Nghiệt duyên - Chương 15

Tất cả những kẻ xâm phạm bị bắt xếp hàng, thất thểu đi về. Viên kỹ sư trưởng phụ trách bước theo sau với vẻ mặt nghiêm nghị. Khi đi qua cô gái, anh ta hơi hé mở đôi môi đỏ như định cất lời nói gì đó, nhưng bắt gặp ánh mắt đầy vẻ căm ghét ấy liền thở dài, im lặng bước qua. Bà Orn quay lại nhìn xung quanh, khẽ hỏi:

“Hai thúng chuối tiêu, dừa... mà vỏ dừa của mình họ lấy ra làm gì mà bổ tung tóe thế này mẹ?”

“Chắc họ muốn tìm dừa non ăn. Mẹ thấy nói chuyện với nhau cứ lỗ lỗ lễ lễ chẳng hiểu gì. Hình như tất cả đều say nên càng khoái trí.”

“Hứ... muốn làm gì là cứ làm tùy thích. Con muốn biết là rồi đây ai sẽ đền bù cho mình!” Angsumalin kéo dài giọng một cách tức tối.

“Thôi kệ đi con. Thiệt hại ngần này cũng không bao nhiêu. May là mình về kịp, không thì khéo họ còn chặt mất cây dừa thơm này của mình nữa.”

Bà Orn bắt đầu dọn vỏ chuối vung vãi khắp nơi vứt vào thúng. Cô gái bèn vào giúp mẹ nhưng miệng vẫn không ngừng phàn nàn:

“Nó nói nó sẽ xử lý việc này cho chúng ta, con muốn xem nó định làm thế nào. Người Nhật đã hứa là sẽ giữ lời... Người của nó thì muốn làm gì thì làm, khiến dân tình khổ sở điêu đứng. Như thế này cũng coi là ăn trộm, người Nhật cũng biết ăn trộm như người Thái thôi. Nhưng nếu người Nhật ăn trộm của người Thái thì coi như không sao.”

“Chỉ có một ít đồ ăn hoa quả như vậy cũng chẳng sao đâu con. Chắc là do họ đói thôi.”

“Chỉ có một ít... Chuối này, con cũng coi là vật tư chiến lược của con. Nó viện cớ xăng dầu, con cũng viện cớ chuối được chứ.”

“Con cũng thật là.” Bà Orn không nén nổi cười. “Đã ghét ai là cứ ghét cả đời. Có chút ít cũng không chịu bỏ qua. Chuyện đã xảy ra thì cho qua đi con, đằng nào chuối cũng không lấy lại được. Cái đứa mặt mũi ranh mãnh ấy cũng bị ăn tát rồi, coi như xí xóa. Nghĩ lại cảnh nó nhảy múa trêu con mà không nhịn được cười, lại còn lắc mặt nhíu mày nữa chứ.”

Angsumalin mặt nín cười vì tức, nhưng rồi cũng phải phì ra:

“Nếu con không tức bốc khói lên đầu thì chắc con cũng bật cười rồi.”

Nhưng rồi buổi chiều hôm đó, bà Orn cùng với con gái được mời sang xưởng đóng tàu. Người lính đến báo tin chỉ nói ngắn gọn rằng: “Đại úy hải quân Kobori mời hai người đến gặp bây giờ.”

Bà Orn quay sang nhìn con thắc mắc:

“Cậu ta nói gì thế con?”

“Anh ta bảo đại úy hải quân Kobori, người nào chẳng biết, cho mời mẹ và con đến xưởng ngay bây giờ.”

“Ơ... có chuyện gì vậy? Mình có việc gì liên quan đến ông ta đâu.”

“Hay là chuyện buổi sáng ạ?”

“Chuyện đã qua rồi thì cho qua, mẹ có để bụng gì đâu. Con nói với anh ta là thôi bỏ qua, coi như là xin mình chút đồ ăn thôi.”

