Nghiệt duyên - Chương 09

Cô gái đặt chồng sách vở trong tay xuống bàn rồi cầm chiếc bưu thiếp màu sắc tươi tắn lên, mau chóng lật xem đằng sau. Nét chữ dày, chắc, hơi ngoáy viết gần kín:

“... Người ta đến Anh rồi, nhớ Ang vô cùng. Lúc này ở Anh đang lạnh cắt da cắt thịt đến nỗi hầu như chẳng muốn làm gì. Bưu thiếp anh gửi này là hình quảng trường Nelson. Anh chọn nó để động viên mình rằng dù Nelson có đi đâu thì phu nhân Hamilton cũng luôn ở sau chờ đợi ông. Anh phải đi xa đến tận đây, chắc Ang cũng sẽ đợi anh ở phương ấy...”

Angsumalin đọc đi đọc lại đến nỗi gần như thuộc lòng, rồi lật xem bức ảnh đằng trước mỉm cười một mình.

“Con thấy bưu thiếp gửi cho con chưa? Mẹ để trên bàn ấy”.

Bà Orn ngó vào hỏi. Cô gái quay ra cười tươi:

“Bưu thiếp của anh Nas ạ. Anh ấy đến nơi rồi, kêu là lạnh lắm ạ.”

“Thì cứ xem nước mình ấy. Năm nay sao mà rét thế, nước lũ cũng từ miền Bắc đổ về, chỉ sợ sẽ ngập lụt.”

“Chắc không ngập đâu mẹ.”

“Chưa biết được. Đấy, gần đến tháng Giêng mà nước đã có dấu hiệu rút đâu. Người xưa đã dạy Mười một âm nước dâng, Mười hai nước đầy, đến Giêng Hai nước rút. Đây thì đã tháng Giêng mà nước vẫn còn về nhiều thế, có vẻ bất thường.”

“Nhưng con nghĩ không đến nỗi ngập đâu ạ.”

“Con thay đồ đi đã. Hôm nay bà làm cơm cháy tóp mỡ cho con đấy, thấy bà ngồi làm tỉ mẩn từ chiều.”

Bà Orn đi ra. Cô gái giở mặt sau bưu thiếp đọc lại lần nữa mới cất xuống dưới gối một cách nâng niu, rồi vội thay đồ.

Bà ngoại đang ngồi bổ cau, ngẩng lên khi thấy cái dáng bé nhỏ mỏng manh quỳ xuống ngồi cạnh.

“Bà làm cơm cháy cho cháu, cất trong chạn ấy.”

“Tuyệt ạ, cháu đang đói ngấu.”

Angsumalin đứng dậy đi vào trong bếp, một lúc sau bưng đĩa ra ngồi chỗ cũ. Miếng cơm cháy cạo mỏng, nướng vàng ruộm, phía trên rắc một lớp dày vụn thịt băm, tỏi, tiêu, được bẻ thành từng miếng, bày một đĩa gần đầy.

“Thấy mẹ cháu nói là bà rán tóp mỡ ạ.”

“Không, bà lấy thịt lợn còn lại đem ra rang cho giòn lên, có bị hôi không cháu?”

“Không hôi đâu ạ, ngon lắm. Bà làm ngọt thế này cháu thích lắm. Lúc nãy mẹ cháu than là sợ năm nay sẽ bị ngập.”

“Cũng dễ lắm. Nước từ trên miền ngược cứ đổ về nhiều quá. Cháu đừng đi bơi nữa, nước lũ thế này, không khéo có cá sấu bị cuốn theo về.”

Bà Orn từ sau nhà đi ra, ngồi xuống gần hai bà cháu, cô gái liền đưa đĩa cơm cháy mời mẹ.

“Mẹ ăn cơm cháy ạ, ngon lắm.”

“Răng mẹ không ăn nổi đâu con. Hôm nay chắc mẹ phải đi thuê lão Bua với lão Pol về làm bờ thửa.”

“Sao phải làm hả mẹ?”

“Mẹ e sẽ có lũ. Nếu không be bờ thửa thì nguy mất.”

“Để con xuống giúp mẹ một tay.”

“Mẹ con mình làm không nổi đâu. Phải có sức đàn ông. Lạnh thế này, năm nay lễ kỷ niệm ngày Hiến pháp chắc người đi xem cũng vừa đi vừa run.”

“Có khi năm nay sẽ không tổ chức đâu ạ.”

“Sao thế?”

“Mọi người đều đang sợ chiến tranh ạ.”

“Cái con bé này cứ toàn nói đến chiến tranh. Chiến tranh nổ ra ở đâu thì tùy, mình không dính dáng vào thì ai mà đến làm gì mình.”

“Mọi người cũng đều sợ là sẽ xảy ra chiến tranh đó mẹ.”

“Ai đánh nhau với ai hả cháu?” Người bà hỏi vẻ quan tâm.

“Đức ạ. Có vẻ tình hình khá gay go.”

“Vừa mới thua trận không lâu, liệu còn đánh nhau được với ai?”

“Ô hô, có phải mới thua trận đâu mẹ, bao nhiêu năm rồi.”

