Nghiệt duyên - Chương 10

Tin về tình hình chiến sự ở châu Âu lan tới Thái Lan nhưng không ảnh hưởng gì lắm đến cuộc sống thường nhật của mọi người, ngoại trừ mỗi khi mua sắm lại thấy bà Orn phàn nàn:

“Cứ khi nào bọn Tây đánh nhau là giá cả lại đắt đỏ.”

Angsumalin giấu kín nỗi lo lắng không yên trong lòng, còn bề ngoài cô vẫn giữ vẻ thoải mái bình thản. Càng ngày càng khó nhận được tin của Wanas hơn.

“... Có vẻ chiến tranh sẽ kéo dài. Động thái của Đức cho thấy nước này sẵn sàng nhảy vào cuộc chiến bất cứ lúc nào. Các nước châu Âu khác còn đang do dự không biết phải xử sự ra sao với con hổ mới nổi này. Anh cầu mong chiến tranh đừng xảy ra, bởi nếu chiến tranh nổ ra thật, anh không biết mình sẽ như thế nào. Nói thế không phải là anh sợ cho bản thân, nếu phải sợ thì chỉ sợ việc anh quay về đòi câu trả lời sẽ phải trì hoãn rất lâu nữa.”

Thỉnh thoảng, cô bàn luận chuyện chiến tranh với mẹ, đều bị bà gạt đi:

“Nếu có đánh nhau thật thì họ cũng đánh nhau tận bên đó, nước mình chắc không dính dáng gì đến chiến tranh đâu. Wanas chắc cũng không sao, nếu thấy tình hình không ổn là cậu ấy sẽ về thôi.”

Với thái độ như vậy, không mấy ai lo lắng về chiến tranh lắm nữa, mọi người chỉ mải chuẩn bị kỷ niệm ngày Hiến pháp sắp tới gần.

Chiếc thuyền gỗ lớn chèo nhanh tới, đuôi thuyền vẽ một đường vòng chuẩn bị tiến vào bến, khiến cô gái đang bơi đứng chỉ hở khuôn mặt trên mặt nước vội lặn xuống trốn dưới cây cầu. Khi chiếc thuyền đến gần, cô mới lặng lẽ ngoi lên ở cuối thuyền, thò bàn tay trắng muốt lạnh ngắt lên khẽ sờ vào chân người ngồi cuối.

“Úi, cái con bé này”.

Angsumalin bám vào mạn thuyền, đu người lên cười tươi, nước bám thành giọt long lanh khắp mặt và cánh tay cô.

“Con tưởng mẹ bảo đi ra bến Tian[18]?”

[18] Phát âm là Tiên.

“Xảy ra chuyện lớn rồi con.”

Nét mặt bà Orn lộ rõ vẻ hoảng hốt lo sợ khiến cô gái cũng phải giật mình.

“Chuyện gì thế mẹ?”

“Lúc nãy ở cửa kênh Bangkok Noi người ta kháo nhau rằng lính Nhật đổ vào từ đêm qua đấy con.”

“Sao lại thế ạ?”

“Con lên đây đã, lên nhà rồi nói chuyện.”

Bà Orn buộc chắc thuyền vào cây cầu trong khi Angsumalin vội vàng lên khỏi sông. Người mẹ chờ con xong mới đi cùng lên nhà.

“Con chẳng thấy có dấu hiệu gì cả.”

“Người ta bảo đài phát thanh thông báo từ đêm qua, trong thành phố đã đầy lính Nhật.”

“Nhanh như vậy ư mẹ?”

“Mẹ cũng không biết rõ. Thấy người ta bảo như thế là mẹ liền vội về nhà ngay.”

“Hứ... thật không tin nổi.”

Thế rồi tin đó cũng trở thành sự thật. Bóng đen chiến tranh dần bao trùm khắp nơi. Tin tức từ châu Âu bị cắt đứt mọi đường vì chính phủ Thái Lan quyết định tham gia phe phát xít.

Tin cuối cùng của Wanas mà Angsumalin nhận được là một lá thư ngắn ngủi nhàu nát vì được chuyền tay qua hàng chục lần rồi mới tới nơi.

