Nghiệt duyên - Chương 03

Bàn tay đang xoa dọc cánh tay dừng sững lại, cô ngẩng lên nhìn thắc mắc:

“Định đi đâu?”

“Không nói.”

“Xí... làm như người ta muốn biết lắm ấy.”

Angsumalin từ từ đứng dậy, phủi vạt váy qua lại.

“Biến mất cũng tốt, càng không có người cứ trêu tức mình.”

“Thế ai sẽ chờ đằng ấy mỗi sáng đi học?”

“Đi một mình cũng được.”

“Tốt rồi. Người ta sẽ đi thật đấy. Cũng ngại chẳng muốn đi đâu... những năm năm mới được về.”

Lần này cô gái ngẩng lên nhìn chăm chú.

“Cái gì, vừa bảo gì cơ?”

“Đây bảo là đây sẽ đi năm năm rồi mới về.”

“Đi đâu những năm năm?”

“Sao bảo không muốn biết cơ mà?”

Chàng trai cố tình vòng vo trêu tức, cúi xuống nhặt ngọn sầu đâu lại thành một đống. Cô gái nhíu mày đăm chiêu rồi hỏi một cách phấn khích:

“Kết quả thi tuyển đã công bố rồi phải không Wanas?”

Chàng trai mỉm cười gật đầu. Angsumalin tròn mắt:

“Thế là Wanas được đi Anh học! Vui quá. Bác chủ tịch xã biết chưa?”

“Biết rồi. Hôm qua, khi người ta biết kết quả đã vội đến khoa em định báo cho biết nhưng không gặp, nên hôm nay phải sang bảo ngay đây!”

“Chúc mừng nhé. Thế bao giờ đi?”

“Không biết. Chắc phải đi trình diện rồi mới biết được, nhưng chắc không quá hai tháng nữa, chậm nhất là ba tháng.”

“Thế thì cho ăn hai con tôm cũng được!”

“Đãi tiễn người ta đi nước ngoài mà cho ăn mỗi hai con tôm!”

“Đây không phải đãi chia tay mà là đãi chúc mừng. Tiễn phải sau, hay là không ăn?”

“Ớ, ăn chứ. Mất công nhặt sầu đâu cho thế này, cớ gì mà lại không ăn.”

“Thế lên nhà thôi.”

Angsumalin dẫn trước, nói chuyện luôn miệng suốt dọc đường. Người đi sau ngắm cô gái bé nhỏ, cảm giác lưu luyến lạ lùng tràn ngập trong lòng cậu. Wanas và Angsumalin là bạn chơi cùng nhau từ thuở nhỏ. Cho dù cậu hơn cô hai tuổi, học trên hai lớp nhưng vì khi chơi cùng nhau, lúc nào cậu cũng nhường nhịn cô nên đối với cô bé Angsumalin, Wanas đã trở thành cái tên nơi cửa miệng. Còn ông Nun, chủ tịch xã, bố của Wanas cũng là chỗ thân thiết với gia đình ba mẹ con bà cháu cô từ lâu. Có việc gì giúp được họ ông Nun đều giúp đỡ hết lòng và bằng mọi cách. Khi cam chín, ông dẫn thương lái đến ngã giá mua buôn cả vườn; lúc thiếu nhân công, cũng lại chính ông cử người sang giúp mà không tính công sá gì.

Wanas vào học đại học khoa Kỹ thuật trước Angsumalin vào học khoa Ngữ văn hai năm. Việc Wanas sáng sáng đều đi thuyền từ nhà mình qua đón cô cùng sang sông rồi lên xe đi đến trường trở thành chuyện đồn đại khắp nơi. Chàng trai không khẳng định cũng chẳng phủ nhận, còn Angsumalin thì không để tâm, chỉ coi trọng việc hai người đã quen biết, chơi thân từ lâu. Bởi vậy, không có ai biết chuyện đồn đại ấy thực hư ra sao.

Chàng trai là con một trong nhà. Cho dù gia đình cậu gốc gác là dân miệt vườn nhưng ai ai cũng rõ gia sản của ông chủ tịch xã phải vào loại triệu phú. Cậu con trai duy nhất lại biết công biết việc, chăm chỉ chịu khó, càng đến tuổi trưởng thành càng xếp vào hàng đẹp trai, nên được dân cả vùng miệt vườn dọc theo con kênh Bangkok Noi và các cô nữ sinh trong trường đại học để mắt đến. Wanas chơi với Angsumalin từ khi cô bé mới vào trường tiểu học gần nhà. Vì không có anh chị em nên Wanas rất yêu quý cô bé. Tình cảm trìu mến, gắn bó ấy hình thành và dần ăn sâu, bám rễ qua tháng năm, trở thành cảm giác thân thuộc như thể người con gái này đã là một phần của đời cậu vậy. Khi biết sẽ phải đi xa nhiều năm, sự lưu luyến càng gia tăng và nỗi lo sợ phải chia cách phủ bóng đen lên lòng cậu.