“Thì đó, chắc là họ không đánh nhau nữa đâu con.”

Bà Orn nói vẻ không để tâm lắm. Không ai lường trước được tương lai sắp xảy ra sẽ làm cuộc đời mình thay đổi hoàn toàn!

“Ui...” Angsumalin kêu lên, lấy tay bưng má.

“Cơm cháy lại làm hại răng con rồi.”

“Mẹ đã bảo đi khám chỗ bác sĩ Yoshi ở Pak Khlong mà con chưa chịu đi. Bác sĩ chữa răng giỏi lắm đấy. Hôm trước gặp mẹ, ông ấy còn hỏi thăm con sao dạo này không đến học tiếng Nhật nữa.”

“Khó chết đi được. Con tưởng chỉ học cho vui thôi, nào ngờ bác sĩ lại dạy thật. Ui, ui...”

“Học cái gì cũng đều tốt cả con ạ, học gì cũng đừng nên chỉ học cho vui.”

“Ối... mẹ ơi, tiếng gì mà toàn ộ ộ tộ tộ, nói khó chết đi được.”

Cô gái vừa cười vừa chỉ vào đầu và từng bộ phận trên mặt nói:

“Kubi, kao, mimi, me, maige, matsuge, kuchi.”

“Con nói cái gì đấy?”

“Mẹ thấy không? Nghe cứ làm sao ấy. Con nói là đầu, mặt, tai, mắt, lông mày, lông mi, miệng. Nói từng từ còn chưa ăn thua với cả câu đâu ạ. Bác sĩ dạy con tận tình quá mức. Sao ông ấy lại cứ muốn con nói bằng được tiếng Nhật không biết.”

“Người lớn cứ thấy người trẻ nào mà có chí, chịu khó học hỏi thì đều muốn dạy. Ông ấy sống xa xứ xa nhà, cũng muốn tìm người nói được tiếng của mình để nói chuyện.”

“Trông dáng điệu ông ấy giống bộ đội hơn là bác sĩ. Sao ông ấy lại mở phòng khám ở Pak Khlong không biết nữa, bệnh nhân nào mà lại lặn lội vất vả đến tận đó khám, thà mở trong trung tâm thành phố có phải kiếm thu nhập tốt hơn không.”

“Chắc ông ấy thích sống kiểu thanh bình, mở phòng khám ở khu này cũng vẫn kiếm đủ ăn. Con người ta chỉ cần không quá tham vọng thì có đủ ăn, không thiếu thốn khổ sở là đã hạnh phúc quá rồi. Bác sĩ thích xem thuyền xem tàu.

Ông ấy từng kể với mẹ rằng vốn là người sống ở đảo, thấy nước thấy thuyền quen rồi nên không muốn sống trong đô thị. Ông ấy là người tốt đấy. Con đến đó để ông ấy khám cho đi.”

“Để lúc nào con rỗi đã ạ.”

“Việc hôm nay cứ để ngày mai suốt thôi. Đến khi răng gẫy hết cả thì đừng có mà kêu gào ỉ ôi.”

“Ha ga itai desu.”

“Con nói cái gì cơ?”

“Con nói là... con đau răng.”

“Thế thì mẹ sẽ bảo là cho chừa. Tiếng gì mà nghe chẳng hiểu gì cả, rung lưỡi còn hơn cả tiếng Ấn. Mẹ đi tắm đây, con định tắm lúc nào?”

“Lúc nãy mẹ cũng nhắc nó rồi đấy, đi tắm đi bơi phải cẩn thận một chút. Còn nhớ hồi bé không, hai đứa, cháu với thằng Nas cứ nhảy sông ầm ầm, thằng bé bị va cằm vào cái cột buộc tượng ngư, máu chảy be bét, giờ dưới cằm chắc vẫn còn vết sẹo. Giờ này đã sang đến bên đó chưa không biết.”

“Anh ấy đến nơi rồi bà ạ, kêu than là bên đó rét lắm.”

“Hới... mới đây còn thấy nhảy sông ầm ầm mà giờ đã thành thanh niên trai tráng rồi.”

Bà Orn nhìn con gái dò xét nhưng nét mặt cô gái vẫn bình thường.

“Nó đi nước ngoài mấy năm đấy hả con? Hôm nó đến chào bà, bà cũng nghe không rõ.”

“Anh ấy đi năm năm bà ạ.”

“Về là đã thành đàn ông trưởng thành rồi. Cậu Nas này cũng là người chăm chỉ siêng năng.”

Angsumalin đang ngồi liền nhổm lên quỳ, làm bộ sắp đứng dậy.

“Con đi tắm trước đây ạ.”

“Đi đi, cơm nước xong con còn phải học bài nữa. Hôm trước mẹ tỉnh dậy lúc khuya mà vẫn thấy phòng con sáng đèn. Đừng có thức khuya quá con ạ, nhỡ ốm đau thì khổ, học bài thì cũng phải vừa sức.”

“Con sắp thi rồi mà.”

Cô gái đứng dậy, cầm chiếc đĩa đi vào bếp. Bà Orn cũng sửa soạn chuẩn bị đứng lên.