“Cứ đi đi mẹ. Con cũng muốn biết họ sẽ nói gì, thử đi xem miệng lưỡi họ thế nào.”

“Hừ, mẹ nghĩ là rồi lại rắc rối to.”

“Trời... đi đi mà mẹ. Sợ gì, mình có sai đâu. Họ sẽ làm gì mình được chứ, người của họ sai lè lè. Con nghĩ giỏi lắm mời mình lên xin lỗi là xong thôi.”

Nhưng khi hai mẹ con đến khoảng sân rộng đằng sau xưởng đóng tàu thì thấy sân lại bị chăng dây lần nữa. Tất cả nhân công trong xưởng đứng bao quanh sân. Thấy thế, Angsumalin liền sửng sốt. Bà Orn đưa tay ra bám chặt lấy cánh tay con, nói giọng run rẩy:

“Ối lại làm gì thế kia? Họ định làm gì mình?”

“Hứ... mình có làm sai đâu mẹ, sao phải sợ. Cái lão Kobori kia dám làm gì mình.”

“Nhỡ ông ta lại kiếm cớ là con khinh thường miệt thị gì họ thì chết. Ôi trời...” Bà Orn thì thào. “Đáng nhẽ con không nên đi, mẹ đã bảo con rồi.”

Một người cao lớn lừng lững, mặc quân phục chỉnh tề màu trắng, bước nhanh tới.

“Nó đến rồi kìa... Trời... Ang ơi... Ơ... Hóa ra chính là cái cậu ấy.”

Nói đến đây, giọng bà Orn nghe mừng rỡ hẳn khiến cô gái phải quay lại nhìn. Chỉ mới thấy đôi môi đỏ tươi hơi hé cười, đôi mày cô đã chau lại.

“Xin mời.”

Cử chỉ và giọng nói lịch thiệp đó cũng không làm đôi mày cô dãn ra.

“Thay mặt cho quân đội Thiên Hoàng, chúng tôi rất lấy làm tiếc về sự việc đáng xấu hổ đã xảy ra. Cả những người lính đó cũng cảm thấy hối lỗi. Vì vậy, chúng tôi mời các vị đến chứng kiến nhóm lính trên tự trừng phạt nhận lỗi.”

Rồi không chờ nghe câu trả lời, vóc dáng cao thẳng đó lại đi nhanh tới khu giữa sân, chỗ cả nhóm lính đang đứng chờ sẵn. Ngay khi cô gái và bà mẹ bước tới, họ đồng loạt làm động tác chào răm rắp. Người đứng đầu hàng mà cô nhớ ra chính là tên đã chặt dừa và múa may trêu chọc cô bước tới, xin lỗi bằng giọng ồm nặng và khá nhanh nên cô nghe không rõ, sau đó lùi lại cúi mình cùng với cả nhóm một cách khiêm nhường. Angsumalin đứng nhìn với vẻ mặt thản nhiên, và làm bộ chuẩn bị ra về.

“Chắc nghi thức xin lỗi thế là xong nhỉ, để chúng tôi còn về nhà?”

Đôi mắt đen dài dẹt vẫn đang nhìn cô chăm chú toát lên vẻ lạnh lùng:

“Vừa rồi là phần xin lỗi và tiếp theo đây là trừng phạt! Hình phạt cho tội ăn trộm hẳn nhiên là như nhau, cho dù kẻ ăn trộm là người Thái hay người Nhật! Tội này thuộc vào mức hình phạt nhẹ vì toán lính đó đã tự giác nhận lỗi. Bọn họ chọn cách tự trừng phạt mình theo cách mà chúng tôi đã dùng để trị tội người khác trước đây.”

“Úi... cái gì thế kia, con?”

Cô gái quay phắt ra phía giữa sân. Đằng sau lưng hàng lính đó là một mẹt chất cao đầy những chuối. Cả toán lính ngồi xếp bằng tròn vòng quanh, cắm cúi bóc chuối ăn từ từ. Angsumalin vội quay sang nhìn khuôn mặt điềm nhiên đó:

“Thế này nghĩa là...?”