“Ang...”

“Hử?”

Cô gái nhấc cành cam lên, luồn qua phía dưới rồi mới quay lại đằng sau:

“Em vui mừng khi anh đi thật đấy à?”

“Sao lại không mừng chứ? Anh được đi nước ngoài mà.”

“Người ta chả muốn đi gì cả.”

“Thế sao lại đăng ký dự thi làm gì?”

“Thì tại em xui anh!”

“Người ta xui tốt mà còn không thích.”

“Em không nhớ anh à?”

“Không biết. Anh phải đi đã thì mới biết là có nhớ không chứ, giờ còn chưa kịp đi thì biết sao được.”

“Vừa biết được đi là người ta đã thấy nhớ nhà, nhớ em rồi.”

Đôi mắt to tròn ánh lên một điều gì nhưng mau chóng tan biến mất. Cô quay người, vội rảo bước đi trước, vừa nói vừa cười: “Thôi đi. Anh sang đó chẳng mấy chốc rồi lại đi khắp nơi gây chuyện với người ta, khéo còn có khối đối thủ mà đấu khẩu hàng ngày.”

Chàng trai cúi người luồn qua cành cam, nhảy qua khúc gỗ chắn đường, theo sát cô gái.

“Đôi co với ai cũng chẳng vui bằng mình đôi co với nhau.”

“Ờ... hay nhỉ.”

Vừa đến chân cầu thang, cô gái đã cất giọng lảnh lót gọi vọng lên:

“Mẹ ơi, Wanas xin ăn cơm cùng với ạ.”

“Của cháu hai con tôm, cháu xí phần trước.”

Ngoài hiên trước bếp đã trải một chiếc chiếu nhỏ, chính giữa bày đồ ăn. Trên mâm có ba đĩa cơm cùng với một cốc nước dành riêng cho một người. Tiếng gọi làm bà già đang đứng súc miệng bên hàng rào quay lại nhìn và nói:

“À Wanas, vào đây ăn cơm với bà.”

“Dạ cháu cũng đã tự mời mình rồi ạ. Cô Orn đâu hả bà?”

Người được hỏi thăm liền xuất hiện, bước ra khỏi cửa bếp, tay bà bưng niêu cơm đã lau chùi sạch sẽ.

“Wanas tới vừa đúng lúc.”

“Bố sai cháu sang nói với cô là người mua buôn cam sẽ đến trả giá hôm nay ạ.”

“Wanas thi đỗ đi học nước ngoài rồi đấy mẹ.”

“Thế ư? Cháu sẽ đi đâu?”

“Cháu đi Anh ạ.”

“Nên con rủ vào ăn, mình sẽ đãi tôm nướng với ngọn sầu đâu luộc để chia tay, kẻo đi học nước ngoài lại không được ăn.”

“Cái Ang mau đem sầu đâu đi chần qua đi. Mẹ vừa mới chắt nước cơm ra đó.”

Angsumalin nhận bó sầu đâu từ tay Wanas đi vào bếp. Cô ngâm ngọn sầu đâu vào chỗ nước cơm, chờ một lúc cho nước cơm chuyển sang màu xanh rồi lấy ra, vẩy nhẹ và bày vào đĩa, tiếp đó mở chạn bát lấy thêm một chiếc đĩa. Khi cô bước ra ngoài hiên đã thấy anh bạn ngồi ngay ngắn cạnh mẹ mình.

“Tốt rồi. Cháu được học bổng nhà nước thì về sẽ làm công chức luôn, đỡ phải đi kiếm việc làm. Xới cơm đi Ang. Mắm ngọt nhà này là ngọt lừ, đúng như tên gọi luôn. Cái Ang nó thích ăn ngọt.”

“Cháu cũng thích ăn ngọt ạ.”

“Wanas còn thích ăn cay nữa ạ, để người ta lấy ớt chỉ thiên cho nhé.”

“Thế này thì làm sao đi sống ở nước ngoài được?”

“Chắc cũng phải chịu thôi ạ. Cháu lại còn ghét đồ ăn Tây nữa chứ, thức ăn gì mà cứ nhão nhão, nát nát, ngậy ngậy, mặn mặn, chẳng ra vị gì.”

Bà mẹ nhìn cô con gái đang ngồi chống tay cách chàng trai một khoảng mà thầm thở dài khe khẽ. Cách đây không lâu, chủ tịch xã Nun đã nói bóng gió với bà rằng:

“Cháu Ang nó dễ thương thật đấy. Bên nhà tôi cũng chẳng có con gái nên yêu quý cháu như con đẻ. Mong là về sau chị Orn cũng không có gì phản đối.”

