Nghiệt duyên - Chương 11

Bóng đen chiến tranh ngày càng rõ rệt đó cũng không gây nhiều thiệt hại cho người dân bằng nước lũ từ miền ngược ào ạt đổ về khiến tất cả mọi nơi đều ngập nước. Các vườn cây trái chìm nghỉm trong nước, chỉ có những cây to là còn có thể vươn cao tán lá. Rặng dừa thơm chỉ còn nửa thân trên ngoi trên mặt nước, cây hoàng lan cuối vườn chỉ còn cành nhánh trơ trụi. Cả vườn cam cũng đều chỉ thấy ngọn mấp mé trong nước.

Ngôi nhà kiểu Thái truyền thống có sàn cao nên may mắn thoát khỏi nạn lụt. Việc đi lại chủ yếu dùng thuyền. Các trường học cả phổ thông lẫn đại học đều phải đóng cửa. Đồng thời, giá cả sinh hoạt tăng vọt, trong khi thu nhập của gia đình Angsumalin lại giảm sút. Ba mẹ con bà cháu phải dựa vào nguồn tiết kiệm trước nay để sống qua ngày, lòng cầu khẩn nước hãy rút mau. Nhưng đến khi nước rút, nó cũng cuốn theo mọi thứ, vườn tược chỉ còn trơ lại bùn đất nhão nhoét, cây trái hoa màu mất sạch chẳng còn gì. Bà Orn đưa mắt nhìn khắp vườn mà nản lòng.

“Chẳng còn gì cả, phải trồng lại hết.”

“Thôi đành vậy mẹ, mình bắt đầu lại từ đầu vậy.”

Giọng cô con gái khiến bà mẹ quay sang nhìn. Gương mặt trắng xanh toát lên nét kiên cường, gan góc, đôi môi mím chặt, đôi mắt đen to tròn ánh lên ý chí không chịu thua cuộc.

“Nhưng chờ được thu hoạch cũng còn lâu lắm.” Bà Orn lẩm bẩm.

“Mình đừng vội trồng cam mẹ ạ, vì phải nhiều năm mới cho quả. Giờ con nghĩ mình tranh thủ trồng chuối là hơn, ra buồng là có thể bán được luôn.”

“Thế trường đại học của con thì sao? Con đi xem tin tức thế nào chưa, khi nào thì trường mở cửa trở lại?”

Câu hỏi của bà mẹ làm cô gái lập tức lặng đi, đôi mắt nhìn đăm đăm về phía trước:

“Con không đi nghe tin tức gì đâu ạ.”

“Kìa... sao vậy con?”

Đôi mắt ấy quay ra nhìn mẹ, ánh lên vẻ quyết tâm, đôi môi tái tái khô khốc:

“Con nghĩ có khi... con sẽ... bỏ học...”

“Hả... tại sao?”

“Trận lụt này, con biết là mẹ phải lấy hết tiền tiết kiệm ra chi tiêu, giờ mình lại còn phải kiếm tiền để sinh hoạt và đầu tư lại cho tới khi phục hồi được vườn. Nếu con vẫn tiếp tục đi học thì mẹ sẽ làm thế nào?”

“Mẹ vẫn có thể xoay xở được mà con. Bây giờ mẹ sẽ đi vay tạm người ta một khoản tiền, đến khi nào chuối thu hoạch được thì mình trả lại người ta. Con cứ học đi, chẳng còn bao lâu nữa là tốt nghiệp rồi.”

Đôi môi tái của cô khẽ nở nụ cười chua xót:

“Khoản vay mà mẹ nói, mẹ định kiếm ở đâu ạ?... Ai ai người ta cũng như ta cả. Giờ mọi thứ đều đắt đỏ.”

Bà Orn thở dài:

“Thôi được rồi con. Con đừng vội quyết định gì ngay lập tức, từ từ nghĩ từ từ tính thì hơn. Bây giờ ta phải tìm người đến giúp chặt hết những cây cam này đi đã, rồi kiếm chuối về trồng. Mấy cây dừa ấy chịu nước giỏi thật, xoài chỉ còn lại được vài cây. Hoàng lan cũng chết, cái giống này vốn đã không ưa nước. Sầu đâu của con cũng hỏng cả.”

Câu cuối làm cô phải khó khăn như nuốt cục gì nghèn nghẹn dâng lên trong cổ. Ở gốc cây sầu đâu ấy, cách đây chưa lâu, một chàng trai cao lớn, khỏe mạnh còn vui vẻ đứng hét lên trêu chọc cô. Giờ này, cậu đang ở tận nơi đâu, đầy đủ hay thiếu thốn, cực khổ thế nào... Angsumalin cố xua đuổi hình ảnh ấy khỏi suy nghĩ của mình.

“Con nghĩ mình không phải thuê người đến giúp đâu mẹ. Tiền mình vốn đã chẳng có nhiều, để dành đó chi tiêu cho tới lúc chuối ra hoa. Hai mẹ con mình từ từ cùng nhau làm chắc cũng được thôi.”

“Mẹ thì không sao, nhưng con có làm nổi không?”