“Chúng ta không tránh khỏi chiến tranh được rồi. Bên này đang xây dựng tổ chức hoạt động bí mật. Anh sẽ tham gia vào tổ chức này, chắc sẽ còn lâu mới được về gặp em. Nhưng cho dù anh ở đâu, mỗi khi anh nhìn thấy ánh mặt trời mang đến hơi ấm cho cơ thể và tâm hồn mình, anh sẽ lại nhớ đến em bởi em từng bảo tên em nghĩa là mặt trời chẳng phải sao?... Dẫu vậy, ở nơi đây hiếm khi nào thấy được ánh mặt trời, cũng giống như em lòng dạ sắt đá, chẳng mấy khi mở lòng với anh. Chờ anh thêm chút nữa nhé, đừng quên rằng Ang đã hứa sẽ đứng chờ anh dưới gốc cây bần để trả lời câu hỏi của anh: Em yêu anh một chút nào không...”

Angsumalin cất bức thư đó cùng với những bức thư khác trong chiếc hộp bánh mì nhỏ, để vào ngăn kéo mà cô cất album ảnh và đồ lưu niệm. Khi khóa ngăn kéo, cô có cảm giác như mình đang khóa chặt trái tim lại để chờ đợi chủ nhân bức thư ấy.

Chiếc xuồng nhỏ chở đầy người mặc quân phục ka ki màu xanh chạy xuôi ngược dọc khúc sông đã trở thành hình ảnh quen mắt, nhưng không ai thèm quan tâm, chỉ quay mặt nhìn đi hướng khác, thậm chí không chịu nói chuyện xã giao. Nhưng rồi chiếc xuồng ấy lại lao vút tới gần rồi đỗ lại ở bến nước, một người ngồi trên thuyền thoăn thoắt bước lên cây cầu, rồi quay xuống bảo hai ba câu gì đó, những người khác dưới thuyền không đi theo lên.

Cô gái ngừng tay khỏi việc hái hoa dủ dẻ, đứng thẳng người lên nhìn người đang đi tới một cách hững hờ.

“Angsumalin, mẹ cháu có nhà không?”

Người đàn ông thấp mặc bộ đồ kaki pha xanh, đeo kính cận dày cộp hỏi bằng tiếng Thái vẻ thân thiết.

“Có”.

Giọng nói gần như cộc, nhưng rồi lại kéo nhẹ ở cuối không cho quá cụt ngủn. Gương mặt người đối thoại vẫn nở nụ cười vui vẻ.

“Ichou itte imasu.”

Angsumalin vờ như không hiểu câu nói ấy.

“Không học có bao lâu đâu, đã quên hết những gì bác dạy rồi ư?”

Cô gái không trả lời tiếng nào.

Đôi mắt tròn đen, hơi nhỏ ánh lên nét cười như hiểu rõ điều cô nghĩ.

“Bác có việc muốn gặp mẹ cháu, bây giờ thì đã hiểu chưa?”

“Xin mời... ạ.”

Cô vừa đáp vừa thẳng lưng dẫn khách lên nhà. Vừa lên đến cầu thang, bà Orn đã hỏi:

“Ơ con, sao bảo...”

Nhưng ngay khi nhìn thấy người đi đằng sau, câu nói của bà trở nên ngập ngừng:

“Ơ... bác sĩ...”

Giọng nói vừa như thân thuộc, vừa như khó xử. Bà Orn lúng túng quay trái quay phải không biết phải làm gì.

“Con đi lấy nước mời bác sĩ đi chứ.”

“Không cần đâu chị, tôi chỉ ghé qua nói chút công chuyện thôi.”

Vừa nói ông vừa ngồi xuống, bỏ chiếc mũ ra, mái tóc cắt ngắn sát da đầu. Angsumalin ngồi xuống cách xa như thủ thế, nhưng có vẻ bác sĩ không nhận ra.

“Thế nào... Angsumalin, hết đau răng chưa? Khi nào bác rỗi sẽ khám lại cho, dạo này bận quá.”