Gương mặt đã đỏ lên vì rám nắng của anh ta nhìn thẳng vào những người lính dưới quyền chỉ huy của mình.

“Hình phạt dành cho họ... Người Nhật đã hứa thì nhất định giữ lời!”

Cô gái nín thở, quay ra nhìn đám người đó lần nữa. Mọi người có mặt trong khu vực sân đều ngồi im, chăm chú xem nhóm lính tự trừng phạt mình bằng hình thức kỳ quặc là bóc chuối đưa lên miệng ăn hết quả này đến quả khác, đống vỏ chuối cạnh mỗi người càng lúc càng cao hơn.

“Dừng... dừng lại đi!”

Angsumalin thét lên dữ tợn:

“Dã man. Tàn bạo.”

Người đang đứng gần đó hơi mỉm cười, nét mặt vẫn thản nhiên như không có chút cảm xúc nào.

“Đây chẳng phải là điều cô muốn sao? Chẳng phải là công lý sao?”

“Hãy thôi đi... Thôi cái kiểu trừng trị điên rồ này ngay đi.”

“Không thôi được!” Giọng nói đó dứt khoát. “Cũng như khi bọn họ không thể dừng trừng phạt hai người Thái đó, vì cùng một lý do.” Đôi môi cô gái khô khốc, run run.

“Anh là người độc ác nhất mà tôi từng thấy, độc ác với mọi người, ngay cả với người của mình...” Angsumalin nắm lấy tay mẹ giật khẽ: “Đi thôi mẹ ơi.” Bà Orn vội bước theo con, miệng lẩm bẩm:

“Trời ơi... sao lại làm thế này không biết? Rồi tha hồ mà nghẹn chết mất. Đúng là nghiệp chướng... Mà sao lại có kiểu trị tội như vậy cơ chứ. Tại con không bảo với cậu ta đấy, là mình muốn cho qua, đừng có trừng phạt đám người đó, chỉ thêm thù oán nhau. Hai thúng chuối có mấy đồng bạt đâu, coi như mẹ cho họ... Lần sau mà muốn ăn thì cứ đến xin tử tế là không có chuyện gì.”

“Kẻ tâm địa độc ác như vậy, mình có nói cũng không hiểu đâu mẹ!”

“Trông mặt mũi thì còn trẻ lắm, lẽ ra không thể có hàm đại úy được. Tên cậu ta là gì con nhỉ?” Cô gái không chịu trả lời câu hỏi, để mặc cho bà Orn nói tiếp.

“Chắc chính cái cậu này là cháu trai của Tư lệnh mà lão Pol kể, là kỹ sư trưởng đấy mà, thảo nào đám lính nể sợ thế. Trông cũng có vẻ là người tốt, không lẽ nào lại nhẫn tâm đâu.”

“Ối thì người xưa đã nói là khẩu Phật tâm xà mà mẹ, như anh ta chẳng hạn.”

“Nhưng... mẹ nghĩ là... cậu ta làm thế là đúng đấy con. Khi người của mình mắc lỗi sai với họ, họ trừng trị theo cách của họ. Nếu người của họ gây chuyện với mình mà cậu ta không phạt thì cũng không công bằng. Nếu cậu ta không ra tay, mọi người lại nói xấu. Cậu ta làm vậy là phải rồi, con.”

Câu tiếp theo, bà vừa nói vừa cố kìm tiếng cười khẽ:

“Nếu cậu ta không trị tội người của mình, thể nào con cũng buộc tội là cậu ta cậy quyền đối xử không công bằng với người Thái, coi như cái cậu Ko Ko Bo Bo gì đó đằng nào cũng chết.”

“Con ghét nó!”