“Nổi chứ ạ.” Giọng cô quả quyết.

“Con nhà làm vườn, có lẽ nào lại không đào đất chặt cây được ạ?”

“Thế ngày mai ta bắt đầu làm từ sớm... Cau vẫn còn, bà có cau ăn, nhưng trầu ông thì phải trồng lại.”

Angsumalin bắt đầu công việc từ sáng sớm. Những cây cam chỉ còn trơ cành bị đốn hết cây này đến cây khác. Dáng người bé nhỏ trong bộ quần áo đen dính đầy bùn lấm lem làm việc như một cái máy. Lâu lâu bà Orn lại kêu lên hỏi:

“Mệt không con? Nghỉ đã nhé?”

“Con không mệt ạ.”

Nhưng đến tối, đôi bàn tay vốn chỉ quen cầm sách vở phồng tấy lên. Người bà liền đem dầu dừa pha với nước cốt gừng dại và muối, lấy vải quấn vào đầu que chấm chất lỏng khéo léo bôi lên vết thương.

“Hơi rát tí nhé cháu, nhưng sẽ chóng khỏi.”

Bà Orn lật bàn tay sưng đỏ của con gái xót xa: “Thôi con ạ, con đừng làm nữa. Để đấy mẹ làm cho.”

Cô gái ngẩng lên nhìn mẹ, lắc đầu:

“Không sao đâu ạ. Con không muốn ngồi một chỗ trong khi mẹ làm việc quần quật.”

“Nhưng bây giờ tay con đau thế phải nghỉ đã.”

“Mai là sẽ đỡ thôi ạ, con sẽ quấn vải vào là được.”

Gần một tháng sau, những gốc cam đã bị đào lên hết, chỉ còn nốt việc trồng chuối. Bà Orn quạt cái nón phe phẩy vào mình, quay ra cười với cô con gái đang đứng lau mồ hôi gần đó:

“Gần xong rồi con nhỉ. Trồng chuối xong là mẹ con mình đỡ rồi.”

“Mẹ định đi mua cây giống ở đâu ạ?”

“Bến sông Tian. Mình đã đào hố hết rồi, còn mỗi việc là đem cây giống về trồng. Ngày mai con cứ nghỉ đi, mẹ sẽ đi bến Tian.”

“Để con đi chèo thuyền giúp mẹ. Lúc đi thì không sao nhưng lúc về chắc là nặng lắm, nước cũng xiết.”

Bà Orn nhìn thân hình mảnh mai của con gái mà thương:

“Không cần đâu con. Con ở nhà trông bà thì hơn, dạo này bà đi lại khó khăn, nhỡ cần gì bà còn gọi sai.”

Angsumalin ngồi xuống cành cây gần đó, vén lọn tóc bị sổ ra xòa xuống cổ, lấy cặp kẹp lại cho đỡ vướng. Bím tóc dài tết vòng quanh đầu làm cho khuôn mặt trắng mịn màng trông như cẩm thạch, má và đôi môi ửng hồng vì nóng.

“Năm nay bà không được khỏe mẹ nhỉ.”

“Thì bà cũng tuổi cao rồi con. À mà người ta bảo cái xưởng đóng tàu cạnh nhà mình, người Nhật đến mua lại rồi.”

“Cái xưởng bé tí thì đóng gì được thuyền ạ?”

“Chắc là thuyền tải hàng thôi con. Chiến tranh bên đó không biết thế nào rồi. Người ta đồn là quân Nhật sẽ tiến vào Miến Điện nữa.”

Đôi mắt đen, to tròn ánh lên những tia căm thù.

“Con ghét người Nhật.”

“Hừ, đừng nói to thế con. Những lúc tình hình nhạy cảm thế này, con không nên nói vậy, ai nghe thấy thì mình lại bị vạ miệng.”

Nét mặt lo sợ của bà Orn làm cô gái không nén nổi cười phá lên:

“Trời, con nói chuyện với mẹ có hai mẹ con, có phải ai ở đâu đâu mà mẹ sợ thế.”

“Tốt nhất là mình đừng có nói. Người ta không đụng đến mình, mình cũng sinh sống làm ăn việc của mình, không liên quan đến nhau. Người ta làm gì cũng là việc của người ta.”

“Nếu thế thì chúng phải về nước đi chứ ạ, thì sẽ chẳng có ai đụng đến. Đằng này, đây là nước ta, nhà ta.”

“Đó là chuyện chính trị, mình đừng quan tâm đến con ơi. Mẹ con mình về nhà ăn cơm đi. Dạo này thực phẩm đắt đỏ quá. Không biết các nước khác có thế không?”

Câu nói của mẹ làm cô không khỏi nhớ tới người đang ở chốn xa xôi, không biết giờ này đang như thế nào. Ánh nắng chói chang rọi xuống từng luồng sáng vàng rực xuyên qua tán cây, tạo bóng thành những hình dạng khác nhau trên mặt đất... Tên em nghĩa là mặt trời không phải sao? Mỗi khi nhìn thấy vầng dương, anh sẽ lại nhớ đến em.