Không thấy có câu trả lời từ phía chủ nhà nhưng người nói vẫn tiếp tục:

“Tôi là thầy thuốc, dù là bác sĩ nha khoa hay bác sĩ gì thì cũng có lương tâm nghề nghiệp, phải hết sức mình làm tròn trách nhiệm người thầy thuốc. Và vì là người Nhật, tôi còn phải có nghĩa vụ với quốc gia nữa, nghĩa là giờ đây tôi phải đồng thời thực hiện cả hai nhiệm vụ cho thật tốt. Tôi sống ở Thái Lan thấy rất thoải mái vui vẻ, cho nên đã quyết tâm dốc hết khả năng của mình ra làm tròn trách nhiệm người thầy thuốc. Nhưng rồi nghĩa vụ với quốc gia đến, tôi cũng phải nhận lấy, đó có phải lỗi của tôi không? Giờ thì chị Orn và cháu Angsumalin hiểu cho tôi chưa?”

Cô gái vẫn ngồi yên, còn bà Orn thì thở dài.

“Tôi với bác sĩ cũng có vấn đề gì đâu ạ, trước ra sao thì nay vẫn thế. Bác sĩ đến có việc gì không ạ?”

Bác sĩ Yoshi đẩy gọng kính lên, khẽ thở dài.

“Cũng có chút công chuyện. Giờ Thái Lan và Nhật Bản là đồng minh của nhau, tôi đương nhiên vui mừng hơn hết thảy. Quân đội Nhật Bản chỉ cần Thái Lan làm căn cứ đóng quân để điều binh đi nơi khác, chắc không gây khó khăn gì lắm. Đây cũng là điều mà tôi lấy làm mừng, vì tôi đã làm việc kiếm sống ở mảnh đất này bao lâu nay, không muốn nơi đây xảy ra chuyện gì. Giai đoạn này, quân đội sắp sửa đưa người và vũ khí đạn dược đến. Điều quan trọng cần chuẩn bị là việc liên lạc giữa Thái và Nhật, chúng tôi cần rất nhiều phiên dịch để giúp liên lạc giữa quân đội hai nước.”

Angsumalin lập tức mím môi, nhưng vẫn không chịu nói gì.

“Công việc này khó tìm người nên thù lao khá cao, bác liền nghĩ tới Angsumalin, với những gì đã học từ bác, Angsumalin có thể nghe nói không tồi, phải không...?”

“Cháu quên hết rồi!”

Cô gái trả lời thẳng thừng. Bà Orn ngay lập tức đưa mắt nhìn:

“Con...”

Lời nhắc nhở khiến cô gái phải nói lễ phép hơn:

“Cháu không giúp gì được đâu... ạ.”

Người mẹ quay lại tỏ vẻ khó xử và ái ngại.

“Cháu nó chắc là quên thật rồi thưa bác sĩ. Hơn nữa cháu nó vẫn đang đi học, nếu đi làm nữa chắc là khó rồi ạ.”

Bác sĩ Yoshi vội vàng xua tay.

“Không sao chị Orn, không sao. Bác không dọa nạt bắt Angsumalin đi làm. Như bác đã nói đấy, bác thấy công việc này lương tốt nên nghĩ đến học trò thôi.

Lúc đầu có thể nói chưa trôi chảy lắm nhưng nếu được luyện nghe nói hằng ngày thì chẳng bao lâu sẽ giỏi. Hơn nữa, người làm việc này có cơ hội được cử đi làm đại sứ văn hóa ở Nhật nữa!”

“Cháu không muốn đi.”

Gương mặt tròn trắng hơi xìu xuống thất vọng.

“Không sao Angsumalin, bác hiểu...”

“Con bé này!”

Bà Orn nghiêm giọng lần nữa. Bác sĩ Yoshi lấy mũ đội, từ từ đứng lên.

“Bác sĩ đã về rồi ạ?”

“Chắc tôi phải về đây, còn nhiều việc quá. Năm nay, vườn trái cây của chị Orn thế nào?”

“Cũng... tốt ạ.” Giọng bà có vẻ trả lời miễn cưỡng.

“Chị Orn có muốn nhận cung cấp hàng cho bộ phận Hậu cần không? Tôi sẽ nói giúp. Hoặc nếu không buôn hàng khác, chỉ cần đưa trái cây là đã quá đủ rồi, đi mua hết trái cây ở quanh đây đem bán cho họ, bao nhiêu họ cũng nhận mua hết, thu nhập không hề nhỏ đâu.”

