh hiệu này nhưng cũng có những lý do phản bác lại bởi anh Lịch không còn là người của C2 chúng tôi nữa. Một nguồn tin, anh Lịch được đưa ra Bắc điều trị vết thương sau trận đánh 12.12.1978 tại Nam Chóp Svay rieng, khả năng anh trở lại đơn vị sau điều trị là không thể, tôi đã buồn vì điều này.
- Lính Hải phòng thì muốn xây dựng danh hiệu anh hùng cho đại đội trưởng C2 cũ là anh Hoàng Trung Động, người cũng đã bị thương sau trận 26.9.1978 cũng tại Nam Chóp. Anh Động cũng là người rất xứng đáng với danh hiệu này vì đó cũng là người chỉ huy rất dũng cảm mang về cho C2 rất nhiểu thành tích, nổi bật nhất là anh Động từng chỉ huy anh em bộ phận C bộ bắt sống khẩu 12.8ly của địch vào tháng 7.1978 tại Nam Chóp dồn địch xuống sông Svay rieng. Xong cũng rất tiếc anh Động cũng không còn là quân số của C2 nữa, trong trận 26.9.1978 anh đã bị thương rất nặng khi rút ra sau trận đánh.
- Lính Quảng ninh cũng muốn xây dựng lên danh hiệu này cho đồng hương của mình song không có ai quá nổi bật để xứng đáng với danh hiệu cá nhân anh hùng.
- Lính Thái bình, Thanh hóa, Hà nam Ninh hay Hà nội cũng vậy nốt, chỉ nhàng nhàng là lính cầm súng, chỉ biết đánh nhau vậy thôi, không có gì đặc biệt cả. Không ai nhường ai vì ý kiến thì ai ai cũng như nhau. Dân chủ vẫn là chủ đạo trong cuộc họp, chẳng đi đến thống nhất được điều gì, một số anh em sinh ra phá bĩnh phá đám bằng ý kiến xây dựng lên những nhân vật cá nhân anh hùng mà bản thân người kia cũng chẳng hơn gì người khác.
Cuối cùng mọi người đổ dồn vào nhân vật Nguyễn Mạnh Thế, lính Vĩnh phú 1977, đã hy sinh trong trận giữ cánh phải cho C1 ngày 7.12.1978 tại Nam Chóp. Thế trước là liên lạc của C2 cho anh Động, cùng tham gia bắt sống khẩu 12.8ly của địch. Thành tích không quá nổi bật nhưng lại là người được chọn cho danh hiệu này vì Nguyễn Mạnh Thế đã mãi mãi là lính của C2 D7 chúng tôi.
Cuộc họp kết thúc trong không khí căng thẳng, đã có người từng nói ngay lúc đó : Giá như đừng có danh hiệu này cho tập thể C2 chúng tôi thì điều đó sẽ tốt hơn là có. Tôi thấy điều đó là đúng vì trước kia anh em chúng tôi thương yêu nhau là vậy, nay chỉ vì chút danh hiệu, cần xây dựng lên những cá nhân gương anh dũng trong chiến đấu làm anh em chúng tôi mặt nặng mày nhẹ với nhau, những vết rạn nứt tình cảm cũng bắt đầu từ đây trong khi phía trước vẫn còn nhiều gian nan vất vả.
Sau cuộc họp anh Tập lên E bộ viết báo cáo cho danh hiệu cá nhân anh hùng của C2 trên ban chính trị E còn đơn vị vẫn tiếp tục hành quân ra theo mệnh lệnh. Thời gian đó cũng khoảng cuối tháng 5.1979 rồi, mùa mưa gần đến, trên đầu lính hành quân đã có những đám mây xám lớn nhưng chưa thể trút mưa xuống được. Hình như mùa mưa năm đó đến muộn, lính vẫn cần nước trên suốt dọc đường hành quân ra và nước vẫn là thứ để lính phải tốn nhiều công sức để tìm kiếm.