“Từ từ đã Orn”.

“Vâng... thưa mẹ?”

“Mẹ hỏi thật nhé. Cái Ang với cậu Nas chúng nó thích nhau đấy à?”

“Sao mẹ hỏi thế ạ?”

“Thì mẹ để ý thấy thằng Nas chắc là có thích cái Ang nhà mình. Bố mẹ nó có biết không, kẻo lại mang tiếng. Lúc thằng bé chuẩn bị lên đường, nó cứ loanh quanh đến đây rồi trông ngơ ngẩn làm sao ý. Nó đi học nước ngoài cũng tốt, không ông chủ tịch xã lại trách mình.”

Bà Orn nhìn mẹ mỉm cười, không ngờ mẹ mình đã già yếu nhiều mà con mắt bà còn tinh đời lắm.

“Xem chừng cậu Nas chắc là thích con bé nhà mình ạ.”

“Đấy, chúng nó chơi thân với nhau từ nhỏ. Thế bố mẹ thằng bé biết chưa?”

“Ông chủ tịch xã cũng từng mở lời với con, nhưng cái Ang nó chưa muốn ràng buộc gì, nó bảo muốn tốt nghiệp đại học đã.”

“Con bé này có chí nhưng hơi cứng đầu, lòng dạ sắt đá. Nếu nó đã nghĩ như vậy cũng tốt. Bao giờ thằng Nas về, chúng nó đều lớn rồi, ta khỏi phải lo lắng nữa.”

Bà Orn chờ cho đến khi thấy mẹ mình quay ra mải làm việc tiếp mới khẽ khàng lui ra ngoài.

Cô gái đưa tay vặn cho ngọn đèn dầu sáng rực lên. Bầu trời phía ngoài mờ mờ tỏ tỏ bởi đêm nay là đêm trăng khuyết. Đàn đom đóm làm bóng cây bần lớn bên sông sáng lên nhấp nháy, khiến cô gái không khỏi nhớ tới chàng trai vừa ra đi. Người ta không muốn làm đom đóm, phải thắp đèn đi tìm linh hồn nàng Bần dưới sông... Không biết giờ này người nói câu ấy đang làm gì. Angsumalin quay ra chiếc bàn góc phòng, mở cái hộp gỗ mỏng dài bọc nhung hai đầu ra, thử gõ vào nhạc cụ cất bên trong làm vang lên những tiếng trong trẻo, nốt trầm nốt cao cho tới khi thử hết nốt.

Một lúc sau tiếng đàn tam thập lục ngân vang trong đêm tối quyện vào tiếng gió rét thổi về lạnh lẽo. Giai điệu bài “Thiếu phụ ngâm”[17] da diết vang lên như thể người chơi đang truyền hết mọi suy tư cảm xúc của mình vào tiếng đàn.

[17] Bản đàn ‘Nang khruan’ (Thiếu phụ khóc than) này thực ra có nguồn gốc từ kịch thơ i-nau, đoạn nàng Unakan (hay Butsaba) khóc than thương nhớ chàng i-nau khi phải chia lìa nhau. Phần lời có những tên địa danh gắn với tích cổ, nhưng dịch giả chỉ giữ lại nội dung và giọng điệu chung để thể hiện nỗi lòng của Angsumalin.

Ôi chàng hỡi, giờ này nơi đó

Chàng ra sao, có khóc có buồn?

Từ ngày chàng đi xa trở lại

Cố nhân xưa, chốn cũ, chẳng còn.

Bà Orn ngừng làm việc nghe tiếng đàn thở dài... Giai điệu đang từ ba cung, đến đoạn cuối thu về cùng một cung.

Ôi làm sao gửi được thương nhớ

Cho chàng biết em giờ phương đây

Giá có người báo nơi em ở

Chẳng tiếc công, hẳn chàng sẽ đến tìm.

Tiếng đàn ngân dài ở câu cuối tựa hồ người chơi cũng có cùng tâm sự nhớ nhung da diết như lời nhạc. Gió lạnh càng thổi mạnh như đem tiếng đàn ấy vượt qua núi rừng sông suối, vang đến tận xứ sở xa xôi để kể lể với ai đó rằng hãy nhớ tới người đang than thở, trông ngóng từng ngày chờ đón người trở về.

Bà Orn cắm cúi làm việc tiếp nhưng trong lòng không khỏi nghĩ tới mình trước đây. Đã có thời cách đây không lâu lắm, bà cũng thường chơi chính cây đàn này khi rảnh rỗi. Trong lúc người đó đang ở nơi xa nghìn trùng, bà cũng dùng cây đàn để động viên mình, rồi sau này bẵng đi, bà không còn chơi nữa để khỏi chạnh lòng... Giờ đây, Angsumalin lại chơi cây đàn này vì một người con trai. Bà Orn không khỏi có linh cảm rằng người chơi đàn sẽ phải đợi chờ ai đó mãi mãi không có ngày gặp lại.

Tiếng đàn tam thập lục ngân vang giai điệu đoạn điệp khúc một lần nữa như thể nhấn mạnh cảm xúc của người chơi đàn rồi mới tắt hẳn...