“Rất tiếc thưa bác sĩ. Nhà cháu không có đâu!”

Angsumalin xen vào, giọng nói thản nhiên. Bà Orn thở dài, nhăn mày với con gái rồi quay ra nhẹ nhàng trả lời:

“Như cháu nó nói đấy thưa bác sĩ. Chúng tôi bán hết cả rồi. Nếu bản thân bác sĩ có việc riêng gì cần tôi giúp đỡ thì mời đến lúc nào cũng được ạ.”

Ông người Nhật trung niên hơi mỉm cười, không tỏ thái độ gì.

“Cảm ơn chị Orn nhiều, cảm ơn. Nếu giúp được gì chị thì tôi cũng rất sẵn lòng. Rất tiếc là đã đến làm phiền, xin lỗi chị.”

Bác sĩ Yoshi quay sang cô gái, đôi mắt tròn đen mang vẻ thông cảm lẫn độ lượng.

“Angsumalin hẳn không thích thú gì khi bác đến... Cháu còn nhỏ, vẫn chưa hiểu nhiều điều...”

“Cháu không phải là trẻ con nữa. Cháu hiểu rõ mọi việc!”

“Một phần, bác vui khi thấy Angsumalin là cô gái như thế này, vì trẻ em Nhật Bản cũng được dạy dỗ để suy nghĩ như Angsumalin đang nghĩ. Điều bác lấy làm buồn là chúng ta không hiểu nhau. Angsumalin chưa phân biệt được chuyện riêng, chuyện công. Khi nào cháu trưởng thành hơn, cháu sẽ hiểu thêm nhiều điều. Bác về đây. Tiếng Nhật mà bác dạy, tuy Angsumalin bảo là đã quên hết, bác cũng muốn cháu cố gắng ôn luyện lại. Biết đâu mai sau nó lại giúp được mình, biết đâu đến khi Angsumalin hiểu chuyện rồi, chúng ta lại là thầy trò của nhau... Bác xin phép nhé.”

Ông bác sĩ dáng người thấp đậm, khép chân đứng chào hai mẹ con một cách lịch sự rồi cắm cúi bước xuống cầu thang đi mất.

“Con căm thù!” Angsumalin hét lên hết cỡ.

“Angsumalin!” Bà Orn nghiêm giọng mắng ngay:

“Nếu con có ghét ai, con cũng không được thể hiện thái độ như thế.”

Cô gái xịu mặt xuống vì ít khi thấy mẹ mắng mình.

“Bác sĩ là người tốt. Trên bàn tay, ngón nào hỏng thì con cắt đứt ngón đấy thôi. Con không nên thể hiện thái độ như vậy với tất cả người Nhật.”

“Có việc gì mà tự dưng ông ấy lại dây đến con.”

“Bác sĩ quen biết ta từ lâu, biết con từ bé. Nếu ông ấy nói là muốn tốt cho mình, nghĩa là thực sự ông ấy có ý vậy.”

“Con lại nghĩ là không phải. Chẳng phải con từng nhận xét với mẹ, bác sĩ trông giống quân nhân hơn là thầy thuốc ạ? Hóa ra đúng thế. Bác sĩ Yoshi này cũng giống như bọn người Nhật đến đây làm các nghề khác để che mắt thiên hạ, nhưng thật ra là làm gián điệp ở nước mình. Nếu không ông ấy đã không mở phòng khám ở khu cửa sông Bangkok Noi, để còn tiện bề quan sát giao thông vận tải đường sông của ta. Con nghi lắm.”

“Con đừng nhìn mọi thứ từ mặt tiêu cực hết thế.”

“Mẹ thử nghĩ xem là con nói đúng không ạ?”

“Thế nếu con là người Thái sang sống ở Nhật, giả sử nếu chiến tranh thế này xảy ra, con sẽ làm thế nào?”

“Thì con cứ ở yên không tham gia gì cả.”

“Chiến tranh không cho ai ở yên ổn được đâu con, ta sẽ luôn phải đứng về một phe nào đó. Nhưng đó là chung, chuyện quốc gia đại sự, phải tách biệt khỏi tình cảm của mình. Nếu con không thể phân biệt được thì rồi chính con sẽ khổ!”