“Con nói năng vậy không hay chút nào. Cứ hễ mở miệng nhắc đến là gọi ‘nó’. Dù gì cậu ta cũng là sĩ quan có hàm có bậc, con gọi xách mé như vậy không hay đâu, ngay cả khi cậu ta là người nước ngoài. Mẹ quan sát thấy cậu ta cũng là người được đấy. Trong giờ làm việc thì nghiêm túc, chỉ huy người khác đâu ra đấy. Hết nhiệm vụ lại cũng như mọi thanh niên, đi chơi trò chuyện với người nọ người kia. Mẹ nhớ ra rồi... tên là Kobori, gần giống với Dookmali[23], cứ gọi thế cho dễ nhớ.”

[23] Dookmali (Đoọc-ma-li) trong tiếng Thái nghĩa là hoa nhài.

Nếu không vì nhân vật được nhắc đến là người cô ghét thì Angsumalin hẳn đã phải phá lên cười vì cách ghi nhớ tên của bà Orn.

Cách trừng phạt nghiêm khắc đó nhanh chóng được đồn đi khắp vùng, làm cho mọi người đều chừa, không dám vào tắt mắt, nhặt nhạnh thứ gì trong xưởng tàu đó nữa. Đồng thời người dân miệt vườn nơi đây bắt đầu quen với việc những toán lớn lính Nhật xin vào thăm vườn, đường hoàng mua cái nọ bán cái kia. Có khi nếu quý nhau thì chủ vườn còn cho thêm mỗi người một túi to hoa quả mà không tính thêm tiền, còn phía người Nhật đền đáp lại bằng cách đem những thực phẩm thiết yếu hằng ngày nhưng rất đắt đỏ vào thời điểm đó như cà phê, đường, đồ hộp, v.v đến phân phát, trao đổi tùy theo hai bên thỏa thuận với nhau. Ngoại trừ nhà vườn nằm cách xưởng đóng tàu có một con lạch nhỏ phân ranh giới, cứ mỗi lần lính Nhật vào xin mua trái cây, nếu gặp cô chủ vườn xinh đẹp là đều bị cô nhăn mày nhăn mặt, trả lời ngắn gọn:

“Không bán!”

Nhưng nếu may mắn gặp bà mẹ tuổi trung niên, trông tươi cười vui vẻ thì tình hình sẽ ngược lại, nghĩa là được bà cho hoa quả mà không phải trả tiền hay trao đổi hàng hóa gì hết. Angsumalin tức tối đến mức ca thán:

“Cớ gì mà mẹ lại phân phát cho chúng hết như vậy. Mình phải trồng bao nhiêu công mới được.”

“Mẹ có bao giờ thấy con hẹp hòi với ai như thế này đâu.”

“Thì tại mẹ lại cho nó miễn phí như vậy chứ sao ạ?”

“Người ta ở sát cạnh mình, mình cũng phải có tấm lòng hòa hiếu chứ con. Họ tốt với mình thì mình tốt với họ, sẽ không xảy ra chuyện. Họ là quân đội, có vũ khí trong tay, nếu mình có gì bất hòa với họ thì mình chỉ có thiệt. Có chút ít trái cây cho họ đem đi ăn, mình cũng được phước. Cứ xem hôm trước ấy, không biết ai đem một túi đường đến để đó cho mình, đường trắng tinh. Đó cũng là vì mình rộng rãi với họ trước. Bây giờ đường cát đắt như gì, lại còn màu vàng vàng nữa chứ.”

“Con chẳng thèm, ăn đường đỏ cũng được.”

“Con thì lúc nào cũng chỉ nghĩ thù hằn họ. Mẹ thấy họ đã làm gì con đâu nào.”

Angsumalin không trả lời, nhưng trong lòng cô thầm đổ lỗi cho chiến tranh đã góp phần khiến cho ai đó ngày càng cách xa cô. Nhiều lần cô thường hay ra đứng trầm ngâm một mình dưới gốc cây bần ven sông, mắt đăm đắm nhìn khúc quanh bên trái như thể ngong ngóng trông chờ ai đó!