Đấy là kiểu đánh tiếng của người lớn với nhau. Cho dù là mẹ, gần gũi với con hằng ngày nhưng chỉ đến khi có người tới nói chuyện này, ý thức rằng con gái mình đã lớn mới trở nên rõ rệt trong lòng bà. Người mà con gái bà được dạm hỏi ấy cũng là chàng thanh niên bà biết rõ nhiều năm nay, ở cậu không có điểm gì đáng chê trách. Dẫu vậy, người làm mẹ cũng không khỏi lo âu, cảm giác lo lắng càng tăng lên khi nghe mấy chữ “đi nước ngoài” chạm vào nỗi đau trong tim bà. Quá khứ xưa cũ đắng cay lại hiện về khiến bà mẹ quyết định sẽ không được để có bất kỳ ràng buộc nào, tránh cho lịch sử sai lầm lặp lại!

“Cậu Nas[8] sẽ đi mấy năm?”

[8] Wanas có tên gọi thân mật là Nas, phát âm Nắt.

“Theo quy định là năm năm ạ.”

“Cũng lâu đấy nhỉ.”

“Lúc đi thì thì cháu cũng háo hức muốn đi, nhưng đến khi biết là đỗ được đi thật, cháu lại cảm thấy lo lắng, nặng nề thế nào ấy.”

“Cứ ở một hồi rồi sẽ quen, mới sang mà nhớ nhà thì cũng là bình thường.” Câu này bà vừa nói vừa gượng cười bởi trải nghiệm trong quá khứ đã dạy bà đó là sự thật!

“Chắc cháu sẽ nhớ nhà lắm. Bố mẹ cháu lúc đầu cũng mừng, nhưng giờ lại bắt đầu buồn rồi.”

“Bác chủ tịch xã chắc sợ thấy cô đơn.”

Suốt từ đầu đến giờ, cô gái lặng lẽ dùng tay nhón cơm đưa lên miệng. Wanas nhìn cô chăm chú nhưng chỉ thấy một góc khuôn mặt trắng xanh và bên mái tóc đen nhánh, ánh lên trong nắng.

“Ang vui lắm ạ khi thấy cháu sẽ đi khuất mắt.”

“Tự dưng lại kiếm chuyện đấy.”

“Thế không phải chắc, lúc nãy em nói thế còn gì.”

“Trả lại tôm đây, cho ăn một con đủ rồi. Người nào hay gây chuyện không cần phải ăn nhiều.”

“Cũng được, người ta cũng no rồi.”

“No rồi càng tốt, xong phải giúp em rửa bát, tập làm cho quen kiểu Tây đi.”

“Cái Ang, làm thế sao được.”

Người bà khẽ mắng, nhưng chàng trai đã cười khoe hàm răng trắng.

“Không sao đâu bà ơi. Cháu làm cùng được mà. Nhường em ấy chút, chẳng bao lâu lại chẳng có ai sai cháu làm nữa. Không biết đến lúc ấy thì Ang sẽ sai ai.”

“Không có ai thì tự làm.”

“Cậu Nas cứ nhường nhịn nó nên cái Ang mới được thể lấn tới”.

Ăn cơm xong, Wanas giúp cô dọn chén đĩa xếp vào một góc phía ngoài hiên, gần vại nước. Người bà nhấc mẹt cau ra bổ tiếp. Bà mẹ nói với con gái:

“Mẹ xuống vườn xem cam thế nào đây.”

“Vâng ạ. Nhưng mẹ đừng nạo con ngòi vội đấy, để con xuống làm cùng.”

Cô rửa bát rồi đưa cho chàng trai ngồi xếp bằng tròn, cầm khăn lau từng cái bát, dáng điệu thành thạo.

“Đêm qua, bố anh cũng nói là không muốn cho đi.”

“Bác nhớ con hả?”

“Không phải, bố nói tình hình ở nước ngoài giờ đang lộn xộn.”

“Đúng đấy, ai ai cũng nói vậy, người ta e là sẽ có chiến tranh. Bác chủ tịch xã theo sát tin tức hơn mẹ em, sáng nay em kể cho mẹ nghe, mẹ còn không tin.”

“Nhưng chắc không đến nỗi xảy ra chiến tranh đâu.”

“Nhỡ mà chiến tranh nổ ra khi anh đang ở bên ấy thì nguy.”

“Nếu thế, hoặc là được gọi về nước trước, hoặc không, nhỡ không về được thì anh chết mất.”

“Chết làm sao được. Mình cứ ở đó, bao giờ hết chiến tranh thì về.”

“Nhỡ họ đánh nhau đến hai mươi năm thì sao?”

“Thì chờ hết chiến tranh rồi về chứ có gì lạ, càng được ở nước ngoài những hai mươi năm.”

“Nhưng anh lo ở Thái Lan, đến lúc trở về cái gì cũng thay đổi hết.”

“Cái gì thay đổi cơ?”

Cô gái ngẩng lên nhìn vẻ thắc mắc, nhưng khi vừa gặp ánh mắt chàng trai, cô vội ngoảnh đi, cúi xuống chăm chăm rửa bát đĩa như thể đó là công việc quan trọng gì phải gấp rút xử lý cho xong.