“Lên nhà đi con, giờ này chắc bà đang mong rồi.”

Dòng nước đục ngầu một màu đỏ quạch, chảy xiết nên tạo ra những xoáy nước giữa dòng. Đám lục bình lớn trôi dạt theo dòng nước xiết khiến thuyền bè qua lại phải tránh vội. Cô gái nhỏ đang bơi lặn mé sông có vẻ không quan tâm. Thỉnh thoảng, cô còn bơi ngược dòng rồi thả mình cho trôi theo dòng nước quay trở lại, khi mệt thì bám vào chân cầu thang, vắt nước từ mái tóc xõa dài che kín lưng. Tiếng búa gõ dồn dập vào kim loại vang lên khiến cô quay về phía xưởng đóng tàu gần đó nhìn chăm chú. Khu vực phía trước xưởng neo đầy thuyền gỗ và thuyền sắt mới đóng xong, đầu thuyền có dạng hình thang trông khá lạ mắt. Sau khi ngó nghiêng xem một lúc, cô quyết định bơi dọc theo bờ vào gần hơn. Cạnh xưởng đóng tàu có một con rạch nhỏ dẫn sâu vào trong, hai bên trồng cây cối um tùm. Bờ sông phía nhà xưởng làm thành một cái bến neo thuyền đơn giản, có một chiếc xuồng máy màu trắng đang đỗ. Angsumalin lặn xuống dưới rồi ngoi lên cạnh chiếc xuồng, khẽ khỏa nước bơi tới bám vào rễ cây gần đó, nhìn vào phía trong xưởng. Phía trong khá tối, chỉ nhìn thấy bóng của hàng chục người đang đi lại, cùng với tiếng nói cười bằng tiếng Nhật, nhưng vì nói nhanh nên cô gái nghe không được rõ.

“Osamui desuka?”

Giọng nói ồm ồm cùng với tiếng cười vang từ đằng sau làm cô gái giật thót mình, vội quay đầu lại.

“Ohayou gozaimasu.”

Trên chiếc xuồng trắng đỗ sát bến đó, hóa ra có một người đàn ông đang nằm sửa động cơ mà cô không để ý thấy, cho tới khi anh ta cất tiếng chào. Gương mặt vừa nhô lên có nước da trắng tương phản với những vết lem xanh thành từng vệt trên má và môi. Đôi mắt dài và nhỏ, ánh lên nét tươi vui, mái tóc cắt ngắn như kiểu tóc học sinh. Khi cô quay ngoắt lại, anh ta cười tươi khoe hàm răng trắng và đứng lên, thấy rõ dáng người cao lớn trong bộ quân phục màu xanh lá. Angsumalin vẫn im lặng nhìn chăm chú. Người đàn ông dáng cao cao ấy bèn cúi xuống phía cô.

“Eigo ga hanasemasu ka?”

Cô gái im lặng. Dù hiểu hết những gì anh ta nói nhưng cô không trả lời, chỉ lặn xuống sâu hơn cho nước ngập đến cổ.

Đôi môi đỏ tươi như vừa từ xứ lạnh đến hơi mỉm cười, rồi anh ta cúi đầu chào, hỏi cô bằng thứ tiếng Anh không chuẩn:

“Cô có hiểu tôi nói gì không? Tôi hỏi Cô có lạnh không, Xin chào và hỏi Cô nói tiếng Anh được không?”

Angsumalin chỉ nhìn chằm chằm bằng ánh mắt lạnh lùng, rồi thả người trôi chầm chậm theo dòng nước. Đôi mắt dài, nhỏ chợt ánh lên trước khi anh ta chỉ chỉ ra gần đó, nói câu tiếng Anh vẻ hoảng hốt:

“Rắn, rắn ở đằng sau cô kìa!”

Cô gái giật mình, vội quay phắt ra phía sau.

“Đấy thấy chưa, cô biết tiếng Anh mà!”

Giọng nói pha tiếng cười đắc tháng, làm cô quay lại nhìn anh ta với ánh mắt dữ dằn. Nhưng người kia vẫn cười vui vẻ:

“Dochira ni sunde imasu ka?”

Anh ta lại cúi đầu lần nữa, rồi dịch câu nói ấy sang tiếng Anh một cách khó khăn.

“Cô ở đâu? Tiếc là tôi lại nói tiếng Anh không được nhiều...”

Angsumalin bơi đứng lùi ra xa, được một quãng cô quay lại nhìn, đập mạnh nước và bơi thẳng về trước, nhưng vẫn nghe thấy tiếng nói với theo sau:

“Hai...”

Khi cô quay lại nhìn lần nữa thì thấy anh ta lấy tay quệt nước bắn trên mặt, nhưng dầu máy lại làm cho khuôn mặt trắng lấm lem đen sì. Thế mà anh ta còn vẫy tay chào cô:

“Sayounara...”

Angsumalin vội lặn xuống nước trước khi anh ta nói hết câu. Khi ngồi trở lại trên mặt sông, cô phun mạnh hơi ra khỏi miệng như thể muốn xua sạch lòng căm ghét khỏi tim mình.